Phụ Lục

08 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 14611)


VÔ NIỆM VIÊN THÔNG YẾU QUYẾT

Thích Minh Thiền
Phật Lịch 2536 - 1992

PHỤ LỤC

TẠI SAO PHẢI ĐƯA VẤN ĐỀ Y ĐẠO LÊN HÀNG ĐẦU 
CUỘC SỐNG NGÀY NAY 

Thế giới này đã đến hồi xuống dốc, vận thế vận tốc của địa cầu đã lệch lạc bất thường, hầu hết tâm lý loài người đều lâm vào tình trạng sợ hãi hoang mang, khoa học kỹ thuật vật chất tiến đến một trình độ năm châu họp chợ, và khoa học kỹ thuật tinh thần bị xem thường, làm cho cuộc sống mất hẳn thế thăng bằng, trời đất lẹch lạc đảo lộn, cái cực kỳ văn minh vật chất của loài người bề ngoài trông vẫn lộng lẫy xa hoa, nhưng kỳ thực chỉ là một thứ cực kỳ sa đọa mà vẫn mang nhãn hiệu văn minh, tựa như một kỹ nữ kinh thành.

Thế sụp đổ này thật là vô cùng tế nhị, sụp đổ ngay tận đáy lòng của mỗi con người, ra đến văn hóa giáo dục, triết học, y khoa, tôn giáo, đạo đức, chính trị, kinh tế, khoa học, chuyên môn, v.v… cho đến ngọn rau cọng cỏ, vị thuốc, chén cơm, manh quần, tấm áo, nước uống, thức ăn, rượu trà, cà phê, thuốc lá, tôm cá, cỏ cây, … không một mảy may nào mà không lâm vào tình trạng điên đảo lộn mèo, trái chướng hẳn với trật tự thiên nhiên. Nếu ai đã từng hiểu rõ thế nào là nghĩa y đạo thì vấn đề đặt ra cũng không thành nữa. Tại sao? Vì tất cả những văn minh cuộc bộ của toàn thể loài người để lại từ xưa đều bị thế cộng nghiệp của khoa học kỹ thuật vật chất năm châu họp chợ phá hủy một cách kỹ lưỡng vô cùng.

Vì thế mà thuốc chữa dù có hay đến đâu, nếu đã mang màu sắc cuộc bộ thì đã là một chướng ngại đầu tiên rồi. Phương chi tất cả những liều thuốc cuộc bộ đều xuất phát từ cái nhìn theo một bệnh chứng cuộc bộ, nên đối với một thứ bệnh ung thư tổng thể không sao có một hiệu lực vẹn toàn. Chỉ có cách nhìn của Y đạo suốt từ bao la vô tận vào đến từng biến cố tâm lý cá nhân, khắp xã hội loài người, suốt muôn trùng vạn hữu, thông qua mảy mún tế vi đến tận ăn uống sinh hoạt, bệnh tật thời tiết, thọ bẩm tâm tư, kỹ nghệ máy móc, không đâu không nhiếp khắp. Tất cả đều có một thế trật tự tương quan quân bình, biến hóa lưu thông tổng thể đồng nhất.
 
Có được một cách nhìn suốt khắp, một cách khám bệnh trọn vẹn như thế, mới có đủ tư cách sáng suôt áp dụng những liều thuốc không màu sắc, đúng chỗ đúng thì mới mong có thể chữa được một thứ bệnh ung thư tổng thể. Từ chữa trị cho guồng máy tâm thức, đến chỉnh đốn lại toàn bộ cuộc sống hằng ngày, dẫu một mảy may cũng không thể bỏ qua sơ sót.

Cho nên đường hướng của Y đạo trước hết đối với khắp cõi các hiện tượng trật tự thiên nhiên, toàn bộ nguyên lý luật tắc phải được nắm vững. Rồi từ đó tuần tự nhi tiến, tùy thuộc vào việc đáng làm trước đáng làm sau, để rồi dù từ đời này sang đời nọ đến đời kia, bất cứ dân tộc nào cũng đều có thể y cứ trên bản đồ căn bản, tùy tiện mà góp công góp sức, muôn người như một. Có như thế mới có một việc làm nhất trí muôn đời, thì mới mong cứu vãn tình thế chôn vùi sụp đổ toàn diện.
 
Ví như có một người có cả một kho tàng những bộ phận khắp trong guồng máy xay lúa, xếp đặt một cách ngổn ngang không trật tự, chủ nhà không biết dùng vào đâu, chỉ chực đem bán cho những nhà mua sắt vụn. Rồi một hôm bỗng có một kỹ sư chuyên gia cơ khí biết được đến mua mão đem về cho phân loại ra thành trật tự, rồi ráp lại thành guồng máy đồ sộ có quy củ đem ra áp dụng rồi từ đó con cháu cứ theo bản đồ đã hoạch định mà tiếp tục phát triển thêm làm cho ngành máy xay lúa ngày càng phồn thịnh.

Trách nhiệm của thánh hiền muôn thuở trong y đạo phải chăng cũng tương tợ như vậy?! Muốn có một nhân sinh quan cho thỏa đáng thì nhân sinh quan ấy phải thật ứng hợp với trật tự thiên nhiên. Thế là muốn có một nhân sinh quan cho thỏa đáng tất trước phải có một vũ trụ quan thật là chính xác. Muốn có một vũ trụ quan cho chính xác thì phải có một tầm mắt thật là quang minh sáng suốt, muốn có một tầm mắt quang minh sáng suốt thì phải có một guồng máy hiểu biết không bị kẹp vào lưới mê. Đây là điều kiện để cho phép vô niệm viên thông có cơ mở lối.
 
Vì sao thế? Vì tất cả các thánh hiền trong muôn thuở, trước khi muốn kiến thiết một pháp gì cho cuộc sống đều lấy tâm thể vô niệm là nền tảng. Vì thế nên dịch học mới có câu: “Lành dữ khổ vui đều bởi động, chẳng động là to nhất”.
 
Vừa mở kho tàng nội kinh ra là đã thấy ngay câu: “Điềm đạm rỗng rang, khí chơn nguyên được thuận, bên trong tinh thần vững thì bệnh do đâu mà đến?” Như thế không phải là tâm thể vô niệm đó sao?!
 
Đến như Khổng Tử nói TU TỂ TRỊ BÌNH, NÓI MINH MINH ĐỨC, NÓI TÂM DÂN. Mạnh Tử nói: “Cái đạo học vỗn chả có gì, chỉ là tìm lại cái phóng tâm mà thôi”.
 
Còn nhà Phật thì khỏi phải nói. Thế mới biết, nếu không từ một tâm thể vô niệm, chứng suốt bổn tánh, nhìn khắp bao la, thâm nhập tâm cơ để mở ra tất cả mọi ngành như văn hóa, giáo dục, triết học, y khoa, chính trị, kinh tế, âm nhạc, hội họa, thiên văn, địa lý, toán số, kỹ nghệ …. để kiến thiết lại cuộc đời thì việc đưa đường cho loài người đi tìm hạnh phúc rốt rồi chẳng qua kết qủa cũng một cách phũ phàng vô cùng khốc liệt, như cái học trong nguyên tử khoa học kỹ thuật vật chất mà thôi.

Thế mới biết trong thời kỳ nguyên kiếp giảm, nếu lìa y đạo, loài người săn đuổi ra ngoài theo vật chất, theo tướng để tìm hạnh phúc, thì quyết định chẳng qua cũng là một thứ leo cây tìm cá, và tâm thể vô niệm quyết định không phải của riêng ai, mà phải là ngưỡng của để nhân loại bước vào Y đạo. Và từ đây chúng tôi hy vọng rằng tất cả loài người nếu muốn xây dựng lại cuộc sống yên lành thì quyết định phải tìm về Y đạo, phải theo đường hướng học thuật “Tam Duy” (duy như, duy sinh, duy y). Và phải tận lực khai thác kho tàng nguyên lý luật tắc của Nội Kinh một cách tuần tự nhi tiến, thì ngày mai may ra mới có áng sáng. Mong rằng tất cả các giới lãnh đạo khoa học vật chất cũng như khoa học tinh thần hãy nên trầm tư phát tĩnh!.

SIÊU TRẦN TOÁT YẾU

1. BỔN TÁNH:
Bổn tánh vốn không hai,
Không phải không cũng không phải có,
Không phải một cũng không phải nhiều,
Không phải tâm cũng không phải vật,
Không phải tướng cũng không phải tánh,
Bình đẳng vốn như như 

2. VẠN PHÁP:
Vạn pháp vỗn như huyển
Như gió thổi, như mây bay,
Như tiếng vang, như điện chớp,
Tất cả đều tổ hợp
Tất cả đều vô thường,
Vốn sanh diệt bất tề,
Thân này cũng một pháp
Nên nó cũng như vậy.

3. TRƯỜNG ĐỜI:
Đời là trường thi lớn,
Thi thuận lại thi nghịch,
Cùng chướng ngại lẫn nhau,
Để cùng nhau giải thoát
Chướng ngại lớn giải thoát sâu,
Không chướng ngại không giải thoát,
Bổn lai không thuận nghịch,
Chỉ có tâm sáng mê,
Biết rõ được điều này,
Mới có cơ giải thoát.

4. THÂN GIÁC:
Tấm thân là vật chất,
Vốn tổ hợp vô thường,
Nguyên lai không hay biết,
Không thể có nhiễm tịnh,
Không thể có phân biệt,
Cũng không tham sân si,
Không đam mê dục lạc,
Vỗn tuyệt đối tĩnh chi,
Tùy duyên mà biến khác,
Duyên mê thành trói buộc,
Duyên ngộ thành giải thoát,
Có thân chưa phải lụy,
Lụy tại chỗ có biết,
Nếu đặt sâu thân giác,
Nhất thời thành giải thoát.

5. VỌNG TÂM:
Tâm vọng có bốn phần
Nhìn qua thấy hai nhóm,
Mặc dù trong yên lặng,
Vẫn bàn soạn lao xao,
Hoặc khi cười khi nói,
Không chịu sự kềm chế,
Đó là phần qúa khứ,
Hiện tại cũng theo duyên,
Mà không thể tự chủ,
Tâm vọng tựa nước biển,
Khi gặp cơn bão tố,
Sóng cuộn nổi ba đào, 
Gió yên sóng tự lặng,
Mặt biển vốn là nước,
Chơn vọng vốn không hai,
Biến hóa thành phân biệt.

6. CHƠN TÂM BỔN TÁNH:
Muốn phát hiện chơn tâm,
Cùng mặt thật bổn tánh,
Phải quét sạch vọng niệm,
Cho tâm thể bình thường,
Trả về với phẳng lặng,
Trong suốt tựa như gương,
Mới viên thành giải thoát.

7. THOÁT TRẦN THẲNG TẮT:
Muốn lên bờ đại giác,
Phải rõ suốt trước sau,
Phải thấm nhuần thân giác,
Chỉ vì thiếu thân giác,
Tâm vọng bám lấy thân,
Mà trở thành trói buộc,
Muốn cởi mở dính mắc,
Cho thân khỏi vọng tâm,
Đê thoát vòng trói buộc,
Gấp nổi dậy nghi tình,
Dựa vào điều thân giác,
Lập tức bị rẽ phân,
Tâm vọng liền hóa thoát,
Trọn vẹn cả trước sau,
Là nơi vào chánh giác.
 
Tác giả THÍCH MINH THIỀN
Viết xong ngày mùng 8 tháng 3 
Năm Nhâm Tuất (01-04-1982)
 
 
Người gửi bài / Vi tính: Lộc Nguyễn
 
12-01-2008 04:23:46
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn