Về một lời khuyên tu thiền

08 Tháng Tám 201617:44(Xem: 6212)

VỀ MỘT LỜI KHUYÊN TU THIỀN
Nguyên Hải

ngoithien_02Thiền là đề tài rất quan trọng trong đạo Phật, được đề cập rộng rãi trong kinh sách Phật giáo dưới nhiều hình thức và và trình bày nhiều phương pháp tu tập khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì Thiền không gì khác là một lẽ sống thực nghiệm tự nội, tuần tự đưa đến cứu cánh giác ngộ mà bất kỳ người nào quyết tâm tu học theo giáo pháp của Phật cũng cần trải qua, nếu muốn tìm thấy an lạc và giải thoát thực sự. Càng thực nghiệm được nhiều thì an lạc càng tăng trưởng sâu lắng cùng lúc tâm thức càng tiến gần đến giác ngộ trọn vẹn. Có thể nói rằng Thiền là lối đi duy nhất tuần tự đưa con người rời khỏi phiền não khổ đau, đạt đến cứu cánh giải thoát mà không có con đường thứ hai. Trong bài kinh Niệm xứ (Satipatthànasutta) được xem là nền tảng của nếp sống thiền định Phật giáo, Đức Phật xác nhận: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là Bốn Niệm xứ”1.

Để giúp cho mọi người tìm thấy phương pháp tu tập thích hợp, Đức Phật đã giảng dạy về Thiền theo nhiều cách thức và cấp độ tu chứng khác nhau. Đôi khi nó được phân ra thành các đề tài riêng biệt như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm hơi thở vô hơi thở ra, niệm vô thường, niệm chết, niệm tử thi… đôi khi Thiền được giảng dạy theo từng nhóm chủ đề như niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp2, hoặc lúc khác nó được trình bày chung trong tiến trình Giới-Định-Tuệ dưới hình thức bốn Thiền sắc giới, bốn Thiền vô sắc. Đôi khi Thiền lại được nhấn mạnh như một nếp sống giải thoát an lạc theo trình tự Giới-Định-Tuệ đi kèm với các thực nghiệm an lạc như là kết quả: Giới đức – bất hối -tâm hân hoan – hỷ sanh – thân khinh an – lạc thọ sanh -tâm định – trí tuệ hay tri kiến như thật – giải thoát – giải thoát tri kiến3. Cũng có lúc Thiền được nói đến bằng các thuật từ ngụ ý một nếp sống hạnh phúc an lạc như “Hiện tại lạc trú” (Ditthadhammasukhavihàra) chỉ cho bốn Thiền sắc giới, hoặc “Tịch tịnh trú” (Santavihàra) chỉ cho bốn Thiền vô sắc. Hoặc có đôi lúc nó được biểu đạt dưới hình thức một bài kệ nhấn mạnh tầm quan trọng của nếp sống thiền định và trí tuệ, chẳng hạn: “Tu thiền trí tuệ sanh, bỏ thiền trí tuệ diệt…”4 hoặc: “… Người có thiền có tuệ, nhất định gần Niết-bàn”5. Một vài nơi Thiền được nhắc đến như một lẽ sống quan trọng mà người xuất gia cần phải chuyên tâm hành trì: “Này các Tỳ-kheo, đây là những gốc cây, đây là ngôi nhà trống; hãy tu thiền, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau”6. Ở các nơi khác, nó là một lời tuyên bố về cách thức làm thế nào để sự tu tập có kết quả7. Trong giới hạn bài này, chúng ta tập trung xem xét về một trong số các lời tuyên bố như vậy về Thiền, như sau:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tinh tấn có kết quả? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy chi phối”.8

ngoithien_03medLời tuyên bố trên nêu rõ cách thức làm thế nào để sự tinh tấn có kết quả, tức là làm sao để việc tu Thiền hay hành Thiền có được kết quả tốt đẹp. Câu trả lời gồm ba vế. Vế thứ nhất là “không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị khổ đau nhiếp phục”, nghĩa là không để cho chính mình (tự ngã) rơi vào khổ đau bởi lối sống mê lầm. Câu này ngụ ý việc quyết tâm theo đuổi nếp sống Trung đạo – Bát Chánh đạo hay nếp sống thực hành Giới-Định-Tuệ, có khả năng giúp cho tự thân khoát ly khổ đau, không bị khổ đau chi phối, tuyệt đối tránh xa lối sống khắc kỷ khổ hạnh và lối sống hưởng thụ dục lạc vốn là hai thái cực chỉ đưa đến khổ đau hay khiến cho mình rơi vào bất hạnh khổ đau. Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì cả hai lối sống đắm say dục lạc và khắc kỷ khổ hạnh đều khiến cho con người quay cuồng trong khổ đau, không giải thoát, không đưa đến mục đích giác ngộ. Chỉ có con đường Trung đạo – Bát Chánh đạo mới thực sự đưa con người rời xa khổ đau.9 Đó chính là lối sống minh triết Phật giáo, với sự phát triển đầy đủ các phẩm chất giới đức, tâm đức, tuệ đức, hướng đến hoàn thiện nhân tính hay cứu cánh giác ngộ. Rõ ràng, người hành trì theo giáo pháp của Phật thì trước hết cần phân biệt rõ lối sống nào là lợi lạc, nên theo và lối sống nào là vô ích, cần phải từ bỏ.

Vế tiếp theo nhấn mạnh đến hành Thiền hay kết quả lợi lạc của công phu thiền định. Câu nói “không từ bỏ lạc thọ hợp pháp” có nghĩa là phải tu Thiền và hành Thiền để có được lạc thọ hợp pháp (dhammikasukha) hay còn gọi là Thiền lạc (jhànasukha), tức phải thường xuyên hành Thiền để chứng nghiệm “hỷ lạc do ly dục sanh” ở Thiền thứ nhất, “hỷ lạc do định sanh” ở Thiền thứ hai, “xả niệm lạc trú” ở Thiền thứ ba, “xả niệm thanh tịnh” ở Thiền thứ tư. Chúng được mô tả như sau:

“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ly dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỳ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỳ-kheo, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh thấm nhuần.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này các Tỳ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này các Tỳ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần”.

ngoithien03215635Bốn loại Thiền lạc hay bốn cấp độ thực nghiệm nội tâm an tịnh này được gọi chung là lạc thọ hợp pháp (dhammikasukha), vì chúng phù hợp với Chánh pháp, do Đức Phật tự thân chứng ngộ và giảng dạy, có khả năng làm trong sạch và an tịnh nội tâm, giúp người thực hành thành tựu trí tuệ đưa đến mục đích đoạn tận khổ đau. Chúng được gọi là hợp pháp theo nghĩa chúng là niềm hân hoan an lạc tự nội (ajjhattasukha), phát sinh do ly dục, do tâm định, do xả niệm lạc trú, do xả niệm thanh tịnh, được biết với các tên gọi thanh cao như xuất ly lạc (nekkhammasukha), niềm vui của sự rời xa dục lạc; an tịnh lạc (upasamasukha), niềm vui của tâm thức an tịnh; độc cư lạc(vivekasukha), niềm vui của nếp sống vắng lặng; chánh giác lạc (samboddhasukha), niềm vui có khả năng đưa đến giác ngộ, tức những niềm vui hướng thượng của tâm thức mà Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo nên hành trì, nên làm cho sung mãn10, không nên từ bỏ, vì chúng cần thiết và thích hợp đối với đời sống của người xuất gia trong lộ trình tu tập hướng đến giác ngộ. Chúng cũng được xem là lạc thọ hợp pháp bởi chúng đối lập hoàn toàn với dục lạc (kàmasukha) hay các lạc thú thế gian, được xem là ô uế lạc (mìlhasukha), niềm vui làm ô uế tâm thức; phàm phu lạc (puthujjansukha), niềm vui phàm tục; phi Thánh lạc (anariyasukha), niềm vui không đưa đến thanh cao thánh thiện11, chỉ đưa đến tranh chấp, giành giật, đấu tranh, tàn hại, khổ đau12, không thích hợp với người xuất gia, không nên thực hành, không nên làm cho sung mãn, đáng sợ hãi, cần phải từ bỏ13. Đức Phật khuyên các học trò mình nên tìm kiếm Thiền lạc thông qua hành Thiền, vì theo kinh nghiệm của Ngài thì Thiền lạc có khả năng đối trị dục lạc hay các lạc thú thế gian14. Vì vậy một khi đã tu Thiền, đã thực nghiệm được Thiền lạc hay lạc thọ hợp pháp rồi thì bấy con người không còn bị dục lạc hay các lạc thú thế gian chi phối, cũng có nghĩa là không còn rơi vào mê lầm khổ đau.

Vế thứ ba lưu ý về phương pháp hay hay cách thức hành Thiền sao cho có kết quả. Kết quả ở đây là sự thăng tiến tâm thức hướng đến tuệ giác hay sự chứng đắc trí tuệ đưa đến giác ngộ, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt hoàn toàn khổ đau, mục đích tối hậu của mọi nỗ lực Phật giáo. Câu nói “không để lạc thọ ấy chi phối” mang ý nghĩa một lời cảnh tỉnh về Thiền lạc mà vị hành giả thực nghiệm được trong khi tu Thiền và hành Thiền, tức các trạng thái “hỷ lạc do ly dục sanh” thuộc Thiền thứ nhất, “hỷ lạc do định sanh” thuộc Thiền thứ hai, “xả niệm lạc trú” thuộc Thiền thứ ba, “xả niệm thanh tịnh” thuộc Thiền thứ tư. Sở dĩ có lời cảnh tỉnh như vậy là do một số hành giả có thể nhầm tưởng các trạng thái thanh thản an lạc ở trong các Thiền chứng ấy là cứu cánh của sự tu tập, giống như một số ngoại đạo đã quan niệm, và do vậy, thay vì tiếp tục tinh tấn để vượt qua, để tâm thức đạt đến tuệ giác, họ đã bám chấp vào Thiền lạc, xem chúng là mục đích cứu cánh15. Thực sự thì Thiền lạc không phải là cứu cánh của Thiền, càng không phải là cứu cánh của sự thực hành Phật giáo; chúng là hệ quả tất yếu của công phu thiền định, là phương tiện đưa đến cứu cánh, có công năng thanh lọc tâm, thanh lọc cảm thọ đạt đến chỗ trong sáng và thuần tịnh, khiến cho tâm thức vị hành giả trở nên định tĩnh và sáng suốt, chứng ngộ sự thật sanh và diệt của hết thảy các pháp hay các hiện tượng, sẵn sàng buông bỏ mọi tham ái, cắt đứt mọi ý niệm ôm ấp hay nắm giữ, đạt đến tự do, giải thoát, tịch tịnh, Niết-bàn. Đây mới là mục đích rốt ráo của thiền định Phật giáo, nghĩa là nhờ có Thiền mà trí tuệ được khai mở, được tu tập và đạt đến sắc bén, có năng lực chặt đứt các phiền não (tham, sân, si) hay các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu), gốc rễ của hết thảy mọi mê lầm khổ đau, đưa đến cứu cánh giác ngộ.

Cũng theo kinh nghiệm của Đức Phật thì để vượt qua Thiền lạc hay để không bị lạc thọ hợp pháp chi phối, vị hành giả cần phải nhận thức cho thật đúng về cảm thọ, thường xuyên theo dõi và quan sát tính chất duyên sinh, vô thường của cảm thọ, thấy rõ nó là pháp hữu vi, do duyên sinh, là vô thường, không nên tham đắm. Quán sát và thấy như thật về bản chất của cảm thọ rồi thì tâm tự nhiên trở nên tỉnh giác, không dao động, không còn rơi vào tham ái đối với cảm thọ, cho dù đó là Thiền lạc hay lạc thọ hợp pháp. Nói cách khác, để tâm thức không bị Thiền lạc hay lạc thọ hợp pháp chi phối, tiếp tục sự tiến triển của nó trong lộ trình tinh tấn hướng đến tuệ giác giải thoát, hành giả cần phải thấy rõ vị ngọt (assàda), sự nguy hiểm (àdìnava) và sự xuất ly (nissarana) của Thiền lạc, nghĩa là cần phải tỉnh táo sáng suốt nhận ra sự an tịnh tinh tế (vị ngọt) của Thiền lạc, đồng thời phải thấy rõ tính chất duyên sinh, vô thường, biến diệt (sự nguy hiểm) của nó để sinh tâm ly tham, buông xả đúng lúc (sự xuất ly)16. Đây chính là thái độ đúng đắn của người hành Thiền Phật giáo, tức là mỗi bước đi là mỗi bước an trú Chánh pháp, đồng thời cũng là mỗi bước xả ly Chánh pháp để tiến đến mục đích cứu cánh; vì pháp của Phật tựa như chiếc bè, chỉ là phương tiện an toàn để cho hành giả từng bước đạt đến cứu cánh Niết-bàn.17

Nhìn chung, tùy theo nhân duyên và căn cơ mà Đức Phật giảng dạy về Thiền theo nhiều cách thức khác nhau. Với những người chưa có nhiều nhân duyên tiếp xúc với Phật pháp, Ngài khuyên dạy họ nên mở tâm chia sẻ bố thí, khuyến khích họ thực hành nếp sống chơn chánh hiền thiện.

Với những người thiên nặng khoái lạc thế gian, Ngài nhấn mạnh sự nguy hại khổ não của lòng tham muốn dục lạc, nêu rõ sự lợi lạc thoải mái của sự chế ngự lòng đam mê các lạc thú trần thế.

Với những vị xuất gia, Ngài nhắc nhở họ phải phân biệt rõ giữa dục lạc và Thiền lạc để chú tâm vào nội lạc (ajjhattasukha) hay lạc thiền định (jhànasukha)18nghĩa là phải chuyên tâm hành Thiền để chứng nghiệm cho được lạc thọ hợp pháp hay Thiền lạc.

Nhưng với những vị đã thưởng thức được lạc thọ hợp pháp (dhammikasukha) hay Thiền lạc (jhànasukha), Ngài cảnh tỉnh họ phải chánh niệm tỉnh giác để tâm không rơi vào luyến ái, không bị Thiền lạc chi phối19 để tâm không dao động, tiếp tục tiến triển đúng đắn theo hướng phát sinh minh kiến (nàna/vijjà) hay trí tuệ (pannà) đưa đến đoạn tận các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu), chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Đây là phương pháp giảng dạy hết sức thiện xảo của Đức Phật, theo đó mỗi người đều có thể tìm thấy hướng tu tập đúng đắn và thích đáng cho mục tiêu giải thoát khổ đau hay hoàn thiện bản thân mình trong giáo pháp giác ngộ của Ngài. •

Chú thích:

  1. Kinh Niệm xứ, Trung Bộ.
  2. Kinh Niệm xứ, Kinh Thân hành niệm, Trung Bộ.
  3. Kinh Có lợi ích gì, Tăng Chi Bộ.
  4. Kinh Pháp Cú, kệ số
  5. Kinh Pháp Cú, kệ số
  6. Kinh Bất động lợi ích, Kinh Căn tu tập, Trung Bộ.
  7. Kinh An trú tầm, Trung Bộ; Kinh Kẻ lọc vàng, Tăng Chi Bộ.
  8. Kinh Devadaha, Trung Bộ.
  9. Kinh Như Lai thuyết, Tương Ưng Bộ.
  10. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung Bộ.
  11. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung Bộ.
  12. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
  13. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung Bộ.
  14. Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Màgandiya, Trung Bộ.
  15. Xem Kinh Phạm võng, Trường Bộ, mục nói về Hiện tại Niết-bàn luận.
  16. Đại kinh Khổ uẩn, Trung Bộ.
  17. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
  18. Kinh Vô tránh phân biệt, Trung Bộ.
  19. Kinh Devadaha, Trung Bộ.
Trích: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo năm 2016
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn