Lời Vàng

13 Tháng Bảy 201503:11(Xem: 9868)

Ấn Quang Đại Sư
LỜI VÀNG
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
âm phiên dịch & thi kệ toát yếu 2015

Phần I

 Thay lời tựa

an quang dai suĐại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh, mà hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mỗi một pháp cũng chính là chân, là bổn, là tâm, là tánh!”.[1]

Tập Lời Vàng (Gia Ngôn Lục) dù là toát yếu nhưng với một kẻ hậu học như tôi thì lại tự thấy mỗi mỗi câu nói của Đại Sư Ấn Quang đều bao hàm ý pháp, chỗ nào cũng cần phải học, chẳng thể đọc lướt qua nên phải dịch thuật đến ngàn ngàn câu kệ, hầu mong chuyển đạt lời lời ân cần tha thiết của Đại sư; chỉ để lại phần nói về các chính biến tại Trung Hoa, và những câu nói lập lại từ các bài giảng của Đại sư qua nhiều địa điểm khác nhau.

Theo lời đã dẫn chứng trên mà nếu vẫn còn có người cho rằng vì Đại sư thuộc tông Tịnh độ nên hết lòng xiển dương cho tông phái của mình, thì người ấy quả thật sai lầm lớn vậy.

 

Núi Bắc, tháng 6 năm 2015

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm 

 

 

Lời tựa của Ấn Quang Đại Sư:

 

Lý Tịnh Độ vốn cực kỳ thâm áo

Sự hành trì lại giản dị, bình dân

Kẻ tự nhận mình mẫn tuệ, đa văn

Vướng tri kiến thế gian[2], liền khinh miệt

Xem thường pháp môn cao sâu, diệu tuyệt

Tưởng dành cho kẻ già cả, muội mông

Có hay đâu tánh Tịnh Độ viên thông

Mười pháp giới [3], trên tựu thành Phật quả

Dưới vì chúng sinh phát tâm phổ hóa

Căn bản và hậu đắc, trọn thủy chung [4]

Bởi thấy người chẳng màng thế trí biện thông [5]

Tín, Hạnh, Nguyện tu trì nên khinh bạc.

Sao chẳng rõ?

Pháp hội Hoa Nghiêm hằng sa Bồ tát

Tâm vô biên như đại hạnh Phổ Hiền

Phát mười đại nguyện hồi hướng Tây thiên

Nơi đất Phật sẽ viên thành quả Phật.

Nay lớn tiếng dèm pha, a dua bài bác

Hẳn chưa từng biết đến chỗ quy tông

Hẳn chưa từng thấu suốt chữ sắc, không

Mang tâm loạn chấp pháp môn cao, thấp.

Không xét tận tường trí phàm và Phật lực

Không biết tùy phương tiện ứng cơ duyên

Nếu rõ rành học hải hội Hoa Nghiêm

Đâu chẳng vội quy tâm cầu Cực Lạc?.

Ấn Quang [6] tôi, tự thuở còn búi tóc

Cũng nhiễm theo khí độc của Hàn, Chu [7]

Tài vụng thô nên thoát chốn ao tù

Khéo biện bạch ắt tự lầm mình vậy

Lại thêm nỗi buộc người trong tà vạy.

Tuổi mười lăm, thân nhuốm bệnh bao thu

Tỉnh hẳn người, chiêm nghiệm thuyết Trình, Âu [8]

Mới phát hiện chỉ quẩn quanh thế trí.

Khác chi kẻ lân la ngoài cửa ngõ [9]

Chưa một lần vào được tận trong nhà [10]

Thì làm sao thấy rõ nẻo cao xa [11]

Sự thâm thúy cũng chưa từng học hỏi.

Ấn Quang tôi,

Xuất gia lúc vừa ngoài hai mươi tuổi [12]

Nguyện chuyên tu tịnh nghiệp trọn đời mình

Không lập môn đình, chẳng nhận môn sinh

Nào ngờ được cháu con làm bại hoại [13].

Duyên đưa đẩy gặp người cầu học hỏi [14]

Liền bảo người: “Trước hãy gắng dụng công

Niệm Phật danh khiến tiêu nghiệp, tuệ thông

Gây tạo phước, rồi phát huy Phật pháp.

Đến lúc ấy,

Bầu vũ trụ pháp ý truyền rao khắp”.

Đạo Như Lai, Giới-Định-Tuệ đó thôi

Tận tâm tu trì, tận lực vun bồi

Chỗ huyền nhiệm tại chỗ thô sơ ấy.

Nếu chẳng vậy,

Chỉ trên đầu lưỡi lời lời tuôn chảy

Việc tử sinh há dùng được mảy may?

Hãy lưu tâm, điểm quan trọng là đây

56. Chớ phân biệt quê mùa hay trí thức.

 

 

ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC

Chương I

[A] Tịnh Độ thù thắng

Thật huyền diệu thay, pháp môn niệm Phật

“Làm Phật, và là Phật” chỉ tâm này

Một niệm xưng danh, thành Phật tại đây

Độ khắp ba căn thượng, trung, và hạ

Lại gồm thu cả Luật, Thiền, và Giáo

Như mưa phải thời tươi mát khắp cùng

Như đại dương uống trọn nước ngàn sông

Chứa đầy đủ thiên, viên, và đốn, tiệm [15]

 Phương tiện tùy cơ Tiểu, Đại, Quyền, Thực [16]

Đồng hồi quy một pháp giới viên minh

Hoặc nghiệp  chưa đoạn trừ, đới nghiệp vãng sinh

Viên mãn Bồ Đề, một đời cùng Bổ Xứ.

Chúng sinh như hằng sa trong chín cõi [17]

Lìa pháp môn này, Phật đạo khó tựu thành.

Phật mười phương khó thể độ quần manh

Nếu chẳng dụng pháp môn như phương tiện.

Cũng như vậy,

Hải chúng Hoa Nghiêm theo mười hạnh nguyện

Hội Pháp Hoa, chỉ một tiếng xưng danh

Liền chứng ngay thật tướng, há quẩn quanh

Luận Khởi Tín [18], ngài Mã Minh  từng thuyết

Pháp môn Tịnh Độ dễ tu, chóng đến.

Tỳ Bà Sa [19], Ngài Long Thọ [20] xiển dương.

 Trí Giả [21] được xem là thừa tự [22] Pháp Vương [23]

Thập Nghi Luận [24] vì người mà phân biện.

Sư Vĩnh Minh [25] là Phật A Di Đà hóa hiện

Lưu truyền chương Tứ Liệu Giản [26] huyền thư

Cả tam thừa [27], ngũ tánh [28] chứng chân như

Đưa trên thánh, dưới phàm qua bến giác.

Nên phải biết, Tịnh Độ vi diệu pháp

Là pháp môn chín pháp giới hồi quy

Khắp mười phương khen ngợi bất tư nghì

Ngàn kinh luận đều xiển dương, tuyên thuyết.

Có thể nói,

Pháp Tịnh Độ là pháp môn bất tuyệt

Pháp cực kỳ vi diệu được thuyết ra

Trải một đời, trăm pháp hội Thích Ca

Là đại giáo, là nhất thừa vô thượng.

Thật khó gặp, nếu chẳng trồng cội phước

Đã được thấy nghe thì phải gắng công

Giáo, Lý, Hạnh, Quả là Phật cương tông

Nghĩ nhớ Phật, niệm Phật, là nẻo tắt.

Trong thời nay, chính là đường chứng đắc

100. Bỏ pháp này chẳng có thể viên thông

Không như xưa, pháp pháp đủ bốn tông [29]

Cũng bởi lẽ tánh người nay hạ liệt

Cách Phật thánh lâu xa, tâm phàm hèn kém

Không nương vào Phật lực quyết chẳng xong.

Pháp môn Tịnh Độ đủ thượng, hạ, trung

Vượt trên cả Luật, Thiền, và Hiển giáo.

Nên phải rõ, đại từ bi tâm Phật

Chỉ ngay vào tánh Phật của muôn loài

Đưa ba thừa, năm tánh nhập liên đài

Khiến phàm thánh cùng viên thành pháp Phật.

Cũng như xưa,

Dưới tòa Hoa Nghiêm, mười phương Bồ tát

Nhất tâm cầu Tịnh Độ được vãng sinh

Thuở Kỳ Viên thuyết thời pháp đầu tiên

Các trước tác từ Tây thiên, Đông độ

Đều quy hướng về Tây phương Tịnh thổ.

Lời người xưa: “Chẳng dễ có thân người

Chốn kinh kỳ cũng khó thể đến nơi

Nghe Phật pháp chẳng phải là dễ được

Vòng sinh tử không dễ dàng liễu thoát”.

Nay chúng ta đều hội đủ cả ba

Được thân người, đi lại chốn phồn hoa

Nghe Phật pháp chẳng lấy gì làm khó

Chỉ tự thẹn mình nghiệp sâu, chướng nặng

Khó đoạn trừ tư kiến hoặc [30], vượt tử sinh

Hy hữu thay,

Đức Như Lai vì tâm lượng đại bi

Pháp tự thuyết  là pháp môn quyền xảo

Khiến phàm phu còn trong vòng nghiệp đạo

Nếu tu trì, mang nghiệp cũ vãng sinh

Nếu chẳng phải từ muôn kiếp có căn lành

Sao lại được nghe pháp môn tận thiện?

Nên nhanh chóng phát tâm tín hạnh nguyện

Cầu được sinh nơi cõi Phật Tây phương.

Tịnh độ môn mang hoài bảo bậc pháp vương

Chỗ đứng vượt huyền ngôn và diệu nghĩa

Từ mười hai tạng kinh đến năm tông phái [31]

Chư Tổ sư khó luận tận môn này

Nếu đại địa chúng sinh hiện tướng lưỡi rộng dài

Thành chánh giác, dụng thần thông, trí lực

Nhiều như số vi trần hằng muôn cõi nước

Không mảy may dừng tuyên thuyết Tịnh tông

Cũng không sao nói đến chỗ tận cùng

Bởi Tịnh Độ bất tư nghì diệu pháp.

Hãy thử nghĩ,

Kinh Hoa Nghiêm là vua trong Tam tạng

Phẩm cuối cùng [32] về với đại nguyện vương [33]

Huyền nghĩa Pháp Hoa [34] thực khó tranh hơn

Thông diệu lý, vãng sinh ngang Đẳng giác.

Thế mới biết, muôn kinh và ngàn luận

Đồng hồi quy Tịnh Độ diệu pháp môn.

Đức Như Lai từng thọ ký lời rằng [35]:

Đời mạt pháp, không Tịnh tông, khó độ

Trong luận Tỳ Bà Sa, ngài Long Thọ

Từng dạy rằng: Pháp giản dị, chóng thành.

Thế cho nên, xưa các bậc thánh hiền

Đều hồi hướng, đâu phải là uổng phí.

Trọn một đời luôn hoằng dương, pháp thí

Nhân địa là pháp niệm Phật chính tông

Căn, thức, trần như cảnh vật, núi sông

Mỗi mỗi pháp đều xiển dương Tịnh độ.

Vòng xoay chuyển của sinh già bệnh khổ

Cảnh thiên tai, chiến trận khói mù bay

Khác chi lời cảnh tỉnh chóng thoát ly

Cầu Cực Lạc, đó gọi là chữ Độ.

Còn như nói: “Một lời gồm tất cả”

Đó là lời thuần Tịnh suốt thủy chung

Tịnh đến vô cùng thì hẳn tinh thông

Chưa thành Phật sao đảm đương cho được?

Nếu chẳng hội, suy tầm bài Lục Tức [36]

 Sẽ rõ ràng ý nghĩa quảng đường tu.

Thiếu tín thì không đủ phát nguyện sâu

Không lập nguyện, hạnh lấy chi nương cậy

Thiếu diệu hạnh, nguyện không viên mãn vậy

Lấy điều chi dẫn chứng được lòng tin

Kinh luận Tịnh tông theo đó phát minh

Ba yếu chỉ không thể nào thiếu một.

Tịnh Độ Thập Yếu [37] chữ chữ là rường cột

Làm cầu, đò đời mạt pháp dựa nương

Lời lời như máu và lệ trào tuôn

Xứng tánh hạnh [38] phát ra từ tim óc

Dùng ẩn dụ gởi tấc lòng bi thống

Ví cứu người nước cuốn, lửa bao quanh

Đọc kỳ thư chánh tín sẽ phát sanh

Tà kiến diệt ắt rõ rành phương hướng.

Kinh Hoa Nghiêm nói,

“Nếu ác nghiệp của chúng sinh có tướng

Mười phương không gian chẳng đủ chứa dung”.

Nếu tu hành giải đãi, dạ buông lung

Mà tiêu nghiệp thì chưa từng có thật!.

Đức Thích Ca Mâu Ni và A Di Đà Phật

Lo chúng sinh không đủ sức trừ mê

Khai pháp môn nương diệu lực Bồ Đề

Khiến đới nghiệp vãng sinh về Phật quốc

Phật tâm từ bi, lấy gì báo đáp

Nên sinh lòng sám hối, nguyện trợ tu.

Ngài Thiện Đạo [39] dạy rằng:

“Pháp pháp từ Phật vị đến phàm phu

Muốn học Giải, tất cả đều nên học

200. Muốn học Hạnh, chọn pháp môn khế hợp

Tinh cần tu mới chóng được pháp ân

Bằng không thì kiếp kiếp vẫn trầm luân”.

Pháp khế hợp không gì hơn Tín, Nguyện

Trì danh Phật, cầu vãng sinh đới nghiệp

Tịnh Độ tông có Tịnh Độ Tam Kinh

A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Kinh [40]

Luận sự lý của pháp môn Tịnh Độ

Kinh sách Đại Thừa cũng là vô số

 Hoa Nghiêm nhất thừa, lời Phật thuyết đầu tiên

Mười nguyện sâu của Bồ tát Phổ Hiền

Đồng quy hướng cầu vãng sinh Cực Lạc

Trên đất Phật sớm viên thành quả Phật

Đọc Quán Kinh thấy hạ phẩm hạ sanh

Kẻ sắp lâm chung dù hiếm có việc lành

Phạm ngũ nghịch [41] lại thêm mười điều ác [42]

Duyên gặp người hiền dạy câu niệm Phật

Vâng theo lời, niệm chưa hết mười câu

Liền thấy hóa thân tiếp dẫn vãng sinh.

Kinh Đại Tập: “Chúng sinh đời mạt pháp

Kẻ tu hành dù đến hằng muôn ức

Có mấy ai đến được chỗ viên thành

Nên nương vào Phật hiệu thoát tử sanh”.

Pháp niệm Phật là pháp môn tối thượng

Thượng thánh, hạ phàm, trí hay ngu đều được

Dễ hành trì, hiệu quả lại cao xa

Do nương vào Phật lực, tựa buồm hoa

Thuận sức gió, nước xuôi, thuyền chóng đến.

Bậc chánh giác vì chúng sinh ứng hiện

Vô duyên từ [43], đồng thể với đại bi

Phương tiện lập thành năm tông phái tùy nghi

Mật, Giáo, Tịnh, Thiền và Giới Luật

Luật là thân Phật, Giáo là lời Phật

Gọi là Thiền vì chính đó Phật tâm

Ba pháp này từ quả Phật thậm thâm

Cứu chín cõi cũng do từ đây vậy.

Luật, Giáo, Thiền, nếu y theo lời dạy

Thì cả ba nghiệp tội [44] của chúng sinh

Sẽ chuyển thành ba Phật lực [45] viên minh

Nghiệp chuyển hóa,

Sinh tử và Niết Bàn nào có khác

Phiền não là Bồ đề thay hình, đổi dạng

Túc nghiệp sâu nên mật chú gia ân

Lại thương chúng sinh tùy nghiệp thọ thân

Dạy niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc

Dù là thánh nhân hay phàm phu đơn bạc

Niệm Phật danh, tại thế biết ngày về

Bậc thánh thì mau chứng đắc Bồ Đề

Kẻ phàm tục được viễn ly sinh tử.

Luật là nền tảng của Giáo, Thiền, Tịnh, Mật

Không nghiêm trì giới luật, uổng công phu

Muốn xây lầu cao muôn trượng, mặc dù

Nền chẳng vững, chưa xong đà nghiêng lật

Tịnh là chỗ quy tông của Giáo, Thiền, Luật, Mật

Như nước trăm sông về một đại dương

Là pháp môn chư Phật khắp mười phương

Lập phương tiện giúp nương vào Phật lực.

Mỗi mỗi chúng sinh vốn sẳn trí chân thực

Và đủ đầy đức tướng bậc Như Lai

Bởi lìa chân theo vọng, kiếp kiếp lạc loài

Theo trần cảnh chuyển luân trong ác đạo.

Chư Phật xót thương mở khai pháp bảo

Chuyển não phiền thành đức tướng tuệ tâm

Như khối băng kia vốn từ nước lạnh đông

Duyên hội hiệp lại tan ra thành nước

Tướng dụng khác nhau, thể nào có khác

Nhưng căn cơ có lớn nhỏ, sâu nông

Phật khai pháp tùy cơ, bát ngát mênh mông

Pháp thù thắng người người kham lãnh thọ

Nhưng không một pháp sánh ngang Tịnh Độ.

Bởi vì sao?

Tất cả pháp môn thật, quyền, đốn, tiệm

Đều phải tự dụng công tu tập kiên trì

Mới mong đoạn kiến và tư hoặc, xuất ly

Lìa sinh tử, vượt phàm phu nhập thánh

Đó là bậc đã tận tường pháp tánh

Đã triệt thông các lý đạo huyền vi

Kẻ trí phàm há dễ biết đường đi

Trong nhất kiếp khó mong ngày chứng nhập

Lý đạo cao sâu, dễ gì tu tập

Chuỗi thời gian đăng đẳng trải công phu

 Vẫn chưa tận thiện, lại làm kẻ lãng du

Trong nghiệp đạo luân hồi không dừng nghỉ.

Riêng Tịnh độ tông,

Chẳng phân biệt kẻ ngu hay người trí

Không kể chi phú quý hoặc bần hàn

Không luận hàng thế tục hoặc ni, tăng

Do nguyện lực đại bi, đều nhiếp thủ.

Trong nhất niệm,

Tánh Phật và tánh chúng sinh bất nhị [46]

Khi tâm mê tạo tác khiến trầm luân

Lúc vào địa ngục, lúc dạo thiên cung

Tánh Phật sẵn có vẫn không hề tổn thất

Ví như ngọc ma ni quăng vào nơi dơ bẩn

Phải chung cùng với phẩn uế tanh tao

Kẻ trí kia biết bảo ngọc, chân châu

Vào nhặt lấy, rửa chùi nên trong sáng

Treo ngọc trên cao, quang minh chiếu rạng

Quả thật là được Như Ý bảo châu

Đại Giác Thế Tôn,

Thấy sinh chúng nào có khác chi đâu

300. Mãi mê mệt vui trong ba đường ác [47]

Phật chẳng quản công lao, tìm duyên thuyết pháp

Ẩn hiện trăm phương kế độ quần manh

Khiến người hiền, kẻ dữ được phân minh

Vô thượng đạo vì chúng sinh quảng diễn

Với kẻ sơ cơ, dạy ngũ giới và thập thiện

Người tịnh tu, dạy diệu pháp thậm thâm

Khuyên muôn người vượt thoát cõi mê tâm

Trong tam giới, dù điều tâm, phục hoặc

Nhưng thân kiến [48] vẫn còn đang chấp chặt

Thêm ái hà, tình cảm vẫn chưa thôi

Phước báo khi hết sạch phải nỗi trôi

Duyên đưa đẩy lại tạo thành ác nghiệp

Nghiệp cảm khổ, vòng luân hồi nối tiếp

Kinh Pháp Hoa đã chỉ rõ điều này

Ba cõi như nhà lửa, đáng sợ thay

Nếu chẳng được chỗ tình không, nghiệp tận

Chẳng đoạn hoặc, chứng chân, lấy gì hy vọng?

Nay pháp môn Tịnh Độ dễ thực hành

Lòng chân thành, nguyện tha thiết trì danh

Nương Phật lực cầu sinh nơi cõi Tịnh

Đã vãng sanh, lại nhập vào Phật cảnh

Các tình phàm, ý thánh cũng không sanh

Thật viên toàn, ứng hợp, pháp trì danh

Nếu bỏ sót, mạt thời mong chi thoát.

Trong tâm chúng sinh, Phật quang chiếu suốt

Lặng lẽ, thường hằng, chẳng diệt, chẳng sanh

Vô thủy chung nhưng diệu dụng tung hoành

Nói vốn Không,

Nhưng ngay đó vạn đức đều hiển hiện [49]

Nói là Có,

Nhưng dù một vi trần cũng chẳng lập

Pháp pháp đều là, tướng tướng đều ly

Ngũ nhãn [50] tứ biện tài [51] cũng khó luận suy

Dù là vậy, không nơi nào chẳng gặp

Chúng sinh mê nên từ trong khổ tập [52]

Chẳng biết dùng trí Phật, dụng công lầm

Mang chân tâm đi vào chỗ mê trầm

Vòng sinh tử chưa một lần dừng lại

Thọ huyễn báo thay cho chân như thường tại

Như kẻ say thấy nhà cửa ngữa nghiêng

Do vọng tâm hóa hiện cảnh đão điên

Trí vô ngại ẩn tàng khi vọng khởi

Do khởi vọng nên thấy sanh, thấy diệt

Vọng diệt thì Phật tánh hiện bản chân

Cảnh vật lộ bày rạng rỡ một vầng trăng

Trăng không hiện, cảnh chìm trong tỉnh lặng.

Nếu ví tâm như trăng, cảnh là vạn vật

Tâm chẳng sinh thì cảnh cũng là không

Vô tâm, vô cảnh, pháp pháp thể đồng

Linh quang tịch chiếu, căn trần đâu can dự

Lộ thể chân thường, đâu màng văn tự

Tâm không nhiễm ô tự tánh viên quang

Như như Phật, diệt vọng, hiện chân

Ngàn ngôn giáo đều chỉ bày tự tánh

Tâm mê chúng sinh có cạn sâu dày mỏng

Nếu chẳng nhọc nhằn dùng phương tiện mở khai

Chúng sinh thấy đâu vầng nguyệt tựa tâm này

Mây tan hiện bóng trăng vời vợi sáng.

Cũng vì vậy,

Kinh Hoa Nghiêm chẳng dụng quyền hiển thực

Một bước vào liền thực tướng Như Lai

Thuyết đốn môn vượt chín cõi không hai [53]

Chẳng xen tạp pháp Tiểu thừa, quyền biến.

Chúng sanh độn căn khó vào diệu thiện

Phật lại tùy cơ thuyết pháp độ nhân thiên

Ngũ giới, Thập thiện, Thập Nhị Nhân Duyên

Hoặc Lục độ đưa đường ba la mật

Từ thời A Hàm cho đến thời Bát Nhã

Các tạng kinh đều khế hợp căn duyên

Đến thời Pháp Hoa hiển thực, khai quyền [54]

Từ trong Tích [55] rõ rành bày căn Bổn [56]

Hy hữu thay, tiểu, quyền, tiệm, đốn

Thảy thảy đều trong một pháp Nhất chân

Kẻ làm thuê chính con bậc thượng nhân[57]

Ba căn tánh [58], mỗi mỗi đều thọ ký

Đại sự nhân duyên, bản hoài xuất thế [59]

Từ thủy chí chung tương chiếu lẫn nhau

Thời Hoa Nghiêm cho đến mãi ngàn sau

Đầu và cuối, hai thời về một chỗ

Nay lại nói nguyên lai môn Tịnh độ

Tâm tánh chúng sinh bất biến tựa hư không

Tuy thường hằng nhưng niệm niệm duỗi rong

Chẳng duyên cõi Phật thì duyên vào chín cõi [60]

Không duyên ba thừa [61] thì duyên sáu nẻo [62]

Không nhân thiên ắt lại chọn tam đồ [63]

Theo hai đường nhiễm tịnh có tế, thô

Thọ quả báo khổ vui đều sai biệt

Tuy bản thể vốn thường hằng bất biến

Hiển hiện ra tướng và dụng khác thường

Như hư không lúc bừng ánh thái dương

Khi mây kéo mịt mù trời lẫn đất

Rực rỡ, âm u chẳng khiến hư không tăng, giảm

Tướng trạng ẩn tàng thì chẳng phải như nhau

Bởi lẽ này,

Dạy chúng sinh hằng vạn kiếp về sau

Duyên Phật hiệu, tâm tư thường nhớ Phật

Tưởng nhớ Phật ắt có ngày gặp Phật

Làm Phật và là Phật, chỉ tâm minh

Theo tri kiến chúng sinh thì tâm của chúng sinh

400. Đã biết vậy mà không tin thì thật lạ!

Tịnh độ môn,

Duyên hồng danh Như Lai Vô Thượng Giác

Lấy quả địa [64] làm nhân địa [65] tu hành

Vạn đức ân chứng đạo tức Phật danh

Cho nên nói,

Quả tận nguồn nhân, nhân trùm biển quả

Ví như người ướp xông thân thơm hương xạ

Huân tập lâu ngày hẳn có lúc hồi quy

Chuyển phàm hóa thành lực dụng bất tư nghì

Không một pháp môn nào hơn Tịnh độ.

Cũng bởi Phật lực, tự lực đều gồm đủ

Giúp người đoạn hoặc chứng pháp thân

Hoặc là mang nghiệp cũ để vãng sinh

Dù ngu phụ[66] cho đến hàng Đẳng giác

Đều hưởng đức ân đưa đường giải thoát

Nên là pháp môn tối diệu chẳng gì hơn

Chớ nên dùng phàm trí [67] lý luận suông

Phước mỏng, chướng sâu, mong tự mình trừ hoặc

Trí cạn, nghiệp dày, thật muôn vàn khó được.

 

Kể từ khi Phật pháp trải về Đông [68]

Đất Lô Sơn, Liên Xã [69] được khởi hưng

Một câu xướng trăm câu hòa nhã điệu

Đời Bắc Ngụy, sư Đàm Loan[70] kỳ cựu

Vua nhà Lương[71] vọng bái tự Bắc phương

Thường tán dương: “Chính Bồ tát nhục thân”

Trí tuệ khó dùng tình phàm lượng giá.

Đời Trần-Tùy có Thiên Thai Trí Giả [72]

Sang đời Đường, sư Đạo Xước[73] xiển dương

Ba bộ kinh Tịnh Độ [74] giảng trăm lần

Sư Thiện Đạo[75] trở thành người nối mạch

Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang, Đại Hạnh

Quạt ngọn Liên phong như lốc cuốn trong ngoài

Các tông môn cũng theo đó triển khai

Dùng Tịnh đạo mật tu và hiển hóa.

 

Thiền tông nói: “Một pháp còn chẳng lập

Huống chi cầu cõi Cực Lạc vãng sinh!”

Chớ nên lầm! Đó là luận về tánh bản nguyên

Một chẳng kể, thảy thảy đều chẳng kể

Thật tế lý địa [76], đó là nói bản thể

Vạn sự môn trung [77], chỉ rõ việc tu hành

Bỏ tục nói chân thì chẳng phải thực chân

Chẳng khác diệt ngũ uẩn để mong cầu tự thể

Muốn thấy chân phải tìm ngay trong tục đế

Mắt thấy, tai nghe, mỗi mỗi lộ chân tâm.

 

Đại sư Liên Trì [78] tham học với Tùng Nham[79]

Lắm cân nhắc, sau cùng liền đề xướng:

“Nếu tịnh nghiệp viên thành, thiền tông tự chứng

Tắm trong đại dương tức dùng nước trăm sông

Chân bước vào điện Hàn Nguyênhá lại hỏi Trường An?”

Nối nguồn pháp, nơi nơi đều xướng lập

Sư Ngẫu Ích[80], Triệt Lưu, hàng hàng, lớp lớp

Khéo dụng công mà hưng thịnh Tịnh tông

Hóa độ tùy thời, pháp ứng hợp cơ phong

Nếu chẳng vậy, chúng sinh sao được độ

Khi sư Huệ Viễn [81] lập Liên tông nơi Trung thổ

Khiến họ Lưu khắc lời nguyện trên bia

Bạn đồng tu là Huệ Vĩnh trú Tây Lâm

Trên đỉnh biếc dựng một gian lều cỏ

Một vùng núi quyện hương bay theo gió

Người chung quanh liền gọi “động hương thơm”

Thời gian dài, thiền giả hướng Tịnh môn

Dù như vậy, không soạn biên rõ rệt

Sau Vĩnh Minh[82] nhiều áng văn trác tuyệt

Khuyến tu trì pháp niệm Phật viên thông

Trong thiền môn có thiền giả Tử Tâm

Lưu truyền văn bản “Khuyến Tu Tịnh Độ”

Tôn giả viết:

“Niệm Phật hiệu A Di Đà dễ niệm

Cõi Tây phương, đất Phật dễ vãng sinh

Người tham thiền nên niệm Phật trì danh

Người ám độn không dễ chi tỉnh thức

Nên phải nương vào A Di Đà nguyện lực

Tiếp dẫn người tu như nguyện vãng sinh

Nếu có kẻ y lời tôi mà chẳng được như trên

Thì tôi phải đọa A tỳ cắt lưỡi”.

 

Tịnh Độ Thuyết của thiền sư Chân Hiết Liễu

Thấy ghi rằng:

“Tông Tào Động nhiều người tu Tịnh độ

Bởi là con đường tắt để tu hành

Y cứ vào Đại Tạng, khế hợp hạ thượng căn

Bậc long tượng ngộ bất-không bất-hữu

Nên dốc chí chuyên tâm vào Tịnh nghiệp

Nhập một môn tức nhập vạn pháp môn

 Bởi giáo, thiền, Phật, Tổ vốn chung nguồn

Pháp Tịnh Độ giúp người mau thấy Phật”.

 

Thiền sư Trường Lô Trách kết Liên Hoa hội

Phổ khuyến người tu phát nguyện Tây thiên

Cảm ứng trong mơ Phổ Tuệ, Phổ Hiền

Chư đại Bồ tát hiện thân phó hội.

Giáo là lời Phật, Tịnh là tâm Phật, Luật là hạnh Phật

Ngôn, hạnh, tâm – ba thứ phải dung thông

Người đời sau tùy phương tiện lập tông

Duy Tịnh Độ hợp các căn lợi, độn

Lại là pháp quy các tông về Một

Như ngàn châu trên lưới Thích Đề Hoàn [83]

Cùng phóng quang minh chiếu rạng hàng hàng

Không tạp loạn, tịch nhiên mà thường chiếu.

Kẻ câu nệ vào Tích môn[84] lớn tiếng:

500. “Các pháp môn, mỗi pháp khác xa nhau”

Người khéo nhìn hẳn thấy pháp pháp viên thông

Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy

Cửa tuy khác nhau nhưng thành thì chỉ một

 Pháp pháp trên đời đều hiện tướng chân như

Chẳng riêng chi lời Phật tại Linh sơn

Mới đúng là pháp quy chân đạt bổn [85]

Mà tất cả Ấm, Nhập, và Xứ, Giới [86]

Khắp thế gian đều là pháp minh tâm

Mỗi một pháp chính là tánh, là tâm

Nên kinh Lăng Nghiêm nói:

“Ấm, Đại, Nhập, Xứ, Giới đều là Như Lai Tạng”.

Tất cả pháp thảy đều là Phật pháp

Không một ai chẳng là Phật tự tâm

Quên châu trong vạt áo, chịu lầm than[87]

Che kín mặt Như Lai mà tạo nghiệp.

 

[B] KHUYÊN TÍN HẠNH NGUYỆN NÊN CHÂN THÀNH, THA THIẾT

[1] Lòng tin chân thành, tâm nguyện tha thiết

 

Tín là tin cõi sa bà cực khổ

Tín là tin cõi Cực Lạc an vui

Ngoài sinh già bệnh chết mãi tới lui

Tâm giam hãm trong ái ân hừng hực

Tám nỗi khổ [88], dù sang giàu vượt bực

Hoặc nghèo hèn không một chỗ dung thân

Bảy loại đầu do quá khứ cảm thành

Khổ thứ tám do khởi tâm động niệm

Quả vị lai là nhân trong hiện tại

Trong ba thời nhân quả chẳng khi dừng

Sắc là do nghiệp báo tạo nên thân

Thọ, tưởng, hành, thức, phát sinh khi gặp cảnh

Thân tâm giả dối gặp sáu trần[89] tạo nghiệp

Lửa dục cháy bùng, thêm ngũ ấm ngại ngăn

Tự tánh che mờ không nhận rõ chân thân

Như mây lấp mặt trời nên khó thấy

Cũng như vậy,

Trí phàm phu bị vây trong ngũ ấm

Nên tuệ quang chưa thể hiện toàn chân

Nỗi khổ này là nguồn gốc trầm luân

Kẻ đại định không khởi tâm duyên cảnh

Hằng tu tập, lại gia công, dụng hạnh

Chứng vô sinh dứt hoặc nghiệp mê lầm

Căn bản tử sinh vượt thoát chỗ thọ thân

Nhưng thời mạt, mấy ai người chứng đạt.

Sao lại chẳng cầu vãng sinh Cực Lạc

Trên báu trì sẽ ngự đóa liên hoa

Hiện thân đồng nam, thọ mạng sánh hư không

Không tai biến, không sinh già bệnh khổ

Cận kề thánh chúng, lá hoa, chim nói pháp

Hằng quy tâm, thọ pháp Phật Di Đà

Tùy sức trí minh, chứng lý đạo gần xa

Chẳng thấy kẻ thân, huống chi người oán

Muốn có áo tức thời liền được áo

Tưởng đến ăn liền thấy việc đang ăn

Lầu ngọc, gác vàng nạm thất bảo, chân châu

Chẳng nhọc sức cất xây mà hóa hiện

Bảy thống khổ biến hình thành diệu lạc

Thân uy nghi diệu lực đại thần thông

Không rời chỗ ngồi đến cõi Phật hiện thân

Làm Phật sự, thượng cầu và hạ hóa

Đắc đại trí, biện tài, tùy cơ thuyết pháp

Nơi một tướng này, biết thực tướng vạn muôn

Tịch diệt thân tâm, ngũ ấm thảy đều buông

Nên kinh nói:

“Chỉ hưởng an vui nên gọi là Cực Lạc”

Gọi là chân tín tức tin sâu lời Phật,

Chớ nên dùng tà kiến để luận bàn

Lại bảo người: Ao thất bảo, đất trải vàng

Cảnh thắng diệu Tây phương là thí dụ

Tức ngụ ngôn, cũng đều là tâm pháp

Nào phải đâu cảnh có thể thọ sinh.”

Hiểu sai lầm mất lợi ích đã đành

Đánh mất cả duyên ngàn năm một thuở.

 

Vốn đã biết sa bà là cảnh khổ

Hãy mau mau cầu cõi khổ thoát ra

Như kẻ rơi vào hầm phân lập nguyện thiết tha

Hoặc như kẻ bị giam trong ngục tối

Lòng bi đát nhớ quê, luôn trông đợi

Cầu gặp người uy thế mở ngục môn

Chúng sinh vì gặp cảnh khởi tham sân

Làm ô uế tánh giác minh vốn có

Gieo nhân gặt quả, chuyển luân sáu cõi

Đó chính là ngục tối khó thoát thân

Đó chính là lao ngục chẳng hề phóng thích tội nhân

Hy hữu được Đức Di Đà đại nguyện

Bốn mươi tám nguyện vương, một lần đã nguyện

“Nếu có chúng sinh nghe đến tên Ta

Phát lòng cầu sinh về cõi Di Đà

Trong mười niệm,

Chẳng vãng sinh, Ta chẳng thành chánh giác”.

Phật phát đại nguyện nhưng nếu chúng sinh bội bạc

Không muốn nương về, Phật khó độ chúng sanh

Nếu có người hết lòng dạ trì danh

Tất nhiên được Phật từ tâm nhiếp thọ.

A Di Đà Phật đại từ đại lực

Nếu chúng sinh xứng tánh, Phật trong tâm

Chúng sanh tâm đồng thể với Phật tâm

Phàm và thánh cách ly vì mê huyễn

Hãy khởi lòng tin, kiên trì phát nguyện

 Niệm niệm đều là câu Phật hiệu Di Đà

Như mẫu tử thâm tình gặp lại chẳng còn xa

Tâm siêu thoát liền vào ngay đất Phật.

Phải có lòng tin sa bà là đất khổ

600. Muốn xa lìa, hướng cõi Tịnh an nhiên

Niệm danh Di Đà như con trẻ gọi cha hiền

Tín Nguyện Hạnh ngay đây đà đầy đủ

Chẳng khác nào như thái dương rực rỡ

Mặt trời lên băng giá cũng phải tan

Ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm

Không khẩn thiết thì lẽ nào đến được?

Phải nên tin hiện đời cầu vãng sinh sẽ được

Phải nên tin niệm Phật, Phật gia trì

Hướng Tây phương như viễn khách muốn hồi quy

Như tội phạm ước mong về cố quán

Bất kể nằm ngồi, uống ăn, đi đứng

Luôn giữ cho Phật hiệu chẳng rời tâm

 Tâm chẳng dừng tưởng Phật, Phật tại tâm

Tùy sức lực, chí tâm trì danh Phật.

 

[2]. Khuyên trừ nghi sanh tín tâm

 

Nếu có lòng tin lời kinh chân thật

Tấc lòng tin chẳng thể sánh gì hơn

Nếu khởi nghi, với Phật chẳng tương ưng

Lúc tạ thế biết làm sao cảm ứng

Người xưa nói:

“Tịnh độ pháp môn, Phật cùng Phật cân xứng

Đăng địa Bồ tát chỉ biết được ít phần”

Kẻ phàm nhân cớ sao vội lạm bàn

Dùng trí nhỏ mà khởi tâm phê phán

Nếu có lòng tin Tây phương Cực Lạc

Cõi Sa Bà dù chữa bước chân ra

Cũng không còn là khách trọ lâu xa

Bởi Cực Lạc đang chờ người khách quý

Chớ nên biếng lười để tâm lãng phí

Bậc trượng phu chẳng chết tựa cỏ cây

Các pháp môn có tiểu đại đủ đầy

Với tiểu pháp thì đại căn chẳng thọ

Với đại pháp thì tiểu căn thấy khó

Riêng Tịnh môn thích ứng đủ ba căn

Trên thì Phổ Hiền, Văn Thù, Thế Chí, Quán Âm

Dưới ngũ nghịch, A tỳ đều không thiếu

Nếu Như Lai không mở bày pháp môn thần diệu

Trong mạt thời muốn liễu thoát khó thay

Nếu chẳng là người có thiện phước sâu dày

Thì có lẽ cũng sinh lòng nghi hoặc

 Chẳng những phàm phu mà Nhị thừa không khác

Bồ tát quyền thừa [90] chưa hẳn có tín tâm

Bồ tát Đại thừa quả vị cao thâm

Mới có thể tuyệt dứt lòng nghi hoặc

Như thái tử dù thân rơi trên đất

Nét phong lưu vẫn vượt trội quần thần

 Người kính tin dù đầy dẫy oán ân

Gieo hạt giống mà Nhị thừa không sánh kịp.

Do dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật

Hòa tâm phàm vào biển giác Như Lai

650. Bởi biết hòa nên Phật trí mở khai

Hợp lý đạo thánh phàm cùng nhất thể.

 

Nếu chẳng nói rõ về pháp môn tự lực

Những khó khăn do nương cậy sở tri

Những dễ dàng do Phật lực gia trì

Kẻ chưa hiểu sẽ cho là rất lạ

Nếu không nghi pháp cũng khởi nghi hành giả

Bởi nếu tâm còn nhen nhúm nghi nan

Mối nghi này sẽ chướng ngại muôn vàn

Dù tu tập cũng khó mong thành tựu

Khuyên người tu chớ ngại ngần do dự

Tịnh độ môn cõi nước Phật Di Đà

Thuyết pháp khó tin từ kim khẩu Thích Ca

Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ

Đồng hướng về, hoằng dương rạng rỡ

Huệ Viễn, Thanh Lương, Trí Giả, Vĩnh Minh

Liên tục phát huy, đề xướng giúp kẻ hậu sinh

Nối đuốc tuệ, thêm Liên Trì, Ngẫu Ích.

Các Bồ tát và pháp thân đại sĩ

Sớm vì người thâm cứu Đại tạng kinh

Giúp người tu còn mê hoặc, vô minh

Một nhảy vọt, vào liền ngôi Bổ Xứ [91]

Trong một đời này tháo lồng, phá củi

Vào chỗ đốn viên lại thuận tiện, giản đơn

Nhiếp Thiền, Giáo, Luật, mà lại vượt trội hơn

Dù quyền hoặc thực  đều không hơn Tịnh độ.

Xưa Phật Tổ xiển dương, hàng tri thức thời nay phá bỏ

Kinh Hoa Nghiêm là vua của các vua

Phẩm cuối cùng quy kết đại nguyện vương

Hoa tạng hải chúng, pháp thân đà chứng nhập

Đều cầu vãng sinh, hoàn thành quả Phật

Bọn chúng ta sao dám chẳng theo cùng

Hãy sớm bỏ thị phi, sớm diệt tâm cuồng

Tận nguyện lực, hành pháp môn Tịnh độ

Công đức, lợi ích sẽ tự mình sáng tỏ

Kẻ đa văn chưa hẳn biết chân thường

Đừng tưởng mình thông thái, giỏi phô trương

Kẻ biết pháp thì tâm đồng như pháp.

 

Pháp môn Đại thừa thảy đều viên diệu

Nhưng nội dung có sâu cạn khác nhau

Sâu thì khó được, cạn lại dễ vào

Pháp Tịnh độ vừa sâu vừa giản tiện.

Tổ Thiện Đạo là Phật Di Đà hóa hiện

Lo người tu chí bất định, dễ lung lay

Nghe theo các pháp sư giảng dạy tùy nghi

Không thâm cứu bởi lòng luôn giải đãi

Tổ Thiện Đạo phát một lời khẳng khái:

“Dù sơ, nhị, tam, tứ quả thánh nhân

Cho đến hàng Bồ tát tối thượng căn [92]

Hoặc chư Phật khắp mười phương tụ hội

700. Phóng quang trong hư không tận cùng pháp giới

Đồng khuyên tôi chớ gìn giữ Tịnh tông

Đồng thuyết ra pháp vi diệu tựa kim ngôn

Tôi cũng chẳng đổi thay đường hành đạo”.

Ôi, khẳng quyết thay, lời ngài Thiện Đạo!

Sớm biết người đời sau lần lữa chẳng kiên tâm

Đã đứng trên biển cả lại mơ sông

Tâm cuồng vọng biện bày theo thế trí

Thật áo não, người vâng theo chẳng mấy

Ác nghiệp nào xui giục khiến làm ngơ

Ngoảnh mặt, quay lưng, chối bỏ pháp khế cơ

Nghiệp thức mang mang, luân hồi sáu lối.

 

Người đã chọn Tịnh môn, há phải mang tâm dong ruỗi

Hết hỏi người kia rồi lại hỏi người này

Dù truy vấn khắp nơi không gặp kẻ cùng thầy

Lời Phật Tổ cũng đủ làm nơi y cứ

Hỡi này các bậc nam nhi, liệt nữ

Quyết chẳng nên bỏ lời Phật, lấy lời phàm

Chớ để cho kẻ ưa thích khoe khoang

Trở thành kẻ nắm tiền đồ ta vậy.

Do tập khí, kẻ ngu nghiêng về tà vạy

Bậc trí thì ưa chuộng Lý thanh cao

Nếu kẻ ngu biết phận, gắng công lao

Tu Tịnh nghiệp, hiện đời về Cực Lạc.

Đến lúc ấy,

Vốn là kẻ ngu nhưng mấy ai sánh được

Bậc trí kia nếu theo Sự, tu hành

Nương Tịnh tông, cầu Phật lực vãng sanh

 Nếu được vậy mới là người đại trí.

Còn nếu như nương cậy vào thế trí

Tự tin theo lối kiến giải biện thông

Tự mình, bảo người miệt thị Tịnh tông

Kẻ như vậy đời đời trong ác thế

Muốn được như kẻ ngu kia nào có dễ.

 

Tánh tướng tông giáo [93] với người thật tỏ thông

Tôi dù ái mộ nhưng đâu dám trông mong

Lại càng chẳng dám đi theo cầu học

Bởi vì sao?

Nước giếng sâu, dây ngắn thì cực nhọc

Túi vãi thô, vật lớn khó chứa vừa

Tôi chẳng bảo ai theo tôi làm kẻ kế thừa

Nhưng trí kém lại muốn thẳng vào tự tâm diệu đạo

Toan làm bậc đại thông vẫy vùng biển giáo

Chỉ e chẳng dễ thành bậc đại thông gia

Sánh với hàng ngu phu niệm Phật, quả cách xa

 Khéo thành vụng, muốn bay cao mà xuống thấp

Một lời riêng nhắn nhủ hàng hậu học

Hãy tự xét căn cơ xác thực của mình!

Như La Đài Sơn chẳng được vãng sinh

Bởi tập khí văn chương đeo quá nặng

Ngày ngày dù cho nói là luôn niệm Phật

Nhưng niệm niệm quy vào một túi văn chương

Là bệnh chung của văn nhân, không chỉ La Đài Sơn

Nên Phật dạy,

Thế trí biện thông là một trong tám nạn[94].

Sống trong đời luôn luôn tròn bổn phận

Đó mới gọi là quân tử, bậc nữ nhân

Giữ vẹn toàn phận vị, chỗ trì tâm

Vào Tịnh độ, tránh sinh lòng sau trước

Hãy tự cho chính mình là kẻ ngu kém phước

Phải biết rằng, kẻ ấy dễ thoát ly

Bởi vì không chia trí bởi luận suy

Tâm kẻ ấy đơn sơ, không dị kiến

Nếu người thông giáo, tông, buông xuống điều thấy, biết

Thực hành công phu như kẻ ngu kia

Thì việc tử sinh sớm được xa lìa

Nếu chẳng thế, tự mình lầm mình vậy.

 

Pháp Tịnh độ là pháp môn nhiếp lấy

Một pháp chung gồm đủ các pháp riêng

Nên nói rằng pháp Tịnh độ chí viên

Sinh Phật quốc hiện đời nên chí đốn.

Là chiếc thuyền từ độ chúng sinh khắp chốn

Chẳng tin theo pháp này do nghiệp chướng chẳng kham

Khó liễu thoát tử sinh, nhập thánh siêu phàm

Vòng lục đạo biết bao giờ thoát kiếp

Kinh sợ thay cho người, nên thuyết lời bi thiết

Không nề hà, khan tiếng gọi đồng nhân

Đến hôm nay nhận thư kẻ dùng dằng

Luận lắm việc, đều dựa trên thế trí

Dùng kiến thức phàm phu để suy lường Phật trí

Thân tâm, cảnh vật này, ai biết rõ quả nhân?

Biết bắt chước người hiền tức biết lập thân

Tâm an lạc, sống vui, chết thì tự tại.

Nếu bảo rằng,

“Chẳng rõ đầu đuôi nên khó tin lời Phật dạy

Lại chưa hề thấy cõi Tịnh nơi đâu!”

Thử hỏi rằng,

Suốt ngày ăn cơm, mặc áo, do bởi từ đâu?

 Đâu là gốc việc ngăn ngừa lạnh, đói?

Nếu biết rõ, xin vì người mà nói

Xin chỉ ra đích xác chỗ khởi nguyên

Nếu không, tức là noi theo dấu vết tiền hiền

Lập ra việc có cơm ăn, áo mặc.

Nay, khi đối diện pháp môn thù thắng

Lại sinh tâm muốn biết trước sắc hình

Biết rõ rồi mới dám khởi lòng tin

Dù Phật Tổ đã thuyết lời chân thực.

800. Nếu như có bệnh cần ngay lương dược

Lại nằm chờ nghiền ngẫm bệnh tên chi

Chờ mở sách xem dược thảo có những gì

Hay lập tức mời thầy lang cho thuốc?.

Nếu uống thuốc ngay mong thân điều phục

Thì bệnh trong tâm gấp gấp chữa ngay chưa?

Bản Thảo, Mạch Quyết [95] là cái học của người xưa

Không tận mắt thấy lại hết lòng tin tưởng

Nếu bảo rằng,

“Các sách thuốc này chẳng thể không tin được”

Vậy sao lời Phật Tổ lại không tin

Lại phải chờ đến lúc tận mắt nhìn

Vậy thì thuốc cũng nên chờ mới phải!

Nếu vẫn giữ tánh tình ưa phải, trái [96]

Không hiểu, không tin, sinh phỉ báng Tịnh đường

Bản tánh trí người như lưỡi kiếm Can Tương[97]

Chẳng chém đá lại chém bùn, ôi phí phạm

Phật pháp vốn được xem là tâm pháp

Trí thế gian há sánh được hay sao

Chỉ tạm dùng thí dụ để bước vào

Chẳng nên chấp rồi luận bàn này nọ

Như dùng quạt ví trăng, rung cây ví gió

Tạm dùng giả hình để tỏ ngộ tánh chân

Quả cảnh kia bởi tâm vọng làm nhân

Tâm tịch tịnh thì cảnh không dấy loạn

Tâm niệm Phật là duyên nhân thành Phật

Quả gần là trong một kiếp vãng sanh

Quả xa là Phật đạo sẽ viên thành.

 

Nay gác lại chuyện có hay không có Phật

Hãy tự hỏi chính mình: phải chăng mình có thật?

Nếu là không, ai là kẻ luận bàn?

Nếu có thì hãy chỉ ra đích xác, rõ ràng

Bởi lời nói do thức và căn tụ tập

Mỗi mỗi việc đều không rời ngũ ấm [98]

Có phải chăng người hỏi ở nơi đây?

Ngoài ngũ uẩn ra thì người hỏi là ai?

Không biết chính mình lại mong cầu biết Phật

Có biết đâu Phật vẹn toàn, chân thật

Bởi chúng sinh chấp ngũ uẩn là mình

Chưa thấy Không[99] nên vướng mắc phàm tình

Nên không thấy được chính mình Thật Có[100]

Kinh Kim Cang nói,

Chư Bồ tát phát đại tâm hóa độ

Khiến chúng sinh được mau chóng tựu thành

Hóa độ muôn người mà chẳng thấy có chúng sanh

Hành lục độ[101] nhưng không trụ vào ngũ ấm

Không đứng trên Sắc, Thọ… mà bố thí

Không chấp vào Hành, Tưởng… khiến giới trì

Không bám vào Ý thức để biết chẳng thoái suy

Không cố chấp để phải tu nhẫn nhục

Văn kinh chỉ nói những lời giản lược

Rốt ráo là không chấp cứng khiến vọng sanh

Không ngã, nhân, thọ giả đến chúng sanh

Cứ như vậy mà tiến tu thiện pháp

Hãy thử nghĩ,

Tu như trên là hữu tướng hay vô tướng?

Trí quang minh chiếu rạng cõi thái không

Vì chẳng giữ sắc hình nên nói đó là Không

Vô sở trụ, tức không chấp tình phàm, ý thánh.

Nói độ chúng sanh, sinh tâm, thiện hạnh…

Là muốn dạy người đời xứng tánh khởi tu

Tánh Phật không vọng chấp hữu hoặc vô

Thấy tự tánh mới gọi là đại trí

Có khó gì không được tâm chánh tín

Cũng dễ tiêu trừ, dứt tuyệt lòng nghi

Vì cớ gì mãi theo thói thị phi

Dù Phật hiện, chẳng biết sao giải cứu.

Muốn biết có Phật, không Phật, đối trước kinh văn thâm cứu

Nào Tây Quy Trực Chỉ [102], Tịnh Độ Văn

Nếu xem thường, cho là chuyện lăng nhăng

Vòng lục đạo sẽ vào ngay địa phủ

Lửa đỏ, dầu sôi, rừng gươm… do tâm hiện đủ

Lại không cho là cảnh lạ, bởi quá quen

Vẫn sống trong ngục tối chịu đão điên

Kiếp hiện tại, vị lai đều không khác.

 

Nay kể lại những điều ghi trong sử sách

Tiền Sơn[103] đời Thanh giữ chức Phiên Đài

Lúc bấy giờ nhiều thổ phỉ tại Quảng Tây

Tiền Sơn dùng chiến lược phá tan băng đảng

Kẻ bị bắt nhốt, kẻ phơi thây trận mạc

Bốn năm qua[104] Sơn thọ bệnh lạ lùng

Chợp mắt liền thấy ở trong cảnh tối tăm

Vô số quỷ bao quanh ông bức hại

Bừng ác mộng, sinh lòng đầy kinh hãi

Mắt nhắm thì cảnh tượng lại hiện ra

 Ba ngày đêm không dám ngủ cả ba

Thở thoi thóp, người vợ liền khuyên nhủ:

“Hãy niệm hồng danh A Di Đà Phật”

Y theo lời, Sơn cố gắng niệm thầm

Không bao lâu ngủ thiếp, chẳng loạn tâm

Không mộng mị, bệnh dần dần thuyên giảm

Từ đó Tiền Sơn trường trai, niệm Phật

Cùng họ Trần[105] lên núi kể cho Ấn Quang tôi

Nếu như người gặp cảnh dữ vừa rồi

Có phải rõ giả, chân, rồi mới niệm?

Nếu quả thật không còn màng quý, tiện

Nhìn vinh hoa như dép rách đó thôi

Thế sao không xem kiến chấp rã tan rồi

Lại mang nó để toan vào cửa đạo?

 

 Niệm Phật là nhân, vãng sinh là quả

900. Nên như hàng ngu phụ, chẳng biện phân

Bởi vì,

Nếu học đòi mà chẳng rõ quả nhân

Mê sự lý, biết đâu là tánh tướng

Chấp có, chấp không, dám lấy kinh làm chứng

Ôi, thật là những kẻ chỉ bàn suông

Như kẻ mù không thấy được thái dương

Nếu mắt sáng, vừa nhìn thì liền thấy

Pháp niệm Phật giúp mắt kia sáng lại

Chí tâm thì thấy thật tướng Như Lai

Do quay lưng nên mới phải lạc loài

Trở thành kẻ ngông cuồng như Diễn Nhã[106]

Chẳng khác kẻ chéo áo buộc châu[107] bao đông, hạ

Cam lòng làm kẻ đói khổ, lang thang.

 

Dù là thân, dù là cảnh trong cõi thế gian

Đều do cộng, biệt nghiệp, tự tâm chiêu cảm

Cõi Cực Lạc do Phật Di Đà tiếp dẫn

Phật tánh thường hằng, tự tánh chân tâm

Như hư không bao bọc vạn sắc tâm

Vạn tượng đến đi hư không nào tổn thất

Khác cõi thế, có còn thì có mất

Cõi Tịnh do xứng tánh hóa hiện ra

Không tướng thành, trụ, diệt phải trải qua

Chính vì vậy, khi Phật Thích Ca tự thuyết

Kinh A Di Đà kết tinh hoa một đời ứng hiện

Chư Phật mười phương tán thán, ngợi khen

Công đức khó lường, thuyết kinh pháp khó tin

Là tạng pháp đứng trên muôn tạng pháp

Bởi khó tin nên cả trí ngu sinh lòng phỉ báng

Cho đến Thanh văn, Duyên giác cũng nghi ngờ

Tiểu thánh không tin, mà ngay cả Bồ tát quyền thừa

Cho đến các bậc Pháp thân đại sĩ

Dù tin nhận nhưng khó thể tận tường pháp vị

Vì Tịnh tông lấy Quả Giác làm Nhân

Cảnh giới này chỉ Phật với Phật cảm thông

 Chẳng phải trí con người mà hiểu được

Hãy như kẻ phàm phu kính tin lời Phật

Tận lực tận tâm y giáo phụng hành

Nghe được lời kinh tức nhiều kiếp tạo căn lành

Huống chi lại tin sâu và tu tập.

 

Kinh Hoa Nghiêm quy về nghĩa chân thật

Là đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh

Trên đóa sen thơm, Phật quả viên thành

Phẩm Nhập Pháp Giới[108], Thiện Tài Đồng Tử

Chứng Đẳng Giác, vẫn cầu sinh Cực Lạc

Cũng đồng như Ngài Đại Hạnh Phổ Hiền

Bồ tát Hoa Tạng trong cõi bảo liên

Đều quy hướng cầu vãng sinh Tịnh độ

Dù kẻ tự cho mình giáo, tông đều hiểu rõ

Miệng lợi lanh, tự nhận biết kinh văn

Dám sánh cũng bậc Đẳng giác hay chăng?

Có biết vãng thánh, tiền hiền[109] đều tin nhận

Có biết cả ngàn kinh và muôn luận

Đều quy về Tịnh độ, cõi báo thân

Há chẳng đáng để hàng hậu học kính vâng

Nếu chẳng đáng, thánh hiền đều ngu muội?

Phải tự biết mình nghiệp sâu đến nỗi

Việc trong nhà còn chẳng hiểu rõ ràng

Quen ưa thích thị phi nên mãi luận bàn.

 

Lại có kẻ nghi,

“Vô lượng chúng sinh niệm A Di Đà Phật

Phật làm sao tiếp dẫn khắp mười phương?”

Chớ nên dùng thế trí để suy lường

Ấn Quang tôi nay đưa ra thí dụ

Như một vầng trăng trên không gian sáng tỏ

Lấp lánh biển hồ khắp cõi thế gian

Một trăng thành trăm ngàn vạn bóng trăng

Khi nhìn ngắm, mỗi người đều tự thấy

Vạn người nhìn, vạn khuôn trăng trong mắt

Nếu lại đi từ nam bắc đến tây đông

 Thì vầng trăng vẫn trước mặt, trên không

Như theo với bước chân người qua lại

Nước hồ trong, thấy trăng vàng óng ánh

Nước hôi dơ, không thấy được khuôn trăng

Tâm chúng sinh như nước, Phật như trăng

Tâm vọng động thì làm sao thấy Phật

Tâm chí thành, có cảm thì Phật ứng

Tâm tham sân như gió lộng nước lao xao

Phật hiện nhưng nào thấy được ánh hào

Hoa Nghiêm nói: “Phật thân trùm pháp giới

Cảm ứng tùy duyên, ra vào muôn ức cõi

Nhưng chân thân vẫn ngự tại bửu tòa”.

Phật chưa từng khởi niệm có lại, qua

Do Phật lực đáp ứng tâm chiêu cảm.

Phải biết rằng,

Pháp niệm Phật là pháp môn trùm khắp

Người căn cơ bậc thượng thượng kính tin

Biết Thiện Tài chứng Đẳng giác, nhưng Phổ Hiền

Vẫn khuyến tấn cầu vãng sinh Cực Lạc

Để từ đó được viên thành quả Phật.

Kẻ ngông cuồng chẳng hiểu lý cao minh

Thấy ngu phu, ngu phụ tận lòng tin

Lại tận lực hành trì nên nhạo báng

Cho Tịnh tông là Tiểu thừa chẳng đáng

Không biết chính đây là tối thượng pháp môn

Một đời thành Phật, trọn thủy, trọn chung

Chẳng khác nhất thừa Hoa Nghiêm đã thuyết.

 

Lại có kẻ tự khinh mình hạ liệt

Nghiệp lực sâu dày, làm sao được vãng sinh

Chẳng biết rằng: Tâm, Phật, và Chúng Sinh

1000. Không sai khác, một là ba, ba là một.[110]

 

(Xin xem Phần II và các phần tiếp theo)



[1] Trích Lời Tựa, Ấn Quang Gia Ngôn Lục, dựa vào các bản in của Tô Châu Hoành Hóa Xã và Phật Quang Viện.

[2] Chấp vào Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

[3] Phật, Bồ tát, Duyên Giác, Thanh văn, Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

[4] Chỉ cho Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí.

[5] Suy nghĩ lanh lợi theo cái thấy biết của thế gian

[6]  Ngài Ấn Quang tên là Thánh Lượng, biệt hiệu Thường Tàm. Ấn Quang Đại Sư sanh vào cuối đời nhà Thanh, bước qua kỷ nguyên Dân Quốc. Ngài họ Triệu ở đất Hiệp Tây. Mãi đến năm ngài được 59 tuổi, ngài mới bắt đầu thâu nhận đệ tử. Số đệ tử tại gia của ngài lên đến hơn 300 ngàn, bao gồm từ hàng quyền quý giàu sang, danh nhơn, học sĩ cho đến thường dân. Ngài dạy: “Pháp môn Tịnh Độ là do Phật Thích Ca và A Di Đà kiến lập. Các vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền hướng dẫn và duy trì. Đức Mã Minh và Long Thọ hoằng dương. Các Tổ Huệ Viễn, Thiên Thai, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích xướng đạo cùng tiếp phần giáo hóa. Vì thế nên nay khuyên khắp các hàng Thánh, Trí, Phàm, Ngu đồng nên tu hành vậy.

[7] Hàn Dũ, bài bác Phật pháp.

[8] Họ Trình và Âu Dương Tu, bài bác Phật pháp

[9] Người cùng tử, phẩm Tín Giải, kinh Pháp Hoa.

[10] Nhà vị trưởng giả, phẩm Tín Giải, kinh Pháp Hoa.

[11] Chỉ cho Phật thừa. Kinh Pháp Hoa phá truyền hiển thực, đưa tam thừa (Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát) về nhất thùa là Phật thừa.

[12] Nhược quan: Lễ đội mủ cho thanh niên 20 tuổi, cho là trưởng thành

[13] Chỉ những người chấp chặt pháp môn mình ưa thích, không biết xứng tánh, tùy cơ.

[14] Cư sĩ họ Lý. Vị này nghe dạy nhưng không tin theo, sau nhiều năm trải bao thăng trầm mới hiểu lời Đaji Sư Ấn Quang chân thực.

[15] (頓漸二教) Đốn giáo và Tiệm giáo. Giáo pháp không theo thứ lớp mà giúp người tu hành đạt đến giác ngộ một cách nhanh chóng, gọi là Đốn giáo; còn giáo pháp phải theo thứ lớp tu hành dần dần trong thời gian dài mới đạt được quả Phật thì gọi là Tiệm giáo. Thiên là giáo pháp không viên mãn, còn gọi là Quyền giáo. Viên là giáo pháp viên mãn, còn gọi là Chánh giáo.

[16] Tiểu thừa, Đại thừa, Quyền giáo, Thực giáo hoặc Chánh giáo.

[17] Xem # 3, ngoại trừ cảnh giới Phật.

[18] (大乘起信論) Có 1 quyển, cũng gọi Khởi Tín Luận, tương truyền do bồ tát Mã minh (Phạm: Azvaghoza) của Ấn độ tạo, ngài Chân đế (499 - 569) dịch vào đời Lương thuộc Nam triều, thu vào Đại chính tạng tập 32. Nội dung sách này thuyết minh về duyên khởi Như lai tạng và tướng phát tâm tu hành của Bồ tát, phàm phu v.v... Tức là từ hai phương diện lí luận và thực tiễn mà qui kết về trung tâm tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. (Tự điển Phật Quang)

[19] Vibhasa dịch là Quảng thuyết, Thắng thuyết, Dị thuyết

[20] Nāgārjuna (S), ludrup (T)Long Mãnh, Long Thụ; Na già yên lạt thọ naTổ thứ 14 trong 28 tổ Phật giáo Ấn độ, người Nam Ấn, sanh vào năm 160. Nhờ sự gia hộ của Đức Đại Nhật Như Lai ngài mở được tháp bằng sắt, vào bên trong và đảnh lễ Ngài Kim Cang Tát Đoả rồi được ban lễ quán đảnh và tiếp nhận hai bộ Đại Kinh. Các kinh ngài ghi chép lại có: Na Tiên Tỳ kheo Kinh, Trung Luận, Thập nhị môn luận,... Ngài thọ khoảng 60 tuổi, truyền y bát cho tổ Ca na đề bà (Kanadeva). (Từ điển Phật học Việt Anh - Minh Thông)

[21] Tổ thứ tư Thiên Thai Tông (538-597).

[22]Nguyên văn hai chữ  hậu thân hay hóa thân ở đây có nghĩa là người nối pháp, y pháp Phật mà truyền bá chớ không phải là thân ứng hóa (một trong ba thân) của Phật Thích Ca. Vì vậy người Trung Hoa gọi Trí Giả là Tiểu Thích Ca. Chủ Tiểu có nghĩa là môn đồ, đệ tử.

[23] Đức Thích Ca Mâu Ni.

[24] (淨土十疑) Mười điều nghi về Tịnh độ. Ngài Thiênthai Trí khải đời Tùy, y cứ vào giáo nghĩa vãng sinh Tịnh độ, nêu ra 10 điều hoài nghi, đồng thời giải thích rõ 10 điều nghi để khuyên mọi người cầu vãng sinh Tịnh độ. Đó là: 1. Giải thích điều nghi rằng cầu sinh về Tịnh độ là không có tâm từ bi. 2. Giải thích điều nghi rằng cầu sinh về Tịnh độ là trái với lí vô sinh bình đẳng. 3. Giải thích điều nghi rằng thiên cầu vãng sinh Cực lạc là trái với pháp tính bình đẳng. 4. Giải thích điều nghi tại sao chỉ niệm danh hiệu Phật A di đà? 5. Giải thích điều nghi tại sao hàng phàm phu còn bị phiền não trói buộc vẫn được vãng sinh? 6. Giải thích điều nghi rằng tại sao vãng sinh tức là được bất thoái? 7. Giải thích điều nghi rằng tại sao không cầu vãng sinh về cõi trời Đâu suất? 8. Giải thích điều nghi rằng tại sao chỉ niệm 10 niệm được vãng sinh? 9. Giải thích điều nghi tại sao người nữ, người thiếu các căn, hàng Nhị thừa không được vãng sinh. 10. Giải thích điều nghi phải tu hạnh nghiệp gì để được vãng sinh? [X. luận Tịnh độ thập nghi]. (Tự điển Phật Quang)

[25] Vĩnh Minh Diên Thọ (永明延壽, 904-975): vị tăng của Pháp Nhãn Tông Trung Quốc, xuất thân Dư Hàng (餘杭), Phủ Lâm An (臨安府, Tỉnh Triết Giang), họ là Vương (王), tự Xung Huyền (冲玄), Bảo Nhất Tử (抱一子). Ngay từ nhỏ ông đã có chí xuất trần nhưng không được toại nguyện, nên làm quan cho nước Ngô Việt. Đến năm 28 tuổi, ông theo xuất gia với Thúy Nham Linh Tham (翠巖令參, thế kỷ thứ 9-10, pháp từ của Tuyết Phong); sau đó theo hầu hạ Thiên Thai Đức Thiều (天台德韶), kế thừa dòng pháp của vị này và trở thành vị tổ thứ 3 của Pháp Nhãn Tông. (Phật học Tinh tuyển)

[26] Một số tự điển ghi Tứ Liệu Giản là bốn pháp giản biệt do sư lâm Tế Nghĩa Huyền lập ra. Ngày xưa chư Tổ không tranh danh đoạt lợi cho nên không màng đến chủ quyền, vì vậy nay không rõ xuất xứ này từ đâu.

[27] Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát.

[28] Ngũ Tánh Các Biệt (五姓[性]各別, Goshōkakubetsu): chúng sanh có 5 loại tố chất (tánh) của nhân cách mang tính tôn giáo vốn đầy đủ tính tiên thiên và được chia làm 5 loại theo chủ trương của Duy Thức Pháp Tướng Tông. Tánh (姓、性) là từ gọi tắt của chủng tánh (種姓、種性). Năm loại tánh ấy gồm:

(1) Thanh Văn Định Tánh (聲聞定性), (2) Độc Giác Định Tánh (獨覺定性), (3) Bồ Tát Định Tánh (菩薩定性), (4) Bất Định Tánh (不定性) và (5) Vô Chủng Tánh (無種性).

Ba loại đầu, mỗi con đường tu hành và quả chứng ngộ đạt được là quyết định, không có thay đổi, nên được gọi là Quyết Định Tánh (決定性). Loại Bất Định Tánh thứ tư thì không dứt khoát và có thể thay đổi. Loại Vô Chủng Tánh thứ năm thì không thể nào đạt được chứng ngộ. Trong 5 loại kể trên, chỉ có loại thứ 3 và 4 mới mới có thể thành Phật. Đây là giáo nghĩa chủ trương của Duy Thức Pháp Tướng Tông. Chính giáo nghĩa này đã tạo nên điểm tương phản với quan niệm của Phật Giáo Đại Thừa là hết thảy chúng sanh đều thành Phật, từ đó gây nên sự luận tranh giữa các tông phái. Đặc biệt, tại Nhật Bản thì những luận tranh của Tối Trừng (最澄, Saichō), Đức Nhất (德一, Tokuitsu) và Ứng Hòa (應和, Ōwa) dưới thời Bình An (平安, Heian) là nổi tiếng nhất. (Phật học Tinh tuyển)

[29] Giáo, lý, hạnh, quả

[30] Kiến Hoặc: Các loại vọng kiến, phân biệt tà vạy, gây ra những mê hoặc. Tư Hoặc: Lấy tình cảm mê chấp tham, sân, si, mà nghĩ cảm về vạn hữu trên thế gian. (Từ điển Phật học Việt Anh - Thiện Phúc)

[31] (五宗) I. Ngũ Tông. Chỉ cho 5 tông Đại thừa: Thiên thai, Hoa nghiêm, Pháp tướng, Tam luận và Luật. II. Ngũ Tông. Chỉ cho 5 tông phái Thiền: Tông Qui ngưỡng, tông Lâm tế, tông Tào động, tông Vân môn và tông Pháp nhãn. III. Ngũ Tông. Chỉ cho 5 tông do pháp sư Tự quĩ ở chùa Hộ thân đời Tề thành lập: Tông Nhân duyên, tông Giả danh, tông Bất chân, tông Chân thực và tông Pháp giới. (xt. Ngũ Tông Giáo). (Từ điển Phật Quang)

[32] Phẩm Nhập Pháp Giới.

[33] Phổ Hiền đại nguyện

[34] Thiên Thai Trí Giả, Pháp Hoa Huyền Nghĩa.

[35] Pháp hội Đại Tập

[36] (六卽成佛): trong giáo nghĩa của Thiên Thai Tông có luận một cách có hệ thống về các giai vị từ sơ phát tâm cho đến khi đạt quả vị Phật và phân chia ra thành Bốn Giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Về bản chất thì chúng sanh tức là Phật, nhưng về mặt tu hành thì lại có Sáu Tức, gồm:

(1) Lý Tức (理卽, về mặt bản lai thì có thật tại thành Phật), (2) Danh Tự Tức (名字卽, lấy đây làm lý niệm mà lý giải), (3) Quán Hành Tức (觀行卽, quán tâm tu hành để thể nghiệm), (4) Tương Tợ Tức (相似卽, sáu căn thanh tịnh tương tợ với chơn giác ngộ), (5) Phần Chứng [Chơn] Tức (分証[眞]卽, thể hiện bộ phận của chơn như) và (6) Cứu Cánh Tức (究竟卽, hoàn toàn giác ngộ).

[37] Gồm 10 quyển, do ngài Tri Húc biên soạn vào đời Minh, được xếp vào Vạn Tục Tạng, tập 108. (Tự điển Huệ Quang)

[38] Lấy căn bản trí, Phật tánh làm nhân tu hành thì gọi là xứng tánh. Khác với lấy ngũ uẩn làm nhân tu hành.

[39]善導 Shandao (613-681). Vị thứ ba trong năm vị tổ Tịnh độ và là vị thứ năm trong bảy vị tổ của Chân ngôn tông. Ngài xuất gia khi còn nhỏ tuổi và tu tập thiền quán tưởng A-di-đà và Tịnh độ. Khi Ngài nghe tiếng Đạo Xước (c: Daochuo 道綽), Thiện Đạo đến gặp và nhận giáo lý Tịnh độ từ Ngài. Suốt đời Thiện Đạo hiền mình tu tập và hoằng truyền giáo lý nầy. Tương truyền ngài đã chép kinh A-di-đà hơn 100.000 lần và vẽ hơn 300 bức tranh về cõi Tịnh độ. Ngoài việc tụng kinh và niệm Phật thường xuyên, ngài còn tu tập các thời khoá thiền quán tưởng đức Phật A-di-đà và cõi nước của Ngài. Thiện Đạo còn trứ tác năm tác phẩm, trong chín cuốn, gồm những luận giải khác nhau về kinh Quán vô lượng thọ. Ngài thường được gọi là Quang Minh tự Hoà thượng光明寺和尚, Chung Nam Đại sư終南大師 (Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt )

[40] Kinh Quán Vô Lượng Thọ

[41] (五逆往生) Người phạm 5 tội cực ác, nhưng nhờ sức niệm Phật mà được vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc. Đây là chủ trương của kinh Quán Vô Lượng Thọ, cho rằng sự niệm Phật chí thành có một công năng siêu tuyệt. (Tự điển Phật Quang)

[42] (s: daśākuśala-karma-pathāni, 十惡): còn gọi là Thập Ác Nghiệp Đạo (十惡業道), Thập Bất Thiện Nghiệp Đạo (十不善業道), Thập Bất Thiện Căn Bổn Nghiệp Đạo (十不善根本業道), Thập Hắc Nghiệp Đạo (十黑業道); là 10 hành vi ác, không tốt của ba nghiệp thân, miệng và ý; gồm:

(1) Sát sanh; (2) Trộm cắp; (3) Tà dâm; (4) Nói dối; (5) Nói hai lưỡi, tức nói lời ly gián; (6) Nói thô ác, tức mắng nhiếc thậm tệ, nói lời ác độc; (7) Nói lời thêu dệt; (8) Tham dục; (9) Sân si; (10) Tà kiến. (Tự điển Tinh Tuyển)

[43] Còn gọi là đại từ đại bi của chư Phật, tuyệt đối bình đẳng.

[44] Thân, khẩu, ý

[45] Phật thân, Phật ngôn, Phật trí

[46] (不二) Không hai. Cũng gọi Vô nhị, Ly lưỡng biên (lìa hai bên). Đối với hết thảy hiện tượng không phân biệt, hoặc vượt lên các thứ phân biệt. Cứ theo Đại thừa nghĩa chương quyển 1 nói, thì lí Nhất thực màu nhiệm, vắng lặng, lìa các tướng, như bình đẳng, không đây, không kia, cho nên gọi là Bất nhị. Cũng gọi Chân như, pháp tính. Nhưng đặc biệt được xem trọng về phương diện nhận thức luận và phương pháp luận. Như Trung luận v.v... đã tổng kết tư tưởng Bát nhã, dùng Bát bất: bất sinh, bất diệt v.v... để biểu hiện rõ bản chất của pháp tính tạo thành nhận thức Phật giáo không dính mắc thiên kiến, khế hợp pháp tính: gọi là Trung đạo quán. (Từ điển Phật Quang)

[47] Tam đồ. Chỉ cho nhà lửa trong phẩm Thí Dụ, kinh Pháp Hoa.

[48]有身見Kiến chấp về ngã, không thể vượt thoát ra khỏi ý niệm về 'Ngã và Ngã sở'(s: satkāya-dṛḍṭi; p: sakkāya-diṭṭhi). Gọi tắt là Thân kiến 身見. Phiên âm là Tát-ca-da kiến 薩迦耶見. Đây là một trong Tứ kiến liên hệ đến mạt-na thức. (Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt)

[49] Chỉ cho Chân Không Diệu Hữu

[50]五眼): chỉ cho 5 loại nhãn lực. (1) Nhục Nhãn (s: māṃsa-cakṣus, 肉眼), là con mắt vốn có đầy đủ nơi nhục nhân này. (2) Thiên Nhãn (s: divya-cakṣus, 天眼), là con mắt của người trên cõi Trời Sắc Giới (s: rūpa-dhātu, 色界), chứng đắc được nhờ có tu Thiền Định. Mắt này xa gần trước sau, trong ngoài, ban ngày hay ban đêm, trên hay dưới đều có thể thấy được. (3) Tuệ Nhãn (s: prajñā-cakṣus, 慧眼), là con mắt của hàng Nhị Thừa, có thể biết rõ chân không vô tướng, cũng có thể quán sát các hiện tượng đều là không tướng, định tướng. (4) Pháp Nhãn (s: dharma-cakṣus, 法眼), là con mắt của chư vị bồ tát có thể quán chiếu thấy tất cả các pháp môn để cứu độ hết thảy chúng sanh. (5) Phật Nhãn (s: buddha-cakṣus, 佛眼), là con mắt của Phật, có đầy đủ tác dụng của 4 loại nhãn lực vừa nêu trên. Mắt này không có gì không thấy biết, cho đến không việc gì không biết, không nghe; cả nghe và thấy đều dùng hỗ tương lẫn nhau, không có tư duy nào mà không thấy được. (Phật học Tinh tuyển )

[51] Thông đạt danh tự của các pháp vô ngại, gọi là Pháp vô ngại trí. 2. Thông đạt tất cả các nghĩa lý vô ngại, gọi là Nghĩa vô ngại trí. 3. Hay dùng đủ thứ từ ngữ phương tiện tùy nghi diễn thuyết, gọi là Từ vô ngại trí. 4. Nơi các pháp nghĩa viên dung vô ngại, khéo thuyết tự tại, khiến chúng sanh dễ được tín giải thọ trì, gọi là Khéo thuyết vô ngại trí. Nói chung gọi là Tứ vô ngại trí. (Ngữ vựng danh từ Thiền học)

[52] Khổ, tập, diệt, đạo tức Tứ Đế.

[53] Bất nhị

[54] (開權顯實) Phá trừ sự chấp trước vào quyền giáo phương tiện của Tam thừa để hiển bày nghĩa chân thực Nhất thừa. Đây là từ ngữ phán thích kinh Pháp hoa do tông Thiên thai lập ra. Khai nghĩa là khai trừ, khai phát, khai thác; khai trừ là trừ bỏ quyền chấp(chấp vào giáo pháp phương tiện tạm thời), Khai phát là do cơ duyên bên trong thuần thục mà lìa quyền chấp, khai thác là quyền tức thực mà mở rộng ý nghĩa về thể của nó. Giáo pháp do đức Phật thuyết giảng trước kinh Pháp hoa là giáo pháp phương tiện, nhằm thích ứng với những căn cơ chưa thuần thục, hầu dắt dẫn chúng sinh vào giáo pháp chân thực. Vì dùng phép phương tiện quyền giả (tạm thời) để hiển bày nghĩa chân thực, nên gọi là Khai quyền hiển thực. Tuy nhiên, quyền thực vốn chẳng khác nhau, nếu trừ bỏ được chấp trước này, thì quyền thực không hai, quay về với chân nghĩa Nhất Phật thừa. Trên đây là nói theo Hóa nghi Tích môn thuộc nửa bộ trước của kinh Pháp hoa. Mà Khai tích hiển bản thuộc Hóa nghi Bản môn của nửa bộ sau cũng gọi là Khai quyền hiển thực tức phá trừ chấp trước vào quyền giáo Tích môn, để hiển bày thực nghĩa Bản môn. Nếu nói theo trọn bộ kinh Pháp hoa, thì 14 phẩm trước là Khai tam hiển nhất, 14 phẩm sau là Khai cận hiển viễn, tức là nửa bộ trước trừ bỏ giáo pháp Tam thừa phương tiện, để hiển bày giáo pháp Nhất thừa chân thực; còn nửa bộ sau là trừ bỏ Cận Phật thùy tích (Phật mới thành), mà hiển bày Chân Phật bản địa (Phật đã thành từ lâu xa). Như vậy, tất cả 28 phẩm kinh Pháp hoa đều qui về Khai quyền hiển thực. Lại nữa, Khai tam hiển nhất là nói theo người, căn cơ, trái lại, Khai quyền hiển thực là nhằm giải thích lí, giáo. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.5 thượng; Pháp hoa văn cú kí Q.8 phần 3; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.thượng; Pháp hoa huyền luận Q.3, Q.5]. (xt. Bản Tích Nhị Môn, Khai Tam Hiển Nhất, Khai Cận Hiển Viễn). (Từ điển Phật Quang )

[55] Xem chú thích # 54

[56] Xem chú thích # 54

[57] Chỉ người trưởng giả, phẩm Tín Giải, kinh Pháp Hoa.

[58] Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát

[59] Đại sự nhân duyên Phật ra đời là để cho chúng sinh khai thị ngộ nhập Phật tri kiến

[60] Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, Trời, Người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh

[61] Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn

[62] Trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh

[63] Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh

[64] (果地) Cũng gọi Quả vị, Quả cực. Đối lại: Nhân vị, Nhân địa. Do tu hành nhân vị mà chứng được cực vị của quả mãn Diệu giác. Kinh Lăng nghiêm quyển 4 (Đại 19, 122 thượng) nói: Phải nên quán xét cho thấu đáo, nhân địa phát tâm và quả địa giác giống nhau hay khác nhau. (Từ điển Phật Quang )

[65] (因地) Đối lại: Quả địa. Đồng nghĩa: Nhân vị. Chỉ cho các địa vi hoặc giai vị đạt được trong quá trình từ khi tu tập nhân hạnh đến chứng quả vị. Nhân địa có thể chia làm 2 loại: 1. Nói theo quả vị Phật, thì từ Đẳng giác trở xuống đều là Nhân địa, như câu Bồ tát Pháp tạng khi còn ở nhân vị trong Giáo hành tín chứng quyển 2, là nói theo quả địa của đức Phật A di đà. Vì bồ tát Pháp tạng là danh hiệu của đức Phật A di đà khi còn ở địa vị tu nhân (nhân vị) trong quá khứ. 2. Nói theo Bồ tát từ Sơ địa trở lên, thì các giai vị Bồ tát trước Thập địa đều là nhân vị. Tóm lại, giai vị đã chứng gọi giai vị chưa chứng là Nhân địa. Như kinh Lăng nghiêm quyển 5 (Đại 19, 128 trung) nói: Con xưa kia ở nơi nhân địa dùng tâm niệm Phật mà vào Vô sinh nhẫn. (xt. Quả Địa). (Từ điển Phật Quang )

[66] Người đàn bà quê mùa

[67] Trí tuệ của kẻ chưa thấy tánh, hoặc trí thức của thế gian.

[68] Tức Đông độ, Trung Hoa.

[69] (蓮社): tức Bạch Liên Xã (白蓮社), là đoàn thể tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, do Huệ Viễn (慧遠, (334-416) ở Lô Sơn (廬山) đời Đông Tấn sáng lập ra vào năm 402 với một nhóm đồng chí 123 người. Cho nên Liên Xã còn có nghĩa là Tịnh Độ (淨土), thế giới của đức Phật A Di Đà (s: Amitābha, 阿彌陀).

[70] (曇鸞) (476-?) Vị cao tăng của Tịnh độ giáo ở thời Nam Bắc triều, người Nhạn môn (huyện Đại, tỉnh Sơn tây), có thuyết nói sư là người Vấn thủy Tinh châu (Thái nguyên, Sơn tây), không rõ họ gì. Nhật bản tôn sư là Sơ tổ trong 5 vị Tổ của tông Tịnh độ, Tổ thứ 3 trong 7 vị tổ của Chân tông. Nhà sư ở gần núi Ngũ đài, sư thường được nghe những chuyện thần tích kinh dị, nên lúc 10 tuổi sư lên núi xin xuất gia.

[71] Lương Vũ Đế.

[72] (538-597) Tổ thứ tư Thiên Thai Tông.

[73] (道綽) (562 - 645) Vị tăng thuộc tông Tịnh độ đời Đường, người Vấn thủy, Tinh châu (huyện Thái nguyên, tỉnh Sơn tây), có thuyết nói là người Tấn dương, Tinh châu, họ Vệ. Cũng gọi Tây hà thiền sư. Là tổ thứ 2 của tông Tịnh độ, vị thứ 4 trong 7 vị cao tăng của Chân tông Nhật bản. Năm 14 tuổi, sư xuất gia, học khắp các kinh luận, đặc biệt tinh thông kinh Niết bàn và từng giảng dạy kinh này tất cả 24 lần. Sau, sư ở tại chùa Huyền trung do ngài Đàm loan sáng lập, nhân đọc văn bia của ngài Đàm loan mà chuyển sang tín ngưỡng Tịnh độ, lúc ấy sư được 48 tuổi, từ đó mỗi ngày sư đều niệm Phật 7 vạn biến. Suốt một đời, sư giảng kinh Quán vô lượng thọ tới hơn 200 lần chủ trương bất luận là người xuất gia hay tại gia đều nên lấy việc niệm Phật làm cốt yếu.

[74]淨土三部經; Ba bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông: Vô lượng thọ kinh (無量壽經), Quán Vô lượng thọ kinh (觀無量壽經) và A-di-đà kinh (阿彌陀經).

[75] (善導, Shàn-dào, Zendō, 613-681): vị tăng sống dưới thời nhà Đường, người hình thành nên Tịnh Độ Giáo Trung Quốc, vị tổ thứ 3 của Tịnh Độ Tông và được liệt vào hàng thứ 5 trong 7 vị cao tăng của Chơn Tông Nhật Bản. Ông xuất thân Lâm Truy (臨淄), Sơn Đông (山東), họ Chu (朱), hiệu Chung Nam Đại Sư (終南大師). Trước khi ông ra đời là thời đại của Văn Đế (文帝), vị vua rất sùng ngưỡng Phật Giáo; vị tổ khai sáng Thiên Thai là Trí Khải Đại Sư (智顗大師) thị tịch trước khi ông ra đời 16 năm; còn Đạo Xước (道綽) thì quy y với Tịnh Độ Giáo trước khi ông sinh ra 4 năm. Nhà dịch kinh nổi tiếng Huyền Trang (玄奘) thì hoạt động cùng thời đại với ông. Lúc nhỏ ông theo xuất gia với Minh Thắng Pháp Sư (明勝法師) ở Mật Châu (密州), tinh thông các kinh Pháp Hoa, Duy Ma, v.v. Vào năm thứ 15 (641) niên hiệu Trinh Quán (貞觀) đời vua Thái Tông nhà Đường, ông đến Huyền Trung Tự (玄中寺) ở Tây Hà (西河), yết kiến Đạo Xước (道綽), tu học sám pháp Phương Đẳng và nghe giảng Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經). Từ đó về sau, ông chuyên tâm niệm Phật, tinh tấn vượt qua mọi khổ nhọc, cuối cùng đạt được Niệm Phật Tam Muội và trong giấc mơ thấy được cảnh giới trang nghiêm của Tịnh Độ. (Phật học Tinh tuyển )

[76] Thuật ngữ Thiền: Thật tế lý địa bất lập nhất pháp (Cảnh giới chân thật không lập một pháp)

[77] Thuật ngữ Thiền: Phật sự môn trung bất xã nhất trần (Có chỗ chép là Vạn sự) Trong Phật sự/ Vạn sự việc nhỏ đến đâu cũng không bỏ qua mà không làm.

[78] (雲棲袾宏, 1535-1615): tự là Phật Tuệ (佛慧), hiệu Liên Trì (蓮池), do vì ông từng sống tại Vân Thê Tự (雲棲寺) thuộc Ngũ Vân Sơn (五雲山), Hàng Châu (杭州), Tỉnh Triết Giang (浙江省), được gọi là Vân Thê (雲棲), xuất thân Phủ Nhân Hòa (仁和府), Hàng Châu, họ Trầm (沉). Năm 31 tuổi, ông theo xuất gia với Tánh Thiên Lý (性天理) ở Tây Sơn (西山), rồi đến tham học với Tùng Nham Đắc Bảo (松嵓得寳). Sau đó, ông rời vị này, đi qua vùng Đông Xương (東昌), chợt nghe tiếng trống trên chòi cao trên thành mà đại ngộ. Đến năm thứ 5 (1571) niên hiệu Long Khánh (隆慶), ở độ tuổi 37 ông bắt đầu đi hành cước, đến Vân Thê Sơn (雲棲山), dọn sạch cỏ ngôi cổ tự và lưu lại nơi đây. Ông đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc giáo dưỡng và trước tác tại vùng đất này và để lại cho đời hơn 30 loại tác phẩm với hơn 300 quyển.

[79] Tùng Nham Đắc Bảo (松嵓得寳).

[80] (蕅益智旭) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Minh, người Mộc độc, huyện Ngô, tỉnh Giang tô, họ Chung, tự Ngẫu ích, hiệu là Bát bất đạo nhân. Vì sư ở núi Linh phong (huyện Hàng, tỉnh Chiết giang) xây chùa, lập Liên xã, viết sách... nên người đời gọi sư là Linh phong Ngẫu ích Đại sư. Thủa nhỏ, sư theo Nho học, thề sẽ tiêu diệt đạo Phật và đạo Lão, nhưng khi tình cờ được đọc các tác phẩm Tự tri lục và Trúc song tùy bút của ngài Châu hoành, sư liền đốt bỏ cuốn Tịch Phật luận (bàn về việc diệt Phật) do sư biên soạn. (Từ điển Phật Quang)

[81] Huệ Viễn, Tăng sĩ Trung Hoa, (523-592), còn gọi là Tịnh Ảnh Huệ Viễn 浄影慧遠; là học giả nổi tiếng với những luận giải về Như Lai tạng và A-lại-da thức.

[82] Xem # 25

[83] Thích Đề Hoàn Nhân, thiên chủ cõi Đao Lợi

[84] Chỉ cho tam thừa hoặc pháp phương tiện

[85] thấu hiểu chân thật, thông đạt tận nguồn cội.

[86] Ngũ uẩn, căn, trần, thức.

[87] Hệ Châu, kinh Pháp Hoa.

[88] (八苦) I. Bát khổ. Tám khổ. Là tám thứ quả khổ mà chúng sinh vòng quanh trong sáu đường phải lãnh chịu, là nội dung chủ yếu của Khổ đế trong bốn đế. 1. Sinh khổ. Có năm thứ: a. Thụ thai, nghĩa là khi thần thức gá vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ chật chội dơ bẩn. b. Chủng tử, nghĩa là khi thần thức được gá vào di thể (tinh trùng và trứng) của cha mẹ, hạt giống thức phải tùy thuộc hơi thở ra vào của người mẹ, không được tự tại. c. Tăng trưởng, nghĩa là ở trong bụng mẹ chín tháng mười ngày, nóng bức nung nấu, thân hình lớn dần, dưới ruột non trên ruột già, khoảng giữa chật hẹp như tù ngục. d. Xuất thai, nghĩa là khi mới sinh, có gió lạnh gió nóng thổi vào thân mình và quần áo cọ xát vào da mỏng mềm nhũn, đau rát như đâm như cắt. e. Chủng loại, nghĩa là về nhân phẩm có giàu sang, nghèo hèn, về tướng mạo thì có đầy đủ, khiếm khuyết, xinh đẹp, xấu xí v.v... 2. Lão khổ. Có hai thứ: a. Tăng trưởng, nghĩa là từ trẻ thơ đến trai tráng đến già cả, khí lực suy yếu, đi đứng không vững. b. Diệt hoại, nghĩa là thịnh đi suy đến, tinh thần hao mòn, mệnh sống qua mau, dần dần hoại diệt. 3. Bệnh khổ. Có hai thứ: a. Thân bệnh, nghĩa là khi bốn đại (bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió) mất thăng bằng thì tật bệnh phát sinh. Như khi đất mất thăng bằng thì thân nặng trĩu, gió không điểu hoà thì toàn thân tê cứng, nước mất thăng bằng thì thân thể phù thũng, lửa không điều hoà thì khắp mình nóng bức. b. Tâm bệnh, nghĩa là trong lòng khổ não, lo buồn thương đau. 4. Tử khổ. Có hai thứ: a. Thân tử, nghĩa là vì hết số nên đau ốm mà chết. b. Ngoại duyên tử, nghĩa là hoặc gặp duyên ác, hoặc gặp các tai nạn nước, lửa mà chết. 5. Ái biệt li khổ, nghĩa là những người thân yêu mà phải chia lìa, không được sống chung 6. Oán tắng hội khổ, nghĩa là những kẻ cừu thù oán ghét, mình muốn xa lánh mà không được, trái lại, cứ phải chung sống bên nhau. 7. Cầu bất đắc khổ, nghĩa là hết thảy sự vật trong thế gian, lòng mình ưa thích, mà cầu mong không được. 8. Ngũ ấm thịnh khổ, nghĩa là sắc, thụ, tưởng, hành, thức gọi là năm ấm. Âm, có nghĩa che lấp; tức năm ấm hay che lấp chân tính, không cho hiển lộ ra. Thịnh, có nghĩa thịnh vượng, dung chứa. Tức là tất cả các nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử kể ở trên tụ tập lại, cho nên gọi là ngũ ấm thịnh khổ. [X. Trung a hàm Q.7; luận Đại tì bà sa Q.78; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.6]. II. Bát khổ. Luận Du già sư địa quyển 44 còn nêu ra tám nỗi khổ khác nhau như sau: khổ vì rét, khổ vì nóng, khổ vì đói, khổ vì khát, khổ vì mất tự do, khổ vì tự mình giày vò mình, khổ vì người khác ức hiếp, khổ vì phải sống dưới một loại quyền uy nào đó trong một thời gian dài. (Từ điển Phật Quang )

[89] Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

[90] Bồ tát còn tu ở pháp môn phương tiện, thứ bậc.

[91] Vị Phật trước nhập diệt, vị Phật sau bổ xung vào thì gọi là Bổ Xứ.

[92] Chỉ cho Đẳng giác Bồ tát

[93] Tính là tự thể của các pháp. Tướng là tướng mạo, nghĩa lý của các pháp đó, còn gọi là pháp tướng. Các tông Câu Xá, Thành Thật làm sáng tỏ thuyết Tính Tướng của Tiểu thừa. Các tông Du Già, Duy Thức thuyết minh cho thuyết Tính Tướng của Đại thừa. Vì vậy học tập các luận thuyết về Tính Tướng thì gọi là Tính Tướng Học. (Tự điển Phật học)

[94]八難; C: bānán; S: aṣṭāvakṣanā; tám nạn, tám trường hợp không may có thể xảy ra trên con đường đạt giác ngộ của một tu sĩ. Bát nạn bao gồm:

1. Địa ngục (地獄; s: naraka); 2. Súc sinh (畜生; s: tiryañc); 3. Ngạ quỷ (餓鬼; s: preta); 4. Trường thọ thiên (長壽天; s: dīrghāyur-deva), là cõi trời thuộc sắc giới với thọ mệnh cao. Thọ mệnh cao cũng là một chướng ngại vì nó làm mê hoặc hành giả, làm hành giả dễ quên những nỗi khổ của sinh lão bệnh tử trong Luân hồi; 5. Biên địa (邊地; s: prat-yantajanapāda), là những vùng không nằm nơi trung tâm, không thuận tiện cho việc tu học chính pháp; 6. Căn khuyết (根缺; s: indriyavaikalya), không có đủ giác quan hoặc các giác quan bị tật nguyền như mù, điếc…; 7. Tà kiến (雅見; s: mithyādarśana), những kiến giải sai lệch, bất thiện; 8. Như Lai bất xuất sinh (如來不出生; s: tathāga-tānām anutpāda), nghĩa là sinh sống trong thời gian không có Phật xuất hiện hoặc giáo pháp của Ngài.

[95] Tên hai tập sách nói về các loại thuốc

[96] Thị phi

[97] Can Tương, Mạt Gia là hai thanh kiếm quý đời xưa, có thể chém đá dễ như chém bùn.

[98] Sắc, thọ, tưởng, hành, thức

[99] Chân Không

[100] Diệu Hữu

[101] Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ

[102] (西歸直指) Tác phẩm, 4 quyển, do cư sĩ Chu mộng nhan soạn vào đời Thanh, được thu vào Vạn tục tạng tập 2. Nội dung sách này nói về pháp môn niệm Phật vãng sinh, khuyến hóa người đời đềunên qui về Tịnh độ phương Tây, vì thế nên lấy tên sách là Tây qui trực chỉ (chỉ thẳng về phương Tây). Đầu quyển có lược truyện của tác giả và các biểu đồ về 10 việc thù thắng ở phương Tây, 9 điều thù thắng của pháp môn niệm Phật, 4 loài 6 đường trong 3 cõi, 7 thứ bất tịnh quán, bạch cốt quán... Quyển 1 nói về Tịnh độ cương yếu; quyển 2 nói vềNghi vấn chỉ nam; quyển 3 nói về Khải tín tạp thuyết, gồm các bài văn khuyến hóa tu hành cầu vãng sinh Tịnh độ; quyển 4 là Vãng sinh sự lược, tức nêu sơ lược sự tích vãng sinh của các vị Bồ tát, Cao tăng, Vương thần, cư sĩ, đồng tử, phụ nữ và người cải ác hướng thiện... (Từ điển Phật Quang)

[103] Hiệu là Bắc Thông Châu Vương

[104] Đại sư Ấn Quang giảng “Gia Ngôn Lục” năm 1936.

[105] Trần Tích Chu

[106] Kinh Pháp Hoa. Kẻ soi gương không thấy đầu sinh kinh hoảng.

[107] Hệ châu trong phẩm Tín Giải, kinh Pháp Hoa

[108] Phẩm thứ 39, kinh Hoa Nghiêm

[109] Thánh hiền đời trước.

[110] Kinh Hoa Nghiêm


BÀI ĐỌC THÊM:
Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục (Như Hòa dịch)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 13958)
Theo giáo lý Tịnh Độ Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng luôn soi chiếu thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Đại thừa triển khai chân lý Phật dạy với quan niệm Thế giới quan và Phật đà quan hoàn toàn không bị đóng khung trong quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Niềm tin trọn vẹn về một bậc thầy giác ngộ viên mãn, đầy đủ oai lực từ bi và trí tuệ. Năng lực của Phật có từ trường rất mạnh đối với tâm thức người quán niệm. Người tu Tịnh Độ, cũng có niềm tin rằng bên ngoài có Phật A Di Đà, bên trong tâm mình có tánh Phật A Di Đà. Khi chưa giác ngộ thì còn bị phiền não che lấp tánh Di Đà, nay niệm Phật là phương tiện tuyệt vời để khôi phục tâm tánh ấy.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 17603)
Tịnh Độ hay Quốc Độ của Chư Phật là từ dùng để chỉ Thế Giới đẹp đẽ, thanh tịnh, tôn nghiêm, là nơi các Đức Phật cùng hàng Thánh Giả và các Tín Chúng cư ngụ. Từ này khá xa lạ đối với nhiều tín đồ theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền Theravāda. Theo quan niệm thông thường của truyền thống Theravāda thì ngoài những Đức Phật quá khứ đã nhập diệt và những Đức Phật tương lai chưa ra đời, thì trong thời điểm hiện tại không tồn tại một Đức Phật nào khác.
30 Tháng Mười 2015(Xem: 15454)
"A-di-đà kinh khắc trên đá ở Tương dương là do Trần Nhân Lăng đời Tùy viết, nét chữ thanh đẹp nên nhiều người hâm mộ. Đoạn từ câu 'nhất tâm bất loạn' trở xuống có thêm: Chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh, cố chư tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn phước đức nhân duyên. Truyền bản ngày nay đã thoát mất hai mốt chữ này"
19 Tháng Mười 2015(Xem: 20252)
Trong thời gian qua, trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen đã xảy ra nhiều tranh luận khá gay gắt về vấn đề đức Phật A-di-đà, nay thầy Phước Nguyên gửi cho ban biên tập cuốn tiểu luận nghiên cứu từ Tạng Kinh Sanskrit và Tây Tạng để phổ biến đến quý độc giả quan tâm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 11448)
Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà (Amitābhasutra và Sukhavativyūhasutra) từ Hán tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh độ hay Cực lạc (Phạn ngữ Sukhavatì) được mô tả là cảnh giới tuyệt vời với tất cả những sự thù thắng, trang nghiêm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 30289)
Hiện tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
23 Tháng Chín 2015(Xem: 12664)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
27 Tháng Sáu 2015(Xem: 9350)
Bốn mươi sáu đại nguyện của Đức Phật A-di-đà là một bản đồ tu tập lý tưởng cho những ai đã phát Bồ-đề Tâm song song với bản nguyện muốn kiến lập tịnh độ ngay trong thế giới Ta-bà; đó cũng chính là tông dụng của Kinh Duy Ma Cật: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 11674)
Khi thảo luận về nhu cầu tinh thần của người sắp chết dưới cái nhìn Phật giáo, trước hết chúng ta cần phải xem xét một số điểm quan trọng, thí dụ như:
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 11405)
Kinh tạng còn ghi lại khá nhiều trường hợp Đức Phật đích thân trợ niệm hoặc dạy các đệ tử đi trợ niệm cho người bệnh hoặc người sắp lâm chung.