Tâm bình đẳng

27 Tháng Mười Hai 201610:04(Xem: 5139)
TÂM BÌNH ĐẲNG
Vĩnh Hanh Thái Chí Bình


tam-binh-dangĐạo Phật xuất hiện ở một xã hội bất bình đẳng nhất trong xã hội loài người tại xứ Ấn Độ cổ đại trên thế gian này: bất bình đẳng về chủng tộc, bất bình đẳng về giới tính và bất bình đẳng về giai tầng xã hội. Khi sự bất bình đẳng hiện diện trong cuộc sống và được duy trì thì sẽ có cơ hội cho một thiểu số nhiều tham vọng sử dụng sức mạnh của vũ lực để cai trị với sự hà khắc và tàn bạo mà không có chỗ để kẻ bị cai trị có thể tranh cãi. Thế nhưng với Thái tử Tất-đạt-đa, sau khi trải qua sáu năm quán sát tìm hiểu và bốn mươi chín ngày đêm thiền định miên mật, Ngài đã thấy được chân lý sáng ngời về bản chất của cuộc sống mà trong đó sự bình đẳng là một yếu tố rốt ráo, không chỉ giữa loài người với nhau mà còn là của tất cả pháp giới chúng sinh. Trong giáo pháp bình đẳng của Ngài, ở phần cơ bản nhất, con đường giải thoát được dẫn dắt bởi nguyên lý Trung đạo, con đường thăng bằng, an ổnvững vàng nhất. Đây là sự đóng góp to lớn nhất của Ngài cả về mặt nhận thức lẫn mặt thực tiễn để xây dựng thế giới hòa bình an lạc, một thế giới biết chấp nhận, bao dung, thông cảm và chia sẻ với nhau.

Đối với đạo Phật, tính bình đẳng của vạn pháppháp tính viên dung vô ngại của chúng sanh; yếu lý này đã được Bồ-tát Thường Bất Khinh hiển bày qua một câu nói mộc mạc nhưng chân thật cung kính: “Tôi không dám khinh chê các vị vì các vị đều sẽ thành Phật…”. Tôn trọng, không phát khởi khen chê, nặng nhẹ, ân oán… không vì sắc tướng mà bởi cái tánh giác, cái năng lực giải thoát bình đẳng trong tâm của mỗi chúng sanh, được ví như “Hạt ngọc trong chéo áo của người cùng tử”. Khi đã thâm nhập thấy biết rốt ráo như thế thì sự tương kính trong giao tiếp xã hội sẽ trở thành nếp văn hóa nhân bản cho con người và cho cả mọi loài chúng sanh; ở đây cần phải hiểu mọi loài chúng sanh chính là môi trường thiên nhiên mà trong đó loài người tồn tại.

1. Nhìn cuộc sống chung quanh, ta thấy sự khác nhau, sự bất công, sự không như ý… là những sự việc xuất hiện thường xuyên và dưới nhiều mức độ khác nhau. Đối với giới sinh vật, sự xuất hiện của hình thức bên ngoài khác nhau, mỗi loài có một tánh cách khác nhau. Đức Phật Thích-ca đã chỉ ra nguyên nhân của việc này là do sự tạo tác của nghiệp lực và do chi phối bởi luân hồi quả báo. Tuy có khác nhau, nhưng bản tánh của các pháp, của muôn loài đều cùng chung một tánh bình đẳngvô thường, hoại diệt. Thấy được tánh này là thấy được cái lý bình đẳng của vạn pháp để có một thái độ sống tôn trọng lẫn nhau. Do tập quán nghiệp, các loài súc sinh tàn diệt nhau theo nguyên lý mạnh được yếu thua, bởi chúng thuộc vào loài nghiệp nặng, vô minh; còn loài người cùng chung lục đạo, khôn hơn, nghiệp nhẹ hơn, nhưng không thể vin vào nguyên lý của súc sinh để biện minh cho những hành động độc ác, bất nhân trong việc đối xử bất bình đẳng với nhau. Khi thấy tính bình đẳng trong chúng hữu tình ở cõi ta-bà này là thấy biết rốt ráo về bản chất của chúng sinh, là có thể từng bước xa rời phân biệt, dứt trừ vô minh tức giải thoát, bình đẳng. Đức Phật đã nói một cách chân thật, dũng mãnh mà không có bất cứ một vị Đạo sư nào khác tuyên nói như thế: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Sự bình đẳng tuyệt đối trong việc khai mở trí tuệ, nuôi lớn lòng từ bi cho mọi loài trong sáu đường luân hồi sanh tử đã khiến mọi sự phân biệt, khác biệt, đối đãi, sai biệt đều rã tan trước sự bình đẳng của trí tuệ của bao dung và của an lạc. Do đó, trong ý nghĩa thâm diệu của giáo lý Phật giáo, tính bình đẳng cũng đồng nghĩa với vô phân biệt, với giải thoát, với Niết-bàn.

2. Nơi gia đình, nhất là đối với những người con Phật, việc thấy được và thể hiện sự bình đẳng trong quan hệ giữa các thành viên với nhau là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng một tế bào xã hội lành mạnh và an vui. Những bất cập trong đời sống gia đình chung qui xuất phát từ cái nhìn, từ hành vi bất bình đẳng. Một trong những nguyên nhân thường xuyên gây ra bất anchấp ngã, lấy cái ta làm chủ. Một khi không thắng được ngã mạn thì đồng nghĩa với phân biệt, sân hận, cống cao. Đây là gốc rễ của mọi khổ đau của gia đình làm đổ vỡ, phá tan an vui hạnh phúc. Để tránh và thoát khỏi cái bẫy của ngã mạn, Đức Phật dạy chúng ta phải thường xuyên quán lý vô thường. Do thấy thân ta cũng như mọi chúng sanh khác đều “bình đẳng” trước sanh diệt; và hơn nữa, tuy có sai khác về thể tướng nhưng trong mỗi chúng sanh đều có một viên ngọc quý giá dù lớn hay nhỏ nó vẫn là chủng tử của năng lực giải thoát, chúng ta cần phải tôn trọng năng lực này, được gọi là Phật tánh, ở mọi chúng sanh. Do đó bên cạnh những yếu tố văn hóa truyền thống, những yếu tố xã hội thời đại, thì sự tôn trọng lẫn nhau, qua thấy biết “tính bình đẳng” tồn tại trong mỗi con người, dù già hay trẻ, là một nhu cầu không thể thiếu cho một đời sống gia đình an lạc bền vững. Những gì xuất hiện gây lo âu khổ đau vì thế mà chấm dứt một cách an hòa: “chồng chúa vợ tôi”, “phu xướng phụ tùy”, “trọng nam khinh nữ”, “môn đăng hộ đối”, “phụ xử tử vong”, “ngôn ngữ bất đồng”… tất cả nhờ thấy biết tinh thần bình đẳng của đạo Phậtđiều chỉnh thân tâm, xoay chuyển hành động, lời nói, tinh cảm theo hướng đầy trí tuệtừ bi với nhau.

3. Nơi học đường, khi tinh thần bình đẳng được thể hiện thì đó là một cơ hội cho việc thực thi một chính sách giáo dục nhân bản, có sự phát triển cân đối hài hòa giữa lợi ích vật chấtlợi ích tâm linh. Do tinh thần bình đẳng mà thấy được mọi sinh linh trong cõi ta-bà đều chịu chung số phận của sinh già bệnh chết, từ đó mà phát triển tình thương đến mọi loài, từ đó mà xây dựng chính sách và thực thi một nền giáo dục bình đẳng, không chỉ lấy con người mà còn chú ý tới tất cả mọi chúng sanh làm trung tâm cho mọi giải pháp giáo dục. Giải pháp đó không thể là sự phân biệt chủng tộc, sự phân biệt giai cấp, sự phân biệt giới tính… mà phải là một nền giáo dục khai phóng trí tuệ, nuôi dưỡng tình thương đồng loại, tôn trọng mọi loài chúng sinh. Khi nền giáo dục không giải quyết được những bất cập trong đời sống do phân biệt đối xử, do bất bình đẳng trong chính sách công… thì cũng đồng  nghĩa với việc nuôi dưỡng sự bất công và gây mâu thuẫn cản trở cho sự phát triển xã hội. Do đó tinh thần bình đẳng là cơ hội của sự nối kết và nuôi lớn giá trị của “Phật tánh” tạo cho tất cả cùng góp phần năng lực trí tuệ và lòng thương yêu của mình cho mọi người cũng như cho mọi chúng sanh được lợi lạc an vui. Điều này cần được thể hiện qua cơ cấu tổ chức, qua hệ thống phân bố ngành nghề và qua các mục tiêu đào tạo nhân lực. Ông bà ta đã nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Chúng ta không thể có một nền giáo dục bình đẳng, nhân bản, phát triển khi nền giáo dục đó được xây dựng trên nền tảng của tinh thần bất bình đẳng, lệch lạc, cực đoan, cũng giống như đã ở ống thì không bao giờ có được bầu tròn.

4. Ngoài xã hội, sự bình đẳng lại càng phải là một yếu tính của một tổ chức xã hội nhân bản, an vui. Tinh thần bình đẳng cho phép chúng ta chấp nhận mọi sai khác về hình sắc, về tính cách, về mức độ nhận thức… mà sự biểu lộ của nó có thể nghiêng về hai phía “tả”, “hữu”; “phải” “trái”; “lành”, “dữ”… cũng như hai cánh đại bàng, nhờ vào sự điều chỉnh linh hoạt của đôi cánh mà chim đại bàng luôn tung mây lướt gió giữa bầu trời bao la. Con đường diệu kỳ đó Đức Phật gọi là “con đường Trung đạo”. Vấn đề cốt lõi của con đường này là “điều ngự” cánh chim, điều ngự “Thân, Khẩu, Ý”, nghĩa là tự làm chủ những ước muốn luôn phát khởi lôi kéo, nghiêng theo dục vọng của từng con người. Sự xung đột, phiền não, khổ đau xuất phát từ đây. Vì thế, điều chỉnh trạng thái cực đoan, chấp trước, phân biệt… là những giải pháp để có đươc sự tự tại của cánh chim đại bàng xòe cánh, thong dong lướt bay nhẹ nhàng về nơi đã định. Đây là tính cách mà trước đây Thánh Gandhi đã dùng để khắc chế lại sự thống trị của thực dân Anh tại Ấn Độ: “Tinh thần bất bạo động”. Tinh thần này đã được đạo Phật nâng lên tầm mật hạnh của bậc Bồ-tát và được tuyên xưng danh vị xứng đáng là Bất Động Bồ-tát. Gọi là Bất Động cũng đồng nghĩa với an nhiên tự tại, với tịch tĩnh, với an lạc, với Niết-bàn. Để có được sự chứng đắc rốt ráo như thế, con người cần phải:

Thâm nhập tinh thần bình đẳng, tinh thần tôn trọng năng lực giác ngộ của tất cả chúng sanh đã được Đức Phật tuyên xưng. Mọi người đều phải tin rằng năng lực này có thể hóa giải mâu thuẫn, đối đầu, sai khác, ngay cả với mọi đối tác của mình.

-Sống với lòng từ bi độ lượng, bởi một lẽ đơn giản là: “Hận thù tiếp nối hận thù; chỉ có tình thương mới hóa giải được hận thù”. Đây là nguyên tắc căn bản trong đối nhân xử thế theo chân tinh thần Phật giáo.

-Thấy được yếu tính rốt ráo của cuộc sống nhân sinh trong cõi ta-bà này là vô ngã, vô thườngvô nguyện. Do đó, làm lành, bớt gây khổ đau cho chúng sanhviệc làm thiết thực nhất, dù với một thái độ đơn giản nhất là “bất động”.

Xu hướng bạo động và tái vũ trang của thế giới trong thế kỷ XXI là một dấu hiệu bất tường cho một ước vọng về một thế giới hòa bình an lạc. Điều này chỉ dấu cho mọi người, mọi quốc gia trên thế gian này, rằng trong thế giớichúng ta đang sống, nguyên nhân gây khổ đau đang ngày càng gia tăng. Những lời dạy mà Đức Phật để lại chúng sanh đã trải qua hơn 2.500 năm, trong đó tinh thần bình đẳng giữa các quốc gia, giữa các dân tộc và trong mỗi cộng đồng của từng quốc gia, giữa mỗi con người, mỗi môi trường sống với nhau cần được coi là một tài sản tinh thần vô giá của một thế giới hòa binh, an lạc. Con ngườithế giới chung quanh của mình được đánh thức bởi sự thấy biết thấu đáo, bởi lòng từ bị vô lượng vô biên, từ những lời dạy tha thiết của Đức Bổn sư Thích-ca thì mới có thể giúp chúng ta dứt trừ mọi tai ách của bất bình đẳng, phân biệt đối xử, ganh ghét…

Bình đẳng có nghĩa là vô phân biệt, vô ngã, vô, không, bình an, tự tại… Tâm bình đẳng là tâm ngay chính, tĩnh lặng, không bị xô nghiêng, kéo lệch, không bị lao xao dậy sóng bởi ngoại cảnh… Khi không giữ được tâm bình đẳng thì tức khắc con người bị cuốn hút vào nghiệp lực của vòng đời sanh tử luân hồi, của vô minh, của sân hận. Phản ứng trước một việc làm hay một lời nói sẽ tác động đến ta như là một nhân duyên khởi phát nghiệp. Trước một hành động thô lỗ, không đúng phép, càn quấy, thậm chí ức hiếp, khinh khi của bất kỳ người nào, nếu chúng ta không có sẵn một tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh thì chúng ta sẽ không thể hóa giải, vượt thoát khỏi sự đối đãi hơn thua, sân hận. Như Thường Bất Khinh Bồ-tát luôn chắp tay hướng về mọi ngườithân sơ, với tâm bình đẳng, hỷ xả, tôn trọng: “Tôi không dám khinh chê các vị…” bởi mọi người còn có một viên ngọc sáng ngời trong tâm. Nhẫn nhịn người khác bởi “quyền bình đẳng” của họ và bởi năng lực “giác ngộ” có sẵn trong mỗi con người; hơn thế nữa, phải thấy mỗi chúng sanh đều là ánh sáng,   là ngọn đuốc soi sáng của trí tuệlòng từ bi mà đạo Phật mang đến một cách bình đẳng cho tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường. ■ (Văn Hóa Phật Giáo 196)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn