10 Luận Về Giới Định Tuệ

30 Tháng Mười 201000:00(Xem: 17992)

TRẦN THÁI TÔNG
KHÓA HƯ LỤC
Giảng Giải
THÍCH THANH TỪ
DL 1996 - PL 2540

LUẬN VỀ GIỚI ĐỊNH TUỆ

Dịch

Phàm tất cả người tu hành đều do hai việc: chán sanh, tử. Bỏ cha mẹ, vợ con, xuất gia cầu đạo, phụng thờ đức Phật làm thầy. Noi theo đường tắt của chư Phật, chỉ có kinh mà thôi. Song trong kinh nói ra không ngoài giới, định, tuệ. Luận Giải Thoát nói: “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát.” Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa giác tri. Lấy giới để trừ ác cấu. Lấy định để trừ triền cấu. Lấy tuệ để trừ sử cấu. Cho nên dùng giống thiện này (giới - định - tuệ) mà theo đạo, gọi là: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Giới là sơ thiện, định là trung thiện, tuệ là hậu thiện. Giới là sơ thiện là, vì tinh tấn trì giới thành tựu bất thối nên mừng. Vì mừng nên hớn hở, vì hớn hở nên cử động, vì cử động nên vui, vì vui nên tâm không định. Định là trung thiện là, do thân cử động nên dừng, do dừng nên tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết như thật, đây là trung thiện. Tuệ là hậu thiện là, do thấy biết như thật nên chán ghét, do chán ghét nên lìa dục, do lìa dục nên giải thoát, gọi là hậu thiện.

Vì thế dùng giới trừ ác thú, dùng định trừ dục giới, dùng tuệ trừ tất cả cõi. Nương theo giới định tuệ này mà tu, tức là đường tắt của chư Phật, chẳng phải xa vậy.


Giảng

Bài này đặt nặng về người xuất gia hơn. Ngài nói rằng:

Phàm tất cả người tu hành đều do hai việc: chán sanh, tử.

Hai việc nói chung là chán sanh tử. Tại sao vậy? Bởi vì có sanh ra thì phải có tử, muốn khỏi tử phải làm sao? Phải khỏi sanh. Vì vậy phải chán sanh mới được. Nhưng người thế gian lại chán tử, ưa sanh. Ngày ra đời gọi là sanh nhật, mời bà con ăn mừng, thết đãi rượu chè v.v... Còn ngày tử gọi là ngày gì? Ngày húy kỵ, là ngày kiêng sợ, như vậy người ta hay sợ chết lại thích sống. Thích sanh, mà có sanh phải có tử. Muốn có sanh mà sợ tử, không thể được. Nên người học đạo, hiểu đạo phải chán cả hai, chán tử mà cũng chán cả sanh. Đã sợ chết thì đừng sanh mới khỏi chết, nhưng thế gian chỉ chán một thứ làm sao được.

Bỏ cha mẹ vợ con, xuất gia cầu đạo, phụng thờ đức Phật làm thầy.

Đây nói người xuất gia hơi lớn tuổi, chớ không phải nói những người còn nhỏ, người nhỏ chỉ bỏ cha mẹ thôi, còn người lớn phải bỏ cả cha mẹ vợ con để theo Phật, phụng thờ đức Phật làm thầy, phải:

Noi theo đường tắt của chư Phật.

Đường tắt đó là gì?

Chỉ có kinh mà thôi.

Kinh Phật dạy là đường tắt của chư Phật đã đi. Phật chỉ dạy chúng ta phải noi theo đó. Bởi vậy nói rằng kinh là bản đồ do đức Phật ngày xưa đã đi qua, Ngài vẽ lại cho chúng ta thấy, biết và noi theo để đi đến chỗ cuối cùng mà Ngài đã đến. Như vậy kinh là lối chỉ cho chúng ta tiến theo con đường của Phật.

Song trong kinh nói ra không ngoài giới, định, tuệ. Luận Giải Thoát nói: “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát.”

Kinh Phật nói rất nhiều, nhưng chỉ có ba phần căn bản là giới, định, tuệ. Ba môn này gọi là tam giải thoát. Giới, định, tuệ là ba con đường đưa đến giải thoát. Vì vậy người nào muốn giải thoát sanh tử phải thực hành giới, định, tuệ.

Giới là nghĩa oai nghi.

Oai nghi là hình tướng. Từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói của mình sao cho hợp với oai nghi. Người muốn cho tâm an, trước phải có hình tướng điềm đạm trang nghiêm, nếu hình tướng còn lăng xăng thì tâm rất khó yên. Cho nên giới là để kềm chế cho hình tướng được nghiêm chỉnh. Vì vậy, giới Phật không cho Tỳ-kheo vừa đi vừa nhảy, không cho đi ngó bên này liếc bên kia. Đi phải nghiêm trang, đi từng bước, hoặc đi phải nhìn ngay ngó thẳng. Những cử chỉ đó tuy là hình thức nhưng giúp cho chúng ta nhiều để tâm ít loạn. Thế nên nói giới rồi mới nói đến định.

Định là gì?

Định là nghĩa chẳng loạn.

Nghe nói định chúng ta cứ tưởng có cái gì lạ, nhưng thật ra khi tâm không dấy niệm, không khởi nghĩ đó là định. Quí vị thử tìm xét lại có được bao nhiêu phút không dấy nghĩ, hay hết việc này kéo đến việc kia, hết chuyện kia lại kéo ra chuyện khác, chuyện của năm trên năm dưới cứ tuôn ra liên miên không dừng nên tâm loạn động. Khi nào dừng được cái nghĩ, tâm yên lại là định. Bởi vậy, có nhiều vị hỏi tôi: Con tu biết chừng nào được định. Cần hỏi tôi điều đó không? Nếu có trả lời, tôi sẽ nói: Chừng nào tâm không loạn là được định, đó là chân lý. Vì không ai có thể trả lời thời gian chừng nào. Như vậy định nghĩa Định rất rõ rồi.

Tuệ là nghĩa giác tri.

Giác tri tức là hiểu biết đúng như thật. Hiểu biết đúng như thật gọi là Tuệ.

Bây giờ Ngài nói rõ công dụng của mỗi thứ:

Lấy giới để trừ ác cấu.

Ác cấu là gì? Cấu là nhơ nhớp. Tam độc gọi là ác cấu. Tam độc là tham, sân, si. Nhờ giữ giới nên bớt tham, sân, si.

Lấy định để trừ triền cấu.

Triền cấu là thập triền. Thập triền là:

1. Vô tàm.

2. Vô quí.

3. Tật.

4. San (khan).

5. Hối.

6. Thùy miên.

7. Trạo cử.

8. Hôn trầm.

9. Sân phẫn.

10. Phú.

Đó là âm chữ Hán, còn nghĩa:

- Vô tàm là không hổ, không biết xấu hổ.

- Vô quí là không thẹn, tức làm điều xấu mà không thẹn.

Vô tàm vô quí nói gọn là: không hổ không thẹn. Đó là hai bệnh lớn, bệnh nặng. Người nào làm những điều xấu, điều trái không biết hổ thẹn gọi là người da chì lạnh không thay đổi. Những người đó cứ lầm lì tiến tới, không bao giờ sửa đổi. Cho nên hổ thẹn là phương tiện tốt nhất để giúp cho con người vươn lên. Không hổ không thẹn là gốc của tội lỗi. Vì vậy khởi đầu của thập triền là vô tàm vô quí.

- Tật là tật đố, thấy ai hơn mình thì bực bội kiếm chuyện gièm pha, nói xấu. Không thích ai hơn mình, vì mình là số một. Còn có người nào bằng mình thì tâm cứ bực bội bất an.

- San là keo sẻn, san tham rít rắm.

- Hối là hối hận, là tốt, sao đây lại cho là lỗi. Bởi vì hối hận có hai mặt, nếu làm lỗi rồi hối hận để xin lỗi, sám hối thì cái hối đó tốt, nó làm cho mình sửa bỏ được những sai lầm, tội quấy. Còn cái hối mà nhớ lại chuyện cũ đã xảy ra, tỉ dụ người ta nói một câu chỏi mình, mà lúc đó mình trả lời không hay, không vừa ý, đến lúc ngồi thiền cứ nhớ đi nhớ lại việc đó mà hối hận, rồi cố tìm câu trả lời cho hay, khi tìm ra được câu đáp lại muốn xả thiền ngay, để trả lời lại cho hả giận. Như vậy giờ ngồi thiền thành giờ loạn tưởng và cái hối đó là hối loạn tưởng, là bệnh. Cho nên chúng ta phải hiểu cho rõ, cũng một chữ hối mà ở trường hợp này là tốt, trường hợp kia là xấu. Hối lỗi để sám hối, xin lỗi là tốt. Còn thấy mình kém thua có những cái dốt rồi hối tức việc đó sao không đúng như mình muốn, thì cái hối đó làm cho tán loạn trong tâm, nó là bệnh thuộc về triền cấu.

- Thùy miên là ngủ mùi, ngủ mê, cứ nằm xuống là ngủ, có khi ngồi dựa cũng ngủ. Đó là bệnh thùy miên. Khi ngồi thiền mà ngủ gọi là ngồi ở đâu? Ngồi ở núi đen, ngồi trong hang quỉ.

- Trạo cử tức là lăng xăng. Thí dụ như ngồi thì chân nhịp, tay gõ. Thân không yên, tâm cũng không yên, hết nghĩ chuyện này đến chuyện khác lăng xăng. Thân lăng xăng gọi là thân trạo cử, tâm lăng xăng gọi là tâm trạo cử. Người tu có khi thân trạo, có khi tâm trạo.

- Hôn trầm là ngủ gục.

- Sân phẫn có chỗ gọi là sân hận, dịch là giận hờn. Giận hờn người này, giận hờn người kia. Khi giận hờn ai thì ngồi thiền có yên không? Cứ nhớ chuyện giận mãi mà lòng bất an.

- Phú là che. Che đậy lỗi lầm. Làm quấy mà không chịu sám hối nhận tội, cứ che lỗi của mình, đổ thừa người này người nọ. Đó là bệnh phú.

Mười điều này là thập triền, làm sao để trừ nó? Lấy định để trừ triền cấu, tức là lấy thiền định để trừ cái nhơ nhớp của thập triền. Triền là trói buộc, làm cho mình tối tăm mờ mịt.

Lấy tuệ để trừ sử cấu.

Sử cấu là cấu nhớp của thập sử. Thập sử là tham, sân, si, mạn, nghi. Năm cái này gọi là ngũ độn sử. Còn năm cái sau là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến gọi là ngũ lợi sử. Sử là sai khiến, là thúc đẩy mình phải làm, phải đi theo con đường đó gọi là sử. Trong mười sử này chia làm năm cái độn và năm cái lợi. Năm độn sử là năm sử ngu si, nó rất mạnh, trừ rất khó. Năm lợi sử là năm sử khôn ngoan, lanh lẹ. Sử khôn ngoan tuy thấy dữ nhưng dễ trừ.

- Tham là tham lam. Như chúng ta có lòng tham, bất cứ tham cái gì, nó xúi giục mình chạy tìm kiếm. Thí dụ tham ăn, muốn được một món ăn ngon, trong viện không có, ngoài chợ Đà Lạt mới có, thì phải chạy ra Đà Lạt mua. Vậy có phải cái tham sai khiến không? Nhiều người phải khổ vì cái tham này.

- Sân nghĩa là nóng giận. Thí dụ đang ngồi trong nhà, nghe người ngoài đường kêu tên mình nói xấu, mình có ngồi yên không hay chạy ra để cãi lại? Tất cả sự việc đó đều sai sử mình tìm kiếm.

- Si tức si mê mờ ám.

- Mạn tức ngã mạn.

- Nghi là nghi ngờ, không có lòng tin cũng là bệnh lớn. Thông thường trong nhà thiền nói đa nghi thì đa ngộ, nhưng tại sao ở đây lại nói nghi là bệnh? Nói đa nghi đa ngộ là trong khi tu mình dồn tâm đến chỗ thanh tịnh, nếu có một nghi vấn gì chưa giải quyết được, vừa nhớ lại là giải quyết được ngay. Cái nghi đó làm cho mình ngộ được vấn đề chưa hiểu, còn cái nghi này là không biết rõ được gốc thật hư. Thí dụ khi mới tu, cái nghi đầu tiên là nghi Tam Bảo, nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, mà nếu nghi Phật, Pháp, Tăng thì không thể tu. Hoặc giả nghi không biết mình tu nổi không, tu không biết có được gì không? Đó là những cái nghi làm chướng sự tu của mình, nên nó nằm trong ngũ độn sử.

- Thân kiến là chấp thân hoặc thường còn, hoặc đoạn diệt.

- Biên kiến là chấp một bên, hoặc chấp có, hoặc chấp không.

- Tà kiến là nhìn hiểu theo những điều sai lầm mà cho là đúng.

- Kiến thủ kiến tức là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình.

- Giới cấm thủ kiến là làm theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo. Có nhiều tà thuyết đặt ra những điều răn cấm không đúng mà mình lại chấp vào những điều đó.

Mười điều trên đây gọi là thập sử, làm mê hoặc, sai khiến mình chạy theo nó. Như vậy nhờ trí tuệ trừ được nó.

Cho nên dùng giống thiện này (giới - định - tuệ) mà theo đạo, gọi là: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Giới là sơ thiện, định là trung thiện, tuệ là hậu thiện.

Như vậy là Ngài mới đưa chúng ta đến chỗ biết giới - định - tuệ là ba gốc lành đầu giữa và cuối.

Giới là sơ thiện là, vì tinh tấn trì giới thành tựu bất thối nên mừng. Vì mừng nên hớn hở, vì hớn hở nên cử động, vì cử động nên vui, vì vui nên tâm không định.

Nghĩa là người nào luôn giữ giới được thanh tịnh thì có niệm mừng, vì mừng nên hớn hở. Cũng như đứa bé khi thấy ba má đi đâu xa về thì mừng nên hớn hở tung tăng. Vì thế khi chúng ta giữ giới thanh tịnh thì có niệm mừng, vì mừng nên hớn hở dao động, tức là lăng xăng trong tâm. Vì dao động nên vui, vì vui nên tâm không định. Cho nên cái vui của giữ giới không được an định.

Định là trung thiện là, do thân cử động nên dừng, do dừng nên tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết như thật, đây là trung thiện.

Nghĩa là dừng cử động của thân, thân dừng thì tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết đúng như thật không còn lầm lẫn nữa.

Tuệ là hậu thiện là, do thấy biết như thật nên chán ghét, do chán ghét nên lìa dục, do lìa dục nên giải thoát, gọi là hậu thiện.

Như tôi thường nói người thế gian thấy những gì có dáng vẻ bề ngoài rồi chạy theo, tưởng lầm nó đẹp thật, xấu thật. Người tu thấy rõ thân này là nhơ nhớp, vô thường, không có chủ tể tức không có ngã, thấy rõ như vậy không còn mến thích nó. Vì vậy nên chán ghét, lìa ngũ dục, vì lìa ngũ dục nên giải thoát, không còn bị các trói buộc của thế gian nữa.

Vì thế dùng giới trừ ác thú.

Nhờ giữ giới nên tránh không sanh các cõi ác như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

Dùng định trừ dục giới.

Vì nhờ sức định nên không bị sanh trong các cõi trời Dục giới.

Dùng tuệ để trừ tất cả cõi.

Bởi vì định không sanh trong các cõi trời Dục giới, nhưng lại sanh trong các cõi trời Sắc giới, Vô sắc giới, nên phải nhờ có trí tuệ để trừ hết các cõi, không còn dính trong tam giới. Vì vậy tuệ là cái sau cùng.

Nương theo giới định tuệ này mà tu, tức là đường tắt của chư Phật, chẳng phải xa vậy.

Nếu ai tu đúng theo Giới Định Tuệ là đi đường tắt của chư Phật, thì kết quả thành Phật không phải là chuyện xa vời.

Qua những bài của ngài Trần Thái Tông, quí vị thấy Ngài không những là người hiểu đạo trong phạm vi cư sĩ mà còn hiểu sâu xa đến những người xuất gia, tu hành muốn tiến đến giải thoát phải thế nào. Ngài cũng bàn luận chỉ vẽ rất rõ ràng. Như vậy chúng ta mới thấy Ngài là một con người đang bị trói buộc bởi tất cả tài sắc danh lợi, mà Ngài đã gỡ thoát ra được, thấy rõ hướng đi, chỉ vẽ lại cho người sau, đó là điều thật đáng quí. Bởi vậy càng đọc càng nghe, chúng ta càng hổ thẹn cho mình. Tại sao mình có nhiều điều kiện dễ tu hơn Ngài, mà tu còn lơ mơ, chưa xứng đáng. Vì vậy mỗi người chúng ta nghe thấy gương người đi trước thì phải nỗ lực đi cho đúng, cho bằng chớ đừng thua. Đó là điều tôi mong tất cả hãy cố gắng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 13227)
Theo giáo lý Tịnh Độ Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng luôn soi chiếu thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Đại thừa triển khai chân lý Phật dạy với quan niệm Thế giới quan và Phật đà quan hoàn toàn không bị đóng khung trong quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Niềm tin trọn vẹn về một bậc thầy giác ngộ viên mãn, đầy đủ oai lực từ bi và trí tuệ. Năng lực của Phật có từ trường rất mạnh đối với tâm thức người quán niệm. Người tu Tịnh Độ, cũng có niềm tin rằng bên ngoài có Phật A Di Đà, bên trong tâm mình có tánh Phật A Di Đà. Khi chưa giác ngộ thì còn bị phiền não che lấp tánh Di Đà, nay niệm Phật là phương tiện tuyệt vời để khôi phục tâm tánh ấy.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 16887)
Tịnh Độ hay Quốc Độ của Chư Phật là từ dùng để chỉ Thế Giới đẹp đẽ, thanh tịnh, tôn nghiêm, là nơi các Đức Phật cùng hàng Thánh Giả và các Tín Chúng cư ngụ. Từ này khá xa lạ đối với nhiều tín đồ theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền Theravāda. Theo quan niệm thông thường của truyền thống Theravāda thì ngoài những Đức Phật quá khứ đã nhập diệt và những Đức Phật tương lai chưa ra đời, thì trong thời điểm hiện tại không tồn tại một Đức Phật nào khác.
30 Tháng Mười 2015(Xem: 14725)
"A-di-đà kinh khắc trên đá ở Tương dương là do Trần Nhân Lăng đời Tùy viết, nét chữ thanh đẹp nên nhiều người hâm mộ. Đoạn từ câu 'nhất tâm bất loạn' trở xuống có thêm: Chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh, cố chư tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn phước đức nhân duyên. Truyền bản ngày nay đã thoát mất hai mốt chữ này"
19 Tháng Mười 2015(Xem: 19177)
Trong thời gian qua, trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen đã xảy ra nhiều tranh luận khá gay gắt về vấn đề đức Phật A-di-đà, nay thầy Phước Nguyên gửi cho ban biên tập cuốn tiểu luận nghiên cứu từ Tạng Kinh Sanskrit và Tây Tạng để phổ biến đến quý độc giả quan tâm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 10764)
Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà (Amitābhasutra và Sukhavativyūhasutra) từ Hán tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh độ hay Cực lạc (Phạn ngữ Sukhavatì) được mô tả là cảnh giới tuyệt vời với tất cả những sự thù thắng, trang nghiêm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 29244)
Hiện tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
23 Tháng Chín 2015(Xem: 11857)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 9316)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
27 Tháng Sáu 2015(Xem: 8551)
Bốn mươi sáu đại nguyện của Đức Phật A-di-đà là một bản đồ tu tập lý tưởng cho những ai đã phát Bồ-đề Tâm song song với bản nguyện muốn kiến lập tịnh độ ngay trong thế giới Ta-bà; đó cũng chính là tông dụng của Kinh Duy Ma Cật: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 10780)
Khi thảo luận về nhu cầu tinh thần của người sắp chết dưới cái nhìn Phật giáo, trước hết chúng ta cần phải xem xét một số điểm quan trọng, thí dụ như: