1. Giai Đoạn Khởi Đầu

12 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 11411)

THIỀN TRONG
TÌNH YÊU VÀ CÔNG VIỆC
Nguyên tác: Everyday Zen — Love & Work
Tác giả: Charlotte Joko Beck
Biên tập: Steve Smith
Dịch Việt: Lương Thanh Bình

Chương 1: Giai đoạn khởi đầu

Giai đoạn khởi đầu tu tập Thiền

Con chó của tôi không lo lắng gì về ý nghĩa của cuộc đời. Nó có thể phiền hà nếu nó không có được buổi ăn sáng, nhưng nó sẽ không ngồi đó buâng khuâng về vấn đề là nó sẽ được thỏa mãn, giải thoát, hay là giác ngộ hay không. Miễn là nó có được một ít thức ăn, chút tình trìu mến, cuộc đời của nó như thế là tốt đẹp lắm rồi. Nhưng chúng ta là con người thì không thể dừng lại ở mức độ như thế. Chúng ta có một cái Tâm tự kỷ ám thị, mà cũng chính cái bản tính này luôn tạo cho ta vô vàn phiền phức. Nếu chúng ta không có được sự hiểu biết về cái lề lối tư duy sai lầm này — tự giác là khả năng thiên phú — thì chúng ta cũng phải đi dần vào sự hỗn loạn.

Ở một chừng mực nào đó, mỗi người chúng ta đều tìm thấy trong cuộc sống vẫy đầy những chướng ngại, hoang mang, và bất công. Ngay cả trong lúc mọi sự việc đang trôi chảy, chúng ta vẫn lo lắng rằng, nó có thể sẽ không như thế lâu dài. Tùy thuộc vào phối cảnh lịch sử cá nhân, mỗi người chúng ta đã trưởng thành với những cảm nghĩ về cuộc đời khác nhau. Nếu tôi nói với bạn rằng, đời sống hiện tại của bạn đang có là một đời sống hoàn hảo và lý tưởng; tôi tin chắc là bạn sẽ nghĩ rằng tôi bị loạn trí. Không một ai tin rằng mình đang có một đời sống hoàn mỹ. Thế nhưng, trong chiều sâu của mỗi cá nhân, chúng ta biết có một thứ gì đó tồn tại, nó thật là mênh mông, vô tận (Tâm thức). Chúng ta bị kẹt cứng một cách khốn đốn giữa sự thiếu hiểu biết về cuộc đời là nguyên do tạo ra bao khốn khổ và sự nhận thức lờ mờ về Tâm thức, về trạng thái không giới hạn của bản chất đời sống. Do đó, chúng ta bắt đầu tìm kiếm câu trả lời.

Chúng ta luôn tìm giải đáp mọi vấn đề từ những gì bên ngoài chúng ta. Ban đầu là ở trong cuộc sống thế tục. Phần lớn con người trên cõi đời thường hay nghĩ rằng, nếu như họ có được chiếc xe hơi mới hơn, ngôi nhà đẹp hơn, chuyến nghĩ hè tốt hơn, một người giám đốc tử tế, hoặc một người hôn phối hoạt bát hơn, thì cuộc đời của họ sẽ có kết quả tốt hơn. Tất cả chúng ta đều cũng đã từng nghĩ như thế. Dần dần, thì giả thuyết “nếu như” này không còn đứng vững được nữa, theo thời gian. Lúc đầu, chúng ta đưa ra những “nếu như” này vào lĩnh vực vật chất, danh vọng ngoài thân; nhưng lần này sang lần khác, nó không thể nào đưa chúng ta đến bất cứ một giải đáp rốt ráo nào. Thế rồi! Chúng ta xoay qua lĩnh vực tâm linh. Nhưng thật không may, ở trong hoàn cảnh khác nhưng chúng ta lại vẫn ôm giữ cái lề lối cũ. Đa phần những người đến trung tâm Thiền có phần nào đó tự biết rằng, một chiếc xe Cadillac sẽ không giải quyết được vấn đề, nhưng họ lại nghĩ sự chứng ngộ thì sẽ được. Bây giờ thì họ có một cái bánh vẻ mới, một cái “nếu như” mới. “Nếu như tôi có thể biết Giáo pháp ra sao thì tôi sẽ lấy làm hài lòng.” Rồi sau đến, “Nếu như tôi có được một chút ít kinh nghiệm tự chứng thì cũng lấy làm mãn nguyện.” Khi đến trung tâm để tu tập Thiền, mà chúng ta vẫn ôm ấp cái quan niệm là chúng ta sẽ đến được một nơi nào đó — trở nên giác ngộ — và để có được những cái bánh vẻ (giải đáp) trong quá khứ mà chúng ta chưa bao giờ có.

Cả trong suốt cuộc hành trình đời sống, chúng ta luôn luôn đi tìm một thứ gì đó ở bên ngoài ta. Nhưng theo nguyên lý, nếu chúng ta dùng một chủ thể giới hạn — như là thân và tâm — để đi tìm một khách thể biệt lập, thì cái bị tìm đó cũng chỉ là cá thể giới hạn tương đương tính với cái đi tìm mà thôi. Chính thực chất của phương pháp mà chúng ta đang dùng, không thể mang đến cho ta kết quả, thì dù cho chúng ta có hao tốn bao nhiêu thời gian và nổ lực chỉ đưa đến cho ta những thất vọng ê chề.

Chúng ta đã dùng phần lớn cuộc đời mình để gầy dựng một nhân sinh quan giới hạn về cuộc đời. Trong quan điểm nhìn đó, có một cái “Tôi” độc lập và những thứ khác xoay quanh — hoặc là làm hài lòng “Tôi” hay ngược lại làm tổn hại “Tôi”. Chúng ta luôn luôn có chiều hướng sống theo nếp sống nhìn vào mỗi sự, mỗi việc chung quanh ta với một cái nhìn đầy phán đoán: cái này “tôi” thích; cái kia không thuận mắt “tôi” tí nào cả; cái nọ làm cho “tôi” bực mình; v.v.. Và cứ thế, chúng ta cứ bỏ cả đời đi tìm cái “Tôi thích” càng nhiều càng tốt và đẩy ra xa hoặc cho người khác những cái “Tôi không thích”. Từ sáng đến tối, chúng ta không hề mệt mỏi phân tích, đắn đo, suy tư, kế hoạch cũng chỉ xoay quanh cái: “Tôi”, “thích”, “không thích”. Nếu chúng ta tinh tế một chút, chúng ta có thể nhận thấy rằng, dưới khuôn mặt thân thiện giả tạo bên ngoài kia, đều có đầy vẫy những nét lo âu, đau khổ, bất ổn.. Chúng ta có hàng ngàn phương thức che đậy những nỗi ưu tư này: chúng ta ăn quá độ, uống (chất say) quá mức, làm quá giờ, xem quá nhiều TV. Chúng ta luôn tìm làm một cái gì đó để khõa lấp cái tâm trạng bất ổn của mình. Phần lớn con người có lối sống như thế mãi cho tới cuối cuộc đời. Theo thời gian tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo lối tịnh tiến, dĩ nhiên ở vào tuổi hai-mươi-năm thì tình trạng tương đối khá hơn lúc chúng ta ở tuổi năm-mươi. Rồi đây ai cũng sẽ chết, mọi người đều biết thế. Nhưng trong suốt quá trình từ sinh ra cho đến cuối con đường, chúng ta đã được giáo dục và nhồi sọ (trong giai đoạn phát triển — từ nhỏ — cho đến trưởng thành) bằng một nhận thức sai lầm về cuộc đời. Để rồi với mớ hành trang méo mó đó, chúng ta bước vào xã hội tạo thêm nhiều khổ đau cho bản thân và những người chung quanh. Mỗi người chúng ta đều đã góp phần vào việc tước đi những sinh thú, lạc quan của dòng sống cuộc đời. Rồi chúng ta nhìn lại và nói: Đời là bể khổ. Và mối ưu tư đó ngậm nhấm chúng ta từng giây phút trong suốt quãng đời còn lại — nhìn vào khuôn mặt có nét đưa đám của chúng ta thì biết — ngoại trừ khi một phút giây nào đó chúng ta chợt tỉnh và nhận diện sự thật rằng, chúng ta cần phải thay đổi lề lối sống (là cái quả) bằng cách chúng ta phải tư vấn cái nhân sinh quan đang có (cái nhân). Muốn được thế thì chúng ta cần phải Tu tập. Chúng ta cần phải thấy suốt cái khác biệt giữa cái “Ta” và “Tánh giác”; và chỉ có công phu mới làm cho sự khác biệt nhỏ dần; cho đến một phút giây nào đó cả hai hòa nhập thành một, lúc đó chúng ta nhận diện được chân lý cuộc đời. 

Giác ngộ không phải là một điều gì mà ta có thể đạt được, mà nó là một trạng thái thiếu vắng một thứ gì khác. Cả giai đoạn cuộc đời đã qua, bạn luôn luôn tìm cầu, đeo đuổi những mục đích. Giác ngộ thì buông xả những thứ đó, nhưng chỉ nói cũng không mang lại kết quả gì cả. Tu tập là việc làm của cá nhân, không thể nào làm dùm được. Chúng ta có thể đọc cho đến ngàn năm, nó cũng không đưa chúng ta đến đâu cả. Chúng ta phải tu tập, và phải nổ lực cho đến cuối cuộc đời mình.

Những gì chúng ta thật sự cần là một đời sống tự nhiên. Bởi vì đời sống của chúng ta không tự nhiên chút nào cả, cho nên khi bắt đầu tu tập Thiền, chúng ta gặp rất nhiều trắc trở. Nhưng khi chúng ta bắt đầu có chút manh nha rằng, vấn đề trong cuộc sống không phải ở ngoài chúng ta, thì chúng ta mới thật sự bắt đầu cất bước trên con đường đạo. Chỉ khi nào sự tỉnh thức phát sinh, thì chúng ta mới thấy được sự sinh thú, hài hòa của cuộc sống mà chúng ta chưa bao giờ nhận thấy bao giờ. Có thế chúng ta mới có thể tiếp tục trên con đường tu tập.

Tuân thủ giới hạnh trong khi tu tập Thiền, là chúng ta đang điều chỉnh lề lối sống của mình cho được hài hòa. Thiền đã phát sinh và truyền thừa trong suốt hơn hai-ngàn năm qua và cũng đã giải quyết biết bao nhiêu vấn đề. Dĩ nhiên là không dễ dàng áp dụng đúng cách, nhất là đưa nó vào trong đời sống thế gian. Tựu trung vẫn là, làm thế nào để có thể vận hành công việc bình thường như: làm việc trong văn phòng, dạy dỗ con cái, tương quan tình cảm, v.v.. cho được tốt hơn. Muốn được thế, chúng ta phải điều chỉnh sự cân bằng trong tu tập và đời sống. Tất cả mọi thứ chúng ta muốn là thoát ra khỏi sự kiềm chế bởi lối hành xử kém hiểu biết của mình đã có trong quá khứ.

Cần phải có nhiều nghị lực mới có thể tọa thiền tốt được. Thiền không nhất thiết thích hợp cho tất cả mọi người. Chúng ta cần phải có sự quyết tâm để làm một điều gì, mà đó không phải là một điều dễ dàng gì. Nếu chúng ta công phu với lòng kiên nhẫn, sự bền chí, cộng thêm sự hướng dẫn của một vị thầy tốt, thì cuộc đời của chúng ta sẽ được thăng hoa. Tình cảm sẽ không còn tác động mãnh liệt vào cuộc đời ta như nó đã từng làm trong dĩ vãng. Giai đoạn đầu của tọa thiền, chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi các vọng tưởng và cái tâm dao động của mình. Chúng ta bị lôi cuốn bởi các tư tưởng rong chơi khắp nơi, thay vì đối diện với vấn đề trong sự tu tập để hiểu biết được phương thức công phu đúng đắn và vừa phải. Đến khi nào tâm trở nên trong sáng và bình thản và không còn bị phan duyên, thì lúc ấy là khởi đầu cho một biến đổi lớn — chỉ trong một sát na thời gian, chúng ta có thể nhận chân được ta là ai.

Nhưng tọa thiền không phải là việc làm mà ta chỉ cần dụng công trong một hoặc hai năm, để rồi cho chúng ta thuần thục rồi thôi, mà nó là lối tu tập chúng ta sẽ thực hành mãi cho suốt cuộc đời còn lại của mình. Sự nhận thức chân lý cuộc đời là vô cùng tận, không đoạn cuối, nó là khám phá vượt không gian và thời gian. Và sự công phu này sẽ đưa ta hòa nhập vào nó và sống với nó, nhận diện cái thực chất của nó. Từ đó nó chuyển hóa nhân sinh quan của chúng ta, lề lối sống của chúng ta. Chúng ta sẽ sống, làm việc, xử thế khác đi. Thiền là một phương thức sống, là đời sống, chứ không phải là ngồi vào tọa cụ ba-mươi hay bốn-mươi phút trong một ngày. Cả cuộc sống của chúng ta là công phu, là tu tập, là thực hành, hai-mươi-bốn giờ trong một ngày và mỗi ngày.

Giờ thì tôi sẽ trả lời một số câu hỏi về thực tập thiền và sự liên hệ của nó với đời sống của chúng ta.

Hỏi: Thầy làm ơn vui lòng giải thích thêm về phương thức buông xả tư tưởng khi nó xảy ra trong thời gian tọa thiền.

Joko: Tôi không nghĩ là, chúng ta cần phải buông xả bất cứ gì cả. Theo tôi, điều chúng ta làm là nhàm chán các Pháp. Nếu chúng ta ép buộc tâm mình làm một điều gì đó, thì khi ấy chúng ta lại trở về với cái tâm phân biệt — thích hay không thích, tốt và xấu, đúng và sai — đó là tình trạng mà chính chúng ta đang cố gắng siêu thoát. Phương cách hữu hiệu nhất để buông xả là, quán sát các tư tưởng khi phát sinh và ghi nhận chúng. “À! Tôi lại thất niệm nữa rồi.” — và không cần phê phán, chỉ đơn giản trở về với hiện trạng của mình trong phút giây này (theo dõi đề mục hay kinh nghiệm trực quán). Chỉ bình thản tiếp tục công phu. Chúng ta có lẽ sẽ phải làm như thế hàng trăm-ngàn lần và cái giá trị của sự tu tập chính là cái quá trình mà chúng ta đem tâm trở về với hiện tại lần này sang lần khác. Đừng bao giờ mong mỏi một trạng thái, mà trong đó, tư tưởng không phát sinh. Tư tưởng vốn không thật, ở vào một thời điểm nào đó thì chúng ta sẽ nhận thấy cái chu kỳ mà tư tưởng phát sinh rồi tan biến không còn cấp bách như lúc ban đầu, và sau đó khoảng thời gian nó gần như tan biến. Khi ấy chúng ta thấy được rằng chúng không thật. Chúng phát sinh rồi hoại diệt mà chính chúng ta cũng không biết tại sao. Chính vì sự thiếu hiểu biết ấy, cho nên chúng ta chấp nó là ta và luôn luôn muốn bảo vệ nó. Nếu chúng ta cứ bình thản ngồi ngắm nhìn (như là xem chớp bóng), không phê phán, tư tưởng nổi lên rồi rơi rụng; chúng ta xem mãi rồi cũng phải chán, phải không?

Có hai loại suy nghĩ. Thật ra tư tưởng phát sinh cũng không có gì là sai, nhất là loại “tư tưởng thực dụng”. Dĩ nhiên chúng ta cần phải suy nghĩ để quyết định mình sẽ đi đến đâu, hoặc cách làm một cái bánh, hoặc giải một bài toán vật lý. Sự suy nghĩ đó không có vấn đề gì cả. Nó chỉ là suy nghĩ, không có ảnh hưởng gì với thật hay là giả cả; suy nghĩ là suy nghĩ, thế thôi. Nhưng ý kiến, phê phán, kỷ niệm, mơ mộng tương lai, thì lại khác — chín-mươi phần trăm suy nghĩ xoay tít trong đầu chúng ta thật ra là không cần thiết và không có thực chất. Trừ khi chúng ta thức tỉnh, bằng không cứ như thế chúng luôn xoay tít không ngừng nghĩ, cho đến cuối cuộc đời của chúng ta. Phần kinh khiếp của tọa thiền là khi chúng ta bắt đầu thấy được tâm của ta tản mạn như thế nào, nó không bao giờ chịu ở yên một chỗ dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Thật là hãi hùng, khi chúng ta nhận thấy ra con người thật của chúng ta, nơi chiều sâu, chúng ta thật hung dữ, đầy thành kiến, và ít kỷ. Chúng ta là thế, vì bởi chúng ta đã được trưởng thành trong môi trường, một môi trường đã được xây dựng trên quan điểm sai lầm từ ban đầu. Thật ra, cơ bản nhân sinh vốn hoàn thiện, tử tế, cảm thông. Nhưng chúng ta cần phải bỏ công khai thác mới có thể thấy được bản tính quí giá ấy.

Hỏi: Có phải thầy đã nói rằng, cần phải có khoảng thời gian phấn đấu thì cơn xáo trộn mới bắt đầu nhỏ dần cho đến khi nó tan biến đi?

Joko: Tôi không ám chỉ rằng, chúng ta không được để cho tâm mình bị rối loạn hay giận dữ. Cái mà tôi nói là: khi tâm chúng ta rối loạn, chúng ta đừng vướng mắc vào nó. Nếu chúng ta đang giận dữ, thì chúng ta cứ giận đi trong giây phút đó và biết như thế; đó là sự khác biệt giữa người có và không có tu tập. Chỉ biết mà không vướng mắc vào cơn giận thì làm sao tâm ta bị mất thăng bằng. Tôi không nói là sau nhiều năm tu tập, chúng ta sẽ trở thành những xác chết biết đi, những người vô cảm; mà là hoàn toàn trái ngược. Chúng ta sẽ trở nên chân thành hơn trong tình cảm, nhiều cảm thông hơn với người khác. Chỉ có khác là chúng ta không bị vướng mắc bên trong như trước kia, cho nên chúng ta có được sự bình thản nội tâm.

Hỏi: Thầy làm ơn chỉ dạy thêm phương thức áp dụng sự tu tập vào công việc trong ngày?

Trong khi làm việc chính là lúc tốt nhất để tu tập và áp dụng thiền. Không cần biết đó là công việc gì, nó nên được hoàn tất với trọn vẹn tinh thần của ta trong giây phút đó. Ví dụ như, chúng ta đang làm sạch cái lò nướng; thì chúng ta chỉ nên chăm chỉ công việc lau chùi và đồng thời canh chừng nếu có bất cứ tư tưởng nào nảy sinh để làm gián đoạn (mang tâm đi nơi khác) việc đang làm. “Tôi không thích việc làm sạch cái lò, nhất là cái mùi ammonia thật khó chịu! Có ai trên thế gian mà thích làm cái việc này? Với cái trình độ học thức như của tôi, tôi không nên làm cái việc này mới phải.” Tất cả những ý nghĩ dư thừa này vốn không có dính dáng gì với công việc làm sạch cái lò nướng. Nếu tâm ta trôi dạt về phương trời nào, ta cứ ghi nhận rồi kéo nó trở về với công việc lau chùi. Có cái công việc đang cần phải làm ở ngay trước mắt, và có thật nhiều tư tưởng đắn đo, phê phán, phàn nàn mà ta có đối với cái công việc đó. Công việc là những gì chúng ta cần phải thi hành và hoàn thành ngay trong phút giây này, nhưng không có mấy người chỉ vỏn vẹn làm việc theo chiều hướng ấy. Khi chúng ta thực tập một cách bền chí và đều đặn, thì việc đang làm cũng sẽ hòa hợp mà vận hành trôi chảy theo. Chúng ta chỉ làm những gì khi cần. Giống như chỉ thêm dầu hay nhớt vào trong guồng máy đang chạy lúc cần, để nó chạy trơn tru, chứ ta không cần phải đứng bên phê phán máy chạy chậm hay lẹ.

Dù cho bạn sống ở tầng lớp nào trong xã hội, tôi khuyến khích bạn nên biến đổi lối sống của bạn trở thành lối sống trong sự tu tập.

Thực tập vào phút giây hiện tại này

Tôi muốn nói về sự khó khăn căn bản của tọa thiền. Dù cho bạn mới bắt đầu hay là đã ngồi suốt nhiều năm, những trở ngại đều cũng giống như nhau.

Khi tôi dự khóa tu học đầu tiên cách đây nhiều năm, tôi đã không thể khẳng định là ai điên hơn ai — tôi hay là những người ngồi quanh tôi. Thật không tưởng được! Độ nóng trong ngày gần 105. Rồi nào là ruồi, tiếng ồn ào; đúng là khóa tu học không đủ tiêu chuẩn. Tôi đã thật sự bực mình và trở nên nghi ngờ cả ban tổ chức. Thỉnh thoảng tôi trình pháp với lão sư Yasutani, và ở đó tôi đã thấy một việc, mà nó đã giúp cho tôi quyết định tiếp tục tọa thiền. Thật không may, trong suốt năm đầu tu tập thì luôn luôn rất gian nan. Bạn phải đối diện với sự mơ hồ, nghi ngờ, khó khăn; và nếu bạn không thực tập đủ lâu thì bạn sẽ không nhận chân được lợi ích chân thật của nó.

Khó khăn thì tất nhiên phải có, nhưng nó cũng có cái tốt của nó. Trong khi ngồi, tâm của bạn trực diện với những khó khăn này, có khi như mơ hồ, có lúc xem như vô lý, nhưng bạn đang học thật nhiều về con người mình; và điều bạn học chỉ có giá trị cho riêng bạn mà thôi. Nếu có thể, bạn nên tu tập chung với nhau và trình pháp thường xuyên với thiền sư. Nếu được như thế, theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng sự tu tập này là phần tốt đẹp nhất trong cuộc sống của bạn.

Pháp tu của chúng ta có gọi là gì, thật ra không quan trọng: theo dõi hơi thở, Chỉ quán, tham Công án; cơ bản tất cả đều có cùng một mục đích như nhau: “Chúng ta là ai?” “Cuộc sống này là gì?” “Chúng ta từ đâu đến?” “Chúng ta sẽ về đâu?” Điều cốt yếu để có kiếp sống trọn vẹn, khi chúng ta có được một sự hiểu biết đúng đắn. Vì vậy, trước tiên tôi muốn nói về phương pháp căn bản của tọa thiền, và nên xin luôn nhớ rằng, lời nói là dùng để chỉ cách thức thực hành — giống như là ngón tay chỉ mặt trăng — mà thôi.

Khi tọa thiền là chúng ta đang khám phá Chân lý tuyệt đối, Phật tánh, Thượng đế, Chân Tánh. Vài tông phái còn gọi là Như lai tạng. Ngôn từ thích hợp cho buổi nói chuyện đêm nay tôi muốn dùng là “Giây phút hiện tiền.”

Trong kinh Kim Cang có câu, “Tâm quá khứ bất khả đắc, Tâm hiện tại bất khả đắc, Tâm tương lai bất khả đắc.” Vậy đối với mọi người chúng ta ở đây; Chúng ta đang ở tâm nào? Chúng ta đang sống trong quá khứ? Không phải vậy. Chúng ta đang sống ở tương lai? Cũng không phải thế. Chúng ta đang an trú trong hiện tại? Chưa chắc là vậy. Chúng ta không thể tin là thế. Vì sao? Vì chúng ta không thể nào cụ thể nói “đây là hiện tại”; khi chữ “tại” vừa lặng tiếng thì phút giây ấy đã trở thành quá khứ rồi. Chúng ta chỉ có thể nói: “Ta đang an trú trong phút giây hiện tại.” “Phút giây hiện tại” như một dòng chảy, ta không thể cột nó đứng lại, không thể đo lường, không thể định nghĩa, thậm chí không thể cảm được nó. Bởi vì, nó vô lượng, vô giới hạn, vô tận. Chúng ta chỉ có thể sống với nó mà thôi, nếu chúng ta thực hành đúng với giáo pháp của đức Phật.

Vậy thì chúng ta làm gì ở đây, trong khi nó quá đơn giản như thế? Tôi có thể nói, “Phút giây hiện tại”, nghe thì rất dễ phải không? Nhưng bắt được hay không là một vấn đề gian nan. Nếu không chúng ta không đến trung tâm Thiền làm gì.

Tại sao làm việc đó không dễ? Tại sao chúng ta không thể nhận diện được? Chúng ta cần những gì mới có thể nhận diện được nó? Để tôi kể cho các bạn nghe một mẩu chuyện nhỏ.

Nhiều năm về trước khi tôi theo ngành âm nhạc ở viện đại học Oberlin Conservatory. Tuy không nổi bật xuất sắc, tôi cũng là một sinh viên khá, và tôi rất mong muốn được theo học một nhạc sư giỏi. Quả thật giáo sư đó có khả năng đào tạo ra những tay dương cầm lỗi lạc. Cuối cùng cơ hội đã đến với tôi.

Phiên học đầu tiên với người, tôi thấy thầy dạy với hai chiếc dương cầm. Ông không buồn chào tôi, ông chỉ ngồi bên chiếc đàn và đánh năm dấu nhạc, rồi nói, “Cô đàn đi.” Tôi nghĩ tôi nên đánh theo các nốt mà thầy vừa gõ. Tôi đã đánh như thế, nhưng ông nói, “Không đúng.” Rồi ông gõ lại, và tôi đánh theo. Và mỗi lần tôi đánh xong thì ông lại nói, “Không đúng.” Cứ thế một giờ đi qua.

Trong suốt ba tháng tôi chỉ võn vẹn tập đánh có ba dòng nhạc, mất chỉ chừng ba mươi giây thời gian. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy rất hài lòng: tôi đàn độc tấu trong một ban nhạc nhỏ. Sự thể vẫn diễn tiến như thế và tôi luôn đã khóc phần lớn thời gian trong suốt ba tháng đó. Ông là một người có đủ sắc thái của một giáo sư ngoại hạng, có đầy nghị lực và cương quyết mà học sinh có thể cảm nhận được. Và chính vì lý do đó ông là một nhạc sư tài ba. Rồi một hôm ông nói, “Rất tốt.” Cái gì đã xảy ra? Cuối cùng ông giải nghĩa, cô đã học được cách biết lắng nghe; khi cô biết lắng nghe thì cô có thể đàn ra hồn.

Có gì thay đổi trong suốt ba tháng này? Vẫn đôi tai này và nó vẫn không biến thể. Những gì tôi đàn thật ra không có gì là khó. Chỉ có khác là tôi đã học được cách lắng nghe lần đầu tiên... trong khi tôi đã biết đàn rất nhiều năm. Tôi học cách chú tâm. Đó là lý do tại sao ông là thầy giáo siêu đẳng; ông dạy học sinh biết cách chú tâm. Sau khi học với ông, họ biết lắng nghe, họ biết thật sự lắng nghe, chỉ có vậy họ mới cảm được. Chính vì thế, lớp học của ông đã đào tạo ra những tay đàn ưu tú.

Đó là loại chú tâm mà thiền sinh cần phải có. Phật ngữ gọi nó là tập trung tâm ý (Cận Định), đó là trạng thái nhất tâm với đối tượng (hay đề mục) — sự hòa nhập của chủ thể và khách thể. Nhưng trong câu chuyện trên, trạng thái chú tâm đó tương đối dễ bắt. Ví như, chú tâm vào một vật gì tôi thích. Chìm đắm theo một kiệt tác nghệ thuật. Say mê trong một cuộc chơi thể thao. Những trạng thái đó thì gần như (chứ chưa phải) là tập trung tâm ý, họ chỉ học được cách chú tâm cao độ.

Nhưng loại tập trung này, ở trong thực tập thiền, thì cao hơn, có giá trị hơn, và khó hơn. Chúng ta phải chú tâm toàn bộ vào những gì đang xảy ra lúc này, bây giờ. Lý do mà chúng ta không muốn chú tâm là vì bởi nó không luôn luôn dễ chịu chút nào cả. Nó không thích hợp cho chúng ta.

Là con người, chúng ta có cái tâm để suy nghĩ. Chúng ta luôn nhớ những nỗi đớn đau. Chúng ta luôn luôn ước vọng về tương lai, những điều tốt đẹp ta sẽ có hay sẽ xảy đến cho chúng ta. Chúng ta gạt bỏ những gì không làm cho ta hài lòng trong hiện tại: “Tôi không thích cái đó. Tôi không phải nghe điều đó. Tôi có thể quên nó ngay và mơ về những gì sẽ xảy ra.” Chúng ta sẳn sàng bỏ rơi hiện tại, để thả hồn mơ mộng về những viễn ảnh sẽ xảy ra trong tương lai. Chuyện này luôn quyện lấy chúng ta, tạo nên một lối sống mà chúng ta cho là bảo đảm, an toàn, vì vậy mà chúng ta cảm thấy tốt đẹp.

Nhưng khi chúng ta sống như thế, chúng ta vô tình đánh mất cuộc đời hiện tại của mình. Chúng ta không nhận ra lý lẽ đó là vì chúng ta bị mê mờ. Những gì chúng ta nhận biết đều đã bị biến thể. Nếu bạn hỏi mười người đọc quyển sách này, họ sẽ cho bạn nhiều sự tiếp thu khác nhau. Họ bỏ qua những phần họ không hiểu thấu, hoặc họ không thích, họ chỉ ghi nhận những gì hợp với quan điểm của họ. Ngay cả lúc trình pháp, họ chỉ nghe những điều họ muốn nghe mà thôi. Chúng ta nên cởi lòng ra đối với thầy mình để lắng nghe trọn vẹn, có thế chúng ta mới có thể tiến bộ. Vị thầy không phải có mặt chỉ vì để đối xử tử tế với chúng ta.

Vấn đề nan giải của tọa thiền là: tất cả chúng ta phải liên tục và duy trì đem tâm lang thang về với “phút giây hiện tại.” Thế thôi. Đó là phương pháp tu tập của chúng ta. Sự tăng cường khả năng ở (an trú) trong giây phút hiện tại, chính là những gì chúng ta phải gầy dựng và phát triển. Chúng ta có sự lựa chọn một trong hai ngã rẻ trong cuộc đời: sống tỉnh thức trong phút giây hiện tại hay là sống mơ hồ với cái thế gian đẹp như mộng đang luôn luôn quay cuồng trong đầu của chúng ta. Cái mà gọi là tu học hay nhập thất thông thường chỉ là mệt nhoài, nhàm chán, và tê cứng hai chân. Cái quí giá mà chúng ta học được trong lúc ngồi im lặng với bao nhiêu bức xúc, thậm chí đau đớn là: khi đau đớn tâm ta thường hay bấn loạn (trôi dạt) và phản kháng (bao nhiêu đủ rồi, thay đổi một chút đâu có sao!) Chúng ta sẽ thấy đường lối vận hành của tâm ta ra sao. Chỉ có khi đau đớn tâm mới phản kháng và ta mới có cơ hội đọc nó dễ hơn so với tâm mê đắm (vi tế hơn — khó đối phó hơn — mà ta phải vượt qua khi ta …)

Tu tập thiền sẽ giúp cho chúng ta sống một cuộc sống hoàn hảo. Người sống hoàn hảo là người sống trọn vẹn với đời sống hiện tại của chính mình, không phiêu lưu mộng tưởng (người ở đây mà lòng ở đâu, không dính dáng gì nhau) dù trong bất kỳ tình huống nào: tốt, xấu, đau buồn, bệnh hoạn, nhứt đầu, chóng mặt, phiền não, vui vẻ.. không khác gì cả.

Một thiền giả có tiến bộ trên con đường tu tập luôn có những biểu hiện có thể cảm nhận được khi ta gặp họ. Họ có chú tâm và luôn hòa theo dòng sống chứ không lơ đãng. Dĩ nhiên sóng gió cuộc đời vẫn tác động vào họ, nhưng ảnh hưởng rất ít đối với họ. Chúng ta cũng có thể giống như họ. Nếu chúng ta có thể chấp nhận mọi sự cố như-nó-là, thì chúng ta sẽ không còn bị xáo trộn bởi nó, và nếu có bị thì sự xáo trộn đó sẽ qua đi mau chóng.

Hãy nhìn vào quá trình tọa thiền. Những gì chúng ta cần phải làm là: hòa nhập vào những gì đang xảy ra. Bạn không cần phải tin tưởng tôi mà hãy tự thử nghiệm lấy. Khi tâm tôi bị trôi dạt khỏi hiện tại, tôi sẽ nghe tiếng xe chạy; tôi cố gắng không bỏ qua tiếng động nào, và không phê bình, tôi chỉ thật sự lắng nghe; làm thế cũng không khác gì tôi đang tham công án, bởi vì đây là những gì đang xảy ra. Vậy điều tối quan trọng mà thiền sinh phải làm là: rời bỏ cơn mộng để trở về với cái thực tại bao la này. Có thế thôi!

Đây không làm là việc dễ làm; nó cần rất nhiều can đảm. Chỉ những người có nghị lực mới có thể thực tập theo thời gian. Nhưng chúng ta không phải thực hành cho cá nhân ta. Có thể là thế ở giai đoạn ban đầu. Không sao cả. Nhưng khi nếp sống mới của chúng ta bắt đầu bắt rễ với lề lối của sự tu tập, thì người chung quanh chúng ta sẽ cảm nhận được và bị ảnh hưởng. 

Thật ra vũ trụ này hiện hữu là do chúng ta cả. Nhưng để thấy được như thế bạn cần phải thực hành đúng phương pháp tu và phải đi cho đến cuối con đường. Không phải chỉ có niềm tin suông. Giống như khoa học thực nghiệm; đã có ngườc thực hành và đạt đến kết quả. Do đó, bạn có thể vững lòng, “Được! Ít nhất tôi làm thử, tôi sẽ được, tôi sẽ tận lực.” Bạn có thể nói được bấy nhiêu.

Phật tánh không là gì cả mà là chính chúng ta, lúc này, ở đây: nghe tiếng ồn, đau đớn hai chân, nghe tiếng nói chuyện; đó chính là Tánh giác. Bạn không thể bắt lấy nó, vì khi bạn cố bắt lấy nó, nó biến đổi. Hãy là ta trong lúc này, ví dụ như, khi ta giận thì ta là cơn giận (chứ không phải người giận), có được thế thì không ai bị tổn hại bởi vì nó trọn vẹn. Chúng ta cảm được cơn giận, cảm được cơn quặn thắt nơi thân mình, thì tâm trí đâu (không có kẻ hở chen vào) mà nghĩ đến chuyện hại người khác. Cơn giận có thể gây hại cho người khác khi mà người có nét mặt cười tươi nhưng bên trong đang sôi sục.

Khi bạn ngồi thiền, đừng bao giờ mong mình sẽ trở thành thánh hay bất cứ cái gì. Nếu chúng ta bỏ được cái tâm quay cuồng trong giây phút, chỉ ngồi với thực tại, lúc đó chúng ta như một tấm pha lê trong suốt; chúng ta thấy tất cả: những tham vọng thầm kín hay thô thiễn, tự cao tự đại, nông nổi, bất an… cái mà được gọi là tâm linh. Tâm linh chân chính chỉ là sống trọn vẹn với tất cả cảm giác kia. Nếu chúng ta có thể nhận chân được Tự tánh, và sống (hay hòa nhập) với nó, thì khi ấy ta liễu ngộ (hoàn toàn thay đổi).

Thiền sư Shibayama có lần đã nói trong một thời khóa tu, “Phật tánh mà các bạn muốn thấy rất là e thẹn, nó rất khó mời gọi, và khó hiện thân.” Tại sao vậy? Vì phật tánh là chúng ta, và chúng ta không bao giờ nhận ra cho đến khi nào chúng ta không còn lệ thuộc vào những thứ chung quanh. Khi chúng ta không còn bị vướng mắc bên ngoài, chúng ta sẽ trở về lại chính mình một cách chân thật, và hòa nhập với hiện tại, thì chúng ta sẽ thấy. Chúng ta không thể thấy từng phần, chúng ta chỉ có thể thấy hoặc là không thể. Sự thực hành của chúng ta không dính dáng gì với: “Tôi phải là thế này…; tôi phải là thế kia …; tôi nên tốt hơn đối với…, tử tế hơn….” Tôi là tôi bây giờ và ở đây. Ở trạng thái phút giây hiện tại là Phật tánh. Vậy thôi.

Có một lần tôi đã nói trong thiền đường đã làm nhiều người phiền lòng. Tôi đã nói: “Muốn tu tập pháp môn này, chúng ta phải từ bỏ tất cả hy vọng.” Rất ít người tán đồng về điểm này. Nhưng tôi muốn gởi gắm điều gì ở đây? Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải từ bỏ đi cái ý tưởng ở trong đầu; mà cái ý tưởng đó vạch ra cho ta một con đường để đi đến một kiếp sống mà mình mong muốn (sự giải thoát, đắc quả vị..). Cuộc sống có đường lối vận hành của nó, chúng ta không thể thay đổi được, chỉ khi nào chúng ta không còn có ý muốn thay đổi nó thì cuộc sống của chúng ta bắt đầu tươi màu và đươm hoa.

Khi tôi nói, bỏ đi hy vọng chứ không phải bỏ đi sự phấn đấu. Là một thiền sinh, chúng ta phải miệt mài tinh tấn. Nhưng khi tôi nói miệt mài không có nghĩa là cố gắng vượt ra ngoài khả năng của mình. Miệt mài ở đây ý là nói liên tục không gián đoạn trong sự thực tập đã dự định của mình (tọa thiền mỗi ngày, dự khóa tu học, trình và vấn với thầy), có được như thế thì một ngày nào đó bất chợt, có một tia chân lý chợt lóe lên. Nhưng nó có thể xảy ra nay mai, một năm, hai năm, hoặc mười năm, hay là lâu hơn. 

Đó chỉ là sự khởi đầu. Chỉ một thoáng của một phần mười của một giây thời gian, nhưng nó cũng vẫn chưa đủ. Đời sống giác ngộ là phải luôn luôn nhận diện chân lý (tánh giác) trong mọi lúc. Chúng ta cần rất nhiều năm để biến chuyển bản thân ta tới giai đoạn đó.

Tôi không muốn làm cho bạn nản lòng. Bạn có thể nghĩ là bạn không còn đủ thời gian trong quãng đời còn lại để đạt đến kết quả rốt ráo. Nhưng đó vốn không phải là vấn đề chính yếu. Trên con đường tu tập, mỗi một bước đi đã có sự trọn vẹn của chân lý trong đó rồi (không phải là về đến nhà mới có ly nước mát để uống, chúng ta vừa đi vừa uống — chỉ có điều là chúng ta không biết thưởng thức sự tươi mát đó thôi). Khi chúng ta đang tu tập đúng đắn, thì cuộc đời ta đang dần thay đổi tốt hơn (nếu nhìn thấy được trên khía cạnh siêu thế gian), ta sẽ có nhiều an lạc hơn và vượt qua được nhiều phiền não hơn (tuỳ vào mức độ buông xả bao nhiêu), và sự hài hòa này sẽ tỏa ra tới người chung quanh. Nó có tính cách tỉ lệ thuận, đi càng xa kinh nghiệm càng nhiều, là vậy. Có một số người có một tư tưởng khờ dại là họ sẽ giác ngộ trong vòng hai tuần lễ. 

Phật tánh vốn sẳn có trong chúng ta, đó là một điều không còn nghi ngờ gì cả. Vậy làm sao mình có thể trở thành một cái gì khác? Chúng ta đang hiện hữu lúc này và ở đây. Nhưng điểm chính yếu là làm sao nhận diện nó là như thế nào — kinh nghiệm, trạng thái, ý thức hệ? — và làm sao áp dụng nó vào đời sống sau khi nhận diện nó. Đó là một quá trình tu tập không đoạn cuối. Nó không dễ. Nó cần rất nhiều cương quyết. Nó đánh đổi bằng rất nhiều sự hy sinh, dâng hiến chân thành cho bản thân chúng ta và cho mọi người chung quanh.

Dĩ nhiên, trong khi chúng ta tu tập, thì mọi sự và lý sẽ hòa nhập và vận hành cùng phát triển với nhau. Mặc dù chúng ta không thích, nhưng chúng ta vẫn phải ngồi. Thật tình mà nói, tôi cũng không thích giống như bạn. Nhưng khi chúng ta ngồi một cách kiên trì và nhẫn nại qua những cơn đau như thế, có một cái gì đó phát triển trong mỗi chúng ta. Nếu có thể, thì trình pháp đều đặn với vị thầy; nó có thể không phải cái thứ mình nghĩ; nó cũng có thể không phải là cái mình đã suy đoán trong đầu. Chúng ta thay đổi (Quả) bởi cái chúng ta làm (Nhân). Và chúng ta đang làm cái gì? Nó tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta trong từng giây phút; hoặc là từ bỏ cái giấc mơ của cái bản ngã không thật có của mình, hoặc là nhận cái bản chất hiện tại của mình như-nó-là.

Lúc ban đầu, có thể chúng ta không hiểu vì nó có vẻ quá trừu tượng. Khi tôi lần đầu tiên nghe thuyết pháp, tôi đã nghĩ, “họ đang nói gì vậy?” Nhưng chúng ta nên có đủ niềm tin để thực hành tọa thiền mỗi ngày, đi xuyên qua sự mơ hồ, luôn kiên trì, tu tập một cách nghiêm chỉnh. Đây không phải là điều dễ dàng gì, cho nên những ai đã trải qua khóa tu học thành công rất đáng được ca ngợi. Tôi không muốn làm chương trình tu tập khó khăn hơn mức độ cần thiết. Tôi nghĩ những ai đến đây để tu học, họ là những người có tinh thần hướng thượng. Nhưng chính bạn mới là người có thể đem cái tinh thần đó của bạn áp dụng vào sự thực hành.

Trên phương diện tinh thần, chúng ta chỉ là những trẻ thơ; chúng ta chỉ trưởng thành trong một giới hạn chừng mực nào đó thôi. Thật ra, tầm khả năng phát triển của chúng ta là vô hạn. Nếu chúng ta thực hành đủ kiên nhẫn, bền chí, phấn đấu, nổ lực, chúng ta sẽ góp phần thật nhiều cho thế gian này. Nếu chúng ta thể nhập được vào bản thể của đời sống, lúc đó mới là lúc chúng ta sống với trọn vẹn — có từ bi hỉ xã — có sự hài hòa cho mọi người, cho bản thân. Vì vậy, tu tập hay không là tùy theo mỗi người chúng ta.

Đó là tiến trình, còn quyết định làm hay không là tùy theo chúng ta. Phương thức có thể còn trừu tượng đối với một số người, và họ cần thời gian (có thể nhiều năm) mới trực nhận ra là phải làm như thế nào là đúng. Còn bây giờ ở giai đoạn này, hãy cố gắng hết khả năng: đến tu học, liên tục tọa thiền, nổ lực trau dồi tận khả năng. Những việc này rất quan trọng: đây là một quá trình chuyển hóa quan trọng bậc nhất trong một kiếp người.

Thẩm quyền

Sau nhiều năm giao tiếp với nhiều người, tôi vẫn còn kinh ngạc là, có vấn đề (khoảng khác biệt) tồn tại giữa đời sống và sự tu tập của chúng ta. Không nên như thế đâu! Nhưng nói là một chuyện, còn nhận diện ra nó hay không là một chuyện khác. Lời cuối của đức Thế tôn trước khi đại Niết bàn là, “mỗi người hãy tự là ngọn đèn cho chính mình.” Ngài đã không có nói, “Hãy tìm đạo sư này hay thiền sư kia, hoặc đến trung tâm Thiền kia hay thiền đường nọ.” Không phải là như vậy, mà tôi muốn nhắc lại một lần nữa là, “Tự là ngọn đèn cho chính mình.” Hay là, “Hãy tự thắp đuốc (ngọn đuốc kia chính là Chánh pháp) lên mà đi.”

Đề tài mà tôi muốn nói ở đây là vấn đề của “Thẩm quyền.” Thông thường chúng ta hoặc là có thẩm quyền đối với người khác (chỉ họ phải làm gì), hoặc là, tìm người lãnh đạo mình (bảo mình làm gì). Nhưng nếu chúng ta có đủ tự tin và sự hiểu biết, thì chúng ta sẽ không bỏ công tìm kiếm người lãnh đạo mình. Trong những trường hợp khẩn cấp, cuộc sống chúng ta có những phiền não, rắc rối, bấn loạn thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải có một người linh hướng để chỉ cho ta phải hay nên làm gì. Tôi hay cảm thấy tức cười khi có một vị thầy ghé thăm, thì mọi người đổ xô nhau để gặp người đó. Nói cho bạn nghe là, khoảng cách bao xa tôi phải đi để gặp vị thầy mới: có lẽ bên kia hành lang, chớ không xa hơn! Bởi lẽ tôi không phải là tôi không thích người này, mà là vì tôi biết rõ rằng, không ai có thể cho tôi biết về cuộc đời tôi ngoại trừ — ai? Không có thẩm quyền ở ngoài chính kinh nghiệm của mình.

Nhưng bạn có thể phản vấn, “Nhưng tôi cần một người thầy để giúp tôi thoát ly đau khổ của tôi. Tôi khổ và tôi không biết tí gì về nó. Tôi cần một người chỉ cho tôi phải làm những gì, phải không?” Không đúng! Bạn có thể cần, đó là một pháp tu; bạn cần người giảng nghĩa rõ ràng phương pháp đó để bạn áp dụng vào đời sống của mình — một người có thể giúp bạn hiểu được rõ ràng rằng: người có thẩm quyền, là vị thầy thật sự cho cuộc đời bạn chính là bạn — và chúng ta tu tập là để nhận diện kẻ thẩm quyền này “ông chủ.”

Chỉ có một người thầy. Người thầy đó là cái gì? Bản chất của đời sống. Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta là một sự biểu hiện của đời sống, chứ không là gì khác hơn. Bây giờ đây, sự sống vẫn đang diễn tiến không ngừng nghỉ, vừa chặc chẽ, vô tận và luôn luôn dạy chúng ta. Đây mới là một sự chỉ đạo mà chúng ta nên tin tưởng, và hiện hữu bất cứ thời gian, không gian nào. Bạn không cần phải đi đến một nơi đặt biệt nào cả để tìm ra vị thầy tốt hơn; bạn không phải có một hoàn cảnh thuận tiện (căn phòng yên tĩnh, đèn lờ mờ, xa đường xe chạy… căn thất?) Thật ra, hoàn cảnh càng bất tiện lại càng tốt hơn. Một góc nhỏ trong phòng đọc sách đã là quá tốt rồi. Một căn nhà bình thường thì đủ che nắng mưa rồi. Những nơi như thế thường không bao giờ ngăn nắp cả — bao giờ cũng có một cuốn sách phải nên trả về kệ của nó, một mảnh giấy vụn nên nhặt lên và bỏ vào thùng rác, … Tất cả chúng ta đều biết cái kinh nghiệm trực tiếp từ cái cội nguồn này! Nó đấy (một người thầy) lúc nào cũng dạy (thẩm quyền) chúng ta.

Đây là một học đường siêu cấp không phải ai cũng có khả năng học được. Người ta thường hay ngoảnh mặt quay đi đối với những phương thức dạy thế này. Họ không muốn nghe. Họ hay là bạn thích muốn nghe những gì? Cho đến khi nào chúng ta bị khổ đau tới tận cùng; trong cơn tuyệt vọng, thì chúng ta mới bắt đầu biết và chịu học những kinh nghiệm do khổ đau mang đến. Còn bằng không đến như thế, chúng ta cũng giống như là những con chim non. Thông thường, chim non thì làm những gì? Chúng chỉ biết mở miệng ra và đợi chờ được mớm thức ăn. Chúng ta tương tự thế, “Làm ơn đúc cho tôi những bài pháp tuyệt vời, tôi chỉ sẽ mở to miệng nhưng bạn phải cho thức ăn vào.” Giống như bọn trẻ con luôn hỏi, “Khi nào cha mẹ tới?” còn chúng ta thì lại nói, “Cho tới khi nào vị đạo sư, người linh hướng mới xuất hiện, trao truyền cho tôi những bí pháp để diệt đi đau khổ trong đời tôi?” Tin mừng là, Cha và Mẹ đã đến tự bao giờ rồi. Nhưng ở đâu? Ở đây. Cuộc sống luôn luôn ở đây! Nhưng vì cuộc sống của tôi sao khó khăn, cô đơn, buồn bã, ảm đạm; nếu cần phải trực diện với cuộc đời (như-nó-là) thì ai chịu làm chuyện ấy. Chắc có lẽ không có ai. Nhưng khi bắt đầu kinh nghiệm được phút giây hiện tại — người thầy chân chính — hòa nhập được từ tư tưởng, cảm giác vào phút giây hiện tại, thì chúng ta sẽ sống được với sự tuyệt vời của Pháp, của Chân lý, của Hỷ lạc. Đó là tu tập thiền mà chúng ta không cần phải dùng đến từ “Thiền”.

Mạch sống cuộc đời đã đợi chờ ở đây từ bao nhiêu kiếp thời gian rồi. Chúng ta không thể lẩn tránh (dòng bộc lưu) dù chúng ta có muốn làm thế: trong khi làm việc; khi họp quần với bạn bè, gia đình, bất kỳ nơi đâu nó đều hiện hữu. “Tọa thiền, tụng kinh đều đặn.” Nếu chúng ta hiểu rằng, mỗi phút giây đời sống là bài học, chúng ta sẽ không thể lẩn tránh học hỏi. Nếu chúng ta thể nhập từng phút giây, sẽ không có khoảng trống cho trần cảnh bên ngoài chen vào chi phối và điều khiển ta. Nơi nào nó có thể trú đây? Khi tôi chính là cơn khổ đau của tôi, thì thẩm quyền đang ở đâu? Sự chú tâm, bản thể của kinh nghiệm chính là Thẩm quyền, và nó cũng là nét rõ ràng cho hành động tốt nhất cần phải làm trong phút giây đó.

Có một vấn đề là: chúng ta luôn có khuynh hướng nhận diện sai lầm về Thẩm quyền. “Nếu tôi là người có mọi thẩm quyền về tôi, vậy không ai có thể bảo tôi phải làm một điều gì cả.” Có một cái gì không ổn trong lối suy luận này? “Tôi có tất cả thẩm quyền của tôi! Tôi sẽ đặt ra quan niệm sống cho riêng tôi, cách thức riêng để tu tập thiền của tôi.” — Thế thì rõ ràng chúng ta không bình thường chút nào cả. Nếu hiểu thẩm quyền (trong ý nghĩ hạn hẹp) như thế, thì chúng ta rơi vào nhị nguyên; lúc này thẩm quyền có nghĩa là Chủ đối lập lại với Tớ. Nếu tôi là kẻ có mọi thẩm quyền đối với tôi (trong nghĩa hạn hẹp này), thì tôi cũng chỉ là một nô lệ cho bản thân giống như là nô lệ cho một người khác. Đây là điều mà chúng ta cần phải thông suốt rõ ràng, nếu không chúng ta có thể bị chới với như đứng trong cát chảy: Nếu bạn không là chủ, tôi cũng không là chủ, những người khác bạn biết hoặc tôi biết cũng không là chủ, thì sự gì xảy ra? Bạn thấy thế nào?

Gọng kềm của Sợ hãi

Sự hạn chế của quan niệm về cuộc đời đã có từ lúc bắt đầu. Thực chất của quan niệm là nhân tố cho sự giới hạn của nó: nam hay nữ, chúng ta đều có những khuynh hướng dựa vào sự yếu đuối cơ thể hay vài loại bệnh tật nào đó. Tất cả những sự cố, hoàn cảnh, môi trường tạo ra cá tính riêng cho mỗi người. Bằng chứng điển hình là những người mẹ cưu mang, có sự khác biệt lớn giữa các con mình ngay từ trong bụng; nhưng chúng ta chỉ thấy sự khác biệt ở lúc sinh xong. Với chúng ta, đứa trẻ sơ sinh thật vô tư và cởi mở. Trong những tuần đầu tiên, điều cần thiết cho đứa bé là duy trì sự sống, chỉ nghe tiếng khóc của em bé, mọi người trong gia đình đều đình chỉ mọi công việc đang làm ngay, và ai cũng tìm cách làm một điều gì đó để êm dịu nó. Đứa bé cũng học ra được điều đó. Cuộc sống quả không luôn luôn suôn sẻ và dễ chịu. Tôi nhớ có một lần tôi làm rớt con trai đầu lòng của tôi xuống đất khi nó vừa được chào đời có sáu tuần vì nó trơn xà phòng.., tôi nghĩ tôi là người mẹ vụng về nhất.

Trước hơn hết, chúng ta luôn luôn muốn tự bảo vệ mình đối với những bất trắc thường hay xảy ra. Với niềm lo sợ, chúng ta bắt đầu thu nhỏ mình lại. Cả vùng trời tuổi trẻ, đầy cảm giác bị bóp nhỏ, đưa nó lọt qua cái phễu, chui dần vào gọng kềm của sợ hãi. Khi bắt đầu có hiểu biết thì vận tốc thu hẹp càng gia tăng. Tri thức càng cao thì quá trình thu nhỏ càng trở nên cấp bách hơn. Và bây giờ, chúng ta không còn chỉ muốn giải quyết những mối hiểm họa, mà niềm sợ hãi đã ngậm nhấm vào mỗi tế bào trong thân thể, làm cho chúng ta liên hệ (qua ký ức) những đe dọa mới và cũ thành một khối, tiến trình này trở thành thói quen tự nhiên.

Tất cả chúng ta rất quen thuộc với tiến trình tương quan điều kiện: ví dụ, khi tôi còn là một con bé; một thằng nhóc năm tuổi, tóc đỏ, vừa to con, vừa du côn, đến giực đi con búp bê của tôi mà tôi rất ưa thích. Dĩ nhiên tôi sợ — một sự kiện. Từ độ đó, mỗi khi có một người tóc đỏ thoáng ngang qua đời tôi, tôi cảm thấy bất an mà không rõ lý do gì. Vậy chúng ta có thể nói sự kiện là nguyên nhân của vấn đề trong đời sống hay không? Không! không hẳn đúng là vậy. Sự việc mặc dù đã xảy ra, và có thể tái diễn nhiều lần nhưng rồi cũng tan biết theo thời gian. Vì lý do đó, có người biện hộ một cách lầm lẫn rằng, “Nếu tôi biết được quá khứ của tôi, tôi sẽ không còn ngạc nhiên và than trách gì về hiện cảnh tồi tàn hôm nay. Số mạng đã an bài vậy, tôi không còn hy vọng gì khác hơn.” thì không gói trọn vấn đề thật sự. Sự thật là: Đúng vậy! Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những sự cố, lần này sang lần khác, làm cho ta thay đổi quan niệm sống. Điều đó có xảy ra là một sự thật. Bởi vì, nỗi lo sợ xâm lấn vào tư tưởng, và bao trùm cách hành xử, lề lối sống của chúng ta. Tôi có thể sửa đổi hay không, cái quan niệm, nhân sinh quan, thế giới quan cho phù hợp với cuộc đời; đó là điều không quan trọng. Cái quan trọng và đáng kể là, những quyết định cá nhân của tôi, dựa vào cái tầm nhìn hạn chế (do sự lo sợ đã tạo cho ta cái nhìn nhỏ hẹp này) có thể cho tôi cơ hội tồn tại hay không trong đời sống này.

Cái gọng kềm của sợ hãi không phải là nguyên nhân của sự giới hạn; mà là do sự quyết định vì mình, tôi phải dựa vào điều kiện đó. Cũng may mắn là cái quyết định này là sáng tác của tư tưởng và được phản xạ qua sự co rút trong thân ta; cho nên nó có thể trở thành tài liệu cho ta học tập (kinh nghiệm) trong giây phút hiện tại. Tôi không cần sự hiểu biết tri thức về sự hạn chế của tôi mặc dù đôi khi nó cũng hữu ích. Tôi chỉ cần biết loại tư tưởng nào làm tôi luyến đắm lúc này, và mức độ giới hạn mà tôi đang bị vướng mắc. Trong lúc tọa thiền tôi có thể ghi nhận những tư tưởng và vướng mắc, từ đó gọng kềm sợ hãi sẽ lộ diện. Khi tôi thấy được vấn đề là thế nào, thì cái định danh không thật của tôi cộng với cái ngã hạn chế từ từ phai mờ đi. Càng hiểu thấu và sống với bản thể tự thân (vô ngã), ta đáp ứng cuộc đời càng cởi mở hơn. Tự tánh từ lâu đã bị che khuất và bỏ quên, giờ đây hiển lộ; và bấy giờ ta thấy được là gọng kềm sợ hãi vốn không thật, nó chỉ là sản phẩm của cái tâm thiếu hiểu biết dựng lên để tự tròng vào cổ của chính mình.

Tới điểm này chợt nhắc cho tôi nhớ hai đoạn thơ nói về tấm gương. Hai bài thơ được đặt ra để cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn phán xét xem ai đã liễu ngộ, để chọn ra người kế thừa. Bài thơ của thượng tọa Thần Tú nói, “Tu hành giống như là lau chùi tấm gương, mà bụi bám trên gương chính là vọng tâm, khi bụi sạch gương sáng thì tâm ta hiển lộ.” Ngũ tổ nói bài này chưa đến rốt ráo. Còn bài kia là của Huệ Năng, “Từ thưở ban đầy vốn không có tấm gương, thì làm sao có chổ để bụi có thể bám, do đó đâu cần phải chùi… vấn đề là ở cái chổ thấy”. Ngũ tổ thấy sự liễu ngộ trong bài pháp, nên chọn Huệ Năng làm người kế thừa.

Trường hợp bài kệ của Lục Tổ là thấy được Tự tánh; còn theo căn cơ của chúng ta — theo nghịch lý mà tu tập — thì nên theo bài kệ kia (của thượng tọa Thần Tú): chúng ta phải chùi gương; chúng ta phải quán sát tư tưởng và hành động của mình; chúng ta phải quán sát những phản ứng bất thiện trong cuộc sống. Chỉ khi nào làm được thế, chúng ta sẽ thấy được cái gọng kềm sợ hãi kia chỉ là ảo tưởng. Sau khi rõ ràng được như vậy, chúng ta không còn bị mê mờ nữa. Nhưng chúng ta sẽ không liễu ngộ được Chánh tri kiến, nếu chúng ta không biết không ngừng nghĩ lau chùi (quán chiếu) tấm gương tâm của mình.

Thỉnh thoãng có người nói, “Đâu cần phải làm gì cho mệt; đâu cần thiết phải dụng công. Nếu bạn thấy rõ ràng đủ, thì tu tập như thế là ngớ ngẩn.” Nhưng mà chúng ta không thấy rõ ràng đủ. Và chính vì mê mờ cho nên chúng ta mới gây nên những náo động không cần thiết cho bản thân và mọi người chung quanh. Chúng ta phải tu tập, chúng ta phải lau chùi (quán sát) cho đến khi nào thực chất cuộc đời thâm nhập đến nội tạng, xương tủy chúng ta. Khi đó, chúng ta có thể thấy các pháp từ lúc sinh cho đến lúc diệt; đời sống sẽ thật hoàn hảo. Nhưng đừng tự lừa dối mình bằng cách thực hành qua loa, và dừng lại hưởng thụ cái thành quả tưởng tượng do bộ óc suy đoán ra. Hãy tu tập nổ lực cho đến khi sự thể rõ ràng hiển hiện trước mắt chúng ta.

Những gì tôi trình bày tới bạn là khía cạnh lạc quan của sự tu tập, mặc dù trong lúc thực hành sẽ có nhiều khó khăn và trở ngại. Nhưng hãy đặt câu hỏi cho vấn đề này, “chúng ta có sự lựa chọn nào khác không?” Một là chúng ta chết dần — bởi vì, khi nào chúng ta còn nằm trong gọng kềm của sợ hải, thì chúng ta sẽ bị bóp xiết cho đến chết trong đau khổ. Hoặc là, chúng ta từ từ có được sự hiểu biết và kinh nghiệm để siêu thoát cái gọng kềm quái ác đó. Tôi thì không nghĩ rằng chúng ta có sự lựa chọn nào khác. Còn theo bạn thì sao?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 2015(Xem: 17341)
Tôi đã từng nghe về một Vạn Phật Thánh Thành cách đây vài mươi năm về trước, khi từ thời ngài Tuyên Hóa còn sống trước năm 95 nhưng quả thật tôi chưa đủ duyên để diện kiến ngài và tu học dưới mái chùa ngài.
15 Tháng Giêng 2015(Xem: 7412)
Vun xới các phẩm tính nội tâm chính là cách hữu hiệu hơn cả để giúp mình giúp đỡ kẻ khác. Tuy ban đầu thì các kinh nghiệm mà mình thu thập được cũng chỉ liên quan đến cá nhân mình, thế nhưng sau cùng thì chúng cũng sẽ mang lại cho mình một sự cảm thông sâu rộng hơn đối với vạn loài chúng sinh.
05 Tháng Giêng 2015(Xem: 8550)
Trong giòng sống lịch sử, mọi sự thăng trầm, thạnh suy, bỉ thái đều có quy luật tất yếu liên quan đến Đạo lý Nhân Quả. Thiền giúp chúng ta không nhận thức sai lầm về Nhân Quả, mà phải thấu suốt Nhân quả thật rõ ràng, biết giữ vị trí đúng, quan hệ đúng và hành động đúng trong mọi tình huống, mọi thời đại, không bị các thế lực vô minh lôi cuốn, nhấn chìm.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14323)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn
25 Tháng Chín 2014(Xem: 6833)
Thiền định, thiền quán và thiền định thiền quán song tu, hay nói gọn theo người xưa là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu, của Đại thừa được đặt nền trên thực tại tối hậu mà các kinh thường gọi là Thật tướng của tất cả các pháp, Pháp tánh, tánh Không, Chân như, Phật tánh, Pháp giới tánh, Pháp thân…
08 Tháng Tám 2014(Xem: 7636)
Ở Tây phương có rất nhiều quan niệm sai lầm về Thiền quan hệ đến một số điểm cốt yếu mà bên Đông phương cho là dĩ nhiên, nhưng tâm thức Tây phương không hiểu và tán thưởng nổi. Trước hết, trong việc nghiên cứu Thiền, không phải chỉ học giáo lý là quan trọng, mà phải biết đôi chút về lối sống của các Thiền gia ở các nước Đông phương.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 14096)
Thực tại Thiền không phải là cái gì mới lạ. Đó là Phật tánh trong kinh Đại Bát Niết Bàn, là Tri Kiến Phật hay Thật tướng của các pháp trong kinh Pháp Hoa, là Như Lai Tạng trong kinh Lăng Nghiêm, Thắng Man, là Pháp Giới Tánh trong kinh Hoa Nghiêm, là Tánh Giác trong kinh Viên Giác, là Tánh Không trong kinh Đại Bát Nhã, là Thánh Trí Tự Giác trong kinh Lăng Già…
07 Tháng Bảy 2014(Xem: 13323)
Trước đây nhiều Tăng Ni, Phật tử Nam Bắc Tông cho rằng thiền Phật giáo Nguyên Thủy và thiền Phật giáo Phát Triển là hai loại thiền hoàn toàn khác biệt và thậm chí bên nào cũng tự cho rằng thiền của tông môn mình hay hơn, đúng hơn. Tất nhiên điều này phát xuất từ sự nghiên cứu, học hỏi một chiều, nặng cảm tính hơn là sự đối chiếu, so sánh một cách nghiêm túc, khách quan.
06 Tháng Sáu 2014(Xem: 9773)
Khi nghe chữ “thiền” thì nhiều người có những ý niệm khác nhau. Đối với một số người thì thiền tạo ra hình ảnh của một số pháp tu huyền bí mà bằng cách nào đó, bạn đi đến một cõi giới khác hẳn trong tâm trí. Đối với một số người khác thì thiền có thể tạo ra ý tưởng về một loại kỷ luật nào đó mà chỉ có một số người áp dụng ở Á châu.