Cần Nhìn Thấu Đáo Hơn Về Ban Hộ Niệm

03 Tháng Mười 201100:00(Xem: 12601)

CẤN NHÌN THẤU ĐÁO HƠN VỀ BAN HỘ NIỆM
Hồng Vân

blankNếu cho rằng, việc hình thành các đạo tràng hộ niệm là loại tăng ra khỏi Tam bảo là không đúng. Chúng ta có quá khắt khe khi nhìn những công việc của các Ban hộ niệm đang làm hiện nay không ?

Trong thời gian gần đây, có khá nhiều thông tin bài viết nêu vấn đề loại tăng ra khỏi Tam bảo qua việc hình thành các tổ chức đạo tràng, Ban hộ niệm và các nghi lễ Phật giáo như cầu siêu, cúng thất…

Thực tế, chúng ta cần phải hiểu sâu hơn tránh cái nhìn phiến diện dễ gây ra sự hiểu lầm cho một việc làm công đức mà các đệ tử Phật, các đạo tràng và Ban Hộ niệm đang tiến hành hiện nay.

Vì không thể nói nhiều các vấn đề, trong bài viết này tôi chỉ xin đi sâu vào việc hình thành đạo tràng lập Ban hộ niệm để giúp người có tâm nguyện được vãng sinh về Tây Phương Cực lạc.

Do các công lao hoằng pháp của các vị tăng trên khắp mọi miền đất nước mà pháp môn Tịnh Độ đã phát triển rất mạnh. Vì lẽ đó mà hình thành rất nhiều các đạo tràng và Ban hộ niệm ở Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta nên cần ghi nhận về sự phát triển đó.

Phút lâm chung rất quan trọng đối với người cầu sinh cõi Tây Phương Cực Lạc.

Như mọi người đều biết, nguyệp lực hay mục đích cuối cùng của các đệ tử theo pháp môn Tịnh độ là sau khi rời bỏ báo thân sẽ được vãng sinh về Tây Phương cực lạc. Đây là một pháp môn được coi là thù thắng bất khả tư nhất trong thời kỳ mạt pháp.

Do nương nhờ vào tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà , các chư vị Bồ tát và Thánh chúng nên pháp môn này không chỉ dành cho các tăng sĩ mà cả các cư tu sĩ tại gia cũng có thể tu hành giải thoát trong một kiếp người.

Vì có thể mang theo đới nghiệp đi vãng sinh nên giây phút lâm chung của người sắp mất là rất quan trọng. Để bạn đọc hiểu sâu về công việc của các Ban hộ niệm, tôi xin được đưa ra một số lời thuyết giảng khai thị của Ấn Quang đại sư - Vị tổ thứ 13 của Tịnh độ tông và cũng là vị tăng được cho là sự hiện thân của Bồ tát Đại Thế Chí.

Khi nói về tầm quan trọng của giờ phút lâm chung, Ân Quang Đại Sư đã nói: “Giờ lâm chung đa phần thần thức của họ thường bị dìm trong ác mộng, bị rơi vào những cạm bẫy dữ ác, rơi vào những cảnh hung hiểm. Bị lôi vào đó rồi thì rất khó thoát thân, thần thức sẽ theo nghiệp đi thọ báo…Người lâm chung, thần thức của họ không tập trung. Mỗi người mỗi khác, trong tiềm thức của họ khơi lại những hành vi thiện ác mà khi sống họ đã huân tập từ lâu nay. Hình bóng tạng thức sẽ dẫn thần thức của họ đi ra ngoài. Lúc này họ bị bất lực, vì thần thức hoàn toàn do nghiệp lực làm chủ, năng lực và sức hút của nghiệp cũ rất nặng. Nếu nghiệp xấu ác của người đó nhiều, thì chủng tử xấu ác khởi lên mạnh mẽ, lập tức họ bị chiêu cảm đi vào trong ba đường xấu ác. Nếu nghiệp thiện nhiều, thì chủng tử thiện khởi lên, họ được chiêu cảm sanh về các cõi thiện, là cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la”

Được vãng sinh hay không là ở “một niệm sau cùng” của thời khắc lâm chung.

- Một niệm sau cùng là ác, liền lúc đó trong tâm xuất hiện cảnh giới của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thần thức sẽ theo nghiệp mà đi đầu thai vào những cảnh giới ác trong tam ác đạo.

- Một niệm sau cùng là thiện, lúc đó trong tâm liền xuất hiện thiện cảnh của trời, người và thần thức sẽ theo những thiện cảnh này mà đầu thai vào tam thiện đạo.

- Một niệm sau cùng, nếu là nhất tâm niệm “A Di Đà Phật”, cầu vãng sinh Tây Phương. Trong tâm sẽ xuất hiện cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và A Di Đà Phật cùng chư Thánh Chúng đến tiếp dẫn, thần thức liền đi theo Phật về Thánh đạo của thế giới Cực Lạc.
.
Vì vậy, để những người có tâm nguyện được vãng sinh về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà vào giờ phút lâm chung rất cần phải có người hộ niệm. Ấn Quang Đại Sư nói: “Nếu bình thường, hằng ngày họ siêng năng tu niệm Phật, tức là gieo chủng tử Phật vào trong tâm của họ. Chủng tử Phật ngày càng phát triển lớn mạnh, khi lâm chung, chủng tử Phật xuất hiện trước, lúc ấy mới cảm ứng đạo giao với Phật và được Phật tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu sự huân tập chủng tử Phật vào trong tâm họ chưa đủ mạnh, chưa đủ năng lực để vãng sinh, thì cần phải có người khác trợ lực, bằng cách niệm Phật trợ niệm, thì chủng tử Phật mới xuất hiện, mới dễ dàng vãng sinh được.”

Ban hộ niệm là để hộ niệm, trợ niệm giúp người cầu vãng sanh

Hộ niệm, trợ niệm nghĩa là trợ giúp cho tâm người đó khởi lên chủng tử Phật. “Là một Phật tử, bất luận là người đó tu hành theo pháp môn gì, hành trì như thế nào (ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, trì chú vv...), điều quan trọng nhất là làm sao để khi lâm chung trong tâm họ xuất hiện bốn chữ “A Di Đà Phật” và có ý nguyện muốn được vãng sinh”. Việc trợ niệm, hộ niệm cho người trước khi ra đi đối với pháp môn Tịnh Độ là vô cùng quan trọng, có khi còn quyết định là người đó có được vãng sinh hay không.

Trong thời gian qua, nhờ sự trợ giúp của Ban hộ niệm đã có rất nhiều người được vãng sinh. Những minh chứng đó đã được đăng tải trên mạng qua các ấn phẩm băng đĩa làm cho nhiều cư sĩ tại gia thấy hoan hỉ và hy vọng mình có thể về được với Phật A Di Đà mà không nhất thiết phải xuống tóc vào chùa.

Trước khi nói về công đức của người hộ niệm, xin được nói thêm Hộ niệm hay trợ niệm không phải là cúng cầu siêu, cúng thất tuần, lập trai đàn cầu siêu các vong linh. Như phần đã nói ở trên, Ban hộ niệm chỉ là những người giúp đỡ người sắp chết trong giờ phát lâm chung không đủ sức đẩy chủng tử A Di Đà Phật lên để cảm ứng đạo giao với Chư Phật do những nghiệp xấu và các oan gia trái chủ tìm đến đòi nợ. Còn cúng cầu siêu là là cúng cầu cho những vong linh (người đã chết rồi) sớm được siêu thoát. Hai việc này hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Chúng ta không nên hiểu nhầm là Ban hộ niệm đến nhà để cầu siêu cho các vong linh của người mới mất. Trong các cuộc hộ niệm nếu người nào mới phát tâm nguyện về thế giới Tịnh độ muốn quy y Tam bảo thì Ban hộ niệm cũng phải mời các vị tăng đến quy y chứ các thành viên trong Ban hộ niệm không làm những công việc này.

Vì sao Ban hộ niệm lại trợ niệm cho cả những người chưa niệm Phật, hay chưa quy y Tam Bảo khi còn sống. Đó là dựa trên lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư “Người chưa biết tu hành, nhưng trước giờ phút lâm chung nếu biết ăn năn sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sinh, vẫn được vãng sinh. Hãy tùy cơ khai thị, giúp cho họ vững tâm niệm Phật, và tha thiết cầu vãng sinh để được hưởng cảnh an vui cực lạc, chứ không phải chết”.

Trên thực tế có không ít người chưa từng niệm Phật cũng đã được vãng sinh. Vì sao như vậy cần phải có một bài viết sâu hơn về vấn đề này.

Công việc chính của Ban Hộ niệm và những người hộ niệm là hỗ trợ niệm Phật cho người sắp ra đi “Mọi người thay nhau luân phiên niệm Phật, giúp cho người lâm chung giữ được chính niệm. Vì lúc này tâm và sức lực của người bệnh rất yếu, họ khó có thể niệm liên tục và lâu dài được, hoàn toàn nương nhờ vào sự trợ niệm của người khác mới có thể thành tựu được.

Vì vậy, Ban trợ niệm phải niệm liên tục 24/24 gần như không ngừng nghỉ. Với một thời gian dài và liên tục như vậy các tăng sĩ ở chùa khó có thể đảm đương nổi. Chỉ có các cư sĩ tại gia mới có thể đảm tránh thay phiên nhau đến niệm. Mỗi lần niệm cũng chỉ kéo dài từ 2 – 3 tiếng đồng hồ là mệt rồi. Về nguyên tắc theo giới luật Tịnh Độ tông, Ban Hộ niệm chỉ là người trợ giúp hộ niệm nên không được dùng bất kỳ thứ gì của chủ nhà dù là một chai nước uống.

Để có thể hoàn thành công việc hộ niệm, rất nhiều cư sĩ tại gia bỏ cả công việc làm đến giúp sức trợ niệm. Vì sao vậy ? Vì họ hiểu công đức của người hộ niệm rất lớn. Theo Đại Sư Ấn Quang thì “Trợ giúp thành tựu cho một chúng sinh được vãng sinh, tức là thành tựu cho một chúng sinh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”.

Hộ niệm là trợ giúp cho một người được vãng sinh. Người hộ niệm biết rất rõ phương pháp cũng như đạo lý mình chịu giúp người đạt được Tịnh niệm vãng sinh thì mình cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm. “Thành tựu một người được vãng sinh Tịnh Độ chính là thành tựu một chúng sinh làm Phật. Công đức thế ấy há nghĩ lường nổi ư!... Nên biết, mình giúp cho một người khác được chính niệm vãng sinh, tức là mình được quả báo lành ở tương lai, là người khác sẽ trợ niệm lại cho mình được chính niệm vãng sinh về cõi Phật

Nhiều người tưởng rằng, ai cũng có thể đi hộ niệm, ai cũng có thể làm trưởng ban hộ niệm. Thực tế “Người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn vãng sinh, không được hộ niệm”. Đó là nguyên tắc trong việc đưa người vào ban Hộ niệm mà Ân Quang Đại Sự đã nói. Nhất là đối với người được giao trọng trách làm trưởng Ban hộ niệm.

Khi đi vào thực tế chúng ta sẽ thấy trưởng Ban hộ niệm quan trọng đến như thế nào. Nếu họ không có đầu óc tổ chức điều hành, căn lành lớn và tâm trong sáng thì không thể hiểu được những vướng mắc của người ra đi cần phải buông bỏ, càng không thể điều đình với các oan gia trái chủ đến đòi nợ. Xin được tán thán công đức các Ban hộ niệm, Trưởng Ban hộ niệm đã hết lòng hết sức đưa các chúng sinh về thế giới Tây Phương Cực lạc.

Vì sao trong khi khi hộ niệm chỉ cần 4 chữ A Di Đà Phật là đủ. Ngài Ấn Quang Đại Sư nói: “Bắt đầu thì niệm vài câu sáu chữ; rồi sau đó chỉ niệm bốn chữ A Di Đà Phật. Do ít chữ dễ niệm nên bịnh nhân sẽ để tâm niệm theo hoặc nhiếp tâm lắng nghe, đều tốn ít tâm lực. Quyến thuộc trong nhà niệm như vậy mà thỉnh thiện hữu ở ngoài đến cũng niệm như vậy. Nhiều người hay ít người đều phải niệm như thế, chẳng nên niệm một chốc, lại nghỉ một chốc rồi mới lại niệm tiếp khiến bệnh nhân niệm Phật gián đoạn. Như lúc bệnh nhân sắp tắt hơi thì cả ba ban cùng niệm cho đến tận sau khi đã tắt hơi hẳn rồi mới lại chia ba ban niệm suốt ba tiếng đồng hồ nữa (niệm càng nhiều càng tốt). Sau đấy, mới lo liệu, sắp đặt mọi việc”.

Tôi đã đi hộ niệm một số lần. Khá vất vả, đêm khua sớm tối nhưng công việc của người hộ niệm thật sự không cần đến các tăng sĩ ở chùa. Chỉ trừ khi quy y Tam bảo cho người sắp mất. Mỗi khi các nhà sư đến, Ban hộ niệm rất cung kính giống như khi lên chùa vậy. Mọi người trong Ban hộ niệm chỉ nghĩ làm sao cho người mình hộ niệm được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Giây phút hồi hộp nhất là khi trưởng Ban hộ niệm xin phép được rờ vào người của vong linh.

Nếu sau khi hộ niệm, thân họ mềm mại, sắc mặt trang nghiêm, còn ấm nơi đỉnh đầu là họ vãng sinh được, chúng tôi vui mừng đến muốn khóc, cảm thấy mình tinh tấn hẳn lên. Nều sau khi niệm không có được kết quả đó thì nỗi buồn khó che dấu trên khuôn mặt của mọi người.

Qua những điều phân tích ở trên ta thấy, nếu cho rằng, việc hình thành các đạo tràng hộ niệm là loại tăng ra khỏi Tam bảo là không đúng. Chúng ta có quá khắt khe khi nhìn những công việc của các Ban hộ niệm đang làm hiện nay không ? 

Việc các đạo tràng Ban hộ niệm được thành lập trên thực tế chỉ là hình thành thêm những rễ cây phát triển lan toả trên mặt đất tiếp sức cho cây cổ thụ Phật giáo ngày càng ăn sâu, bám rễ trong lòng quần chúng nhân dân.

Tất nhiên khi một cái mới ra đời không tránh khỏi những tiêu cực sai xót. Nhưng chúng ta cần phải nhìn vào bản chất của vấn đề. Kính mong bạn đọc và các vị chư Tăng có cái nhìn thông cảm và thấu rõ hơn.

Nam Mô A Di Đà Phật !

(Phật Tử Việt Nam)

Ý KIẾN:

nguyen van trung vào lúc 03/10/2011 20:38

Theo tôi nghĩ,vụ này mấy hôm trước Thầy Thích Giác Tâm chỉ nói tới một vụ việc cá biệt , co cụm trong một hoàn cảnh nhất định , chứ không có ý nói tất cả hay lên án việc làm của các Ban Hộ Niệm vốn là hạnh nguyện độ tha của phần đông cư sĩ tậi gia chúng ta .Hơn nữa, dành chút thì giờ nhàn rỗi mỗi tối, góp phần đi Hộ Niệm tronmg thôn xóm cũng là thắt chặt tình đạo hữu và làm nên gương soi cho kẻ khác chưa biết tới chùa, tới Phật nương theo tu học.Đây là một hình ảnh đẹp và nhiều ý nghĩa.

haiha vào lúc 03/10/2011 20:51

cảm ơn tác giả đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế của việc hộ niệm. Những yếu tố khách quan và chủ quan để đưa đến việc hoằng truyền giáo pháp và tu tập như ban hộ niệm, thì tôi vô cùng ủng hộ, nhưng có xấu hay tốt chỉ là một cá nhân mà thôi.

Lê Quang Tú vào lúc 03/10/2011 21:20

Nếu ai tu pháp môn Thiền sẽ hiểu về thiền, ai tu pháp môn Tịnh Độ sẽ hiểu cách thức niệm Phật A-Di-Đà để về Tây Phương Cực Lạc, hoàn toàn đúng như bạn Hồng Vân đã nêu ở bài trên. Không ai có thể tu một lúc cả 84.000 pháp môn. Vì vậy, là những người con Phật, dù là đi đường nào, đi trên chiếc "bè" nào chăng nữa trong số 84.000 chiếc "bè", 84.000 pháp môn tu tập cũng đều tốt cả bởi vì chúng ta đều không ngoài đích chung hướng đến "bờ" Giác ngộ và Giải Thoát. Tôi xin được trích dẫn đoạn thơ nói về một số cách thức tu Phật để các bạn tham khảo:
"...Tu thuần túy đan tâm chân thật
Tu dũng mãnh cải tiến hành vi
Tu giới luật thanh tịnh nghiêm trì
Tu hiếu thảo khiêm cung trung trực
Tu hết lòng thủy chung như nhất
Tu oai nghi tế hạnh đoan trang
Tu công phu nhật tụng vẹn toàn
Tu chuyển Bát thức ra Tứ trí
Tu đại đồng vị tha bố thí
Tu liêm khiết giúp ích nhân sanh
Tu chí thành y giáo phụng hành
Tu đức độ quang minh chính đại
Tu Giải thoát siêu nhiên tự tại
Tu cả phước lẫn huệ cao sang
Tu tự giác kiêm nhiệm giác tha
Nguồn Chân như vuông tròn giác hạnh
Nhất nguyện tu minh tâm kiến tánh
Tọa kim liên thường trụ trọn lành
Phổ độ pháp giới chúng sinh
Tĩnh tâm tu Phật viên thành Như Lai".
HT Thích Thiền Quang.
Nam Mô A Di Đà Phật

minh ngọc vào lúc 03/10/2011 21:29

Tôi vẫn biết rằng BHN làm việc rất chu đáo, nhiệt tâm, không ngại khó, ngại khổ. Các BHN trợ giúp rất đắc lực cho các Tăng Ni trong việc độ tử. Tôi không phủ bác. Nếu chỉ như vậy thì không có gì phải nói, rất đáng hoan nghênh.
Nhưng BHN lại ra điều kiện tiên quyết là không được liên hệ với Tăng Ni, chùa chiền. Nếu vi phạm thì người mất...sẽ không được vãng sinh? Mấu chốt là ở chỗ này? Không loại Tăng bảo thì gọi là gì? Từ thực tế đó, những dự đoán cảnh báo của mọi người không phải là thừa.
Tôi không có ý phê phán, đả kích ai, nhưng chúng ta là người Việt, cứ theo cách hộ niệm truyền thống của ông bà mình từ xưa đến giờ, niệm LỤC TỰ DI ĐÀ:
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Thêm hai từ "NAM MÔ" cũng không vất vả, khó nhọc gì mà còn thể hiện sự tôn kính với vị Phật mà pháp môn mình theo tu học. Quay về nương tựa đức Phật A DI ĐÀ, tu học theo Ngài, có ý nghĩa hơn là chỉ kêu tên Ngài trống không... chỉ để cầu vãng sinh cho riêng mình. Điều này dường như xa lạ với giáo lý nhà Phật!!!

Lê Mai- HN vào lúc 03/10/2011 22:19

Gần đây trên Phattuvietnam. net bắt đầu từ bài viết của Thầy Giác Tâm về Ban hộ niệm đã có nhiều ý kiến và bài viết, chủ yếu là không đồng tình với Ban hộ niệm. Thậm chí còn có ý kiến coi Ban hộ niệm như là một bước manh nha nhằm tạo ra một Tôn giáo mới

Bài viết này của bạn Hồng Vân cho ta một cái nhìn khác hơn. Bài viết rất súc tích và lý giải rõ ràng về một vấn đề gần đây làm xôn xao dư luận trên Phattuvietnam.net

Trong thực tế tôi đã trực tiếp nhìn thấy tận mắt nhiều gia đình ở cùng khu nhà có người chết được Ban hộ niệm đến trợ giúp rất tận tình, chu đáo đúng như bạn Hồng Vân đã mô tả trong bài viết. Họ làm việc đó như làm cho chính gia đình mình chứ không phải là đi giúp người khác.

Nhìn nét mặt hạnh phúc của gia đình tang chủ và của Ban hộ niệm khi công việc có kết quả tốt tôi cũng thấy rất cảm động. Vậy tại sao chúng ta lại phê phán họ khi Ban hộ niệm mang lại sự an lành cho cả người sống và người chết?

thanhtung vào lúc 03/10/2011 22:23

Rất tán thán bài viết của Hồng Vân. Thật đúng như lâu nay tôi đi hộ niệm cho chính người thân và đạo hữu. Chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận cho thấu đáo về BHN.

Minh Ngọc nói không sai: Lục tự Di Đà lâu nay bao ngàn năm chư vị tổ sư chúng ta đều niệm như thế xong chưa hoàn toàn đúng. Minh Ngọc nên nhớ lục tự chỉ phù hợp khi chúng ta còn khỏe còn minh mẫn chứ bệnh nhân đang hấp hối thân tứ đại rã rời đau nhức, tâm loạn động, oan gia trái chủ ma quái đến đòi nợ một chữ phật còn không thể niệm nổi huống gì sáu chữ. Cho nên 4 chữ A di đà Phật cốt là để nhắc cho bênh nhận nhớ đến phật chứ không phải BHN không cung kính.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tám 2014(Xem: 3556)
Ngày nay, khi mà xã hội khoa học kỷ thuật ngày càng phát triển không ngừng. Thì nền NHÂN VĂN ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI hình như ngày càng đi xuống. Khi mà tiền tài, danh vọng như một con Ma, một án mây đen đang len lỏi vào tâm thức con người để rồi phủ mờ đi ánh trăng lý trí.
10 Tháng Mười 2011(Xem: 12135)