Thiền Sư Nguyên Hiền (1577-1657)

21 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 11606)


TỊNH TỪ YẾU NGỮ

Nguyên tác: Thiền sư Nguyên Hiền - Việt dịch: Thích Minh Thành
Nhà Xuất Bản: Tôn Giáo 2005

THIỀN SƯ NGUYÊN HIỀN
(1577–1657)

Thiền sư Nguyên Hiền, họ Thái, tự là Vĩnh Giác, người ở huyện Kiến Dương, tỉnh Phúc Kiến. 

Thuở nhỏ, theo Nho học. Năm 20 tuổi đã được bổ làm Thái Học Sinh (người được học ở trường lớn nhất kinh thành, chuyên truyền trao kinh điển của nhà Nho). Năm 25 tuổi, Sư nghe vị Tăng tụng kinh Pháp Hoa đến câu: “Khi ấy, Ta hiện thân thanh tịnh sáng suốt...”, liền rất vui mừng, khen rằng: “Ngoài cái học của Chu, Khổng, quả thật còn có một việc lớn khác!”. Từ đó, Sư để tâm nơi giáo lý và thông suốt tất cả kinh điển. 

Về sau, khi gặp ngài Thọ Xương, Sư trình bày chỗ hiểu biết của mình rồi theo Ngài học tham thiền, đến năm 40 tuổi thì Sư xuất gia. Một hôm, từ chùa đi ra gặp ngài Thọ Xương từ ruộng trở về chùa, Sư liền hỏi: “Thế nào là thân thanh tịnh sáng suốt?”. Ngài Thọ Xương giũ áo đứng im. Sư hỏi: “Chỉ có cái này hay còn gì khác nữa chăng?”. Thọ Xương phất áo bỏ đi. Sư đi theo vào phương trượng. Chưa kịp mở miệng, Thọ Xương cầm gậy đánh liên tục ba cái, bảo rằng: “Về sau chẳng được lơ là!”.

Năm sau, ngài Thọ Xương thị tịch. Sư y chỉ với ngài Bác Sơn Nguyên Lai và thọ giới Cụ túc. Chẳng bao lâu, Sư từ giã trở về Phúc Kiến. Khi đi thuyền qua Diên Tân, chợt nghe một vị Tăng tụng kinh Pháp Hoa đến câu: “Chư Phật đều tằng hắng và khảy móng tay”, bèn thấu suốt tác dụng trước kia của ngài Thọ Xương. Liền nói kệ rằng:

“Gà vàng mổ nát lưu ly biếc
Hoàn toàn ngơi nghỉ chỉ tự hay
Nằm yên trên thuyền, trời đã sáng
Trước non mưa tạnh, tiếng chim kêu”.

Lúc ấy, Sư đã 46 tuổi nhằm tháng 09 năm thứ 03 niên hiệu Thiên Khải (1623) đời nhà Minh. Sau đó, Sư về ở am Kim Tiên, đọc Đại tạng ba năm rồi ẩn tu nơi núi Hà.

Năm thứ 06 niên hiệu Sùng Trinh (1633), Sư yết kiến Thiền sư Văn Cốc Quảng Ấn, học giới bổn của ngài Vân Thê. Năm sau trở về Côn Sơn, xiển dương rộng rãi Tông phong Tào Động. Sư lập thân hành đạo vững chắc như núi non, đức hạnh trong sạch tợ băng tuyết, bảo vệ đạo pháp, cứu độ nhân gian, phước tuệ vẹn toàn. Mọi người đều tôn xưng là “Cổ Phật trở lại”.

Mùng 07 tháng 10 năm thứ 14, niên hiệu Thuận Trị (1657) đời Thanh, Sư an nhiên thị tịch, hưởng thọ 80 tuổi. Đệ tử rất đông, nhưng chỉ riêng ngài Đạo Bái là người được pháp. 

Thiền sư Nguyên Hiền có trước tác hơn mười loại: Lăng-nghiêm Kinh Lược Sớ, Kim Cang Kinh Lược Sớ, Bát-nhã Tâm Kinh Chỉ Chưởng, Tứ Phần Giới Bổn Ước Nghĩa.

(Theo Phật Học Đại Từ Điển Phật Quang Đại Từ Điển Ngũ Đăng Toàn Thư) 

Lời tựa

“Tịnh Từ” nghĩa là gì? 
Là do tôi nghe lời dạy của Đại sư Văn Cốc để đặt tên am. Am đặt tên “Tịnh Từ”, nghĩa là niệm Phật, phóng sinh.

Niệm Phật, phóng sinh mong cầu việc gì? Mong cầu được trở về bản tâm vốn thanh tịnh, vốn từ bi của mình. 

Bởi lẽ, bản tâm của chúng ta vốn thênh thang thường thanh tịnh, mà chúng sinh lại không rõ bản tánh ấy nên thường thấyï vật ngoài tâm. Do đó, mắt bị hình sắc làm ô nhiễm, tai bị âm thanh làm ô nhiễm, mũi bị mùi hương làm ô nhiễm, lưỡi bị vị làm ô nhiễm, thân bị sự xúc chạm làm ô nhiễm, ý bị pháp trần làm ô nhiễm, trôi nổi ở bên ngoài không thể trở về. Từ đó, sinh khởi nghiệp chướng, gây ra tội lỗi, mãi đắm chìm trong thế giới uế trược nhỏ hẹp không có ngày giải thoát.

Đức Phật xót thương chúng sinh, nên vì họ nói pháp bỏ “nhiễm” trở về “tịnh”. Vì căn cơ của chúng sinh không đồng nhau, nên giáo pháp cũng có nhiều khác biệt, nhưng quan trọng và dễ thực hành nhất vẫn là pháp môn niệm Phật.

Nhất tâm niệm Phật dụng chí không phân tán, sáu căn đều thâu nhiếp. Tịnh niệm tương tục thì mắt không bị hình sắc làm ô nhiễm, tai không bị âm thanh làm ô nhiễm, mũi không bị mùi hương làm ô nhiễm, lưỡi không bị vị làm ô nhiễm, thân không bị sự xúc chạm làm ô nhiễm, ý không bị pháp trần làm ô nhiễm.

Nếu làm được như vậy thì tuy đang sống ở trong cõi Ta-bà mà toàn thân đã ngồi nơi thế giới Liên Hoa. Vậy còn lo gì thân đời sau lại không thanh tịnh! 

Tuy tu Niệm Phật Tam-muội nhưng phước đức không đầy đủ thì khó thành tựu quả lành, cần phải tu mọi việc lành để làm trợ nhân. Việc lành tuy rất nhiều, nhưng hạnh từ bi là đứng đầu; hạnh từ bi tuy nhiều, nhưng ngăn ngừa việc sát hại, thực hành phóng sinh là bậc nhất.

Bởi vì, điều yêu quý nhất của chúng sinh là sự sống, còn cái chết là điều chúng sinh đau khổ nhất. Cho nên, hễ có cùng một dòng máu đỏ thì tâm tánh đều như nhau. Chỉ vì tập quen với sự tàn nhẫn, rất khó thực hành lòng nhân từ đồng thể, nên mới thản nhiên giết hại mà không cảm thấy xót thương. 

Lẽ nào tâm tánh lại vốn như thế hay sao? 
Thế nên, đức Phật hết lời nhắc nhở, ban đầu răn việc sát sinh, khuyên bảo rộng rãi sự phóng sinh. Ban cho cái yêu quý nhất và cứu giúp nỗi đau khổ nhất của chúng sinh. Công đức ấy đối với muôn loài thật không sao tính kể!

Tại thành Kiến Châu, hoặc Tăng hoặc tục vâng theo lời Đại sư Văn Cốc dốc lòng niệm Phật, phóng sinh đã lâu. Nhưng mọi người còn ngại không thể mở rộng truyền xa nên mới bàn với tôi, tôi bèn đem những lời dạy chính yếu trong các sách Tịnh độ và giới sát chép lại thành quyển “Tịnh Từ Yếu Ngữ” này, giao cho họ khắc bản. Mong rằng lời nói giáo hóa về tâm thanh tịnh và lòng từ bi trải rộng đến vô cùng.

Ôi! Ý nghĩa của “Tịnh Từ” thật rộng lớn, đâu chỉ ở nơi việc niệm Phật, phóng sinh mà thôi. 

Niệm Phật và phóng sinh có thể nói là “Tịnh Từ”, nhưng không thể cùng tận hết ý nghĩa của “Tịnh Từ”. Nói đến cùng thì thanh tịnh cùng cực, giác tánh tròn đầy, thành tựu đạo Vô Thượng, cũng không ra ngoài ý nghĩa của một chữ “Tịnh” này. Cứu độ khắp tất cả loài hữu tình, từ bi đến muôn kiếp cũng không ngoài ý nghĩa một chữ “Từ”.

Chư Bồ-tát lớn, trên mong cầu quả Phật, dưới hóa độ chúng sinh, từ trước cho đến sau tất cả các kinh điển Đại thừa cũng đều muốn làm sáng tỏ điều này, đến nỗi sách chất đầy nhà. Nay lấy hai chữ “Tịnh Từ” khái quát trọn vẹn ý nghĩa không còn dư thừa.

Chớ nên cho rằng Đại sư Văn Cốc đặt tên này chỉ có ý ở nơi niệm Phật, phóng sinh mà thôi. Các vị hãy khéo thể hội ý này mà suy rộng ra mới thấy được trọn vẹn ý của Ngài.

Tuy vậy, vẫn còn một câu mà hai chữ “Tịnh Từ” không bao quát được. Tôi muốn vì mọi người nói rõ ra, nhưng ngặt nỗi lưỡi tôi quá ngắn. Các vị nên chất vấn nơi Đại sư!

Mùng 05 tháng 0 8 năm Giáp Tuất Niên hiệu Sùng Trinh (1634) 
Thích Nguyên Hiền kính ghi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 4986)
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6003)
Nhân đọc các phát biểu thiếu tôn kính pháp môn Tịnh Độ và kinh luận Đại Thừa PG của một số Phật tử-đăng trên một số trang mạng.
06 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6510)
Có người nói: “Tịnh độ là do tâm hiện ra, không thể có Tịnh độ Cực Lạc ngoài mười muôn ức cõi Phật”. Câu “Duy tâm Tịnh độ” này, vốn xuất phát từ kinh điển, hoàn toàn chân thật, chẳng sai lầm. Nhưng nếu căn cứ theo câu nói trong kinh mà cho rằng không có Tịnh độ Cực Lạc, lại là hiểu sai ý chỉ của kinh.
18 Tháng Mười 2014(Xem: 6342)
Hồi đức Phật còn tại thế, các Phật tử thường hướng về trú xứ mà Ngài và chúng Tăng đang cự ngụ để đảnh lễ và xưng niệm danh hiệu của Như lai, đầy đủ mười hiệu, để tỏ lòng cung kính, tri ân, và cầu nguyện Nam-mô Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
11 Tháng Mười 2014(Xem: 13743)
“Vũ trụ vạn hữu bản thể luận” của Định Hy là một kiến giải nhân sinh vũ trụ trên hai phương diện bản thể và hiện tượng, tuy vậy không rời tính thực dụng của Phật pháp trong đời sống tu tập, giúp người học Phật nhận thức thêm một nẻo về suối nguồn Chân như theo quan điểm Phật giáo Đại thừa.
01 Tháng Mười 2014(Xem: 7032)
Chúng tôi có nghe nói về một cõi gọi là Tịnh Độ, nơi đó người ta sống rất hạnh phúc và bình an. Xin Thầy rộng lòng nói cho chúng tôi nghe về cõi ấy. Làm sao mà những người dân ở xứ đó có thể sống hạnh phúc và bình an như thế, và bằng cách nào chúng tôi có thể đi về cõi ấy?’’ Thầy mỉm cười, mời cô ngồi xuống, và sau đó nhẹ nhàng trả lời: ‘‘Quả thật là có một cõi như thế, gọi là cõi Tịnh Độ Hiện Tiền. Cõi ấy không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Nói theo danh từ Phật học thì cõi ấy nằm trong phương ngoại và kiếp ngoại. Bất cứ ai có mang hộ chiếu của Niệm, Định, Tuệ đều có thể đi vào cõi ấy.
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15363)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 8900)
Trong xã hội mà đạo đức băng hoại, độc ác, bạo tàn, vô cảm và cuồng tín xảy ra khắp nơi thì một tình thương, một việc lành, một nghĩa cử cao đẹp đều như viên ngọc quý, có ai tu hành dầu theo pháp môn nào cũng đều làm cho con người trở nên tốt hơn. Và quả thật, từ hơn hai nghìn năm trước cho đến nay, Phật giáo đi đến đâu thì mang lại trí tuệ và từ bi đến đấy, chưa làm tổn thương ai, dù là con sâu, cái kiến.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 10096)
Phật là bậc Giác ngộ toàn triệt, nhìn thấu chúng sanh cơ bản do vọng tưởng che lấp tự tánh, nên giới thiệu pháp môn Niệm Phật cho thời mạt. Đó là di ngôn tối thượng, căn bản nhất dành cho hậu thế.