Đồng một tâm

17 Tháng Mười Hai 201809:27(Xem: 7849)

ĐỒNG MỘT TÂM
Diệu Thọ

blankKinh Tăng chi bộ thuật câu chuyện có đôi vợ chồng hiền lành sống thủy chung với nhau, một lòng thương quý nhau, không muốn thương tổn cho nhau ngay trong tâm tưởng, một hôm cùng tâm sự với Đức Phật về nếp sống thủy chung hiền thiện của mình, tỏ lòng mong muốn được tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau trong các đời sống kế tiếp. Bậc Giác ngộ tán thán nếp sống hiền lành của hai vị, khuyên cả hai nên đồng tâm thực hành bốn pháp, khiến cho cả hai tâm hồn mãi mãi được sống hòa hợp an vui trong mọi đời kiếp. Đó là cùng nhau theo đuổi một chánh kiến (đồng tín), cùng nhau thực hành giới đức (đồng giới), cùng nhau mở tâm chia sẻ bố thí (đồng thí), cùng nhau phát triển trí tuệ đưa đến đoạn diệt tham-sân-si, đoạn tận khổ đau (đồng trí tuệ)1 .

Chuyện kể như vầy:

“Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn săn. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:

 - Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa. Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế Tôn:

 - Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulà, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

- Vậy này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.

Cả hai, tín, bố thí, Sống chế ngự, chánh mạng, Cả hai vợ chồng ấy, Nói lời thân ái nhau, Đời sống nhiều hạnh phúc, Chờ đợi hai người ấy. Kẻ thù không thích ý, Cả hai giới hạnh lành, Ở đây sống theo Pháp, Giữ cấm giới đồng đẳng, Cả hai giới hạnh lành, Sống hoan hỷ Thiên giới, Hân hoan được thỏa mãn, Đúng với điều sở cầu”2 .

Lời Phật xác nhận tâm có tu tập theo thiện pháp, nghĩa là có định hướng (tín), có giới đức (giới), có từ bi (thí), có trí tuệ (tuệ), chính là điều kiện khiến cho hạnh phúc hôn nhân được tiến triển vững bền, mãi mãi gắn kết, hòa hợp với nhau, không chia cách con người ở đời này và đời sau.

Đồng tín nghĩa là có chung một đức tin hay cùng hướng về một lẽ sống sáng suốt hiền thiện, có trí tuệ, có từ tâm, có cứu cánh, khiến cho mình được hạnh phúc an lạc và khiến cho người khác được hạnh phúc an lạc. Đồng tín ở đây ngụ ý niềm tin của người con Phật hướng vọng về Tam bảo, sự quyết tâm học theo gương giác ngộ của Phật-Pháp-Tăng.

Đồng giới tức là có chung một nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của đạo đức hay cùng thực thi một lẽ sống chân chánh hiền thiện, quyết tâm từ bỏ mọi điều ác, nỗ lực làm các việc lành, sống chân chánh đúng pháp, giữ gìn thân, miệng, ý trong sáng, thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không lỗi lầm, không có tỳ vết che giấu.

Đồng thí nghĩa là có chung một tâm lượng rộng lớn, sẵn sàng chia sẻ với người khác những gì mình có, những gì mang lại lợi ích, khiến cho người khác được hạnh phúc an lạc và biết sống lợi ích an lạc. Ở đây chỉ cho tâm thái từ, bi, hỷ, xả của người Phật tử, sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ cho người khác các phương tiện làm vơi khổ và diệt khổ, kể cả vật chất lẫn tinh thần.

Đồng trí tuệ nghĩa là có chung một chánh kiến về cuộc sống hay cùng phát huy sự hiểu biết đúng đắn về nhân sinh, tức chú tâm nhận rõ về sự thật khổ đau của sự kiện hiện hữu, nguyên nhân gây nên khổ đau, sự diệt khổcon đường đưa đến sự diệt khổ, thể hiện lối sống thức tỉnh về thực tại vô thường, khổ, vô ngã của các pháp nhằm đi ra khỏi thế giới mê lầm khổ đau sinh tử luân hồi.

Trên đây là nếp sống “đồng một tâm” được thể hiện qua bốn pháp tu tậpĐức Phật khuyên những người cư sĩgia đình nên nỗ lực thực hành nhằm xây dựng hạnh phúc hôn nhân vững bền, cả đời này và đời sau, được xem như một lẽ sống sáng suốt, một mối lương duyên vận hành theo Chánh pháp, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm chỗ nương tựa, khiến cho tâm tư cùng đi đến tăng thượng, đi đến thanh tịnh, đi đến giác ngộ, không còn tham-sân-si, hòa hợp, không chia cách, gọi là đồng một tâm, đồng một cứu cánh. Những người thương yêu nhau mà biết nỗ lực khuyến khích nhau thực hành bốn pháp trên thì được xem là đồng một tâm, đồng một chí hướng, mãi mãi là bạn đồng hành của nhau trên con đường tu tập hướng đến cứu cánh giác ngộ.

Đáng chú ý rằng Đức Phật là bậc trí tuệ thấy rõ con đường nào dẫn đến phân ly và con đường nào đưa đến hòa hợp giữa con ngườicon người, đặc biệt giữa những người thương mến nhau. Theo lời Phật thì giữa con người vốn có chung một tâm thức giác ngộ, hoàn toàn đồng đẳng, không khác biệt nhau; chỉ do lòng người thiếu hiểu biết để cho tham-sân-si chi phối nên mới tạo ra mọi mâu thuẫn khác biệt, khiến cho con người ngày càng xa cách lẫn nhau3 . Tham-sân-si là căn nguyên của muôn vàn mâu thuẫnphân biệt được tạo ra trong tâm thức con người, khiến cho loài người rơi vào thế giới mê lầm thị phi, không còn nhận ra nhau, không thương quý nhau, không hòa hợp với nhau, luôn luôn nghi ngờ, phân biệt, ganh ghét, đố kỵ, chống đối, tàn hại lẫn nhau4 . Khoảng cách giữa con người do tham-sân-si tạo ra là vô cùng vô tận. Bậc Giác ngộ dùng các hình ảnh nói lên sự cách biệt xa xăm giữa con ngườicon người:

“Này các Tỷ-kheo, có bốn sự việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn?

Trời và đất, này các Tỷ-kheo, là sự việc thứ nhứt rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này các Tỷ-kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với nhau. Từ chỗ mặt trời mọc lên, này các Tỷ-kheo, đến chỗ mặt trời lặn xuống, là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện, này các Tỷ-kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc thứ tư rất xa, rất xa với nhau.
Rất xa là bầu trời,
Cũng rất xa, quả đất,
Người ta nói rất xa,
Là bờ biển bên kia.
Từ chỗ mặt trời mọc,
Chói sáng, tỏa ánh sáng,
Đến chỗ mặt trời lặn,
Rằng xa, thật là xa.
Người ta nói xa hơn,
Là pháp của bậc thiện,
Với pháp kẻ bất thiện,
Thật xa, xa hơn nhiều”5 .

 Lời Phật cho thấy có những khoảng cách vô tình xa xăm nhưng có thể đo được, như trời và đất, bờ này và bờ kia của đại dương, chỗ mặt trời mọc và chỗ mặt trời lặn, nhưng có những khoảng cách hữu ý không thể đo lường được, như khoảng cách giữa người thiện và kẻ ác; người thiện theo thiện pháp, kẻ ác theo ác pháp, hai lối sống trái ngược nhau, càng đi càng xa cách, không bao giờ gặp gỡ nhau, không thể hòa hợp với nhau. Kinh Tăng chi bộ cũng lưu ý mọi người về trường hợp có những gia cảnh không may rơi vào mâu thuẫn, giữa vợ và chồng không hòa thuận với nhau, không đồng một tâm, không cùng một chí hướng, do người vợ sống theo thiện pháp còn người chồng thì theo ác pháp hoặc ngược lại6 . Như vậy, thật không may cho gia đình nào có hướng đi không đồng thuận, có lối sống trái nghịch nhau giữa vợ và chồng, vì một lối sống mâu thuẫn như vậy chắc chắn không đưa đến hạnh phúc an lạc cho con người.

Đức Phật khuyên những người thương yêu nhau cần phải biết khắc phục những mâu thuẫn do tập quán tham-sân-si tạo ra bằng con đường tu tập chuyển hóa tự nội, phải đồng tâm hiệp lực nhiếp phục tham-sânsi, thực hành thiện pháp, có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ, để tạo lập lương duyên cho hạnh phúc an lạc lâu dài, đồng thời khiến cho đời sống của mình tiến gần mục tiêu giác ngộ. Rõ ràng, người có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ tức là người có đủ những điều kiện để sống hạnh phúc an lạc, tuần tự đi đến giác ngộ. Những người thương yêu nhau mà biết trân trọng thực hành thiện pháp, khéo thực thi bốn chữ đồng do Đức Phật chỉ dạy, thì không những mãi mãi được sống hạnh phúc hòa hợp bên nhau mà còn quyết chắc cùng nhau hướng đến cứu cánh giải thoát, cứu cánh giác ngộ.

Trong một văn cảnh khác, Tôn giả Anuruddha xác nhận với bậc Đạo sư về nếp sống cùng tu học hòa hợp với hai vị đồng Phạm hạnh là Tỷ-kheo Nandiya và Tỷkheo Kimbila: “Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm”7 .

Thế nào là đồng một tâm, Tôn giả cắt nghĩa: “Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con nghe như sau: ‘Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các vị đồng phạm hạnh như vậy’. Bạch Thế Tôn, do vậy, đối với các vị đồng phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng. Bạch Thế Tôn, do vậy, chúng con nghĩ như sau: ‘Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này’. Bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm”8 .

Lời trình bạch của Tôn giả Anuruddha xác chứng niềm tintri kiến của người con Phật về một tâm thức giải thoát, hoàn toàn đồng đẳng và hòa hợp, không khác biệt nhau, mà mọi người đều có thể chứng nghiệm. Đó là tâm giải thoát bất động (akuppa cetovimutti), không tham-sân-si, không có ngã tưởng, không mâu thuẫn chống đối nhau giữa người này và người khác, được thực hiệnchứng đắc nhờ thực hành theo Bát Thánh đạo hay con đường Giới-ĐịnhTuệ của Đức Phật.

Chuyện thuật rằng ba Tôn giả Anuruddha, Nandiya và Kimbila cùng chung sống tu tập tại một trú xứ hoang vắng, chuyên cần thực hành đời sống viễn ly Thiền tịnh. Chư vị ý thức rất rõ về lợi ích của lối sống đồng tu học với các vị đồng Phạm hạnh; thể hiện nếp sống lục hòa thương quý và hỗ trợ nhau trong đời sống cộng trụ; cùng nhau đi khất thực, san sẻ với nhau từng miếng ăn, thức uống; cùng nhau tuân giữ giới luật, thể hiện thân hành từ ái, khẩu hành từ ái, ý hành từ ái đối với nhau, cả trước mặt lẫn sau lưng; cùng nhau hành sâu Thiền định, nỗ lực chuyển hóa và phát triển nội tâm, không để cho tham-sân-si chi phối gây nên mọi mâu thuẫn khác biệt giữa tâm của mình và tâm của các Tôn giả khác, gọi là từ bỏ tâm của mình và sống thuận theo tâm của các Tôn giả khác; lần lượt chứng được các pháp thượng nhân (các Thiền chứng), tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh (trí tuệ), hướng đến đoạn tận các lậu hoặc, chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát đồng đẳng.

Hôm ấy Thế Tôn đến thăm và cả ba vị lần lượt trình bạch với Thế Tôn về kết quả lợi lạc của nếp sống tu hành hòa hợp, đồng một tâm, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần của mình:

“- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con, ai đi làng khất thực về trước, thì người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi làng khất thực về sau, thì người ấy, còn đồ ăn thừa nếu muốn thì ăn, nếu không muốn thì bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng và người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không thì người ấy sẽ lo liệu (nước). Nếu ai làm không nổi với sức bàn tay của mình, thì người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: ‘Chúng ta hãy lo liệu (nước)’. Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vây mà gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả đêm, chúng con ngồi đàm luận về đạo pháp. Như vây, bạch Thế Tôn chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

- Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, các Ông có chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái, an lạc không?

 - Bạch Thế Tôn, sao có thể không được. Ở đây, bạch Thế Tôn, lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Như vậy, bạch Thế Tôn, đối với chúng con, là pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; chúng con chứng được và sống thoải mái, an lạc, nhờ chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

 - Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?

- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, bạch Thế Tôn, lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con diệt tầm diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc.

- Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?

- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, và sống thoải mái, an lạc.

 - Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?

- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây, lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái an lạc.

 - Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Này các Anuruddha, các Ông có vượt qua sự an trú kia, có làm cho khinh an sự an trú kia, và chứng được một pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc không?

- Bạch Thế Tôn, làm sao có thể không được. Ở đây lâu cho đến khi chúng con muốn, chúng con vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng; chúng con nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân khác, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc… Ở đây, lâu cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ… Ở đây, lâu cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ… Ở đây, lâu cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở đây, lâu cho đến khi chúng con muốn; chúng con vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi đã thấy nhờ trí tuệ, các lậu hoặc của chúng con được đoạn trừ. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua sự an trú kia, làm cho khinh an sự an trú kia; chúng con chứng được pháp thượng nhân này, một tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh và sống thoải mái, an lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con không thấy một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn sự lạc trú này.

 - Lành thay, lành thay, các Anuruddha! Này các Anuruddha, ngoài lạc trú này, không có một lạc trú nào khác cao thượng hơn, thù thắng hơn”9 .

Nếp sống nỗ lực tu hành hòa hợpchứng quả giải thoát của các Tôn giả Anuruddha, Nandiya và Kimbila minh chứng rõ ràng về lý tưởng đồng một tâm được nói đến trong đạo Phật. Ở đây, đồng một tâm tức là đồng một niềm tin, đồng một chí hướng, đồng một cố gắng, đồng một phương tiện, đồng một cứu cánh, được nỗ lực vận dụng và thể hiện trong đời sống của mỗi người Phật tử. Đó là nếp sốngchánh kiến tin tưởng vào đức năng giác ngộ của Tam bảo, quyết tâm học theo gương giác ngộ của Tam bảo, nỗ lực làm theo hạnh giác ngộ của Tam bảo, có tâm tư giác ngộ an lạc thể hiện trong đời sống hàng ngày. Nói cách khác, đó là sự nỗ lực học tập và hành trì lời Phật dạy để nhiếp phục tham-sân-si, diệt trừ các phiền não lậu hoặc, khiến cho tâm đi đến giải thoát bất động, không thamsân-si, không có bất kỳ sự mâu thuẫn ngăn ngại nào giữa mình và người khác, hoàn toàn thanh tịnh, sạch trong, hòa hợp, thuần một vị giải thoát.

Đáng ghi nhớ là giáo pháp giác ngộ của chư Phật chỉ duy nhất có một vị giải thoát. Do đó, nếu những người con Phật, cả xuất gia lẫn tại gia, quyết tâm đi theo con đường giác ngộ của Phật thì cứ mỗi bước đi là mỗi bước rời xa tham-sân-si, tiến gần mục tiêu giải thoát, mỗi bước đi là mỗi bước khiến cho tâm đạt đến thanh tịnhhòa hợp cho đến khi trở thành hợp nhất, không còn bất kỳ mâu thuẫn khác biệt nào giữa mình và người khác, gọi là đồng một tâm, đồng một giải thoát. Vào thời Phật tại thế, sự đồng tâm hướng về mục tiêu giác ngộ như vậy của người Phật tử được thể hiện mạnh mẽ đến độ các vị ngoại đạo vốn không ưa thích Phật-Pháp-Tăng vẫn bộc bạch lời nhận xét:

“Thưa Tôn giả Gotama, ví như con sông Hằng (Ganga) hướng về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng lại khi xúc chạm với biển cả; cũng vậy hội chúng này của Tôn giả Gotama, gồm có cư sĩxuất gia, hướng về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, đứng lại khi xúc chạm với Niết-bàn”10.

 

 Chú thích:
1. Kinh Xứng đôi, Tăng chi bộ.
2. Kinh Xứng đôi (1), Tăng chi bộ.
3. Trong bản kinh Tâm đặt sai hướngthuộc Tăng chi bộ, Đức Phật tuyên bố: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào”.
4. Đại kinh Khổ uẩn, Trung bộ.
5. Kinh Rất xa xăm, Tăng chi bộ.
6. Kinh Sống chung (2), Tăng chi bộ.
7. Kinh Rừng sừng bò, Trung bộ.
8. Kinh Rừng sừng bò, Trung bộ.
9. Tiểu kinh Rừng sừng bò, Trung bộ.
10.Đại kinh Vacchagotta, Trung bộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn