10. Tiếp Xúc Với Thực Tại

27 Tháng Bảy 201403:40(Xem: 5868)

THỰC TẠI THIỀN
NHỮNG BƯỚC CHÂN TRONG RỪNG THIỀN VIỆT NAM
Đương Đạo
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 2003


10. Tiếp Xúc Với Thực Tại

Về thực tại Chân Tâm này, Quốc sư Thông Biện (?-1134) nói (với Hoàng thái hậu Phù Thánh Linh Nhân) rằng :

“Thường trụ thế gian, không sanh không diệt, gọi đó là Phật. Hiểu rõ Tâm tông của Phật, hạnh và hiểu tương ưng, gọi đó là Tổ… Vả Phật là giác vậy. Cái giác này xưa nay trong lặng thường trụ. Tất cả chúng sanh đều đồng một nguyên lý này, chỉ vì tình trần che khuất, theo nghiệp nổi trôi mà chuyển thành các cõi…

Khi sắp nhập Niết bàn, sợ người sau mê chấp sanh tệ, nên Phật bảo với ngài Văn Thù rằng : “Suốt 49 năm, ta chưa từng nói một chữ, sao bảo là có nói ư ?” Rồi cầm một cành hoa đưa lên, mọi người đều mơ hồ, chỉ có tôn giả Ca Diếp nở mặt mỉm cười. Phật biết Ca Diếp đã khế ngộ, bèn trao cho chánh pháp nhãn tạng, ấy là vị Tổ thứ nhất. Đây gọi là Tâm tông, ngoài giáo riêng truyền vậy.”

Tất cả chúng sanh đều đồng một thực tại “trong lặng thường trụ, bất sanh bất diệt” này. Có thể nói nó bao bọc chúng ta, ở khắp quanh ta, thấy cái gì cũng không ngoài nó, nghe cái gì cũng không ngoài nó, sờ chạm cái gì cũng không thể không phải là nó. Thế mà tại sao chúng ta không thấy, không nghe, không hay, không biết để uổng chịu chìm nổi, trôi lăn ? Làm thế nào thấy được Pháp giới để mới gọi là nhập Pháp giới ? Làm thế nào để nhận biết nó và sống với nó ? Và Thiền, trong một ý nghĩa nào có nghĩa là tham thiền về nó, thế thì tham thiền về nó là như thế nào ?

Cái bí quyết này chúng ta chỉ thấy rải rác đây đó trong những câu thiền ngữ của những Thiền sư, có lẽ một phương pháp rõ ràng là chuyện giữa thầy và trò trong một thực hành mà chỉ thầy và trò biết. Ở đây chúng ta đọc một đoạn trong Pháp Hoa Đề Cương của Thiền sư Thanh Đàm Minh Chánh ở thế kỷ 19 :

“Hỏi : Tại sao không chỉ thẳng cái thứ nhất là Diệu Tâm xưa nay, mà lại chỉ cái thứ hai là căn tánh để làm phương tiện (nhân) tu hành ?

Đáp : Tâm vốn vô hình, thế nên không có chỗ để chỉ ra. Trước kia đã chẳng nói rồi ư ? Phàm có ngôn ngữ nói năng diễn tả đều không thể nắm bắt được tâm. Nhưng dù tâm không có hình tướng mà tùy ứng dụng của căn nên có dấu vết. Có dấu vết thì có thể chỉ ra, khiến theo chỗ vết tích ứng dụng đó nhân ánh sáng ấy mà tự thấy được nguồn tâm.

Hỏi : Dấu vết ấy hiện ở đâu ?

Đáp : Ở ngay nơi đối tượng sáu trần hiện ra dấu vết ấy. Do sắc mà hiện ra cái thấy, do thanh mà hiện ra cái nghe, sáu trần là dấu vết ứng dụng của sáu căn. Nay muốn nắm được dấu vết của căn thì chỉ ngay nơi đối tượng sắc thanh mà biết cái thấy cái nghe là gì. Nên biết rằng công dụng của căn là công dụng của tâm, căn nhận biết là tâm nhận biết ; cái khác biệt là căn có sáu công dụng, mà tâm chỉ một thể tinh minh. Chư Phật truyền nhau chính là pháp căn này, các Tổ truyền nhau là Tâm tông ấy. Đó là bí quyết mà các kinh điển khai thị, từ đó mà được căn bản trí. Pháp ấn truyền giữ qua các thời đại cũng lấy cái ấy để phát giác sơ tâm. Chỉ theo căn cơ sâu cạn mà chứng có mau hay chậm đó thôi. Lại cần biết pháp này tùy chỗ đặt tên, có vô lượng sai khác, đều vẫn là pháp ấy mà tên không đồng. Lại các danh hiệu chư Phật và đầu đề kinh cũng là tên khác của tâm pháp này thôi.

Hỏi : Tâm ấy làm sao truyền thọ ?

Đáp : Đức Thế Tôn đưa lên một cành hoa, Ca Diếp mỉm cười, sau đó các Tổ truyền lại, giữ gìn, cơ duyên khác nhau. Người ngộ đạo tự biết vậy.

Hỏi : Tu trì làm sao ?

Đáp : Dứt ! Dứt ! Thiền sư Đạo Xuyên nói :

Tri âm tự có tùng hòa gió
Gió mát trăng trong trời đất nhàn.

Lại nói :

Đắc nó ở tâm
Ứng nó ở tay
Trời đất lâu dài,
Cứ hễ canh năm gà gáy sáng
Xuân về hoa núi nở ngàn nơi.

Hỏi : Cứu cánh là gì ?

Đáp : Hòa thượng Phổ Hóa nói : “Tìm chỗ đi không thể được.”

Lại kệ nguyện trong kinh Hoa Nghiêm nói :

Lễ lạy Hoa Nghiêm biển chân tánh
Thảy thảy quang minh Biến Chiếu Tôn
Muôn hạnh Phổ Hiền khắp trang nghiêm
Tất cả chân như pháp giới tạng.

Trân trọng ! Trân trọng !”

* * *

Người xưa có nói : “Tham thiền tham tánh, tánh tham thiền.” Chúng ta làm sao để tiếp xúc với thực tại, để tham thiền, để tương ưng với thực tại ? Làm sao để thấy khi đức Phật đưa cành hoa lên thì thấy đó là tất cả thực tại ?

Chúng ta đã thấy ở Trung Hoa có năm phái Thiền – nhưng tất cả đều xuất phát từ Lục tổ Huệ Năng – , trong đó cách dụng công tu hành của hai phái Lâm Tế và Tào Động về sau có hai quan điểm khá khác biệt nhau. Cụ thể là phái Lâm Tế về sau cho rằng ngồi thiền là để tham cứu công án để ngộ, còn Tào Động về sau thì cho rằng trong ngồi thiền thì đã có ngộ. Sự dụng công tu hành còn khác biệt tùy theo từng vị thầy, tuy vị nào cũng cùng một con đường, một đích đến. Vậy thì đâu là phương pháp tổng quát chung, và từ phương pháp chung ấy, tùy theo mỗi cá tính, mỗi hoàn cảnh, mỗi cơ duyên của thầy và trò mà sử dụng một cách khác nhau ?

Phương pháp tổng quát là muốn thấy tánh, muốn ngộ tánh, thì tánh như thế nào người học phải sống theo, nghĩa là thân, khẩu, tâm ý người học phải “tùy thuận” (chữ dùng theo kinh Viên Giác) theo tánh đó như vậy. Nếu nói theo truyền thống Nam tông, sự tu hành có nghĩa là “như lý tác ý” hay truyền thống Bắc tông Đại thừa, sự tu hành là “như pháp (tánh) mà hành”. Sở dĩ chúng sanh chúng ta ‘đều đồng một nguyên lý tánh Giác này’ nhưng không thấy nghe hay biết Nó, bởi vì chúng ta luôn luôn theo thói quen nghiệp mà sống trái ngược lại với Nó. Tu hành là sống tùy thuận theo nó, tới một mức mà chúng ta có thể “quen biết” nó, chúng ta liền thấy nó, liền ngộ.

Nguyên lý tổng quát của sự dụng công tu hành là như vậy. Vì tánh là không trụ vào đâu cả, người học phải “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Vì tánh không phân chia chủ thể và đối tượng, ngã và pháp, cho nên người học dù dụng công thế nào cũng phải nhằm thoát khỏi cái thấy có ngã và pháp. Còn nếu thiền định hay thiền quán mà tăng thêm ngã và pháp thì chắc chắn chẳng bao giờ thấy được pháp tánh. Vì tánh thấy thì chẳng thấy riêng một cái gì cả ; thấy riêng một cái gì thì đó là thức, nghĩa là cái thức phân biệt dựa vào nhãn căn và trôi lăn theo cảnh. Ít ra tánh thấy là cái gì không chuyển dời theo cảnh, như Nguyễn Du nói :

Lá rơi hoa nở đầy trước mắt
Bốn mùa tâm kính tự như như.

Thế nên muốn biết được tánh thấy thì phải thấy mà không có chủ thể và đối tượng : “khi thấy mà có tướng thấy, cái thấy đó chẳng phải là tánh thấy ; cái thấy mà do lìa tướng thấy, đó là tánh thấy siêu việt” (kiến kiến chi thời phi thị kiến ; kiến do ly kiến kiến bất năng cập – Lăng Nghiêm quyển hai).

Kinh Phật Tự Thuyết (Udana) trong Tương Ưng Bộ nói : “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Trong cái nghe chỉ là cái nghe, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Trong cái hiểu biết, chỉ là cái hiểu biết, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng… Do vậy, này Bāhiya, ngươi không là chỗ ấy. Vì rằng ngươi không là chỗ ấy, do vậy, này Bāhiya, ngươi không phải là đời này, không phải là đời sau, không phải là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn dứt hết khổ đau.”

Thiền sư Pháp Loa, tổ thứ hai phái Thiền Trúc Lâm nói : “Người học Phật trước tiên cần phải thấy tánh. Thấy tánh là chẳng phải có cái để thấy mà gọi là thấy. Mà chính là chỗ không có gì để thấy mới gọi là thấy. Cho nên khi thấy mà chẳng phải thấy, tức là chân tánh hiện. Tánh thấy vốn vô sanh, nên sanh ra cái thấy thì chẳng phải thật có. Tuy không thật có, nhưng tánh của những cái không thật có đó là thật, nên cái tánh thấy chân thật thì không dời đổi. Thế nên gọi là sự thấy tánh chân thật vậy.”

Có lẽ không cần bàn thêm điều gì nữa. Có chăng là niềm tin của chúng ta vào sự việc đó. Quả thật là đơn giản : khi thấy mà không trụ vào những hình tướng (những cái nhìn thấy) riêng rẽ nào, thì đó là tánh thấy. Khi thấy mà không thấy, không trụ vào một hình bóng riêng rẽ nào, thì đó là cái thấy của mặt gương. Khi ấy chúng ta là toàn thể tấm gương, tức là Đại Viên Cảnh Trí, nói theo Duy Thức. Điều đơn giản như vậy nhưng khó tin, khó lãnh nhận, chỉ bởi vì chúng ta đã theo thói quen từ bao kiếp để chỉ chọn một góc, một mảnh mà không chịu chọn lấy tất cả cái thấy chân thật, không sanh diệt của tấm gương, rồi lại chạy theo những hình tướng sanh diệt, vừa lìa khỏi bản tánh vừa oan uổng nổi trôi theo khổ đau phiền não. Quả thật chúng ta không hề khác biệt với chư Phật, chư Tổ, vì ‘tất cả chúng sanh đều đồng một tánh thấy này’, nhưng chúng ta không dám tin, chúng ta chỉ tin theo những hình tướng sanh diệt. Cho nên bất kỳ lúc nào (bởi vì tánh thấy hiện tiền thường trụ) chúng ta thấy mà không trụ vào và chạy theo những hình tướng sanh diệt, lúc đó chúng ta thấy với tư cách là tánh thấy, với tư cách là tấm gương, và chúng ta là một với tánh thấy, một với tấm gương, chúng ta là một với chư Phật chư Tổ.

* * *

Bởi vì ‘sáu căn là sáu công dụng, mà tâm chỉ là một thể tinh minh’, thế có nghĩa là thấy nghe… cho đến ý tưởng đều chỉ một nguồn gốc là tâm hay tánh. Do đó mà có các danh từ tánh thấy, tánh nghe… tánh nghĩ. Nói như vậy có nghĩa là từ cái thấy, cái nghe… cái nghĩ, chúng ta có thể tìm ra cội nguồn một thể tinh minh của chúng tức là tánh thấy, tánh nghe, tánh nghĩ.

Trong kinh Lăng Nghiêm, quyển Sáu, nói về nhĩ căn viên thông, ngài Văn Thù nói :

Đại chúng cùng A Nan :
Xoay cơ nghe điên đảo
Quay nghe, nghe tự tánh
Tánh thành : Vô Thượng Đạo.

Thông thường trong đời sống bình thường chúng ta chỉ chạy theo những âm thanh nghe được (trần tướng) rồi từ đó mà khởi lên những tư tưởng phân biệt, tất cả đều là chủ quan của cá nhân ta. Sống trong sự đuổi theo các âm thanh và các tư tưởng của chính mình, trong sự hỗn loạn xô bồ ấy – cái này chính là sanh tử – chúng ta chẳng biết được tánh nghe vẫn hằng hiện diện đằng sau mọi sóng thức hỗn loạn xô bồ ấy. Thế nên, bất cứ khi nào chúng ta xoay cái nghe điên đảo lại, để nghe ngược lại cội nguồn của cái nghe (phản văn văn tự tánh), lúc đó chúng ta tiếp xúc được với tánh nghe vốn hằng hiện diện nơi ta, chưa từng rời khỏi chúng ta một mảy may thời gian không gian nào và cũng chưa từng nhiễm ô chút nào bởi những thứ tiếng ở bên ngoài. Và vì không ô nhiễm như vậy, nên ‘nghe mà chưa từng nghe’. Để vượt khỏi thế giới sanh diệt, chúng ta phải tìm cho ra cái “suốt ngày nghe mà chưa từng nghe”, và an trụ trong đó. Đây là sự quy y, nương dựa chân thật mà truyền thống Thiền vẫn nói.

Chư Phật cũng chỉ là tánh nghe đó, chư Tổ cũng chỉ là tánh nghe đó, hiện giờ sự tiếp xúc của chúng ta cũng vẫn là với tánh nghe đó, chỉ có điều sự tiếp xúc ấy còn bị nhiều nhiễu loạn, che chướng, trở ngại, lúc có lúc không, không thì quá nhiều có thì vài khoảnh khắc, nên chưa có thể gọi là viên thông. Tiếp xúc trực tiếp với tánh nghe bất động ấy đàng sau mọi cái nghe, đó là con đường giải thoát và thành Phật. Con đường ấy có thể rất dài, trải qua rất nhiều kiếp, nhưng dài hay ngắn là do chúng ta. Rất dài hay rất ngắn cũng chỉ là một Cái Đó, nó vẫn luôn luôn ở với chúng ta. Dài hay ngắn là ở chỗ chúng ta có dám nhận mình là tánh nghe không sanh không diệt hay chỉ thích chạy theo các cái nghe sanh diệt, có không.

Đối với tư tưởng (các niệm) cũng vậy. Những tư tưởng luôn luôn là cơ hội cho ta tiếp xúc được với cội nguồn không có tư tưởng (người xưa gọi là vô niệm), mà chúng ta có thể gọi là tánh biết. Sở dĩ chúng ta gọi tánh biết này là không có tư tưởng bởi vì nó hiện diện thường trực ở nơi đó mà không cần có tư tưởng. Tư tưởng chỉ là một cái dụng của nó.

Tánh biết này có mặt ở đó trước khi tư tưởng khởi lên, khi tư tưởng chuyển động nó vẫn ở đó làm không gian trống rỗng cho mọi tư tưởng, và khi tư tưởng tan biến nó vẫn ở đó – tư tưởng tan vào không gian tịch lặng bất sanh bất diệt ấy. Tư tưởng có hay không có, xoay theo hướng nào, nó vẫn ở đó và bao hàm hết mọi tư tưởng đồng thời chẳng dính dáng gì với tư tưởng. Cho nên chúng ta có thể tiếp xúc với Nó bất kỳ lúc nào, trước khi tư tưởng khởi, đó là Nó, đang khi tư tưởng khởi, vẫn là Nó và tư tưởng tan biến, đó là Nó. Sự giải thoát và giác ngộ đơn giản là như vậy, có điều sự thuần thục, tự tại (với tư tưởng và cái không có tư tưởng) thì ở một mức độ không thể nghĩ bàn. Con đường thành Phật chỉ đơn giản như vậy khiến chúng ta khó tin, nhưng quả thật tất cả chư Tổ, tất cả kinh điển đều nói như vậy, tất cả tông phái đều nói như vậy. Và như vậy nên mới thật là bình đẳng, thật là thật tế, thật là “dân chủ, tự do”. Việc đó không đòi hỏi phải trải qua những cảnh giới trung gian nào, không đòi hỏi ai phải thay đổi hoàn cảnh sống hay phải theo cái gì, không đòi hỏi hiểu nhiều biết rộng… nghĩa là Nó vô điều kiện.

* * *

Sự tiếp xúc với Nó, đó gọi là tham thiền (hay thiền định nếu chúng ta muốn dùng chữ này). Nhưng sự tiếp xúc phải tới mức đầy đủ, nghĩa là đi đâu cũng gặp Nó, làm gì cũng làm Nó, nghe gì cũng là Nó… thì mới gọi là thật sự tiếp xúc với Nó, thật sự biết tham thiền. Sự tiếp xúc mơ hồ ban đầu phải đến chỗ tiếp xúc thật sự, để từ đây Nó là một vị duy nhất của đời sống, Nó là cốt lõi trung tâm mà đời sống xoay quanh, Nó là gia tài, kho tàng xưa nay cho đời này lẫn những kiếp tới. Tiếp xúc thật sự nghĩa là xác quyết rằng Nó là thực tại duy nhất của mọi hình tướng đời sống, là ý nghĩa duy nhất của mọi hoạt động sống, là cái đầu tiên và cuối cùng của mọi sự thế gian và tất cả Phật pháp.

Tu Thiền là phải biết rằng ngay lúc này đây chúng ta có thể tiếp xúc với Thực Tại đó, và chúng ta phải tiếp xúc với thực tại đó mới gọi là tham thiền. Điều này có thể do tự mình phát giác hay có sự hướng dẫn của một bạn đạo, một vị thầy mà chúng ta gọi là những thiện tri thức. Sự tiếp xúc đó còn mơ màng hay chưa rõ ràng và mặc dù mơ màng hay chưa rõ ràng vẫn chỉ là Cái Đó. Sự tiếp xúc chưa rõ ràng này người xưa gọi là Tương Tợ Giác, gần giống với cái biết thật sự. Cho đến lúc sự tiếp xúc là thật sự, chân thật, bấy giờ chúng ta mới được gọi là thật sự biết, thật sự tu. Kể từ lúc tiếp xúc thật sự (hay còn gọi là thấy tánh, thấy Pháp thân), gọi là Tùy Phần Giác, vì chúng ta đã thật sự biết được Cái Đó (hay Pháp thân, Chân tâm…) và biết Nó từng phần, khai mở Nó từng phần (tùy phần) cho đến lúc biết trọn vẹn (gọi là Cứu Cánh Giác).

Con người chỉ bắt đầu sống đích thực là từ khi nó biết tham thiền, nghĩa là biết tiếp xúc, tương ưng với thực tại, của nó và của thế giới, chúng sanh. Trước đó nó chỉ sống trong một cuộc đời xảy ra trong các giác quan và ý thức, do đó rất cạn cợt, nghèo nàn, hữu hạn và bất toại nguyện. Bất toại nguyện là sự thật thứ nhất mà Đức Phật dạy, đó là Khổ đế, và cuộc sống như vậy nằm trong một giới hạn, một phạm vi mà chúng ta gọi là sanh tử. Khi biết tiếp xúc với Thực Tại bằng cách tham thiền, con người bắt đầu thực sự hiểu đời sống chân thật là gì, toàn bộ đời sống là gì, bản tánh nền tảng cũng như những biểu lộ thành hiện tượng của đời sống là gì, và do đó nó mới thực sự hưởng thụ được đời sống. Đời sống trong bản chất sâu thẳm của nó tức là cái mà kinh Niết Bàn gọi là Thường Lạc Chân Tịnh, và đi vào Đời Sống Chân Thường này là điều mà kinh Hoa nghiêm gọi là Nhập Pháp Giới.

Như vậy hành thiền không phải là một cái gì trái với bản chất của con người, trái với tự nhiên, không phải là một kỷ luật đạo Phật đặt ra một cách giả tạo trên cuộc sống thường nhật của con người. Hành thiền là sống thuận theo bản tánh mình, thuận theo thực tại, và chính là sống ngược lại với thực tại mới đặt con người vào khổ đau, điên đảo không dứt, khát khao không dứt. Nói theo ngôn ngữ Khổng giáo, hành thiền là sống thuận theo thiên tánh, thiên mệnh của mình. Chính thực tại tự tánh của mỗi người mới giải quyết cho từng cá nhân và xã hội những vấn nạn hạnh phúc và khổ đau, hòa bình và chiến tranh, hợp nhất và chia rẽ, phần tử và toàn thể, sống và chết… nghĩa là tất cả những vấn nạn mà cuộc sống hữu hạn của con người có thể có được và chẳng bao giờ giải quyết được.

Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi chịu khổ đau, sanh diệt, biến đổi, lang thang đói nghèo… ngay trong chính Như Lai tạng của chư Phật, ngay trong định mệnh vinh quang Phật tánh của chính mình. Hoàn thành định mệnh vinh quang của mình là đạt đến điều mà Thiền sư Y Sơn (?-1213) diễn tả :

“Các ngươi nên biết, Như Lai thành Chánh Giác, đối với tất cả nghĩa không còn chỗ nào quan sát, đối với tất cả pháp bình đẳng không có gì nghi hoặc, không hai không tướng, không đi không đứng, không lường không hạn, xa lìa hai bên, vĩnh viễn ở nơi trung đạo, vượt khỏi hết thảy văn tự, ngôn thuyết, truyền được thân lượng bằng hết thảy chúng sanh, được thân lượng bằng hết thảy cõi Phật, được thân lượng bằng hết thảy cõi, được thân lượng bằng tất cả chư Phật, được thân lượng bằng hết thảy ngôn ngữ, được thân lượng bằng với chân như, được thân lượng bằng với pháp giới, được thân lượng bằng với hư không giới, được thân lượng bằng với vô ngại giới, được thân lượng bằng với hết thảy nguyện, được thân lượng bằng với tất cả hạnh, được thân lượng bằng với hết thảy tịch diệt.

Lại nói rằng :

Như Lai thành Chánh Giác
Thân bằng hết thảy lượng
Hồi hỗ không hồi hỗ
Mắt sáng con ngươi thần.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn