Tạo Lập Tịnh Độ

29 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13600)


NHẤT HẠNH

THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ
Kinh A Di Đà Thiền Giải
Lá Bối, Hoa Kỳ 2000 - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội - 2004

Tạo Lập Tịnh Độ

 

Khi tâm mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và hạnh phúc thì ba nẻo đường đen tối là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh không thể xuất hiện.Những nẻo đường đen tối đó có thể phát hiện trong ta bất cứ lúc nào trong ngày nếu ta đánh mất niệm, định và tuệ. Địa ngục, quỷ đói hay là súc vật đang có mặt trong ta dưới hình thức của những hạt giống đen tối. Nếu ta không có chánh niệm, không có tu tập, thì ba nẻo đường xấu ác đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bất cứ lúc nào ta nổi giận lên là lửa địa ngục bừng dậy đốt cháy ta.Địa ngục mà phát hiện thì Tịnh Độ tự nhiên biến mất.Điều này rất rõ.Bóng tối mà phát hiện thì ánh sáng không còn.

Tịnh Độ cũng vậy.Khi địa ngục biến đi thì Tịnh Độ biểu hiện.Ở trong ta có hạt giống của Tịnh Độ, ở trong ta cũng có hạt giống của tam ác đạo, của ba nẻo về xấu ác.Nếu muốn có Tịnh Độ thì ta có thể làm cho Tịnh Độ biểu hiện trong hiện tại.Và nếu muốn có tam ác đạo, ta cũng có thể làm cho địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh biểu hiện trong hiện tại.Địa ngục là gì, chúng ta đã biết.Tại vì chúng ta đã từng ở dưới địa ngục."Con đã từng cất tiếng kêu gào dưới ngục A tỳ mòn mỏi hư hao." Mình đã từng ở địa ngục nên mình biết địa ngục nóng hay lạnh như thế nào rồi.Và khi mà chất liệu địa ngục ở trong ta không còn phát hiện thì ta có Tịnh Độ.

 

Ngày xưa mình cũng đã từng làm ma đói (ngạ quỷ). Mình đã từng làm ma đói chạy đi chỗ này chỗ khác để mong kiếm chác một chút tình thương, một chút hiểu biết, một nơi nương tựa.Hạt giống của ma đói nằm ngay trong tâm của ta chứ ở đâu.Khi nào khuynh hướng cô hồn lạc loài phiêu lãng trong ta phát khởi thì ma đói hiện ra và ta trở thành một con ma đói.Khi bị sự thèm khát vật dục trấn ngự, ta lại trở thành súc sanh.Ta trở thành một con thú vật, một con heo, một con bò, chỉ biết ăn, chỉ biết chạy theo tình dục... Nếu cõi Tịnh Độ biến mất trong đời sống của ta, đó là vì những hạt giống của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh đang biểu hiện trong lời nói, hành động và sự suy nghĩ của ta.

 

Ước muốn cao nhất của đời tôi là gì?Tôi không muốn làm chùa lớn, không muốn đúc tượng lớn, không muốn có nhiều trương mục lớn trong một nhà băng, không muốn có bằng cấp tiến sĩ.Tôi không muốn làm Hội trưởng hội Phật học.Tôi không muốn làm Tăng Thống, không muốn làm giáo chủ.Tôi chỉ muốn kiến thiết một Tịnh Độ thôi!Xây dựng Tịnh Độ để mời những người dễ thương đến sống chung và làm chỗ nương tựa cho nhau.Trong tâm ta nếu có Tịnh Độ thì ta đi đâu Tịnh Độ cũng hiển bày.Những người có Tịnh Độ trong tâm là những người có phẩm chất nhân cách rất cao.Người nào có phẩm chất như vậy thì được gọi là "thượng thiện nhân" hay làcao đức.

Vì những người này có tâm trí vượt khỏi danh lợi.Có một vị thượng thiện nhân là có một người dễ thương.Cõi Cực Lạc là nơi mà các bậc thượng thiện nhân lưu trú rất đông:"Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ".Đây không phải là một câu kinh ước mơ mà là một câu kinh chí nguyện, tại vì điều thích thú và hào hứng nhất của mình là lập được một đạo tràng để những người dễ thương trên thế gian quy tụ lại sống với nhau một cách rất hạnh phúc và để làm nơi nương tựa cho không biết bao nhiêu người khác.Vì vậy trong ước muốn của chúng ta cũng có hạt giống của Bụt A Di Đà.Hạt giống đó chính là ước muốn thành lập một trú xứ dễ thương, một hoàn cảnh thuận lợi cho sự tu học.

Có nhiều vị thượng thiện nhân đến sống chung thì tự nhiên ta không cầu Tịnh Độ mà Tịnh Độ cũng vẫn hiển bày.Được ngồi gần bên một người dễ thương, mình cảm thấy sung sướng biết bao.Huống hồ là mình được bao bọc bởi biết bao nhiêu người dễ thương.Những người dễ thương ấy đến với nhau, tuy chưa làm gì hết mà cảnh trí đã là cảnh Tịnh Độ rồi, phải không? Những người không dễ thương ngồi bên nhau khoảng mười lăm phút thì không khí đã thấy ngột ngạt.Địa ngục hiện ra ngay khi những người không dễ thương tụ tập đông đảo đến ba bốn trăm người.Mình sẽ chết ngột.Vì vậy, cảnh Tịnh Độ và cảnh Địa ngục đều có thể phát hiện từ lòng mình.

Cho nên mỗi người tu đều có sự thích thú và ước muốn thành lập một Tịnh Độ.Tịnh Độ tuy thế không phải là công trình của một người, dù người đó là một bậc Toàn Giác.Tịnh Độ là công trình của rất nhiều người, và những người đó được gọi là ‘‘thượng thiện nhân’’. Chúng ta thấy cõi Cực Lạc (Sukhavati) không phải là công trình riêng của một người, dù người ấy là Bụt A Di Đà.Cho nên ta đừng nghĩ với tư cách cá nhân ta có thể tạo lập được Tịnh Độ.Ta tạo lập Tịnh Độ bằng công sức Tăng thân.Nếu ta không dễ thương, không có khả năng lắng nghe, không có khả năng nói lời ái ngữ, không biết làm việc tập thể, nếu ta độc tài, thì ai mà tới cọng tác với ta?Như thế, làm sao ta có thể tạo ra được Tịnh Độ.

Chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta đã là một vị bồ tát nhất sanh bổ xứ hay chưa?Trong lòng ta, ai cũng muốn thiết lập một trung tâm Tịnh Độ.Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng khi đứng ra làm chủ trung tâm ấy, ta sẽ không bị lệ thuộc vào sư anh này, vào sư chị kia, sư em nọ, và ta sẽ có toàn quyền quyết định.Ước muốn làm chủ Tịnh Độ là một ước muốn ngây thơ.Nếu mình không sống hạnh phúc được với sư anh, sư chị và sư em của mình, thì làm sao mình có thể thiết lập Tịnh Độ?Những người đến với mình sẽ bỏ mình và mình sẽ cô đơn.Mà một người cô đơn thì không bao giờ thiết lập được Tịnh Độ.Chúng ta chỉ cần nhìn chung quanh để thấy.

Không phải người đó không có chí nguyện thiết lập Tịnh Độ.Chỉ tại người ấy chưa có đủ hạnh phúc, chưa có đủ sự bao dung, chưa có đủ khả năng lắng nghe, chưa có đủ khả năng nói lời ái ngữ, chưa có đủ khả năng làm việc chung; người ấy chỉ muốn người ta làm theo ý của mình.Những người như vậy không có khả năng thành lập Tịnh Độ, họ chưa phải là bồ tát nhất sanh bổ xứ.Ai có thể nói cho mình biết mình đã là bồ tát nhất sanh bổ xứ?Chúng ta không cần ai nói hết.Cứ nhìn vào tâm hành của chúng ta, là chúng ta biết ngay.Từ nay về sau, mỗi khi đại chúng tụng đến câu này, thì xin để tâm quán chiếu.Tịnh độ là một nơi quy tụ của các bậc thượng thiện nhân.Tịnh Độ không phải là công trình của một anh hùng cá nhân.

 

‘‘XáLợi Phất!Những kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sanh về cõi ấy’’.Câu kinh này có thể làm cho ta nản chí.Nhưng sẽ có những câu kinh khác làm cho chúng ta phấn khởi trở lại.Như câu chúng ta chỉ cần niệm Bụt một lần hoặc mười lầnlà đã đủ điều kiện để sinh về Tịnh Độ.Ta nên tin vào câu kinh này hay là tin vào câu kinh kia?Thật ra nếu ta hiểu được câu kinh này thì ta sẽ hiểu được những câu kinh kia, và nếu không hiểu được câu kinh này thì ta cũng không hiểu được những câu kinh kia.Hai câu không chống nhau mà bổ túc cho nhau.Hai câu kinh này là hai mặt cùng một thực tại.

 

‘‘Xá Lợi Phất, những kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sanh về cõi ấy.’’Phúc đức tức là những may mắn, những thiện duyên.Căn lành là những gốc rễ tốt đẹp.Trong lòng chúng ta nếu những gốc rễ ấy hiếm hoi thì chúng ta ít hy vọng được sanh về cõi đó.Căn là gốc rễ, nhưng cũng có khi được hiểu là hạt giống.Có những lúc chúng ta trồng cây bằng rễ, có những lúc chúng ta trồng bằng hạt.Trồng bằng hạt cũng lên, trồng bằng rễ cũng lên.

Như hoa sen vậy.Ta trồng sen bằng hạt hay bằng củ thì sen cũng đều lên được.Vậy muốn sanh về cõi Cực Lạc ta phải có hạt hoặc là rễ của Tịnh Độ.Nghĩa là những hạt giống tốt đẹp mà ta đã gieo vào trong tâm thức của ta, như ta đã có lần đến chùa lạy Bụt, đã có lần bố thí cho một em bé mồ côi, đã có lần cúng dường cho một vị xuất gia, đã có lần đưa tay ra cứu một con kiến đang chết đuối.Tất cả những hành động đó đều là những hành động gieo trồng căn lành.Hay ta đã từng mở miệng đọc Namo Buddhàya.Tất cả những cử chỉ nho nhỏ đó đều là những căn lành đã gieo trồng.Điều này trong kinh Pháp Hoa có dạy:

 

‘‘Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng Nam mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo.’’

 

Giả dụ có một người tâm ý tán loạn mà bước vào trong chùa, hoặc bước vào trong tháp, rồi mở miệng niệm lên một câu ‘‘Nam mô Phật’’ thì cái đó đã là một nhân duyên có thể đưa đến sự kiện người đó thành Phật sau này.Tuy là một hạt giống rất nhỏ, một cái rễ rất nhỏ, nhưng hành động ấy đã được gieo trồng vào trong tâm, và thế nào ngày mai nó cũng sẽ trở thành những nhân duyên đưa mình đi đến với đạo và thành đạo.Nhất xưng Nam mô Phật.Nhất xưng là chỉ niệm một lần Namo Buddhaya thôi.Ấy vậy mà hạt giống đó sẽ đưa đẩy người kia đi đến cái nhân duyên thành Phật sau này.Đó chính là những căn lành, những phước đức.

Câu kinh này nói rằng những người ít căn lành, ít phước đức thì ít có hy vọng sanh về cõi Tịnh Độ.Chúng ta biết tại Làng Mai, có những thiền sinh đến từ những nơi rất xa xôi, họ đến từ bên Nga, họ đến từ Na uy, Nam Phi, trong khi đó có những người sống ở Paris, chỉ cần một giờ đồng hồ là có thể bay tới, vậy mà suốt đời không bao giờ có cơ duyên bước đến Làng Mai.Tuy họ ở gần một bên mà họ cũng không biết sự có mặt của Làng Mai, vì vậy, họ không có được cơ duyên tham dự:

 

‘‘Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng’’

 

Có nhân, có duyên thì dù cách xa ngàn dặm cũng có thể gặp nhau, mà vô duyên thì ngồi đối diện nhau cũng chẳng gặp nhau được.Vậy sự khác biệt giữa hữu duyên và vô duyên là như thế nào?Sự khác biệt không phải do ở gần hay ở xa Tịnh Độ mà là chúng ta có nhân duyên hay không?Tôi mới nghe Thomas báo cáo là:‘‘Cho tới hôm nay đã có ba chục ngàn người Thụy Sĩ đi xem cuốn phim The Step of Mindfulness’’.

Cuốn phim này kể lại chuyến hoằng pháp của tôi tại Ấn độ năm 1997. Tại sao họ không đi rạp chiếu phim khác, mà lại mua vé đi xem cuốn phim này.Có rất nhiều người sau khi xem phim đã đi mua hết những quyển sách của tôi về đọc và đã có nhiều người viết thư về xin tham dự khóa tu tại Làng Mai.Tại sao họ làm như vậy, khi họ chưa một lần đi chùa?Họ chỉ có dịp đi xem phim, thấy được quý thầy, quý sư cô và nghe những bài pháp thoại trong phim, thế mà những hạt giống tốt trong họ được tưới tẩm và khi về nhà, họ mong muốn được tu học.Vậy sang Tịnh Độ không khó khăn gì, nếu ta có chút nhân duyên.

Chỉ cần ta biết rằng Tịnh Độ đang có mặt ở đó, và ta chỉ cần cầm điện thoại lên và nói:‘‘Allo!Tịnh Độ đó phải không?Tôi muốn được về tu học hai tuần’’.Sư chú hay sư cô sẽ trả lời:‘‘Dạ được, khóa tu mùa đông còn chỗ.’’Có khó khăn gì đâu?Ăn thua là có cái duyên hay không.Vô duyên thì có gần sát bên cũng không gặp, có duyên thì mấy ngàn cây số cũng gần.Chỉ cần một mảnh điện thư (e-mail), một tờ truyền chân (fax) hay một cú điện thoại là mình có thể bay sang Tịnh Độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Chín 2014(Xem: 11863)
Có một hiện tượng buồn: trong giới tu hành vẫn nhiều người cho kinh Đại thừa không phải Phật thuyết mà do người đời sau thêm vào. Trong nhà Phật, chữ Tín quan trọng nhất. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức, có thể sanh ra hết thảy các thiện căn”. Luận Đại trí độ cũng viết: "Đại tín là đại trí"; "Phật pháp như kho báu, người không có tín cũng như không có tay, sẽ chẳng lấy được gì".
26 Tháng Tám 2014(Xem: 9686)
Trong cuộc sống hàng ngày của dân gian, chúng ta rất quen thuộc với nhóm từ “Nam mô A Di Đà Phật” Vậy nhóm từ đó có ý nghĩa là gì ? Muốn hiểu tường tận ý nghĩa nhóm từ đó, chúng ta phải có một trình độ khá cao về khoa học. Nam mô có nguồn gốc là từ Namah (tiếng Phạn) hoặc Namo (tiếng Pali) có nghĩa quy y, kính lạy, quy phục, đem mình về với.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 8971)
Trong kinh luận chẳng có tâm tánh, trong kinh luận chẳng có Phật pháp, Phật pháp ở chỗ nào? Phật pháp ở ngay trong tâm quý vị, nhằm dạy quý vị hãy tự ngộ, tự độ. Nói “Phật chẳng độ chúng sanh” là do ý nghĩa này. Vì thế, kiến giải phải thanh tịnh. “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng dấy lên một niệm. Dấy lên một niệm đều là vọng niệm. Chẳng dấy niệm, kiến giải sẽ thanh tịnh. Ba điều trên đây (giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh) đều thuộc về Tự Phần. Tự Phần là chính mình, tự tu!
12 Tháng Bảy 2014(Xem: 8081)
A Di Đà Phật, danh hiệu này là vạn đức hồng danh, tại sao vậy? Danh hiệu này là danh hiệu của tự tánh, là danh hiệu của tánh đức. Đây là tiếng phạn, nếu như theo ý nghĩa của mặt chữ mà dịch thì A dịch thành Vô, Di Đà dịch thành Lượng, Phật dịch thành Giác hoặc dịch thành Trí. Dịch hoàn toàn qua ý nghĩa tiếng Trung Quốc là Vô Lượng Trí, Vô Lượng Giác.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 9946)
Niệm Phật là pháp môn tu khá phổ biến hiện nay. Pháp môn này được những người con Phật thực tập rất tinh chuyên từ thời Thế Tôn còn tại thế. Những cách tu niệm Phật như trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật… đã có từ thời Phật Thích Ca, do chính Ngài chỉ dạy.
05 Tháng Tư 2014(Xem: 17067)