Kinh Hoa Nghiêm và Quán Thế Âm – Lắng Nghe Tâm Mà Tu Tập

03 Tháng Giêng 201720:48(Xem: 7552)
KINH HOA NGHIÊMQUÁN THẾ ÂM
LẮNG NGHE TÂM MÀ TU TẬP
Tỳ Khưu Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
 

minh duc trieu tam anh(Giảng tại Chùa Hoa Nghiêm, Melbourne, Australia (10-1-2016)

Hôm nay trong chuyến hoằng pháp Mỹ – Úc, theo lịch trình phật tử sắp đặt, nhân duyên hôm gặp mặt chư đạo hữu chùa Hoa Nghiêm, tôi sẽ trao đổi và làm sáng rõ một vài chi tiết của giáo pháp để tất cả chúng ta, bất cứ Bắc tông hay Nam tông đều phải y cứ vào đấy mà tu học.

Kinh Hoa Nghiêm tôi có đọc qua, cũng biết được cái tinh yếu của kinh. Khi bước vào sân, tôi lại còn thấy tượng Quán Thế Âm; tôi cũng biết được hành trạng của ngài qua kinh Phổ Môn như thế nào. Vậy thì, đề tài hôm nay, chúng ta sẽ liên hệ từ Kinh Hoa Nghiêm, sau đó nghe qua cách tu tập của bồ tát Quán Thế Âm. Phải nắm được cái cốt lõi của kinh thì sự tu tập mới thật sự có hiệu quả. Thứ nhất là làm lắng dịu được tham, sân, phiền não; thứ hai là để phổ quát giáo lý tinh hoa của đạo Phật đi sâu vào thế gian, nhất là thế hệ trẻ đang ngày càng mất niềm tin. Họ đang lấy sở tri, lấy kiến thức khoa học để giải thích tất cả hiện tượng nội tâm cũng như ngoại giới. Hy vọng rằng chúng ta sẽ phá bỏ được tất cả rào cản của kinh điển, cũng như rào cản của bản ngã, kiến thức – vì chính chúng là trở ngại cho sự giác ngộ giải thoát.

 

Về Kinh Hoa Nghiêm

Kinh Hoa Nghiêm quan trọng nhất là ở chỗ nói về “Tứ pháp giới”, đó là: Sự pháp giới, lý pháp giới, lý sự pháp giới và sự sự pháp giới.

Sự pháp giới: là mỗi sự mỗi vật, mỗi đối tượng ngoại giới cũng như nội tâm đều có một cá biệt tính riêng; cá biệt tính của cây cối, hoa lá, loài vật… đều khác biệt hoàn toàn; chúng ta cả trăm người đây cũng đều có cả trăm cá biệt tính, không ai giống ai. Nếu nhân loại có 7 tỷ người thì cũng như vậy mà suy xét. Đi sâu hơn nữa vào bên trong chúng ta, cấu tạo nhân thân này, tình cảm, sở tri, thói quen, sở thích, quan niệm đều khác nhau, mỗi người đều giữ cá biệt tính của riêng mình, mỗi mỗi sai biệt, có giới hạn phân cách, đó là sự pháp giới.

Lý pháp giới: là mối liên hệ tương tác giữa các sự với nhau, là những luật tắc, những định luật tự nhiên của trời đất, các lực, các từ tác động qua lại, tương quan duyên hệ, không có tương duyên, tương sinh thì không có cái gì được gọi là tồn tại. Định luật bảo toàn năng lượng là một nguyên lý phổ quát cho tất cả các lý thuyết vật lý (cơ học, điện từ, vật lý hạt nhân…). Theo đó, trong toàn vũ trụ tổng năng lượng không đổi, nó chỉ có thể chuyển từ hệ này sang hệ khác. Người ta không thể “tạo ra” năng lượng, người ta chỉ “chuyển dạng” năng lượng mà thôi. Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi! Ngay chính trong dòng sanh tử của chúng sanh cũng vậy, chết không phải hết, chết là tiến trình chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác, là dòng chảy bất tuyệt của vô số sát-na sinh diệt, cái sau thừa hưởng từ cái trước mà hoàn toàn không phải cái trước, luôn mới mẻ tinh khôi và nó chưa từng xuất hiện trước đó… Đó gọi là lý pháp giới.

Lý sự pháp giới: Nghĩa là trong cái lý, cái sự đó có sự tương quan lẫn nhau, không gây trở ngại cho nhau, có cái “nhờ lý mà hiển sự”, có cái “nhờ sự mà hiển lý”, lý sự viên dung là vậy.

Sự sự pháp giới: Là trùng trùng duyên khởi, khi một ý niệm, một tác động, mỗi trạng thái phát sinh từ thân, khẩu, ý chắc chắn sẽ tác động qua rất nhiều chiều không gian, liên hệ ảnh hưởng đến cả sum la vạn hữu. Một cá biệt tính, một niệm khởi nhỏ nhoi đủ sức ảnh hưởng đến thế giới này. Trong giáo lý Duyên Khởi, không một thứ gì trên đời này là bé nhỏ đến mức không thể tạo ra những tác động. Ta, đôi khi, dường như vô tâm, nhưng chuyện ta làm, điều ta nói, đề tài ta khai triển, ý niệm ta tư duy… có thể để lại một hậu quả ít nhiều thế nào đó cho thế giới? Có biết bao trẻ vị thành niên sa đoạ, bạo lực và tự tử chỉ vì thường nghe thấy những chuyện ấy xẩy ra trên báo, đài? Huống chi trên vũ trụ này một giọt nước rơi xuống nó cũng không mất đi. Một làn khói bốc lên sau hang núi, chúng tan loãng nhưng cũng không diệt mất. Tinh thần cũng vậy mà vật chất cũng vậy. Ngày nay, khoa học nói rằng “con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas” thì sẽ hiểu được sự trùng trùng duyên khởi tương tác của vạn hữu trong “hiệu ứng cánh bướm” này. Qua đó chúng ta thấy rằng một tác động nhỏ sẽ ảnh hưởng lớn thế nào đến thế giới xung quanh.

Một niệm tâm từ, một khởi ý lành tốt (vô tham, vô sân, vô si) nó lan tỏa vào không gian đa chiều này; một hành động, một cử chỉ, tất cả đều tác động vào thế giới ngoại cảnh. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta luôn phải giữ gìn tam nghiệp thân, khẩu, ý cho được đúng tốt, thanh tịnh. Từ căn bản ấy, trong đời sống thường nhật, chúng ta đôi khi có một khởi niệm, đi kèm một quyết định tâm để tạo cho mình một hướng đi, tạo một ngã rẽ mới có liên hệ với ba-la-mật – thì cái này mới thật là trùng trùng duyên khởi, ảnh hưởng rất lớn đến thế gian, thế giới. Tôi sẽ có ví dụ thực:

Năm 1973, khi đại sư huynh của tôi, thiền sư Viên Minh, lúc ấy đang ở chùa Phật Bảo, Phú Thọ Hoà, Gia Định; huynh khởi tâm về đèo Hải Vân, Lăng Cô lập chùa. Ban đầu chỉ là những mái lá giản dị, sau trở thành một danh lam. Chính ngôi chùa này đã hấp dẫn tôi, nên năm 1974 tôi cũng bỏ Sài Gòn về xin tu học ở đây. Thế rồi bao nhiêu biến động, trùng trùng duyên khởi, ngôi chùa Huyền Không ban đầu ấy bây giờ nó duyên khởi biến hoá thành 3 cơ ngơi ở Huế. Tôi ở Huyền Không Sơn Thượng; hai vị sư đệ của tôi, một ở chùa Huyền Không I, hai ở chùa Pháp Luân, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Và bây giờ thì chư tăng khá đông và cả hằng trăm cư sĩ nam nữ nữa. Vậy, chỉ một khởi niệm của vị đại sư huynh tôi mà nó duyên khởi trùng trùng, nên ở Huế, chúng tôi, chư sư có mặt và hằng trăm Phật tử cũng đang có mặt để tu học. Ngược lại, nếu sư huynh tôi không khởi niệm ấy thì làm gì có chúng tôi và cả thế hệ tăng tục đang và sẽ còn trùng trùng duyên khởi trong tương lai nữa? Và hiện tại, như tôi chẳng hạn, nếu tôi không khởi niệm xin đất trồng rừng thì hiện tại, làm gì có mặt Rừng thiền HKST và đại chúng đang tu học ở đây?

Rộng hơn tí nữa, nếu đức Đạt Lai Lạt Ma không khởi niệm rời bỏ Tây Tạng năm 1959 thì bây giờ làm gì có một hệ Phật giáo Mật Tông đang lôi cuốn hàng ngàn, hàng triệu tăng tục có mặt khắp các châu lục cùng những buổi giảng pháp của ngài có đến trăm trăm ngàn ngàn người nghe? Còn nữa, ví như khởi niệm của thiền sư Nhất Hạnh? Ví như khởi niệm của thiền sư Thanh Từ? Ví như khởi niệm của chư vị thiền sư Thái Lan, Miến Điện? Họ là những nhân cách lớn, sứ mạng lớn, ảnh hưởng Tăng tín đồ Việt Nam và cả thế giới!

Ngược lại, một tư tưởng xấu ác thì tác động cả nhân loại này, quý vị có thể thâm hiểu điều đó, một chủ thuyết, một tư tưởng triết học, một giáo phái…nếu mà chánh kiến, tốt lành thì đem lại an vui hạnh phúc cho nhân loại, nếu là tà kiến, xấu ác thì đến giờ nhân loại cầm súng bắn nhau, giết nhau để bảo vệ chủ thuyết này, tư tưởng kia…

Tóm lại, thế giới Hoa Nghiêmthế giới trùng trùng duyên khởi, học kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy sự tương quan duyên hệ mật thiết với nhau như thế nào, cho nên phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, trong tư duy suy nghĩ, trong hành động việc làm…

 

Cách Tu Tập Của Đức Quán Thế Âm.

Vào chùa, thấy tượng Quan m, tôi mới sực nhớ lại pháp môn tu của ngài Quan Âm như thế nào? Nó có liên hệ gì đến kinh Hoa Nghiêm không? Đại lược, khi đức Phật hỏi bồ-tát Quán Thế Âm tu tập như thế nào, ngài mới trình bày cái thấy biết của mình qua cách tu tập “lắng nghe”. Đây, nguyên văn như sau:

“Sơ y văn trung, nhập lưu vong sở; Sở nhập ký tịch, động tịnh nhị tướng; liễu nhiên bất sanh; như thị tiệm tăng; Văn sở văn tận, tận văn bất trụ; Giác sở giác không, không giác cực viên; Không sở không diệt; Sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”

Vậy thì, mấy câu văn đó nghĩa là gì?

“Sơ y văn trung” – sơ là đầu tiên, y là nương tựa, văn trung là trong chỗ nghe. Lúc đầu phải dựa vào trong sự nghe. Nghe với nghĩa hẹp là lỗ tai nghe. Nghe với nghĩa rộng là lắng nghe tâm, lắng nghe pháp, lắng nghe nội tâm, ngoại giới… Một âm thanh qua tai, một cảnh sắc qua mắt… đều phải lắng nghe như thực, cứ nghe một cách miên tục, cố đi vào dòng nghe là chính, trọn vẹn với đối tượng nghe.

“Nhập lưu vong sở” – vào dòng thì mất chỗ, vì khi cái nghe dõi theo, xuyên sâu vào âm thanh thì âm thanh không còn nữa; khi lắng nghe rốt ráo như thế thì tự nhiên cả âm thanh và người nghe đều mất.

“Sở nhập ký tịch, động tịnh nhị tướng; liễu nhiên bất sanh, như thị tiệm tăng” – Khi đối tượng vào đã lặn vào trong cái nghe rồi thì hai tướng động và tịnh tự nhiên không còn sinh khởi nữa. Đến đây, hành giả đã vào được cận định; khi đó không còn ta, không còn đối tượng, cứ vậy mà tiến dần lên…

“Văn sở văn tận, tận văn bất trụ”– Đến khi cái nghe và đối tượng nghe đều đã dứt, đã yên lặng rồi thì đừng dừng lại, đừng níu giữ, đừng trụ nơi cái chỗ đã dứt và yên lặng ấy. Phật dạy định nhiều quá thì sinh thụ động tiêu cực; hỷ lạc của định dễ làm ta mê đắm, dính mắc sẽ trở ngại cho giác ngộ giải thoát. Định chỉ cần đủ để tâm có thể tỉnh giác, trong sáng. Như vậy, khi tâm đã ổn định thì đừng dừng lại mà kẹt, phải chuyển qua minh sát, quán chiếu.

“Giác sở giác không, không giác cực viên” – Ngay nơi cái năng giác (cái biết) và sở giác (đối tượng biết) cũng phải “không” thì cái “giác không” ấy mới tịch tịnh viên mãn. Theo thiền minh sát tuệ, khi chánh niệm tỉnh giác đúng mức thì sẽ thấy đối tượng đúng thực tánh của nó, tham khởi lên biết tham, sân khởi lên biết sân, đó là giác (tánh giác – cái biết). Tuy nhiên, cũng đừng trụ vào tánh giác đó, vì nếu trụ vào thì ý niệm chủ quan của bản ngã khởi sanh tức khắc (sở giác).

“Không sở không diệt; Sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền” – Rồi cái “năng không” và “sở không” ấy cũng diệt luôn. Khi sinh diệt đã diệt rồi – không bị sinh diệt chi phối nữa – cách nói khác của “vô sinh bất diệt” thì ngay lúc ấytịch diệt hiện tiền (Niết-bàn)!

Đấy, đấy là cái nghe của bậc giác ngộ, nghe bằng trí tuệ quán chiếu (vipassanā ñāṇa), soi chiếu tự thân cho đến chỗ thông suốt trong ngoài, “nhĩ căn viên thông” luôn. Nhĩ căn viên thông không phải là thiên nhĩ thông, mà nghe toàn bộ thân tâm, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều nghe hết, nghe bằng tuệ giác như thực. Hóa ra, ngài Quán Thế Âm dạy cho ta phương pháp lắng nghe bằng tuệ giác; Ngữ nghĩa “ẩn”của Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại đều chỉ pháp tu nội quán, minh sát vipassanā cả. “Quán” là lắng nghe, quán sát, minh sát“thế” là thế gian (loka) thế gian nội giới, thế gian ngoại giới, là toàn bộ thân, tâm, lục căn, lục trần“âm” là âm thanh bên ngoài, bên trong. Khi dùng từ lắng nghe thì phải hiểu theo nghĩa nội quán, nghĩa là quán sát toàn bộ sự duyên khỏi của 6 căn, 6 trần và 6 thức. Quán Tự Tại cũng vậy, là lắng nghe toàn bộ “thân tâm đang là” này, hiện tiền này, “đương xứ tức chân” này! Hình tượng bồ-tát Quán Thế Âm được dựng tượng đài thờ tự nơi này nơi kia phải xem là mặt “hiển” cho quần chúng tín ngưỡng nương tựa; còn mặt “ẩn” là để dành cho bậc trí tu tập.

Xét lại xem, bao lâu nay quý vị lắng nghe bằng tưởng tri (sañjānāti), bằng thức tri (vijānāti), hay bằng tâm (citta)? Nếu bằng tưởng tri thì coi chừng, quý vị sẽ bị vọng tưởng, mộng tưởng, tưởng tượng, hoang tưởng, ảo tưởng chi phối! Nếu bằng thức tri thì coi chừng, quý vị sẽ bị hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm…do vọng thức chi phối; mà vọng thức thì phát sanh ảo kiến, biên kiến, tà kiến, kiến hoang vu, kiến sa mạc, kiến rừng rậm đoanh vây không lối thoát. Nó chính là “cái kiến” của bản ngã chủ quan, cô lập thực tại và đóng băng thực tại. Mọi quan điểm, quan niệm, tư duy triết học, tư duy đạo học, tư duy khoa học…đều thuộc bình diện của thức tri, và nó nằm chết ở hố thẳm này đây! Nếu bằng tâm mà không có tuệ chiếu soi – thì luôn bị tham, sân, phiền não khuấy động, chi phối.

Có người thấy được cái giới hạn tà lộ của tưởng tri và thức tri nên họ tu tập thiền định đạt các trạng thái hỷ, lạc, xả; và họ bảo tâm tôi rất hạnh phúc. Nghe có vẻ đúng, nhưng xin thưa, tất thảy mọi cảm giác, mọi trạng thái, dù tối thượng, chúng cũng phải chịu định luật sinh diệt.

Cao hơn chút nữa, có kẻ ỷ y vào trí của mình, do học hỏi nghiên cứu, tu tập nên “hiểu biết” rất rõ về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo, về Tam Pháp Ấn, về Minh Sát. Ai hỏi đâu trả lời đấy, ngôn ngữ chữ nghĩa lưu loát, đa văn, thông bác. Nhưng xin thưa, đấy cũng chỉ là cái máy nói, cái xác chữ không hơn không kém.

Vậy thì, hãy dùng tuệ giác mà quán xét, soi chiếu cho rõ ràng minh nhiên để thấy rằng cái nào là tham, sân, cái nào là thương, ghét, yêu, hận… đã ngủ ngầm trong ta từ trăm đời ngàn kiếp.

Quý vị hãy thử dùng tuệ tri, tuệ giác mà lắng nghe tâm mình xem thế nào? Có phải là quá ồn ào, huyên náo như bãi chợ chiều không? Có phải là đủ mọi trạng thái xấu, tốt, yêu, ghét không?

Nếu không lắng nghe những trạng thái tâm đó thì tu tập ở đâu, tu tập chỗ nào? Hãy trở về ở tâm mình, đó là việc nên làm đầu tiên. Người nào không chịu dùng tuệ tri, tuệ giác lắng nghe tâm thì dù là van vái lạy Phật, niệm chú, thiền định đều vô ích, chỉ là việc làm ngoài da. Phải nội quán, soi xét từ nơi tâm mà lên đường. Sau khi thấy rõ sum la vạn tượng tương quan tương tác, dính khít với nhau, trùng trùng duyên khởi, một khởi niệm tốt lành tạo sự an vui mát mẻ cho cả thế gian, khởi niệm xấu ác đem đến đau khổ phiền não cho nhân loại… để rồi y cứ vào đấy mà tu tập, đó là pháp môn chung cho tất cả mọi người, cho chư vị đaọ hữu.

 

Cách Lắng Nghe Của Những Dòng Tư Tưởng, Triết Hệ

Trên thế giới này, hiện có 3 dòng tư tưởngDòng tư tưởng phát sanh từ cổ Hy Lạp; dòng tư tưởng phát sanh từ Ấn Độ; dòng tư tưởng phát sanh từ Trung Quốc.

Tư tưởng triết học thuở cổ đại Hy Lạp có thể xây dựng nên được một con người minh triết, thấy biết toàn bộ sự vận hành của thân tâm, sự tương quan giữa cá nhânxã hội. Những bậc hiền triết cổ đại Hy Lạp như Socrate, Platon, họ vừa là nhà đạo học, vừa là nhà hiền triết, nhà tâm lý hay nhà khoa học. Tuy nhiên, đến khi triết gia Aristotle ra đời, ông ta lại say mê lý luận, lấy lý trí luận thức làm vũ khí thì triết học bước qua một ngõ rẽ khác. Luận thức nổi tiếng của ông ta là “Tam đoạn luận”, dẫn đầu môn học lý luận cho triết học Tây Phương. Vậy là từ khi triết gia Aristotle ra đời cho đến bây giờ, toàn bộ 2000 năm Tây phương đều rơi vào tư duy luận thức. Họ tin tưởng vào lý trí, lấy lý trí làm chủ đạo. Và cũng từ đó, lý trí khoa học ra đời, con người bắt đầu hướng ngoại chạy tìm văn minh vật chất; đồng thời sự tiến bộ của khoa học thực nghiệm có thể giúp con người khám phá mặt trăng, sao hỏa và cả vũ trụ…Nhưng cuối cùng, hôm nay, thế kỷ đương đại, họ cũng quay về với nội tâm của Phương Đông, quay về khám phá ngay chính bản thân mình. Hiện nay, không biết bao nhiêu trường đại học trên thế giới đang trở về với “tư duy nội tâm”, đang nghiên cứu, tìm hiểu về Đông Phương học và giáo lý Phật học, thiền học để giải quyết những vấn đề đau khổphiền não muôn đời của con người.

Triết học Ấn Độ thì kế thừa tín ngưỡng tôn giáo, tư tưởng văn hoá dân gian của người Ấn Độ tối cổ biểu hiện ở kinh Vệ ĐàÁo Nghĩa Thư. Nền triết học đó có nội dung cốt yếu là bàn về nguồn gốc của thế giới và mối quan hệ giữa linh hồn và thề xác, về sự giải thoát của tâm linh.“Con người hòa nhập vào đại ngã vũ trụ” (tiểu ngã, Atman hòa nhập đại ngã, phạm thể – Mahātman, Brāhman) là tư tưởng của Bà-la-môn giáo – sau này là Ấn Độ giáo. Họ, được xem như cũng bàn về tâm, về nghiệp báo, về Niết-bàn, nhưng là Niết-bàn hữu ngã. Chỗ nào bất lực, không giải minh được thì họ nhờ ân sủng của thượng đế.

Triết học Trung Quốc cũng được xây dựng trên lý trí suy luận, phán, đoán, nhưng cũng giải quyết được một phần nào đó cho thực tại nhân sinh. Người nào đọc qua Tứ Thư của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử thì thấy rõ, tất cả chúng đều là “hướng nội”, hoặc trở về với thiên nhiên, tự nhiên, như Trang, Lão! Hướng nội nghĩa là hướng vào bên trong, vào tâm. Tuy đã có đi vào tâm nhưng cũng chưa thực sự rốt ráo.

Trên tất cả, chỉ riêng Đạo Phật mới quán triệt, thông tỏ thế giới nội tâm như thế nào? Đạo Phật có một hệ thống tư tưởng được rút ra từ Kinh, Luật và Abhidhamma, được gọi là “như thực, như thị thuyết” chứ không phải là một bộ môn triết học “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” như hệ thống triết học Tây Phương. Đạo Phậttuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận gì cả. Vậy đó, suốt 2600 năm nay, chưa có triết gia nào dám với tới cái gọi là “tuệ giác”, hay là “vô ngã”, hay là “chơn như” hoặc là “giác ngộ giải thoát” ngoài Đức Phật.

Trong thế giới hiện đại này, khoa học ngày càng phát triển, nhất là khoa học vật lý thời hạt hạ nguyên tử. Từ những phân tích, thực nghiệm, các nhà khoa học bắt đầu khám phá ra những mối liên quan mật thiết giữa vật lý lượng tửPhật giáo, họ khám phá ra các “trường”, các “sóng”, các “dây” hạt “quark” không trọng lượng, không hình sắc, có mà không, không mà có, vật chất là ảo, không thật… Tất cả những điều ấy Đức Phật đã thấy rõ, biết rõ cách đây 2600 năm, đã giảng nói đầy đủ chi tiết khi nói về các tế sắc sinh diệt trùng trùng trong Tạng Abhidhamma.

Nói xa như vậy để trở lại vấn đề gần hơn, dù có tu tập như thế nào thì chúng ta cũng không rời khỏi tưởng, thức, tâm, trí, tuệ – Nhưng lưu ý rằng, chỉ có tuệ giác chiếu soi, nhìn ngắm mọi sự mọi vật mới đúng thực tánh được, còn tưởng, thức, trí, tâm là tiến trình cục bộ, sai lầm vì đều nằm trong thế gian pháp, chúng vận hành bởi thế gian pháp, dù lý tưởng có cao siêu, dù trí ta có cao cả thì con đường cuối cùng thành tựu đó là con đường của bản ngã. Cho nên “tất cả mọi con đường đều đi đến Māyā, mà Niết-bàn thì Không Có Con Đường!” Hóa ra không có con đường đưa đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường khi chúng ta đang đi đây. Nói cách khác, không có Con Đường đi đến Diệt Đế, mà Con Đường chính là Diệt Đế!

Nói thì có vẻ cao siêu, có vẻ lý luận, nhưng chúng ta có thể cùng nhau giải minh được tức khắc bây giờ đây! Nói giải minh chỉ là cách nói, chính xác hơn là thực nghiệm minh sát.

Ví dụ, khi nghe một âm thanh qua tai, những sóng âm đó truyền qua không gian theo hình sin sau đó nhĩ căn tiếp nhận theo dạng hình xoắn, truyền đi qua hệ thống thần kinh lên não bộ xử lý, nhờ thức tri ta biết được âm thanh đó là gì, trầm bổng thế nào, hay dở ra sao…vì thức tri là cái biết qua kiến thức, nhận thức, kinh nghiệmlý trí chủ quan nên thường sai lầm, không đúng thực tánh. Tiếp nữa, các trạng thái tâm cũng rất sai lầm, người mà thích âm nhạc, đam mê âm nhạc thì khi nghe một bản nhạc hay thì không biết bao nhiêu cảm xúc dâng trào, cảm xúc đó chỉ tồn tại nơi bản thân người ấy, cái nghe đó đã trải qua ký ức, sở thích, kinh nghiệm, thói quen, sở hành, hoàn toàn chủ quan bản ngã. Tưởng, Thức, Tâm, Trí mà lập định một cái là phân biệt nhị nguyên tức khắc; phải, trái, tốt, xấu, hơn, thua, thiện, ác…cứ theo đó mà phát sinh.

Thế hệ “thất thập cổ lai hy” như chúng tôi, thường tự hào về sở tri, kiến thức, đã đóng cứng nào là lập trường, chủ trương, quan niệm, quan điểm gì đó của mình; khối óc đã căng đầy tư tưởng, hiểu biết, tự ngã, khó có thứ gì chảy vào đầu cho trơn xuôi được. Thiền học cho ta một bài học vỡ lòng là phải cạn hết tất cả những kiến thức, sở tri đó thì may ra giọt nước thiền mới nhỏ vào trong óc được. Bằng không, như thế hệ chúng tôi, càng già chừng nào thì kiên cố, thủ chấp, bản ngã càng sâu dày từng đó, không bao giờ học thiền được. Nói như vậy, có nghĩa là, chúng ta phải làm rỗng không bản ngã, rửa trôi kiến thức mới lắng nghe trọn vẹn chân xác, bằng không mọi sự mọi vật đều là phản ảnh của cái tôi cá nhân, đều là những kiến thức xưa cũ, cùn mòn cả. Có như thế chúng ta mới thấy được thế giới mới mẻ sinh động này mà không là bản sao của kinh nghiệm ký ức. Vật chất, tư tưởng đều là những sát-na sinh diệt trùng trùng, luôn thay đổi từng giây khắc mà chúng ta lại sống trong kiến thức, ký ức cũ kỹ ám khói là điều đáng nên suy ngẫm. Thiền là mở rộng tâm hồn, mở rộng tâm, mở rộng trí, để đón nhận thế giới tinh khôi của thực tại; người nào mở rộng tâm, mở rộng trí, mở rộng nhãn quan, mở rộng tấm lòng và rỗng không bản ngã thì chắc chắn rằng họ sẽ đón nhận mọi sự mọi vật luôn tinh khôi tươi mới. Thiền học dạy cho chúng ta cả nguyên lý và phương pháp để có được tâm thức rỗng lặng trong sáng mà nắm bắt thế giới đương xứ tức chân, thực tại hiện tiền… Lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe… chúng ta bắt đầu lắng nghe để mà tu tập.

Có một lắng nghe khác. Cũng là từ trào lưu triết học Tây Phương tìm đến tư tưởng Đông Phương, tư tưởng Phật học. Tôi nhớ, 40 năm trước, có đọc tác phẩm “Câu chuyện dòng sông” của văn hào người Đức – Hermann Hesse do Ni Sư Trí Hải dịch. Sau này, có dịp gặp và làm việc với tiến sỹ Thái Kim Lan, bà nói rằng: Sư cô Trí Hải dịch tác phẩm đó rất hay và khá chính xác so với bản gốc nguyên tác tiếng Đức – dù dịch từ bản tiếng Anh – điều ngạc nhiên là có một vài đoạn trong bản gốc tiếng Đức bị bỏ hẳn không được dịch. Khi bà dè dặt hỏi Ni Sư Trí Hải lý do về những đoạn chưa được dịch, có phải thiếu ở bản dịch hay bị bỏ sót. Cố Ni Sư cười nhẹ: “Ô, không phải thiếu đâu, những đoạn ấy tôi thấy nó không hợp, nó không hay, làm mất vẻ đẹp của câu chuyện dòng sông nên tôi bỏ không dịch đó chứ!”

Nhưng mà điều quan trọng, tôi đưa ra và muốn nói ở đây, là câu chuyện kể về “hành trạng” của hai nhân vật khác nhau. Thiện Hữu, một người có căn cơ đức tin, chàng đi theo Phật, nhìn ngắm đức Phậtcảm thấy rất an lạc dưới cái bóng mát của ngài. Tất Đạt, một con người tài hoa, trí tuệ, chàng nói rằng “Khi chàng nhìn vào đầu, vào vai Ngài, vào chân, vào bàn tay buông thong thả; chàng tưởng như mỗi đốt ngón tay ngài đều chứa đựng tri thức; chúng nói lên, thở ra, tuôn phát ra chân lý. Người này, đức Phật này, quả là một con người thánh thiện cho đến đầu ngón tay. Chưa bao giờ Tất-Đạt kính trọng một người đến thế, chưa bao giờ chàng thương quý một người đến thế”. Tuy nhiên, vì là người có căn cơ trí tuệ nên chàng không theo gót chân Phật như Thiện Hữu. Con đường đó chàng phải tự khám phá, chiêm nghiệm, thực chứng… Và quả thật, sau thời gian tu tập, chàng dấn thân vào cuộc đời để va chạm, trải nghiệm. Tài sản duy nhất chàng có là “Biết suy tư, chờ đợi và nhịn đói”. Vậy mà, điều đó làm nên một Tất Đạt giàu có, cao sang, quyền lực rồi chìm đắm trong cờ bạc rượu chè hay là một Tất Đạt đam mê, cuồng dại trong tình yêu với nàng kỹ nữ Kiều Lan. Nhưng rồi, cuối cùng chàng nhận ra rằng chàng đã chiến đấu vô vọng với tự ngã, có quá nhiều kiến thức, nhiều thánh thư, nhiều lễ tế, nhiều hình thức ép xác khổ hạnh (như trước đây đã từng) nhiều cố gắng và nhiều tham vọng, chàng đã đặc đầy kiêu căng, đặc đầy khôn ngoan xảo biện…Tự ngã của chàng đã len lỏian vị một cách vững vàng trong tâm thức ấy…Và, sau rốt, chàng bỏ lại tất cả, trở về con đường nội tâm, trở về bên dòng sông xưa cũ năm nào mà chàng đã đi qua trên con đường về kinh thành, trở về để lắng nghe tiếng nói dòng sông, và cũng là lắng nghe trong sâu thẳm tiếng nói của lòng mình.

Cũng vậy, tâm chúng ta cũng là dòng sông, Cho chí, sắc thân này, các cảm thọ, tưởng tri, thức tri, tâm hành này cũng sinh diệt trùng trùng như một dòng sông trôi liên tục. Hermann Hesse gói gọn giáo pháp của đức Phật bằng cách lắng nghe dòng sông tư tưởng, dòng sông tâm lý đang chảy trôi cuồn cuộn trong ta… để rồi trở về con đường “tâm thức vắng bặt, vắng bặt luôn cả bản ngã và lý trí”.

Có một lắng nghe khác nữa là lắng nghe của Krishnamurti, một nhà hiền triết người Ấn Độ. Ông từ chối chức vị tôn quý là giáo chủ Thông Thiên Học để đi tuyên giảng giáo pháp “lắng nghe” khắp mọi chân trời u Mỹ trong 50 năm không mệt mỏi. Cốt lõi lời ông giảng, chỉ là “nguyên lý lắng nghe”, một cách thong dong, rỗng không, tự tại. Lắng nghe nhưng mà vắng bặt lý trí, bản ngã, kiến thức. Ông đập phá tất thảy mọi phạm trù, mọi quy định, lập định của lý trí, mọi khái niệm ước lệ do con người đặt ra. Đúc kết những tư tưởng trong các tác phẩm của Krishnamurti ta thấy rằng, tuy ông giảng nói bằng ngôn ngữ hiện đại cho hội chúng Tây Phương, nhưng nội hàm là tinh thần của 37 trợ đạo phẩm, mà rốt ráo cuối cùng cũng để trở lại mà lắng nghe, lắng nghe thực tại đang là, lắng nghe hiện tiền đang trôi chảy…

Tất cả các trường thiền Minh Sát trên thế giới đều dạy phương pháp lắng nghe, bởi rằng chỉ khi nào biết lắng nghe, nội quán rõ ràng mới thấy rằng thân này, tâm này là hư ảo, huyễn mộng, chúng sinh diệt trùng trùng trong từng sát-na. Một cái đau nơi thân, một cái buồn khổ nơi tâm hoặc là những trạng thái của tâm như tham, sân, thương, ghét chỉ đơn thuần là những cảm thọ sinh diệt vô thường. Người nào lắng nghe trọn vẹn thân tâm này, người nào thấy vô thường, vô ngã ngay giây khắc đang là ấy là đã vô hiệu hóa tham, sân, phiền não…Đó là cái rốt ráo của “tánh nghe”.

 

Lắng Nghe Thế Nào?

Trong chúng ta đây, ai cũng có một mảnh trăng sơ thủy, viên minh tinh khiết. Thiền tông gọi là “bản lai diện mục” là bộ mặt thật xưa nay, hoặc là cái cố quận, quê hương, cái chỗ muôn thủa bình an ở trong chính mình. Theravāda nói rằng, tâm chúng ta vốn trong sáng thuần tịnh mà ta đã bỏ quên để chạy theo các cảm giác, cảm thọ, các thức, các tâm, hay chạy theo trí hiểu biết kiến thức đa năng đa hiệu mà không bao giờ lắng nghe mọi sự mọi vật bằng tuệ giác, nói rốt ráo hơn, là lắng nghe bằng tuệ tri, tuệ giác, tuệ minh.

Tuệ tri nghĩa là cái biết sơ khởi, là biết như thực, thấy cái đau ghi nhận“đau à, đau à” thế thôi, đừng xen những câu hỏi vớ vẩn vào cái đau thuần túy ban đầu ấy “tại sao lại đau, cái gì làm tôi đau, răng mà đau dữ ri.” Ghi nhận trạng thái thuần túy ban đầu nơi thân tâm này gọi là tuệ tri. Tương tự, những người hành minh sát đến chỗ niệm tâm thì như thế này “tham à, sân à”…như vậy là ghi nhận tham, sân như thực, ngang đó thôi, đừng phân tích biện biệt nhĩ ngã, lý luận, suy đoán; đừng xen vào lý trí, vọng tưởng, ý niệm – vì nó sẽ phá vở cái bình yên như thực ban đầu ấy.

Và cứ thế lên đường, kinh nguyên thủy gọi là Tứ Niệm Xứ, tức bốn chỗ niệm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Là lắng nghe trọn vẹn thân, thọ, tâm, pháp – để tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng mà lắng nghe thôi, đừng làm gì cả; thuật ngữ kinh điển gọi là “vô vi, vô tác, vô hành”. Chỉ cần lắng nghe như vậy thì dầu tham, sân, si có đến thì cũng tự đi theo định luật của tâm và pháp. Đó là nguyên lý tu tập Tứ Niệm Xứ.

Hóa ra, trong thế giới Hoa Nghiêm, sau khi đưa thực tại trùng trùng duyên khởi của ngoại giới để trở về duyên khởi nội tâm, trở về với Thập Nhị Duyên Khởi, vì nó là cốt lõi của giáo pháp: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai”. Nói cách khác là phải minh sát tiến trình vận động, duyên khởi của vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử theo chiều thuận, chiều sinh và cả theo chiều nghịch, chiều diệt – vòng duyên khởi trùng trùng vô tận đó. Thế là từ từ duyên khởi ngoại giới ta đã trở về với duyên khởi nội tâm . Vậy thì, từ Hoa Nghiêm đến Quán Thế m hay Tứ Niệm Xứ đều dạy chúng ta trở về mà lắng nghe, quán chiếu nội tâm. Khi tuệ tri thuần thục gọi là tuệ giác, khi tuệ giác thuần thục là tới tuệ minh; nó trong sáng vằng vặc, thấy rõ trọn vẹn (giác ngộ), không còn dính mắc bên ngoài, không còn dính mắc bên trong (giải thoát).

Như vậy là tôi đã tóm gọn và cô đọng giáo pháp tinh yếu của Đức Phật; và muốn nói với chư vị rằng, là dù tông phái nào, tu tập kiểu gì cũng nhằm để lắng dịu tham, sân, phiền não. Hoặc là để tìm về cõi an lành hạnh phúc cho bây giờ và mai sau; xa hơngiải thoát luân hồi sinh tử. Đó là lộ trình tương đối phổ cập cho phần đông đại chúng không phân biệt tông hệ, đại thừa hay nguyên thủy. Đó cũng là thông điệp của chính Đức Phật từ ngàn xưa:“Như nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị là vị giải thoát!”

Thời pháp hôm nay xin chấm dứt ngang đây, kính chào tất cả chư phật tử.

 

PHẦN HỎI ĐÁP

Câu hỏi 1: Phương pháp lắng nghe của Ngài Quán Thế Âm là một trong những phương pháp tu rất hay; ngoài ra còn phương pháp nào nữa để trở về với tâm, để thấy ra bản lai diện mục của mình. Xin Sư chỉ dạy thêm cho chúng con được rõ.

Trả lời: Có nhiều phương pháp tu tập khác nhau, tùy theo căn cơ của mỗi người mà chọn phương pháp tu tập thích hợp. Có người thích niệm Phật, người thích niệm chú, người thích tham thiền…Tuy nhiên, cũng phải biết giới hạn của từng pháp môn. Phương pháp lắng nghe âm thanh ngoại giới, nội tâm của ngài Quán Thế Âm hay lắng thân, thọ, tâm, pháp của Tứ Niệm Xứ đều là cái rốt ráo nhất trong sự tu tập đó.

Ví dụ, khi niệm lục tự Di-Đà (hay niệm danh hiệu Phật bên nguyên thủy) thì mới ngang nhất niệm (cận định), không thể nhất tâm (định) và cũng chưa thể có tuệ giác. Đó là nguyên lý! Khi đạt nhất niệm, tức cận hành định thì tâm không còn tán loạn, tâm không còn điên đảo, tâm đã thanh tịnh (tham ưu, phiền não đã lắng dịu). Nói cách khác, “nhất cú Di Đà vô biệt niệm (nhất niệm), bất lao đàn chỉ đáo Tây phương”. Và khi tâm đã thanh tịnh rồi thì “tuỳ kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, ở đây và bây giờ.

Cái lắng nghe của ngài Quán Thế Âm là lắng nghe của tuệ giác “tận văn bất trụ, giác sở giác không…không giác cực viên, tịch diệt hiện tiền”, đó cũng là phương pháp tu quán minh sát tuệ (vipassanā) trong Tứ Niệm Xứ vậy.

Câu hỏi 2: Trước khi Đức Phật thành đạo, ngài có có tu pháp môn “lắng nghe”Quán Thế Âm không?

Trả lời: Trước khi thành đạo, đức bồ tát Siddhattha Gotama có hai vị thầy, đó là đạo sư Ālāra Kālāma và đạo sư Uddaka Rāmaputta dạy cho Ngài đắc hai tầng thiền cao nhất là Vô sở hữu xứPhi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng ngài cũng từ bỏ. Đêm tu tập để thành đạo, Ngài nghĩ: “Đối với bát định tự ngàn xưa ta đã thuần thục. Tuy nhiên, phương pháp đi vào các định ấy có sự dẫn đạo mạnh mẽ của dục tham và sở đắc; do vậy, khi an trú các tầng định cao nhất thì bản ngã và tham ưu nó vẫn còn nằm ẩn ở đấy dưới dạng tiềm miên”. Rồi ngài chợt nhớ lại: “Thuở năm tuổi theo vương phụ dự lễ hạ điền, ta đã ngồi kiết già yên tĩnh, để tâm thức trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ mà ta đã và định rất dễ dàng! Vậy thì sao ta không đi vào từ định này, tức là ly dục, ly sở đắc, ly bản ngã để đi vào các tầng thiền xem nó ra sao?”

Thế rồi Siddhattha Gotama để tâm trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ, lát sau cả một khối thân tâm đã trở nên thuần nhất; không thấy trong, không thấy ngoài, không thấy ngã, không thấy ngã sở; ngài chỉ thấy hơi gió vào ra, càng lúc càng nhẹ, càng mỏng… Rồi dần dần, làn gió ấy chợt trở nên sáng trong… Siddhattha Gotama lần lượt đi vào sơ thiền, rồi nhị thiền, rồi tam thiền, rồi tứ thiền một cách dễ dàng, dường như không có một gắng sức nào. Trú định một hồi, Siddhattha Gotama trở lại cận hành, ngài suy nghĩ: “Phải rồi, đầu tiên đi vào định này không có các dục, bản ngã và sở đắc thì sau khi chứng đạt nó thì ta cũng với tâm giải thoát, không dính mắc nó”. Với cảm nghiệm ấy, Siddhattha Gotama trú định trở lại, hoàn toàn vững chắc, kiên cố, ngài lại xuống cận hành, sử dụng tầm và tứ hướng tâm đến tiền kiếp… rồi đắc Túc mạng minh… rồi Thiên nhãn minh. Cũng ở mức độ cận hành định, Đức Phật quán Ngũ uẩn, Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế rồi đắc Lậu tận minh, chứng quả Chánh Đẳng Giác.

Vậy thì rõ ràng, ngài cũng lắng nghe, soi chiếu Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế hay chính là minh sát, là lắng nghe các cảm thọ, các trạng thái tâm hành đó chứ.

Câu hỏi 3: Khi Sư dạy phương pháp lắng nghe của Ngài Quán Thế Âm, sư giảng rõ thêm để có được sự lắng nghe một cách rốt ráo, trọn vẹn, làm sao để hướng cái nghe vào nội tâm và để cái nghe trôi chảy một cách tự nhiên, không trụ, không bám.

Trả lời: Thật ra, duyên khởi từ ngoài vào trong như một dòng chảy, khi nghe một tiếng chửi bên ngoài, lỗ tai tiếp nhận âm thanh khó chịu đó rồi dẫn vào bên trong theo hệ thống thần kinh để đưa lên não bộ xử lý, rồi từ đó phát sinh bực bội, sân hận…Lộ trình qua các mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều như vậy mà suy xét. Bởi vậy, quý vị phải quan sát sự duyên khởi đó từ ngoài vào trong một cánh trọn vẹn, tự nhiên, như thực.

Câu hỏi 4: Trong bài giảng, Sư có nói đến Thiền Minh Sát, vậy thì Sư có thể chỉ dạy thêm khi quán sát bốn Niệm Xứ (thân, thọ, tâm, pháp) làm sao đưa đến Tuệ tri được?

Trả lời: Ngay khi thấy như thực là Tuệ tri rồi đó, khi tham thì thấy tham như thực; khi sân thì thấy sân như thực là tuệ tri rồi. Kinh văn nói “tham tuệ tri tham, sân tuệ tri sân”.
Như ngày xưa, tổ Đạt Ma dạy cho Huệ Khả quán tâm như thế này:

Huệ Khả thưa: Tâm con “không an” xin thầy “an tâm” cho con?

Tổ Đạt Ma mỉm cười (vì chắc là ngài nở nụ cười trong tâm): Đâu? Đâu nào? Tâm “không an” của ông đâu, đưa ra đây ta “an” cho!

Có lẽ Huệ Khả “lắng nghe” một hồi rồi thưa bạch: Con đã cố tìm rồi nhưng không thấy!

– Vậy là ta đã “an tâm” cho ông rồi đó!

Đúng thế! Vậy là tổ “đã an” rồi! An mà không an gì cả! Truyền tâm mà chẳng truyền cái tâm nào cả. Hóa ra, Đạt Ma dạy quán “tâm pháp” đó thôi! Tại sao? Vì khi Huệ Khả quay lại tìm kiếm tâm, quán tâm, lắng nghe tâm thì khi ấy chính ông ta đã khởi tuệ tri (pajānāti) để nhìn ngắm. Và ông ta đã “tuệ tri được cái tâm bất an” ấy, đã nhìn như thực nó, nhìn ngay cái bản lai diện mục của nó, không đánh giá, không phê phán, không thủ, không xả! Đây đúng là bản sao y gần như nguyên văn câu kệ Pāḷi trong kinh Tứ niệm xứ, đức Phật dạy về lắng nghe tâm, quán tâm, minh sát tâm: “Asamāhitaṃ vā cittaṃ asamāhitaṃ cittaṃ ti pajānāti (Tâm bất an, tuệ tri tâm bất an). Hoặc là: “Thấy như thực thấy, nghe như thực nghe… biết như thực biết…” nhan nhản trong các Nikāya. Cái “tâm bất an” ấy chính là cái đang là, đang hiện thực, đang hiện tiền, nó chính là cái thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko); nó chính là pháp như thực tánh (sabhāva dhamma). Rõ ràng là do nhờ căn trí cao, Huệ Khả tức khắc “ngộ” ra nên quỳ xuống sụp lạy. Vậy là Đạt Ma đã trao tâm ấn “lắng nghe” cho Huệ Khả để ông ta làm đệ nhị tổ Thiền Đông độ.

 

Tỳ-khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn