Chữ Tâm Trong Nghề Dạy Học Theo Quan Điểm Phật Giáo

15 Tháng Mười Một 201708:55(Xem: 6973)

CHỮ TÂM TRONG NGHỀ DẠY HỌC THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

 
Hàng năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “Tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tri ân những người đã và đang gắn bó với nghề dạy học – “…nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”; Thật vinh hạnh và cũng đầy trọng trách, vì thế bản thân những người thầy cần phải suy nghĩ, bên cạnh trao dồi trình độ chuyên môn thì cũng cần rèn luyện về kỹ năng sống, nhân cách đạo đức, để từ đó biết cách xử lý, giáo dục học sinh sao cho phù hợp trong mọi tình huống.

Từ ngàn xưa truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được coi trọng, đề cao giá trị người thầy trong xã hội “Không thầy đố mày làm nên” hoặc “Nhất tự vi sư/ Bán tự vi sư ” (một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy)...  Dưới thời phong kiến, theo quan niệm “Tam cang giả”, người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự “Quân – Sư – Phụ”, chỉ sau vua và trên cả cha mẹ. Vì sao? vì giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu của một đất nước và người thầy cũng được xem như người lính trên mặt trận tư tưởng, điều này làm cho ta nhớ đến hai câu thơ của Cụ Nguyễn Đình Chiểu mang quan điểm sáng tác của một thời văn học trung đại bấy giờ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

Cho dù bất cứ thời đại nào, câu thành ngữ “Lương Sư Hưng Quốc” ( ) là kim chỉ nam cho những ai đã chọn nghề dạy học như cái nghiệp để trả cho đời, nghĩa là người thầy phải là người có phẩm chất đạo đức, có tài trí thao lược, dạy cho trò những đức tín trong “Ngũ thường” (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) để trở thành những con người hữu ích, góp phần xây dựng nước nhà được hùng cường, thịnh vượng và giàu mạnh.

Tôi là một phật tử đồng thời cũng là một người gắn bó với nghề dạy học thuộc thế hệ hậu lai; Gần ba mươi năm với nghề, thiết nghĩ dạy học cho học sinh nói riêng và giáo dục một con người nói chung là một công việc không hề đơn giản, một công việc gắn liền với sự nghiệp “Trăm năm trồng người”. Từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay, tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài lỗi lạc… đều xuất phát từ những gia đình có truyền thống, tiềm ẩn trong đó là sự giáo dục của nhà trường, sự chăm sóc của cha mẹ tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân, giúp nước.

Trong  giáo pháp của Đức Phật, ngài cũng luôn hướng đến lối giáo dục thích hợp với căn cơ của mỗi người. Ngài ví chúng sanh cũng như hoa sen, có hoa còn ngập trong bùn, có hoa tuy đã ngoi lên khỏi bùn nhưng vẫn còn trong nước, có hoa vươn lên khỏi bùn, khỏi nước và tỏa hương thơm. Ngày nay khi xã hội phát triển trên con đường hội nhập với thế giới, thì các tiêu chuẩn và các chuẩn mực xã hội rất cần được quan tâm và coi trọng. Người thầy chính là người hướng cho học sinh đến gần với các giá trị tốt đẹp “Chân – Thiện – Mỹ” mà bất cứ xã hội nào cũng phải hướng tới. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít những con người có lối sống tha hóa, băng hoại phẩm chất đạo đức…, trong số đó đối tượng thanh thiếu niên còn trong độ tuổi đến trường chiếm một tỷ lệ không nhỏ; Các em được ví như những búp sen mà nhiệm vụ của nhà trường (người thầy) cũng như gia đình và xã hội phải cùng nhau chung tay đưa các em lên khỏi bùn nhơ để nở hoa làm đẹp cho đời. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi người thầy cần phải biết xử lý giải quyết một cách khéo léo và tinh tế trong việc giáo dục học sinh; Chắc hẳn mọi người  đã từng nghe câu: “…, thứ ba học trò” mà trong thời gian qua trên các báo đài, các trang mạng thông tin xã hội đã đăng rất nhiều những vụ việc xảy ra có liên quan đến trò và thầy. Vì thế trong bài viết này tôi xin chia sẻ trên quan điểm cá nhân về việc thực hành chữ tâm trong nghề dạy học theo lời Phật dạy.

"Nhứt thiết duy tâm tạo" (trong Kinh Hoa Nghiêm) nghĩa là mọi sự việc đều do tâm tạo ra, được gọi là tâm sanh; Như vậy người làm điều tốt gọi là thiện tâm, người làm điều xấu gọi là ác tâm và không có gì là tự nhiên sanh ra mà không có nguyên nhân của nó. Tôi vẫn thường nói với học sinh rằng: “Không có học sinh hư, chì có học sinh chưa ngoan; Vì như cái gì hư thối thì chỉ đem bỏ đi, còn chưa ngoan sẽ trở thành ngoan thì không có gì là khó…” chúng ta đừng vội áp đặt hay cảm tính.

Trong cuộc sống ngày nay, khi những gì thuộc về thế giới ảo đang từng ngày ăn mòn tâm hồn, lối sống của tuồi thơ, biến các em thành những con thiêu thân lao vào lửa đỏ, do các em bị tác động bởi những ngoại cảnh (phim ảnh không lành mạnh, Game online, những trào lưu thời thượng, những cạm bẩy của tệ nạn xã hội…), lúc đó tâm tham sân si sẽ làm chủ lý trí, làm cho con người thường gây ra những nghiệp bất thiện nhiều hơn là nghiệp thiện. Cho nên tôi luôn nói về luật nhân quả trong Phật giáo “Nhân nào thì quả nấy”, kể các câu chuyện về nhân quả báo ứng, giáo dục triết lý nhân sinh… nhằm giúp cho các em hiểu được bổn phận, vai trò, nhiệm vụ của người “con ngoan, trò giỏi” là gì?  Chuyển hóa tâm bất thiện thành tâm thiện trong nhận thức và hành động của các em qua câu nói đáng giá ngàn vàng của một nhà hiền triết: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó” (trích Truyện cổ Phật giáo);

"Tùy tâm biến hiện" (trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm). Nói đến đây làm tôi chợt nhớ đến một trong những yếu tố làm nên thành công cho kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Đại thi hào đã có hai câu thơ thật hay về bút pháp nghệ thuật tài tình này: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ...”.

“Tùy tâm biến hiện” có nghĩa là mọi sự việc đang xảy ra cho dù là điều vui hay buồn, đúng hay sai… nếu như tâm ta hoan hỷ thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn và ngược lại. Vì vậy khi người thầy đứng trên bục giảng cho dù lúc đó tâm trạng không vui trong lòng cũng tạm gác lại, hãy tạo một không khí vui tươi, hứng thú trong bài giảng, giúp học sinh tiếp thu bài tốt, đôi khi chính sự hồn nhiên, vô tư, dễ thương ở các em có thể làm cho ta quên đi sự buồn bực, lo âu, lắng dịu cơn tức giận trước đó và tâm ta sẽ trở nên an hơn thay vì phải “giận cá chém thớt” (nghĩa là bao nhiêu buồn bực trong lòng trút giận lên các em). “Tâm buồn cảnh được vui sao/ Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an”.

Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (trong Kinh Hoa Nghiêm) nghĩa là khi tâm sân khởi lên thì sẽ có trăm vạn điều chướng ngại xảy ra tiếp sau đó. Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “…Khởi lên một niệm sân tâm, thì trong tất cả các ác tâm không có tâm nào ác hơn nữa”… Bởi thế cho nên một khi thiên tử (vua) nổi giận thì thây phơi đầy đường ngàn dặm (trong Kinh Lương Hoàng Sám)

Nói về những hậu quả do tâm sân làm tôi nhớ lại một sự việc đã xãy ra trong thời gian qua, bài viết có nhan đề “Học sinh lớp 8 bị thầy giáo hành hung đến thương tích” (Trong lúc chơi đùa với bạn, em T. đã ném chai nước từ tầng 2 xuống sân trường suýt trúng người thầy giáo. Em T. mặc dù đã xin lỗi nhưng tiếp tục bị thầy giáo hành hung đến thương tích…)

Qua sự việc trên, chúng ta phải thấy rằng mỗi khi tâm sân khởi lên mà không kiềm chế được thì sẽ có những hậu quả không lường gây ra cho bản thân và cho người khác. Trong cuộc sống này cũng đã xảy ra rất nhiều câu chuyện thương tâm cho biết bao người cũng chỉ vì “tam độc” (tham- sân- si) trong bản ngã chưa được diệt trừ tận gốc. Xin chúng ta hãy lấy ánh sáng quang minh của chư Phật mà đoạn diệt vô minh thì cuộc sống này mới an lành và hạnh phúc; Đặc biệt là những người mang sứ mệnh “Trăm năm trồng người”, hãy luôn là những tấm gương sáng, hãy dùng “thân giáo” để dạy cho các em làm người. Vì mỗi khi sân si khởi lên, chúng ta không kịp suy nghĩ, buông những lời lẽ xúc phạm đến nhân cách, lòng tự trọng các em (…học hành như vậy, sau này chỉ có đi cạp đất mà ăn) hay những hành động phản giáo dục (xé tập sách của học sinh ném xuống đất hay bạo lực học đường…) và nghiêm trọng hơn là hành vi phi đạo đức gây tổn hại đến nhân phẩm và tâm hồn trẻ thơ đặc biệt là đối với nữ sinh, như hàng loạt những vụ việc thầy giáo giở trò “đổi tình lấy điểm” cưỡng bức, cưỡng hiếp nữ sinh, kể cả những em còn trong độ tuổi học tiểu học, đã gây bức xúc, chấn động dư luận xã hội.

Chữ Tâm độc tự thế mà hay/ Thành bại nên hư bởi chữ này/ Tuổi trẻ gắng rèn, già cố giữ/ Cuộc đời gắn trọn cả vào đây.

"Căn bản của bồ đề niết bàn là: Chân tâm" (trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu “Chân tâm” là gì? Chân tâm là Phật; Phật là chân tâm. Muốn cho chân tâm hiển hiện, chúng ta cần phải hành trì tu tập Tứ vô lượng tâm (Từ; Bi; Hỷ; Xả) và Lục Ba La Mật (Bố thí; Trì giới; Nhẫn nhục; Tinh tiến; Thiền định; Trí huệ), lúc đó chúng ta sẽ rất dễ thông cảm, thương yêu, giúp đỡ, chia sẻ với muôn loài trong đó có loài người. Một khi chúng ta tu tập theo tứ vô lượng tâm và lục ba la mật vào đời sống hàng ngày một cách trọn vẹn, tâm ý sẽ trở nên an nhiên tự tại, tâm bồ đề kiên cố, là khi đó việc tu tập của ta đã phần nào đạt được kết quả.

Những ai đã từng cắp sách đến trường mới thấu hiểu sự vất vả của người thầy, không chỉ có việc truyền đạt kiến thức văn hóa mà ngày nay tại các trường có nội trú người thầy còn phải chăm lo việc ăn, ngủ, sinh hoạt vui chơi…vừa làm thầy vừa làm cha, làm mẹ thứ hai của các em; Nhất là đối với những em có kết quả học tập chưa tốt, trách nhiệm của người thầy là ở đây, chữ tâm của người thầy lúc này là rất cần thiết cho tương lai của các em sau này; Trong dân gian ta có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại” hay “cứu một mạng người còn hơn xây mười kiểng chùa”. Đối với một người Phật tử tại gia, giới sát sanh là điều cấm đầu tiên trong Ngũ giới, điều này đồng nghĩa với việc cứu mạng chúng sanh, đó chính là phát khởi tâm từ ;  “Từ bi” không có nghĩa chỉ thương hại người khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại “Từ bi” là một sức mạnh hành động tích cực nhằm mục đích diệt trừ mọi cội rễ của khổ đau.

Nhớ lại vào đầu năm học 2016-2017, một nam sinh từ trường khác chuyển về học lớp 12 do tôi chủ nhiệm, sau khi tìm hiểu về quá trình học tập của em trong hai năm học trước thì biết được em là một học sinh có xếp loại hạnh kiểm chưa tốt . Những ngày đầu vào lớp, đã xảy ra bao nhiêu chuyện giữa em với một số giáo viên bộ môn cũng như một vài bạn bè trong trường và tôi luôn bị “Stress” vì luôn phải đứng ra giải quyết sự việc... Thời gian trôi qua mới đó mà đã gần hết niên học, một thời gian mà tôi vừa đóng vai trò làm thầy, vừa làm cha, tôi luôn nhắc nhở chỉ dạy cho em cái nào đúng- cái nào sai, việc nào nên làm- việc nào không nên làm… và em cũng đã cảm nhận được những điều đó qua từng ngày theo kiểu “Mưa dầm thắm lâu” và quan trọng hơn là em đã dần dần tìm lại được chính mình sau một thời gian lầm đường lạc lối.

Em là con trai một, sinh ra trong một gia đình có ba mẹ là những Lương y ngành Y học cổ truyền; Trong những năm học Tiểu học và Trung học Cơ sở em luôn đạt danh hiệu học sinh Khá/Giỏi, luôn là niềm tự hào của ba mẹ và thầy cô… Do sự chủ quan khi làm bài trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nên kết quả đã không như mong đợi, mơ ước được trở thành học sinh trường chuyên bổng chốc tan theo mây khói và từ đó em như không còn tin vào bản thân nữa, mặc dù gia đình đã cố gắng động viên, an ủi và tìm một ngôi trường khác cho em tiếp tục con đường học vấn nhưng hoài công, vì vậy chỉ trong hai năm học lớp 10 và 11 em đã phải chuyển trường nhiều lần vì rất nhiều lý do. Thời gian này không biết bao nhiêu nước mắt của mẹ chảy xuống và không biết bao nhiêu nổi lo âu của cha hằn lên vầng trán mỗi khi nhà trường mời phụ huynh vào để giải quyết xử lý kỷ luật học sinh, có ai thấu hiểu cho nổi lòng của những người cha người mẹ lúc này…; Vậy là mười hai năm đèn sách cũng đã đi qua và như một giấc mơ đến với cuộc đời em khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Y học cổ truyền đúng như mơ ước của em và ba mẹ . Sự thay đổi trong suy nghĩ, sự nhận thức vào phút cuối như là một sự mầu nhiệm đã cải hóa con người em từ dưới bùn lầy vươn lên khỏi mặt nước để đón lấy những tia nắng mới cho một cuộc đời mới kể từ đây.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Giáp Văn Dương: “… học để lấy kiến thức chỉ cần tính bằng ngày và dùng giáo trình là đủ; còn học để làm người thì mất hàng thập kỷ và giáo trình không phải là sách vở mà lại là chính cuộc đời mình. Người thầy khi đó sẽ dùng chính đời sống của mình để dạy học, nên gọi là “thân giáo”. Muốn học trò thành người thì trước hết mình phải thành người. Không có sách vở nào có thể thay thế được việc này…; Lời thầy nói ra sẽ không chỉ là lời trong sách vở, mà phải là chính cuộc sống của thầy. Lời thầy nói, việc thầy làm, cách thầy sống hoà làm một thì mới có sức nặng lay chuyển và rèn giũa được người theo học… Làm người đã khó; Làm người để dạy người khác thành người còn khó hơn gấp bội….”

Trong “Tam tự kinh” có dạy rằng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” nghĩa là con người khi sinh ra bản tính ban đầu vốn đã thiện. Và “Đại từ-Đại bi-Đại hỷ-Đại xả” là bốn liều thuốc hóa giải chống lại những thái độ sai lầm. Từ bi không phải chỉ đơn giản là sự xót thương chia sẻ hay là sự thương hại bố thí người khác, mà Từ bi trong đạo Phật cao cả và tích cực lắm, là một sức mạnh thiêng liêng đem đến trí huệ quang minh giúp ta tìm về bến Giác.  “Tội từ tâm khởi đem tâm sám/ Tâm đã diệt rồi tội cũng vong/ Tội vong tâm diệt cả hai không/ Đó chính thực là chân sám hối.

Chữ Tâm trong đạo Phật luôn mang lại cho chúng ta sự an lạc và hạnh phúc không chỉ cho mình mà còn cho mọi người; Trong cuộc sống ngày nay, sự tất bật hối hả trong một xã hội công nghiệp hóa như hiện nay đôi khi đã làm cho chúng ta quên đi những giá trị truyền thống đạo đức chuẩn mực hình thành nhân cách con người; Đặc biệt đối với những ai đã chọn cho mình nghề dạy học- “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”; Xin hãy giữ lấy chữ Tâm cho mình để làm “thân giáo” dạy cho người và làm đẹp cho đời. Tôi xin mượn bốn câu thơ sau để kết thúc bài viết:

“Nương theo giáo pháp Phật Đà / Chữ Tâm Phật dạy giúp ta độ đời/ Đến bờ giác ngộ thảnh thơi/ Đoạn trừ phiền não cuộc đời an vui”.

Nguyễn Hưng Minh Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn