Iv. Lời Dạy Của Thân Loan - Lời Dạy Về “Tam Thiếp Hòa Tán”

10 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 12602)


TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN

Nguyên tác: Kakehashi Jitsuen - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức quốc

I.2 Lời Dạy Về “Tam Thiếp Hòa Tán”

I.2.1 An Dưỡng Tịnh Độ

Sự trang nghiêm của cõi An Dưỡng Tịnh Độ chỉ có Phật với Phật mới rõ biết mà thôi.

(Lược bớt phần giải thích theo lối Hán - Nhật)

Với bổn nguyện đại từ đại bi và trí tuệ, Đức Phật A Di Đà hoàn thành thế giới Tịnh Độ bao trùm cả vạn vật không giới hạn ở hư không nào, một thế giới tuyệt đối không giới hạn và vượt ngoài tất cả những sự hạn định. Chỉ có Phật với Phật mới thật rõ biết được mà thôi. (Cao Tăng Hòa Tán – Thánh Điển – trang 580).

Giải thích:

I.2.1.1 Thế Nào Là Tịnh Độ?
Thân Loan xác nhận rằng Tịnh Độ là một thế giới chân thật, mà cảnh ấy được diễn tả trong một đoạn của Hòa Tán này. Khi được hỏi: “Tịnh Độ có thật không?”, Thân Loan trả lời rằng: “Thật có Tịnh Độ chứ”.

Với Thân Loan, Tịnh Độ là quốc độ của Phật A Di Đà, một thế giới hoàn toàn lìa sự hư vọng, một nơi chân thật. Trong khi đó, với chúng ta nếu là “có”, chính mình phải tiếp xúc được hoặc tư duy về thế giới hiện thực ấy. Thật sự, ngay cả trong thế giới nầy, từng hạt bụi cũng đang bị băng hoại, song chúng ta đem tư dục vẽ ghét, thương lên thế giới, mà chẳng hề rõ biết về ý nghĩa. Nếu cõi mình đang sống mà chẳng rõ, thì làm sao biết được thế giới của Thân Loan. Song sống trong đời nầy không phải chỉ có mỗi một mình Thân Loan mà từ nguyên thỉ Phật Giáo đã có. Tachibanano Oiratsume cũng cho biết rằng[60]: “Thế gian toàn là hư ngụy; chỉ có Phật mới là chân thật”. Đó là lý do tại sao Thân Loan cung kính Thánh Đức Thái Tử.

Tư duy về Tịnh Độ của Thân Loan dựa vào tác phẩm “Tịnh Độ Luận” của Thế Thân, được Đàm Loan[61] chú thích thành “luận chú” và cho rằng: “Vì ngã dục, thương ghét vô trí và phiền não tác động, chúng ta, kẻ phàm phu biến thế giới này trở thành uế độ. Ngược lại, Bồ Tát xem tất cả đều không, sống đúng ý nghĩa của sự sống, không phân biệt và nguyện tịnh hóa phiền não, xây dựng cảnh giới Niết Bàn thật sự như thế giới an lạc. Đấy chính là thế giới thanh tịnh chân thật (Tịnh Độ)”.

I.2.1.2 Tịnh Độ Chính là Suối Nguồn của Trí Tuệ
Tác phẩm “Tịnh Độ Luận”, Thân Loan dựa theo “Kinh Vô Lượng Thọ” trình bày sự trang nghiêm chơn thật thanh tịnh[62] của thế giới an lạc và phân loại có 17 quốc độ và tướng công đức, có 8 loại Phật với tướng công đức và có 4 loại Bồ Tát với tướng công đức. Tổng cộng ca tụng tán thán 3 loại trang nghiêm và 29 loại khác. Trước tiên, giải thích một cách xác quyết về cảnh giới Tịnh Độ; cảnh giới mà chúng sanh ở trên đó đã vượt qua tất cả sự hư vọng phân biệt, chứng thanh tịnh vô phân biệt trí; cảnh giới được xây dựng bởi trí huệ không biên giới bao la bao trùm cả vạn vật. Tiếp theo, trí huệ phát sinh ra sự chân thật cho nên phải biết sống như thế nào để có được chân thật trong khi cuộc sống này là hư ngụy, giả hợp. Như thế Thế Thân xác quyết rằng: “Phải cảnh tỉnh và liễu tri thế nào là cách sống chơn thật, bao lâu con người tự chuyển hoán cách sống ấy bằng trí tuệ, bấy lâu đó là suối nguồn của hành động và chính đó là cái nhân của Tịnh Độ vậy.

I.2.1.3 Không Vì Niềm Vui Mà Nguyện Vãng Sanh
Tịnh Độ không phải là thế giới của cảm giác phấn khởi vui tươi mà là thế giới pháp lạc bởi vì vui vẻ được nghe âm thanh nói Pháp chơn thật, thực tiễn. Tịnh độ không phải là thế giới hư cấu, ảo ảnh được cấu tạo bằng dục vọng của thế giới thế tục mà là cội nguồn của Phật đạo, mà chính tâm nguyện chân thật cầu vãng sanh và ước muốn sống tại đó làm cho ta tỉnh thức. Ngài Đàm Loan nói cách dứt khoát rằng: “Ai chỉ muốn hưởng niềm vui nơi Cực Lạc, không thể nguyện sanh về đó.”

Tự thân muốn có niềm vui mà nguyện sanh về Tịnh Độ thì Tịnh Độ là gì làm sao biết được. Phải chăng đó chỉ là đối tượng của ngũ dục và tự ngã đã hoạ ra thế giới ở cõi nào đó như thế[63]. Thế giới ấy không thể gọi là Tịnh Độ được. Tịnh Độ chính là thế giới công đức chân thật, một khi được nghe đến và ai nguyện sanh về Tịnh Độ một cách chân thật chắc hẳn Bồ Đề Tâm[64] được phát khởi.

Thân Loan, người kế thừa sự giáo huấn của Đàm Loan cho rằng “Liễu tri Tịnh Độ chân thật, khi được gọi về” – “Liễu tri sự hư ngụy của tự thân – đắn đo Bổn Nguyện nơi tự thân để hướng về Như Lai”. Với chúng ta, niềm tin tiếp nhận niềm vui với tâm đại bồ đề. Tự lợi và lợi tha phải thực hiện một cách viên mãn. Nhờ tín tâm, có niềm vui và sẽ thành Phật. Đó cũng chính là nguyện tâm trở thành Phật,[65] tâm ấy nguyện là cứu độ tất cả chúng sanh[66] và cũng là lưu giữ phước đức vậy.

I.2.2 Là Cõi (Báo Độ) Nguyện Lực Thành Tựu 

Cõi Báo Độ (Tịnh Độ) do nguyện lực thành tựu, không phải do tự lực của tâm mà thành.

(Lược bớt phần giải thích theo lối Hán - Nhật)

Bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà là hoàn thành cõi Tịnh Độ (Báo Độ) chơn thật để chúng sanh có thể vãng sanh. Dù niềm tin và tinh tấn qua tự mình có tích chứa công đức đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể đến được thế giới nầy. Dù là bậc Thánh Tiểu Thừa hay Đại thừa muốn cầu vãng sanh Tịnh Độ cũng phải xả bỏ tâm chấp trước vào tự lực hành thiện của mình. Vì lẽ, chỉ cần cầu bổn nguyện tha lực của Đức A Di Đà là đủ rồi, không cần đến tự lực của mình nữa. (Cao Tăng Hòa Tán - Thánh Điển – trang 591).

Giải thích:

I.2.2.1 Báo Thân Phật và Báo Độ
Có thể hiểu rằng Đại Thừa Phật Giáo trình bày Như Lai và Tịnh Độ qua sự phân tích những sai biệt khá rõ về Pháp Thân (Pháp Tánh Độ), Báo Thân (Báo Độ) và Ứng Thân (Ứng Độ). Pháp Thân là lãnh vực Vô Phân Biệt Trí của chư Phật chỉ cho Vô Tướng Chân Như[67], không có hạn lượng. Báo Thân là kết quả phước báo Quang Minh Vô Lượng và Thọ Mạng Vô Lượng, mà những vị Bồ Tát tu hành trải qua nhiều đời nhiều kiếp đạt đến Chân Như, thực hiện vô lượng công đức, tiếp tục cứu độ chúng sanh, cuối cùng thành Phật. Điển hình là Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh độ, Ngài dùng vô lượng công đức trang nghiêm cõi Tịnh Độ. Ứng Thân là hiện làm chúng sanh nơi uế độ, biểu hiện qua thân thể giới hạn, điển hình là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni[68].

Thiện Đạo[69] y cứ vào “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” để giảng rộng thêm cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà do bổn nguyện mà được thành lập và cõi Báo Độ ấy là do nguyện lực thành tựu. Nguyên nhơn thành tựu thế giới này xuất phát từ bổn nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng.[70] và kết quả được hình thành một thế giới của Phật Đà. Vì lẽ đó cho nên gọi Phật A Di Đà là “Báo Thân Phật” và cõi “An Lạc Phật Độ” là “Báo Độ”.

Huyền Nghĩa của Quán Kinh Sớ cho rằng: “Khi thành Phật, ta được Báo Thân. Nếu trong mười phương có chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu Ta cho đến mười niệm mà không vãng sanh, Ta quyết không ở ngôi chánh giác và thệ không thành Phật.”

Ở đây ta thấy chỉ xưng danh hiệu mười niệm thôi hẳn được vãng sanh. Nếu không vãng sanh, Phật thề không giữ ngôi chánh giác. Đây là lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà. Nhờ phước báo (Hậu Báo) mà Ngài thành Phật với Báo Thân cho nên cõi Tịnh Độ cũng còn gọi là Báo Độ.

I.2.2.2 Về Báo Độ của Phàm Phu
Khi Đức Phật A Di Đà thành chánh giác, Ngài hoàn thành bổn nguyện tiếp độ chúng sanh, cho nên được vãng sanh về Báo Độ ấy là việc đương nhiên. Đây chính là pháp môn niệm Phật vãng sanh. Được tiếp dẫn về Báo Độ, qua pháp niệm Phật, chúng sanh ấy sẽ nhập Niết Bàn ở cõi Tịnh Độ. Điều nầy cho ta rõ thêm rằng kẻ phàm phu ngu muội dù phiền não dẫy đầy, song nếu phát nguyện niệm Phật sẽ vãng sanh trực tiếp về Báo Độ, thành tựu đạo lý vậy.

Đứng về quan niệm đại chúng, Phật Giáo chấp nhận đạo lý “Tự nghiệp tự đắc quả”[71]. Thế giới Báo Thân Phật là cảnh giới Báo Độ, lìa xa sự phiền não. Song chơn như một khi được thành tựu, trí tuệ tự nhiên sáng tỏ. Cảnh giới của những vị Đại Bồ Tát vẫn có thể cảm nhận được khi phiền não đã được dứt hẳn. Những kẻ phàm phu phiền não đầy dẫy như chúng ta không phải không thể vãng sanh, nếu thật sự tu hành cũng về đó được. Đây chính là một lãnh vực giác ngộ cao cả.

Vì sự thành tựu thệ nguyện của Phật, Thiện Đạo cho rằng: “Kẻ niệm Phật chắc chắn vãng sanh về nước Ngài”. Nhờ nguyện lực ấy, ai có tín tâm về bổn nguyện ấy và niệm Phật, dẫu tội lỗi nhiều đến bao nhiêu đi nữa cũng được tịnh hoá những phiền não, được vãng sanh về Báo Độ và từ đó được nhập vào chơn như giác ngộ. Đây chính là cách nói của Thiện Đạo về phàm phu Nhập Báo[72].

I.2.2.3 Cảnh Giới Của Chư Phật
Xiển dương thuyết Cực Lạc Báo Độ này, Thân Loan cho rằng: Các Báo Độ có sự giống nhau, song Báo Độ của các vị Phật khác nhau. Như Bồ Tát từ sơ địa trở lên chỉ cảm nhận được cảnh giới Báo Độ của Bồ Tát. Ngược lại Chơn Thật Báo Độ của Đức Phật A Di Đà là cảnh giới giác ngộ của Chư Phật. Như Bồ Tát Di Lặc ở phẩm vị tối cao song với chính năng lực trí tuệ của Ngài vẫn không thể tạo được thế giới Vô Thượng Niết Bàn, thế giới hoàn toàn vắng lặng không có thương ghét não phiền, đó mới là cảnh giới tối cao của sự giác ngộ. Chúng ta những kẻ phàm phu, ngay cả Đại Bồ Tát Di Lặc, phải xả bỏ tự lực, quy y bổn nguyện lực mới có thể vãng sanh được.

I.2.3 Đức Phật A Di Đà 

Đức Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã 10 kiếp

(Lược bớt phần giải thích theo lối Hán - Nhật)

Cho đến nay đã hơn 10 kiếp kể từ khi Bồ Tát Pháp Tạng phát nguyện thiết lập thế giới Tịnh Độ, cứu độ tất cả chúng sanh và thành Phật hiệu là A Di Đà. Ngài dùng Pháp thân làm phương tiện để hiển lộ tâm Chơn Như và chiếu Trí Tuệ sáng khắp 10 phương vô số thế giới, cứu kẻ mê lầm trong vô trí và ngũ dục. (Tịnh Độ Hòa Tán –Thánh Điển - trang 557).

Giải thích:

I.2.3.1 Đức của Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang
Theo “Kinh Đại Vô Lượng Thọ”, trải qua nhiều kiếp tu hành Bồ Tát Pháp Tạng mới hoàn thành thệ nguyện cứu độ chúng sanh và thành Phật, hiệu là A Di Đà. Hiện nay, Đức Phật A Di Đà ở cõi An Dưỡng Tịnh Độ[73] và đang dùng năng lực của bổn nguyện Đại Bi, Trí tuệ cứu độ tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Chữ “A Di Đà” trong “A Di Đà Phật” dịch âm từ chữ Amitabha, Amitayus. Chữ “Amitabha” nghĩa là diệu đức của “Ánh Sáng”[74]và “Amithayus” là diệu đức của “Thọ Mạng”[75]. Diệu đức của Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang được gọi là Phật. Theo “Kinh A Di Đà”, do hai ý nghĩa này mà dịch tổng hợp lại theo cách gọi âm là A Di Đà Phật.

I.2.3.2 Ánh Sáng Của Như Lai 
Nguyện thứ 12 trong 48 lời nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng sẽ hoàn thành diệu đức Quang Minh Vô Lượng. Nguyện thứ 13 là hoàn thành diệu đức của Thọ Mạng Vô Lượng. Quang Minh của Phật chính là “tướng Trí Tuệ”, biểu trưng về Đức Trí. Ánh quang minh ấy phá trừ màn hôn ám (vô minh, vô trí) của thế giới tự ngã và hiển bày Đức Trí, mà Như Lai giác ngộ thực chứng (chơn như, thật tướng). Trí Tuệ ấy được Như Lai truyền đạt đến cho mọi người qua huấn từ của Ngài; đến với chúng ta qua kinh điển còn để lại. Qua huấn từ của Như Lai, chúng ta tự rõ biết và vượt qua những vọng tưởng về tự ngã là trung tâm điểm và biết rõ con đường trở về Thế Giới Chơn Như. Khi đã vượt lên trên sanh tử liền siêu thoát vào lãnh vực giác ngộ giữa ta và người khác, chứng ngộ nhứt như bình đẳng (Tịnh Độ) ra khỏi ghét, thương, buồn, giận.

Đức Như Lai dùng trí tuệ và ánh quang minh ấy chiếu khắp mọi nơi song không ai có thể dùng mắt thấy ánh quang minh, mà chỉ khi tiếp nhận sự giáo huấn, ánh sáng kia mới tiếp xúc với mình. Điều nầy không giải thích được. Nhờ ánh sáng trí tuệ chiếu soi thế giới chân thật cho kẻ vô trí, người sống với niềm tin và tâm từ bi. Trí tuệ ấy có thể hiểu là ánh quang minh, được biểu trưng qua những hoạt động của tâm từ, cũng gọi là Từ Quang[76].

I.2.3.3 Gần Gũi Với Đời Sống
Hơn nữa, Đức Phật A Di Đà chính là đức Vô Lượng Thọ và của Vô Lượng Quang Như Lai, hoàn toàn buông bỏ tự ý niệm mình và người[77], hoàn toàn giác ngộ “tự tha nhứt như”[78]. Trong đời sống thường ngày, mọi người đều cho rằng: “Đây là cuộc sống của tôi”. thế nhưng cuộc sống ấy hoàn toàn không có ý nghĩa.

Thật ra, sự sống cũng như cách sống ấy vốn cùng một thể. Tự kỷ mà mọi người đều có giúp họ tỏ ngộ điều Như Lai tỏ ngộ. Vì “đời sống của Như Lai” cũng là khuôn khổ của “đời sống của tất cả chúng sanh”. Nói cách khác, được xưng tán là Vô Lượng Thọ vì Như Lai đã vượt qua ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Với lòng đại bi bao la vô ngại, Đức Phật A Di Đà liên tục cứu độ chúng sanh, không dừng nghỉ một chút thời gian nào, không bỏ bất cứ chúng sanh nào, dù nhỏ như hại bụi. Thế nên có một nghĩa khác, A Di Đà chính là “đời sống gần gũi” với mọi người vậy.

Như vậy, điều trước tiên đối với chúng ta, những người cần cứu độ đó là phải niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật để được Như Lai dùng phương tiện Pháp Thân mà tiếp dẫn. Dù trước cho rằng A Di Đà Phật là Báo Thân Phật, nhưng theo Đại Sư Đàm Loan là phương tiện Pháp thân của Đức Phật A Di Đà[79].

I.2.4 Phật A Di Đà Thành Phật từ lâu xa 
Từ xa xưa đã thành Phật hiệu A Di Đà. Hiện tại là Thích Ca Mâu Ni Phật, đang ứng hiện tại thành Già Gia[80].

(Lược bớt phần phải thích theo lối Hán- Nhật).

Đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ thành Phật hiệu A Di Đà với một “đời sống gần gũi” từ lâu. Song vì cứu độ tất cả chúng sanh, rõ biết bổn nguyện của mình; nên ứng hiện vào nhơn gian với đời sống hữu hạn của một Đức Phật, thị hiện thành đạo tại thành Gaya hiệu là Thích Ca. (Chư Kinh Hòa Tán – Thánh Điển – trang 572).

Giải thích:

I.2.4.1 Thành Phật Từ Lâu
Theo Thân Loan, vì mang bổn nguyện khai mở con đường cứu khổ cho chúng sanh, Đức Thích Tôn thị hiện vào đời ô trược và sống với những người phàm phu đầy phiền não nầy. Như tinh thần phẩm Như Lai Thọ Lượng của Kinh Pháp Hoa, cho rằng từ xa xưa Ngài đã thành Phật, bây giờ thị hiện thành đạo tại Bồ Đề Đạo tràng, 80 tuổi nhập diệt, Đức Phật vốn là A Di Đà đã thành Phật xa xưa, Ngài ứng hiện vào thế gian nầy với hình ảnh là Ứng Thân Phật và sử dụng ngôn ngữ thế gian để trình bày bản lai như thị. Hơn nữa, tuy đức Thế Tôn ứng hiện thành Phật[81] trong đời nhưng bằng nhiều hình thức, không ai có thể rõ biết bản lai của Đức Thế Tôn[82]. Bản lai ấy được gọi là “Cửu Viễn Thật Thành”[83], nghĩa là đã, đang và sẽ thành đạo trong quá khứ xa xưa mãi đến tận vị lai, để tiếp tục cứu độ chúng sanh, không có nhập diệt. Đó chính là Vô Lượng Quang[84] và Vô Lượng Thọ[85].

I.2.4.2 Di Đà của Xa Xưa
Thân Loan nói theo Kinh Pháp Hoa, Bổn Môn của Đức Thích Ca chính là một vị Phật đã thành từ lâu xa. Ngài có Quang Minh Vô Lượng và Thọ Mạng Vô Lượng. Ngài chính là Phật A Di Đà như ta đã rõ.

Theo “Đại Kinh Hòa Tán”:

A Di Đà thành Phật,

Đến nay hơn 10 kiếp,

Từ kiếp xa xưa ấy,

Ngài là vị Phật rồi[86].

Vì “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” cho rằng Đức Phật A Di Đà thành Phật từ xa xưa hơn mười kiếp rồi, chúng ta được biết vị Phật nầy không ai khác đức Phật đã thành đạo từ xa xưa trước. Đồng thời, thệ nguyện luôn luôn cứu độ tất cả chúng sanh từ quá khứ đến tận cùng vị lai, của đức Phật A Di Đà rất lâu dài, không giới hạn được xem như là pháp môn vĩnh viễn vậy.

Ngoài ra Bổn Môn của Đức Phật Thích Ca là Đức Phật A Di Đà thành Phật từ lâu. Tích môn của Đức Thích Ca là Ứng Thân Phật. Về Bổn Môn, Phật là Đức Phật A Di Đà thành Phật từ lâu. Về Tích Môn, Đức Thích Ca ứng hiện trong cõi đời có tính cách hữu hạn vào một thời gian nhất định gọi là thị hiện ở thế giới Ta Bà. Mặc khác, Đức Thích Ca cũng vượt khỏi thời gian và không gian khi Ngài thể nhập vào lãnh vực giác ngộ tuyệt đối không giới hạn, mà “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” chỉ cho đức Phật A Di Đà. Lại nữa, Đức Thích Tôn cũng thuyết những bài pháp mà Đức Phật A Di Đà đã từng thuyết rồi. Bổn Hoài Xuất Thế của Đức Thích Tôn cũng chính là bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà như “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” cho biết. Phải chăng điều nầy khẳng định Bổn Ý của Đức Như Lai không ngoài việc truyền trao giáo pháp chân thật.

I.2.5 Nhiếp Thủ Bất Xả 

Giữ lấy không bỏ, ấy là danh hiệu Đức A Di Đà 

(Lược bớt phần giải thích theo lối Hán – Nhật)

Nếu chúng sanh nào ở trong mười phương vi trần số thế giới niệm Phật trông thấy ánh quang minh của Đại Trí Đại Bi, sẽ được Phật nhiếp thọ, quyết không bỏ. Đó là việc chính yếu của pháp niệm danh hiệu của Phật A Di Đà. (Tịnh Độ Hòa Tán - Thánh Điển – trang 571).

Giải thích:

I.2.5.1 Lòng Thương Không Mệt Mõi 
“Nhiếp Thủ Bất Xả” theo “Quán Kinh” nghĩa là “Quán Chơn Thân thấy rõ trong mỗi ánh sáng chiếu soi khắp mười phương thế giới, được Phật nhiếp thủ không xả bất cứ một chúng sanh niệm Phật nào”. Toàn thân của Đức Phật A Di Đà phát ra Vô Lượng Quang Minh và chiếu đến mười phương thế giới. Ai nào niệm danh hiệu Ngài, được ánh sáng ấy thâu nhiếp mãi cho đến khi người ấy lâm chung được tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ một cách chắc chắn không bị bỏ rơi. Điều nầy được xem như những lời vàng ngọc mang lại niềm hoan hỷ và cảm động cho nhiều tín hữu Tịnh Độ Tông. Các Tổ sư tán thán rất cảm động là “Niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả”. Trong tác phẩm “Vãng Sanh Yếu Tập” Đại Sư Nguyên Tín nghe lời dạy “Nhiếp Thủ Bất Xả” vui mừng lặp lại rằng:

“Ngay như chúng ta dù thấy, nghe bị phiền não chướng ngăn không thấy được Phật, nhưng với lòng từ bi không mệt mõi thường chiếu soi, cũng được nhiếp thủ” [87]. Thân Loan đã trích dẫn nguyên văn như vậy vào “Chánh Tín Kệ” và “Cao Tăng Hòa Tán” tán thán bằng thi vịnh rất là hay về việc “chúng sanh niệm Phật nhiếp thủ không xả”. Nhờ niệm Phật, thân tâm được tịnh hóa và nhờ đó được ánh quang minh bảo hộ và che chở. Điều nầy không sai chút nào cả.

Cho đến khi nào tâm phiền não giận ghét sầu bi không dừng lại thì khi ấy không thể diện kiến ánh quang minh của Đức Phật A Di Đà. Song một khi được ánh sáng của Đức Phật A Di Đà phóng ra nhiếp thủ lấy, thì chỉ trong nháy mắt được giáp mặt với Phật A Di Đà. Không có gì hạnh phúc hơn được như thế! Đại sư Nguyên Tín cho rằng dù mình đã không thấy được mình, không rõ biết được mình, song vẫn diện kiến được Như Lai và rõ biết Như Lai. Vì thế, đối với chúng ta bây giờ không thấy được Như Lai, có than cho lắm cũng không thể rõ biết được; nhưng không nên lo buồn vì một khi thấy (gặp) được, sẽ có niềm vui và sẽ rõ biết được và phải giữ gìn cẩn thận.

I.2.5.2 Ý Nghĩa của A Di Đà 
Trong phần cuối của “Vãng Sanh Lễ Tán”, Thiện Đạo giảng kinh “A Di Đà” và bắt đầu bằng danh nghĩa của A Di Đà là Vô Lượng Quang (Amitabha), Vô Lượng Thọ (Amitayus). Nhờ thành tựu công đức nên Phật ấy được gọi là A Di Đà. Theo “Quán Kinh”, điều nầy đã giảng rõ trong phần công đức của ánh quang minh nhiếp thủ bất xả rồi.

Năng lực của ánh sáng ấy vô lượng, chiếu sáng đến mười phương quốc độ không bị chướng ngại, nhiếp thủ tất cả chúng sanh niệm Phật không bỏ sót cho nên gọi là A Di Đà. Năng lực thọ mạng của Phật và nhơn dân cũng nhiều vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cho nên có tên là A Di Đà[88].

Trong “A Di Đà Kinh Hòa Tán” Thân Loan cho rằng: “Nếu được nhiếp thủ, A Di Đà sẽ cứu độ”. Thế nhưng ở “Lễ Tán” có sự lược bớt về công đức của Thọ Mạng Vô Lượng. Chỉ có phần công đức của Quang Minh Nhiếp Thủ phải nêu ra để chú trọng. Theo Thân Loan, “nhiếp thủ không xả” nghĩa là việc khai mở ánh quang minh không đơn thuần là hoàn thành công đức Vô Lượng của Đức Phật A Di Đà, mà chính ở trong Phật A Di Đà Phật có đầy đủ công đức rồi.

Phật A Di Đà nhiếp thủ không xả bất cứ chúng sanh niệm Phật bởi vì bổn nguyện của Ngài là thành tựu pháp niệm Phật vãng sanh. Bổn nguyện ấy cho thấy Đức Phật A Di Đà hướng dẫn chúng sanh niệm Phật và hứa sẽ cứu độ nhiếp thủ. Có thể cho rằng ngoài pháp niệm Phật, không còn gì nữa.

I.2.5.3 Không Xả Bỏ Vĩnh Viễn của Như Lai
Căn cứ vào “Hòa Tán” thuộc dạng bản Quốc Bảo[89] của phái Takada, thuộc chùa Tổ Chuyên Tu, chữ “Nhiếp Thủ” được dạy như sau: 

“Tỉnh thức, cố gắng, nắm người bị rơi, kéo người bị trôi, kéo lên, tiếp độ và làm cho sáng tỏ”[90].

Đó chính là ý nghĩa của việc “nhiếp thủ”. Trước tiên chú thích được thêm vào là “nắm người bị rơi và vớt người không bỏ”. Ai có tín tâm kiên cố sẽ được nhiếp thủ.

Nếu chết trong trình trạng xấu nhất hoặc bị căn bịnh hiểm nghèo đau đớn làm cho việc niệm Phật xao lãng, hoặc bị hổn loạn mê mang, không làm gì được, vẫn được đức Như Lai tiếp dẫn về Tịnh Độ, không bị bỏ rơi.

Niềm tin thông thường của những người tu theo pháp môn Tịnh Độ là nếu dừng nghỉ việc niệm Phật sẽ không được Như Lai nhiếp thủ. Song theo Thân Loan, dù người niệm Phật, hay kẻ ác tri thức[91] hay người bịnh tật không thể nhớ Phật, hay kẻ phạm tội, hay người chẳng có tín tâm vẫn được “Chụp bắt người rơi rớt và quyết không xả bỏ”. Như người bịnh có thể quên chúng ta; nhưng chúng ta không quên người bịnh. Dầu cho chúng sanh bị ác duyên không có tín tâm và tự lực không tạo được niềm tin, song Như Lai không bỏ vẫn cho họ niềm tin chơn thật. Đây chính là sự lợi ích của việc nhiếp thủ bất xả. Khi được vãng sanh Tịnh Độ, sẽ được bất thối chuyển và lần lượt vào ngôi “Chánh Định Tụ”.

I.2.5.4 Chạy Theo Nắm Lấy Như Lai
Lại nữa: “Nhiếp có nghĩa là đuổi theo người chạy, để nắm giữ lại”, theo Thân Loan, đây cũng là một cách chú thích biểu thị quan niệm cứu độ đặc thù của mọi tôn giáo. Nói chung là ai dừng việc ác, tích chứa việc lành, người ấy hướng về và gần gũi Như Lai, được Như Lai đưa tay ra để cứu độ. Đó cũng là một cách suy nghĩ về sự “nhiếp thủ”.

Song phá bỏ sự suy nghĩ thông thường ấy, Thân Loan cho rằng với bổn nguyện của Như Lai, giữa người hiền nào có hướng đến Như Lai, dựa vào Như Lai, chạy phía sau lưng Đức Như Lai đi nữa với kẻ đang sống đời sống phàm phu đầy phiền não, bị rơi xuống địa ngục, thì kẻ ác ở trong trạng thái nguy hiểm phải được cứu độ gấp rút và cần cấp hơn, vì nương vào Như Lai và thiết tha mong được cứu độ qua pháp niệm Phật, hẳn nhiên chúng sanh ấy được cứu độ. Đây chính là bổn nguyện đại bi của Đức Phật A Di Đà được trình bày qua lời “nhiếp thủ bất xả”.

Như vậy không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, mà với chúng ta, sẽ được Như Lai cứu độ. Trong “Ngự Văn Chương”[92] Liên Như cho rằng “chỉ cần niệm lên ba chữ A Di Đà không ngừng nghỉ, sẽ được cứu độ”.

I.2.6 Đức Phật Thích Ca Và Đức Phật A Di Đà

Đức Phật Thích Ca là Cha và Đức Phật A Di Đà trở thành người Mẹ.

(Lược bớt phần bình chú theo lối Hán - Nhật).

Lòng từ bi của đức Thích Ca Như Lai và đức A Di Đà Như Lai như phụ mẫu tình thâm, Chư Phật dùng nhiều phương pháp khéo léo để dưỡng nuôi chúng ta nên người. Hãy phát khởi niềm tin đến ân đức cao dày ấy. (Cao Tăng Hòa Tán - Thánh Điển – trang 591).

Giải thích:

I.2.6.1 Cha và Mẹ
Một phần của Hòa Tán “Thích Ca – A Di Đà” ghi chú rằng: “Đức Phật Thích Ca là Cha, Đức Phật A Di Đà là Mẹ”. Cha nghĩa là chỉ bày dạy dỗ con đường chân chánh cho các con. Mẹ nghĩa là lo lắng dưỡng nuôi, bảo bọc các con nên người. Đức Thích Ca thị hiện trong thế giới Ta Bà giáo hóa kẻ tà ác qua bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà. Nếu với người tu niệm Phật, Đức Thích Ca như một người cha nghiêm khắc thì Đức Phật A Di Đà như người mẹ hiền, tiếp dẫn cả người hiền lẫn kẻ ngu hoàn toàn không phân biệt. Tâm Đại Bi của Ngài phổ độ tất cả chúng sanh, ánh Quang Minh Trí Tuệ của Ngài thâu nhiếp và dưỡng nuôi người niệm Phật, có lòng tin trong bổn nguyện cho đến trưởng thành.

Hòa Tán nầy vốn là “Bàn Chu Tán” của Thiện Đạo, trong đó cho rằng: “Lòng từ bi của Đức Thích Ca Như Lai như cha mẹ”.

Thật vậy nếu cho rằng trí tuệ và giới đức của Đức Thích Ca như người cha, lòng từ bi và đức hiếu sinh của đức A Di Đà như người mẹ không sai tí nào. Nói cách khác “Lòng từ của Phật Thích Ca, Phật A Di Đà chính là lòng thương của cha và mẹ”. Có phải Thân Loan là người đầu tiên gọi Đức Phật Thích Ca là Cha, Phật A Di Đà là Mẹ chăng? Nhìn lại xa hơn, Nguyên Tín và Thánh Giác cũng đã từng ví Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho người mẹ. “Vãng Sanh Yếu Tập” cho rằng: “Phóng ánh quang minh đại bi nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật, từ nhãn của Đức Phật A Di Đà chẳng khác đôi mắt yêu thương nồng thắm của mẹ hiền, trìu mến chăm sóc con mình.” Đây là điểm tán thán nổi bật về “lòng thương bao la của người mẹ”. Thế thì Thân Loan chỉ là người kế thừa ví Đức Phật Thích Ca là cha và Đức Phật A Di Đà là mẹ.

I.2.6.2 Sự Sai Khiến Và Mời Gọi
Sự sai khiến của Đức Giáo Chủ Thích Ca và sự mời gọi của Đức Giáo Chủ A Di Đà là những điều quan trọng, mà Thiện Đạo dẫn chứng trong “Quán Kinh Sớ” phần “Tán Thiện Nghĩa”[93] khi nói về “Con đường trắng ở hai bờ sông”[94] giải thích về ba loại tâm rất đặc biệt. Kinh điển Tịnh Độ ở thế giới Ta Bà chỉ theo “con đường nầy (con đường trắng) để vãng sanh” là “bổn nguyện của người niệm Phật ” mà chính Đức Thích Ca chỉ bày (sai khiến) điều đó.

Phát nghĩa là “làm cho những gì ở trong ra ngoài”. Khiển nghĩa là “tạo hướng đến”. Những ai như chúng ta đang sống trong trạng thái tuyệt vọng ở thế giới Ta Bà nầy, phải mau thoát khỏi như lời dạy: “Các con hãy quyết định tìm đường giải thoát, nếu không khó mà thoát khỏi sự chết”. Lời khuyên răn nầy gọi là sự sai khiến, ví cho Đức Thích Ca chỉ dạy người niệm Phật mau bước trên con đường trắng.

Con sông có lửa ám chỉ cho sân hận. Con sông có nước là tham ái, dù chúng ta muốn vượt qua bờ bên kia của hai con sông ấy; nhưng phiền não vẫn trói chặt chân tay giữ lại, cho nên liên tục được kêu gọi với bổn nguyện niệm Phật bước lên con đường trắng ấy. một cách thiết tha: “Hãy nhứt tâm chánh niệm, chúng con sẽ đến. Ta hộ trì cho các con” mà chính Đức Phật A Di Đà hối thúc chúng ta.

Chữ chiêu trong “chiêu hoán” nghĩa là vẫy, cầm, nắm lấy và chữ hoán nghĩa là gọi, réo, kêu.

Thân Loan gọi là “kêu réo” theo cách thông thường. Chữ “gọi” hay kêu thuộc về động từ. Còn bảo rằng “tiếp tục gọi” thì động từ “gọi” nầy đã trở thành động từ thứ hai. Dù cuộc sống của chúng ta vô cùng ngắn ngủi, nhưng bản ngã lúc nào cũng là trung tâm khiến chúng ta bị đóng chặt trong cái thân đầy tưởng tượng nầy, luôn bị lửa phiền não và ái dục thiêu đốt. Tuy nhiên, đức Như Lai không quên chúng ta và luôn giúp chúng ta tỏ ngộ; nên kêu gọi, mời, kéo…, qua âm thanh của sự niệm Phật nầy.

I.2.6.3 Lời Chỉ Giáo của Hai Đức Phật
Trong “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” Phật Thích Ca khuyên rằng: “Các con! hãy đi con đường nầy” và bổn nguyện của Phật A Di Đà thiết tha nhắn nhủ: “Các con! nên nhứt tâm niệm Phật, chúng con sẽ đến. Ta sẽ một lòng hộ trì cho các con”.

Niềm tin được biểu lộ như sự chấp nhận lời giáo huấn và khuyên lơn của Phật Thích Ca cũng như Phật A Di Đà. Trong “Tôn Hiệu Chơn Tượng Minh Văn”, Thân Loan cho rằng: “Quy mệnh Phật Thích Ca và Phật A Di Đà là điều quan trọng và thiết yếu, nên nương theo và hành trì”[95].

Như trước đã nói: “Đi về phía Tây, có Phật A Di Đà, đi về phía Đông có Phật Thích Ca, chính quý Ngài sẽ đưa chúng ta về Cực Lạc”. Đang sống ở thế giới nầy, chúng ta nên vâng theo và tin tưởng lời giáo huấn ấy như sắc mệnh của chư Phật Thích Ca và Phật A Di Đà, bởi vì Ngài Thân Loan đã minh chứng được điều ấy.

I.2.7 Tha Lực Bất Tư Nghì

Khi nhập vào tha lực bất tư nghì thì, không cần suy nghĩ nữa.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật)

Những ai tiếp tục bước trên con đường Thánh, mong giác ngộ ngay trong thế giới nầy, nên tu một cách nghiêm mật, thực hành tất cả những thiện hạnh để trở thành Phật. Đó là điều căn bản tu hành. Tâm con người không thể vượt trên bổn nguyện tha lực của Như Lai. Nếu hành giả niệm Phật giao trọn niềm tin vào Đức Phật, sẽ không còn trở ngại và phức tạp gì nữa, vì khi niềm tin (tự lực) đã nương tựa vào Như Lai, sẽ chính thức được (tha lực bất tư nghì) đón nhận. (Chánh Tượng Mạt – Thánh Điển – trang 609).

Giải thích:

I.2.7.1 Sự Lợi Tha của Như Lai
Nói chung, tha lực nghĩa là “lực của người khác”. Song theo Thân Loan, tha lực không chỉ là năng lực lợi tha của Như Lai, mà cao hơn nữa, chữ “tha” vừa là của Như Lai, vừa có thể là của ta, Thỉnh thoảng, Thân Loan định nghĩa niềm tin tha lực bằng nhiều ngôn ngữ biểu hiện như: “tín nhạo của tha lực” hoặc “tín tâm của lợi tha chân thật”. Điều nầy mang ý nghĩa quan trọng, cần phải biết.

Lúc đầu chữ “tha lực” chỉ có trong giáo lý Tịnh Độ của Phật A Di Đà, về sau từ nầy được Thân Loan dùng rất thường. Phần cuối của “luận chú”, có những pháp nghi nói về nhơn và quả vãng sanh, nhờ “tha lực” của Phật A Di Đà, mà chữ “tha lực” đó được hiểu là “tha lợi, lợi tha”.

Từ “tha lợi” và “lợi tha” khi đàm luận có hai ý khác nhau. Về công việc của Phật, có thể gọi là “tha lợi”. Còn việc làm của chúng sanh không thể nói là “tha lợi” được, vì nương Phật lực cho nên gọi là lợi tha[96].

Dù giống nhau về tính chất cứu độ của Như Lai; nhưng trường hợp cứu mình gọi là “tha lợi” còn với Phật, là “lợi tha”. Đối với Phật, chúng ta dùng từ “lợi tha” chỉ cho những việc làm của Như Lai. Thế nhưng, đối với mọi người, dẫu gọi là “tha lợi” hay “lợi tha” sao cũng là “việc làm lợi ích cho người khác” thôi. Vì ý nghĩa giống nhau, nên thật là kỳ diệu với cách phân chia và giải thích trong “Luận Chú”, ở đó Thân Loan giải thích về “thâm nghĩa của tha lợi và lợi tha” rất rõ ràng.

Cũng có thể suy nghĩ “tha lợi” nghĩa là làm lợi cho người khác, mà vì lợi ích chúng sanh, Đức Phật A Di Đà đã dành cho chúng ta. Ở đây, cũng có thể hiểu chung chung là đồng nghĩa với “tha lực”. Song trường hợp nầy nên hiểu là “lợi tha” là “vì sự lợi lạc của kẻ khác”, mà Như Lai là chủ thể cứu độ, chúng sanh là khách thể được cứu độ. Hơn nữa, theo quan niệm siêu thế gian, vượt khỏi mọi sự phân biệt, “lợi tha”, là thuật từ chỉ cho hoạt động cứu độ của Như Lai thật bất khả tư nghì, bởi với chúng sanh như chúng ta, đức Như Lai chẳng gọi là vì “anh, các con”, mà cũng không phải vì “tôi”.

I.2.7.2 Tha Lực Bất Tư Nghì
Theo Thân Loan, hoạt động cứu độ của Phật A Di Đà thuộc vô phân biệt trí, vượt lên khỏi quan niệm về tự, tha, đó là sự cứu độ “Tự Tha Nhất Như”. Ân Đức của Như Lai cũng thật bất khả tư nghì, rất thực tế phổ biến khắp mười phương. Còn tự tha có chăng, chính là sự phân biệt qua con người, nhứt định không đúng. Thân Loan cho đó là “tha lực bất tư nghì” và “Phật trí bất tư nghì”. Đây chính là sự biểu hiện của bổn nguyện lực hồi hướng vậy!

Cuộc sống của chúng ta đầy phiền não, chắc rằng sẽ không thể vãng sanh về Tịnh Độ được. Đức Như Lai phát nguyện tạo tha lực nhứt như để cứu độ chúng sanh, cho nên để đạt được Phật đạo, chúng ta phải niệm danh hiệu theo bổn nguyện. “Tin Ta, hãy niệm danh hiệu của Ta”. Với những ai có niềm tin, theo bổn nguyện ấy, hình ảnh niệm Phật chính là thọ nhận bổn nguyện lực, như Thân Loan nói: “Những ai có tín, hạnh sâu xa, nhờ có túc duyên nhiều đời”. Niệm Phật chưa phải là hành, mà hành là sự biểu hiện của bổn nguyện lực như trong “Hành Văn Loại”[97] giải thích về tha lực rằng: “Tha lực ấy chính là bổn nguyện lực của Như Lai”. Như vậy, chủ thể niệm Phật không phải là kẻ phàm phu mà là bổn nguyện lực của Như Lai. Đây chính là minh chứng rõ ràng về lợi tha. Việc làm của mình cũng chính là việc làm của Như Lai, vượt ngoài lãnh vực tư duy của con người. Chỉ có một điều nên rõ, niềm tin mới là cái gốc. Ngoài ra, Thân Loan dạy về tự lực, pháp môn “tư nghì” còn giới hạn trong tư duy của con người. Song dạy về tha lực, lãnh vực của đại bi, trí tuệ của Như Lai, là vượt ra khỏi tư duy của con người, còn gọi là “tha lực bất tư nghì” hay là “Phật Trí bất tư nghì”.

Điều quan trọng phải hiểu rõ là tha lực không có nghĩa là chẳng làm gì cả mà phải siêng năng nghe pháp, chí thành niệm Phật, cung kính lễ bái, và luôn luôn quy ngưỡng rằng Như Lai vì ta mà cứu độ bất khả tư nghì. Niệm Phật không phải để củng cố tự lực, mà niệm Phật trói chặt tự lực của mình lại. Niệm Phật cũng không phải là tích chứa công đức, mà niệm Phật chính là hoan hỷ đón nhận tha lực nơi chính thân mình. Điều nầy, Thân Loan gọi là “Càng tin tưởng vào tha lực bao nhiêu, càng vượt qua khỏi sự đo lường bấy nhiêu[98]”.

I.2.7.3 Không Nghĩa Và Vượt Qua Khỏi Nghĩa
Từ Pháp Nhiên, Thân Loan được nghe rằng: “Tha lực không nằm ở ý nghĩa, mà vượt mọi ý nghĩa”. Pháp ngữ nầy được trình bày trong “Thân Loan Thánh Nhơn Ngự Tiêu Tức” như phần thứ sáu ghi rằng:

“Với Như Lai, tha lực không nằm ở ý nghĩa mà vượt khỏi mọi ý nghĩa, Thánh Nhơn[99] quy ngưỡng điều nầy. Không có nghĩa nào cả, không gì đo lường được cả. Cũng không mang ý nghĩa tự lực của hành giả; tha lực vừa là bổn nguyện vừa là niềm tin nhứt định vãng sanh. Ngoài ra, vượt lên trên mọi ý nghĩa[100]”.

Về già, khi viết sách Thân Loan ghi lại những điều nầy trong những lá thư của mình.

Thân Loan giải thích rằng: “không giới hạn trong ý nghĩa và vượt qua khỏi ý nghĩa” chẳng phải sự đo lường về tự lực của hành giả. Chữ “nghĩa” ở đây dù là NGHỊ hay NGHĨA đều giống nhau “chỉ con đường chơn chánh, đạo lý”. Nghị là phê bình và lý luận, khi nghĩ thiện thì thiện, khi nghĩ ác thì ác, Nghĩa là “đo lường”, “đo lường tự lực”. Song “vượt qua khỏi nghĩa”, “tìm ra con đường chân chính, đạo lý” vừa là đạo lý chân chánh về tha lực, vừa là ý nghĩa chân chánh của tha lực. Hơn nữa, “vượt khỏi ý nghĩa” là tha lực bất tư nghì “tìm ra con đường chân chính, đạo lý” không phải là đo lường tự lực, mà chính là phương pháp tiếp nhận tha lực một cách chân chánh.

Như vậy, tha lực chính là năng lực cứu độ bất khả tư nghì của Như Lai, chắc chắn không thể thuộc con người. Đây cũng là lời giáo huấn thuộc về tính cách tôn giáo thế giới vậy.
 

I.2.8 Tín Tâm Chánh Nhân

Nguyên nhân chính của lòng tin ở trong sự trái ngược ấy.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật).

Sự phân biệt của con người có thể nghĩ bàn nhưng trí huệ Như Lai và biểu hiện trí tuệ của Như Lai thuộc về bổn nguyện thì vượt lên trên tất cả. Dùng tín tâm để lãnh thọ, không nghi ngờ, sẽ có nhơn (hạt giống) sanh về cảnh giới Báo Độ (Tịnh Độ Chân Thật). Nhờ có chánh nhân Báo Độ trong tín tâm, nương theo năng lực từ bổn nguyện của Như Lai, tâm sanh ra trí tuệ, còn chỉ có năng lực của con người thì không thể được như thế. (Chánh Tượng Mạt Hòa Tán – Thánh Điển – trang 608).

Giải thích:

I.2.8.1 Công Đức Chân Thật
Theo Thân Loan, Chân Thật Báo Độ là bổn nguyện của Phật A Di Đà hoàn thành một cảnh giới giác ngộ tối cao, nơi đó những ai vãng sanh về cũng hoàn thành trí tuệ giác ngộ cao cả của Phật. Nhờ vãng sanh về Báo Độ mà sẽ thành Phật. Nhưng hiểu rộng hơn, đây vừa là nhân của những ai tín tâm thành Phật, vừa là nhân duy nhất thành Phật, mà không có giáo thuyết nào nói khác hơn. Vì thành Phật, Bồ Tát Pháp Tạng phải trải qua thời gian không biết bao nhiêu lâu, tinh tấn tu hành, tích chứa trí tuệ và từ bi.

Thế nhưng, Thân Loan nhận thấy bản thể của lòng tin là trí tuệ Như Lai, nói đúng hơn là chánh nhân thành Phật.

Lòng tin được ca ngợi đầu tiên trong “Tín Văn Loại” rằng: “là chánh nhân chứng Đại Niết Bàn và niềm tin Chân Như Nhất Thật rộng sâu như biển cả.” Chắc chắn như vậy! Với Như Lai, hướng đến niềm tin là Đại Niết Bàn, chủng tử cuối cùng của Phật A Di Đà, với bản thể là đức độ chân thật mênh mông như biển cả. Nói cách khác, “hãy có lòng tin thanh tịnh, tâm nầy không điên đảo và chẳng hư ngụy”.

Căn cứ vào quyển thượng “Luận Chú”, trong đó Thân Loan giải thích rõ nghĩa của từ “chân thật” là gì. Với “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ” cho rằng “chân thật” là tướng trang nghiêm ở cõi Tịnh Độ, Phật A Di Đà mà Kinh điển diễn tả. Công đức ở Tịnh Độ là “chân thật”, được giải thích rằng: “không điên đảo, không hư ngụy”.

I.2.8.2 Không Có Điên Đảo
Điên đảo nghĩa là trái ngược hoàn toàn với chân thật. Không điên đảo, theo cách định nghĩa của Thân Loan, là đúng ngay trong niệm đầu tiên, gọi là “Từ pháp tánh thuận theo Nhị Đế[101]”. Có thể hiểu rằng mọi vật đều vậy (chân như). Công đức trí tuệ là sự thể hiện chơn lý, cho nên cần phải lìa khỏi sự phân biệt đúng sai từ thực tiễn hành động của mình, bởi vì chân như chính là trí tuệ vô phân biệt, mà lãnh vực vô phân biệt nầy được gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế[102]. Với hạn lượng của tư duy, thật khó mà dùng ngôn ngữ đễ diễn đạt Hậu Đắc Trí, chân lý tối cực ấy, theo cách nói thế tục, Thế Tục Đế[103]. Bồ Tát Pháp Tạng thực hành cả Nhị Đế cho nên trí tuệ của Ngài lìa khỏi mọi tư duy sai lầm về cái thấy thuộc về “mình” và “người”; nên “không điên đảo”.

I.2.8.3 Không Có Hư Ngụy
Không hư ngụy nghĩa là “nhiếp lấy chúng sanh và tiếp dẫn vào cảnh giới cứu cánh thanh tịnh”. Cứu cánh thanh tịnh là Tịnh Độ, cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh, lãnh vực lìa xa mọi phiền não. Không hư ngụy là công đức cứu độ, thực thi phương tiện đại bi để tiếp dẫn chúng sanh về Tịnh Độ. Chữ “hư” có nghĩa là “không thật”, chỉ cho thân nầy vốn chẳng có gì. Ngược lại, chân thật là đầy đủ trạng thái an lạc. Chữ “ngụy” nghĩa là không đúng, ngược lại hay trái lại với đúng. Ai ai cũng được tiếp dẫn vào Tịnh Độ, công đức đầy đủ và cuộc sống hoàn toàn an lạc là chân thật, không hư ngụy.

Như vậy, tất cả chúng sanh được Bồ Tát Pháp Tạng cứu độ là chân thật. Những hành xử Trí Tuệ, Từ Bi là chân như, mà ở thế giới Tịnh Độ, Đức Phật A Di Đà với Từ Bi và Trí Tuệ, ngài thực thi rất cụ thể. Ấy chính thực là công đức chân thật.

I.2.8.4 Cái Nhơn Của Sự Thành Phật
Đồng thời, về niềm tin Thân Loan cho rằng: “Lòng tin thanh tịnh chắc chắn khiến cho tâm nầy không điên đảo, không hư ngụy”, vì đức Như Lai hồi hướng tín tâm nầy. Bồ Tát Pháp Tạng với tâm chân thật kiến lập cõi Tịnh Độ và biểu thị hoàn toàn giống nhau về bản chất thanh tịnh của Tịnh Độ và công đức Từ Bi, Trí Tuệ của Phật A Di Đà.

Nói khác, Như Lai vừa là bản chất Tịnh Độ vừa là công đức Từ Bi, Trí Tuệ. Niềm tin cho chúng ta, những ai tâm còn đầy phiền não, công đức tín tâm, Như Lai, Tịnh Độ. Niềm tin ấy nhân, là hạt giống Phật, thành Phật.

Trong “Tín Văn Loại”, Thân Loan cho tín tâm nầy là cái nhân chơn chánh và “tâm nầy là tâm Đại Bi của Như Lai, chắc chắn rằng là chánh nhơn của Tịnh Độ”. “Chánh Tượng Mạt Hòa Tán” ca ngợi và tán dương rằng: “Trí tuệ của lòng tin ấy sẽ là nhân Niết Bàn”.

I.2.9 Trí Tuệ của Lòng Tin

Khi thâm nhập vào được trí tuệ của lòng tin, phải dùng thân nầy để báo Ân Phật.

(Lược bớt phần giải thích theo lối văn Hán-Nhật)

Tất cả chúng sanh, miễn có lòng tin, sẽ được đức Phật A Di Đà, đầy lòng bi mẫn như đức Thích Tôn, tiếp dẫn và chắc chắn với lòng tin sẽ được thành Phật. Tâm nguyện thành Phật ấy chính là Bồ Đề Tâm. Đuợc Phật A Di Đà dùng trí tuệ và công đức khai mở trí tuệ và tiếp dẫn vào thế giới bổn nguyện, lúc ấy chúng ta sẽ vui mừng vì được tắm gội trong ân đức Như Lai và nguyện đem thân nầy để báo đền ân đức. (Chánh Tượng Mạt Hòa Tán – Thánh Điển – trang 606).

Giải thích:

I.2.9.1 Trí Tuệ Vượt Qua Khỏi Sự Sanh Tử
Trong bản Hòa Tán, quốc bảo của quốc gia, “Trí Tuệ của lòng tin” được giải thích thêm rằng: “Tiếp xúc với trí tuệ Phật A Di Đà ngay khi niềm tin vừa phát lên, trí tuệ liền phát triển”. Bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà biểu hiện trí tuệ giác ngộ. Khi có niềm tin vững chắc, không còn nghi ngờ về lời dạy của bổn nguyện ấy chính là lúc tâm đã giống với trí tuệ Như Lai. Thân Loan cho tín tâm đối với Như Lai nầy biểu hiện tâm tìm cầu giác ngộ, tâm Bồ Đề, tâm Phật vậy.

Bổn nguyện phát lên từ trí tuệ, chỗ hướng đến của chúng sanh trong mười phương thế giới, là lời nguyện rằng: “chí tâm tín nhạo, nếu ai muốn sanh ở nước ta.....”. Điều nầy chẳng phải là từ giả cõi đời và vãng sanh như ta nghĩ, mà ngược lại không ai có thể hiểu được sống, chết bởi vì càng giải thích càng phân biệt. Song ở đây phải vượt trên phân biệt, vì với Phật, chứng được vô phân biệt trí, Hậu Đắc Trí, sanh tử nhứt như[104].

Ngài Thân Loan nói: “Vãng sanh, là niềm mong muốn (mệnh lệnh) của Như Lai muốn kêu gào chúng sanh về với Như Lai”. Lời kêu gọi “Nếu muốn sanh về nước ta.....” rõ ràng là ngôn ngữ ngời sáng như trí tuệ, vượt khỏi sanh tử. Sanh tử không chỉ tồn tại trong từng cá thể mà còn là lời nói thường tình trong thế gian, nhưng không thể diễn tả hết được.

I.2.9.2 Tín Tâm Là Phật Trí
Lời kêu gọi của Đức Phật A Di Đà: “Chí tâm tín nhạo; nếu ai muốn sanh về nước ta” là lời nói xuất phát từ bổn nguyện, Phật trí bất tư nghì. Con đường duy nhất của chúng ta là chỉ nghe, tin tưởng và thọ nhận. Bởi vì suy nghĩ phân biệt của con người vốn cho rằng chúng ta phải vượt qua khỏi thế giới nầy, nhưng không sao lý giải bằng những phê phán thông thường. Lãnh thọ ý nghĩa lời dạy của Như Lai là hãy quên đi mọi tư duy bình thường của mình. Đó là cứu cánh cao cả của kính tin và thọ nhận chân thật lời dạy của Như Lai.

Lúc ấy, lãnh thọ lời khai thị xuất phát từ bổn nguyện ấy, trí tuệ chúng ta khai mở sanh tử, đạt được hiệu quả hành trì và tùy theo thọ nhận giáo lý trí tuệ của Như Lai, chúng ta vượt qua khỏi sự sanh tử, thể nhập lãnh vực siêu thoát chân thật, thoát khỏi mọi thương, ghét thông thường. Không có gì kỳ lạ về việc vượt qua sanh tử nầy. Không phải tưởng tượng mà chính là lời giáo huấn của Như Lai. Giáo lý bổn nguyện của Như Lai cũng chính là lòng tin nơi mỗi chúng ta, cho nên có thể nói rằng bản thể của niềm tin là trí huệ Như Lai vậy.

I.2.9.3 Tín Tâm Là Bồ Đề Tâm
Có đầy dẫy phiền não thương ghét trong thân ta được bao trùm bởi thế giới sanh tử không thật cho nên muốn xả bỏ phiền não cần phải vượt khỏi sự sanh tử kia; sanh vào cảnh Niết Bàn, oán thân bình đẳng và thành Phật. Thân Loan gọi là tâm nguyện tâm thành Phật[105], cũng gọi là Bồ Đề Tâm. Như vậy, bản chất của tín tâm là trí tuệ Như Lai, là tâm Bồ Đề giác ngộ. Tín tâm ấy là chánh nhơn chơn vãng sanh Tịnh Độ Niết Bàn.

Bồ Đề Tâm nghĩa là cái tâm tìm cầu trí tuệ giác ngộ. Với tâm ấy chúng sanh hoàn thành tự lợi[106] và lợi tha[107]. Theo Đàm Loan, Bồ Đề Tâm có nghĩa là tâm nguyện làm Phật[108], và nguyện độ chúng sanh[109].

Bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà là điển hình của Bồ Đề Tâm. “Muốn vãng sanh, thành chánh giác” vừa là lời ước nguyện vãng sanh, vừa là cầu thành tựu Chánh giác của tất cả chúng sanh, còn là tâm nguyện làm Phật và cứu độ chúng sanh của Đức Phật A Di Đà. Với chúng ta, nghe đến tâm cứu độ chúng sanh của Như Lai thường hiểu rằng tâm nguyện của Như Lai mong muốn chúng ta thành Phật và niềm tin của chúng ta là nguyện mang tâm Phật. Như vậy, tâm nguyện làm Phật của chúng ta vừa chiêu cảm tâm độ sanh và hoan hỷ đợi chờ cứu độ chúng sanh của Như Lai, vừa cụ thể hóa mọi hoạt động của tâm từ, mà “Chánh Tượng Mạt Tán” ca ngợi tâm ấy như sau:

 “Hướng đến Như Lai là quay về

 Tâm này nếu muốn nguyện làm Phật,

 Phải hồi hướng tất cả tự lực

 Để làm lợi ích mọi hữu tình”[110].
 

I.2.10 Sự Chướng Ngại Nương Vào Nơi Đức

Băng càng nhiều thì nước càng thêm. Chướng ngại càng nhiều thì Đức phải lớn.

(Lược bớt phần chú thích theo lối văn Hán-Nhật).

Phòng ngừa tội ác và khai mở giác ngộ, cả hai việc ấy đều không khác nhau, mà cùng bản thể công đức của chư Phật. Vì bản thể của một tảng băng lớn là nước cho nên băng sẽ tan thành nước khi nhiệt độ lên cao. Tảng băng càng lớn, nước càng nhiều. Giống vậy, khi trí tuệ chân thật được khai mở, bao nhiêu tội chướng, phiền não là bấy nhiêu công đức. Tội chướng càng nhiều, công đức càng đầy. (Cao Tăng Hòa Tán – Thánh Điển – trang 585).

Giải thích:

I.2.10.1 Vô Ngại Quang Như Lai
Phần “Đàm Loan Tán” trong “Cao Tăng Hòa Tán”, có “Hòa Tán” tán dương công đức của Vô Ngại Quang Như Lai trong mười phương. Chữ “Vô Ngại” không phải phòng ngừa phiền não ác nghiệp của phàm phu, mà là biểu hiện năng lực cứu độ tuyệt đối và bình đẳng cứu độ của Như Lai. Hơn nữa, bất cứ ai, dù kẻ ác người lành, nghe được danh hiệu Vô Ngại Quang Như Lai nầy, sẽ được Như Lai dùng ánh sáng nhiếp thủ và cứu độ. Người ấy sẽ không có tâm lo lắng việc ác, không khoa trương việc lành, tinh thần tự tại, bình đẳng và tinh tấn.

“Thán Dị Sao” cho rằng: “Người niệm Phật sẽ tạo con đường vô ngại”. Với niềm tin, hành giả được đi trên con đường vô ngại “không nghĩ đến tội ác hay nghiệp báo, cũng không để ý đến việc lành”. Bổn nguyện dành cho người niệm Phật là được Vô Ngại Quang Như Lai dùng ánh sáng để cứu độ, hộ trì, che chở và làm cho tâm sanh hoan hỷ.

I.2.10.2 Chướng Ngại Nương Vào Đức
Gọi là Vô Ngại Quang, không phải chỉ đơn giản vì không có chướng ngại, mà vì chướng ngại đã được chuyển hóa thành những công đức như Thân Loan giải thích. Đầu tiên xin đơn cử về Hòa Tán như sau:

 Lợi lạc nhận được từ Vô Ngại Quang

 Có thể nói nhờ vào niềm tin uy đức quảng đại

 Chắc chắn rằng phiền não sẽ tan đi

 Và Bồ Đề Tâm sẽ tăng trưởng[111].

Nếu không có nhiệt năng, băng tuyết vẫn là băng tuyết, cũng vậy phiền não vẫn là phiền não khi tâm con người thô thiển cạn cợt. Dưới ánh sáng chói chang của mặt trời, băng tuyết sẽ tan thành nước, cũng vậy nhờ bổn nguyện trí tuệ của Như Lai, phiền não chuyển thành Bồ Đề. Bao nhiêu phiền não tương ưng bấy nhiêu công đức là biểu hiện ánh quang minh và trí tuệ viên dung vô ngại của Như Lai. Niềm tin vào bổn nguyện chuyển phiền não thành trí tuệ, chuyển tội chướng biến thành những công đức như dưới ánh nắng mặt trời, băng tan thành nước.

Phần tổng quát của “Giáo Hạnh Chứng Văn Loại” cho rằng: “Viên dung công đức chính là tăng thêm sức trì Phật hiệu để chuyển ác nghiệp thành công đức trí tuệ chân chánh”.

I.2.10.3 Trí Tuệ Phát Trong Nghịch Cảnh
Ai ai cũng muốn bẻ gãy những chướng ngại, nhưng một khi vào đời phải thọ nhận muôn thứ: nào già, nào bệnh, nào chết, nào ái biệt ly, nào oán tắng hội v.v.., dẫu muốn chạy khỏi cũng không làm sao được. Không ai không mong cuộc sống của mình bình an vô sự, thế nhưng phải làm kẻ bị sống trong cuộc sống bất ổn, nên cầu nguyện Thánh, Thần, và chư Phật. Càng tìm cách chạy, càng không thoát và càng lo sợ nhiều hơn. Khổ đau ngày càng chất chồng lên cao nhưng không biết cách nào giải khổ. Dẫu lưu tâm vào cuộc sống cẩn thận đến bao nhiêu, vẫn không biết được việc gì sẽ đến. Dẫu biết việc gì sẽ đến đi nữa cũng không thể giữ tâm bất động.

Thế nhưng, đứng trước những sự chướng ngại và muốn bẻ gãy sự khổ não ấy rốt cuộc rồi cũng không có được một phương cách nào. Vả lại sự khổ nạn ấy và những nguy cơ con người có thật sự muốn vượt qua khỏi để sống như là một cơ duyên chăng? Hay vẫn còn khăng khăng cự tuyệt? Ở đó ta có thể rõ do lập trường của mỗi người hướng đến mà có sự sai biệt. Cũng có thể có người muốn nương theo trí tuệ để vượt ra khỏi kiếp sống của nhân sinh hiện tại.

Nếu đời sống hằng ngày mãi thuận buồm xuôi gió thì cuộc sống chẳng có gì đáng sợ, như thế không bao giờ khởi tâm cần cầu nghe Pháp, mà con người ngày càng lười biếng và cuộc sống không phát triển bao nhiêu. Mấy ai cảm nhận được cuộc sống là bất khả tư nghì! Nghịch cảnh là trợ duyên trở về với Phật Pháp. Kinh nghiệm của một số người cho biết chính khổ đau là trợ duyên thúc đẩy nhiều người niệm Phật. Khi đối diện với nguy cơ của mình hay của người thân, ai cảm nhận cuộc đời là bất tư nghì, người ấy sẽ cảm được giá trị bất tư nghì của cuộc sống ngày càng phát triển, không hạn định.

I.2.10.4 Cuộc Sống là Đạo Tràng
Kinh Duy Ma Cật cho rằng “Phiền não tức là đạo tràng” hay “Tam giới là đạo tràng”. Bởi muốn phiền não thương ghét, ngu muội giảm thiểu phải đến giáo lý Phật Đà, để tìm ra con đường chân thật đó là ý nghĩa phiền não là Đạo Tràng. Mọi người ai cũng muốn thoát khỏi tam giới khổ não; nhưng chỉ có chân thật quy hướng Tịnh Độ là cơ duyên ra khỏi tam giới khổ não mà thôi, cho nên tam giới là Đạo Tràng. Giáo lý Phật Đà là những lời giáo lý đưa người vào đạo tràng, xây dựng cuộc sống chân thật của con người. Dẫu kẻ nào xấu đến mức nào đi nữa vẫn có thể tăng trưởng trí tuệ, qua sự giáo huấn của Như Lai.

Đã có thuận cảnh, chắc chắn có nghịch cảnh. Cuộc sống của con người chỉ có ý nghĩa khi vượt khỏi những khó khăn, nhờ tin tưởng và thực hành pháp Phật. Đó chính là đạo tràng rộng mở đón nhận mọi nguồn tâm vào. Không phải là đồ phế thải, cũng không phải không có ý nghĩa khi trong cuộc sống có sự hiện hữu của Như Lai.

Như được biết: “Như Lai hiện hữu trong từng vi trần của thế giới”. Khi mọi việc được lắng nghe một cách chân thành, khiêm cung và tin tưởng, những ngoại đạo tà giáo cũng chuyển thành những thiện hữu tri thức, bởi vì dưới ánh mắt của Như Lai, ngoại đạo tà giáo vẫn hiện hữu bên trong chất liệu trí tuệ của Như Lai, cho nên với Tịnh Độ Chơn Tông, cuộc sống con người không phải chỉ kỳ nguyện sao cho không có nạn tai xảy ra, mà Đức Phật A Di Đà kiên nhẫn dùng năng lực từ bi để hoán chuyển nạn tai biến thành công đức và dùng trí tuệ cứu độ chúng sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 4986)
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6003)
Nhân đọc các phát biểu thiếu tôn kính pháp môn Tịnh Độ và kinh luận Đại Thừa PG của một số Phật tử-đăng trên một số trang mạng.
06 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6510)
Có người nói: “Tịnh độ là do tâm hiện ra, không thể có Tịnh độ Cực Lạc ngoài mười muôn ức cõi Phật”. Câu “Duy tâm Tịnh độ” này, vốn xuất phát từ kinh điển, hoàn toàn chân thật, chẳng sai lầm. Nhưng nếu căn cứ theo câu nói trong kinh mà cho rằng không có Tịnh độ Cực Lạc, lại là hiểu sai ý chỉ của kinh.
18 Tháng Mười 2014(Xem: 6342)
Hồi đức Phật còn tại thế, các Phật tử thường hướng về trú xứ mà Ngài và chúng Tăng đang cự ngụ để đảnh lễ và xưng niệm danh hiệu của Như lai, đầy đủ mười hiệu, để tỏ lòng cung kính, tri ân, và cầu nguyện Nam-mô Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
11 Tháng Mười 2014(Xem: 13743)
“Vũ trụ vạn hữu bản thể luận” của Định Hy là một kiến giải nhân sinh vũ trụ trên hai phương diện bản thể và hiện tượng, tuy vậy không rời tính thực dụng của Phật pháp trong đời sống tu tập, giúp người học Phật nhận thức thêm một nẻo về suối nguồn Chân như theo quan điểm Phật giáo Đại thừa.
01 Tháng Mười 2014(Xem: 7032)
Chúng tôi có nghe nói về một cõi gọi là Tịnh Độ, nơi đó người ta sống rất hạnh phúc và bình an. Xin Thầy rộng lòng nói cho chúng tôi nghe về cõi ấy. Làm sao mà những người dân ở xứ đó có thể sống hạnh phúc và bình an như thế, và bằng cách nào chúng tôi có thể đi về cõi ấy?’’ Thầy mỉm cười, mời cô ngồi xuống, và sau đó nhẹ nhàng trả lời: ‘‘Quả thật là có một cõi như thế, gọi là cõi Tịnh Độ Hiện Tiền. Cõi ấy không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Nói theo danh từ Phật học thì cõi ấy nằm trong phương ngoại và kiếp ngoại. Bất cứ ai có mang hộ chiếu của Niệm, Định, Tuệ đều có thể đi vào cõi ấy.
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15362)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 8900)
Trong xã hội mà đạo đức băng hoại, độc ác, bạo tàn, vô cảm và cuồng tín xảy ra khắp nơi thì một tình thương, một việc lành, một nghĩa cử cao đẹp đều như viên ngọc quý, có ai tu hành dầu theo pháp môn nào cũng đều làm cho con người trở nên tốt hơn. Và quả thật, từ hơn hai nghìn năm trước cho đến nay, Phật giáo đi đến đâu thì mang lại trí tuệ và từ bi đến đấy, chưa làm tổn thương ai, dù là con sâu, cái kiến.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 10096)
Phật là bậc Giác ngộ toàn triệt, nhìn thấu chúng sanh cơ bản do vọng tưởng che lấp tự tánh, nên giới thiệu pháp môn Niệm Phật cho thời mạt. Đó là di ngôn tối thượng, căn bản nhất dành cho hậu thế.