Kinh Nghiệm Tu Tập Khóa Thiền 20 Ngày Theo Pháp Môn Của Ngài S.n. Goenka

16 Tháng Bảy 201300:00(Xem: 13638)

KINH NGHIỆM TU TẬP 
KHÓA THIỀN 20 NGÀY 
THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI S.N. GOENKA
Nguyễn Từ Nam
ngoithien_ngoc_thanh_02
Một khóa thiền Vipassana tại Tịnh xá Ngọc Thành Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

GIỚI THIỆU

Hiện nay đã có rất nhiều trung tâm thiền theo pháp môn Goenka được thành lập trên hơn 100 quốc gia trên thế giới. Những trung tâm này tổ chức những khóa thiền 10 ngày và được rất nhiều người theo học. Số lượng người ghi danh thường bao giờ cũng đông hơn số chỗ ngồi dự kiến. Người ta tự hỏi tại sao lại có nhiều người tham gia như vậy? Đó chính là vì pháp môn Goenka là một pháp môn thực tiễn và rất hữu dụng cho đời sống bon chen hàng ngày của chúng ta.

Ngài Goenka luôn khuyến khích: hãy đến và trải nghiệm một khóa thiền 10 ngày.

Trong vòng 10 ngày chúng ta thực tập Giới - Định - Tuệ trong những Trung tâm thiền như vậy.

Bước đầu là chúng ta phải tôn trọng 5 giới cấm. Chúng ta tránh dẫm đạp, giết ruồi bọ. Trong vòng 10 ngày chúng ta chỉ dùng thực phẩm chay và không dùng trứng. Do chúng ta ăn chay mà từ trường của chúng ta được thanh tịnh hóa và chúng ta có thể cảm nhận được những cảm giác cực kỳ vi tế. Nếu chúng ta ăn thịt, từ trường vô minh, nặng trược của súc vật sẽ làm chúng ta bị ô nhiễm và chúng ta sẽ không kinh nghiệm được những cảm giác vi tế này.

Các bạn cũng không có cơ hội để nói những lời sai sự thật vì các bạn phải tịnh khẩu (giữ im lặng) trong suốt khóa thiền.

Nói chung những trung tâm thiền Goenka đều tạo điều kiện cho bạn giữ giới một cách nghiêm túc để cho sự hành thiền của bạn được trôi chảy và tốt đẹp.

Việc giữ Giới làm cho tâm bạn được trong sạch. Bạn bắt đầu thực hành Anapana trong vòng ba ngày (thiền quán niệm hơi thở) và trải nghiệm sự an lạc do Định mang lại. Trong bảy ngày còn lại, bạn thực tập Vipassana (quán cảm thọ) và rửa đi một số nghiệp trong quá khứ.

Trong thế giới mà chúng ta đang sống rất nhiều chủ đề liên quan đến tiền nên tôi mạo muội cho một thí dụ ở đây để những người trong giới kinh doanh dễ hiểu:

Quý vị về nhà mà quý vị tu tập thiền định (Anapana) thì giống như quý vị để dành tiền. Quý vị cố gắng giữ Giới trong đời sống hàng ngày của mình là quý vị đang sống một cách tri túc, tiết kiệm và không hoang phí. Khi quý vị thực hành thiền Vipassana là quí vị trả nợ.

Phần đông tâm lý con người là không thích trả nợ … Do chúng ta vô minh, chúng ta không biết được luật nhân quả nên chúng ta tạo nghiệp liên tục. Chúng ta ăn chơi, tiêu xài thoải mái và không nghĩ đến hậu quả của nó. Khi phước phần của chúng ta hết, chúng ta phải trả nợ thì chúng ta khóc lóc kêu than: sao tôi khổ thế này, tôi đã làm gì mà Trời Phật bắt tôi chịu hậu quả này hoặc hậu quả kia?

Trời Phật rất công bằng. Nói chung là Tạo Hóa (Dhamma) rất là công bằng. Ai trồng quả gì thì lãnh trái đó. Bạn sẽ kinh nghiệm điều này trong những khóa thiền dài hạn.

Pháp môn của Ngài Goenka là chuyên về “trả nợ”. Chúng ta càng trả được nợ thì tiền lãi sẽ càng giảm đi và chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống của chính mình.

Phần đông thiền sinh không thể ngồi thiền hàng ngày hai tiếng đồng hồ tại vì họ có quá nhiều việc trong cuộc sống để giải quyết. Nhưng hàng năm họ có thể tham dự một khóa thiền 10 ngày. Như vậy cũng rất là tốt rồi. Nếu các bạn cố gắng giữ giới trong đời sống hàng ngày của mình đồng thời tham gia một khóa thiền 10 ngày mỗi năm thì các bạn đang thực hành Nghệ Thuật Sống.

Mục đích đầu tiên của pháp môn thiền Goenka là cho bạn một Nghệ Thuật Sống. Sống làm sao để giảm đi hận thù, đố kỵ, ganh ghét, ghen tuông. Sống một cách bình an, tĩnh lặng và thật hài hòa với mọi người trong gia đình xã hội. Sống làm sao để phát triển tình thương và lòng bi mẫn đến cho mọi người. Sống với tâm quân bình, buông xả và tỉnh thức trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời.

Nếu bạn biết áp dụng pháp môn thiền này vào cuộc sống thì cuộc đời bạn sẽ luôn an vui đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc.

Nhưng mục đích sâu xa của môn thiền này không chỉ đơn giản chỉ là một Nghệ thuật sống. Mục đích tối hậu của nó là giải thoát. Giải thoát khỏi những sầu bi, tham ái, vô minh của cuộc đời. Vô minh che mờ mắt chúng ta dẫn chúng ta lang thang từ đời sống này sang đời sống khác. Chúng ta là nô lệ cho thâm sân si mà chúng ta không biết. Mỗi khi nghiệp lực trỗi lên, chúng ta lại tuân theo và hành động một cách mù quáng. Nghiệp cũ chưa trả xong mà nghiệp mới lại chồng chất làm chúng ta cực kỳ khốn khổ. Không một giây phút nào mà chúng ta cảm nhận được sự bình an. Chỉ toàn là đau khổ và bất toại nguyện.

Một số người đã tạo ra những ba la mật (pāramī) trong quá khứ và họ cũng đã từng ngồi thiền. Do những phước đức này và do công phu ngồi thiền liên tục nhiều khóa thiền 10 ngày, họ nhận ra những sự bất ổn sâu xa của cuộc đời. Lớp màn vô minh đã bớt dày và ánh sáng giải thoát đã bắt đầu hé lộ.

KINH NGHIỆM KHÓA THIỀN 20 NGÀY

Những người nào có được quyết tâm giữ giới trong đời sống hàng ngày đồng thời ngồi thiền trung bình 2 tiếng mỗi ngày, đã tham dự 5 khóa thiền 10 ngày và một khóa thiền Tứ niệm xứ, phục vụ một vài lần tại các trung tâm thiền khi có thể thì họ sẽ được tham gia khóa thiền 20 ngày.

Những trung tâm thiền như vậy có những điều lệ cực kỳ khắt khe nhằm giúp bạn thành công trong sự tu tập chuyên sâu của mình. Bạn hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài trong vòng 20 ngày và thiền liên tục khi bạn có thể. Bạn áp dụng phương châm: thư giãn khi tọa thiền và thiền trong khi đang thư giãn. Bạn sẽ đạt được trình độ là bạn vẫn tỉnh thức 24 trên 24 ngay cả khi bạn đang ngủ.

Những thiền sinh tham dự khóa 20 ngày bắt đầu bằng thiền Anapana. Thiền sinh không còn bị ép buộc ngồi một tiếng nghỉ 5 phút. Họ tọa thiền liên tục và nghỉ giải lao lúc nào họ muốn, họ có thể đi kinh hành, ăn trưa, vệ sinh nhưng lúc nào cũng chú ý vào hơi thở trên môi trên của mình .

Kinh nghiệm về Tham - Sân - Si

Thiền sinh thiền Anapana liên tục như vậy trong vòng bảy ngày, ngày cũng như đêm lúc nào cũng cực kỳ tỉnh giác về hơi thở của mình. Tâm của họ càng ngày càng định tỉnh và hỷ lạc (niềm vui phát sinh trong tâm do định) phát sinh.

Thiền sinh phát hiện ra rằng tất cả những gì xuất hiện trong tâm đều là phiền não. Muôn vàn ý tưởng nổi lên xúi dục họ làm điều này điều nọ và cản trở sự tập trung. Nhưng những ý tưởng này sẽ tự động lắng dần sau một vài ngày. Càng ngày những tư tưởng ngày càng ít đi, những thiền sinh có thể kinh nghiệm rằng trong một tiếng ngồi thiền chỉ có khoảng vài ba tư tưởng xuất hiện. Những tư tưởng này ngày càng yếu đi và không còn sức mạnh để chi phối bạn nữa. Tâm bạn từ từ lắng xuống và các tầng thiền lần lượt xuất hiện. Khi các tầng thiền xuất hiện thì có nghĩa là năm triền cái không còn điều khiển bạn được nữa và các tầng thiền này rất dễ nhận biết. Bất kỳ tư tưởng nào xuất hiện trong tâm đều như tiếng sét ngang trời và làm cho bạn đảo lộn. Tâm của bạn ở trong một tình trạng cực kỳ trong sạch và định tỉnh. Nó có sức mạnh của chánh định và nhận biết chính nó. Bất kỳ tư tưởng nào xảy ra trong tâm đều do nghiệp và cũng đều không trong sạch. Nó thiêu đốt tâm bạn như lửa của địa ngục.

Ở tầng thiền này Bạn kinh nghiệm được điều Phật dạy: lửa tham sân si đang thiêu đốt chúng sinh từng giây từng phút. Đức Phật ví dụ như ba đứa trẻ em chơi đùa trong ngôi nhà đang cháy hừng hực mà không biết mình sắp bị lửa thiêu sống.

Do ấn tượng quá sâu đậm của tầng thiền này gây ra, do đó khi bạn thoát khỏi tầng thiền này, bạn giữ giới và tu hành tích cực hơn vì bạn đã kinh nghiệm lửa địa ngục thiêu đốt bạn như thế nào khi tâm bạn không trong sạch. Bạn nhàm chán và kinh tởm Tham, sân, si, bạn sẽ không làm bất cứ điều gì để tham sân si có thể nhân lên, bành trướng và thiêu đốt bạn lần nữa.

Trong một khóa thiền 10 ngày, sau ngày thứ tư, ba lần một ngày các thiền sinh phải ngồi với sự quyết tâm trong vòng một tiếng đồng hồ và một số thiền sinh kinh nghiệm những cảm giác cực kỳ khó chịu, nặng nề , đau đớn. Còn ở đây thiền sinh chỉ kinh nghiệm hỷ lạc và hỷ lạc, không còn một chút đau đớn nào. Họ có thể ngồi một tiếng không thay đổi tư thế, sau đó họ ngồi hai tiếng rồi ba tiếng. Khi định lực phát triển thì một số thiền sinh có thể ngồi một ngày rồi hai ngày, …

Tâm của các thiền sinh này càng ngày càng tách khỏi thế giới bên ngoài, và nhập sâu vào phần vô thức.

Tới ngày thứ bảy thì Vipassanana được giảng dạy. Thiền sinh bắt đầu quan sát tất cả cảm giác xảy trên cơ thể của mình. Do định lực của bảy ngày thiền định mà thiền sinh kinh nghiệm một cách rõ ràng là tất cả các loại cảm giác đều là sự hiển thị của phần vô thức. Khi thiền sinh kinh nghiệm những cảm giác đau đớn khó chịu mà không phản ứng thì thiền sinh đang rửa những nghiệp cũ liên quan đến Sân hận. Khi thiền sinh quan sát những cảm giác dễ chịu vi tế với một tâm quân bình thì thiền sinh đang rửa những nghiệp lực tồn kho gây ra bởi tâm tham đắm.

Sự nhận thức về Vô ngã

Sau nhiều ngày quan sát cảm giác liên tục như vậy, nghiệp lực càng ngày càng yếu đi do tâm bạn được gội rửa. Đến một lúc nào bạn bắt đầu kinh nghiệm những cảm giác vi tế trên khắp thân thể của mình. Toàn thân bạn chỉ là những gợn sóng li ti, chỉ là một luồng điện chạy lên chạy xuống. Toàn thân bạn chỉ là sóng và năng lượng. Tình trạng mà thân thể không còn là một khối chắc đặc, chỉ là một luồng năng lượng không ngừng chuyển động được gọi là Baṅga.

Lần đầu tiên hiện tượng Baṅga xuất hiện thì cũng là lúc mà nhận thức về Vô ngã được phát triển. Bạn kinh nghiệm không có cái Tôi, không có gì được gọi là Tôi hay là của Tôi. Thân của bạn vốn dĩ chỉ là sự kết hợp và cấu tạo bởi những phân tử nhỏ bé mà đạo Phật gọi là kalāpa (khoa học gọi là particle) và cảm giác của bạn chỉ là một hiện tượng tự nhiên, vô thường, thay đổi liên tục, không ngừng xuất hiện và biến mất, xuất hiện rồi biến mất …

Nếu các bạn là tiến sĩ về thần học, hoặc là một học giả thông thái thì thật là tuyệt vời khi mà các bạn chứng ngộ được tầng thiền này. Bạn sẽ hiểu rõ thế nào là Không bất thị sắc, Sắc bất thị không và thân thể này là vô thường, không có thật, nó chỉ là sự kết hợp giữa sóng và năng lượng. Nếu bạn là chuyên gia về Vi diệu pháp thì những bài giảng của bạn sẽ trở thành rất ấn tượng vì bạn sẽ hiểu rõ bản chất cũa tâm là gì, tâm được cấu tạo như thế nào và hoạt động ra sao. Các bạn sẽ biết chính xác Đức Phật đã chứng ngộ những gì và Ngài đã giảng dạy những gì. Khi nào bạn thực hành chuyên sâu như vậy và thực chứng thì khi đó những gì bạn thuyết giảng sẽ thật tình có giá trị và quan trọng hơn nữa là lúc đó bạn mới ngộ ra rằng trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật chỉ nói về kinh nghiệm thiền quán của mình.

Sự chứng ngộ của Đức Phật chỉ giúp cho một người được giải thoát: đó là Đức Phật. Muốn giải thoát bạn phải tự mình tu hành. Đức Phật và các Tăng chỉ là những người chỉ đường.

Tình trạng Baṅga xuất hiện một vài phút, một vài giờ hoặc một vài ngày. Sau đó hiện tượng này cũng biến mất vì chính nó cũng là vô thường. Hiện tượng này giúp các bạn có tầm nhìn về Vô Ngã nhưng nó cũng chỉ là bước đầu trong quá trình giải thoát, đừng bận tâm đến nó, các bạn phải tiếp tục tiến xa hơn nữa …

Sự nhận biết về Vô thức

Những thiền sinh cũ biết rằng cơ thể vật chất được tồn tại là do thức ăn được mang lại do ta dùng hai bữa hoặc ba bữa một ngày. Cơ thể vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài nếu chúng ta nhịn đói vì cơ thể có phần dự trữ của nó. Khi nó không được cung cấp thức ăn thì nó sẽ tự động vào phần dự trữ để tự nuôi sống nó. Chỉ khi nào sự dự trữ hết thì cơ thể mới chết.

Điều tương tự như vậy xảy ra với Tâm: Tâm sống được là nhờ năng lượng của sự suy nghĩ. Khi suy nghĩ phát sinh thì dòng chảy của Tâm thức được tiếp tục. Ở ngoài đời chúng ta rất dễ kinh nghiệm việc này: mọi người lúc nào cũng lăng xăng, bận rộn, họ lúc nào cũng đang muốn làm việc gì đó, khi công việc này chấm dứt thì họ lại tìm ra một công việc khác để làm. Họ không lúc nào ở không được vì bản chất của tâm là động. Nhờ có năng lượng của động mà dòng chảy của Tâm được tiếp tục.

Con người lúc nào cũng ham muốn thứ này hoặc thứ khác, nhưng khi tham muốn này được thỏa mãn thì ham muốn khác phát sinh không bao giờ ngừng. Đó là quy trình tự nhiên để cung cấp thức ăn cho Tâm. Tương tự như vậy với sân hận. Về bề ngoài, có vẻ như sân hận phát sinh là do một nguyên do nào đó, hoặc do một người nào đó làm cho bạn giận. Nhưng thực ra những thiền sinh lão luyện kinh nghiệm rằng sân hận bùng nổ không cần lý do nào ngoài lý do cung cấp thức ăn cho tâm.

Khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta bình tâm và không phản ứng đối với mọi cảm giác. Giây phút tiếp theo dù đó là cảm giác bức xúc khó chịu gây ra do sân hận, hoặc là cảm giác thích thú, dễ chịu mang lại do nghiệp tham đắm, ta vẫn bình tâm và không phản ứng. Do chúng ta không phản ứng với tất cả các loại cảm giác này nên tham sân si không có cơ hội nhân lên, tâm phải vào phần dự trữ để ăn. Nhờ vậy mà nghiệp tồn kho của chúng ta chất chứa trong vô thức từ kiếp này sang kiếp khác được thanh lý dần dần.

Vào ban đêm khi thiền sinh đi vào giấc ngủ thì nhiều thiền sinh biết họ bắt đầu ngủ như thế nào và giấc mơ bắt đầu lúc nào và như thế nào. Họ tỉnh táo và có thể quan sát tâm đang lúc ngủ. Họ nhận biết tâm tạo ra các giấc mơ ra sao. Họ kinh nghiệm rằng các giấc mơ do Tâm tạo ra cũng chỉ nhằm mục đích cung cấp thức ăn cho chính nó vì ban ngày Tâm bị bỏ đói do công phu thiền quán của chính họ.

Sẽ đến một lúc nào đó mà bạn hoàn toàn tỉnh táo và ngay cả trong giấc mơ bạn cũng không phạm giới và không cung cấp thức ăn cho tâm (phần này sẽ được bàn sâu vào kinh nghiệm khóa thiền 30 ngày).

Sự chứng nghiệm về các tầng thiền

Ngài Goenka dạy chúng ta phải thiền một cách thông minh và linh hoạt. Và nếu chúng ta tham gia nhiều khóa thiền dài hạn thì kinh nghiệm thiền của chúng ta ngày càng dồi dào và chúng ta biết phải hành xử như thế nào trước mọi tình trạng của tâm.

Có những thiền sinh lần đầu tiên tham dự khóa thiền 20 ngày và trong bảy ngày đầu tâm họ vẫn chưa định được và vẫn còn quá nhiều tư tưởng. Khi chuyển qua Vipassana, họ vẫn còn những vùng trên cơ thể mù mờ chắc đặc, những cảm giác thô thiển, đau đớn khó chịu vẫn còn làm cho thiền sinh không tiến vào định được.

Có hai lý do chính: lý do thứ nhất là nghiệp lực của vị đó đó quá sâu dày và những ba la mật (pāramī) của vị ấy chưa được phát triển. Lý do thứ hai là sự hành thiền Tứ niệm xứ của họ bị kiếm khuyết. Trong trường hợp này các bạn hãy đọc lại bài viết “Kinh nghiệm Thiền tứ niệm xứ theo pháp môn Goenka” để xem xét mình bị khiếm khuyết những gì.

Hãy thành thật và xem xét lại chính mình. Bạn có giữ giới nghiêm túc không? Bạn có thực hành thiền đều dặn 2 tiếng mỗi ngày không? Bạn có thực hành quán pháp trong đời sống hàng ngày và kiểm soát được các tư tưởng bất thiện không? Hay là bạn vẫn thường xuyên bị các tư tưởng nay khống chế và phạm giới? Bạn có luôn theo dõi tâm mình hay không? Bạn đã nhận diện được tâm tham đắm và tâm sân hận khi nó xuất hiện chưa?

Nếu các bạn thực hành đúng như lời dạy của Đức Phật thì các bạn chắc chắn sẽ thành công. Còn nếu không ngài Goenka chỉ khuyên chúng ta hãy chịu đựng, bình tâm và không phản ứng. Chúng ta phải trả nợ thôi không còn cách nào khác. Khi nợ đã trả xong thì nghiệp lực sẽ yếu dần và các tầng định sẽ lần lượt xuất hiện.

Có những thiền sinh là những sư tu hành tinh tấn hoặc họ là những cư sĩ trì giới một cách rõ ràng, ăn chay đều đặn và thiền trên hai tiếng mỗi ngày. Họ nhận biết mỗi khi tham đắm và sân hận xuất hiện trong tâm. Họ luôn kìm chế tâm này không cho tham sân si nhân lên. Họ luôn quán sát các tư tưởng và nếu nó là bất thiện thì họ cố gắng chống lại, để nó trôi qua và không phản ứng. Nếu những tư tưởng này là thiện, đem lại lợi lộc cho chính mình và những người khác thì họ tích cực thi hành. Họ cũng đã từng làm phước, làm từ thiện, cúng chùa, giúp đỡ những người khốn cùng. Họ cũng đã từng gieo duyên với Tam bảo và tu tập thiền định trong các kiếp quá khứ.

Do tích tụ công đức như vậy mà kiếp này các quả lành xuất hiện và giúp đỡ họ trong suốt quá trình hành thiền. Khi họ đến với khóa thiền 20 ngày của ngài Goenka, họ thực tình như cá gặp nước. Việc hành thiền đối với họ thực dễ dàng và suôn sẻ.

Họ có thể bắt đầu bằng cách tập trung vào hơi thở trên môi trên. Khoảng chừng năm mười phút là tâm họ đã nhập định và ở trong tình trạng an lạc này một vài tiếng đồng hồ. Sau đó họ xuất định giữ tâm quân bình và quan sát các giảm giác. Đến một lúc nào đó, cơ thể họ chỉ là năng lượng và sóng, những cảm giác vi tế dào dạt khắp châu thân cùng với một niềm hỷ lạc xuất hiện. Hiện tượng Baṅga này kéo dài, kéo dài rồi biến mất và tầng định thứ hai xuất hiện. Đó là Passaddhi.

Họ có thể làm ngược lại, bắt đầu di chuyển sự chú ý của mình từ chân lên đầu và từ đầu xuống chân cho đến khi hiện tượng Baṅga xuất hiện. Họ tiếp tục quan sát các hiện tượng này một cách khách quan và không phản ứng. Khi tầng định Passaddhi (1 trong 7 yếu tố giác ngộ Bojjhaṅga) xuất hiện, họ bình tâm ở trong tình trạng này vài tiếng đồng hồ và xuất định (chúng ta sẽ bàn về tầng định này một cách chi tiết trong khóa 30 ngày). Họ trở về với hơi thở của mình, hít thở năm mười phút và sau đó định Samādhi xuất hiện.

Như vậy một thiền sinh lão luyện ở trình độ này đều có thể qua lại giữa các tầng thiền một cách dễ dàng tùy theo tình trạng của tâm họ lúc đó. Nếu tâm bắt đầu nhập đại định Samādhi, hãy để cho nó nhập và sau đó chuyển qua định Passaddhi. Nếu tâm linh hoạt thì bạn nhập định Passaddhi trước sau đó bạn trở về hơi thở của mình và nhập đại định Samādhi.

Hãy thiền một cách thông minh, xen kẽ giữa thiền định và thiền quán và đừng chen vào công việc của tâm. Bạn chỉ là người quan sát. Hãy quan sát một cách thực tỉ mỉ và khách quan. Mặc kệ tâm, để nó muốn làm gì thì làm. Nếu tâm muốn nhập định Samādhi trước cứ để nó tự nhiên, nếu tâm muốn nhập Passaddhi trước hãy theo dõi nó. Nếu tâm không muốn làm gì, cũng hãy quan sát nó.

Hãy nhớ sau mười mấy ngày thiền định và thiền quán như vậy, định lực và trí tuệ của bạn đã rất phát triển. Tâm trở nên trong sáng và nó có thể quan sát chính nó. Bạn nhận ra rằng tâm là một phần tử (entite’) hoàn toàn độc lập. Nó chẳng liên quan gì đến bạn và bạn chẳng tác động hãy điều khiển gì được nó. Nó chỉ làm những điều theo thói quen sẵn có và những điều nó thích. Nó không tùy thuộc vào không gian và thời gian. Nó đã ở đó từ muôn đời và bất tử. Điều duy nhất mà bạn làm được ở đây là quan sát với tâm quân bình và xả bỏ, và đừng phản ứng lại nếu tâm đang làm những gì bạn không thích.

Nhiều khi tâm làm việc rất là tập trung và và cận định, an chỉ định và sơ thiền lần lượt hiển lộ. Nhiều khi tâm nhập đại định và an trú trong tầng thiền này nhiều ngày liên tiếp (10 ngày) mà bạn không biết tại sao. Nhiều khi tâm ở một trạng thái rất quân bình và theo dõi cảm giác không biết mệt mỏi cho đến khi hiện tượng Baṅga xuất hiện và kéo bạn vào tầng định Passaddhi. Nhiều khi nó chẳng làm gì cả, nó không tập trung vào hơi thở mà cũng chẳng quan sát các cảm giác . Nó chỉ ở đó với bạn một thời gian và sau đó lại ra đi. Bạn không ép tâm làm một điều gì cả, chỉ việc quan sát tâm một cách quân bình và tĩnh lặng.

Một tâm quân bình, luôn luôn tỉnh thức mới đối phó được với các chuyển biến sâu xa của tâm. Với tâm định tỉnh, trong sáng, quân bình và tỉnh thức thì bạn mới đối diện với các tầng thiền tiếp theo được. Nếu không bạn sẽ bị các tầng thiền này cuốn hút và bạn sẽ bị chìm trong đại định. Nên nhớ lại rằng môn thiền theo pháp môn Goenka là thiền giải thoát. Dù các tầng thiền này có an lạc đến đâu, bạn cũng phải cố gắng từ bỏ nó. Nếu không bạn vẫn lẫn quẫn trong 31 thế giới của Thân và Tâm và muôn đời bạn không thoát ra được.

Đến một lúc nào đó bạn sẽ kinh nghiệm những thế giới mà những bậc đại sư tu hành lâu đời bị dính mắc. Họ đạt được rất nhiều thần thông, ở trong một thế giới cực kỳ an lạc nhưng họ cứ đi lòng vòng trong thế giới đó và không thoát ra được vì họ bị đại định cuốn hút. Rất nguy hiểm, các thiền sinh phải rất cảnh giác khi đến trình độ này và đứng để bất cứ trạng thái an lạc nào làm chủ tâm của mình. Khi tâm của các bạn bắt đầu vui sướng với một tầng thiền nào đó thì bạn phải coi chừng. Ma vương (Māra) đã bắt đầu xuất hiện và dụ bạn ở lại với thế giới của nó. Hãy cảnh giác, luôn luôn cảnh giác và giữ cho tâm được quân bình …

Nên nhớ là bạn đang ở khóa thiền 20 ngày và dù bất kỳ thần thông nào xuất hiện hoặc tầng thiền nào xuất hiện thì cũng không phải là Niết bàn (Nibbāna). Đây chỉ mới là bước đầu và Niết bàn còn ở rất xa. Bạn sẽ kinh nghiệm điều này trong khóa 30 ngày.

Kinh nghiệm về Từ bi

Đến ngày thứ mười chín và hai mươi của khóa thiền thì Thiền Từ bi được giảng dạy và bạn thật lòng muốn chia xẻ tất cả các công đức mà bạn thu thập được trong vòng 20 ngày. Luồng năng lượng luân chuyển và giới hạn trong người bạn bây giờ bạn hãy để nó thoát ra ngoài qua hai tay và tràn ngập căn phòng mà bạn ngồi thiền.

Do tâm bạn trong sạch sau hai mươi ngày thiền quán nên bạn cảm nhận được một nguồn năng lượng thương yêu, đầy bi mẫn dào dạt trong tâm. Một năng lượng tình yêu trong sạch, không vụ lợi, một lòng bi mẫn và thương xót mọi chúng sinh phát xuất từ trong tâm.

Các bạn đã đọc sách rất nhiều, và người ta cũng đã giảng giải cho bạn thế nào là karuṇā (tâm bi), thế nào là Mettā (tâm từ) … Và đây là lần đầu tiên bạn kinh nghiệm trực tiếp tâm từ và tâm bi không phải qua sách vở. Không một sách vở nào, một từ ngữ nào có thể diễn tả được tâm bạn lúc đó. Bạn có cảm giác như là tâm bạn với tâm chúng sinh là một. Do công lao ngồi thiền chăm chỉ, mà tâm từ bi xuất hiện dưới dạng năng lượng để bạn kinh nghiệm được nó. Bạn cảm nhận được rằng bản chất của Tâm trong sạch là tình yêu thương, là từ bi và lòng thương xót. Giống như hình ảnh của Đức Quán Thế âm bồ tát đang cầm bình bông và rải nước cam lồ cho chúng sinh. Năng lượng tình thương tuôn chảy dạt dào trong tâm bạn cũng y như vậy.

PHẦN KẾT:

Có nhiều thiền sinh chưa kinh nghiệm được tình trạng này hoặc đã vượt qua và kinh nghiệm nhiều điều hơn nữa. Có nhiều thiền sinh có những kinh nghiệm hoàn toàn không giống với những kinh nghiệm đã được miêu tả trên đây.

Thiền sư Goenka luôn nhắc nhở: đừng so sánh kinh nghiệm của cá nhân mình với những người khác. Quan trọng là giữ tâm cho được quân bình và hãy để mọi chuyện cho Dhamma.

Cho nên những kinh nghiệm được viết xuống trong bài này chỉ là một số kinh nghiệm của chính tác giả và của một vài thiền sinh khác mà người ta kể lại cho tác giả nghe. Quý vị đừng nên bận tâm thái quá. Có được những kinh nghiệm này cũng tốt mà những kinh nghiệm khác cũng hay. Chẳng có gì khác biệt. Chúng ta cứ từ từ tu hành. Tu hành và cảnh giác từng giây từng phút một. Tu hành từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Chẳng có gì phải vội vàng. Giải thoát là một quá trình rất dài do nghiệp của ta đã bị tích lũy từ vô thủy vô chung. Chúng ta cứ thiền từ từ. Mỗi lần chúng ta nói không với tư tưởng bất thiện thì lòng quyết tâm của ta được phát triển. Mỗi lần tâm tham đắm nổi lên mà chúng ta nhận biết và chống lại thì Tham sân si lại yếu đi và không có cơ hội nhân lên. Mỗi lần chúng ta quan sát các cảm giác và giữ được bình tâm và không phản ứng thì chúng ta đang thanh lọc tâm ở tầng lớp sâu thẳm nhất.

Đó là cách mà các thiền sinh theo pháp môn Goenka tu hành. Và Tạo hóa (Dhamma) rất là công bằng và sẽ tưởng thưởng cho bạn. Tâm bạn sẽ dần dần trong sạch và trí tuệ phát sinh do nghiệp tích lũy được gội rửa. Những thế giới huy hoàng đẹp đẽ nhất của Tâm sẽ mở ra cho các bạn chứng nghiệm và thưởng thức. 31 thế giới sẽ lần lượt xuất hiện với điều kiện bạn giữ được bình tâm và không phản ứng.

Có nhiều thiền sinh đã lột xác và trở thành một con người hoàn toàn mới sau lần đầu tiên tham dự một khóa thiền dài hạn. Có nhiều bạn đã xuất gia do sự chứng ngộ thâm sâu qua khóa thiền này. Nhiều bạn trở về nhà với tâm lâng lâng, nhẹ nhàng, hạnh phúc tràn đầy lòng bi mẫn và từ bi. Sự hoan hỉ này có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau khóa thiền.

Nhiều người đạt tới trình độ Sampajāna nghĩa là trong tứ oái nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) của mình, họ đều nhận biết các cảm giác xảy ra trên thân thể mình một cách rõ ràng từng giây, từng phút. Đó là thiền đã ăn sâu vào tâm bạn và trở thành tự động. Bạn không cần phải quét từ đầu đến chân một cách khó nhọc nữa. Cảm giác luôn có mặt trên người bạn và nhắc nhở bạn tất cả hiện tượng trên đời đều là phù du và không có thực thể. Bạn không còn băn khoăn tại sao bạn phải ăn chay và giữ giới. Bạn hiểu rõ tại sao những di ngôn cuối cùng của Đức Phật là về sự tôn trọng những giới luật.

Bạn hiểu rõ Tứ niệm xứ phải được thực hành như thế nào trong đời sống hàng ngày. Bạn không còn mất thời gian để tranh luận về các phương pháp thiền. Bạn chẳng cần phải giải thích thế nào là thiền định và thế nào là thiền quán. Qua kinh nghiệm thực chứng của mình, tất cả đều trở nên rõ ràng và bạn trở thành vị Thầy của chính mình.

Cầu mong cho các bạn được bình an và hạnh phúc

Cầu mong ngày càng nhiều người đến tu tập pháp môn thiền này và giải thoát

Trong tâm từ

 

Kỳ tới : KINH NGHIỆM KHÓA THIỀN 30 NGÀY THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI GOENKA

Kỳ trước:

KINH NGHIỆM TU TẬP THIỀN TỨ NIỆM XỨ THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI S.N GOENKA

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn