TẠI SAO LẠI CÓ BẤT MÃN (SÂN TÂM)?

31 Tháng Ba 202309:19(Xem: 1872)

Hãy nói về bất mãn và những cung bậc cảm xúc từ buồn, lo lắng, sợ hãi, ghét, giận, ác ý, và những hình thái khác của bất mãn. Tại sao bất mãn lại có mặt? Tại sao bất mãn lại khởi sinh? Bất mãn là của ai?

Hãy nghiên cứu cảm xúc này khi nó khởi sinh và khi nó xảy ra để hiểu được bản chất của nó. Nếu như có được hiểu biết nào đó về bản chất của sự bất mãn, thì cơ hội phát triển hiểu biết đó là rất khó.

Khi bạn cảm giác giận điều gì đó, hãy nghiên cứu về tất cả các khía cạnh của cơn giận mỗi một khi nó khởi sinh. Quan sát các cảm giác, suy nghĩ và bất cứ điều gì liên quan xung quanh cơn giận đó. Quan sát cách tâm suy nghĩ trước khi cơn giận bùng nổ. Nếu bạn chỉ có thể ghi nhận được khi cơn giận đang diễn ra, hoặc khi cơn giận đã qua, thì bạn có thể sẽ không để ý được những nguyên nhân dẫn đến cơn giận đó. Bạn cần phải thấy được dòng suy tư xảy ra trước khi cảm xúc này bộc phát. Bằng cách này, chúng ta sẽ không phải nói chuyện về những ý niệm (có nghĩa là, như vậy như vậy sẽ làm tôi phát điên). Nếu bạn ghi nhận được tâm ngay khi cơn giận đang có mặt, thì bạn có thể thấy được những nguyên nhân của cơn giận. Hãy để ý đến suy nghĩ. Suy nghĩ gì đang có mặt lúc đó? Khi cơn giận có mặt thì suy nghĩ diễn ra như thế nào? Khi cơn giận không có mặt thì suy nghĩ diễn ra thế nào? Với những ghi nhận như thế, bạn sẽ có thể thấy được nguyên nhân và hậu quả. Vì vậy, bạn sẽ thấy rằng việc chỉ hay biết bất cứ lúc nào một việc khởi sinh là không đủ. Bạn phải đạt được đến điểm ghi nhận được nguyên nhân và kết quả lúc chúng đang diễn ra nữa. Không hiểu được nguyên nhân, thì kết quả sẽ tiếp tục tăng trưởng ngủ ngầm và tâm bất mãn sẽ tiếp tục phát triển không ngừng.

Thẩm sát những điều này, nghiên cứu cách làm việc của tâm. Nhận ra được sự trao đổi bên trong mỗi khi có suy nghĩ. Khi bạn một mình thì những suy nghĩ kiểu gì thường xuất hiện? Khi bạn ở cùng người khác thì những suy nghĩ gì thường có mặt? Cách tâm suy nghĩ trong những tình huống này như thế nào? Bạn cần phải thấy được tất cả những điều này.

TỪ 0 ĐẾN 1 TRIỆU

Lúc còn là cư sĩ, có một giai đoạn, khi đó tôi đã bắt đầu thực tập liên tục được 1 năm, và tôi đã không có cơn giận nào lớn trong một thời gian. Vào một ngày nọ, khi tôi thức dậy, bị ốm, tôi vẫn ra cửa hàng và quản lý công việc kinh doanh của gia đình một mình. Có một sự bất mãn nhẹ cứ tích tụ suốt ngày hôm đó, nhưng tôi không dành thời gian để làm việc với chúng hay xử lý chúng. Tối muộn hôm đó, tôi đã hỏi em trai tôi (một người bác sỹ) một ít thuốc và cậu ấy đã đáp lại một cách rất thô lỗ. Và đó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Tôi bùng nổ, và nghĩ “Làm sao mà nó lại dám nói chuyện với mình như thế?” Tôi đá chiếc ghế văng lên trong phòng theo kiểu hồi trẻ tôi quen làm. Lúc đó, cả gia đình tôi đang ngồi quanh phòng, và mọi người đều nhìn tôi rất ngỡ ngàng. Chánh niệm chỉ trở lại với tôi khi chị gái tôi hỏi “ Hành thiền nhiều quá rồi làm việc gì thế này?” Lúc đó, tôi đã nhìn thấy toàn bộ quá trình cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi thấy những gương mặt sợ hãi xung quanh mình, và nhận ra mình đã phá hủy môi trường xung quanh mình. Tôi cũng thấy được toàn bộ tiến trình tâm từ một chút xíu đến cơn bùng nổ này. Và, mức độ ảnh hưởng tiêu cực của cơn giận này trở nên rất rõ ràng. Không hề có dù chỉ là một chút xíu tâm thiện nào có mặt trong lúc đó.

Khi thấy được toàn cảnh như vậy, tôi đã thề rằng, tôi sẽ không để cho điều tương tự như vậy xảy ra nữa. Khi ghi nhận được sự thất vọng khởi sinh trong tâm, tôi đã học cách để không cho dòng suy nghĩ đó tiếp nối, thay vào đó, tôi chuyển sang quan sát cảm xúc đi cùng với suy tư đó. Từ đó, tôi đã có thể xóa bỏ cơn giận kể cả khi tôi chỉ mới ghi nhận được một chút xíu về nó. Không có gì ngoài việc tập trung chú ý và dù chỉ là một chút dấu vết nhỏ nhất của cơn giận, và tôi đã thử áp dụng cả thực hành Samatha lẫn Vipassanā tùy vào tình huống. Cơn giận có thể chuyển từ mức 0 sang mức 1 và lại trở về 0. Tôi làm việc với các cấp độ 0, 1 liên tục như thế, không để cho cơn giận tích tụ để tăng lên mức cao hơn.

Hãy tự hỏi bản thân Tại sao? Khi bạn thấy được bản thân mình đang nổi giận về điều gì đó. Hãy tự đặt câu hỏi Tại sao bạn lại tiếp tục nổi giận, và tại sao thậm chí có khi cơn giận lại còn tăng thêm. Chắc chắn nguồn tiếp liệu của nó phải ở một chỗ nào đó. Với rất nhiều người, cơn giận đi thẳng từ mức độ 0 đến 1 và lên tới 1 triệu! Thay vì làm dịu bớt bằng nước thì chúng ta lại ném thêm dầu vào đám lửa đó! Vì vậy dĩ nhiên là đám lửa đó phải hết sức hả hê mà bùng nổ rồi: “whoosh, whoosh, whoosh”.

● Yogi : Con luôn bị dính cứng ngắc vào nguyên nhân và kết quả, vì tâm nghĩ rằng nguyên nhân là câu chuyện – chẳng hạn như, anh ấy la mắng con và đó là lý do con lại buồn. Thưa Ngài.

● SUT : Mọi người đều biết quy trình khái niệm của “bạn hoặc điều này khiến tôi tức giận”. Người ta chỉ chú ý đến trải nghiệm này; họ không nhận ra được tiến trình tâm - tâm nghĩ gì và cảm xúc sanh lên như thế nào.

Ví dụ, lần đầu khi bạn nhìn thấy ai đó, tâm không thích đã nảy sinh. Bạn không nhận ra rằng tâm đã xét đoán người này là không tốt. Tâm tiếp theo tin tưởng và phản ứng.
Vì bạn không thấy tiến trình này, nên bạn cho rằng họ khiến bạn tức giận.

Trên thực tế, không một ai có thể tác động đến tâm trạng của bạn. Nếu bạn để bất cứ điều gì bên ngoài dễ dàng làm náo động tâm, thì bạn mất đi sự tự do - bạn luôn là nô lệ của chúng.

●Khóa thiền tại Kalaw 2016

Khi tâm phản ứng với đối tượng khái niệm, trước tiên đừng quan sát (niệm) đối tượng khái niệm; mà chỉ ghi nhận (niệm) sự phản ứng (thích và không thích) là tự nhiên trên thực tại. Phiền não chỉ chú ý đến các khái niệm; Trí tuệ chú ý đến tự nhiên và thực tại.

Mỗi khi tâm tiếp xúc với đối tượng, phiền não đã ở đó. Đó là tại sao chúng ta không thể hiểu "như nó là" do tâm thích và không thích đến trước. Vì vậy, chúng ta nên chăm sóc đến sự phản ứng tâm thích và không thích này trước - khi thích và không thích giảm bớt, tâm được thanh lọc và chánh niệm (niệm + trí tuệ) trở nên càng ngày càng tốt hơn, thì chúng ta mới có thể thấy sự tiếp xúc giữa tâm và đối tượng, và đó là tự nhiên.

Ví dụ, khi cơn đau đến, tâm không thích đã xuất hiện rồi. Cho nên, nếu bạn tiếp tục ghi nhận (niệm) cơn đau với tâm không thích, thì không phải là thiền, vì chúng ta đang nhìn vào đối tượng với tâm sân. Đó là tại sao cơn đau ngày càng tăng.

Khi tâm tiếp xúc với đối tượng và có sự thích hoặc không thích, chúng ta không nên quan sát (niệm) đối tượng này trước vì tâm vẫn chưa sẵn sàng.

Trước hết chúng ta cần kiểm tra sự phản ứng của tâm; khi tâm lắng xuống, thì nó sẵn sàng quan sát (niệm) đối tượng và học hỏi. Thì sau đó, bạn mới có thể hiểu “như nó là” Pháp là gì, tự nhiên là gì.

Khi phiền não trở nên yếu dần, Trí tuệ mới có thể phát triển. Chỉ có Trí tuệ mới có thể hiểu được sự tự nhiên. Cho nên chúng ta phải thiền - để trau dồi phẩm chất của tâm. Khi tâm có quá nhiều phiền não, thì nó chưa sẵn sàng, đừng cố gắng tìm kiếm "như nó là"; Điều đó là không thể được, bởi vì tâm vẫn chưa được thanh lọc.

Ai đang đau khổ? Không ai ! Đau khổ đang diễn ra; Nghe được đấy, phải không?

Bạn không thể tránh khỏi đau khổ. Bạn phải trải qua đau khổ để học hỏi trước. Nếu bạn muốn thoát khỏi đau khổ, bạn cần phải đối mặt với nó hết lần này đến lần khác.

Bạn đau khổ vì bạn nghĩ rằng cảm xúc đau khổ này là "TÔI"; nó là nguyên nhân bạn khổ. Nếu một số ý niệm nào đó xuất hiện cho rằng cảm xúc chỉ là cảm xúc, nó không phải là tôi, thì bạn sẽ được phóng thích. Do đó bạn nên cố gắng học hỏi từ trải nghiệm này.

Ai đang khổ? Không ai. Đau khổ đang diễn ra; nghe được đấy, phải không? Nhưng bản chất thực sự là như thế này. Không ai hạnh phúc, không ai đau khổ - hạnh phúc đang diễn ra, đau khổ đang diễn ra, cảm xúc đang diễn ra, cảm xúc là tự nhiên, cảm xúc là Duyên, bởi vì Nhân, diễn ra xuất hiện; nếu không có Nhân, thì không có Quả. Rất rõ ràng.

Khái niệm "TÔI", ý niệm sai lầm này rất khó để từ bỏ.

Bất cứ khi nào tâm hạnh phúc, chúng ta không chỉ đơn thuần là tận hưởng hạnh phúc; chúng ta cố gắng nhận biết (niệm) hạnh phúc đang diễn ra

Vì bạn nhận biết được - niềm vui phát sinh; đây cũng là nhân - quả. Bởi vì bạn ghi nhận được – phẩm chất tâm thiện này đang hoạt động, thì hỷ (piti) phải sanh khởi.

Khi bạn đang hưởng thụ tâm hỷ (piti), bạn phải chánh niệm được nó. Nếu không tâm hỷ sẽ trở thành tâm si. Khi tâm si xuất hiện, thì tâm sẽ chuyển hướng sang phiền não. Cho nên, chánh niệm phải có ở đó.

Nếu chánh niệm (niệm + Trí tuệ) không có mặt, thì sẽ có tâm si. Nếu tâm si hiện diện, thì bất kỳ phiền não nào cũng có thể xuất hiện.

Sayadaw U Tejaniya
Trích “Thu Nhặt Bụi Vàng”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn