9. Sự Phục Vụ

12 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 10024)

THIỀN TRONG
TÌNH YÊU VÀ CÔNG VIỆC
Nguyên tác: Everyday Zen — Love & Work
Tác giả: Charlotte Joko Beck
Biên tập: Steve Smith
Dịch Việt: Lương Thanh Bình

Chương 9 : Sự Phục vụ

Ước muốn của các người (sẽ được) hoàn tất

Trong tuần này, nhiều người trong chúng ta xem chương trình tài liệu từ truyền hình về đời sống và việc làm của mẹ Teresa. Vài người gọi bà là thánh. Tôi không chắc rằng cái tước hiệu như thế kia có ý nghĩa nhiều gì đối với bà; nhưng những gì tôi thấy ra đáng quan tâm nhất là bà chỉ làm việc kế tiếp, rồi kế tiếp, rồi lại kế tiếp, hoàn toàn cuốn hút bản thân bà vào trong mỗi việc — đó là những gì chúng ta cần nên học. Đời sống của bà là công việc của bà, làm mỗi việc một cách hết lòng, từng phút giây sang phút giây khác.

Chúng ta, những người Mỹ sành điệu luôn có khó khăn để thấu hiểu lối sống như thế; nó thật là khó, nhưng nó lại là sự tu tập của chúng ta. Nó không phải ước muốn của tôi mà là của anh chị sẽ được toại. Đây không có nghĩa là “của anh chị” thì khác biệt so với của tôi, nhưng nó thì khác hơn theo nhận thức là: đời sống của tôi là một hình thức cá biệt theo thời gian và không gian tính, còn ước muốn của anh chị thì không theo thời gian và không gian, nhưng theo chính sự vận hành của chúng: móng tay vẫn mọc, lá gan vẫn lọc trong thân thể, sự nổ tung của một vì sao — nỗi thống khổ và kỳ diệu của vũ trụ. Chủ nhân ông.

Vấn đề với sự tu tập của vài tôn giáo là sự cố gắng vội vàng của cá nhân để tu tập một đời sống theo “Ước muốn của anh chị được toại” trước khi có bất kỳ sự hiểu biết thâm sâu gì để nhận lãnh. Trước khi tôi có thể hiểu “Ước muốn của anh chị”, tôi phải bắt đầu thấy ra cái ảo tưởng của “Ước muốn của tôi”: Tôi phải biết càng thâm sâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu rằng cuộc đời của tôi bao gồm “Tôi muốn” và “Tôi muốn” và “Tôi muốn.” Tôi muốn cái gì? Dường như mọi thứ, có khi nó tầm thường, đôi khi “thuộc về tinh thần,” và (thông thường nhất) làm sao bạn nên là “những gì tôi muốn bạn nên là thế nào.”

Khó khăn trong đời sống phát sinh bởi vì những gì “Tôi muốn” sẽ luôn luôn va chạm với những gì “Anh chị muốn” chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Đau đớn và khổ đau thì không thể tránh khỏi theo sau đến. Nhìn vào mẹ Teresa, cho thấy ra rất rõ ràng là, nơi nào không có “tôi muốn” tồn tại thì có hạnh phúc hiện hữu; hạnh phúc của sự làm những gì cần phải hoàn tất với quá trình không có tư tưởng của “tôi muốn” hiện diện.

Một điểm mà bà đã biểu hiện được là sự khác biệt giữa công việc của một người và công tác của một người. Mỗi người trong chúng ta có vài hình thức của công việc — chẳng hạn như một bác sĩ, luật sư, học sinh, nội trợ, thợ sửa nhà — nhưng những hình thức này không phải là công tác (công tác có tính được mời gọi) của chúng ta. Tại sao? Trong tự điển ghi là, “công tác” bắt nguồn từ từ ngữ Latin “vocatio”, nghĩa là kêu gọi hay mời gọi. Mỗi người chúng ta (dù cho chúng ta có lưu ý hay không) thì được mời gọi hay kêu gọi bởi bản thể (của anh chị); chúng ta sẽ không có mặt ở trung tâm thiền nếu cái gì đó không khuấy động. Đời sống của mẹ Teresa thì không giúp đỡ người nghèo, nhưng để đáp lời lại tiếng kêu và sự mời gọi. Giúp đỡ người nghèo không phải là công việc của bà, nó là công tác của bà. Truyền đạt kiến thức không phải là công việc của tôi, nó là công tác của tôi. Bạn cũng thế.

Thật ra công việc và công tác của chúng ta vốn là một. Ví dụ, hôn nhân là nhiều dạng của công việc (kiếm tiền, chăm sóc con cái và nhà cửa, giúp đỡ người hôn phối và cộng đồng), nhưng công tác của hôn nhân vẫn luôn là tâm điểm. Nó là bản thể của chúng ta, kêu gọi, mời gọi chính mình. Khi chúng ta rõ ràng về ai là chủ nhân ông, thì công việc trôi chảy một cách dễ dàng. Bằng như không, thì công việc của mình sẽ có sai lầm, mối quan hệ của chúng ta có rạn nứt, bất kỳ hoàn cảnh nào có chúng ta dự phần đều có thiếu sót.

Tất cả chúng ta quay cuồng một cách vui vẻ về phía trước, làm việc làm của mình, nhưng chúng ta có thể mù quáng về công tác của mình. Vậy thì làm thế nào để chúng ta bớt đi mù quáng, làm thế nào chúng ta có thể nhận thức ra công tác của mình, chủ nhân ông của mình? Làm thế nào chúng ta hiểu “Ước muốn của các anh chị được toại”?

Hai giai đoạn tu tập đòi hỏi nơi chúng ta (mà chúng ta luôn do dự giữa chúng). Giai đoạn một là nhận thức ra một cách thành thật rằng, tôi không muốn làm “Ước muốn của anh chị” — mà thực tế, quên hẳn nó đi, tôi không có thích thú gì cả trong việc làm ấy. Tôi muốn luôn luôn làm những gì tôi muốn mà thôi: tôi muốn được cái tôi muốn; tôi không muốn những thứ làm cho tôi khó chịu; tôi muốn thành công, lạc thú, sức khỏe, không phải là những thứ khác. Cảm nhận này về “tôi muốn” tỏa khắp từng tế bào của thân thể tôi; đó là điều không thể nào cho chúng ta để diễn giải tường tận về đời sống nếu không có nó.

Tuy nhiên, khi chúng ta ngồi một cách kiên nhẫn qua nhiều năm với sự chú tâm cao độ, chúng ta có thể tập trung, thì giai đoạn thứ hai hình thành: kiến thức được gầy dựng trong tế bào của chúng ta về chúng ta thật sự là ai, đồng thời, niềm tin trên khái niệm của chúng ta (ước muốn của tôi) từ từ yếu đi. Vài người thích nhìn thấy tu thiền như là một cái gì bí ẩn, xa vời, tách biệt hẳn từ thực tế. Không! Hoàn toàn không đúng như thế cả. Thay vì một sự chuyển đổi chậm ở mức độ vi tế dạy cho chúng ta theo thời gian từ năm này sang năm khác. Với sự vắng mặt của tình trạng cân nhắc triết lý, chúng ta bắt đầu thấy ra ai là Chủ nhân ông. Ước muốn của anh chị và ước muốn của tôi thì càng trở nên giống như nhau.

Tôi không cảm thấy buồn gì cả cho mẹ Teresa. Bà đã làm những gì đã mang đến cho bà những niềm hoan hỉ lớn lao. Tôi ngược lại cảm thấy buồn cho tất cả chúng ta, những người đang bị kẹt cứng một cách mù quáng trong lao tù đời sống của “ước muốn của tôi sẽ được thành”, kẹt trong sự bồn chồn và hỗn loạn.

Tất cả đời sống của chúng ta đều mang lại những vấn đề — hoặc là, có phải chúng ta đã được ban cho những cơ hội? Chỉ khi nào chúng ta học cách tu tập và có thể chọn (cho mình một cách ứng phó) chứ không trốn chạy những cơ hội của mình, mà chỉ ngồi qua cơn giận, sự kháng cự, nỗi buồn và thất vọng của mình, thì chúng ta có thể nhìn thấy bề mặt phía bên kia. Mặt kia thì luôn luôn: không phải là ước muốn của tôi mà là của anh chị được toại — một đời sống chúng ta thật sự muốn. Những gì cần thiết? Một đời sống dài trong tu tập.

Không đổi chác

Sự phân biệt giữa một đời sống có thao tác và một đời sống không bị lôi kéo là gì? Là một thiền sinh, chúng ta có lẽ không nghĩ về bản thân mình như một kẻ thao tác. Hãy thừa nhận sự thật, chúng ta đâu phải đang đánh cướp phi cơ đâu. Nhưng ở mức độ vi tế, tất cả chúng ta đều là người thao tác, và chúng ta thật ra không muốn như vậy.

Hãy xem xét hai lối mà chúng ta hành xử trong đời sống. Một mặt, hành động có thể bị điều khiển bởi “vọng tâm” của ta: sự ước đoán của tâm, tưởng tượng, tham vọng — cái tâm bé nhỏ mà chúng ta đối mặt trong khi ta tọa thiền. Ví dụ, chúng ta có vài lý do để không thích một người, và đã đối xử với người đó theo một cách có thành kiến. Mặt khác, hành động có thể bắt nguồn từ cảm xúc giác quan vào đời sống của mình. Giả sử là, khi đi ngang qua nhà bếp, tôi làm rơi một quả nho xuống sàn nhà. Tôi nhận ra đó, cúi xuống, nhặt nó lên. Đó là hành động bị điều khiển bởi cảm xúc giác quan (phản ứng); nó là hành động không bị thao tác.

Nhưng giả sử rằng, tôi có một khái niệm: nhà bếp thì phải thật sạch sẽ. Có cái khái niệm này, tôi luôn luôn tìm cách lau chùi và giữ cho nó thật sạch. Giờ đây, có cái khái niệm này thì không thành vấn đề; nó cũng tốt khi có một nhà bếp sạch sẽ. Nhưng khi cái khái niệm chừng như không còn được xem như là một khái niệm nữa — ví dụ, nếu chúng ta sống trong một gia đình mà căn nhà sạch sẽ là điều quan trọng nhất trong đời sống gia đình — chúng ta có một khái niệm để phát sinh ra hành động, thay vì hành động bắt nguồn từ cái nhu cầu do nhận thức được. Ví dụ cụ thể, mức độ sạch sẽ của sàng nhà bếp có thể được áp chế tùy vào ta có trẻ nhỏ hay là không. Nếu bạn có ba hay bốn đứa con vào khoảng sáu tuổi hay nhỏ hơn, cái sàng nhà bếp của bạn sẽ không bao giờ sạch bóng — ngoại trừ khi bạn là mẫu người mẹ nghĩ rằng cái nhà bếp bóng loáng thì quan trọng hơn gia đình. Vài người trong chúng ta đã lớn lên trong những gia đình như thế. Trong trường hợp này, thì mọi thứ bị trở ngược. Một khái niệm thì chừng như không chỉ còn là một khái niệm nữa — nó được xem như là một chân lý rồi. “Nhà bếp nên thật sạch. Đó là một điều tội lỗi nếu nhà bếp thì không sạch sẽ.”

Để thành toàn cái khái niệm của chúng ta, chúng ta sẽ tàn phá gia đình, đất nước, mọi thứ. Tất cả chiến tranh đều dựa vào những khái niệm, vài ý thức hệ mà một quốc gia nói là sự thật (chân lý, đúng). Cái vọng tâm thì luôn luôn độc tài, luôn luôn muốn sửa chữa cái thế giới để ép buộc thi hành cái khái niệm, thay vì cởi mở để nhận thức ra những nhu cầu. Cho nên khi hành động trái ngược (đi ngược chiều) thì nó trở nên có tính thao tác. Chúng ta phải có những khái niệm để vận hành; chúng thì không phải là vấn đề. Vấn đề được tạo ra khi chúng ta tin rằng những khái niệm này là chân lý. Nghĩ là một nhà bếp phải sạch sẽ, thì không phải là một sự thật — nó là một khái niệm. Vọng tâm thích thú đổi chác chứ không thích kinh nghiệm. Đó có nghĩa là gì?

Nỗi khổ đau của chúng ta đã bám rễ trong cảm giác không thật của bản ngã, một cái ngã cấu thành từ khái niệm. Nếu chúng ta nghĩ cái ngã này thực sự tồn tại, và tin tưởng vào những khái niệm của nó là chân lý, kể từ đó chúng ta bắt đầu cảm thấy chúng ta phải bảo vệ cái ngã đó, phải thỏa mãn tham vọng của nó. Nếu chúng ta nghĩ, một nhà bếp phải sạch sẽ, rồi chúng ta áp dụng bản thân để tiến hành mệnh lệnh này, ngay cả áp bức kẻ khác để đạt đến mục đích. Một cái “Ngã” đơn giản là một cá nhân mà người ấy tin tưởng khái niệm của mình là một sự thật, và bị ám ảnh bởi bất cứ việc gì có thể thực hiện được để bảo vệ cái ngã với những khái niệm để khích lệ lạc thú và tiện lợi của nó.

Khi chúng ta sống theo lề lối này thì hai chữ: “Tôi muốn” sẽ thao túng cả cái thế giới của ta. Nếu chúng ta thật sự nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng, Tôi muốn đang điều khiển cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể muốn được ủng hộ, muốn thành công, muốn được giác ngộ, muốn được yên tỉnh, muốn được khỏe mạnh, muốn được kích thích, muốn được yêu đương. “Tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn.” Luôn luôn chúng ta muốn bởi vì chúng ta cố gắng chăm sóc cái khái niệm này, cái mà chúng ta nghĩ là “Bản ngã” của ta. Chúng ta muốn uốn nắn đời sống cho ăn khớp với cái khái niệm về nó (cuộc sống) của chúng ta.

Ví dụ, nếu chúng ta muốn xuất hiện như một người không ích kỷ, chúng ta sẽ sắp đặt mọi thứ để cho chúng ta trông có nét vị tha. (Nét dáng kia có lẽ không dính dấp gì với nhân cách thật của ta.) Để được thế, trong sự đánh đổi, thì những cử chỉ, hành động, không có thứ nào vốn là tư cách của chính mình được tự do hoạt động thoải mái, cũng vì bởi sự kỳ vọng (có nét vị tha). Khi chúng ta làm một hành động chúng ta kỳ vọng điều gì đó trở về; giống như trong sự trao đổi cho những gì chúng ta kỳ vọng có lại thứ khác. Trong nghĩa trao đổi thông thường, nếu bạn bán chuối, tôi trả tiền nhiều thì tôi sẽ có nhiều chuối; đó là trao đổi công bằng. Nhưng cái trò chơi mà chúng ta đang chơi về kỳ vọng có được những gì từ sự trao đổi qua cách xử thế của chúng ta thì không giống như vậy.

Ví dụ, nếu tôi cho ra một món quà (thời gian, hay tiền bạc, hay sự phấn đấu), tôi kỳ vọng những gì? Bạn kỳ vọng những gì? Có lẽ tôi cảm thấy tôi nên có được sự biết ơn. Nếu chúng ta cho ra bất kỳ thứ gì chúng ta kỳ vọng trao đổi cho một thứ khác. Chúng ta muốn người đó thỏa mãn khái niệm cá nhân của chúng ta. Khi chúng ta cho ra một món quà thì chúng ta là cao thượng phải không? Chúng ta đang cho hắn gì đó; anh ta ít nhất phải nên biết phải không? Chúng ta kỳ vọng sự trao đổi cho cái đó. Nó là một sự đổi chác; chúng ta biến đời sống “ngoài kia” thành những gì mà chúng ta đang trao đổi, mua bán.

Nếu chúng ta làm việc cho một tổ chức, chúng ta kỳ vọng sự đổi chác trong đó. Nếu chúng ta làm một điều gì cho tổ chức, nửa phần kia thì ở đâu, sự trao đổi thì ở đâu? Nếu chúng ta tham gia vào một hội đoàn, chúng ta kỳ vọng một thứ gì đó: có thể sự thừa nhận, sự quan trọng, tiếp đãi đặt biệt.

Nếu chúng ta kiên nhẫn trong một hoàn cảnh khó khăn, và giữ êm lặng (“Bạn biết, bất cứ ai khác sẽ nổi cơn, nhưng tôi thì kiên nhẫn”), chúng ta kỳ vọng gì trong sự trao đổi này sau đó? Có ai đó nên nhận ra chúng ta kiên nhẫn ra sao! Luôn luôn chúng ta tìm kiếm sự trao đổi; chúng ta thậm chí đặt dấu hiệu đồng tiền lên nó. Hoặc là nếu chúng ta là người hiểu biết và tha thứ (“Rốt ráo thì mọi người đều biết cô ta là người khó tính như thế nào rồi”) chúng ta kỳ vọng gì? Nếu chúng ta hy sinh bản thân, chúng ta nên có được những gì trong sự trao đổi? Nhiều trò giữa bậc cha mẹ và con cái thì nằm trong phạm vi này. “Ta đã làm mọi thứ cho con — con thật không biết ơn và ..!” Đây là “sự đổi trao” một cách tâm lý: thao túng, một hình thức cướp đoạt một cách tế nhị cao cấp.

Những gì chúng ta kỳ vọng thì thường rất ít khi có được. Nếu chúng ta tu tập đủ lâu thì sẽ thấy rằng, bất cứ sự kỳ vọng nào qua cách trao đổi đều là sai lầm. Thế gian không bao gồm những đối tượng “ngoài kia”, nhằm mục đích để thỏa mãn những khái niệm của tôi. Vào lúc chúng ta thấy rõ ràng rằng, phần lớn mọi thứ chúng ta làm đều không ngoài sự kỳ vọng qua sự trao đổi — một nhận thức đau lòng nhất.

Khi sự kỳ vọng không thành — khi chúng ta không có được những gì chúng ta đeo đuổi — chính phút giây đó thì sự tu tập có thể khởi đầu. Sư trưởng Trungpa đã từng viết rằng “Sự thất vọng là một chiến xa tốt nhất để dùng trên con đường phật pháp.” Sự thất vọng là người bạn chân chính, cẩm nang có thể tin cậy của chúng ta; nhưng dĩ nhiên không một ai thích loại bạn như thế.

Khi chúng ta khước từ làm việc với sự thất vọng của mình, thì chúng ta đã vi phạm lời dạy: thay vì kinh nghiệm cơn thất vọng, chúng ta lại dùng tới giận dữ, tham lam, tán gẫu, chỉ trích. Nhưng phút giây của trạng thái thất vọng thì rất lợi ích; nếu chúng ta không vui lòng kinh nghiệm nó, thì ít nhất chúng ta nên nhận ra là chúng ta không sẳn lòng để làm thế. Phút giây thất vọng trong đời là một món quà không gì sánh bằng mà chúng ta nhận nhiều lần trong một ngày nếu chúng ta có cảnh giác. Món quà này thì luôn luôn phơi bày ra trong đời sống của mọi người, ở trong phút giây “Đó không phải là cách tôi muốn nó xảy ra!”

Bởi vì đời sống hàng ngày trôi qua lẹ quá, chúng ta không luôn luôn có sự tỉnh giác rõ ràng về những gì đang xảy ra cho ta. Nhưng khi chúng ta ngồi yên thì chúng ta có thể quan sát và kinh nghiệm nỗi thất vọng của mình. Tọa thiền mỗi ngày là việc cơ bản của chúng ta, chất liệu căn bản của pháp; không có nó chúng ta có khuynh hướng bị lầm lẫn.

Ngay cả sau một khóa tu ngắn hạn như khóa vào tuần rồi của chúng ta, tôi thấy vui lòng khi nhìn thấy nét mềm dẽo, cởi mở ở mọi người. Khóa tu thì đơn giản chỉ là một lời từ chối đối với những kỳ vọng của chúng ta. Từ khi bắt đầu cho đến phút cuối của một khóa tu đã được trù tính để làm cho ta thất vọng! Không thể tránh khỏi là nó làm cho ta đau đớn từ thể xác cho đến tinh thần. Nó kéo dài cái kinh nghiệm về “Đó không phải là cách thức mà tôi muốn nó!” Khi chúng ta ngồi với những cảm giác đó, luôn luôn có những chuyển biến thặng dư trong chúng ta. Trong vài trường hợp nó thì rất rõ ràng. Nhưng người mà đạt được kết quả tốt nhất thì thường là người ít khi dự những khóa tu. Những người kỳ cựu có thể tránh khóa tu ngay cả khi họ dự nó! Họ biết cách để tránh cơn đau đớn ở chân cho nên nó không đến nổi quá tệ; họ biết nhiều mánh khóe tế nhị để tránh mọi thứ. Bởi vì thiền sinh mới có ít kỹ năng cho nên khóa tu ảnh hưởng nặng nề hơn và thông thường có những thay đổi rõ rệt.

Chúng ta cảnh giác những kỳ vọng của mình càng nhiều, thì chúng ta thấy nhiều hơn sự khao khát của ta muốn thao túng cuộc sống hơn là sống với như-nó-là. Những thiền sinh vững vàng không còn giận dữ thường xuyên nữa bởi vì họ thấy kỳ vọng, tham muốn của họ trước khi họ phát khởi cơn giận. Nhưng nếu thời kỳ của cơn giận đã đến thì nó là sự tu tập. Tín hiệu cho chúng ta tu tập, “đèn đỏ” của mình, là ở phút giây đảo lộn, thất vọng. “Đó không phải là cách thức mà tôi muốn nó!” Vài kỳ vọng không được hoàn thành và chúng ta cảm nhận sự cáu bẳn, sự chán nản, cái tham vọng để được nó, thì hoàn toàn trái ngược. “Tôi muốn” thật là thất vọng. Ở phút giây này, khi mà “Tôi muốn” thì thật là thất vọng, chính là cổng “Vô Môn” — bởi vì con đường duy nhất để thay đổi hoàn toàn “Tôi muốn” trở thành “Tôi là” là quá trình kinh nghiệm bản chất của nỗi thất vọng và tình trạng chán nản.

Hành động phát xuất từ kinh nghiệm — nhặt quả nho lên từ sàng nhà bếp — là hành động bắt nguồn từ nhu cầu mà mình nhận thức ra; nó thì không bị thao túng. Hành động xuất phát từ vọng tâm của sự kỳ vọng, “Tôi muốn” là chuyên chế, xuất từ tâm của kẻ cướp. Khi chúng ta tin vào tư tưởng và khái niệm của mình về người khác hay sự kiện, chúng ta có khuynh hướng thao tác, và đời sống của chúng ta sẽ có rất ít cảm thông. Nhưng một đời sống của lòng bi mẫn thì không thao tác — đời sống không có sự đổi chác.

Dụ ngôn về Mushin

Ngày xưa trong một phố nhỏ có tên là Hy Vọng, có một người trai trẻ tên là Joe. Joe học khá sâu Phật pháp, và anh có một pháp danh là Mushin.

Joe sống một cuộc sống bình thường như mọi người khác. Anh đi làm và có một người vợ tử tế; nhưng mặc dù Joe hứng thú với Phật pháp, Joe vẫn là một người cộc cằn, tự cao, và cay cú. Rồi cũng chính vì cá tính đó cho nên một ngày kia, sau khi anh tạo ra mọi sự hỗn loạn trong sở làm, người xếp của anh nói, “Tôi chịu đựng anh đủ rồi, Joe. Tôi đuổi anh!” Thế rồi Joe rời sở làm. Thất nghiệp. Nhưng khi anh về đến nhà, anh nhìn thấy một lá thư của vợ mình, và trong thư có viết, “Tôi chịu đựng anh đủ rồi, Joe. Tôi rời xa anh.” Vậy thì Joe chỉ còn có căn phòng thuê, bản thân mình, và không còn gì khác.

Nhưng Joe, Mushin, không phải là người đầu hàng một cách dễ dàng. Anh nguyện rằng, dù cho anh không còn có việc làm và người vợ, anh sẽ có một thứ trong cuộc đời mà thật sự quan trọng — sự giác ngộ. Anh vội vã chạy đến một tiệm sách gần nhất. Joe nhìn qua loạt tất cả các cuốn sách dạy về phương thức để đạt đến sự giác ngộ. Và có một cuốn mà anh tìm thấy đặt biệt thích thú. Nó có tựa đề “Phương pháp để bắt kịp con tàu giác ngộ” Cho nên anh mua cuốn sách và nghiền ngẫm nó thật kỹ càng. Khi anh nghiên cứu nó một cách hoàn toàn, anh về nhà và trả lại căn phòng đang thuê, bỏ tất cả vật dụng của mình trong túi ba lô và bỏ đi tới trạm xe lửa ở ngoại ô của phố nhỏ. Quyển sách nói rằng, nếu bạn theo tất cả chỉ dẫn trong đó — bạn làm cái này, và cái kia, và cái nọ — rồi khi đoàn xe lửa đến, bạn sẽ có thể bắt được nó. Và anh đã nghĩ, “Rất tốt!”

Joe tới trạm xe lửa, vốn là một nơi vắng vẻ, và anh đọc lại cuốn sách một lần nữa, ghi nhớ mọi lời chỉ dẫn, và rồi ngồi yên đó để chờ đợi. Anh đã đợi chờ, rồi chờ, và chờ đợi. Hai, ba, bốn ngày, anh đợi chờ “Con tàu Giác ngộ” đến, bởi vì trong sách đã có ghi, chắc chắn nó sẽ đến. Và anh có lòng tin mãnh liệt vào lời dạy trong cuốn sách đó. Quả thật vậy, vào ngày thứ tư, anh nghe tiếng gầm lớn từ xa, tiếng gầm này thật là to lớn kinh khủng. Và anh biết rằng, chắc chắn đây là con tàu mà anh đang chờ đợi. Cho nên anh chuẩn bị sẳn sàng. Anh thật quá kích động bởi vì con tàu đang đến, anh thật khó mà tin tưởng được … và ù. ù .. nó vượt ngang qua! Nó chỉ là một cái bóng mờ lướt qua thật nhanh. Cái gì đã xảy ra? Anh không thể nào bắt được nó dù chỉ là một thoáng!

Joe quả thật là rất hoang mang nhưng anh không nản lòng. Anh lấy quyển sách ra và một lần nữa nghiên cứu thêm những bài thực tập, và anh đã làm, làm nhiều lần trong lúc anh ngồi trên cái nền, và đặt tất cả mọi thứ anh có bên cạnh. Rồi ba hay bốn ngày đi qua, một lần nữa anh nghe tiếng gầm to lớn từ xa, và lần này anh chắc chắn anh sẽ bắp kịp con tàu. Rồi đột ngột, kia nó .. ù. ù .. nó lại biến qua mất. A! làm gì bây giờ? Bởi vì rõ ràng là có con tàu, chớ đâu phải là không có. Anh biết điều đó, nhưng sao anh không thể nào bắt kịp nó. Cho nên anh nghiên cứu thêm, và anh cố gắng thử thêm, anh thực tập, và làm mãi, và rồi sự kiện kia lại xảy ra giống như nhau hết lần này sang qua lần khác.

Rồi thời gian trôi qua, có nhiều người khác cũng đến tiệm sách kia và mua quyển sách đó. Cho nên Joe bắt đầu có những người cùng chí hướng. Ban đầu thì có bốn hay năm người đến chờ đợi con tàu, và rồi ba-mươi hay bốn-mươi người trông chờ con tàu. Sự kích thích thì thật là to lớn! Đây là câu trả lời, một cách rõ ràng nó đã đến qua. Tất cả họ đều có thể nghe tiếng gầm khi con tàu đi qua và dù cho không một ai đã từng bắt kịp nó. Có một niềm tin vĩ đại là, vì lý do gì đó, một ngày nào đó, ít nhất một người trong bọn họ, sẽ có kẻ bắt được con tàu. Ngay cả nếu chỉ một người có thể bắt kịp, thì nó sẽ gieo niềm hy vọng cho những người còn lại. Vì vậy, nhóm ít người kia tăng thêm dần, và niềm kích thích cũng rất kỳ diệu.

Thời gian vẫn tiếp tục trôi, Mushin để ý thấy rằng một số trong những người đến đây, họ mang theo cả con cái nhỏ cả họ. Và họ quá mãi mê trong việc tìm kiếm con tàu đến đổi khi những đứa trẻ cần sự lưu ý của cha mẹ, họ bảo chúng, “Đừng có quấy rầy, đi chỗ khác chơi.” Những đứa trẻ này thật sự bị bỏ bê. Mushin thì thật ra không phải là một người đến nổi tệ như vậy, anh bắt đầu kinh ngạc, “A! Tôi rất muốn tìm thấy con tàu, nhưng phải có người chăm sóc những đứa trẻ.” Cho nên anh bắt đầu dành ít thời gian cho chúng. Anh tìm trong túi ba lô của mình và mang ra những bọc đậu, nho khô, kẹo chocolate và chuyền cho những đứa bé. Vài đứa thật sự đang đói. Những người cha, mẹ đang tìm nhìn con tàu chừng như không biết đói là gì; nhưng con của họ thì đang đói. Chúng bị trầy gối, nên anh tìm những băng cá nhân trong túi ba lô của mình để chăm sóc đầu gối của chúng, và anh đọc những câu chuyện từ những cuốn sách nhỏ của chúng cho chúng nghe.

Sự việc khởi nguồn là như thế, trong khi anh vẫn dành ít thời giờ cho con tàu, nhưng bọn trẻ trở lại thành sự quan tâm chính của anh. Rồi lại đến nhiều thêm hơn. Trong một tháng, có những đứa trẻ vị thành niên và với lứa tuổi này, chúng có thật nhiều năng lực và hiếu động. Cho nên Mushin gom những đứa vị thành niên lại và gầy dựng đội bóng chuyền ở phía sau trạm ga. Anh khởi sự lên vườn trồng trọt để giữ bọn chúng bận rộn. Ngay cả việc anh khuyến khích vài đứa vững chạc giúp đỡ anh. Những gì sẽ xảy ra thì tất phải xảy ra, anh có cả một kế hoạch trù định vận hành và có ít đi thời gian cho con tàu; anh đã từng giận dữ bản thân mình về vấn đề này. Vấn đề quan trọng cần làm cho những người lớn là chờ đợi con tàu, nhưng anh phải chăm sóc tất cả mọi công việc với bọn trẻ, và vì thế cơn giận và niềm cay đắng của anh thật đang sôi sục. Nhưng dù cho thế nào đi chăng nữa, anh biết anh phải chăm sóc cho bọn nhỏ, và anh vẫn luôn làm thế.

Theo thời gian, hàng trăm và rồi ngàn người đến để ngắm nhìn con tàu, họ mang theo con cái, người thân. Mushin thì thật là phiền toái với tất cả những nhu cầu của mọi người cho nên anh phải mở rộng thêm cái trạm xe. Anh phải làm thêm giường ngủ; anh phải xây lên nhà bưu điện, trường học và anh rất ư là bận rộn; nhưng cơn giận và niềm phẫn uất của anh cũng luôn có mặt ở ngay đó. “Các người có biết không, tôi chỉ hứng thú với sự giác ngộ. Những người kia thì tìm ngắm con tàu, còn tôi, tôi thật sự đang làm cái gì?” Nhưng anh vẫn tiếp tục làm những việc này.

Nhưng rồi một ngày kia anh chợt nhớ là, trong khi anh liệng bỏ đi phần lớn những quyển sách trong căn phòng anh đã thuê, vì một lý do nào đó anh vẫn còn giữ một quyển nhỏ. Cho nên anh lục lạo trong túi ba lô của anh. Cuốn sách có tên “Phương pháp tọa thiền.” Thế rồi Joe có một phương pháp chỉ dẫn mới để học. Phương pháp này chừng như cũng không đến nổi khó khăn lắm; anh ngồi xuống và học cách tọa thiền. Thật sớm mỗi ngày trước khi mọi người thức giấc, anh ngồi trên tọa cụ và tu tập trong một lúc. Theo thời gian, cái thời khóa đòi hỏi luôn bận bịu mà anh bị chìm đắm một cách miễn cưỡng kia dường không làm cho anh căng thẳng quá mức nữa. Anh nghĩ rằng, có thể có sự liên hệ giữa pháp tọa thiền này, thế ngồi này, và trạng thái bình yên mà anh bắt đầu cảm nhận. Một vài người khác ở trạm ga cũng cảm thấy nản lòng nhiều về con tàu mà họ không thể bắt kịp; cho nên họ bắt đầu ngồi với anh. Một nhóm tọa thiền mỗi sáng, và đồng thời, hệ thống tìm ngắm con tàu vẫn liên tục lớn dần. Ở trạm ga kế của lộ trình, một tập đoàn mới cho những người tìm ngắm con tàu được hình thành. Những vấn đề khó khăn được lập lại giống như ở đây, cho nên thỉnh thoảng nhóm người của anh phải đến đó giúp họ giải quyết những khó khăn của họ. Và rồi một cái trạm ga thứ ba… công việc chừng như vô tận.

Họ thật sự rất bận rộn. Từ sáng cho đến tối, họ nuôi trẻ em, làm đồ gỗ, điều hành bưu cục, xây dựng nhà y tế mới — cả một cộng đồng cần phải hoạt động và sinh tồn. Và suốt trong những thời gian này, họ không thể nào có thời gian để tìm bắt con tàu. Nó vẫn tiếp tục chớp qua. Họ có thể nghe tiếng gầm, nhưng những ganh tị và niềm cay đắng thì vẫn mãi còn đó nữa. Tuy thế, họ phải chấp nhận rằng, nó không còn giống ngày xưa nữa; nó còn đó và đôi khi chừng như nó không còn đó. Cái ngã rẽ của Mushin là khi anh ta cố thử cái điều mà trong cuốn sách nhỏ của anh diễn tả là “khóa tu”. Anh tập họp mọi người trong nhóm của anh, trong một góc của cái trạm ga, họ dàn xếp một khoảng trống riêng biệt để họ có thể tọa thiền liên tục trong bốn hay năm ngày. Thỉnh thoảng họ có nghe tiếng gầm của con tàu từ xa, nhưng họ làm ngơ không chú ý đến nó và tiếp tục ngồi. Và họ cũng có giới thiệu phương pháp tu tập khó khăn này cho những trạm ga khác.

Mushin giờ thì đã hơn tuổi năm mươi. Sự căng thẳng và vất vả theo thời gian đã tác động vào người của anh càng biểu lộ ra rất rõ. Trông anh có vẻ rất mệt mỏi với chiếc lưng còng. Nhưng giờ đây, anh không còn lo lắng về những gì mà anh vẫn thường hay lo lắng trước kia. Anh đã quên mất những câu hỏi có tính triết học vĩ đại mà thường kẹp chặt anh: “Tôi có thật hiện hữu không?” “Đời sống có thật không?” “Cuộc sống phải chăng là một giấc mộng?” Anh thì quá bận rộn với tọa thiền và làm việc cho nên mọi thứ đã phai nhạt dần theo năm tháng ngoại trừ những gì cần phải làm trong ngày. Niềm cay đắng cũng mờ phai. Câu hỏi đại sự cũng lu mờ. Cuối cùng không còn gì nữa cả cho Mushin ngoại trừ những gì cần phải làm. Nhưng anh không còn cảm thấy phải làm cho xong, anh chỉ làm nó, thế thôi.

Giờ đây, có cả một cộng đồng khổng lồ ở những trạm ga xe, làm việc, mang con cái đến, cũng đồng thời là những người chờ đợi con tàu. Một số trong nhóm người này dần dần sát nhập vào cộng đồng và số khác vẫn là kẻ đến qua. Mushin cuối cùng cảm thấy đồng cảm với những người tìm ngắm con tàu. Ông phục vụ họ, giúp đỡ họ để tìm ngắm. Theo nề nếp vận hành như thế trong nhiều năm. Mushin trở nên già hơn và mòn mỏi hơn. Những câu hỏi ngày xưa của ông đã hoàn toàn biến mất. Không còn gì cả. Chỉ còn có một ông già Mushin và đời sống của ông, làm những gì cần làm trong từng giây phút.

Vào một đêm, vì một lý do gì không biết, Mushin nghĩ, “Tôi sẽ ngồi trọn đêm nay. Tôi không biết tại sao tôi muốn thế. Tôi sẽ chỉ làm thế.” Đối với ông, ngồi không còn là tìm câu trả lời cho một câu hỏi, hay cố gắng cải thiện một điều gì, hay là cố gắng để trở nên thánh thiện. Tất cả những ý niệm này đã phai tàn từ nhiều năm tháng xa xôi rồi. Đối với Mushin, không có gì cả ngoại trừ sự ngồi: Nghe vài chiếc xe chạy từ xa trong đêm. Cảm nhận không khí lạnh về đêm. Thưởng thức sự thay đổi trong thân thể. Mushin ngồi và ngồi qua suốt một đêm, và vào lúc bình minh, ông nghe tiếng gầm của con tàu. Kế đó, rất là nhẹ nhàng, con tàu đến và dừng lại ngay trước mặt của ông. Ông nhận thức ra điều đó, từ ngay lúc ban đầu ông đã ở trên con tàu. Sự thật, ông chính là thực chất của con tàu. Không cần phải bắt kịp con tàu. Không có gì cần nhận ra. Không có nơi nào để đi. Chỉ là thực chất của đời sống tổng thể. Tất cả những câu hỏi cổ xưa mà chưa từng hỏi qua đã tự trả lời. Rốt cuộc, con tàu tan biến và chỉ còn lại một ông già ngồi đó qua trọn một đêm.

Mushin duỗi thẳng và đứng lên từ tọa cụ. Ông đi pha ly cà phê buổi sáng để chia cho mọi người vừa mới đến làm việc. Sau đó chúng ta thấy ông đi đến tiệm làm đồ gỗ với những người con trai, chỉ cách họ làm một bộ dụng cụ đánh đu cho sân chơi. Đó là câu chuyện về Mushin. Mushin thấy được những gì? Tôi sẽ để đó cho bạn suy nghĩ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn