SỐNG NHƯ CHÁNH PHÁP – SỐNG VỚI LÒNG TỪ BI

19 Tháng Tư 202313:34(Xem: 2812)
Sống Như Chánh Pháp – Sống Với Lòng Từ Bi
Cố Đại Lão HT Thích Hộ Giác

blank

 

Ngài ĐLHT Thích Hộ Giác thuyết giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày 7 tháng 2 năm 2009, nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu, tại chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ. [Minh Hạnh chuyển biên]

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni.

Kính thưa toàn thể Chư Phật Tử.

Hàng năm đến rằm Thượng Nguyên thì tất cả Phật Tử xa gần vân tập về đạo tràng gần nhất để tổ chức cúng dường kỷ niệm lên Đức Bổn Sư Từ Phụ Thích Tôn và đồng thời tỏ bày tâm trạng người con Phật lúc nào cũng mở rộng lòng ra để cho đời sống thương yêu tràn ngập như hoa vạn hùng đơn, như suối trình chảy mãi ra biển cả. Tất cả chúng ta, ai cũng đều biết “Thượng Nguyên” tức là “Thiên Quang Cầu Phúc” mang một ý nghĩa rất đặc biệt, vì nếu đầu năm, chúng ta không cầu sớ cho bản thân, cho gia đình, cho thân bằng quyến thuộc, và xa hơn một chút nữa là cho dân tộc, cho nhân loại, thì dường như thiếu hẳn một đức tánh gì đó mà nhà Phật gọi là đức tánh từ bi.

Đức tánh từ bi là một thức ăn rất quan trọng ở trong đời sống của chúng ta, nếu thiếu đức từ bi thì kể như chúng ta thiếu lẽ sống, thiếu thực phẩm cho đời sống tâm linh, mà đời sống tâm linh khi đã thiếu thực phẩm thì sẽ èo uột, sẽ hụt hẫng, và cái èo uột hụt hẫng làm nó ốm o đi, thì chắc chắn là đời sống tất cả chúng ta không bao giờ hạnh phúc. Tất cả những vật chất ở bên ngoài hữu hình hữu tướng đối với tất cả chúng ta dường như mang một ý nghĩa rất quan trọng, nó quan trọng gần như có nó là có tất cả, và thiếu nó là thiếu tất cả. Nhưng trên thực tế không phải vậy, vật chất ở bên ngoài đối với Đức Phật nó chỉ là phương tiện thứ yếu mà thôi, chứ nó không phải hoàn toàn là tiêu biểu thực sự của phúc đức. Phúc đức hay phúc hạnh hay hạnh phúc mà chúng ta, trong đời sống, ai cũng đều mong mỏi, dù cho hành động, ngôn từ, tư tưởng nào đi nữa, tất cả chúng ta thể hiện đều có mục đích duy nhất là để tạo điều kiện hạnh phúc cho bản thân và cho gia đình. Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc mà thiếu hạnh từ bi trí tuệ, tức là thiếu lẽ sống, thì hạnh phúc sẽ không bao giờ tới. Cái gì chúng ta ban trải thì cái đó sẽ trở lại với chúng ta, và cái gì chúng ta khép lại thì nó sẽ dễ bị đụng chạm và không có tánh cách quảng đại biến mãn. Và nếu nó không có tánh cách quảng đại và biến mãn thì đời sống chúng ta giống như ở trong một cái khung, và nếu tự nhốt mình giam hãm ở trong cái khung đó, hay là cái lồng, dù đó là lồng son hay lồng vàng, lồng ngọc đi nữa thì cũng chỉ là cái lồng mà thôi. Quý vị có tưởng tượng được không, nếu mà đời sống của tất cả chúng ta ai bảo là làm cái lồng rồi nhốt chúng ta vào trong đó rồi nói lồng son, hay là lồng vàng, hay là lồng ngọc ngà châu báu, thì chúng ta chắc chắn là không thể nào chấp nhận được, thà là chúng ta ở bên ngoài lồng son đó, lồng vàng đó, lồng ngọc đó, nhưng mà chúng ta tự do. Và đời sống tự do, nhất là tự do tình thương thì cái đó mới thật ư là quan trọng. Do vậy, quý vị thấy rằng, từ bi là lẽ sống, mà lẽ sống đó, chúng ta thể hiện qua hành động, ngôn từ và tư tưởng.

Đầu năm quý vị đến chùa thường thường là rằm tháng Giêng Thượng Thiên Quang để mà cầu phúc, thì tất cả chúng ta, lẽ dĩ nhiên là người con Phật, khi cầu phúc thì không phải cầu riêng cho bản thân, mà cho gia đình, cho thân bằng quyến thuộc xa gần, thậm chí cho dân tộc và cho nhân loại nữa. Trừ phi quý vị không chấp nhận cái tâm nguyện của tất cả chúng ta với lòng từ bi của tất cả chúng ta thì đành thôi, mà nếu chấp nhận thì có ảnh hưởng thật sự.

Ở trong đạo Phật có hai sức mạnh của năng lực: năng lực của hành động gọi là nghiệp lực, năng lực của cầu nguyện gọi là nguyện lực. Có những việc làm mà chúng ta nghĩ rằng mình có thể giải quyết được vấn đề, nhưng có những vấn đề với hành động không thể giải quyết được, mà đôi khi chỉ với sức cầu nguyện thì chúng ta lại có thể giải quyết được. Hãy bình tâm suy nghĩ đi, trong đời sống của tất cả chúng ta, nhất là những người nào có con sẽ thấy rằng cho ăn, cho uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, quý vị nghĩ rằng nó có đủ chưa, hay là nếu chúng ta đặt vấn đề cho rõ ràng, thì chúng ta sẽ thấy rõ là dường như vấn đề cho ăn, cho uống và hoàn dưỡng là vấn đề nhỏ, còn vấn đề tình thương mới là vấn đề lớn. Tình thương người mẹ đối với con thì bản thân người mẹ biết rõ nhất, tình thương đó phải tiết lộ ra từ ánh mắt nụ cười, ở cái lắng nghe, ở cái mùi vị và ngay cả ở hơi thở, ở nhịp tim của người mẹ, nó có thể chan hoà đối với đứa con. Nghĩ đứa con ở gần và đứa con ở xa có thể thấy, hay là không thấy được, thì lòng từ bi của mẹ lúc nào cũng ban trải, lúc nào cũng bao bọc, lúc nào cũng che chở, lúc nào cũng chan hòa, và dường như tình thương đó mới là vấn đề quan trọng, tình thương đó mới làm cho con càng ngày càng trưởng thành và lớn lên, và lớn lên. Nếu như chỉ cho ăn và cho uống, bấy nhiêu đó thôi thì thưa quý vị, không có nghĩa gì đâu, cha mẹ đối với con mà chỉ lo cho nó ăn, lo cho nó uống thôi thì không có nghĩa gì hết, cái nghĩa của người mẹ đối với con là ở chỗ tình thương.

Như vậy, hôm nay chúng ta đến đây quả thật là chúng ta đến với một tâm hồn rộng mở, rộng mở để chi, nếu thật sự chúng ta có ít nhiều ánh sáng từ bi, cái năng lượng của từ bi, thì chúng ta hãy mở rộng lòng ra, có mở rộng lòng ra thì tự nhiên cái năng lượng từ bi đó như là giòng suối reo chảy, và từ gần cho đến xa, từ chỗ hẹp cho đến chỗ rộng, mà nếu lòng từ bi nguồn suối đó mạnh chừng nào thì nó càng đi xa càng rộng rãi thêm chừng đó. Cho nên tất cả quý vị ngày rằm đến chùa ngoài cái ý nghĩa vừa rồi mà TT Giác Đẳng trình bày với quý vị, thì chúng ta hãy nhớ là chúng ta quả thật là con người rất đẹp, một con người sống cao thượng đến mức độ mà nếu chúng ta không có nghĩ tới thôi, mà nghĩ, mà hiểu biết, mà thẩm thấu, thì quý vị sẽ thấy rằng ở trong mấy giờ đồng hồ hay một đêm, quý vị có mặt ở đây nó là đêm mang đầy ý nghĩa, quý vị không phải sống cho bản thân quý vị, mà sống cho muôn loài, sống với mọi người, sống cho tha nhân. Quý vị có cảm thấy rằng cuộc sống của quý vị là cuộc sống của muôn loài, của tất cả những người xung quanh, không còn ngăn cách nữa, vì sao, vì quý vị cầu nguyện cho tất cả.

Vừa rồi trong bài kinh người khổ thì cầu nguyện cho hết khổ, người sợ hãi thì cầu nguyện cho hết sợ hãi, người sầu thì cầu nguyện cho hết sầu bi, và cầu nguyện cho họ biết chia cơm sẻ áo, tức là biết bố thí, biết sống với hạnh bố thí, đẹp lắm quý vị. Rồi cầu nguyện cho họ sống có giới, có hạnh, có đức, có phúc. Nếu như chỉ ở trong một tiếng đồng hồ thôi mà quý vị sống trong tâm trạng như vậy, thì Đức Phật bảo rằng còn quý hơn người sống trăm năm nhưng không sống với tấm lòng từ bi. Sống với tấm lòng từ bi dù chỉ là một phút thôi nó cũng có ý nghĩa thật sự hơn là người sống trăm năm mà không có chút lòng từ bi nào. Chúng tôi nghĩ, nếu như tất cả chúng ta hành một đêm như thế này, một ngày như thế này, một ngày mà chúng ta không sống cho bản thân mình nữa, mà sống cho mọi người, gọi là biết sống. Sống như vậy có nghĩa là sống như chánh pháp. Người sống như chánh pháp thì người đó gọi là tạo điều kiện hạnh phúc và lợi lạc bản thân và tha nhân.

Ở trên thế gian này khó lắm quý vị, khó có hạng người mà sống lợi lạc và hạnh phúc cho bản thân và tha nhân, khó lắm, thường thường thì người ta chỉ nghĩ đến cá nhân của mình thôi, còn ít lắm, ít khi nghĩ tới tha nhân, dù tha nhân rất gần với mình, nghĩa là có nghĩ tới, chồng thì nghĩ tới vợ, vợ thì nghĩ tới chồng, cha mẹ nghĩ tới con mà chưa chắc con nghĩ tới cha mẹ. Mang một tâm trạng như vậy, quý vị thấy sống như vậy suốt cả cuộc đời có ý nghĩa gì hay không? Trong khi nếu chúng ta thật sự có những giây phút như thế này, có những đêm sống như thế này, có những ngày sống như thế này, chúng ta mới thật sự cảm thấy quả thật là chúng ta biết sống, quả thật là sống cho chánh pháp, quả thật là người có tâm hồn lúc nào cũng mở rộng lòng ra, không giam mình ở trong cái lồng son nữa, mà thật sự là mở rộng tấm lòng. Ở trong giây phút đó, quý vị biết, quý vị là những con người như thế nào, quý vị có những tâm hồn gì, điều này nếu là Phật Tử thì mới biết, có những giây phút như vậy thì quý vị mới là một con người cứu nhơn độ thế.

Chúng ta nghĩ rằng là cứu nhân độ thế là người như thế nào? Chúng ta nói Đức Phật, Ngài mới là cứu nhân độ thế, ngoài Đức Phật có thể là Chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài, ngoài ra thì mang một tâm trạng cứu nhân độ thế có thể là tâm trạng của Chư Phạm Thiên, ngoài ra không ai có tâm trạng gọi là cứu nhân độ thế. Chỉ có những người con Phật thật sự được tắm gội ở trong giòng suối từ bi của Đức Phật và thừa hưởng gia tài vô giá của Đức Phật. Chúng ta là những người thừa tự gia tài đó, cho nên chúng ta mới trở thành những người có đầy đủ lòng từ bi, vì gia tài của Đức Phật là gia tài của tình thương.

Chính gia tài của tình thương đó cho chúng ta lẽ sống, khi có lẽ sống và tình thương rồi thì sống lâu cũng được, sống mau cũng được, sống ở đâu cũng được, miễn là sống với lẽ sống của tình thương thì đời sống thật sự là an vui, thật sự là hạnh phúc. Vì sao? Vì ở trong kinh, Đức Phật bảo rằng, người sống với lòng từ bi thì thức cũng an vui, ngủ cũng an vui, ở trong giấc ngủ không bao giờ nằm thấy những điều ác mộng và thậm chí chúng ta có thể tránh được tất cả những tai nạn như thiên tai, hỏa tai, khí giới, và thuốc độc không thể hại mình được nếu người sống với lòng từ bi, và người có lòng từ bi đó có thể muốn bảo bọc, muốn che chở cho người nào thì có thể thành tựu viên mãn.

Chẳng hạn như cha mẹ trải lòng từ bi thật sự đến con gần như ở trong từng hơi thở và ở trong nhịp tim của cha của mẹ. Mà đối với con thì quý vị thấy rằng chính tình thương của cha mẹ đó duy trì, bảo bọc, che chở, gia hộ cho con mình. Nó đâu ở một bên mà thò tay để níu nó, để ẵm nó, để bồng nó, để mà che chở nó, để mà đỡ nó, làm gì mà có được, vì lúc nào nó cũng ở xa ta. Nhưng nó ở xa khỏi tầm tay thì chúng ta lấy gì bảo bọc nó đây, lấy gì che chở cho nó đây, quý vị thấy gì đây, quý vị có tài gì không, nếu con mà xa vòng tay của quý vị thì quý vị lấy cái gì để bảo bọc, lấy gì để che chở cho nó. Cho nên Đức Phật bảo rằng người mà có lòng từ bi rồi thì có khả năng bảo bọc và che chở và muốn duy trì người nào thì người đó sẽ được hạnh phúc thật sự, người đó sẽ được che chở thật sự, người đó sẽ được thoát nạn thật sự.

Điều này quý vị hãy tin ở Đức Phật, vì Đức Phật không dạy cái gì mà thiếu kinh nghiệm ở trong đời sống của Ngài, và Ngài đã kinh nghiệm bằng xương, bằng máu, bằng sự sống của Ngài, hai chục a tăng kỳ một trăm ngàn kiếp, cuối cùng Ngài mới xác nhận được, đúng, người mà sống với lòng từ bi là có khả năng che chở, không những che chở và bảo bọc duy trì cho mình, mà còn có khả năng duy trì bảo bọc che chở cho đối tượng nào mà người đó muốn. Như vậy thì thưa quý vị có phải là ngày hôm nay quý vị là người cứu nhân độ thế hay không, nếu như nhân loại đều biết và sẵn sàng để chấp nhận, và thọ tưởng được những lòng từ bi mà chúng ta ban trải đến cho họ, thì họ cũng được hạnh phúc, họ cũng được bao bọc, họ cũng được che chở. Nhưng những người mà đau khổ vì họ không chấp nhận được lòng từ bi của những người có lòng từ bi rải đến cho họ mà thôi. Mà một khi họ đã chấp nhận lòng từ bi rồi thì họ ở gần hay ở xa không phải là vấn đề, nghĩa là họ biết họ chấp nhận. Để ý nói chẳng hạn như bây giờ suối nước chảy người nào mà chấp nhận vào ở trong giòng suối đó thì họ sẽ được mát mẻ, họ sẽ được tắm gội, họ sẽ được tẩy rửa, chắc chắn là như vậy, dù là ở xa nhưng mà họ vào trong giòng suối đó thì họ sẽ hưởng được mà thôi.

Đó là hình thức ở bên ngoài mà nó còn có khả năng như vậy, có kết quả như vậy, hà huống chi sức mạnh ở bên trong, thưa quý vị, sức mạnh của tinh thần là sức mạnh vô cùng quan trọng, ở ngoài thì quý vị thấy vậy nhưng mà không mạnh đâu. Nói tới nói lui một hồi chắc có lẽ một số quý vị ở đây, đa số chắc có đôi khi đọc chưởng Kim Dung, và nhất là bây giờ có phim chiếu quý vị coi, không biết quý vị có để ý hay không? Kim Dung rất thâm viễn Phật Giáo, tất cả những cái gì ông viết đều hướng về giáo lý của Đức Phật và thậm chí đến những nghề, thì nghề nào gọi là ưu việt nhất, là nghề đó cũng phải hướng về cái đạo ở bên trong, đó là đạo tâm, tức là hướng về định, hướng về huệ. Mà người nào nội tâm hướng về bên trong, hướng về định, hướng về huệ, thì người đó sẽ thắng, thậm chí dùng chiêu, người nào dùng chiêu chưởng mà hình thức ở bên ngoài thôi thì không thế nào thắng người dùng chiêu qua định lực ở bên trong, qua huệ lực ở bên trong, tức là vô chiêu thì là thắng hữu chiêu.

Như vậy thì quý vị thấy rằng, cái gì ở bên trong nó mới có sức mạnh vô cùng quan trọng và thiết yếu mà chúng ta đôi khi cũng nghĩ tới. Mà nếu quý vị nghĩ tới vừa rồi chúng tôi trình bày quý vị thấy rằng, suốt cả cuộc đời của quý vị thì rõ ràng, là quý vị bao bọc che chở cho các con bằng lòng thương, bằng lòng từ bi, còn những hình thức ở bên ngoài, những vật chất ở bên ngoài quả thật là thứ yếu, nó thứ yếu đến mức mà nó hết sức thứ yếu, mà nó giai đoạn vô cùng giai đoạn, chỉ một chút thôi khỏi vòng tay một chút là hết, mà chưa chắc đã hết một vòng tay là chúng ta có đầy đủ khả năng để bảo vệ. Như vậy thì chỉ có tình thương, chỉ có sức mạnh cầu nguyện, thì chúng ta mới có thể che chở được, có thể gia hộ được.

Vậy thì rằm Thượng Nguyên tất cả chúng ta cầu phúc có nghĩa là chúng ta đã có lòng từ bi nghĩ đến bản thân, thương mình, thương người, thương tất cả, cho nên mới cầu nguyện, cầu nguyện cho mình khỏi khổ, cầu nguyện cho mình đừng có sợ hãi, cầu nguyện cho mình đừng có lo âu, cầu nguyện cho mình đừng có sầu bi, và cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều được như vậy. Chúng tôi nghĩ, quý vị chỉ cần một đêm, mười tiếng đồng hồ, hay là nửa đêm thôi, mà chúng ta sống hoàn toàn thật sự cho tấm lòng từ bi như vậy, thì thưa quý vị, quả thật là cuộc sống của tất cả chúng ta nó mang ý nghĩa vô cùng cao thượng, và nó đẹp đến mức độ mà chúng ta nghĩ tới rồi, nghĩ chính xác rồi, chúng ta không có tưởng tượng rằng là chúng ta có những giây phút mà đẹp như vậy, giây phút mà chúng ta cao thượng như vậy, giây phút mà chúng ta có thể trở thành người cứu nhân độ thế như vậy, giây phút mà chúng ta mang tâm trạng của chư Phật như vậy.

Lẽ dĩ nhiên, tâm trạng đó ở với chúng ta ít thôi, nếu như ở suốt một đêm thì quá nhiều thưa quý vị, quá nhiều, một năm mà có cả bảy tám tiếng đồng hồ, chúng ta trở thành người cứu nhân độ thế, trở thành người có tâm hồn Chư Phật Chư Bồ Tát thì quá đủ rồi, nghĩ rằng đời sống của mình, nếu có được những giây phút như vậy, thì không còn ân hận gì hết. Nghĩa là suốt một năm đó kể như chuyện gì nên làm qua cái tình thương thì chúng ta đã làm mặc dù chỉ có một đêm thôi mà chúng ta đã làm. Và những ngôn từ nào hướng về lòng từ bi như vậy thì chúng ta cũng đã nói. Và tâm trạng nào là tâm trạng chan chứa lòng từ bi vô lượng biến mãn không còn ranh giới như vậy và lúc nào nó cũng được reo chảy suốt cả một đêm như vậy thì tâm hồn đó quả thật là kỳ diệu.

Thầy cầu mong ý nghĩa Rằm tháng Giêng sẽ đem đến cho quý vị những giây phút thật sự là an lạc, những giây phút thật sự là mát mẻ, những giây phút mà thật sự quý vị cảm thấy rằng, mình có những giây phút sống cho tất cả chúng sinh, sống cho tha nhân, không phải ích kỷ, không phải hẹp lượng, và không phải chỉ nghĩ cho bản thân mình mà thôi, mà quả thật con người có vị tha, có bác ái, có nhiều lòng nhơn, có lòng từ bi vô lượng đối với tất cả chúng sinh.

Cầu mong là đêm nay là quý vị còn tạo thêm một cái phúc mà phúc đó còn lớn hơn là lòng từ bi đó nữa, đó là cái phúc thọ trì hạnh đầu đà. Phúc lòng từ bi vẫn còn là phúc hữu lậu, nhưng phúc thọ trì hạnh đầu đà thì là phúc vô lậu, tức là phúc giải thoát tất cả những cái gì khổ mà chúng ta có ở trong đời sống này do thân ngũ uẩn tứ đại là nhân là duyên, thì công đức chúng ta thọ trì hạnh đầu đà này là chúng ta muốn chấm dứt cái khổ đó thì chúng ta có thể chấm dứt được, và chúng ta muốn cho khổ đó giảm thiểu từ từ thì chúng ta có khả năng làm được điều đó nếu chúng ta thọ trì hạnh đầu đà đêm nay.

Hạnh đầu đà thì quý vị thọ bậc thượng cũng được, bậc trung cũng được, bậc hạ cũng được, đều có công đức như nhau, nhưng nếu thọ bực thượng thì có phúc thù thắng hơn một chút, bậc trung thì thù thắng nhưng không đươc bằng bậc thượng, còn bậc hạ thì cũng thù thắng nhưng không bằng bậc trung, nhưng tất cả đều có công đức vô cùng thiết yếu và quan trọng, vì nó là năng lực trợ duyên cho tất cả chúng ta hành trình đến nơi giải thoát giác ngộ mà không còn khổ nữa.

Bất cứ cái khổ nào mà quý vị cảm thấy rằng ở trong cuộc đời chúng ta có gặp phải thì nhờ công đức thọ trì hạnh đầu đà chúng ta có thể giảm thiểu được từ từ và cuối cùng chúng ta có thể chấm dứt được tất cả những cái khổ gì mà chúng ta không muốn thì những cái khổ đó tự động nó sẽ dứt đi do công năng của hạnh đầu đà mà chúng ta thọ trì đêm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Sáu 2021(Xem: 5784)
ình trạng nghèo khó, bất công, thiếu tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… chúng ta cần tiên phong trong vấn đề cải tổ chính sách và hệ thống giáo dục từ học đường đến gia đình, từ quốc gia đến thế giới, và tôi nghĩ rằng, đây vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng chính là sự sống của chúng ta vì chúng ta không xem một nhà làm giáo dục như là một nghề để sinh sống mà đây là lý tưởng sống, mạch sống, nguồn sống của nhân loại.
01 Tháng Sáu 2021(Xem: 5832)
12 Tháng Ba 2021(Xem: 5850)
10 Tháng Ba 2021(Xem: 4976)