Hạt Giống Hạnh Phúc và Khổ Đau

11 Tháng Tư 201709:06(Xem: 5550)

HẠT GIỐNG HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU
Thích Đạt Ma Khế Định
Nhà xuất bản Hồng Đức 2017

hat-giong-hanh-phuc-va-kho-dau

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Trước khi vào đề tài chính, tôi xin hỏi quý Phật tử, trong cuộc sống giữa đời thường này, quý Phật tử thích hạnh phúc, hay thích khổ đau? Ai mà thích khổ đau, phải không? Dưới con mắt giác ngộ của Đức Phật, hạnh phúc hay khổ đau có mặt trong giờ phút thực tại này là do ai đem đến? Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng quý Phật tử đề tài: “Hạt Giống Hạnh Phúc Và Khổ Đau”.

– Tôi xin hỏi quý Phật tử: hạnh phúc hay khổ đau bắt nguồn từ đâu?

– Dạ, từ mình.

– Từ mình mà từ đâu chứ? Từ đâu mà nó bắt nguồn, nó phát xuất?

Dưới con mắt giác ngộ của Đức Phật, hạnh phúc hay khổ đau bắt nguồn từ các hạt giống thời quá khứ, phát xuất từ nơi tàng thức, tức là ý. Ý ngày xưa trong thời quá khứ chúng ta tạo tác như thế nào đó, mình tưởng rằng mất, nhưng mà nó không mất. Ở đây tôi dẫn chứng một đoạn trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rất rõ:

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.

Đức Phật nói trong các pháp thì ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo ra. Nếu chúng ta miệng nói lời thiện, thân hành động thiện, và ý nghĩ thiện thì nó theo suốt ba thời: từ quá khứ đến hiện tại, rồi kéo dài đến vị lai. Nếu chúng ta khởi lên một niệm xấu ác, niệm ô nhiễm, mình tưởng rằng nó mất, nhưng thật ra không mất. Hôm nay tôi muốn chia sẻ cùng quý Phật tử: Thiền đối chiếu với Duy Thức Học.

Câu Pháp Cú này Phật dạy tại Xá Vệ cho Trưởng lão Maha Pala. Vào thời Đức Phật, có một vị trưởng giả rất giàu mà không có con. Một hôm trên đường đi ngang qua một gốc cây cổ thụ lớn, ông nghĩ rằng gốc cây cổ thụ này có thần ở, nên đến đảnh lễ và cúng dường rất nhiều. Ông tha thiết cầu khẩn để cómột đứa con, trai hoặc gái gì cũng được. Một tháng sau, ông rất vui mừng vì vợ ông có thai. Đủ chín tháng mười ngày, người vợ sanh ra một đứa con trai rất dễ thương, kháu khỉnh, ông đặt tên là Maha Pala. Một thời gian sau, bà tiếp tục có thai và sanh thêm một đứa con trai, ông đặt tên là Maha Cula. Ông rất mừng nên xây một bức tường bên gốc cây và đặt hai người con tại chỗ đó, ý ông là nhờ gốc cây này mà ông sanh được hai người con. Khi con lớn, ông cưới vợ cho cả hai. Một thời gian sau, ông qua đời.

Lúc bấy giờ, Đức Phật thành tựu quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, Ngài vận chuyển bánh xe chánh pháp đi ngang qua ngôi làng của hai anh em này. Một hôm, người anh thấy Phật tử cầm hoa đi rấtđông, nên hỏi họ đi đâu. Một số vị trả lời rằng:

– Ông không biết sao, Đức Phật đã thành tựu quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, hôm nay Ngài đến thôn xóm này để chuyển vận bánh xe chánh pháp.

Người anh nghe đến tên Đức Phật tự nhiên tâm thức Ngài rúng động. Điều này có nghĩa là trong quákhứ ông đã từng biết Phật pháp. Sau đó ông đến nghe Phật nói pháp thoại, bài pháp Tứ Diệu Đế, nói về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Phật nói rằng cuộc đời này cho dù sự nghiệp nhiều cách mấy thì ngày cuối cùng của cuộc đời, ai cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng. Do căn duyên đã thuần thục, nên chỉ với một bài pháp, anh ý thức lời Đức Thế Tôn nói, và quyết tâm xuất gia đầu Phật.

Đức Phật chấp thuận cho Maha Pala xuất gia nhưng hỏi anh gia đình có còn ai không. Maha Pala thưa rằng còn một người em. Người em lúc đầu khóc lóc nhưng cuối cùng cũng đồng ý cho anh mình xuất gia.

Sau khi xuất gia, Phật hỏi:

– Con thích pháp học hay pháp hành?

Pháp học có nghĩa là những người mười tám, mười chín, hai mươi tuổi vào xuất gia thì vừa học vừa hành. Giống như ở Thiền viện Trúc Lâm, người nào nhỏ tuổi vào xuất gia, Hòa thượng bắt vừa học vừa hành luôn. Còn những người lớn tuổi xuất gia chỉ cần chuyên pháp hành thôi, học ít cũng được, miễn lànắm được yếu lý.

Thấy mình cũng lớn tuổi nên Thầy Maha Pala xin Đức Phật pháp hành. Sau khi xin pháp hành, Thầy dắt sáu mươi Thầy Tỳ kheo đi đến một khu rừng để hạ thủ công phu. Pháp thiền của Đức Phật hay pháp thiền của Hòa thượng ngày hôm nay đều tu trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Trưởng lão Maha Pala thấy mình lớn tuổi mới đi tu nên quyết định trong ba tháng phải chứng quả vị A-la-hán. Vì thế ngài chỉ tu ba pháp hành, tức là ba oai nghi: Đi, đứng, ngồi chứ không nằm. Không nằm ngủ mà ngồi suốt nên mắt ngài bị sưng và chảy ghèn. Một vị tu sĩ biết nghề thuốc do Đức Phật gởi đến vì Phật biết trước tai nạn sẽ xảy ra, khuyên Trưởng lão Maha Pala phải ngủ, nếu không sẽ hư cặp mắt. Dù biết mắt sẽ bị mù, vị Trưởng lão này nhứt định chuyên ngồi chứ không nằm. Quả nhiên một tháng sau ngài bị mù. Nhưng ngay trong giờ phút thực tại con mắt ngài không còn nhìn thấy gì nữa thì ngài chứng quả A-la-hán, được sáu thứ thần thông và những thắng trí của một bậc Trưởng lão.

Quý Phật tử thì sao? Chẳng hạn như biết chắc chắn một tháng nữa mình chứng đạo mà bị mù cặp mắt thì quý Phật tử chịu không? Mình đổi cặp mắt thế gian lấy cặp mắt xuất thế gian, chịu chứ sao lại không!

Sáu mươi Thầy Tỳ kheo đi theo thấy sư huynh mình chỉ một tháng mà chứng quả vị A-la-hán nên nỗ lực tu, hai tháng sau cũng chứng quả vị A-la hán luôn.

Cho nên mình tu mà có bạn đồng hành là phước rất nhiều. Mình được gặp trên Hòa thượng, dưới làquý thầy có năng lực tu, giới hạnh thanh tịnh là do cái phước may của mình, để từ đó mình tinh tấn đi lên và phát nguyện nhiều đời nữa.

Ngày xưa khi các Thầy tu chứng được quả vị A-la-hán, Phật rất vui mừng tán thán, bởi vì Phật ra đời mục đích là mong tất cả chúng sanh đều tu chứng quả vị này, chứ Ngài không mong muốn điều gì khác.

Sau khi chứng quả vị A-la-hán, mãn hạ, sáu mươi Thầy Tỳ kheo về đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình bày sở tu, sở học, sở chứng của mình. Đức Phật rất tán thán. Ngài thấy Trưởng lão Maha Pala tuy lớn tuổi nhưng gắng sức tu hành chứng quả vị A-la-hán, nên cho một hương thất để ở và chuyên tu.

Một hôm có một số tăng sĩ ở phương khác đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và hỏi:

Bạch Đức Thế Tôn, vị Trưởng lão này chứng quả vị A-la-hán, đã bước vào con đường thánh quả rồi, nhưng vì nghiệp gì mà bị mù hai mắt?

Đức Phật kể: Vào thời quá khứ lâu xa, vị trưởng lão Maha Pala này là một thầy thuốc, được gọi là thần y, chuyên chữa về mắt. Mắt người nào mờ, kéo màng sắp mù, chỉ cần nhỏ một giọt thuốc của trưởng lão là bớt liền.

Thôn xóm nọ có một bà mắt bị sưng, nhức chịu không nổi. Bà đã đi rất nhiều thầy thuốc nhưng không ai chữa cho bà khỏi bệnh. Một hôm trên đường đi bà khóc, tình cờ gặp vị thầy thuốc này, ông hỏi nguyên nhân, bà kể bệnh và nói:

– Nếu ai trị lành mắt của tôi, tôi sẽ hầu hạ suốt đời, không những tôi mà tôi còn bảo cả con trai và con gái cùng đến để hầu hạ người đó.

Vị thầy thuốc nói:

– Được!

Sau đó ông về nhà, bào chế thuốc đưa cho bà. Nhỏ vào, mắt bà hết nhức và sáng trở lại. Sau khi sáng mắt bà hối hận nghĩ rằng: “Mình dại quá, một mình mình đến hầu hạ được rồi, các con mình có tội gì mà cũng phải đến hầu hạ ông ta.”

Nghĩ thế, bà liền đến gặp thầy thuốc và nói:

– Tưởng thuốc ông hay lắm, nhỏ vào bây giờ mắt tôi mờ hơn.

Ông thầy thuốc biết ngay bà nói dối, bèn nói:

– Tôi còn có loại thuốc hay hơn nữa, không những nhỏ vào mắt liền sáng, mà còn sáng hơn ngày xưa nữa.

Bà mừng quá nói:

– Vậy ông cho tôi thuốc đó đi!

Ông lẳng lặng bào chế một loại thuốc làm cho mắt mù. Nhỏ vào, mắt bà không nhìn thấy gì nữa, bà bị mù luôn. Do niệm ác đó, mà bây giờ dù đã chứng quả A-la-hán, nghiệp ác đó vẫn theo ông suốt cả quãng đời.

Ở đây tôi phân tích cho quý Phật tử thấy, ngày xưa ngài làm việc thiện cứu người, nhân đó không mất. Nhờ nhân duyên đó mà ra đời ngài gặp Đức Phật tu chứng quả vị A-la-hán. Nhưng nhân ác gieo cũng không mất! Đó là cái hay, là đặc điểm của Đạo Phật.

Như vậy một niệm xấu ác vừa khởi lên chúng ta không biết chuyển hóa, mà dùng Thân, Khẩu, Ý tạo tác thì đúng nhân đúng duyên thành quả. Nhưng trong cuộc sống giữa đời thường này quý Phật tử nên nhớ có những hạt giống mình tưởng là thiện, nhưng sâu xa trong đó có những hạt giống ác, quý vị tin không? Nếu ở kiếp quá khứ, tâm vị Trưởng lão Maha Pala này chỉ có hạt giống thiện thôi, thì dù cho bà này nói dối cách mấy cũng không dính dáng gì đến ông. Nhưng tâm ác của bà tương ưng với hạt giống ác củaông thầy thuốc, vừa tương ưng là nó khởi lên liền. Tâm ác bà vừa khởi tức khắc tương ưng với tâm ác củaông: “Bà xạo tôi cho bà chết!”.

Như vậy trong cuộc sống giữa đời thường này, quý Phật tử tu không phải chỉ ngồi thiền một tiếng hay hai tiếng mới là tu, mà muốn tránh nhân quả là phải tu từng phút từng giây, tức là phải kiểm soát từng tâm niệm của mình. Rõ ràng như vậy!

Câu chuyện thứ hai: Tôi có quen một vị cư sĩ ở bên Úc, cặp mắt vị này bị mù. Ông kể khi vượt biên đến được nước Úc, ông làm nghề đánh cá. Mỗi khi xuống biển, ông thường bắt những con còng hay con cua, ngắt cặp mắt của chúng rồi bỏ lên bờ nhìn chúng chạy lủi lủi cho vui. Niềm vui đó không được bao lâu, một hôm trên đường đi, xe ông bị tai nạn. Trên xe có sáu, bảy người nhưng không ai bị gì hết, chỉ có ông bị hai nhành cây đâm vô hai con mắt, làm cho ông bị mù. Có những trường hợp trong giờ phút thực tại chúng ta trả quả xấu ác chúng ta đã làm. Mặc dù làm chơi thôi, không ngờ nhân quả tác động. Nhưng nhờ như thế ông lại biết được Phật pháp. Sau khi bị mù, hiểu lý nhân quả, ông phát tâm quy y với Hòa thượng.

Như vậy những hạt giống mà chúng ta gieo tưởng rằng mất, nhưng thật ra không mất, nó nằm yên đó, đủ nhân đủ duyên nó tác động, và chúng ta phải trả quả xấu ác chúng ta đã gieo. Cái hạt giống được gieo đó, nó ở đâu? Quý Phật tử biết nó gieo ở đâu không?

Bây giờ chúng ta liên hệ qua phần Duy Thức:

Hạt giống đó được gieo trong tàng thức của mình, là thức thứ tám. Ý thức là thức thứ sáu. Năm thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, là tiền ngũ thức. Thức thứ bảy mạt na thức gọi là truyền tống thức. Ở đây tôi liên hệ một phần nhỏ nữa để quý Phật tử hình dung ra được. Câu chuyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân tiêu biểu cho tám thức này. Ngô Thừa Ân là người rất giỏi về Kinh Lăng Già, Duy Thức họcTâm Kinh Bát Nhã, đã viết truyện Tây Du Ký từ câu chuyện có thật Đường Tam Tạng thỉnh Kinh mà Tam Tạng tiêu biểu cho thức thứ tám.

Trong câu chuyện này Tôn Ngộ Không, chỉ cho thức thứ sáu, là ý thức của chúng ta, gặp bất cứ nạn gìđều thỉnh Quan Âm Bồ Tát. Bởi vì Quan Âm Bồ Tát chiếu kiến ngũ uẩn giai không, mà chiếu kiến ngũuẩn giai không thì tai ách đều qua hết. Câu chuyện Tây Du Ký rất hay, nhưng điều chúng tôi muốn nêu lên ở đây là trong tàng thức này hạt giống tốt xấu thiện ác gì Tam Tạng đều nhận hết, tức là bất cứ hạt giống tốt hay xấu, thiện hay ác, khi đã được gieo vào thức thứ tám thì nằm đó, không bao giờ mất.

Bây giờ tôi hỏi, quý Phật tử tu học mình hiểu hết, đúng không? Chẳng hạn mình hiểu kiến tánh thành Phật là sao, mình biết là Niết Bàn ở đâu, biết chứng Niết Bàn sẽ như thế nào, hiểu rõ. Nhưng quý Phật tử thấy thực hành khó không? Đâu phải chuyện đơn thuần!

Một hôm Tề Thiên Đại Thánh nói:

– Thầy đi thỉnh Kinh chi cho nhọc, bây giờ con bay cái vù lấy Kinh về, phải nhanh hơn không?

Nhưng Tam Tạng nói:

– Nói vậy đâu có được, phải đi.

Phải có lộ trình đi gặp tám mươi mốt nạn, những nạn đó tiêu biểu cho tâm sở (xem chú giải cuối bài) của mình, quý vị nhớ kỹ điểm đó. Ý thức của mình hiểu rất rõ về cảnh giới của Đức Phật, nhưng mà phải bước qua những chặng đường của tâm sở. Cho nên cái ý thức của Tôn Ngộ Không hiểu rất nhanh, xẹt một cái là xong liền, nhưng mà phải đi. Bây giờ quý Phật tử ngồi đây nhắm mắt lại thấy Sài Gòn không? Thấy chứ! Nhưng không đi ngồi một chỗ làm sao tới được! Cho nên Đạo Phật thù thắng, thù diệu mà rất hợp khoa học, không có mê tín dị đoan.

Câu chuyện Tôn Ngộ Không hay một điểm nữa, Tôn Ngộ Không lúc mới sanh ra cặp mắt chiếu thấu suốt hết những cảnh giới của tầng trời ba mươi
ba, lúc bấy giờ cặp mắt đó thấy được các pháp đều vô thường. Tuy hiểu các pháp là vô thường, là khổ, làkhông, là vô ngã, nhưng mà cũng bị Phật tổ Như Lai nhốt ở năm ngón tay. Năm ngón tay ở đây tiêu biểu cho ngũ uẩn (xem chú giải cuối bài), là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Có nghĩa là tâm thức của chúng ta mong muốn được giải thoát hết tất cả các khổ uẩn này, nhưng bị ngũ uẩn trói buộc, nó dính cứng, nókhằn lại.

Quý vị nhớ đoạn tiếp không? Sau khi nhốt được Tôn Ngộ Không, các vị thần già-lam yết-đế vô bạch Phật rằng Tôn Ngộ Không rất muốn thoát ra. Phật nói không sao, dán lá bùa vô trán là đứng yên không thể nhúc nhích. Lá bùa này tiêu biểu cho căn bản vô minh (ngu si), mà căn bản vô minh dán lên cái đầu mình rồi thì hết nhúc nhích luôn. Chỉ có Tam Tạng mới tháo được lá bùa này chứ không phải Quán Âm Bồ Tát. Quán Âm Bồ Tát chỉ điểm thôi. Sau khi được Tam Tạng gỡ lá bùa rồi, Tôn Ngộ Không nói:

– Thầy hãy đi thật xa, con chỉ cần vùng một cái là nổ bung lên hết.

Ở đây Tam Tạng tiêu biểu cho người hành giả muốn phá cái ngũ uẩn này cho nát ra. Muốn vậy phải đi qua lộ trình Kinh, Luật, Luận. Kinh, Luật, Luận mới chỉ là tam huệ học thôi, muốn đi thẳng vào trung tâm giác ngộ thì chúng ta phải bước qua lộ trình Giới, Định, Tuệ. Rất là hay! Tôn Ngộ Không sau khi phá vỡ ngọn núi này rồi thì không khác gì Đức Phật bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội Bồ Đề phá tan ngũ uẩn này. Khi ngũ uẩn này được phá sạch thì thanh thản, thảnh thơi, tự tại. Mà muốn được như thế chúng ta phải bước qua lộ trình Giới, Định, Tuệ. Còn Bát Giới ở đây tiêu biểu cho Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân của chúng ta luôn dính mắc, dính tham dục, dính đủ thứ chuyện.

Ở đây tôi nêu ra một chỗ nữa để quý Phật tử thấy được rằng thức thứ tám này luôn luôn nhận giữ những hạt giống, không có mất:

Tâm là đất gieo hạt
Mọi hạt giống gieo đầy
Tâm địa cũng chính là
Toàn thể hạt giống ấy.

Trong bài kệ Duy ThứcĐức Phật nói: tâm là đất gieo hạt, mọi hạt giống gieo đầy. Nghiệm lại trong cuộc sống của mình, có những lúc quý Phật tử rất thánh thiện, bao dung, tha thứ giống như là Bồ Tát Quán Âm vậy. Có nghĩa là trong đời quá khứ quý Phật tử đã từng gieo những hạt giống thánh thiện này vào. Nhưng cũng có những lúc quý Phật tử tật đố, ích kỷ, xan tham, đủ hết. Có nghĩa là trong thời quákhứ chúng ta đã gieo rất nhiều hạt giống, cho nên nói tâm là đất gieo hạt, mọi hạt giống gieo đầy. Gieo rất là nhiều! Bây giờ quý Phật tử muốn tránh những hạt giống xấu ác, hay là muốn gieo nữa?

Muốn tránh những hạt giống xấu ác thì một niệm xấu ác vừa khởi lên, quý Phật tử phải tìm cách chuyển nó, có nghĩa là không tưới tẩm những giọt nước vô minh nữa thì những hạt giống xấu ác này từ từ nó chết, mà nó chết thì quý Phật tử chuyển được nghiệp.

Đức Phật dạy trong Kinh Lăng Nghiêm rằng các chúng sanh sống luôn luôn gieo những hạt giống. Ởđây tôi nêu ra ba hạt giống thôi:

Hạt giống thứ nhất: Hạt giống ngã mạn. Tâm chúng ta hay chấp ngã, mà chấp ngã thì ngã mạn. Thấy mình học giỏi, rồi thấy mình tu hay, thấy tất cả thấy:

“Hạt giống ngã mạn lấn lướt lẫn nhau, phát sinh ỷ thế với nhau, dong ruổi mãi không dừng, vì thế nên cóbôn ba sôi nổi, chứa sóng lại thành nước, ví như có người miệng lưỡi tự chép làm cho bọt nước chảy ra, hai tập khí chọi nhau nên có các việc sông máu, sông tro, cát nóng biển độc, bắt uống nước đồng sôi.”

Đức Phật dạy mình tu làm sao được khiêm nhường, vô ngã để khi cận tử nghiệp (xem chú giải cuối bài) đến, quý Phật tử chuẩn bị từ giã cõi đời, thì những hạt giống khiêm nhường, bao dung tha thứ đẩy quý Phật tử đến miền sâu thẳm của tâm thức, từ cái miền sâu thẳm đó quý Phật tử được giải thoát. Còn hàng ngày mình cứ gieo những hạt giống ngã mạn, rồi ỷ thế lấn lướt với nhau, thì tự nhiên lúc vừa tắt thở, tâm thức quý Phật tử biến hiện ra sông máu, sông tro, cát nóng, biển độc rồi bắt quý Phật tử uống nước đồng sôi. Mình tưởng là Phật, Bồ Tát hay Thánh thần nào bắt uống, nhưng thật ra chính tâm thức của quý Phật tử nótương ưng tác động ra.

Cho nên hàng ngày tại sao quý Phật tử phải ngồi thiền. Ngồi thiền là để chuyển hóa những hạt giống này, không bao giờ cho chúng ghi trong tàng thức mình nữa. Vừa khởi một niệm ngã mạn, chuyển hóa liền. Tất cả Đức Như Lai mười phương nhận xét ngã mạn là uống nước si mê. Chẳng hạn ngày hôm nay quý Phật tử vừa khởi một niệm ngã mạn, mà uống một ly nước, thật ra là quý Phật tử đang uống nước si mê, chứ không phải là nước ngọt hay nước gì khác hết. Bồ Tát đối với tâm ngã mạn tránh như tránh vực thẳm.

Hạt giống thứ hai chúng ta hay gieo là :

“Hạt giống nóng giận, xung đột lẫn nhau, phát sanh chống đối lẫn nhau, chống đối mãi không dừng, tâm nổi nóng phát lên lửa, nên cái khí đúc thành kim thuộc vì thế nên có núi đao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe, búa rìu, thương, cưa… ”

Hàng ngày nếu quý Phật tử luôn luôn khởi niệm nóng giận thì lúc vừa chết tự nhiên thấy núi đao, đòn sắt, cây gươm, búa rìu, thương, cưa… cắt xẻo quý Phật tử. Mình tưởng rằng mình nổi nóng lên không cógì nhưng mà vừa dấy một hạt giống nóng giận lên là nó đã nằm trong đó chờ sẵn. Quý Phật tử nhớ kỹđiểm đó!

Ấn Độ có tục lệ khi người chồng nổi nóng thì người vợ bưng thau bạc nước đến rửa chân cho chồng, nhờ rửa chân mà hỏa hạ xuống. Nhưng dù cho hỏa hạ cách mấy, thì cái đó chỉ là phần phụ thôi, mà phần chính đi vào trung tâm giác ngộ giải thoát của đạo Phật hay của thiền là phải chuyển hóa những hạt giống này. Ở đây ý chúng tôi muốn nói là mình phải kiểm soát từng niệm. Ngày xưa tôi làm nhàkhách, có hai vợ chồng hay đến Thiền viện. Biết họ hay cãi lộn, tôi mới kể về tục lệ rửa chân nói trên, hy vọng nếu họ chưa chuyển hóa được, mỗi lần người chồng vừa nổi nóng thì cô vợ múc thau bạc nước vào cho chồng rửa chân để hạ bớt nóng giận. Nghe xong cô vợ nói : “Rửa hả, con tạt vô mặt ổng luôn chứ rửa gì.” Cho nên tôi nói việc này chỉ là phần phụ thôi, mà phải chuyển trong tàng thức của mình.

“Ví như có người bị hàm oan thì sát khí nổi lên, hai tập khí chống chọi nhau nên có việc thiến, cắt, chém, chặt, dùi đâm, đập đánh. ”

Những hình ảnh đập, đánh, cắt, chém, chặt, dùi, đâm…mà quý Phật tử xem trong những bộ phim chiếu cảnh địa ngục, là tâm thức, hạt giống của quý Phật tử ngày xưa khi sống đã gieo, mà gieo rất nhiều. Chút gì cũng không chịu được, chút gì cũng giận, là quý Phật tử phải coi chừng dù cho quý vị tu pháp môn nào.

 Hạt giống thứ ba:

“Hạt giống vu họa làm hại lẫn nhau phát sanh vu báng, như thế nên có núi ép, đá ép, cối xay, cối nghiền, cày bừa.”

Chẳng hạn người đó không hề ăn trộm hay ăn cướp, quý Phật tử lại đến chính quyền nói họ trộm cướp nên họ bị bắt, bị đánh đập. Do gieo những hạt giống vu họa như thế, vừa tắt thở thì hiện ra núi ép,đá ép, cối xay cối nghiền, nghiền nát quý Phật tử. Bởi vì trong đời sống hiện tại, quý Phật tử không biết tu tập, không biết chuyển hóa lại vu họa cho người khác, thì cái nghiệp này nó đến với quý Phật tử, chứ không có Thần thánh, Phật Tổ nào giáng cho quý vị hết. Cho nên ở đây nói là hạt giống cất chứa trong kho tàng thức của mình, nó nằm yên đó chứ không mất.

Kinh Bản Duyên có kể câu chuyện: Có cô gái đến tinh xá gặp một thầy Tỳ-kheo, Thầy đã lớn tuổi nên mắt hay chảy ghèn. Cô gái thấy vậy nói:

– Mắt của Thầy Tỳ-kheo này giống như cặp mắt con quạ mù.

Vị Tỳ-kheo này đã chứng quả vị A-la-hán, nghe cô gái nói như thế nên bảo với cô rằng:

– Thầy đã chứng quả vị A-la-hán, con nói vậy là có tội, con phải nên sám hối. (sám hốiăn năn những lỗi lầm đã phạm từ trước và chừa không làm những tội lỗi từ nay về sau)

Sau khi sám hối, cô tránh được hai nghiệp là nghiệp địa ngục và nghiệp ngạ quỷ, nhưng nghiệp súc sanh không tránh được. Nghe câu chuyện này Đức Phật nói:

– Cô gái này do chê bai Thầy Tỳ-kheo đã chứng quả vị A-la-hán giống như con quạ mù, sau này bị năm trăm kiếp làm con quạ mù.

Quý vị nên nhớ, mình mà tác động đến bậc chân tu, nếu biết ăn năn sám hối thì tránh được nghiệp địa ngục và ngạ quỷ, nhưng nghiệp súc sanh thì phải chịu, không tránh được.

Tôn giả A-Nan đến thưa thỉnh với Đức Phật:

– Đức Thế Tôn là một bậc thù thắng thương xót chúng sanh mà tại sao lại thọ ký như thế?

Phật nói:

– Nếu ta không ra đời, hoặc ta ra đời thì pháp này nó là như thị.

Có nghĩa là không phải Phật thọ ký mới bị, nhưng nhờ cặp mắt giác ngộ của Phật thấy xa cho nên Phật nói cho mình hiểu. Nhiều khi mình làm việc ác mà cái quả mình không thấy gì hết. Ngày hôm nay tuy không có Phật ra đời, mình nương vào lời gì để tu, quý Phật tử nhớ không? Một là hiện lượng, hai là tỉ lượng, ba là Phật ngôn lượng.

Hiện lượng có nghĩa là hiện thời, hiện tại mình chứng nghiệm, mình thấy được. Tỉ lượng là so sánh. Chẳng hạn mình thấy người đó do tai nạn cụt chân, hay cụt tay, thì mình biết người đó khổ. Hoặc mình thấy người đó đang sống hạnh phúc, đang tọa thiền đang tu tập thì biết người đó đang hạnh phúc. Nhưng tại sao mình không ở trong hoàn cảnh đó mà biết khổ hay là biết sướng? Cho nên gọi là tỉ lượng, là so sánh. Cũng vậy, tuy mình không chứng nghiệm được sâu sắc như Phật, nhưng nhờ lời của Phật dạy, tức là Phật ngôn lượng. Phật biết sâu xa“Các con mà gieo các hạt giống đó rồi, nó không mất, mà nó nằmđó đủ nhân đủ duyên nó tác động đến các con”. Nhờ vậy mình tránh để tu tập, chuyển hóa.

Trong Kinh Xuất Diệu, Đức Phật dạy bài kệ kiết thực. Phật dạy các thầy Tỳ-kheo từ nay trở về sau, trước khi ăn phải đọc kệ kiết thực này:

Tâm là gốc pháp
Tâm quý tâm khiến
Tâm nghĩ điều ác
Vừa nói làm ngay,
Tội khổ theo mình,
Như xe cán đường.

Lúc ấy trong thành Xá Vệ có hai người ăn mày, người ăn mày thứ nhất sau khi nghe bài kệ này tự nhiên khởi niệm ác: “Sau này nếu ta giàu có, được làm vua, ta sẽ cho xe cán chết hết những vị Tỳ-kheo này.” Sau khi được các Thầy Tỳ-kheo cho ăn no, người này ra gần đường nằm ngủ, bị một trăm chiếc xe bò đi ngang qua cán bể đầu chết. Do khởi một niệm ác với các thầy sa môn, sau khi chết thần thức củaông rớt xuống địa ngục A-tỳ, chịu rất nhiều khổ nạn.

Ngược lại, người ăn mày thứ hai lại khởi nghĩ: “Nếu sau này ta được giàu sang, được làm vua, ta sẽ thiết một bữa trai cúng dường suốt trong ba tháng cho các thầy sa môn này.” Sau khi ăn no, ông đến gốc cây nằm ngủ. Ngày hôm ấy vua nước này chết nhưng không có con nối dõi, các quan mới nghĩ cách: “Bây giờ đi ra thành phố, đến các thôn làng, nếu thấy ai có tướng quý, phước tướng thì đưa về để thế ngôi vua.” Do năng lực phước thiện của người này khởi niệm thiện, nên trong lúc ngủ dưới bóng cây, có một đám mây ngũ sắc chiếu ở trên, thần tướng của vị này phát ra một ánh sáng dịu, các quan đại thần thấy như thế nên rước về làm vua.

Sau khi lên làm vua, ông nhớ lại ngày xưa khi còn là ăn mày nghèo khổ, chỉ khởi có một niệm thiện thôi, mà ngày hôm nay được cái quả rất thù thắng, nên ông cung thỉnh Đức Phật và các thầy sa môn đến cung để cúng dườngĐức Phật nhân đó nói bài kệ:

 Tâm là gốc pháp
Tâm quý tâm khiến
Tâm nghĩ điều lành
Vừa nói làm ngay
Phước vui tự theo
Như bóng theo hình.

Vừa khởi một niệm thiện, miệng nói lời thiện, nhưng mà cái thân có làm chưa? Nãy giờ tôi nói những trường hợp ý vừa khởi, miệng nói, chỉ có hai nghiệp thôi. Nhưng quý Phật tử nhớ kỹ là cái thân trong giờ phút thực tại nó rung động, nó tác động là có chiêu cảm về nghiệp. Thí dụ như quý Phật tử tức giận, khởi một niệm ác lên, miệng nói lời ác, tuy cái tay quý Phật tử chưa đánh người ta, nhưng thân quý Phật tử nó vi tế, nó rung động mình không thấy. Từ những rung động đó nó rớt lại những hạt giống xấu ác trong tàng thức của quý Phật tử. Thành ra đủ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý! Đạo Phật rất là hay!

Chỉ cần khởi một niệm thiện thôi mà mây lành chiếu lên, cho nên nói: “Người thiện trên đầu mây lành chiếu, giữa sọ thằng hung gió đuổi theo.” Bây giờ khoa học đã thấy được là trên đầu của người tu hành thanh tịnh có năng lực lớn, có một vầng hào quang sáng, dịu mát. Ở đây cũng vậy, vừa khởi một niệm thiện thì tự nhiên có một năng lực lớn, lớn đến mức mà các quan đại thần đến thấy rước về cung Vua. Cho nên khởi niệm rất quan trọng, mà hàng ngày quý Phật tử cứ khởi suốt, tưởng nó không là gì nhưng mà nó đều ghi trong đó.

Một bà nọ ở bên Mỹ có ba đứa con nhỏ, bà đi làm về chúng cứ khóc suốt. Mỗi lần chúng khóc như vậy bà nói: “Tụi bay mà khóc nữa, tao vô tao bóp cổ.”

Bà nói vậy thôi chứ đâu có làm, nhưng một hôm bà bóp cổ ba đứa chết hết. Quý Phật tử thấy không? Con ruột của mình! Bởi vì ngày nào cũng khởi lên mà! Ngày nào cũng khởi lên thì nó không mất, đủ nhân đủ duyên nó tác động ra thành hành động. Cho nên tại sao hàng ngày quý Phật tử phải tọa thiền, phải sám hối. Mình phải kết duyên thật sâu với Tam Bảo, mai kia quý Phật tử sinh ra đời, đi ngang qua một ngôi chùa, nhờ tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng trống gì đó thức tỉnh, rồi mình biết quy y Tam Bảo, hoặc xuất gia đầu Phật. Hay lắm, cái hạt giống nó không mất.

Hôm trước tôi giảng cho quý Phật tử bài “Pháp Bảo Là Tối Thượng.” Nghe một bài Kinh thôi, mình tưởng nó mất, nhưng thật ra không mất, nó nằm yên đó đợi sẵn. Giống như Lục Tổ Huệ Năng, đi ngang qua khách điếm, nghe tụng Kinh Kim Cang“Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh – hương – vị – xúc – pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền triệt ngộ làm Tổ. Nghe một câu Kinh làm Tổ luôn, quý vị nghĩ làm Tổ dễ hay khó? Không dễ cũng không khó! Sở dĩ Lục Tổ Huệ Năng chỉ cần nghe một lần nó tác động, nó bung ra hết những hạt giống kia, là vì vô lượng kiếp Tổ đã gieo, giống như quý Phật tử ngày hôm nay gieo. Nếu mình không gieo hạt thì lấy gì gặt quả?

Có người nói con nghiệp nặng quá, thôi khỏi tu, vui chơi cho thoải mái, sung sướng luôn. Mà càng làm như vậy thì:

Một kiếp không tu, muôn kiếp khổ
Một đời không ngộ, vạn đời sầu

Thì cứ không tu đi, một kiếp không tu muôn kiếp khổ, mà một đời không ngộ được bản tâm của mình thì vạn đời sầu!

Tu là phải khéo:

Khéo khéo lúc dụng tâm,
Khéo khéo không tâm dụng,
Không tâm khéo khéo dụng,
Thường dụng khéo khéo không.

Tu nhưng không chấp sự tu, tu mà không trụ vào pháp nào hết. Dễ làm không? Ở đây tôi dẫn chứng tiếp, lần lần đi vào công phu:

 Mê ngộ và khổ vui
Sanh tử và Niết-bàn
Danh xưng và tướng trạng

Trong Duy Thức học nói hạt giống có nhiều loại: có hạnh phúc, có khổ đau, rồi có mê, có ngộ, có khổ, có vui, có sanh tử, có Niết-bàn. Chúng ta gieo hạt giống bố thí cúng dường, là đang gieo hạt giống gì? Gieo hạt giống thiện pháp, hạt giống hạnh phúc. Rồi về nhà thấy con cái không đáp ứng nguyện vọng của mình, quý Phật tử khởi một niệm sân hận lên, thì trong lúc này quý vị đang gieo hạt giống gì? Đang gieo hạt giống khổ, xấu ác!

Đức Phật ra đời chỉ dạy cho tất cả chúng sanh các pháp là khổ, mà nói khổ thì phải làm gì cho vui? Cho nên nói Niết-bàn. Nói phiền não thì phải có pháp gì đối trị? Có pháp Bồ-đề. Như vậy các pháp mà Đức Phật nói ra: Mê Ngộ, Khổ Vui, Sanh tử Niết-bàn là các pháp tương đốiđối lập, chứ không phải làchỗ cứu cánh rốt ráo.

Cho nên quý Phật tử phải đi vào trung tâm giác ngộ, phá sạch hết những hạt giống này, tức là hạnh phúc và khổ đau. Cái mà quý Phật tử cho là hạnh phúc cũng chỉ là bóng dáng che lấp bản tâm của quý Phật tử, cho nên ngày hôm nay mình làm cách gì đó để phá luôn chứ không có trụ nữa.

Thí dụ sáng nay hay chiều nay quý Phật tử đến cúng dường quý Hòa thượng, cúng dường thầy Trụ Trì, hạt giống hạnh phúc này phá luôn, không có trụ, mà không trụ thì thấy khổ hay là vui? Hoặc quý Phật tửđem đến cúng dường tôi cái đồng hồ, như vậy cái đồng hồ này của ai? Cái đống hồ này ba đời nhà quý Phật tử để lại nên rất là quý, nhưng vì kính tôi quá nên cúng dường cho tôi. Vừa cúng thì tôi cho người khác liền trước mặt quý Phật tử. Người mà tôi cho lại oán tắng hội khổ với quý Phật tử, có nghĩa là người mà quý Phật tử không ưa, hỏi thật quý Phật tử có buồn không? Buồn là trong lúc cho, quý Phật tử trụ vào cái đồng hồ này. Nếu không buồn, không khổ gì hết, là quý Phật tử vô trụ, mà vô trụ tức là giải thoát.

Cũng giống như trong kinh Pháp Hoa, muốn thấy tháp Đa Bảo thì Phật phải trụ lên hư không, tức làvô trụ. Hay một điểm là tháp này cũng lơ lửng giữa hư không luôn. Muốn thấy tháp Đa Bảo thì phải vôtrụ. Ở đây tôi muốn nói Mê Ngộ, Khổ Vui, Sanh tử, Niết-bàn quý Phật tử phải quét sạch luôn, thì mới đi thẳng vào chỗ trung tâm giác ngộ của nhà Thiền. Đến giai đoạn này quý Phật tử phải tu thôi, phước thiện cũng nhiều rồi. Làm việc phước thiện thì làm, nhưng phải tu, phải chuyển hóa.

Trong An Quốc Ngữ có ghi lại câu chuyện: Tướng quân Nam Mộc Chánh Thành, một hôm trước khi xuất trận đánh quân ở Tần Xuyên, ông ghé thăm thiền sư Minh Trực Sở Tuấn ở chùa Quảng Nghiêm,ông hỏi Sư như thế này:

– Bạch Hòa thượng, khi sanh tử đến thì phải làm sao?

Gặp mình, mình nói sao? Rút kiếm đánh hay đỡ, hay gì đó, hay nói gặp sự sống chết đến, thì con phải lên ngựa con chạy. Nói vậy là chết, cho thuốc không đúng bệnh!

Nhưng đối với thiền sư, khi sanh tử đến phải làm thế nào? Thiền sư đáp:

– Hai đầu đều chặt đứt, một kiếm chống trời băng.

Hai đầu đều chặt đứt, là hai đầu gì? Sanh tử, Niết-bàn, Mê Ngộ, Khổ Vui. Không trụ vào các pháp đónhưng mà suốt qua các pháp, tức là chặt đứt hai đầu, thì “Một kiếm chống trời băng”. Nghe vậy tướng quân Chánh Thành hỏi tiếp:

Vậy thì cuối cùng phải làm như thế nào?

Lúc này Sư hét to một tiếng, tức khắc vị này sụp xuống lạy ba lạy. Thiền sư ấn chứng luôn:

– Ông đã triệt ngộ rồi.

Cuối cùng phải làm sao? Hai đầu đều chặt đứt: mê ngộ, sanh tử, hay hạnh phúc khổ đau, bố thí cúng dường hay có những hạt giống nào đó quý Phật tử phải chặt chém hết, thì ngay trong giờ phút đó phải làm sao? Phải uống nước thôi chứ làm sao! Uống mà biết suốt hết cái uống, là một kiếm chống trời băng! Ngay chỗ hai đầu đều chặt đứt hết rồi thì phải làm sao? Là đang sống! Ai biết được chỗ chặt đứt hai đầu đó?

Quý Phật tử có nhớ mẫu chuyện Lục Tổ Huệ Năng khai thị cho thượng tọa Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác.” Nghe như khờ khờ ngáo ngáo. Nhưng đối với cặp mắt nhà thiền, cái gì suốt được chỗ không nghĩ thiện không nghĩ ác, suốt được cảnh giới thiện và ác? Mà suốt được chỗ đó rồi thì hai đầu đều chặt đứt, một kiếm chống trời băng. Ngay tức khắc quý Phật tử thể nhập.

Quý Phật tử cứ tu đi, tu như thế tôi đảm bảo quý Phật tử không sợ vọng tưởng. Tại sao? Một vọng tưởng xấu ác khởi lên, cái gì biết được chỗ đó? Một niệm mê thì có một niệm giác. Một ngày quý Phật tử có một ngàn niệm mê thì có một ngàn niệm giác. Mà hết mê thì còn cái gì? Toàn giác chứ gì. Như vậy pháp môn Thiền rất là thực tế, chỉ cần chuyển những hạt giống đó thôi, chứ không cho quý Phật tử chế ngự, không cho đè những hạt giống này mà chỉ có ánh sáng theo dõi. Một lúc nào đó những hạt giống này thưa dần và hết, và chuyển hóa luôn.

Tôi khẳng định một lúc nào đó quý Phật tử sẽ đến cảnh giới đó. Tôi chưa được nhưng mà tôi dám khẳng định! Chưa được mà sao lại dám khẳng định? Tôi chứng nghiệm điều đó lúc tôi nhập thất. Dù là chỉ có một sát na thôi nhưng tôi tin đường hướng của chư Phật, đường hướng của Hòa thượng dạy đúng pháp của Phật.

Chỉ cần một sát na thôi rồi mất thì được cái gì của Tổ Bồ Đề Đạt Ma? Mình sánh mình như Tổ làkhông được rồi. Lúc Tổ Bồ Đề Đạt Ma chuẩn bị về nước, Ngài nói các đệ tử ra trình kiến giải, Ngài Đạo Dục bước ra thưa:

Không chấp văn tự, không lìa văn tự, đó là cái thấy của con.

Tổ nói:

– Ngươi được phần da của ta.

Bà Ni Tổng Trì bước ra thưa:

– Cái thấy của con giống như Tổ A-nan nương thần lực của Phật, thấy cõi Phật A Súc rồi mất.

Tổ nói:

– Ngươi được phần thịt của ta.

Cõi Phật A Súc là cõi Phật bất động, cõi Phật vô trụ. Chỉ cần Tổ A-nan một lần chuyển hóa trở về tri kiến của mình, tri kiến Phật, thấy một lần thôi rồi mất, thì cũng được phần thịt của Tổ.

Như vậy trong lúc quý Phật tử ngồi thiền, tu tập, chỉ cần một sát na nó lóe lên chỗ đó thôi thì quý Phật tử cũng có niềm tin. Hạt giống này, muôn đời muôn kiếp sau này quý Phật tử thành Phật thì cũng ở chỗ này chứ không phải tìm ở chỗ nào khác, tôi khẳng định điều đó.

Tôi dám khẳng định bởi vì tôi nghiên cứu trong Kinh Nikaya, A-hàm đến Phương Đẳng Bát-nhã, tất cả chư Phật chư Tổ nói ra cũng nhằm chỗ này, không có đâu lạ hết, quý Phật tử cứ tin giùm tôi đi. Chắc chắn thành Phật chỉ là ngay chỗ này thôi, không thêm mà cũng không bớt, trở lại là con người nguyên thủy ban đầu của mình:

Hạt giống của thân tâm

Giới, địa và thế gian
Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng.

Giới là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Địa là thập địa của Bồ Tát.

Một là tình thế gian, là thế giới của loài người và cầm thú. Hai là khí thế gian, núi sông, không khí, tráiđất. Tất cả đều nằm trong tàng thức của mình, duy trì nằm trong đó hết. Bây giờ khoa học vẫn không chứng minh được điểm đó. Có nghĩa là cái thấy cái biết, tất cả mọi cái phân biệt chi li đều được cất chứa, phát khởi từ nơi chơn tâm của quý Phật tử. Sở dĩ ngày hôm nay quý Phật tử vừa thấy các pháp liền lao theo là vì quý Phật tử chưa trở về cái gốc. Một khi trở về cái gốc, trở về chơn tâm rồi thì các pháp không trói buộc quý Phật tử nữa, lạ kỳ điểm đó.

Cho nên tại sao mà các Thiền sư tự tại đi vào cuộc đời này. Bởi vì các Ngài đã trở về cái gốc rồi cho nên các Ngài thõng tay vào chợ. Còn mình bị lệ thuộc các pháp, bị các pháp trói buộc, chưa trở về cái gốc thì mình thõng tay vào chảo, phỏng tay, nóng cháy luôn. Quý vị nghe câu chuyện thõng tay vào chảo chưa?

Thiền thoại có ghi: Một vị tăng trong pháp hội Thiền sư Bạch Ẩn nói rằng mình là Phật rồi nên xé Kinh đem chùi đít. Ông nói ông là Phật rồi mà! Phật mà chùi đít Phật thì đâu có sao! Câu chuyện đến tai Thiền sư Bạch Ẩn, Ngài nói:

– Ông nghĩ lầm rồi, nếu ông là Phật thật, thì ông phải lấy giấy trắng, tức là giấy thanh tịnh mà chùi. Như vậy mới gọi là Phật.

Nghe vậy vị tăng này thức tỉnh. Có những dịch giả đề tựa câu chuyện này là “Thõng tay vào chảo”.Mình chưa được mà mình tưởng là được, mình bị các pháp trói buộc, mình chưa trở về cái gốc. Mà chưa trở về cái gốc thì bị những cảnh giới này nó chi phối mình.

hạt giống sẵn có
hạt giống trao truyền
Huân tập thời thơ ấu
Cả thời gian thai nghén.

Có những hạt giống sẵn có, quý Phật tử nghiệm lại xem, từ lúc còn nhỏ rồi lớn lên có ai dạy mình đi bố thí cúng dường không, mà tự nhiên sao mình thích bố thí cúng dường. Là vì trong thời quá khứ mình đã từng gieo những hạt giống bố thí cúng dường, đã từng gieo những hạt giống tọa thiền tụng kinh, sám hối, rồi biết kính tin Tam Bảo, cho nên bây giờ nó có sẵn và ứng ra hành động.

Rồi có những hạt giống trao truyền do cha mẹ mình, do hoàn cảnh xã hội trao truyền lại cho mình, nó nằm trong đó.

 Từ gia đình bè bạn
Nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có,
Tính cách riêng và chung.

Có nghĩa là do gia đình bè bạn huân tập cho mình những hạt giống đó.

Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức.

Hàng ngày quý Phật tử gieo hạt giống gì thì nó đều nằm sâu trong tàng thức của quý Phật tử và ứng ra mọi hành động, Nhìn vào người ta biết người này đang tu thiền, hoặc đang tu tịnh, hoặc là người chuyên bố thí cúng dường chứ không tu cũng không chuyển hóa.

Hạt giống tu tập, oai nghi phép tắc mình gieo hàng ngày, có một lúc nào đó đi ra đường mình cũng giữ được. Người nào lên Sài Gòn thấy nhà lầu cứ ngửa cổ nhìn là biết người đó đã huân hạt giống của một xã hội nghèo cùng khốn khổ, cho nên thấy gì lạ thì nhìn. Còn mình tu thiền cặp mắt phải nhìn xuống, oai nghi phép tắc cũng phải như thế nào đó. Cho nên mình đi ra, người ta nhìn biết người này cóoai nghi, phép tắc, có mô phạm (mô phạm có nghĩa là mẫu mực, chuẩn mực để mọi người noi theo) hay không. Bởi vì nó nằm sâu bên trong và ứng ra, tác động ra thân khẩu ý.

Hạt giống A-lại-da
tiếp nhận duy trì
Và làm biểu hiện ra
Hạt giống cùng tập khí

Quý Phật tử gieo hạt giống nào thì nó ứng ra hạt giống đó. Vậy ở tại gia tu hành có được giác ngộ giải thoát không? Có chứ! Cho nên trong Kinh Na Tiên Tỳ-kheo, vua Mi-lan-đà nói: “Như vậy ở nhà tu chứ quý thầy vô chùa làm chi?”

nhà tu với phương pháp của Đức Phật hay của Hòa thượng chỉ dạy, cũng được giác ngộ giải thoát, nhưng nói thật là nó sẽ chậm. Tại sao chậm? Nếu vợ chồng hiểu nhau, cùng tu tập, cùng chuyển hóa thìrất là nhanh. Nhưng có khi người chồng tu, người vợ lại không tu, hoặc người vợ tu, người chồng không tu. Do đối nghịch như thế, tự nhiên đường công phu của mình bị chậm lại. Còn vào đây rồi quý Thầy chỉ một bề chuyên đi đến đích đó thôi. Vì thế ngày hôm nay quý Phật tử phải phát nguyện con bố thí cúng dường nguyện mai này ra đời được xuất gia đầu Phật, tu cho đến chỗ rốt ráo.

Cho nên quý Phật tử thấy chúng tôi bây giờ ngồi yên tu hành, đâu có làm gì, nhưng tại sao cũng cócơm ăn áo mặc? Một phần là do chúng tôi ngày hôm nay vay nợ quý Phật tử. Phần thứ hai là nếu trong thời quá khứ chúng tôi không bố thí, không cúng dường thì ngày hôm nay chắc gì được ở yên tu. Rõ ràng! Cho nên ngày hôm nay quý Phật tử bố thí cúng dường, là làm cái nền tảng mai này. Nếu quý Phật tử đủ nhân duyên xuất gia thì cái quả thù thắng sẽ đến với quý Phật tử.

Trong Kinh, Đức Phật diễn tả có những vị chứng quả A-la-hán rồi mà không có cơm ăn, là do trong thời quá khứ các vị này chưa từng bố thí cho ai một hạt cơm nào hết. Quý Phật tử nhớ kỹ điểm đó. Cho nên người mà hàng ngày huân tập những hạt giống phiền não xấu ác thì đều biểu hiện lên hết.

Thiền thoại có ghi lại câu chuyện:

Có một vị cư sĩ hay đến thiền viện của Thiền sư Vô Đức cúng dường hoa. Một hôm vị cư sĩ này đến đảnh lễ Thiền sư Vô Đức, ông nói:

– Không biết ngày xưa con tạo nghiệp gì mà bây giờ con tu hành hay bị chướng.

Thiền sư hỏi:

– Chướng làm sao?

Ông nói:

– Mỗi lần con đi chùa về là bị bà vợ con cằn nhằn suốt. Hòa thượng có bí quyết gì chỉ cho con.

Thiền sư Vô Đức nói:

– Hàng ngày ông đến đây cúng dường hoa, muốn hoa hàng ngày tươi thắm thì ông phải làm sao?

Vị cư sĩ nói thật tình:

– Muốn hoa tươi thắm thì hàng ngày con phải đến thiền viện thay nước, cắt bỏ những chỗ bị úng.

Thiền sư liền khai thị:

– Khi về nhà, vợ ông cằn nhằn, đó là nước đã bị hôi rồi, cho nên ông phải thay nước, thêm vào nước thanh lương, có nghĩa là nước từ bi, hỷ xả. Ông phải tụng kinh sám hối, ngồi thiền, nghĩa là huân càng nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, bà chửi ông mười tiếng, thì ông phải tụng kinh hai chục tiếng. Bà chửi ông ba chục tiếng thì ông phải ngồi thiền hai tiếng. Phải thêm nước vô, và cắt bỏ những phần úng. Nghe xong ông tỉnh ngộ:

– Bạch Hòa thượng, con bây giờ 50 tuổi rồi, con ráng làm một thời gian, đúng 60 tuổi, con đến Thiền viện xin xuất gia ở với quý Thầy. Bây giờ ở nhà cũng chán rồi, đến 60 tuổi con đi tu luôn.

Thiền sư khai thị:

– Đâu cần đợi đến già vào Thiền viện mới tu, mà trong giờ phút thực tại này, nhịp đập con tim của ông là chuông mõ, hơi thở là lời Kinh, thân tâm là đạo tràng, ngày nào cũng tu chứ sao đợi đến già mới tu!

Nghe như thế ông đốn ngộ về pháp yếu của Thiền. Như vậy cư sĩ vẫn tu được nếu biết cách tu, biết cách chuyển hóa.

Đến phần chuyển thức thành trí: Thức của mình mình chuyển chứ không phải là dẹp hay đè:

Chuyển thức phân biệt của ý thức thành diệu quan sát trí.

Chuyển thức chấp ngã ta người thành bình đẳng tánh trí.

Chuyển thức thứ tám A-lại-da thành đại viên cảnh trí.

Một khi quý Phật tử chuyển được những cái thức này rồi, thì trong giờ phút thực tại này quý Phật tử không còn lanh lẹ như ngày xưa nữa. Những tập nghiệp mà ngày xưa mình hay tính toán, chia chẻ phân biệt bây giờ nó lặn xuống hết, nhưng rất là rõ biết. Quý Phật tử thấy Hòa thượng bây giờ không? Nói gì Ngài cứ gật gật nhưng mà Ngài buông hết, gật tới đâu rớt tới đó, tuy vậy đừng có dối Ngài. Cảnh giới Hòa thượng bây giờ đừng tưởng là đơn giản, đến giai đoạn này Ngài không còn trụ vào cái gì hết. Còn quý Phật tử vừa nói là dính mắc, trụ liền.

Trong Thiền sư Trung Hoa có kể:

Có vị tăng đến hỏi Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng:

– Như gương đúc tượng, sau khi tượng thành rồi, không biết cái sáng của gương đi về chỗ nào?

Sư bảo:

– Như Đại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện thời ở đâu?

Vị tăng đáp:

– Tại sao sau khi thành tượng không chiếu soi?

Sau khi vọng tưởng, những cái thức phân biệt chia chẻ lặn xuống hết rồi, mình tưởng mình không biết gì, nhưng ở đây Thiền sư nói:

– Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm cũng không được.

Có nghĩa là một niệm thiện, một niệm ác, một niệm tật đố khởi lên không dối quý Phật tử được nữa. Mà không dối quý Phật tử được nữa thì quý Phật tử đã thắng được nghiệp, dừng được nghiệp, chuyển được nghiệp, thành tựu tri kiến Phật ngay trong giờ phút này. Tuy rằng thân của quý Phật tử là thân phàm, mà chính đó là mang cái thân của mười phương chư Phật, lạ kỳ điểm đó. Một người đi đến cửa là quý Phật tử biết người ta muốn gì. Nói sâu hơn nữa, chỉ cần đến cảnh giới này rồi quý Phật tử ngồi thiền rất là nhẹ. Có những người ngồi thiền, tôi thấy giống như chống cự, có khi còn trợn mắt“Đi, đi, sao nó lì quá, cứ vô hoài”, Ai lì? Ai vô? Đến giai đoạn này rồi, tuy có khách trần phiền não mà toàn là đề hồ hết. (đề hồ là sữa tinh chất, có mùi vị tuyệt diệu, uống rất ngon)

Thiền thoại có ghi câu chuyện: Cư sĩ Trương Vô Tận, sau khi đốn ngộ, đến trình Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo:

– Con mỗi khi trong mộng thấy đọc luận ngữ của Mạnh Tử, như vậy là sao?

Thiền sư rút trong kinh Viên Giác đáp:

Do bởi lặng dứt, nên tâm chư Như Lai mười phương thế giới trong đó hiển hiện như bóng trong gương.

Ở đây ai có công phu mới thông cảm. Tôi cứ nói ra, hạt giống nó ghi trong tàng thức quý Phật tử được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có một lúc nào đó quý Phật tử ngồi yên tĩnh thì tự nhiên nó phát minh. Mà chính cái điểm phát minh này nó cứu quý Phật tử, chứ không phải là bố thí cúng dường cứu. Tôi nói thẳng, bố thí cúng dường chỉ là trợ duyên thôi, mà chính hạt giống, cái pháp âm vi diệu này, một lúc nào đó nó cứu quý Phật tử, tôi khẳng định điều đó.

Do bởi lặng dứt, có nghĩa là tâm quý Phật tử lặng dứt, nên tâm chư Như Lai mười phương thế giới trong đó hiển hiện như bóng trong gương. Mà bóng trong gương có lưu lại không? Lúc này ông cư sĩ sụp xuống lạy và nói rằng:

– Chẳng phải là lão sư thì không thể nghe được cái luận này.

Bởi vì ông cư sĩ này trong chiêm bao, tập khí chưa trừ dứt. Nhưng Thiền sư khai thị, đại viên cảnh tríkhông ngại gì tập khí lăng xăng khởi diệt. Chỉ cần quý Phật tử biết được cái vọng tưởng, cái tự tánh nó không có thật, thì ngay tức khắc đó là vô sanh. Chỉ cần quý Phật tử có một ý niệm chiếu soi vào cái biết của mình, biết đây là vọng tưởng không có thật, không có thực thể, không có thật tánh, thì ngay tức khắc quý Phật tử đang ở chỗ vô sanh. Quý Phật tử tin điểm đó không?

Đây tôi dẫn chứng, trong kinh A-hàm Đức Phật kể: Có một thầy tỳ kheo sau khi tu ba tháng trong rừng đến trình với Đức Phật:

Luôn luôn chế ngự ý
Trong tất cả mọi thời
Chỗ nào chế ngự ý
Chỗ đấy được an vui.

Luôn luôn chế ngự ý, tức là đè nén ý tưởng của mình. Nhưng Phật nói, nếu làm như thế thì nó sẽ trói buộc ông, không bao giờ được giải thoát. Rồi Đức Phật nói bài kệ:

Luôn luôn chuyển hóa ý
Trong tất cả mọi thời
Chỗ nào chuyển hóa ý
Chỗ đó được an vui.

Có nghĩa là quý Phật tử phải chuyển hóa những hạt giống xấu ác này, chứ không phải đè nén, chế ngự nó. Phương pháp này là phương pháp Hòa thượng chỉ cho quý Phật tử, tôi chỉ nêu lại thôi.

Trong Kinh Lăng Nghiêm Thiền sư Hàm Thị khai thị:

“Thức A-lại-da vi tế, tập khí hiện hành như dòng nước chảy xiết, tưởng chừng như là đứng yên, gọi làthức thứ tám. Gắn dính với cái vọng động vào tánh trong lặng, niệm niệm đổi dời, biến đổi chẳng có thể ngừng, gọi là thức thứ bảy, đó là hành ấm. Hành ấm giống như dòng nước chảy, theo cảnh mà đổi dời, hành giả thấu suốt hành ấm là hư vọng, ngay đó tức vô sanh.”

Tôi liên hệ cho quý Phật tử tin thêm, hành ấm là cái niệm của quý Phật tử nó lăn tăn khởi diệt, chỉ cần quý Phật tử thấu suốt được nó là hư vọng, thì ngay tức khắc nó vô sanh, là chuyển hóa được nghiệp. Cho nên Lục Tổ mới khẳng định: “An tâm tại vọng tình”, chứ không phải an tâm ở đâu hết. Những vọng niệm lăng xăng, quý Phật tử an tâm, thì ngay đó lìa ba chướng: nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng. Có nghĩa là muốn an tâm, muốn chuyển hóa những hạt giống này thì quý Phật tử không tìm đâu hết, không cầu xin Phật, Bồ Tát chuyển giùm quý vị, mà chính nơi tự thân quý Phật tử chuyển.

Như vậy qua bài pháp này, quý Phật tử thấy hạnh phúc hay khổ đau không phải Phật, không phải Trời, không phải Thượng đế nào gán cho quý Phật tử. Hạnh phúc hay khổ đau là do tự thân quý Phật tử chuyển hóa. Tự thân chuyển hóa thì rất thích hợp với pháp môn thiền của Hòa thượng là Biết Vọng Không Theo. Mà biết vọng không theo thì ngay đó Chơn Tâm Hiện Tiền, thấy biết đều là chơn tâm. Hạnh phúc hay khổ đau tùy mỗi quý vị.

***

Tâm sở

Tâm sở là những yếu tố phụ thuộc vào Tâm, gắn liền với một nhận thứcnhận thức đây cũng được gọi làTâm vương là hoạt động tâm thức chủ yếu – đang sinh khởi và khởi lên đồng thời với nhận thức đó. Việc phân tích và hệ thống hoá các tâm sở là một kì công của các Đại luận sư Ấn Độ. Các Tâm sở miêu tả tất cả những khía cạnh tâm trạng mà ai cũng có thể tự khám phá, tìm được nơi chính mình – có thể gọi là bản đồ tâm lí của con người.

 Ngũ uẩn

Ngũ uẩn là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩnđó ra không có gì gọi là cái “ta”.

  1. Sắc uẩn: chỉ thân và sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) do Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) tạo thành. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng
  2. Thọ uẩn: là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, do sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng sinh ra.
  3. Tưởng uẩn: là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị…, kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
  4. Hành uẩn: là những hoạt động tâm lý sau khi có tưởng. Ví dụ, chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác…
  5. Thức uẩn: bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quanÝ thức của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,ý). Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trân (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức, người ta không phân biệt được màu sắc hay âm thanh….
Cận tử nghiệp là Nghiệp, là hành động hoặc tư tưởng ngay trước khi chết, là tất cả những hoạt động cơ thể, tâm lí của người sắp lâm chung. Cận tử nghiệp quan trọng, nó trực tiếp quyết định điều kiện, môi trường sinh sống trong cuộc đời kế tiếp của người chết.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn