Google & những kỹ sư chánh niệm

12 Tháng Chín 201516:45(Xem: 6577)

GOOGLE & NHỮNG KỸ SƯ CHÁNH NIỆM
Huyền Lam tổng hợp và lược dịch

 

Ít ai biết rằng, trong nhiều năm qua, Google đã đưa chương trình thiền vào giảng dạy, ứng dụng tại công ty để các chuyên gia lỗi lạc này có đời sống tinh thần luôn an lạc, tạo nên môi trường làm việc hòa ái, vui tươi. Chính điều lành mạnh này đã góp phần tạo nên những phát minh, sáng tạo kiệt xuất cho Google.

googles 1
Chade-Meng Tan, người sáng lập chương trình tu học
"Tìm trong chính mình" tại Google bên Thiền sư Nhất Hạnh

Đối với những người sử dụng internet, công cụ tìm kiếm Google có giá trị và vị trí hết sức đặc biệt. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, hầu hết người sử dụng sẵn sàng đánh đổi tất cả các công cụ, trang mạng internet - bao gồm cả những mạng xã hội không lồ để giữ Google. Chỉ cần gõ trên bàn phím vài từ, Google có thể đoán được người sử dụng muốn gì và trong tích tắc cung cấp cả kho chất xám nhân loại liên quan đến đề tài. Công cụ Google thông minh đến nỗi phân biệt được giữa hàng triệu dữ liệu, cái nào quan trọng nhất để sắp xếp thứ tự cho đỡ tốn thời gian tham khảo.

Ngày nay, mọi người trên thế giới, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng dùng chung chữ “Google” như một động từ thay cho từ “tìm kiếm”. Khi cần tìm thông tin, người ta nói: “Để tôi gu-gồ (google)”. Đây là vinh dự vĩ đại khi tên của một thương hiệu trở thành từ chung cho toàn thế giới mà mãi đến nay chưa có công ty nào làm được. Google hiển nhiên trở thành tập đoàn lớn nhất nhì thế giới, có tổng giá trị trên 300 tỷ USD, doanh thu hàng năm trên 50 tỷ USD, tiền mặt trong ngân hàng 50 tỷ USD. Những con số khổng lồ này bằng tổng tài sản của vài quốc gia cộng lại.

Để xử lý mệnh lệnh tìm kiếm từ hàng tỷ người sử dụng liên tục toàn cầu, Google đã thiết kế những cơ sở dữ liệu khổng lồ trên toàn thế giới. Nơi đây, hàng triệu máy tính được kết nối, phân tích, chọn lọc nhằm đem lại đáp án cho riêng từng người trong nháy mắt như một phép màu.

Hàng triệu máy tính ấy sẽ chỉ là bãi rác phế thải nếu không có những bộ óc cực kỳ thông minh của hàng ngàn chuyên gia kỹ thuật Google kiến tạo, lập trình biến chúng thành “phép màu”. Ít ai biết rằng, trong nhiều năm qua, Google đã đưa chương trình thiền vào giảng dạy, ứng dụng tại công ty để các chuyên gia lỗi lạc này có đời sống tinh thần luôn an lạc, tạo nên môi trường làm việc hòa ái, vui tươi. Chính điều lành mạnh này đã góp phần tạo nên những phát minh, sáng tạo kiệt xuất cho Google. Chúng tôi xin được tổng hợp tư liệu về chương trình Thiền Chánh Niệm để quý độc giả thấy được chất liệu Phật giáo được ẩn mình phía sau màn hình công cụ tìm kiếm nổi tiếng toàn cầu có tên Google như thế nào.

***

Google's Chade-Meng Tan
Google's Chade-Meng Tan

Chade-Meng Tan ngồi thiền trong tư thế bán-già. “Nhắm mắt lại”, giọng anh trầm, chậm, nhịp nhàng hướng dẫn chúng tôi - “Để tâm vào hơi thở của bạn: thở vào, thở ra, khoảng ngưng ở giữa”.

Chúng tôi cảm được lá phổi tràn đầy rồi nhẹ đi. Khi tập trung đến chi tiết nhỏ nhất trong hệ hô hấp, những suy nghĩ khác - công việc, gia đình, tiền tài - từ từ biến mất, chỉ còn nhịp lên xuống của lồng ngực. Cả mấy ngàn năm, phương pháp này đã giúp biết bao hành giả đạt cảnh giới thiền. Ngày nay cũng không gì khác biệt. 

Vài phút sau, sự tĩnh lặng chấm dứt khi Meng nhỏ nhẹ tuyên bố, buổi thiền tập đã xong. Chúng tôi mở mắt nhìn mọi người mỉm cười trong một thiền phòng dựng tạm của Tập đoàn Google tại thung lũng Điện Tử (Silicon Valey) Cali - Hoa Kỳ. Meng và hầu hết thiền sinh là nhân viên Google. Lớp thiền tập này là một phần trong khóa học nội bộ của Google có tên “Tìm trong chính mình” - Search Inside Yourself. Khóa học được thiết kế để dạy nhân viên phương pháp làm chủ cảm xúc, từ đó họ trở thành những nhân viên tốt hơn. “Tâm tĩnh lặng”, Meng nói, giúp chúng tôi sẵn sàng cho bài thực tập kế tiếp: Suy niệm về thất bại và thành công.

googles 2
Các kỹ sư Google trao đổi và thực hành thiền

Hơn một nghìn nhân viên Google đã tham dự khóa tu học “Tìm trong chính mình”. Hơn 400 nhân viên khác nằm trong danh sách chờ và học thêm những lớp khác như: “Tự thâm nhập hệ thần kinh - Neural Self-Hacking” hoặc “Quản lý năng lượng bản thân - Managing Your Energy”. Mỗi hai tháng, toàn công ty có buổi ăn trưa chánh niệm “Mindful lunches” hoàn toàn im lặng, ngoại trừ tiếng chuông. Việc thực tập này được bắt đầu từ khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh được mời đến thuyết giảng tại Google vào năm 2011. Gần đây, tập đoàn khổng lồ này còn kiến tạo con đường dành riêng cho thiền hành.

Không chỉ riêng Google ứng dụng truyền thống phương Đông. Tại thung lũng Điện Tử, “tĩnh lặng” được xem là chất cà-phê mới, là nhiên liệu để mở ra năng suất, bùng nổ sáng tạo mới. Những lớp dạy thiền và chánh niệm trở thành thiết yếu cho những công ty danh tiếng. Học viện “Tìm trong tự thân” được thành lập để hướng dẫn các công ty khác có chương trình thiền tập như Google đang ứng dụng.

Những người đồng sáng lập Tập đoàn Twitter và Facebook đã ứng dụng thiền vào doanh nghiệp của họ, tổ chức thường xuyên các khóa thiền tại văn phòng. Đồng thời các công ty này sắp xếp guồng máy làm việc để nhân viên đạt tối đa chánh niệm. Khoảng 1.700 người đã tham dự chương trình Trí tuệ - Wisdom 2.0 tổ chức tại San Francisco trong tháng 2 năm 2013 vừa qua, trong đó có giám đốc các công ty lớn hàng đầu như Linkedin, Cisco, Ford.

Nhiều nghiên cứu chứng minh thiền có thể sắp xếp não bộ khi đối diện căng thẳng. Các nhà khoa học Đại học Boston chứng minh chỉ cần tập thiền 3 tiếng rưỡi, thiền sinh có xu hướng phản ứng ít hơn trước những hình ảnh nặng nề cảm xúc hoặc tranh cãi. Một nghiên cứu khác chứng minh thiền cải thiện trí nhớ và chức năng điều hành. Những thiền sinh thực tập dài hạn cho thấy họ có khả năng tập trung cao độ vào các tình huống kích thích hoặc thay đổi nhanh chóng. Một bài báo được nhân viên Google trích dẫn còn ngụ ý thiền tăng khả năng chống bệnh cảm cúm.

Nhân viên Google không phải tập thiền chỉ để tránh hắc xì sổ mũi hoặc kiểm soát cảm xúc. Họ thực tập thiền để hiểu đồng nghiệp hơn, từ đó ươm mầm cho chất liệu “cảm xúc thông minh” được nảy nở mà những bộ óc khoa học kỹ thuật thường thiếu tính chất này.

googles 3
Các kỹ sư chánh niệm của Google tìm trong chính mình

Meng, người sáng lập “Tìm trong chính mình” chia sẻ: - Mọi người đều biết rằng “cảm xúc thông minh rất có lợi cho sự nghiệp. Mọi công ty đều biết nếu nhân viên có cảm xúc thông minh, họ sẽ có những ý tưởng, giải pháp tuyệt vời cho doanh nghiệp”.

Meng có sự nghiệp khá vững vàng. Anh gia nhập Google năm 2000, trở thành nhân viên thứ 107 của công ty vào thuở sơ khai, anh hiện công tác trong lãnh vực công cụ tìm kiếm cho các thiết bị di động. Rất nhiều năm, Meng cố gắng truyền bá thiền đến nơi làm việc nhưng không thực sự thành công. Mãi đến năm 2007, khi anh thiết kế chương trình thiền mang vỏ bọc “cảm xúc thông minh”, nhu cầu theo học tăng vọt. Giờ đây, vài chục nhân viên Google có nhiệm vụ xây dựng giáo án ứng dụng thiền - chánh niệm cho công ty. Meng, vốn sinh tại Singapore, được một Ni cô người Hoa Kỳ giáo hóa thành Phật tử, từ từ trở thành thần tượng bên trong Tập đoàn Google. Nhiều thiền sinh theo học “Tìm trong chính mình” đã xin chữ ký của anh.

Duane là người thấy rõ ích lợi chương trình thiền do Google tổ chức. Cách đây không lâu, anh có cuộc sống rất căng thẳng. Khi đó anh là trưởng toán lãnh đạo 30 nhân viên, cùng lúc anh chăm sóc cha đang bị bịnh tim vào thời kỳ cuối. Anh tìm mọi cách để giảm thiểu căng thẳng nhưng không hiệu quả, cho đến khi tham dự khóa tu Hệ thần kinh và Chánh niệm do Meng tổ chức tại Google. Sau khóa tu, Duane đã ứng dụng thiền ngay lập tức.

Duane cho biết, khả năng làm chủ cảm xúc từ thiền đã giúp anh đối phó nỗi đau buồn mất cha mà vẫn duy trì khả năng tập trung cao độ trong công việc. Đây là lý do anh được thăng chức trưởng phòng, quản lý gần 150 chuyên gia kỹ thuật. Sau một thời gian làm việc, thấy rõ lợi ích của thiền, anh quyết định giã từ các kỹ sư thuộc cấp để tập trung toàn bộ thời gian thiết kế chương trình thiền cho cả Tập đoàn Google. Ban Giám đốc Google vốn coi trọng việc huấn luyện “chánh niệm” cho nhân viên, đã đồng ý hoàn toàn cho anh chuyển đổi công việc.

“Các phương pháp hành thiền Phật giáo hiện rất được các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ chú trọng. Bởi những người làm việc trong lãnh vực này thường chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh và đòi hỏi có sức sáng tạo rất cao. Thiền đã giúp giảm thiểu căng thẳng, đem lại tâm an bình, để từ đó các chuyên gia giải quyết những nhu cầu phức tạp hiệu quả hơn, hoặc có được những phát minh xuất chúng. Một phần vô cùng quan trọng khác: Thiền đã giúp nơi làm việc trở thành môi trường vui tươi, hòa ái, từ đó đồng nghiệp dễ dàng thảo luận, hợp tác”.

Huyền Lam (tổng hợp và lược dịch) 
(Theo tạp chí The Wired, Salon, Scoop-IT)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7773)
Quyển sách rất nhỏ này gồm những trích chọn một số lời dạy riêng về sự thiền tập. Nó gồm những trích đoạn nói riêng về thiền tập được trích từ những cuộc nói chuyện (pháp thoại) dành cho các Phật tử xuất gia và tại gia.
14 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 14610)
Trong ba tháng An Cư năm 2015 tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, tôi có hướng dẫn tập thiền cho đại chúng gồm Tăng Ni, chúng điệu cùng một số cư sĩ. Trước mỗi thời toạ thiền như thế, thường là 45 phút, tôi có một pháp thoại ngắn từ 15 đến 20 phút, đôi khi dài hơn một tí, chỉ để giúp cho “hành giả” đi từng bước sơ cơ vào thiền tập một cách vững chắc.
25 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11495)
Về Paritta: VTH dẫn một bài kệ (cả Pāḷi và Việt ngữ) có nguồn gốc Tích Lan rồi nhận xét: “Nội dung bài kệ cho thấy khắp thân thể và không gian xung quanh hành giả được bảo hộ bởi Phật, Pháp và Tăng. Do hình thức an vị giống như sự an vị các Tôn trong Mật tông Bắc truyền, một số học giả phương Tây xem đây như một thể loại “tantra” của Phật giáo Theravāda”. Sau đó hỏi tôi: “Người tu theo Pháp này có thực hành đúng theo tinh thần của Tứ Diệu Đế hay không?”
23 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11864)
Thưa thầy con thấy trong 37 trợ đạo phẩm có pháp tứ như ý túc, thầy có thể nói cho con về pháp Tứ Như Ý Túc được không ạ? Pháp này hành trì như thế nào ạ?
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10467)
Thưa thầy, lúc trước thầy có hứa sẽ viết một bài về cách niệm Phật cho tới cận hành định rồi qua thiền minh sát, con và các bạn muốn học Phật chân truyền đang chờ mong (Mà làm sao biết mình niệm đã “tới bến” tức là đạt cận hành định, thưa thầy?)
19 Tháng Mười Một 2015(Xem: 13738)
Chúng tôi nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc thực hành thiền. Để trả lời chung, chúng tôi giới thiệu đến quý đạo hữu bài pháp hành của Hoà thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) giảng trong khóa An cư năm 2015 tại chùa Huyền Không Sơn Thượng Thừa Thiên Huế và bài hướng dẫn thiền tập của Thiền sư Thanissaro Bhikkhu (bản dịch của Cư sĩ Nguyên Giác):
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 12291)
“- Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh rất phổ biến của loài người. Vì thế tất cả các tôn giáo như Ki tô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và luôn cả Phật giáo Tịnh độ tông ... đều cầu nguyện và cầu xin. Họ cầu nguyện và cầu xin vì họ tin là có Thần quyền thiêng liêng có quyền năng phò trì, cứu khổ, cứu nạn. Xin thầy vui lòng chỉ dạy cho con Phật tử Theavāda không tin có tha lực lực siêu phàm và như vậy khi họ bị tại ương, tật ách thì họ cầu nguyện ai???
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6778)
Tôi xin được trình bày đến quý vị về kinh nghiệm của ba tháng thiền quán Vipassana, cũng như nêu lên một số vấn đề cho những bạn nào thích tìm hiểu, nghiên cứu về thiền quán.Thường thì mỗi khóa tu ba tháng như vậy có khoảng chừng một trăm người tham dự. Tất cả cùng phát nguyện giữ thinh lặng trong vòng ba tháng – chỉ được phép nói chuyện với vị thầy mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút trong giờ trình pháp.
14 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11866)
Sau ba tháng an cư, tôi có 32 pháp thoại hướng dẫn cho Đại chúng HKST tập thiền với những kiến thức và những dụng công cần thiết về định cũng như về tuệ. Thư Viện Hoa Sen đã liên tiếp đăng được 25 pháp thoại cùng 4 bài trả lời những câu hỏi của độc giả.
29 Tháng Mười 2015(Xem: 18605)
Sự hiện hữu của ta bao gồm thân và tâm. Ta cần quan tâm đến cả hai, dầu thiền là một hoạt động của tâm, chứ không phải thân. Những câu hỏi của người mới bắt đầu hành thiền là: “Tôi phải ngồi như thế nào?” “Làm sao để không bị đau khi ngồi?”