Chương Ba Bước Chân Thứ Ba Lên Đường Thực Hiện Việc Trở Về Sự Im Lặng: Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Lên Đường Viễn Ly

17 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 16178)
CHƯƠNG BA

BƯỚC CHÂN THỨ BA LÊN ĐƯỜNG THỰC HIỆN VIỆC TRỞ VỀ SỰ IM LẶNG:
SỰ CHUYỂN ĐỘNG TOÀN DIỆN CỦA TÂM THỨC
LÊN ĐƯỜNG VIỄN LY

I. Thành phố Los AnGeles Và Những Thị Tứ Ngày Xưa Của Ấn Độ.
II. Hình Ảnh Về “Dáng Dấp Một Kẻ Lên Đường” Của Thi Hào Đức Rainer Maria Rilke Và Hình Bóng “Kẻ Lữ Hành Thiên Thu” Của Thi Hào Nhật Basho

“Tàn canh đêm, đức Phật thức dậy ngồi im lặng và dương mắt lên nhìn chăm chăm vào cả vũ trụ thế gian”
(Buddhaghosa, Sumangala Vilàsinì. 1-45)

I. THÀNH PHỐ LOS ANGELES VÀ NHỮNG THỊ TỨ NGÀY XƯA CỦA ẤN ĐỘ.
Năm tàn tháng tận những ngày cuối cùng trong năm, trời lạnh se sẽ và ánh nắng vùng thị tứ Los Angeles ràng rạng vàng tươi trong suốt như cách đây trên hai ngàn năm trăm năm khi Người Đến Như Thế (Như Lai - Tathàgata) đang ngồi một mình lặng lẽ trong phòng trong vùng thị tứ Vaisàlì hay trong những thành phố khác như Sràvasti hoặc Ràgagriha ở tận bên kia đất trời Ấn Độ; thị tứ Los Angeles hiển nhiên không thể nào làm cho mình mường tượng được chút gì về thị tứ Vaisàlì tuyệt đẹp ngày xưa của Ấn Độ, một thị tứ mà trước kia ra đi, đứng trên đỉnh đồi ngó lại, Đức Phật đã nói lời giã biệt đầy xúc động thầm kín: “Ôi Vaisàlì, đây là lần cuối cùng ta nhìn mi”, đứng trên đỉnh đồi ngó lại, Vaisàlì lần cuối trước khi đi về Kusinagara để nhập Niết Bàn, đứng ngó nhìn ánh nắng vàng ửng sáng trên vùng thị tứ Vaisàlì, Đức Phật nói với Ànanda: “Đất trời Ấn Độ thật là lung linh màu sắc và sum suê rậm rạp trù phú, đời sống dân cư ở đây thực là dịu dàng dễ thương” (citram jambudvìpam, manoramam jivitam manusyà-nàm).

Thị tứ Los Angeles không phải là Vaisàlì hay Sràvasti, nhưng ánh sáng chiếu lên thành phố vùng Califomia ngày hôm nay cũng là ánh nắng vàng chiếu lên thành phố Vaisàlì cách đây trên hai ngàn năm trăm năm, cũng một thứ ánh sáng vàng rực không giống như xưa mà cũng không khác như xưa, lúc Người Đến Như Thế và Người Đi Như Thế (Tathàgata).

Buổi sáng hôm nay không khác buổi sáng khi xưa, mặt trời hôm nay cũng như mặt trời khi xưa, mặc dù mặt trời vẫn mới lạ mỗi ngày (Heraclitus), nhưng mỗi lần mặt trời vừa mọc lên thì “ánh sáng chiếu rực sáng lên toàn thể thế gian, giống như một vị Bồ Tát khi thành Phật thì đều dẫn vô số chúng sinh đến Niết Bàn” (Đại Bộ Bát Nhã Pancavimsati sàhasrikà).

Nếu chúng ta xoay chuyển cái nhìn của chúng ta vào tráì tim của vũ trụ theo nhịp thở của Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) thì tất cả mọi sự đều dung thông, dung nhiếp, viên dung tự tại vô ngại; thời gian là không gian, một thời gian là tất cả không gian, một không gian là tất cả không gian, tất cả thời gian là một không gian, tất cả không gian là một thời gian, Los Angeles là Vaisàlì, một buổi sáng cách đây trên hai ngàn năm trăm năm vẫn là buổi sáng hôm nay, và hiện nay Đức Phật vẫn còn đứng trên đỉnh đồi giả từ thị tứ một lần cuối: “Ôi Vaisàli, thôi ta nhìn mi lần cuối..."
 

II. HÌNH ẢNH VỀ “DÁNG DẤP MỘT KẺ LÊN ĐƯỜNG” của THI HÀO ĐỨC RAINER MARIA RILKE và HÌNH BÓNG “KẺ LỮ HÀNH THIÊN THU” của THI HÀO NHẬT BASHO

Hình ảnh Đức Phật đứng trên đồi cao quay nhìn lại Vaisàlì một lần cuối cũng giống như hình ảnh của đời người. Mỗi cái nhìn là thiên thu vĩnh biệt, mỗi bước chân là trùng khơi vạn lý, mỗi một giây phút trôi qua là tất cả thời gian không gian biến mất. Hình ảnh của người đi và lân la đứng trên đồi nhìn lại cũng là hình ảnh bất hủ của thi sĩ Đức Rilke: “dù mình có làm gì đi nữa trên cõi đời này thì mình vẫn có dáng dấp của một kẻ lên đường ?” (... “dass wir, was wir auch tun, in jener Haltung sind / von einem, welcher forgeht ?”). Mặc dù tất cả ngày tháng đều kéo nhau đi mất, nhưng như thi sĩ Nhật Basho thì “những ngày và những tháng đều là những kẻ lữ hành của Thiên Thu, và những năm tháng trôi qua thì cũng thế”. Tất cả đều đi mất, nhưng không hẳn là mất biệt luôn, vì sự lên đường bỏ đi ở đây là đi về Thiên Thu vạn đại, vì thế sự trôi chảy liên tục và sự giã biệt liên tiếp kia chỉ là sự trở về “Nhất Pháp Giới Đại Tổng Tướng Pháp Môn Thể” (Đại Thừa Khởi Tín Luận). Tiếng kêu của bầy ngựa vào thời Bồ Tát Mã Minh cách đây hai ngàn năm cũng là tiếng kêu của bầy ngựa ngày hôm nay trên những cánh đồng hoang khắp thế giới.

Mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn rồi mặt trời vẫn còn đó; dù mai kia toàn cả thái dương hệ có tiêu diệt đi nữa thì rồi tỷ triệu thái dương hệ lại ra đời, rồi cứ thế tiếp tục những vòng tròn tròn ốc, và những núi đồi lại mọc lên, rồi những thành phố ra đời, và Đức Phật vẫn đứng trên đỉnh đồi quay nhìn lại: “ôi Vaisàlì, ta nhìn mi đây lần cuối...”

Trước khi lên đường ra đi lìa bỏ thế gian này Đức Phật chỉ nói đôi lời nhẹ nhàng như trên, nhưng đôi lời ấy đã làm chúng ta mơ mộng triền miên và tương tư không dứt; đôi lời ấy nói lên những gì thơ mộng cao đẹp nhất trần gian này và chiếu một luồng ánh sáng lộng lẫy rực ngời xuống cả mặt đất. Cái nhìn cuối cùng của Đức Phật, cái nhìn bao dung đầy thương yêu, đã biến đổi thành phố tục lụy Vaisàlì thành ra một cái gì khác hẳn vượt ra ngoài một địa danh tầm thường trên mặt đất; Vaisàlì đã chuyển hóa và trở thành bất cứ nơi nào ta sống trên thế giới này, tất cả những thị tứ thành phố trên mặt đất này đều là một Vaisàlì tâm linh mà Đức Phật đã đi qua ba lần trong Hóa Thân, và ngày hôm nay Báo Thân vẫn đứng trên, đứng trên đỉnh đồi giã biệt trước khi trở về Pháp Thân bất sinh bất diệt.

Khi mỗi một thành phố là một Vaisàlì tâm linh thì bất cứ thành phố nào chúng ta đang sống cũng chính là nơi để chúng ta tự chứng thành Phật, và bất cứ ngáy nào cũng là ngày cuối cùng để chúng ta giã biệt Vaisàlì. Chúng ta chỉ thành Phật được khi chúng ta là con người ở giữa thị tứ, không có cảnh Bồng lai thiên thai địa đàng nào là thuận cảnh để ta giải thoát được; chính tất cả Nghịch Cảnh của nơi ta đang sinh sống mới là nơi ta tự chuyển hóa tâm thức để nhập vào “Tự Chứng Thánh Trí” (Cảnh Giới Thánh Trí Tự Chứng, Kinh Lăng Già: “Svapratyàtmà ryainànatigocara”).

Nắng chiều bắt đầu lay động những hàng cây thốt nốt cao vút của thành phố, chiều nay Los Angeles không còn là một thành phố tạp nhạp của Mỹ quốc; Los Angeles đang chuyển hóa thành một cảnh giới khác, nơi cuối cùng của một kẻ lên đường trở về mây trắng.

Los Angeles, ngày 1-2-85 những ngày cuối năm Giáp Tý
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 13275)
Theo giáo lý Tịnh Độ Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng luôn soi chiếu thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Đại thừa triển khai chân lý Phật dạy với quan niệm Thế giới quan và Phật đà quan hoàn toàn không bị đóng khung trong quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Niềm tin trọn vẹn về một bậc thầy giác ngộ viên mãn, đầy đủ oai lực từ bi và trí tuệ. Năng lực của Phật có từ trường rất mạnh đối với tâm thức người quán niệm. Người tu Tịnh Độ, cũng có niềm tin rằng bên ngoài có Phật A Di Đà, bên trong tâm mình có tánh Phật A Di Đà. Khi chưa giác ngộ thì còn bị phiền não che lấp tánh Di Đà, nay niệm Phật là phương tiện tuyệt vời để khôi phục tâm tánh ấy.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 16950)
Tịnh Độ hay Quốc Độ của Chư Phật là từ dùng để chỉ Thế Giới đẹp đẽ, thanh tịnh, tôn nghiêm, là nơi các Đức Phật cùng hàng Thánh Giả và các Tín Chúng cư ngụ. Từ này khá xa lạ đối với nhiều tín đồ theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền Theravāda. Theo quan niệm thông thường của truyền thống Theravāda thì ngoài những Đức Phật quá khứ đã nhập diệt và những Đức Phật tương lai chưa ra đời, thì trong thời điểm hiện tại không tồn tại một Đức Phật nào khác.
30 Tháng Mười 2015(Xem: 14772)
"A-di-đà kinh khắc trên đá ở Tương dương là do Trần Nhân Lăng đời Tùy viết, nét chữ thanh đẹp nên nhiều người hâm mộ. Đoạn từ câu 'nhất tâm bất loạn' trở xuống có thêm: Chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh, cố chư tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn phước đức nhân duyên. Truyền bản ngày nay đã thoát mất hai mốt chữ này"
19 Tháng Mười 2015(Xem: 19252)
Trong thời gian qua, trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen đã xảy ra nhiều tranh luận khá gay gắt về vấn đề đức Phật A-di-đà, nay thầy Phước Nguyên gửi cho ban biên tập cuốn tiểu luận nghiên cứu từ Tạng Kinh Sanskrit và Tây Tạng để phổ biến đến quý độc giả quan tâm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 10815)
Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà (Amitābhasutra và Sukhavativyūhasutra) từ Hán tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh độ hay Cực lạc (Phạn ngữ Sukhavatì) được mô tả là cảnh giới tuyệt vời với tất cả những sự thù thắng, trang nghiêm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 29323)
Hiện tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
23 Tháng Chín 2015(Xem: 11905)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 9358)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
27 Tháng Sáu 2015(Xem: 8603)
Bốn mươi sáu đại nguyện của Đức Phật A-di-đà là một bản đồ tu tập lý tưởng cho những ai đã phát Bồ-đề Tâm song song với bản nguyện muốn kiến lập tịnh độ ngay trong thế giới Ta-bà; đó cũng chính là tông dụng của Kinh Duy Ma Cật: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 10854)
Khi thảo luận về nhu cầu tinh thần của người sắp chết dưới cái nhìn Phật giáo, trước hết chúng ta cần phải xem xét một số điểm quan trọng, thí dụ như: