Chương I: Tổng Quát

15 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 8263)

LỤC DIỆU MÔN &
Ý Nghĩa Thiền Chỉ Quán
Thích Đức Trí

CHƯƠNG I

 TỔNG QUÁT

 

  1. 1. Lời nói đầu

 

Sử truyền trong pháp hội Linh Sơn:
Đức Phật đưa cánh hoa lên, chúng đệ tử im lặng –
Ngài Ca Diếp mỉm cười.
Đức Phật tuyên bố: “Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng –
Niết Bàn Diệu Tâm, nay trao truyền cho ông Ca Diếp”.

 

Đức Phật bảo chứng Ca Diếp ngộ đạo thiền, thiền là dụng tâm mà cảm đạo, ngôn ngữ muôn đời vẫn là phương tiện. Để chứng được chơn lý tuyệt đối như Phật, tất cả pháp môn đều là phương tiện, như nương vào ngón tay để thấy mặt trăng, nếu không chỉ thấy tướng của ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi.

 Trong chúng ta đều sẵn có tâm thanh tịnh vô nhiễm, nhưng vì do vọng niệm chấp trước nên bị khổ đau và phiền muộn ngự trị. Học thiền là để nhìn rõ được trạng thái của tâm, tưới tẩm mảnh đất tâm thức bằng dòng nước chánh niệm và vô niệm thì sự hiểu biết tỏ bày. Nếu thực tập pháp quán tâm một cách đúng đắn thì sẽ đạt được an lạc giải thoát.

 Lục Diệu Môn Thiền là một pháp thiền Chỉ Quán của Thiên Thai Tông, một phương pháp tu truyền thống và giàu tính sư phạm. Hơn nữa, xét về mặt thiền giáo nó thuộc tư tưởng thiền của Đại Thừa. Lục Diệu Môn thuộc bất định Chỉ Quán, lý của Chỉ Quán rất thâm sâu vi diệu. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi trình bày thêm mối quan hệ tư tưởng của Thiên Thai Tông với triết lý trung đạo của Phật Giáo. Từ đó giúp chúng ta thấy rõ rằng Lục Diệu Môn là một pháp tu cần thiết cho việc tu học và thăng hoa đời sống. Đây là lý do tôi viết tiểu phẩm này và mong chia sẻ những tri thức thiền quán đến với mọi người.

 Phật Pháp vô lượng nghĩa, sở học thì có hạn, với tiểu phẩm này chắc không thể tránh khỏi những sai sót, thành thật kính xin sự chỉ giáo của chư thiện hữu tri thức.

 

 Hoa Kỳ, mùa thu - Bính Tuất 2006

 Thích Đức Trí


 

  1. 2. Bối cảnh xuất hiện Lục Diệu Môn và Thiền Chỉ Quán

 

Theo sử Phật Giáo Trung Quốc, Phật Giáo Truyền vào Trung Quốc vào thời Đông Hán, đầu thời Ngụy–Tấn kinh điển Phật Giáo xuất hiện rất nhiều, trong đó có cả giáo lý thiền Nguyên Thủy và thiền Đại Thừa. Riêng phần giáo lý đại thừa có ba hệ thống Phật học: Duy Thức học, Trung Quán Luận và Như Lai Tạng, được chú trọng trong phong trào dịch thuật kinh luận của giai đoạn này.

Khách quan mà nói, dân tộc Trung Quốc có tính sáng tạo trong việc vận dụng và truyền bá giáo lý đại thừa. Từ một quốc gia đa văn hóa và tín ngưỡng mà chấp nhận một tôn giáo mới như đạo Phật và phát triển rộng rãi, đó quả là một nỗ lực lớn lao. Trung Quốc được gọi là quốc gia của Phật giáo Đại Thừa, có nghĩa rằng giáo lý ấy có giá trị thực tiển mới được tồn tại lâu dài. Phật giáo từ Ấn Độ đến Trung Hoa đã phát triển thành tám tông phái lớn[1]. Các bậc tổ sư đã phiên dịch kinh luận và hoằng dương Phật Pháp theo tinh thần đại thừa.

Đến thời đại Trần-Tùy xuất hiện Trí Giả Đại Sư (538-597), đã hệ thống hóa giáo lý Đức Phật và phân thành giáo tướng và giáo nghĩa, phân định giáo lý Phật Đà thành Ngũ Thời Bát Giáo.[2] Trí Giả đã vận dụng kinh luận để thiết lập Thiên Thai Tông, đây là sự tổng hợp tri thức thiền giáo mà triển khai pháp môn Tu Chỉ Quán, được tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Trí Giả trú tại Ngõa Quan Tự trong vòng tám năm, thường thuyết giảng Đại Trí Độ Luận và “Thích Thiền Ba La Mật thứ đệ pháp môn”, sau đó tổng hợp giáo lý thiền quán mà triển khai Lục Diệu Pháp môn. Từ Lục Diệu Môn mà triển khai rộng thành mười môn, không ngoài trình bày nội dung và ý nghĩa của Chỉ Quán. 

 Do vậy viết tài liệu này trước hết chúng tôi tìm hiểu tư tưởng chủ đạo của Trí Giả Đại Sư. Thứ hai là trình bày về ý nghĩa của Lục Diệu Môn. Thứ ba là phân tích mối quan hệ của pháp môn này với các giáo lý khác. Sau cùng là trình bày triết lý trung đạo chánh quán của Phật Giáo và ý nghĩa Chỉ Quán của Thiên Thai Tông. Để từ đó có cái nhìn đúng nghĩa về giá trị vận dụng của Lục Diệu Môn trong vấn đề tu tập, và cầu giải thoát theo tinh thần Đại Thừa.

 

 

  1. 3. Nhận thức pháp môn tu học

 

Bất cứ pháp môn nào cũng cần có sự dụng công để rèn luyện tâm, phương tiện tu tập có khác nhưng giác ngộ chỉ là một. Lý thiền nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng cần biết vận dụng mới có kết quả. Đối với tu thiền, mọi thời mọi lúc cần có chánh niệm và tỉnh giác, giữ tâm an định thì đạt được sự hiểu biết và sự an lạc. Theo quan điểm Phật Giáo, tìm sự giác ngộ tại cuộc đời này chứ không phải xa rời cuộc đời này mà đạt được. Do vậy muốn đạt được mục đích sau cùng của việc tu thiền, cần thực hiện đúng phương pháp từ Đức Phật và chư vị tổ sư đã dạy.

Khi người mới đến với đạo thiền có nhiều băn khoăn là tu như thế nào? Muốn biết phương pháp nào cao thấp để lựa chọn, hoặc bắt đầu từ đâu v.v... Đạo vốn không có cao thấp, tất cả đều bình đẳng. Chọn phương pháp phù hợp để tu, không nên có thái độ bảo thủ mà phải thấy rõ giá trị của các pháp môn khác. Nếu không sẽ thấy mâu thuẫn, và sanh tâm phân biệt, không lợi cho việc tu tập.

 Như Kinh Pháp Bảo Đàn có dạy “Ngã chi pháp môn, tiên Phật truyền thọ, bất luận thiền định tinh tấn, duy đạt Phật chi tri kiến”.[3] Có nghĩa là: Pháp môn của ta, đầu tiên được truyền thừa từ Phật, không bàn luận đến sự thiền định siêng năng, chỉ luận đến đạt tri kiến Phật.

 Thiền tông không phải phủ nhận thiền định, Huệ Năng nói tùy đối tượng để nhấn mạnh pháp môn bất nhị mà thôi. Vì đứng về một phương diện đang tu học chắc chắn không thể thiếu Thiền Tứ Niệm Xứ và các môn thiền quán khác. Tất cả các lời khai thị của tổ sư cần phải hiểu một cách chính đáng.

 Nay nói pháp môn không hai là thế giới của sự chứng ngộ, ly tất cả các phương tiện, thể nhập thực tướng vô sai biệt là giải thoát. Trong ý nghĩa ấy, đối với thiền tông chủ trương vô niệm, vô trụ là cứu cánh. Thiền Chỉ Quán lấy sự quán tâm để đạt đến thật tướng. Niệm Phật chủ trương Sự nhất tâm và Lý nhất tâm để đạt tuệ giác ngộ, “Sự nhất tâm bất vi kiến tư sở loạn, lý nhất tâm bất vi nhị biên sở loạn, tức tu huệ giả…”[4]Có nghĩa là: Sự nhất tâm không bị loạn động của kiến tư,[5] lý nhất tâm không bị loạn động của sự thấy biết hai bên, tức là tu trí tuệ… Như thế, đứng một phương diện khác mà diễn đạt thì sự nhất tâm là Chỉ và lý nhất tâm là Quán.

 Luận về giáo nghĩa để thấy rõ rằng các pháp môn tu đều hướng đến lý tánh bất nhị. Nếu chúng ta biết vận dụng Phật pháp mà tu thì tất cả Phật pháp đều là pháp môn. Không làm các đều ác là Chỉ, làm các điều lành là Quán. Giữ tâm ý trong sạch, đó là Chỉ Quán viên dung. Ý nghĩa Chỉ Quán không ngoài tinh thần giáo lý của Đức Phật. Chúng ta phải có cái nhìn bao dung như thế, thì sự tu học sẽ có nhiều thuận lợi.



[1]Căn cứ Phật học Hán Việt từ điển, nxb khoa học xã hội, HN- 1998 giải thích : Bát tông: 1.Câu xá tông; 2.Thành thực tông; 3.Luật tông; 4. Pháp tướng tông; 5.Tam luận tông; 6. Hoa nghiêm tông; 7.Thiên thai tông; 8. Chân ngôn tông.

[2] Căn cứ Phật học Hán Việt từ điển, nxb khoa học xã hội, HN- 1998 giải thích :

-Ngũ thời:1.Thời giáo Hoa Nghiêm;2.Thời giáo A-hàm;3.Thời giáo Phương Đẳng;4.Thời giáo Bát Nhã Ba La Mật Đa;5.Thời giáo Diệu Pháp Liên Hoa và Thời Giáo Niết Bàn.

-Bát giáo:Do tông Thiên Thai đặt ra gồm 4 giáo hóa pháp và 4 giáo hóa nghi.

 4 giáo hóa pháp:1.Tam tạng giáo;2.Thông giáo;3.Biệt giáo;4.Viên giáo. Bốn hóa pháp này làm lợi ích chúng sanh nên gọi là hóa pháp.

Bốn hóa nghi:1.Đốn giáo;2.Tiệm giáo;3.Bí mật giáo;4.Bất định giáo.

[3] Thiền Tông Chánh mạch,đại chánh tạng, quyển 2

[4] Tinh Phong đại sư sở dịch tịnh độ thông yếu, đại chánh tạng, quyển3

[5] Kiến tư : Tức kiến hoặc và tư hoặc; chỉ chung các phiền não trong tam giới.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn