Để chánh pháp an trú lâu dài

05 Tháng Giêng 201811:00(Xem: 5245)

ĐỂ CHÁNH PHÁP AN TRÚ LÂU DÀI
Thích Trung Định

 

ngon-den-chanh-phapGiáo pháp của đức Phật là kho tàng diệu bảo, là mạch nguồn trí tuệcông năng gội sạch cấu uế phiền não, đưa đến an lạc giải thoát đích thực. Hương vị giải thoát của Phật pháp luôn tuôn trào, quyện tỏa, thấm đẩm vào tâm thức làm vơi đi nỗi khổ niềm đau cho nhân thế. Chánh pháptinh thần uyên nguyên ban sơ của con đường đạo được đức Phật giác ngộ, tuyên thuyết, và dẫn lối đưa đường cho hết thảy vạn loại sinh linh thoát kiếp trầm luân khổ đau về với niết bàn an vui giải thoát. Chánh pháp còn hiện hữu thì chúng sinh bớt lầm than, khổ đau. Diệu pháp còn tồn tại thì tà pháp suy yếu, lụi tàn. Chánh pháp ấy được Như Lai Thế Tôn tuyên thuyết, giống lên tiếng rống sư tử oai hùng xua đuổi tà pháp, thiết lập chánh đạo quang minh sáng soi cuộc đời. Chánh pháp được thiết lập đã mở ra cánh cửa vô sinh bất tử trong thế giới tử sinh, sinh tử triền miên của kiếp người. Chánh pháp là ngọn hải đăng, là ánh sáng tuệ giác đưa người vượt qua bờ mê, về với bến giác. Thành ra, tất cả mọi người con Phật dù xuất gia hay tại gia đều mong muốn chánh pháp cửu trú trên thế gian này.

Ý thức được giá trị lớn lao của chánh pháp đối với cuộc đời ngũ trược ác thế, nên từ các vị Thánh đệ tử, cho đến chư vị Tổ sư qua nhiều thế hệ…đều tìm cách để bảo tồn, duy trì và xiển dương chánh pháp. Các sự kiện kết tập kinh điển diễn ra trong lịch sử Phật giáo cũng không ngoài mục đích gạn lọc tà giáo, những hiểu biết sai lầm, những hành trì lệch lạc, đồng thời bảo tồn giá trị nguyên bản của lời Phật dạy.

Khi vị hành giả tin hiểu sâu lời Phật dạy, thấy rõ giá trị đích thực từ lời Phật dạy, và có nhiều pháp lạc khi ứng dụng hành trì thì người ấy luôn mong ước làm sao giáo pháp được phổ cập đến tất cả mọi người, làm sao để chánh pháp cửu trụ trên thế gian. Với nhiều phương thức để bảo tồn chánh pháp, trong đó sự hiểu đúng, hành trì đúng với tinh thần lời Phật dạy là cách để chánh pháp cửu trú thiết thực nhất.

Theo truyền thống Luật tạng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật diệt thì Phật pháp diệt.” Lời tuyên bố này không chủ đích thể hiện sự khinh trọng giữa kinh và luật, mà nhấn mạnh đến sự hành trì. Khi nào người đệ tử Phật còn ứng dụng hành trì theo lời Phật dạy thì Phật pháp còn tồn tại. Tinh thần này thật rõ ràng và xuyên suốt trong mọi truyền thống Phật giáo. Nên nhớ rằng, Sư tử trùng thực sư tử nhục-Chỉ có vi trùng của sư tử mới ăn thịt được sư tử.  Cũng vậy giáo pháp của đức Phật tồn tại hay hoại diệt điều do chính người đệ tử Phật, chứ không một thế lực ngoại đạo nào có thể làm hủy hoại chánh pháp được.

Bàng bạc trong rất nhiều bài kinh, đức Phật không chỉ ân cần dặn dò chúng đệ tử mà còn chỉ dạy pháp hành trì đúng nghĩa để chánh pháp cửu trú. Để chánh pháp cửu trú không phải chỉ là sự nỗ lực xây dựng chùa to Phật lớn, không phải chỉ là sự tiếp tăng độ chúng đông đảo…mà là sự hành trì, sự thật tu, thật hành. Đức Phật dạy, có năm yếu tố đưa đến chánh pháp hổn loạn, không an ổn, biến mất, và có năm nguyên nhân đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không cẩn trọng nghe pháp; không cẩn trọng học thuộc lòng pháp; không cẩn trọng thọ trì pháp; không cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; không cẩn trọng thực hành pháptùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học thuộc lòng pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; cẩn trọng thực hành pháptùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.”[1]

Ở đây có năm yếu tố cần phải cẩn trọng. Cẩn trọngthái độ cần cầu, quý trọngcẩn thận. Cẩn trọng nghe pháp là sự chú tâm lắng nghe, nghe trong chánh niệm, tâm không phan duyên hay bị hôn trầm - thùy miên, trạo cửnghi ngờ chi phối trong khi nghe giảng pháp. Khi có tâm cẩn trọng thì nghe đúng lời Phật dạy, chứ không phải Phật nói một đằng lại nghe một nẻo để rồi tam sao thất bổn. Có nhiều khi tai vẫn nghe mà không ghi nhớ, nghe tai này bỏ qua tai kia, hay bỏ ngoài tai thì nghe cũng như không nghe. Cẩn trọng nghe phápvăn tuệ, cơ sở đầu tiên để thành tựu tư tuệ và tu tuệ.

Cẩn trọng học thuộc lòng pháp là khả năng ghi nhớ tụng đọc thuộc lòng ba tạng kinh, luật và luận. Ghi nhớ rõ ràng về văn nghĩa cú, không sai sót, không bỏ quên. Có một truyền thống học thuộc lòng trong giai đoạn đầu của Phật giáo. Truyền thống này kéo dài một thời gian khá lâu kể từ khi đức Phật diệt độ. Phong trào tụng đọc thuộc lòng đống một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn chánh pháp trước khi kinh Phật được ghi chép thành văn bản. Tôn giả Ananda là bậc Đa văn đệ nhất, có khả năng ghi nhớ trọn vẹn lời Phật dạy không sót một chữ. Ngày nay, truyền thống tụng đọc thuộc lòng này vẫn được duy trì ở một số nước theo Phật giáo Nguyên thủy, trong đó Miến Điện là quốc gia còn có nhiều vị tinh thông và thuộc lòng trọn vẹn ba tạng.

Cẩn trọng thọ trì pháp là yếu tố then chốt vì nó nhấn mạnh đến pháp hành. Muốn nến trãi được hương vị của đạo giải thoát thì phải thực hành theo lời dạy của đức Phật. Vì pháp Phật là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin suông. Thực hành theo giáo pháp thì giống như dùng lưỡi nếm hương vị của tô canh, biết hương vị ngon của nó. Còn nếu không thực hành thì như thìa múc tô canh không cảm nhận được sự ngon dở của canh.

Cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì là phát triển tuệ giác để thấy được diệu nghĩa của pháp. Trong kinh thường nói: ‘y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết’. Hành giả cần hiểu rõ chân lýphương tiện. Kinh là phương tiện đưa đến chân lý, kinh Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, hay như chiếc thuyền đưa người qua bờ bên kia. Nếu chấp vào kinh thì như cố bám vào ngón tay mà không thấy mặt trăng, hay cố bám vào con thuyền thì không thể qua bờ bên kia được. Nhưng nếu không nương theo ngón tay thì không thể thấy mặt trăng, không nhờ thuyền thì không thể qua bờ bên kia được. Người cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì là hiểu được phương tiệncứu cánh, để không rơi vào cố chấp sai lầm.

Cẩn trọng thực hành pháptùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp là yếu tố cuối cùng để áp dụng hành trì đúng với chơn thật nghĩa của diệu pháp. Khi hành trì đúng đắn như vậy thì đạt được kết quả an lạc giải thoát ngay bây giời và tại đây. Mọi yếu tố trên lộ trình tu tập nằm ở chỗ tuệ căn, yếu tố quan trọng cuối cùng của con đường tam vô lậu học giới, định, tuệ. Chỉ có tuệ mới phá trừ được vô minh tham ái. Chỉ có tuệ mới đoạn tận được phiền não lậu hoặc, chặt đứt mọi gốc rể tham ái chấp thủ để đi vào giác ngộ giải thoát.

Cho nên, năm bước cẩn trọng này là năm yếu tố then chốt, tinh túy của lộ trình học đạotu đạo. Nếu thiếu năm bước này thì giáo pháp sẽ hổn loạn biến mất; nhưng nếu thực hành theo năm bước này sẽ đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật cũng dạy có năm pháp khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất, và cũng có năm pháp đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp.

“Này Kassapa, có năm thối pháp khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm?

Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định.

Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp.

Và có năm pháp, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. Thế nào là năm?

Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống kính trọng, tùy thuận bậc Đạo Sư (đức Phật), sống kính trọng, tùy thuận Chánh pháp, sống kính trọng, tùy thuận chúng Tăng, sống kính trọng, tùy thuận học giới, sống kính trọng tùy thuận Thiền định.

Chính năm pháp này, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp.”[2]

Năm nội dung này tuy có phần sai khác nhưng chủ yếu cũng nhắm vào việc thúc đẩy sự hành trì của chúng đệ tử. Đồng thời nêu lên thông điệp rằng chỉ có pháp hành mới mang lại giải thoát cho tự thân và mới bảo tồn được chánh pháp. Khi nào người đệ tử Phật sống với tâm cung kính, tôn trọng, thực hành theo thánh giới uẩn, thánh định uẩn và thánh tuệ uẩn; thừa tự pháp, không thừa tự tài vật, thì chánh pháp luôn được quang minh sáng rạng. “Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người? Chính là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỷ- kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng của đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.”[3] Đó mới thật là bảo vệ Chánh pháp.




[1] Đại tạng kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, NXB Tôn Giáo, 2015, p. 764-65.

[2] Đại tạng kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập 1, NXB. Tôn giáo, 2015, p. 567.

[3] Trường Bộ Kinh,  Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahàparinibbàna sutta), https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong16.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn