8. Nền Tảng Của Đời Sống

27 Tháng Bảy 201403:35(Xem: 5756)
THỰC TẠI THIỀN
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRONG RỪNG THIỀN VIỆT NAM
Đương Đạo
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 2003

8. Nền Tảng Của Đời Sống

Đối với Đại thừa nói chung và Thiền nói riêng, dầu người ta có là gì và cuộc đời này có ra sao, và dầu người ta có biết hay không, thì tất cả đều đang sống, đang xảy ra trên nền tảng Như Lai tạng hay Phật tánh, hay pháp giới tánh, hay tự tánh…

Nền tảng của đời sống là tánh hay ‘tánh sáng’, hay ‘lòng’, ‘tướng thực’ nói theo ngôn ngữ của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) trong Cư Trần Lạc Đạo phú :

Biết vậy !
Miễn được lòng rồi
Chẳng còn phép khác
Gìn tánh sáng tiùnh mới hầu an
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng khác
Dứt trừ nhân ngã thì ra tướng thực kim cương ;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
………

Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ
Vong tài đối sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng công.
………

Vậy mới hay !
Bụt ở cong (trong) nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
………

Chuộng công danh, lồng nhân ngã thực ấy phàm ngu
Say đạo đức dời (sửa) thân tâm, định nên thánh trí
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ, xem ắt bằng nhau
Mặt thánh lòng phàm thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý…

Nói Phật tánh hay Như Lai tạng mỗi người đều sẵn có là cái Nền tảng, vì nó bình đẳng nơi tất cả chúng sanh, bình đẳng trong mọi thời gian và mọi không gian. Sự khác biệt về hình tướng và cả về mặt tâm linh (bởi vì dù ở cấp độ tâm linh nào thì cũng chỉ là một trạng thái của cái Tâm ấy) chỉ là sai khác do nghiệp : ‘mày ngang mũi dọc tướng tuy lạ, xem ắt bằng nhau, mặt thánh lòng phàm thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý’. Nền tảng đó cũng là cái mà người xưa nói là ‘đồng thể đại bi’, lòng từ bi không do cố gắng quán tưởng, không do kiến lập tạo tác của nghiệp lành của từng người, mà là lòng bi của tận cội nguồn của con người và thế giới.

Thiền sư Chân Nguyên nói về Nền tảng ấy bằng từ hoa sen, minh châu… trong Thiền Tông Bản Hạnh :

Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh tự nhiên
Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng.
………

Ai ai đạt giả đồng đồ (đường)
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà
Mùa xuân vạn thụ khai hoa
Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên
………

Nhân duyên có trước có sau
Ai ai cũng có tánh thâu Bồ đề
Hay ăn hay nói khác chi
Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau.

Theo truyền thống, người Phật tử Việt Nam không quan niệm từ bi là cái mới có, cái từ ngoài vào, mà từ bi đã nằm trong Nền tảng, trong Lòng, từ bi chính là Nền tảng, là Lòng. Chính Nền tảng này nâng đỡ cưu mang chúng sanh, gọi là Đại Bi. Trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, Nguyễn Du sau khi mở đầu bằng những câu như :

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt sương khô
………

Thương thay thập loại chúng sanh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
………

Còn chi ai quý ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu
………

Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ ?

Ông đã kết luận sự giải thoát cho chúng sanh chính là Tâm Phật vốn có sẵn trong mỗi người :

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có chỗ rằng : vạn cảnh giai không
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.

Trong Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn của Lê Thánh Tông cũng lấy lòng thanh tịnh làm nền tảng :

Khó với sang mặt ý khác nhau
Đói cùng rách thì lòng cũng vậy
………

Kinh Pháp Hoa giảng đã, mưa nhóc nhóc đượm áo nột đầm đầm,
Phiến Bối diệp tụng thôi, gió hiu hiu quét lòng trần thảy thảy.

Cũng lòng này mà đi sâu vào bản tánh của nó, thì lòng ấy là Phật. Trí Huệ và Từ Bi vốn nằm trong Như Lai tạng, trong Phật tánh. Trí Huệ và Từ Bi chính là hai phương diện của Phật tánh. Như Lai tạng hay Phật tánh là nền tảng của tất cả đời sống, do đó Trí Huệ và Từ Bi là nền tảng của tất cả đời sống.

Khi tin rằng tất cả chúng ta đang sống trong nền tảng, nghĩa là trong Trí Huệ và Từ Bi, chúng ta bắt đầu là một Phật tử. Và thực sự sống được trong (hay trên) Nền tảng, thực sự sống được trong Trí Huệ và Từ Bi, đây là chủ đề cô đọng của kinh Pháp Hoa, một bộ kinh được truyền vào rất sớm và ảnh hưởng suốt dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sống trong Trí Huệ và Từ Bi vốn sẵn nơi mỗi người, đó cũng chính là lý do tồn tại của Thiền.

* * *

Chính trên đất thật ấy mà chúng ta đang sống :

“Dù trai dù gái đều đáng nên tu, hoặc trí hoặc ngu thảy đều có phần. Như chưa thấu tâm Phật ý Tổ, trước hãy nên trì giới tụng kinh. Đến lúc trong huyễn sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng thật Pháp thân, phá sáu giặc làm sáu thần thông, chuyển tám khổ thành tám tự tại…” (Phổ Thuyết Sắc Thân).

“Chỗ nói, gió lùa thông réo, chỗ im trăng rọi đầm trong. Khi đi mây cuốn nước trôi, khi đứng núi im non tĩnh. Lời lời là câu cứu sống của Thích Ca, câu câu là gia phong của Đạt Mạ. Buông ra thì tám chữ mở tung, nắm lại thì một cửa đóng kín. Trong hang quỷ (chổ tối tăm của vô thức) là lâu đài Di Lặc, chốn Hắc sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền. Chốn chốn là tạng đại quang minh, cơ cơ là pháp môn bất nhị. Cho dù tối đi sáng đến, ngại gì mây phủ trăng che. Ngọc sáng trên tay, xanh ánh xanh, vàng ánh vàng ; gương cổ đang trên đài, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Ngại gì huyễn thể, trọn đều Pháp thân. Chẳng nhọc trên đỉnh phóng quang, vốn đủ sáu thông thần dụng. Đạp đổ cung điện ma vương, mở toang tâm can ngoại đạo. Biến trái đất thành cõi nước vàng ròng, thừa thọ sông dài làm đề hồ cho cả trời người. Trong lỗ mũi pháp luân thường chuyển, dưới lông mày cõi báu hiện tiền… Rờ rỡ hoa vàng, không có cái gì chẳng phải là tâm bát nhã, xanh xanh trúc biếc, thảy trọn là lý chân như. Vạch cỏ ra, hiện rõ bản lai diện mục ; cuốc bày đất, đoạn dứt đường sanh tử quanh co…” (Phổ Thuyết Hướng Thượng Nhất Lộ).

Đất thật ấy là cái nền tảng trên đó mọi sự vật đều vốn tự viên thành. Đó là cái trong Thiền gọi là ‘đương xứ tiện thị’ :

Bản lai thanh tịnh Pháp thân
Viên dung pháp giới đâu gần đâu xa
………

Huệ Trung trỏ bảo liền tay
Tức tâm là Phật xưa nay Bụt truyền
Tâm là bản thể căn nguyên
Tâm là nhất tự pháp môn thượng thừa
Tâm bao bọc hết thái hư
Tâm năng ứng dụng tùy cơ trong ngoài
Tâm hiện con mắt lỗ tai
Hay ăn hay nói mọi tài khôn ngoan
Tâm năng biến hóa chư ban
Vạn pháp cụ túc lại hoàn như như…
(Thiền Tông Bản Hạnh)

Cho nên, Thiền là thấy được, nhận biết được và xác quyết Nền tảng ấy, và sống trọn vẹn với nó trong mọi lãnh vực của thân tâm, tức là mọi lãnh vực của đời sống. Thấy và sống Nền tảng Chân Như này là cách giải quyết tận gốc mọi vấn nạn của cuộc đời. Người ta tự chuyển hóa mình trở nên hòa bình, vì nhận biết được cái Thấy nền tảng : hòa bình với những người khác và những thế giới, vì tất cả đều là Chính Mình.

Đây là cách chuyển hóa thức thành Trí của Thiền : bằng cách thấy và sống cái nền tảng người ta chuyển hóa tất cả thành cái nền tảng, trở lại thành cái nền tảng. Nói cách khác, chuyển thức thành Trí là chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn. Khi đặt tất cả tướng vào trong bản tánh nền tảng của chính chúng, các tướng sẽ trở lại thành thật tướng, tức là tất cả tướng đều trở thành tánh. Như khi tất cả bóng trong gương được nhận chân là chúng ở trong gương, thì tất cả đều là gương ; tất cả sóng được nhận biết là bản tánh nước, thì tất cả sóng đều là nước. Toàn tướng tức tánh, toàn bóng là gương, tất cả sóng đều là nước, đấy là những thí dụ thường thấy để diễn tả kinh nghiệm tu chứng của Đại thừa.

Như vậy đây là con đường tích cực mà những kinh Đại thừa nói đến, và chính đây là yếu tố làm nên tính cách tích cực, hay như người ta thường nói, “tính cách nhập thế” của Phật giáo Việt Nam.

* * *

Cái Thấy, Tri Kiến của Thiền là chúng ta dầu có làm gì thì vẫn luôn luôn hít thở, sinh hoạt trong (hoặc trên) Nền tảng ấy. Chúng ta thấy các Thiền sư thường hay nói từ “trong ấy” (cá trung)

Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
(Trong đây đầy mắt lộ thiền tâm.)

Hoặc trong bài thơ Tự Thuật của Trần Thánh Tông, gồm chỉ năm đoạn, mà đã có hai đoạn nói đến chữ ‘trong ấy’ (cá trung) : Cá trung khúc phá vô nhân hội (trong đây khúc nhạc không ai biết) và Cá trung vô khiếm diệc vô dư (trong đây không thiếu cũng không dư).

Như vậy theo cái Thấy, hoặc nói theo ngôn ngữ bình thường, theo “quan điểm” của Thiền thì tất cả mọi sự tu hành của chúng ta, dù chúng ta có tu kiểu gì, pháp gì, cũng đều xảy ra ở ‘trong ấy’, tức là trong nền tảng, trong Phật tánh vốn đã giác ngộ của chúng ta.

Chúng ta thường nghe nói Phật giáo Việt Nam là sự hợp dòng của Thiền, Tịnh, Mật. Với các Thiền sư dù có trì tụng Mật chú (Mật tông) hay có niệm Phật (Tịnh Độ tông) thì các ngài vẫn làm việc ấy trên cái nền tảng “bổn lai thành Phật” này. Thí dụ có vị trì tụng mật chú (trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có khá nhiều trường hợp này, nhất là trong dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi) thì trì tụng mật chú có nghĩa là dùng khẩu của mình tụng chú để tương ưng với Khẩu của Phật (tức là mật chú, lời bí mật và giác ngộ của bậc Giác ngộ). Và việc dùng khẩu để trì tụng mật chú của Phật này xảy ra trên nền tảng ‘ở tâm là Thiền’, và tâm Thiền này là tâm vốn đã giác ngộ, Phật Tâm.

Thiền sư Ngộ Ấn (1019-1083) khi có người hỏi, “Thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Thiền ?”, đã nói : “Pháp Vương vô thượng (Phật tánh) ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ở tâm là Thiền. Tuy là ba nhưng kỳ thật là một. Ví như nước của ba con sông, tùy chỗ đặt tên, tên gọi là khác nhưng tánh nước không khác.” Nói thế nghĩa là dù miệng có trì chú hay niệm Phật, thì hành động đó không lìa ngoài tâm Thiền hay tâm Phật. Sâu xa hơn, cũng cùng một nền tảng Phật tánh ấy mà ứng ra hình tướng, oai nghi là thân Phật, ứng ra nơi miệng thì thành trì chú, niệm Phật, và ở nơi tâm thì gọi là Thiền (hay tâm giác ngộ). Như vậy sự tu hành theo Thiền tông không lìa ngoài Phật tánh, tu hành là sự ‘ứng hiện’, sự biểu lộ của Phật tánh nền tảng vốn có ở nơi mỗi người. Và đó cũng là lý do Thiền không ngăn ngại với bất kỳ tông phái nào, trái lại dung nhiếp được những đặc sắc của các tông khác vào trong Tâm Thiền (hay Phật tánh) của mình.

* * *

Thiền sư ni Diệu Nhân (1042-1113) giữ giới, hành thiền, được chánh định (samadhi), là bậc tôn túc trong hàng ni chúng. Có ai đến học đều đem Đại thừa giảng dạy mà nói :

‘Chỉ trở về nguồn tự tánh, đốn tiệm tùy đó mà vào. Hãy thường tịch lặng, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ.’

Có học giả hỏi : ‘Tất cả chúng sanh bệnh nên ta bệnh’, tại sao lại tránh sắc thanh ?

Sư theo kinh giáo, đáp :

Nếu lấy sắc thấy ta
Lấy âm thanh tìm ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.

Lại hỏi : Ngồi yên tĩnh tọa để làm gì ? (Hà vi yến tọa ?)

Sư đáp : Xưa nay không đi. (Bổn lai vô khứ.)

Lại hỏi : Làm sao không nói ? (Hà vi bất ngôn ?)

Sư đáp : Đạo vốn không lời. (Đạo bổn vô ngôn.)

Chúng ta có thể thấy, sự việc ngồi tĩnh tọa của Thiền là ngồi thiền trên cái ‘bổn lai không đi’ này, và nói năng thuyết pháp của Thiền là nói năng trên cái nền tảng ‘đạo vốn không lời’ này. Mục đích của Thiền là ‘chỉ trở về nguồn tự tánh, đốn tiệm tùy đó mà nhập’. Như vậy tất cả mọi pháp tu của Thiền đều là chẳng lìa khỏi tự tánh, hay Phật tánh, hay pháp tánh.

Nói theo ngôn ngữ của triết học Viễn Đông, mọi pháp môn, mọi phương pháp thực hành là cái Dụng của cái Thể Phật tánh. Dụng từ Thể mà có và chẳng hề lìa Thể, thế nghĩa là mọi pháp môn đều lưu xuất từ tự tánh hay Phật tánh và không hề lìa khỏi tự tánh hay Phật tánh này. Như thế, một phương pháp hay phương tiện không phải là để đạt đến cứu cánh hay Quả ở ngoài nó, mà ngay trong phương pháp hay phương tiện đã có cứu cánh hay Quả. Trong cái nhìn như vậy, tất cả mọi dòng sông hay phương pháp không chỉ chảy về đại dương hay Phật tánh, mà còn hơn thế nữa, chính những dòng sông này có nền tảng là đại dương, lưu xuất từ đại dương, có cùng một nước với đại dương. Những dòng sông này sở dĩ có là vì có đại dương, chúng không hề tách lìa với đại dương và như vậy thể nghiệm nước trong sông cũng là thể nghiệm nước của đại dương. Nói tóm lại, theo Thiền, không có một phương pháp nào là đứng riêng lẻ và giả tạo, mà phương pháp nào cũng ở trong Phật tánh và từ Phật tánh mà lưu xuất. Mọi phương pháp đều dung thông nhau trong một vị Phật tánh. Phương pháp là phương pháp của Phật tánh, và Phật tánh hiển bày trong phương pháp.

Thế nên, dù chúng ta thực hành phương pháp gì, tu pháp môn nào, những cái này đều xảy ra trong Phật tánh và có nền tảng, một vị là Phật tánh. Nhận biết được điều này là căn bản của tu hành, và tất cả các pháp môn không chống trái nhau mà dung thông nhau trong nền tảng, trong một vị Phật tánh. Tu hành có căn bản như vậy, nói theo Thiền, là tu hành có trí huệ, hay nói theo hệ thống Bát Nhã ba la mật là tất cả năm ba la mật trước hoặc các hạnh nào khác phải lấy Trí Huệ ba la mật làm hướng đạo, bởi thế Trí Huệ ba la mật được gọi là Mẹ của các bậc giác ngộ.

* * *

Nếu cho Thiền là một nghệ thuật, thì đó là nghệ thuật “rớt” trên đất thật này. Nhận biết được cuộc đời chúng ta đang xảy ra, diễn tiến trong Cái Đó, trong ‘tánh sáng’ đó thì mọi sự đều là Cái Đó : thấy nghe hay biết chỉ là thấy nghe hay biết Cái Đó, tu hành là tu hành Cái Đó, ngồi thiền là ngồi thiền với tất cả thân tâm là Cái Đó… Mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp v.v… cái gì mà chẳng phải là Trí Huệ và Từ Bi ?

Bất cứ cái gì sanh khởi hãy nhìn cho ra khuôn mặt thật của nó. Bởi vì cái gì cũng sanh khởi từ nền tảng, hiện diện trong nền tảng, biến mất trong nền tảng, nên nó chính là nền tảng. Như thế bất cứ cái gì cũng là sự bí mật của công án, cũng là tham thiền. Đời sống không lúc nào không là sự biểu lộ của Cái Đó. Cho nên đời sống là đạo tràng. Không còn một hạnh nào là riêng rẽ mà tất cả hạnh đều lưu xuất từ cội nguồn Trí Huệ và Từ Bi, nghĩa là một hạnh pháp tánh, dù một cử chỉ hành vi nhỏ nhặt nhất.

Sống trong nền tảng, chúng ta không còn cảm thấy lạc lõng, thiếu thốn như đứa con nghèo cùng tha phương không biết quê nhà trong kinh Pháp Hoa. Sự lưu lạc không biết mình là ai, sống để làm gì này là chân lý thứ nhất Khổ đế, và không chỉ khổ cho chính mình, mà từ sự lưu lạc khổ đau này chúng ta đã gây ra biết bao khổ đau cho con người và thế giới. Người ta sẽ chấm dứt sự lưu lạc khổ đau này bằng cách nhận ra và sống vói Nền tảng đó. Sự khổ đau lang thang này đã có từ khi thấy mình là một cá thể tách biệt với con người và thế giới còn lại. Người ta biết đời sống cá nhân và xã hội không phải là một “cơ” ra đi, phân tán, mà là một cuộc trở về trong hợp nhất : ‘chỉ trở về nguồn tự tánh, đốn tiệm từ đó mà vào’.

Vì từ vô thủy đến nay, người ta đâu đã từng lìa quê nhà :

Ngoài đại thiên sa cõi
Chốn nào chẳng quê nhà.
(Thiền sư Thường Chiếu)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn