Vị thuốc cho phiền não

02 Tháng Ba 201920:13(Xem: 5832)
Vị thuốc cho phiền não

Nỗi buồn hay phiền não là một thuộc tính cảm xúc, là yếu tố gây nên khổ đau của con người. Chuyển hóa phiền não là yếu tố quyết định hàng đầu mà mỗi người cần phải thực hiện. 

 

 

Hãy xem bạn đã bao giờ có một trong những ý nghĩ sau đây – hay những điều tương tự như vậy thoáng qua trong tâm chưa:

          “Lẽ ra anh ta không nên làm như thế”.

          “Tại sao điều này lại xảy ra với mình cơ chứ”.

          “Ngày hôm qua tôi hành thiền rất tốt; thế mà hôm nay mọi thứ cứ rối tinh cả lên”.

          “Có kẻ đã chiếm mất chỗ của mình rồi”.

Tất cả những ý nghĩ ấy đều bị thúc đẩy bởi phiền não ! Đừng đánh giá thấp chúng !

Phiền não (Pāḷi: Kilesa) là những bất thiện tâm-sở đồng sinh với bất thiện tâm làm cho thân tâm nóng nảy, khó chịu, khổ thân, khổ tâm; phiền não còn làm cho tâm, tâm-sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý.

Hễ còn phiền não, còn nghiệp thì còn phải chịu khổ tâm, phải tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài vô thủy vô chung. Về mặt tính chất, phiền não có ba loại:

Phiền não loại thô ( Vitikkamakilesa) được biểu hiện ra ở thân hành ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; và khẩu nói ác như: nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có thể diệt bằng pháp hành giới, nghĩa là có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) giữ gìn thân, khẩu tránh xa mọi hành ác, để làm cho thân và khẩu được trong sạch khỏi bị phiền não làm ô nhiễm.

Phiền não loại trung (Pariyuṭṭhākilesa) phát sanh ở trong tâm, đó là 5 pháp chướng ngại (nivāraṇa): tham dục, thù hận, buồn chán-buồn ngủ, phóng tâm-hối hận và hoài nghi, có thể diệt bằng pháp hành thiền định. Khi hành giả chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, do nhờ 5 chi thiền (tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm) có thể diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não loại trung này.

Phiền não cực kỳ vi tế ( Anusayakilesa) ẩn tàng ngấm ngầm ở trong tâm thức, đó là 7 pháp ngủ ngầm trong tâm: ái dục ngủ ngầm, ái kiếp ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm và vô minh ngủ ngầm, chỉ có thể diệt bằng pháp hành thiền tuệ. Hành giả tiến hành thiền tuệ đến khi chứng đắc 4 Thánh Đạo Tuệ, mới có thể diệt đoạn tuyệt được loại phiền não vi tế này.

Như vậy, hành giả cần phải thực hành theo pháp hành Giới - Định - Tuệ, thì khi ấy thân tâm sẽ hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não.

Ở khía cạnh khác, trạng thái tâm lý tức giận, sân hận làm hành giả khó chịu, cáu kỉnh, ngờ vực ngay chính người thân. Người sân hận như kẻ đang bị bệnh, căn bệnh về tâm, mà biết bao nhiêu người lại hững hờ, coi như không có gì cần phải chữa trị. Họ không biết rằng không chế ngự được tâm sân hận sẽ đưa đến hậu quả tai hại. Cách đối trị hữu hiệu nhất với tâm sân hận là dùng tâm chánh niệm ghi nhận sân hận đang sanh khởi cho đến khi nó tự biến mất đi.

Xã hội càng phức tạp, văn minh, con người càng căng thẳng (stress). Con người càng ngày càng bị ràng buộc chằng chịt với đủ thứ nhu cầu, liên hệ, trách nhiệm. Ở thời bán khai, xã hội ít văn minh, khoa học chưa phát triển, con người ít lo toan, ít căng thẳng. Như vậy nếu không muốn bị hệ lụy, bị căng thẳng thì phải bỏ hết tất cả vào rừng sống một mình sao ? Không cần phải làm như vậy. Chúng ta cần phải tập sống chung với căng thẳng, phải học cách sống chung này và đừng để nó chế ngự ta. 

Như vậy, để giảm trừ căng thẳng phải chú ý ở hai mặt thân và tâm. Việc giảm căng thẳng thân bằng các lối tập thư giãn hay dùng tâm để thư giãn từng cơ bắp từ đầu ngón chân đi dần lên đầu; gồng từng cơ bắp rồi giãn ra sẽ cảm giác được thế nào là thư giãn. Dùng cách này để buông thư toàn thân giúp ngủ ngon giấc.

Căng thẳng về mặt tâm thần là hậu quả của các trạng thái khắc khoải, lo âu, bồn chồn, bực bội. Các trạng thái này được nói rất nhiều trong Phật giáo và cách đối trị hữu hiệu nhất là chánh niệm. Chánh niệm ở đây là sự chú ý đơn thuần, kiên trì ghi nhận những trạng thái tâm này cho đến khi chúng biến mất. 

Chánh niệm quan sát hơi thở vào ra hoặc chuyển động phồng xẹp của bụng một thời gian thì tâm sẽ lắng xuống và bớt căng thẳng. Hoặc chánh niệm vào ngay sự căng thẳng thì nguyên nhân của căng thẳng (người, việc) sẽ không có mặt. Khi nguyên nhân biến mất thì căng thẳng (kết quả) cũng biến mất. Khi áp dụng chánh niệm trong trường hợp này phải là một sự quán sát khách quan và đơn thuần, không dính mắc, không chống đối hay xua đuổi đối tượng.

Mặt khác, thường thì khi gặp phải nghịch cảnh hay điều bất hạnh, con người hay ưu phiền, chán nản có khi dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm uất. Để vượt qua tình trạng này, hành giả có thể suy niệm về luật nghiệp báo để chấp nhận rằng bất hạnh là kết quả của nghiệp mình đã tạo ra trong quá khứ nên không than trách, đỗ lỗi cho ai, kể cả chính mình. Hay phương pháp tốt nhất là phải biết nội tâm đang có sự buồn chán và dùng chánh niệm để ghi nhận tâm buồn chán đó.

Khi có chánh niệm thì các trạng thái tâm bất thiện như sân hận, buồn phiền, u uất đều được chế ngự. Nhiều người lầm lẫn cho rằng khi mình niệm về cơn giận, giận sẽ tăng trưởng. Điều đó không đúng. Khi đang giận, đối tượng của tâm sân lúc này là một người hay một việc nào đó mà chính nó là nguồn gốc hay nguyên nhân của sự giận (đối tượng của tâm sân). Nếu ta cứ tiếp tục lưu tâm đến đối tượng của tâm sân thì sân sẽ tăng trưởng. Nhưng nếu ta cố gắng chánh niệm hướng về quan sát chính tâm sân hay trạng thái sân thì nguồn gốc, nguyên nhân của sân bị vắng bóng; cơn giận sẽ giảm dần và cũng dần dần biến mất.

Sở dĩ như vậy vì ở mỗi thời điểm, tâm chỉ nhận một đối tượng mà thôi. Nhưng vì tâm sanh diệt rất nhanh, bắt lấy đối tượng này xong đến đối tượng khác, liên tục làm hành giả tưởng lầm là tâm nhận nhiều đối tượng trong cùng mộtl lúc. Khi hành thiền Minh Sát đến mức thuần thục, định tăng trưởng, ta sẽ thấy rõ là tâm không thể lấy hai đối tượng cùng một thời điểm.

         Tóm lại, càng ngày con người càng thấy sự lợi ích và giá trị của chánh niệm. Hành giả sẽ sống hạnh phúc hơn, hòa hợp và thân ái hơn với mọi người nếu hành giả có chánh niệm, hay biết rõ ràng bất cứ việc gì mình làm, ở bất cứ nơi đâu. Điều này chỉ có được khi đã có chánh niệm tự nhiên. Khi hành giả có được kinh nghiệm trong quá trình thực hành thì tuệ giác hay trí tuệ sẽ mang lại một sự thay đổi thực sự trong cái nhìn của bạn, thay đổi những thói quen, suy nghĩ và ngay cả thái độ ứng xử, giúp cho hành giả ngày một tốt đẹp và hướng thượng hơn ! Có một điều là y học chỉ biết dùng chánh niệm như một phương pháp trị liệu mà thôi. Hy vọng rằng dần dần nhân loại sẽ hiểu biết rằng chánh niệm không chỉ có hiệu quả trong việc giảm trừ căng thẳng mà còn có thể gột rửa được hết những trạng thái tâm ô nhiễm khác, đem đến cho con người một đời sống tâm linh cao đẹp và hạnh phúc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn