5 Thơ Chăn Trâu Đại Thừa

26 Tháng Tám 201000:00(Xem: 13061)
PHẬT DẠY LUYỆN TÂM
NHƯ CHĂN TRÂU

Soạn Giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
DIỆU PHƯƠNG xuất bản 2010

- 5 -

 THƠ CHĂN TRÂU ĐẠI THỪA

 

- 1 -

VÔ KỶ LUẬT

 

Chú trâu với một cặp sừng

Nhô lên hung bạo phía từng trời cao

Phì phò miệng thở mạnh sao,

Điên khùng trâu chạy qua bao lối mòn,

Chân trâu lạc lõng trên non

Ngày càng xa mãi ai còn nhận ra!

Lối vào thung lũng xa xa

Mây đen một đám nhạt nhòa giăng ngang,

Nào ai biết được rõ ràng

Bao nhiêu đám cỏ mịn màng xanh tươi

Bị trâu hoảng chạy khắp nơi

Dưới chân dẵm nát tả tơi dại cuồng!

 

- 2 -

KỶ LUẬT BẮT ĐẦU

 

Kiếm ra một sợi dây thừng,

Ta bèn xỏ mũi trâu hung dữ liền,

Mỗi khi trâu muốn cuồng điên

Hung hăng thoát chạy ta bèn quất ngay

Cây roi cầm chắc trong tay

Quất trâu dữ dội roi này chẳng ngưng;

Trâu kia kháng cự vẫy vùng

Nào đâu có chịu phục tùng người chăn

Huấn luyện trâu thật khó khăn

Trâu phô sức mạnh dữ dằn từ lâu

Sẵn trong bản tính của trâu

Thú hoang bất trị rừng sâu tung hoành,

Nhưng người chăn chốn rừng xanh

Không hề buông lỏng tay mình kéo dây

Lại còn thêm chiếc roi mây

Lúc nào cũng nắm trong tay dòm chừng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- 3 -

KIỀM CHẾ

 

Người chăn kiềm chế chẳng ngừng

Trâu giờ thuận để dây thừng kéo đi,

Vượt qua dòng suối thẳm kia,

Men theo đường núi rậm rì xanh tươi,

Trâu giờ đây đã thuần rồi

Đi theo từng bước của người dắt trâu,

Không hề buông lỏng chút nào

Người chăn cầm chắc dây vào trong tay,

Và rồi suốt cả một ngày

Người chăn cảnh giác, mệt này sá chi.

 

- 4 -

QUAY LẠI

 

Nhiều ngày huấn luyện trôi đi

Giờ đây kết quả tức thì thấy ngay

Trâu quay đầu lại tốt thay,

Man di bản chất lâu ngày đã quen

Lại thêm bất trị bao phen

Cuối cùng bị cải hoá liền còn đâu,

Trâu nay ngoan ngoãn cúi đầu,

Nhưng người chăn vẫn trước sau dòm chừng

Chưa hề tin cẩn tột cùng,

Mũi trâu vẫn xỏ dây thừng qua đây

Bây giờ lại buộc sợi dây

Quấn ngay vào một thân cây cận kề.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- 5 -

THUẦN PHỤC

 

Dưới cây dương liễu xanh rì

Bên dòng suối cũ thầm thì trên non,

Chú trâu được thả ra luôn

Dong chơi thoả thích không còn ngại chi;

Đến chiều bóng tối sắp về

Sương mù buông xuống giăng che cánh đồng,

Trẻ chăn trâu nọ thong dong

Lên đường quay lại nhà cùng chú trâu

Trâu hiền lặng lẽ theo sau

Bước chân thuần phục, cúi đầu thảnh thơi.

 

- 6 -

KHÔNG CÒN NGĂN TRỞ

 

Giờ trên đồng cỏ xanh tươi

Chú trâu thoải mái nằm chơi an nhàn

Không còn công chuyện để làm

Mặc thời gian cứ nhẹ nhàng trôi đi,

Nay thời roi vọt cần chi

Cản ngăn, kiềm chế cần gì nữa đây;

Trẻ chăn trâu cũng rảnh tay

Ung dung ngồi dưới gốc cây thông già,

Tấu lên một khúc hoan ca

Thanh bình điệu hát, chan hoà niềm vui.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- 7 -

ĐỂ MẶC

 

Suối xuân róc rách chảy xuôi

Trời chiều bảng lảng buông lơi ánh vàng

Dọc theo bờ liễu giăng hàng,

Hiện trong khung cảnh hôn hoàng mù sương

Cánh đồng cỏ mượt thơm hương

Dường như khởi sắc nõn nường rậm thêm;

Đói lòng trâu cứ an nhiên

Ung dung gặm cỏ gần bên mặc tình,

Khi trâu khát nước dạo quanh

Tìm dòng suối mát trong lành uống thôi,

Thời gian êm ái nhẹ trôi,

Trong khi trên tảng đá nơi cạnh bờ

Trẻ kia thiếp ngủ hàng giờ

Mặc trâu lui tới nhởn nhơ một mình.

 

- 8 -

TẤT CẢ ĐỀU QUÊN LÃNG

 

Giờ trâu trắng hết thân hình

Và mây trắng bạc vây quanh trâu rồi,

Người chăn cũng tự tại thôi

Tới thời thoải mái, qua hồi lo âu

Chú trâu cũng vậy, theo sau

Bước chân lững thững khác đâu chút nào;

Đám mây trắng bạc trên cao

Ánh trăng chiếu xuống rọi vào đồng xanh,

Lững lờ mây trắng trôi nhanh

Chuyển đi cùng ánh trăng thanh xuôi dòng.

 

 

 

 

 

 

 

 

- 9 -

MẶT TRĂNG CÔ ĐƠN

 

Trâu giờ không thấy hình dung

Trẻ chăn trâu bỗng thong dong hoàn toàn,

Tựa mây một đám an nhàn

Cô đơn trôi dọc non ngàn đỉnh cao;

Vỗ tay gõ nhịp nghêu ngao

Trẻ vui ca hát vọng vào trăng trong,

Nhớ còn một ải cuối cùng

Vẫn gây trở ngại cho từng bước đi

Cần đem đột phá tức thì

Mới mong trọn vẹn quay về nhà thôi.

 

- 10 -

BIẾN ĐI CẢ HAI

 

Người và trâu đều biến rồi

Không lưu vết tích lại nơi chốn này,

Ánh trăng cũng trống vắng thay

Tướng hình muôn vật trong đây nhạt nhòa

Không còn hình dạng phô ra;

Nếu ai thắc mắc để mà hỏi han

Hãy nhìn hoa huệ bạt ngàn

Cỏ xanh thơm ngát tràn lan trên đồng.

 

 

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

chuyển dịch thơ

 

(dựa theo bản chuyển ngữ tiếng Anh của

DAISETZ TEITARO SUZUKI)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 2016(Xem: 6252)
Thiền là đề tài rất quan trọng trong đạo Phật, được đề cập rộng rãi trong kinh sách Phật giáo dưới nhiều hình thức và và trình bày nhiều phương pháp tu tập khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì Thiền không gì khác là một lẽ sống thực nghiệm tự nội, tuần tự đưa đến cứu cánh giác ngộ mà bất kỳ người nào quyết tâm tu học theo giáo pháp của Phật cũng cần trải qua, nếu muốn tìm thấy an lạc và giải thoát thực sự. Càng thực nghiệm được nhiều thì an lạc càng tăng trưởng sâu lắng cùng lúc tâm thức càng tiến gần đến giác ngộ trọn vẹn. Có thể nói rằng Thiền là lối đi duy nhất tuần tự đưa con người rời khỏi phiền não khổ đau, đạt đến cứu cánh giải thoát mà không có con đường thứ hai. Trong bài kinh Niệm xứ (Satipatthànasutta) được xem là nền tảng của nếp sống thiền định Phật giáo, Đức Phật xác nhận: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là Bốn Niệm xứ”1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5767)
10 Tháng Sáu 2016(Xem: 5792)
Phật dạy chúng ta tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.
21 Tháng Tư 2016(Xem: 6136)
Nếu có gặp vấn đề gì khó khăn, đau buồn hay khổ sở hãy thiền định, và thực tập như vậy giải quyết tất cả những vấn đề của bạn thông qua việc thực hành này.
23 Tháng Ba 2016(Xem: 7552)
Vạch cỏ dày rậm để truy tìm Nước rộng núi thẳm đường lại xa Tâm mệt sức kiệt chẳng thấy đâu Chỉ nghe, cây phong, tiếng ve sầu
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7269)
Đây thực sự là một kiểu kích thích tìm hiểu khoa học thần kinh, vì đã có những viên ngọc trí tuệ trong truyền thống thiền định - Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nói về điều này – rằng cách tốt nhất để chúng ta có được hạnh phúc là hãy độ lượng với những người khác. Và sự thực, bằng chứng khoa học cho thấy trong nhiều chân lý ấy, và cho thấy rằng có sự biến đổi có cấu trúc hệ thống trong não bộ có liên hệ tới các hành vi rộng lượng
29 Tháng Mười 2015(Xem: 15887)
Sự hiện hữu của ta bao gồm thân và tâm. Ta cần quan tâm đến cả hai, dầu thiền là một hoạt động của tâm, chứ không phải thân. Những câu hỏi của người mới bắt đầu hành thiền là: “Tôi phải ngồi như thế nào?” “Làm sao để không bị đau khi ngồi?”
26 Tháng Mười 2015(Xem: 7607)
Tâm Thiền, Tâm Ban Sơ được chúng tôi dịch từ nguyên tác, Zen Mind, Beginner’s Mind, gồm những bài tiểu tham do Shunryu Suzuki nói trực tiếp bằng tiếng Anh với đệ tử và được Marian Derby, một đệ tử thân cận của sư, thu âm trên băng, rồi chép lại, sau đó được Trudy Dixon, một đệ tử thân cận khác của sư, hiệu đính và sắp xếp lại thành sách.