BIẾT MÌNH ĐANG BIẾT
(TINH TÚY CỦA THIỀN)
Tác giả: Rupert Spira
Nguyên tác: Being Aware of Being Aware
Chuyển ngữ: Minh Tuệ Đỗ Minh
BIẾT MÌNH ĐANG BIẾT
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH
VỀ TÁC GIẢ
Chương I: CÁI BIẾT
Chương II: BẢN CHẤT CỦA CÁI BIẾT
Chương III: CÁI BIẾT BỊ BỎ QUÊN
Chương IV: CÁI BIẾT CỞI TRÓI
Chương V: CON ĐƯỜNG VÔ NỖ LỰC
Chương VI: CON ĐƯỜNG HƯỚNG VỀ BẢN THỂ
Chương VII: CÁI BIẾT VÔ HẠN và TÂM TRÍ HỮU HẠN
Chương VIII: CÁI BIẾT NHƯ ĐẠI DƯƠNG
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH
Chúng tôi có duyên nghe những pháp thoại và đọc những bài viết về thiền của Rupert Spira trên mạng internet từ năm 2018. Gần đây đọc thêm một số sách gọi là “Tinh Túy của Thiền” (The Essence of Meditation Series) của tác giả này, trong đó “Being Aware of Being Aware” là cuốn mỏng nhất. Do rung động được với những thông điệp quý giá mà sách muốn lan tỏa nên chúng tôi cố gắng chuyển ngữ để giới thiệu tài liệu này với những người hữu duyên.
Tựa sách nếu dịch sát nhất sẽ là “Nhận Biết (sự) Nhận Biết”, hay “Cái Biết Nhận Biết Chính Nó”, nhưng chúng tôi chọn “Biết Mình Đang Biết”, hy vọng sẽ vẫn giữ nguyên được ý của tác giả, đồng thời độc giả cũng sẽ cảm nhận được dễ dàng hơn trên phương diện thực hành.
Ông gọi là “Biết Mình Đang Biết” là Con Đường Trực Tiếp (Direct Path) bởi vì đây là “con đường mà qua đó tâm trí đi thẳng về nguồn bằng cách nhận ra sự an lạc, trong suốt và chói sáng của nó, vốn là tinh túy và cũng là đỉnh cao nhất của mọi pháp tu. Con đường đó có thể thấy được ở ngay trái tim của mọi truyền thống tâm linh và tôn giáo”.
“Trên Con Đường Trực Tiếp này, Cái Biết cùng lúc vừa là điểm khởi đầu, vừa là con đường, vừa là đích đến. Tánh Biết đồng thời vừa là chủ thể biết, vừa là tiến trình biết, và cũng vừa là đối tượng được biết”.
Khi gặp cụm từ “con đường trực tiếp”, chắc chắn ai có nghiên cứu và thực hành thiền Vipassana cũng đều nhớ đến bài kinh Niệm Xứ nổi tiếng trong kinh tạng Pali. Trong lời mở đầu, Phật có nói, “Đây là con đường trực tiếp (hay con đường độc nhất) đưa đến sự thanh tịnh của chúng sanh . . “ , nếu là người có trí tuệ, không ai không đồng ý rằng “sự thanh tịnh của chúng sanh” mà Đức Phật muốn nói trong lời kinh này chính là Cái Biết, vốn “không nương tựa, không chấp trước bất cứ vật gì ở trên đời”.
Nhận ra được Cái Biết Vô Hạn Vô Tướng Vô Vi này là chúng ta kết nối được với bản thể thanh tịnh của chính mình, hay nói cách khác, biết được mình thực sự là ai, mình thực sự là gì.
Khi hiểu được bản chất chân thực của mình thì ta sẽ không còn mơ hồ về những lời kinh vô cùng đơn sơ của Phật như “Hãy tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa bất cứ cái gì khác” (Kinh Trường Bộ) hay “Nếu biết yêu tự ngã Phải biết bảo vệ mình Người trí trong ba canh Phải luôn luôn tỉnh thức” (Pháp Cú 157) hay “Tự mình y chỉ mình Nào có y chỉ khác Nhờ khéo điều phục mình Được y chỉ khó được” (Pháp Cú 160).
Con đường trở về với Cái Biết Bản Thể còn có nhiều tên gọi khác nhau: “Tự-An-Trú-Vào-Bản-Thể” (Self-Abidance), “Tự-Nghỉ-Ngơi-Trong-Bản-Thể” (Self-Resting), “Tự-Xuôi-Về-Bản-Thể” (Self-Surrender), hay “Tự-Nhớ-Đến-Bản-Thể” (Self-Remembering), “Tự-Trở-Về-Bản-Thể” (Self-Returning) v.v… mà chúng ta sẽ gặp ở đây.
“Biết Mình Đang Biết” không chỉ giúp chúng ta hiểu được thiền thực sự là gì, nhận ra được bản thể của chính mình. mà còn có những hướng dẫn cụ thể cách để “đi thẳng vào” bản thể ấy, với sự diễn giải đơn giản, nhẹ nhàng và sinh động của thầy Rupert.
Chúng tôi hy vọng bản dịch này sẽ mang lại lợi ích cho những người đang trên đường đi tìm Sự Thật, nhận ra được Chân Lý mình đang tìm kiếm vốn đã có sẵn bên trong.
Minh Tuệ Đỗ Minh
minhtuedominh@gmail.com
VỀ TÁC GIẢ
Rupert Spira sinh năm 1960 tại Anh Quốc. Từ thuở thiếu thời Rupert đã có sự quan tâm sâu sắc đến bản chất của Thực Tại. Ông trải qua hai mươi năm nghiên cứu giáo lý của Ouspensky, Krishnamurti, Rumi, Shankaracharya, Ramana Maharshi, Nisargadatta và Robert Adams, cho tới khi gặp được thầy của ông là Francis Lucille. Francis đã giới thiệu với Rupert giáo lý của Jean Klein, Parmenides và Krisnamenon, nhưng quan trọng nhất là hướng dẫn cho Rupert đi thẳng vào bản chất thật sự của kinh nghiệm.
Ông hiện là một trong những vị thầy tâm linh có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng tâm linh ở phương Tây, chuyên giảng về pháp môn bất nhị (non-duality teaching), thường xuyên tổ chức những khóa tu tại Anh, Châu Âu và Hoa kỳ, cũng như những cuộc hội thảo online trên mạng internet.
Thông điệp quan trọng nhất Rupert thường hay nói trong những bài thuyết giảng của mình là: Sự khám phá quan trọng nhất trong đời người là hiểu rằng bản chất cốt lõi của chúng ta không có chung những giới hạn và số phận của thân thể và tâm trí này.
Ông hiện đang sống ở Oxford, Anh Quốc. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về Rupert Spira qua kênh youtube và website www.rupertspira.com.