Lama Zopa Rinpoche | Minh Hằng dịch Việt
Lama Zopa Rinpoche (1945 -) bắt đầu thuyết pháp cho các học trò tây Phương cùng với Lama Yeshe tại tu viện Kopan và trên toàn thế giới. Khi Lama Yeshe viên tịch vào năm 1984, Rinpoche trở thành người đứng đầu FPMT - Quỹ này đã phát triển thịnh vượng dưới sự lãnh đạo có một không hai của ngài. Rinpoche ban thuyết giảng này tại Trung tâm Thiền Định Đại Thừa Tushita, New Delhi, ngày 04/07/1979. Bài giảng này được phát hành lần đầu tiên trong tác phẩm Các Giáo Lý tại Tushita vào năm 1981. Minh Hằng dịch Việt.
---o0o---
PHÁT TRIỂN NỘI TÂM VÀ CHỦ NGHĨA VẬT CHẤT
Điều tối quan trọng là chúng ta phải cố gắng để có một đời sống tinh thần khi làm người, chúng ta có cơ hội theo đuổi các phương pháp nội tâm mang lại tĩnh tâm.
Kinh nghiệm chung là hạnh phúc không chỉ phát sinh từ các nhân tố bên ngoài. Nếu chúng ta quan sát cẩn thận đời sống hàng ngày của bản thân mình, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng điều này là đúng. Ngoài các nhân tố bên ngoài, cũng có các nhân tố nội tâm trở thành nhân tố quan trọng để kiến lập hạnh phúc bên trong chúng ta.
Nếu phát triển bên ngoài là tất cả điều nó cần đến để mang lại an lạc trường cửu bên trong chúng ta, vậy thì những ai giàu có của cải vật chất sẽ phúc an hơn, trong khi những ai nghèo sẽ ít hơn. Nhưng cuộc đời đâu phải luôn
luôn như thế này. Có nhiều người hạnh phúc với ít của cải và nhiều người giàu có rất bất hạnh.
Ví dụ, ở Ấn Độ có nhiều thành tựu giả, các yogi cao thâm và thậm chí các hành giả Pháp giản dị sống cuộc đời khiêm tốn nhưng rất tĩnh tâm. Họ càng từ bỏ tâm bất phục thì an lạc của họ càng lớn hơn; họ càng từ bỏ vị kỷ, sân, si, tham đắm và vân vân ..., thì hạnh phúc của họ càng nhiều.
Các bậc thầy vĩ đại như thành tựu giả Ấn Độ Napora và yogi người Tạng Jetsun Milarepa từ trước đến nay không sở hữu cái gì hết nhưng tĩnh tâm không lường. Các đại sư có thể từ bỏ tâm bất phục, căn nguyên mọi vấn đề, và như thế chuyển hóa mọi khổ đau. Bằng cách hiện thực con đường giác ngộ, các đại sư đã đạt hạnh phúc tối thượng. Do đó, cho dù các ngài thường trải qua những ngày không có thức ăn – yogi Milarepa vĩ đại sống nhiều năm trong hang động chỉ nhờ cây tầm ma dại – các đại sư được xếp vào những người hạnh phúc nhất địa cầu. Bởi vì các đại sư đã từ bỏ tam độc trong tâm gồm có tham, sân, si, an lạc của các ngài quả thực lớn lao. Các ngài càng từ bỏ tâm bất phục thì an lạc của các ngài càng lớn hơn.
Nếu hạnh phúc chỉ phụ thuộc vào sự phát triển vật chất, các nước giàu có như Hoa Kỳ sẽ là nơi rất hạnh phúc. Nhiều người cố chạy theo cách sống Mỹ, nghĩ nó sẽ mang lại cho họ hạnh phúc, nhưng cá nhân tôi thấy an lạc lớn hơn ở các nước tâm linh như Ấn Độ và Nepal. Đây là những quốc gia hạnh phúc hơn nhiều, an lạc hơn cho tâm. Khi tôi quay về Ấn Độ sau chuyến du hành phương Tây, nó giống như trở về nhà vậy. Có bao nhiêu khác biệt. Ấn Độ thực sự là một quốc gia rất tâm linh và điều này tạo ra sự khác biệt lớn cho tâm.
Khi bạn nhìn vào các xã hội vật chất và cách họ sống, tự tâm bạn thấy rối. Con người càng gia tăng bận rộn, các vấn đề mới và vấn đề khác tiếp tục phát sinh; họ căng thẳng và lo âu, không có thời gian nghỉ ngơi. Ở Ấn Độ, bạn thấy con người thảnh thơi ở khắp mọi nơi, nhưng ở phương Tây, bạn bắt được sự rung động phát ra từ các tâm kích động của quần chúng và cuối cùng cảm giác chính mình lo âu. Nếu hạnh phúc phụ thuộc duy nhất vào sự phát triển bên ngoài, các nước như Thụy Sĩ và Hoa Kỳ sẽ là những quốc gia thanh bình nhất trên trái đất, ít gây hấn, ít đấu tranh và bạo lực, nhưng các nước đó đâu giống như vậy.
Điều này chứng tỏ rằng có gì đó thiếu theo cách phương Tây tìm kiếm hạnh phúc. Thiết yếu, các nước phát triển có thể đứng đầu thế giới nhưng nhiều vấn đề tiếp tục phá vỡ hạnh phúc và bình an của họ. Còn thiếu cái gì? Đó là sự phát triển nội tâm; đuổi bắt phát triển bên ngoài nhằm trừ bỏ phát triển nội tâm, phát triển tâm. Thật là một sai lầm to lớn khi chỉ tập trung vào tiến bộ vật chất trong khi thờ ơ phát triển tâm, thiện tâm. Đây là lỗi lầm lớn nhất của thế giới.
Bản thân tiến bộ vật chất không sai và được khuyến khích, nhưng phát triển nội tâm quan trọng hơn nhiều. Bạn thậm chí còn không thể so sánh cả hai – phát triển nội tâm còn hiệu quả hơn hàng triệu triệu lần phát triển bên ngoài trong việc mang lại hạnh phúc trường cửu. Bạn sẽ thấy không thanh thản cũng không hạnh phúc nếu bạn sao lãng phát triển tâm. Thiện tâm mang lại tĩnh tâm. Chắc chắn rồi, hãy phát triển thế giới vật chất nhưng đồng thời phát triển tâm. Nếu bạn so sánh tĩnh tâm đạt được nhờ vật chất với tĩnh tâm đạt được bằng thiện tâm – qua từ, bi, nhẫn nại, và loại bỏ tâm bạo hành, tâm bất phục –giá trị tối thượng của cái sau trội hơn.
NHẪN NẠI ĐỐI NGHỊCH VỚI GIẬN DỮ
Dù bạn sở hữu một đống kim cương lớn bằng địa cầu này, an lạc mà bạn có được từ đó sẽ rất nhỏ và không bao giờ có thể so sánh với an lạc tạo được bởi phát triển nội tâm. Bất kể bạn sở hữu bao nhiêu châu báu, bạn vẫn trĩu nặng bởi các vấn đề tinh thần như là sân hận, tham đắm và vân vân .... Ví dụ, nếu ai đó xúc phạm bạn, tức thì bạn giận lên và bắt đầu nghĩ cách làm hại, sỉ nhục hoặc tổn thương người đó.
Nếu bạn là người phát triển nội tâm, bạn phản ứng hoàn toàn khác biệt. Bạn nghĩ “Mình cảm thấy sao nếu anh ấy giận mình, xúc phạm mình và tổn thương tâm mình? Mình thực sự đau khổ và không vui đâu. Do vậy, mình không nên bi quan với anh ấy. Nếu mình giận lên và xúc phạm anh ấy, anh ấy sẽ đau khổ và bất hạnh khủng khiếp, giống như mình ở trong cùng hoàn cảnh như vậy. Làm sao mình có thể làm điều đó với anh ấy?” Đây là cách bạn nên nghĩ; đây là cách phát triển nội tâm, con đường thực sự đến an lạc.
Khi bạn tôi nói hoặc làm điều gì đó với tôi mà tôi không thích và khó chịu, cơn giận bắt đầu lớn lên trong tâm tôi, tôi có thể muốn trả đũa bằng cách nói điều gì đó tổn thương. Nhưng thay vào đó, tôi nên lấy lại nhận thức của mình, khéo léo và dũng cảm, nghĩ “Làm sao mình có thể giận bạn mình? Làm sao mình có thể nói những điều đau đớn với cô ấy? Làm sao mình có thể mang lại tổn hại cho cô ấy chứ? Nếu cô ấy hung dữ với mình, mình sẽ buồn biết bao, tâm mình sẽ bị buồn phiền biết mấy, sẽ tổn thương biết mấy. Do vậy, làm tổn hại người bạn này, cũng giống như mình, bạn muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, sẽ đáng hổ thẹn chết đi được. Mình sẽ là loại người gì nếu mình hành xử giống như thế?”
Khi bạn nghĩ giống vậy, cơn giận của bạn lúc đầu dường như cứng như đá, tan biến như bọt nước vỡ. Ban đầu có vẻ không có cách nào để bạn có thể thay đổi tâm, nhưng khi bạn sử dụng đúng phương pháp, khi bạn thiền định như thế này, cơn giận của bạn tiêu tan, y như vậy. Bạn không nhìn thấy lý do tức giận.
Khi bạn thực hành nhẫn nại, bạn thử đừng để cơn giận của bạn nổi lên; bạn thử nhớ nó làm phiền tâm bạn như thế nào, hủy hoại hạnh phúc của bạn như thế nào, làm xáo trộn tâm và hạnh phúc của người khác như thế nào, không giúp được chút nào. Khi bạn thực hành nhẫn nại, mặt bạn trở nên xinh đẹp. Cơn giận làm cho bạn thực sự xấu đi. Khi cơn giận hiện trên khuôn mặt xinh đẹp, cho dù có trang điểm đến đâu cũng không thể che dấu hoàn toàn vẻ xấu xí hiển lộ. Bạn có thể nhìn thấy cơn giận trên mặt người ta; bạn có thể nhận ra nó. Bạn trở nên sợ hãi cơn giận chỉ khi nhìn vào nét mặt kinh dị của người đang giận. Đó là phản chiếu của cơn giận. Đó là một rung động rất xấu phát ra. Nó khiến mọi người không vui.
Thực hành Pháp chân chánh, thiền định chân thực là không bao giờ làm hại những người khác. Điều này bảo vệ cả tĩnh tâm của bản thân bạn và của những chúng sanh khác nữa. Đây là thực hành tôn giáo thật sự; mang lại lợi ích cho cả chính bạn và những người khác. Thực hành nhẫn nại bằng cách này dù chỉ một lần cũng xứng đáng hơn bất kỳ lượng kim cương nào. Bạn có thể đạt được loại an lạc nội tâm nào từ kim cương không? Mọi thứ bạn làm là chạy theo rủi ro bị chúng huỷ diệt. Giá trị của thiện tâm vượt xa giá trị của bất cứ sở hữu vật chất nào.
Vì chúng ta chỉ muốn hạnh phúc mà không khổ đau, nên điều cực kỳ quan trọng cho chúng ta là thực hành Pháp. Pháp không chỉ cầu kinh, thực hành nghi lễ hay mặc pháp phục; Pháp là phát triển tâm, nhân tố nội tâm. Chúng ta có nhiều nhân tố nội tâm khác nhau: các nhân tố tiêu cực như là tâm bất phục, vô minh, ảo tưởng và vân vân ...; và các nhân tố tích cực như là từ, bi, trí huệ và tương tự. Thực hành Pháp là tiêu diệt các nhân tố tinh thần tiêu cực và trau dồi các nhân tố tích cực của chúng ta.
Về ngôn ngữ, chữ “pháp” có nghĩa “hiện tượng hiện hữu”, nhưng khi chúng ta nói “thực hành Pháp” hoặc “diệu pháp”, nó có nghĩa là che chở chúng ta khỏi khổ đau. Đó là ý nghĩa của diệu pháp; đó là Pháp mà chúng ta nên thực hành.
Có nhiều mức độ khổ đau khác nhau mà từ đó chúng ta cần đến sự bảo hộ. Pháp giống như sợi dây thừng ném cho ai đó sắp va vào vách núi và ngã lộn nhào. Pháp che chở và giữ chúng ta khỏi rơi vào các cảnh giới khổ đau – các cõi địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
Mức độ thứ hai của khổ đau mà diệu pháp bảo hộ chúng ta là toàn bộ khổ đau luân hồi – gồm tất cả sáu cảnh giới – và các nguyên nhân của nó: các tâm tiêu cực phiền não và nghiệp mà chúng tạo ra cho chúng ta.
Cuối cùng, diệu pháp cũng che chở chúng ta khỏi bị tư duy vị kỷ và những che chướng vi tế cản trở mình đạt thành giác ngộ, trạng thái của Phật quả – hạnh phúc tối thượng. Chỉ cần tư duy vị kỷ vẫn còn trong tâm mình thì chúng ta không có cách nào có thể đạt thành Phật quả; đường đến hạnh phúc tối thượng bị bế tắc. Vị kỷ là chướng ngại lớn nhất cho hạnh phúc và giác ngộ. Nếu chúng ta thực hành Pháp, chúng ta sẽ tìm thấy sự bảo hộ khỏi những phiền não mà tư duy vị kỷ tạo thành và sẽ nhanh chóng thành tựu giác ngộ.
NHẬN DIỆN VẤN ĐỀ
Vấn đề đó là thân và tâm chúng ta ở trong bản tánh của khổ đau; chúng không vượt ra ngoài khổ đau. Đây là toàn bộ vấn đề. Kết quả, chúng ta luôn lăng xăng. Tại sao thân mình ở trong bản tánh của khổ đau? Bởi vì tâm chúng ta ở trong bản tánh của khổ đau; tâm chúng ta không giải thoát khổ đau vì nó không thoát khỏi tâm bất phục của sân, si, tham đắm, và hành vi, nghiệp của chúng. Cho nên, bản tánh của nó là một trong những khổ đau. Vì vậy, đến lượt thân chúng ta đau khổ.
Không có sự lựa chọn, thân chúng ta phải chịu những khổ đau của nóng, lạnh, đói, khát, sinh, lão, bệnh và vân vân .... Chúng ta không phải tìm những đau khổ này; chúng đến với chúng ta một cách tự nhiên và chúng ta phải trải qua chúng. Tất cả điều này là do chúng ta không thoát ly tâm mình khỏi khổ đau. Đất nước chúng ta không phải sinh tử luân hồi; thành phố chúng ta không phải sinh tử luân hồi; gia đình chúng ta không phải sinh tử luân hồi – sinh tử luân hồi là thân và tâm ở trong bản tánh của khổ đau; thân và tâm luôn khiến chúng ta lo lắng và làm chúng ta lăng xăng. Sinh tử luân hồi làm thân và tâm bị ràng buộc bởi ảo tưởng và nghiệp.
Sinh tử luân hồi là một vòng tròn, một bánh xe. Chức năng của nó là quay vòng. Nó quay như thế nào? Các uẩn của chúng ta – thân và tâm của chúng ta – tiếp diễn từ đời này sang đời khác; chúng kết nối kiếp trước của chúng ta vào kiếp này và kiếp này vào kiếp sau. Chúng luôn tiếp diễn, luôn nối kết kiếp này với kiếp sau. Chúng tạo ra một vòng tròn đang xoay; giống như các bánh xe đạp; luôn chở chúng ta đến các chốn khác nhau. Chúng ta là chủ thể lượn quanh, giống như người chạy xe đạp. Ngã của chúng ta giống như thế. Chúng ta quay liên miên, từ đời này sang đời khác, được tái sinh phù hợp với cách chúng ta sống cuộc đời mình ra sao, nghiệp mà chúng ta tạo và trạng thái tâm tổng quát của mình. Phụ thuộc vào những nhân tố này, chúng ta được tái sinh làm súc sanh, người, trời, ngạ quỷ và vân vân .... Các uẩn mang chúng ta như ngựa mang theo người cưỡi.
Vấn đề là từ thuở vô thủy trong suốt tất cả các tiền kiếp của mình, chúng ta đã không làm việc cần thiết để giải thoát tâm mình khỏi những tâm bất phục và nghiệp. Vì thế, tâm và thân chúng ta vẫn còn ở trong bản tánh của khổ đau; chúng ta vẫn trải qua những vấn đề tương tự lặp đi lặp lại. Nếu chúng ta đã tự giải thoát mình khỏi những tâm bất phục và nghiệp thì chúng ta đã không bao giờ phải chịu khổ đau thêm lần nào nữa; điều đó là không thể. Một khi chúng ta thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi, khỏi ràng buộc của nghiệp và tâm bất phục, chúng ta có thể chẳng bao giờ chịu khổ đau nữa; không còn nguyên nhân nào để cho chúng ta nếm mùi khổ đau thêm nữa. Nếu chúng ta giải thoát chính mình trước đó, không có lý nào để chúng ta khổ vào lúc này; tâm và thân của chúng ta sẽ không ở trong bản tánh của khổ đau.
Nếu chúng ta không có thân sanh tử luân hồi, chúng ta sẽ không cần có nhà, quần áo, thực phẩm hoặc các nhu cầu tạm thời khác. Không cần phải lo lắng, chuẩn bị, thu thập nhiều của cải, đuổi theo bạc tiền, có hàng trăm loại quần áo khác nhau để mặc trong những mùa khác nhau, có hàng trăm đôi giày, làm kinh doanh và vân vân .... Chúng ta chẳng là gì trong những vấn đề này. Nhưng vì chúng ta có thân sinh tử luân hồi, do đó toàn bộ cuộc đời chúng ta, từ lúc tái sanh đến chết đi, luôn bận rộn chăm lo cho nó.
Lama Tsong Khapa, yogi Tây Tạng đạt thực chứng cao cả được công nhận như là hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi, vị Phật Trí huệ, đã viết từ kinh nghiệm cá nhân của Ngài trên đường đạo,
Nếu bạn không nghĩ đến sự phát triển của sinh tử luân hồi, bạn sẽ không biết làm thế nào để cắt đứt gốc rễ của sinh tử luân hồi.3
Ví dụ, hãy nói về một người luôn ốm đau bởi vì anh ta ăn thức ăn không đúng. Chừng nào mà anh ta còn không nhận ra sai lầm trong chế độ ăn uống của mình, nguyên nhân bệnh của mình thì anh ta sẽ tiếp tục bị bệnh cho dù anh uống bao nhiêu thuốc đi nữa. Tương tự, nếu chúng ta không hiểu các khuôn mẫu tiến hóa của sinh tử luân hồi, thì sẽ không có cách nào để cho chúng ta thành tựu niết bàn an lạc mà chúng ta tìm kiếm. Để làm điều này, chúng ta phải cắt bỏ gốc rễ của sinh tử luân hồi; để làm điều đó, chúng ta phải biết các phương pháp đúng; để biết các phương pháp, chúng ta phải nhận biết điều gì làm cho chúng ta bị ràng buộc vào sinh tử luân hồi. Bằng cách nhận biết điều gì ràng buộc chúng ta vào sinh tử luân hồi, chúng ta có thể phát sinh ác cảm và từ bỏ các nhân tạo ra sự hiện hữu của sinh tử luân hồi. Lama Tsong Khapa kết luận câu kệ trên đây bằng cách nói.
Tôi, là yogi, chỉ thực hành điều đó. Bạn cũng là người tìm kiếm giải thoát, hãy vui lòng trau dồi chính mình theo cách giống như vậy.
Vị yogi vĩ đại này, người đã đạt thành giác ngộ bằng cách hiện thực hóa đường đạo, khuyên chúng ta làm điều mà Ngài đã làm: đầu tiên, điều vô cùng quan trọng là chúng ta khát khao giải thoát khỏi sinh tử luân hồi; sau đó, chúng ta phải nhận biết các quy luật tiến hóa của sinh tử luân hồi; cuối cùng, chúng ta phải cắt đứt gốc rễ của sinh tử luân hồi.
Để hiểu biết sự tiến hóa của sinh tử luân hồi, chúng ta phải hiểu mười hai khoen nhân duyên, hoặc duyên khởi [tiếng Phạn: pratityasamutpada], giải thích rõ chúng ta quay vòng trong sinh tử luân hồi như thế nào. Sinh tử luân hồi hiện tại của chúng ta – những uẩn này trong bản tánh của khổ đau – hình thành như thế nào? Trong kiếp trước, vì vô minh, chúng ta tích lũy nghiệp sinh ra làm thân người này. Chưa đầy một giây trước khi chấm dứt kiếp trước, lòng tham và bám chấp – không muốn xa lìa thân, không muốn tách rời cuộc đời đó – nảy sinh. Rồi thì chúng ta được sinh ra trong trạng thái trung ấm, và sau đó thức thâm nhập tử cung của mẹ chúng ta. Phôi thai có được lớn lên và các giác quan của chúng ta dần phát triển. Sau đó hình thành sự tiếp xúc và các cảm thọ phản ứng. Giờ đây sự tái sinh của chúng ta đã diễn ra, chúng ta đang già đi và tất cả những gì còn lại dành cho chúng ta nếm trải là cái chết.
Trong đời này, không có bình an từ lúc chúng ta được sinh ra cho đến khi chúng ta mất. Chúng ta chịu đựng nhiều khổ đau liên tiếp khi làm người: đau đớn của sinh nở; bất như ý với hoàn cảnh của mình: những kinh nghiệm không mong muốn; lo âu; sợ hãi xa rời các đối tượng hấp dẫn, bạn bè, người thân, và của cải; bệnh; già, và chết. Toàn bộ những vấn đề này đến từ nghiệp, và nghiệp đến từ vô minh. Do vậy, căn nguyên duy nhất của sinh tử luân hồi là vô minh, vô minh là sai lầm về bản tánh của cái “tôi”, bản ngã, là trống không của hiện hữu thật sự – mặc dù cái “tôi” của chúng ta là trống không, không hiện hữu thật sự nhưng chúng ta hoàn toàn tin rằng đó là hiện hữu thật sự, như chúng ta tiên liệu. Bằng cách diệt trừ vô minh này hoàn toàn, cuối cùng chúng ta chấm dứt khổ đau vô tận của mình và đạt niết bàn.
CON ĐƯỜNG BÁO ĐÁP LÒNG TỪ CỦA MỌI CHÚNG SANH
Để làm điều này, chúng ta phải đi theo con đường chân chính. Tuy nhiên, nếu chỉ có một mình chúng ta đạt đến niết bàn thì không đủ bởi vì điều đó chỉ làm lợi cho một người. Có vô số chúng sanh, mọi chúng sanh đã từng là cha, mẹ, anh, chị, em của chúng ta trong tiền kiếp vô tận. Không có một chúng sanh riêng nào không tử tế với chúng ta trong đời này hay đời khác. Thậm chí trong đời này, hầu như hạnh phúc của chúng ta được nhận đều dựa vào lòng từ của người khác, không chỉ con người – nhiều loài vật làm việc chăm chỉ và chịu khổ đau vì hạnh phúc của chúng ta; nhiều loài chết đi hoặc bị sát sinh vì chúng ta. Ví dụ, để trồng lúa trên cánh đồng thì nhiều người phải làm việc và chịu đựng dưới ánh mặt trời, nhiều sinh vật phải bị sát hại và vân vân .... Hạnh phúc mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào lòng từ của các chúng sanh khác.
Là người, chúng ta có cơ hội tuyệt vời để đền đáp lòng từ của chúng sanh. Chúng sanh vô minh và không nhìn thấy Pháp huệ nhưng từ khi chúng ta gặp được diệu pháp, chúng ta có thể hiểu bản tánh của thực tại và giúp mọi chúng sanh đạt tới giác ngộ và giải thoát họ khỏi khổ đau. Vì vậy, chúng ta luôn nên nghĩ như sau:
“Tôi phải đạt thành giác ngộ để làm lợi cho mọi chúng sanh. Chúng sanh vô cùng tốt và mang lại lợi ích cho tôi rất nhiều. Chúng sanh đau khổ. Những chúng sanh này, tất cả đã là mẹ của tôi trong nhiều kiếp trước, đang khổ đau. Do đó, là con, tôi phải giúp. Nếu tôi không giúp họ, ai sẽ giúp đây? Có ai khác sẽ giúp họ được giải thoát khỏi khổ đau? Còn ai nữa sẽ dẫn dắt họ đến giác ngộ không? Nhưng để tôi làm điều đó, đầu tiên chính tôi phải thành tựu giác ngộ; tôi phải thành một vị Phật; tôi phải hiện thực hóa tâm đại trí. Sau đó thân, khẩu, tâm thánh thiện của tôi sẽ trở nên hiệu quả nhất. Mỗi tia sáng từ hào quang của thân thánh thiện chứng ngộ có thể giải thoát nhiều chúng sanh và khai sáng cho họ trên con đường đến hạnh phúc, niết bàn và toàn giác. Tôi phải thành Phật để giải thoát mọi chúng sanh”.
Con đường là diệu pháp và cốt lõi của con đường là thiện tâm. Thiện tâm vĩ đại nhất, cao nhất là bồ đề tâm – quyết tâm thành phật để giải thoát mọi chúng sanh khỏi khổ đau. Đây là thiện tâm tối thượng. Đây là điều mà chúng ta nên khởi phát.