Trả lời những câu hỏi của độc giả (5)

14 Tháng Mười Một 201509:14(Xem: 12095)
blank

Trả Lời Những Câu Hỏi Của Độc Giả (5)

 

blankLời thưa: Sau ba tháng an cư, tôi có 32 pháp thoại hướng dẫn cho Đại chúng HKST tập thiền với những kiến thức và những dụng công cần thiết về định cũng như về tuệ. Thư Viện Hoa Sen đã liên tiếp đăng được 25 pháp thoại cùng 4 bài trả lời những câu hỏi của độc giả. Tôi quý mến tâm phụng hiến vô phân biệt Nam, Bắc tông của BBT/TVHS. Xin ghi nhận công đức và tấm lòng cao đẹp ấy. 7 pháp thoại còn lại chắc tôi cũng không có thì giờ biên soạn lại được. Xin thành thật cáo lỗi.

Hiện tôi đang chuẩn bị vân du nước ngoài nhưng tâm vẫn đang còn lấn cấn vì có một số câu hỏi của độc giả chưa hồi âm kịp. Tôi đã rà soát loại thì thấy còn 5 câu hỏi, tôi sẽ trả lời mới thấy yên tâm được. Trân trọng.

 

I- Bạn lâm taxy

“Mong thầy giảng thêm về 10 kiết sử được không ạ. Theo con hiểu khi hết vô minh tức là phải đủ tam minh là túc mạng mình, thiên nhãn minh và lậu tận minh đúng không ạ?”

Trả lời:

Câu hỏi thì đơn giản nhưng tôi muốn qua đây, tôi sẽ có bài viết rõ ràng hơn, chi tiết hơn, đồng thời giúp ích thiết thực cho việc tu tập của mọi người. Tôi sẽ phân thành 2: Một là nói về 10 kiết sử, Hai là nói về Tam minh. Tuy nhiên, phần 10 kiết sử khá phức tạp và cũng rất cần thiết, rất quan trọng nên tôi sẽ nói ở phần 2, còn lục minh tôi sẽ nói ở phần 01.

1- Về Tam minh:

Đức Phật đạt Tam minh trong đêm thành đạo. Nhưng thật ra ngài có cả thảy 6 minh: Lậu tận minh, Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Thần thông minh, Thiên nhĩ minh và Tha tâm minh. 

- Lậu tận minh (Āsavakkhayaññāṇa): Đây là trí chấm dứt, đoạn tận lậu hoặc phiền não, không còn bị bất cứ một tươm rỉ phiền não nào nữa ở trong tâm. Có trí này mới giải thoát sinh tử luân hồi, mới được gọi là Phật, là A-la-hán.

- Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiññāṇa): Thông suốt, biết rõ vô lượng kiếp sống trước đây của mình và của chúng sanh (Có trí nhớ vô ngại các kiếp quá khứ không có mé bờ).

- Sanh tử minh hay Thiên nhãn minh (Cutūpapātaññāṇa): Là thông suốt, biết rõ lý do trôi lăn sinh tử của mình và của chúng sanh; biết rõ nhân, duyên, quả đầu thai từ kiếp này sang kiếp kia một cách tường tận.

- Thần thông minh (Iddhividhiññāṇa): Tức là biến hóa thần thông, có thể biến hóa vô ngại cái gì cũng được cả, do ý muốn, nhằm hóa độ chúng sanh.

- Thiên nhĩ minh (Dibbasotaññāṇa): Có thể nghe được âm thanh, tiếng nói của chúng sanh trong vô lượng thế giới.

- Tha tâm minh (Cetopariññāṇa): Biết rõ tâm của chúng sanh, ý nghĩ, tư tưởng của chúng sanh một cách vô ngại.

Tuy là 6 minh, nhưng chỉ có Lậu tận minh nhờ nội quán, minh sát thập nhị duyên khởi mới đoạn tận tham sân, phiền não, chấm dứt sinh tử luân hồi. Còn 5 cái minh sau (ngũ thông) thì đắc định Tứ thiền cũng có khả năng tu luyện được. Ngũ thông này còn là phàm phu, còn phiền não, như trường hợp Devadatta tuy đắc Ngũ thông, tâm còn tham sân nên manh tâm phá hoại Phật, chia rẽ Tăng-già.

2- Về 10 kiết sử (dasa samyojana).

Đây là câu hỏi thuộc về giáo pháp. 10 kiết sử này có sai khác chút ít về nội dung giữa tạng Kinh và tạng Abhidhamma. Sau đây tôi sẽ y cứ theo tạng Kinh.

10 kiết sử, pāḷi là dasa (10) và samyojana; samyojana này xuất nguyên từ căn “sam” + căn “yuj”, nghĩa là cột lại, trói buộc lại. Hán dịch là “kiết sử”; kết là kết buộc, trói buộc, sử là sai khiến; đôi chỗ dịch là “thằng thúc”, nghĩa là sợi dây thúc buộc. Tất cả đều cùng một nghĩa, là những gì cột trói chúng sanh dính chặt vào kiếp sinh tồn và vòng luân hồi.

Và theo cách trình bày của tôi, để lợi lạc cho chư hành giả, là cứ sau mỗi kiết sử như vậy, tôi sẽ đưa ra nguyên lý tu tập để cắt đứt kiết sử ấy. 

2.1- Thân kiến (Sakāyadiṭṭhi): Ảo kiến về thân, về tự ngã mà không thấy, không biết nó chỉ là tiến trình vận hành sinh diệt của ngũ uẩn. Người cắt đứt sợi dây này sẽ không còn nô lệ cho cái giả thân, chăm sóc quá độ cho cái giả thân nữa (chưa cắt được ngã, ngã mạn).

Tu tập để cắt đứt thân kiến:

- Quán tưởng 32 thể trược: Cái gọi là thân chỉ là kết hợp của tóc, lông, móng, răng, da, tim, gan, phổi...

- Sử dụng chánh niệm, tỉnh giác để nhìn ngắm sắc thân, cảm thọ, tưởng tri, tâm hành và nhận thức – chúng sinh diệt trùng trùng, chúng vô thường, vô ngã, ở đó chẳng có cái thân của tôi, cái tâm của tôi.

2.2- Hoài nghi (Vicikicchā): Tức là nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng; nghi ngờ về thiện ác, nhân quả, nghiệp báo; nghi ngờ về luân hồi tái sanh; nghi ngờ con đường tu tập để đạt những hạnh phúc an tịnh, giải thoát, Niết bàn.

Tu tập để cứt đứt hoài nghi:

- Tìm hiểu giáo pháp cho kỹ càng, thấu đáo để tin chắc về nhân quả nghiệp báo.

- Phải cần tu tập thật sự. Nếu tu tập mà tham sân, phiền não càng ngày càng giảm mới cắt đứt tất thảy hoài nghi được.

- Trong thiền định, phải dụng công duy trì tầm, tứ cho thuần thục thì cắt được nghi tâm sở, tức là tâm đã có điểm tựa, không còn lang thang bất định nơi này nơi kia nữa.

- Trong thiền tuệ chỉ cần chú tâm là tức khắc có chánh niệm, tỉnh giác. Ngay giây khắc có định tuệ chiếu soi thì không còn nghi nào khởi lên được (Các trạng thái phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết đều thuộc về nghi tâm sở). 

2.3. Giới cấm thủ (Sīlabbatāparāmāra): Tin theo những hình thức, lễ nghi, giới cấm của ngoại đạo, tà giáo. Chấp chặt vào lễ nghi, hình thức tu tập và nghĩ rằng chúng có thể đưa đến giác ngộ, giải thoát. Khi thọ trì giới luật, vị ấy không có trí tuệ chiếu soi để biết đâu là nhân của giới, đâu là quả của giới; giới để nhằm đối trị cái gì, lợi ích của giới ấy ra sao; nên đã thực hành giới một cách máy móc và cứng nhắc nữa.

Tu tập để cắt đứt giới cấm thủ:

- Rời xa tất thảy mọi loại cúng tế, những nghi lễ, những hình thức... không những của ngoại đạo, mà còn ở trong truyền thống - chỉ có tính cách tôn giáo, tín ngưỡng... vì biết chắc chúng chẳng ích lợi gì trong việc đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si.

- Hãy học lại câu kệ: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai” để rời xa mọi âm thanh và mọi sắc tướng xa hoa, loè loẹt, phù phiếm.

- Khi thọ trì giới, phải tìm hiểu về nhân của giới, quả của giới. Nghĩa là phải có trí tuệ để thọ trì giới chứ không phải giữ giới như cái máy, giữ giới theo quy định, ước lệ mà không nghĩ suy.

- Hằng tu tập định, tuệ.

2.4- Dục lạc, dục tình (kāmarāga): Nói chung là ham muốn những dục lạc ngũ trần, nhất là tình dục.

Dục lạc, dục tình thuộc si, còn gọi là dục ái (kāmataṇhā)

Là trạng thái tâm mê mờ, đần độn; thường hay phóng dật, dao động, nghi hoặc, vọng tưởng, hoang tưởng... không chỉ ngũ trần hiện tại mà cả quá khứ và tương lai.

Đây là trạng thái tâm không có chủ đích gì, thiên hướng gì như xác chết vật vờ giữa dòng sống, tấp chỗ này, tấp chỗ kia; cái gì cũng cuốn hút được, cái gì cũng không vừa lòng được lâu. Ăn, ngủ, thụ hưởng là chính.

Nếu lạc thọ là hút dính vào, lộ rõ chức năng của tham; khổ thọ là đẩy bật ra, lộ rõ chức năng của sân, thì khi chưa hút, chưa đẩy, tham sân chưa tác dụng, là xả thọ, tâm thường bị si chi phối.

Khi tâm ở trong trạng thái không vui, không buồn, không khổ, không lạc... thì si lại kéo đi tìm kiếm đối tượng hưởng thụ, thế rồi rơi vào lạc thọ hay khổ thọ. Đấy là cái vòng luẩn quẩn.

Nói rộng rãi và vi tế hơn:

- Những người tu hành muốn thỏa mãn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; một hình thức tìm kiếm dục lạc, tức là phát xuất từ dục ái (si mê), chỉ hưởng quả Dục giới.

- Những người tu hành muốn thỏa mãn các lạc thọ, mong hỷ thọ, lạc thọ ấy kéo dài, trường tồn... tức là phát xuất từ hữu ái (tham), chỉ hưởng quả Sắc giới.

- Những người tu hành không bằng lòng các sắc, muốn đoạn lìa các sắc để hưởng thọ các trạng thái vi tế hơn... thì họ lại rơi vào phi hữu ái (sân), chỉ hưởng quả Vô sắc giới.

Các cảnh trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới là phước báu của bố thí, trì giới, thiền định, là hạnh phúc của con người; nhưng dưới mắt nhìn của Bậc Giác ngộ, chúng chỉ là những đối tượng tìm kiếm của tham, sân, si vi tế mà thôi!

Cho hay, tu sĩ, cư sĩ, dầu là tu hành, nhưng vẫn lắm kẻ tu hành do tham, sân, si; chứ không phải ai tu hành cũng đúng với lộ trình giới, định, tuệ cả đâu.

Tu tập để cắt đứt dục lạc, dục tình, si, dục ái:

- Quán tưởng sự bất tịnh của thân... ví dụ phân, đờm, dải...(cả 32 thể trược).

- Quán 10 loại tử thi.

Hai loại quán này giúp ta nhờm gớm cái thân, đúng như các câu Kinh Lời Vàng số 147, 148, 149, 150

“- Nhìn kia! Thể xác “mê hồn”!

Đống phân, hầm bệnh lại còn đớn đau!

Mưu toan lo trước, tính sau

Có chi bền vững mà cầu trường sanh?!”

“- Thân này sẽ bị suy già

Thường hay tật bệnh lại hòa uế nhơ

Mỏng manh mạng sống từng giờ

Tử Thần bên cửa, đợi chờ mang đi!”

“- Mùa thu nhìn trái bầu khô

Người ta quăng bỏ vất vơ xó đường

Như bồ câu trắng, trắng xương

Quý gì, thích thú mà trương mắt nhìn?!”

“- Thành trì kẹp cốt, bó xương

Đắp thêm máu thịt, tô hường, phết son!

Mang thêm tật bệnh, tử vong

Chứa đầy ngã mạn, lại gom dối lừa!”

- Trong thiền định, khi thiền chi “nhất tâm” phát sanh thì tất cả “dục” lặng yên.

- Tuệ minh sát nhìn ngắm như thực tướng mọi vận hành duyên khởi căn-trần-thức.

2.5- Sân hận (Paṭigha): Những thiêu đốt do sân tạo nên, biến thành giận dữ, ác độc, bạo tàn... có thể đem đến hận thù, hại mình, hại người. Sân còn được gọi là phi hữu ái (vibhavataṇhā). Là tâm lý bực tức, bất mãn, chán ghét, oán hận, khó chịu khi đối diện với một hiện tượng không vừa lòng, không thích ý với ta. Điều ấy có đúng chăng, hay chỉ là một tâm lý sai lầm?

- Cái nóng cháy da, cái lạnh buốt xương, cơn lũ tàn hại, cơn bão quá quắt... mặc dù ta không thích nhưng nó vẫn đến, đi, sinh diệt theo định luật của đất trời.

- Những người dễ ghét, khó ưa, ta không thích đấy, nhưng họ vẫn tồn tại ở thế gian, vẫn có mặt ở xung quanh ta!

- Một hoàn cảnh xã hội, một môi trường sống... dường như luôn luôn trái ý, nghịch lòng với ta. Dù có ghét bỏ, chối từ... thì đi đâu để tránh khỏi cái bất toại nguyện ấy?

- Có thể nào, con người, thế giới chung quanh ta, với sự vận hành của biệt nghiệp, cộng nghiệp, vận hành tâm, cảnh, quan niệm, tính tình sở thích... lại không tạo nên sự xung đột, bất khả lạc, bất khả hỷ... như là cái tất yếu của muôn đời?

Tất cả đấy mà muốn vừa lòng theo ý ta, không là một ảo tưởng điên rồ sao? Vậy thì ý tưởng muốn chấm dứt, muốn công phá, chối bỏ, triệt tiêu những đối tượng bất nghịch ý là trái với định luật tất yếu của vạn hữu.

Tu tập để cắt đứt sân hận hoặc phi hữu ái:

- Có người tập thở và tập cười. Cười là trạng thái thô tháo của tâm hỷ. Lâu dần tâm hỷ sẽ phát sanh trong mọi hoàn cảnh, nơi nào có hỷ thì nơi ấy không có sân.

- Mỗi lần bực bội, khó chịu, nóng nảy khởi lên... ta tức khắc trở về với hơi thở, chánh niệm, tỉnh giác theo dõi hơi thở vào ra 5, 7 lần thì sân hận không thể khởi sanh được.

- Tu tập đề mục tâm từ. Khi có năng lượng dễ chịu, mát mẻ, thư thái của tâm từ thì sân hận ngủ ngầm trong tâm không thể bộc phát, nó dịu nhẹ lần rồi mất đi.

- Trong thiền định, khi hỷ tâm sở phát sanh thì sân lắng dịu.

- Tu tập Tứ niệm xứ.

2.6- Sắc ái (rūpataṇhā): Tham muốn cõi sắc giới, những trạng thái hạnh phúc tinh thần vi tế. Sắc ái cũng có nghĩa là hữu ái (bhavataṇhā): Khi yêu thích cái gì thì mong ước nó còn mãi (thường kiến) với mình. Ước mơ mình được sống mãi, trẻ mãi, hạnh phúc mãi, an vui mãi, giàu sang phú quý mãi... cũng rơi vào hữu ái này.

Hữu ái (bhavataṇhā) thuộc tham. Là lòng tham muốn, tham đắm, ưa thích, yêu thích; muốn chiếm hữu, muốn giữ lại, muốn lưu lại những đối tượng khả ý, khả ái, khả lạc. Đây chính là những ham muốn sai lầm. Tại sao vậy?

Tất cả các pháp thuộc nhiên giới, tâm giới hay pháp giới; chúng đến hay đi, sinh hay diệt... đều tuân thủ theo luật tắc của chính nó. Ta không thể áp đặt tình cảm, tâm lý chủ quan lên ngoại giới, các đối tượng chiêm quan.

- Thấy một đoá hoa đẹp, ta thích, ta muốn lưu giữ mãi đoá hoa ấy. Vậy là sai lầm, vì đoá hoa kia rồi sẽ tàn.

- Thấy một buổi chiều thu, sắc trời, sắc nước, khói sương thật ngoạn mục... Tuy nhiên, ta không thể lưu giữ mãi cảnh sắc ấy vì hoàng hôn sẽ đến, đêm sẽ về.

Cũng tương tự thế là tuổi thanh xuân, sắc đẹp, vợ hiền, con thảo, món ăn ngon, hạnh phúc ấm êm... tất cả đều bị chi phối bởi các định luật, tất cả rồi đều phải bị vô thường biến đổi, sẽ biến đổi dạng và thay đổi chất. Chẳng có cái gì, pháp nào giữ nguyên vị trí, sẽ ở mãi với ta do lòng yêu thích của ta được.

Vì ý tưởng, ước muốn lưu giữ, chiếm giữ ấy sái với qui luật tự nhiên, không thực sự có giữa tự nhiên, nên tham ấy là ảo tưởng.

Tu tập để cắt đứt sắc ái:

- Chán nãn “cõi dục giới” là do sân, ham muốn “cõi sắc giới” là do tham. Người hành minh sát thường thấy rõ tham, sân; và họ tĩnh tại, an lạc, giải thoát ở đây và bây giờ.

- Cắt đứt hữu ái (bhavataṇhā): Hữu ái rơi vào thường kiến. Cái gì mình thích, mình thương, mình mến, mình yêu, thích hợp với mình thì mong nó còn mãi, thường tại mãi (do tham và thường kiến). Vậy, khi tiếp xúc với ngoại trần, ta phải trọn vẹn nhìn ngắm như thực từng đối tượng ấy đúng như bản chất mà nó là, đừng để cho ước muốn riêng tư của mình xen vào. Hoa nở thì thấy hoa nở, mùa xuân thì thấy mùa xuân, tóc mình xanh thì thấy tóc mình xanh - đừng nên khởi tâm hoa nở là hoa nở mãi, mùa xuân là mùa xuân mãi, tóc mình xanh là cứ xanh mãi. Cũng vậy, khi vui vẻ, khi an lạc, khi hạnh phúc thì ghi nhận đúng như chúng đang là, đừng khởi tâm mong mình vui vẻ mãi, an lạc mãi, hạnh phúc mãi. Đừng đi tìm thuốc trường sanh bất tử, tẩm bổ thuốc này thuốc kia cho mình trẻ mãi không già.

- Khi tu tập định, nếu đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hoặc tứ thiền sắc giới cũng với tâm không dính mắc, không chấp thủ mà với tâm giải thoát thì sẽ không rơi vào sắc ái.

- Tu tập Tứ niệm xứ.

2.7- Vô sắc ái (Arūpataṇhā): Ham muốn cõi vô sắc, những trạng thái thanh lương của những ý niệm trừu tượng.

Vô sắc ái còn được hiểu là phi hữu ái (vibhavataṇhā), khi không yêu thích cái gì thì mong nó mau đoạn diệt (đoạn kiến). Một trạng thái khổ, một hoàn cảnh bất như ý, một người mình không ưa... ta thường mong chúng diệt mất đi, đoạn trừ ngay, xa lánh hẳn... cũng rơi vào phi hữu ái - đoạn kiến - này.

Tu tập để cắt đứt vô sắc ái:

- Chán nãn “cõi sắc giới” là do sân, ham muốn “cõi vô sắc giới” là do tham. Người hành minh sát thường thấy rõ tham, sân; và họ tĩnh tại, an lạc, giải thoát ở đây và bây giờ.

- Cắt đứt phi hữu ái (vibhavataṇhā): Hữu ái rơi vào đoạn kiến. Cái gì mình không thích, mình không thương, mình không mến, mình không yêu, không hợp với mình thì mình chán ghét, muốn tránh xa, muốn đoạn lìa, muốn tận diệt chúng đi (do sân và đoạn kiến). Vậy, khi tiếp xúc với ngoại trần, ta phải trọn vẹn nhìn ngắm như thực từng đối tượng ấy đúng như bản chất mà nó là, đừng để cho ước muốn riêng tư của mình xen vào. Hoa tàn thì thấy hoa tàn, mùa đông thì thấy mùa đông, tóc mình bạc thì thấy tóc mình bạc - đừng nên khởi tâm chán ghét hoa tàn, chán ghét mùa đông, chán ghét tóc bạc. Cũng vậy, lúc buồn rầu, lúc phiền não, lúc đau khổ thì ghi nhận như thực đúng như chúng đang là, đừng khởi tâm chán ghét buồn rầu, chán ghét phiền não, chán ghét đau khổ để muốn tiêu diệt nó đi, đoạn tận nó đi. Chính khi thấy rõ thực tướng của buồn rầu, thực tướng của phiền não, thực tướng của đau khổ ta mới giải thoát được. Thiền tông có câu rất hay: “Vô minh thực tánh tức Phật tánh” là muốn nói đến điều ta vừa đề cập. Nói theo Tứ diệu đế là thấy khổ, thấy nguyên nhân khổ mới diệt khổ đươc. Thiền tông cũng có nói, “phiền não tức bồ-đề” là ý này đây. Nhưng cả hai câu hay kia của thiền tông rất nguy hiểm vì có người tu thiền tông không liễu ngộ câu nói trí tuệ ấy nên họ lăn thân vào vô minh, lăn thân vào phiền não rồi biện minh những cụm từ kia rất hay ho, rất chí lý; tuy nhiên, hay ho, chí lý thì cũng chỉ là cảm tính và lý tính hời hợt ngoài da thôi! Cái thực là thực cả ngoài lẫn trong, là cái toàn bộ.

- Khi tu tập định, nếu đắc không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi phi tưởng cũng với tâm không dính mắc, không chấp thủ mà với tâm giải thoát thì sẽ không rơi vào “Vô sắc ái” này.

- Tu tập Tứ niệm xứ.

2.8- Ngã mạn (māna): Nghĩa thông thường của ngã mạn là hãnh diện, khoe khoang, làm phách, tự kiêu... Tuy nhiên với nghĩa thâm sâu và toàn diện hơn: Khi nào khởi lên ý nghĩa “tôi đã, tôi đang, tôi sẽ, tôi là...” là đã khởi động theo sự vận hành của ngã và mạn rồi. Hoặc, lúc nào khởi tâm so sánh ta với người; thấp, cao hay bằng cũng đều là ngã và mạn cả. Có rất nhiều mạn, sau đây:

- Tăng thượng mạn: Mạn ghê gớm nhất. Kẻ có mạn này thường phỉ báng Phật, Pháp, Tăng; phỉ báng những thánh nhân; phỉ báng các bậc đạo đức hiền thiện trên cuộc đời.

- Thượng mạn: Mạn nguy hiểm nhất. Xem mình như Phật, như Thánh, như các bậc chân nhân, hiền sĩ ở trên đời. Mình là tốt nhất, cao quý nhất.

- Ngã mạn: Tự cao, kiêu căng, phách lối, xem mình hơn tất cả mọi người...

- Mạn: khinh người này, chê người kia, tự tán hủy tha...

- Liệt mạn: Xem mình thua người, không bằng ai, luôn sống trong mặc cảm tự ti...

- Ty liệt mạn: Xem mình là kẻ tầm thường, hạ liệt, kém cõi, xấu xa nhất so với mọi người. Đây là mặc cảm tự ti đã đến chỗ cùng tột.

Tu tập để cắt đứt ngã mạn:

- Đừng bao giờ khỏi tâm so sánh: Tôi bằng người, tôi hơn người, tôi thua người. Kể cả tôi tốt, anh không tốt; tôi an lạc anh không an lạc; tôi định tĩnh, anh dao động; tôi sống theo thiện pháp, anh đi theo ác pháp... vân vân và vân vân. Nghĩa là đừng bao giờ để cho cái ta, cái tôi khởi lên dù tốt hay xấu.

- Khi một cảm thọ khởi lên chỉ ghi nhận là một cảm thọ. Khi một ý nghĩ, một tư tưởng khỏi sanh chỉ ghi nhận là một ý nghĩ, một tư tưởng thôi. Đừng bao giờ thuận theo thpí quen truyền đời để nói rằng, tôi đau, tôi khổ, tôi vui, tôi buồn, tôi nhận thức thế này, tôi có quan điểm thế kia.

- Muốn cắt đứt trọn vẹn ngã và mạn thì phải tu tập minh sát, nghĩa là sử dụng chánh niệm, tỉnh giác để hành Tứ niệm xứ rất tinh cần và rất miên mật. Hành giả minh sát tuệ tinh cần và miên mật, họ quán sát thân, thọ, tâm, pháp ngày lẫn đêm, ngoại trừ giấc ngủ. Ở trong đôi mắt sáng trong, tinh anh và vô nhiễm của tuệ giác, họ thấy như thực cảm thọ sanh thì cảm thọ diệt, nhận thức sanh thì nhận thức diệt, trùng trùng sanh diệt liên tục, miên tục... hoàn toàn vô thường, vô ngã, chẳng có cái ta, cái tôi, chảng có cái mạn, cái không mạn chỗ nào cả! Đây mới là cắt đứt ngã mạn một cách rốt ráo.

2.9- Trạo cử (Uddhacca): Lay động, dao động, xao động... bởi các đối tượng dục, sắc hay vô sắc.

Tu tập để cắt đứt trạo cử:

- Trong thiền định, khi thiền chi “lạc” phát sanh thì “trạo cử” không còn.

- Trong thiền tuệ, duy trì chánh niệm, tỉnh giác thường xuyên thì trạo cử không tác hành được.

2.10- Vô minh (avijjā):

Vô minh là trạng thái không sáng suốt, không tỉnh thức, thường bị si mê, bất giác và những triền cái che mờ, che phủ. Vô minh làm cho chúng sanh không thấy được thực tánh của các pháp.

Ta có thể thấy một số định nghĩa về vô minh trong chư kinh:

- Không thấy rõ tứ đế là vô minh.

- Không thấy rõ duyên sinh, vô ngã là vô minh.

- Không thấy rõ khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế là vô minh.

- Không thấy rõ danh pháp, sắc pháp là vô minh.

- Không thấy rõ ngũ uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên là vô minh...

Như vậy, không thấy không biết sự khổ và nguyên nhân khổ, không thấy tiến trình sinh diệt của ngũ uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên là căn bản của vô minh, là vô minh gốc; từ đó, chúng sanh bị chi phối, trôi lăn trong vòng tử sanh luân hồi vô định.

Vì vô minh, chúng sanh sống trong sai lầm, sống trong ảo tưởng, ảo vọng, ảo giác. Lấy cái sai làm cái đúng, lấy cái giả làm cái thật. Người sống trong vô minh không thể biết là mình đang sống trong vô minh. Đang sống trong cái khổ mà tưởng là vui. Đang si mê, lầm lạc mà tưởng là mình thông minh, sáng suốt. Đang đi lạc đường mà tưởng là đi đúng hướng. Đang bị lửa cháy bốn bề mà vẫn nô đùa, cười vui, hò reo, hoan ca nhảy múa. Đang bị đắm giữa vũng lầy đen đúa, hôi hám mà tưởng là hạnh phúc thiên đường...

Vô minh với nghĩa như vậy nên những người uyên thâm, uyên bác, bác học, đa tài, thần đồng, giáo sư, viện sử, tiến sĩ, tổng thống, thủ tướng, triệu phú, tỷ phú, đại đức, sư cô, sư bà, thượng toạ, hoà thượng, đạo sư, chân sư... khi không thực sự thấy biết Khổ đế, Tập đế, Duyên sinh, Vô ngã... đều bị vô minh chi phối, đều đang sống trong vô minh, si mê và lầm lạc cả thảy.

Tu tập để cắt đứt vô minh:

Phải tu tập Tứ Diệu Đế.

Cắt đứt trọn vẹn vô minh thì phải là Diệt Đế (Dukkha Nirodha Sacca). Diệt Đế là sự thật về Diệt Khổ, là Niết-bàn.

Theo thập nhị nhân duyên, nguyên nhân của khổ đế là vô minh và ái dục. Theo tiến trình sinh diệt của thập nhị nhân duyên thì khi vô minh diệt thì hành diệt... lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não diệt.

Như vậy:

- Diệt Đế là diệt tất cả sầu, bi, khổ, ưu, não. Chứ không phải diệt Đế, Niết-bàn là hư vô như nhiều người lầm tưởng.

- Diệt Đế là dập tắt tất cả mọi ảo tưởng (Tập Đế) thì ảo giác (Khổ Đế) sẽ không còn. Tập Đế là nhân, Khổ Đế là quả. Diệt nhân là quả sẽ mất. Có người tu tập cố dùng Đạo Đế để đối trị và diệt lần lần Khổ Đế, như vậy là sai lầm. Ta không thể diệt quả được. Ánh sáng đến thì bóng tối tự lui, ta không thể diệt bóng tối được. Mắt lành thì hoa đốm hết, ta không thể diệt hoa đốm được. Tương tự thế, khi cái thấy đúng (chánh kiến) phát sanh, không còn ảo tưởng nữa thì ảo giác (các khổ) sẽ không tồn tại, chứ ta không thể diệt được ảo giác.

Khổ đế là ảo giác, là những cảm giác không thực nhưng nó chi phối và bóp méo toàn bộ tâm sinh vật lý của chúng ta, nó nhấn chìm cảm giác thực, làm điên đảo chúng sanh trong 3 cõi, 6 đường.

Như vậy, rõ ràng Diệt Đế là dụng ngữ đầy trí tuệ của đức Phật hàm chỉ chấm dứt tất cả mọi ảo tưởng, tham, sân si, vô minh, ái dục và vọng nghiệp. Khi ảo tưởng chấm dứt thì ảo giác (Khổ đế) sẽ không còn; trả người giác ngộ trở về với thế giới như chân, như thực, tịch diệt hiện tiền, là Niết-bàn tại đây và bây giờ chứ không phải ở một xứ sở vinh quang nào khác. Tầm cầu thế giới thường, lạc, ngã, tịnh để trốn chạy thế giới vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh là rơi vào cái bẫy của thường kiến muôn đời ngoại đạo, bị tròng vào cái lưới của vô minh và ái dục hằng a-tăng-kỳ kiếp rồi.

Tóm lại, ta có thể gợi ý một số hiểu biết tạm thời về Niết-bàn (Diệt đế) như sau:

- Niết-bàn không phải là thường còn, vì nó không loại trừ vô thường.

- Niết-bàn là giải thoát vô minh, ái dục, vọng nghiệp.

- Niết-bàn là giải thoát sinh tử luân hồi.

- Niết-bàn là siêu tuyệt ý niệm, ngữ ngôn; ở ngoài mọi xác lập của lý trí vọng thức (tức là sự chế biến của paññatti).

- Niết-bàn không phải là thế giới của bản thể vì nó vốn không lìa bỏ thế giới hiện tượng.

- Niết-bàn không phải là lạc thọ vì nó không có ảo tưởng diệt khổ thọ (cả khổ, lạc và xả thọ là cảm giác thực)

- Niết-bàn không phải là bản ngã vì nó không thuộc của ai (vô ngã), và vì tất thảy pháp dù hữu vi hay vô vi đều là vô ngã.

- Niết-bàn không phải tịnh (sạch) vì nó vốn không sạch, không dơ; nó ở ngoài sạch, dơ, ngoài mọi ý niệm của con người.

- Niết-bàn là không còn chấp thủ ngũ uẩn.

- Niết-bàn là chấm dứt tất cả phiền não, khổ đau.

Vậy, rốt ráo và chính xác nhất, đạo Phật là đạo diệt khổ mà mỗi người có trí có thể chứng nghiệm trong lòng mình. Hễ xác lập Niết-bàn là gì, xem chừng đấy chỉ là trò chơi của lý trí vọng thức mà thôi.

Nói tóm lại,

Muốn cắt đứt 10 kiết sử kể trên, hành giả sau khi tu thiền định, đạt từ đệ nhất thiền đến đệ tứ thiền sắc giới; vị ấy xả định, lưu giữ cận định rồi quán về tam tướng vô thường, khổ và vô ngã. Cũng có thể chỉ cần cận hành định rồi quán tam tướng. Có người đi thẳng vào quán mà không cần định. Trên lộ trình này, do công năng và sức mạnh của tinh tấn (chánh tinh tấn), niệm (chánh niệm) và tỉnh giác (chánh kiến), vị ấy đoạn trừ lần hồi những kiết sử nêu trên để chứng đắc đạo, quả tương ứng.

- Bậc Tu-đà-hoàn (Sotāpana): Còn gọi là Dự lưu, Nhập lưu hoặc Thất lai. Vị này cắt đứt được 3 kiết sử đầu tiên: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, để dự vào dòng chảy đưa đến Niết bàn, chắc chắn thành bậc A-la-hán sau 7 kiếp làm người, làm trời (Có vị chỉ 3 hoặc 5 kiếp).

- Bậc Tư-đà-hàm (Sakadāgami): Còn gọi là Nhất lai. Vị này làm nhẹ thêm hai kiết sử tiếp theo đó là dục lạc và sân hận, chỉ còn tái sanh làm người hoặc trời một kiếp nữa thôi.

- Bậc A-na-hàm (Anāgāmi): Còn gọi là Bất lai. Vị này cắt đứt hoàn toàn 5 thượng phần kiết sử (Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục lạc, sân hận); lúc mệnh chung, hóa sanh vào một trong năm cõi trời cùng tột của sắc giới - ngũ tịnh cư thiên - rồi đắc quả A-la-hán và Niết-bàn luôn ở đấy.

- Bậc A-la-hán (Arahaṃ): Cắt đứt luôn 5 hạ phần kiết sử để không còn một ràng buộc nào nữa trong 3 cõi; chứng đắc đạo quả, được gọi là đạo tâm (maggacitta) và quả tâm (phalacitta). Đến đây mới thật sự tận diệt phiền não, gọi là bậc Vô Sanh.

(Vì bài đã khá dài nên bài sau tôi sẽ trả lời cho bạn H.Nguyên hỏi về lý do nhìn trái xoài mà chảy nước miếng; nữ Phật tử Bạch Cúc hỏi về cầu nguyện, cầu xin; và bạn Nguyễn Ngọc Trâm hỏi qua email về Tứ thần túc).  


MỤC LỤC
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7814)
Quyển sách rất nhỏ này gồm những trích chọn một số lời dạy riêng về sự thiền tập. Nó gồm những trích đoạn nói riêng về thiền tập được trích từ những cuộc nói chuyện (pháp thoại) dành cho các Phật tử xuất gia và tại gia.
14 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 14654)
Trong ba tháng An Cư năm 2015 tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, tôi có hướng dẫn tập thiền cho đại chúng gồm Tăng Ni, chúng điệu cùng một số cư sĩ. Trước mỗi thời toạ thiền như thế, thường là 45 phút, tôi có một pháp thoại ngắn từ 15 đến 20 phút, đôi khi dài hơn một tí, chỉ để giúp cho “hành giả” đi từng bước sơ cơ vào thiền tập một cách vững chắc.
25 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11737)
Về Paritta: VTH dẫn một bài kệ (cả Pāḷi và Việt ngữ) có nguồn gốc Tích Lan rồi nhận xét: “Nội dung bài kệ cho thấy khắp thân thể và không gian xung quanh hành giả được bảo hộ bởi Phật, Pháp và Tăng. Do hình thức an vị giống như sự an vị các Tôn trong Mật tông Bắc truyền, một số học giả phương Tây xem đây như một thể loại “tantra” của Phật giáo Theravāda”. Sau đó hỏi tôi: “Người tu theo Pháp này có thực hành đúng theo tinh thần của Tứ Diệu Đế hay không?”
23 Tháng Mười Một 2015(Xem: 12108)
Thưa thầy con thấy trong 37 trợ đạo phẩm có pháp tứ như ý túc, thầy có thể nói cho con về pháp Tứ Như Ý Túc được không ạ? Pháp này hành trì như thế nào ạ?
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10714)
Thưa thầy, lúc trước thầy có hứa sẽ viết một bài về cách niệm Phật cho tới cận hành định rồi qua thiền minh sát, con và các bạn muốn học Phật chân truyền đang chờ mong (Mà làm sao biết mình niệm đã “tới bến” tức là đạt cận hành định, thưa thầy?)
19 Tháng Mười Một 2015(Xem: 13980)
Chúng tôi nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc thực hành thiền. Để trả lời chung, chúng tôi giới thiệu đến quý đạo hữu bài pháp hành của Hoà thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) giảng trong khóa An cư năm 2015 tại chùa Huyền Không Sơn Thượng Thừa Thiên Huế và bài hướng dẫn thiền tập của Thiền sư Thanissaro Bhikkhu (bản dịch của Cư sĩ Nguyên Giác):
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 12515)
“- Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh rất phổ biến của loài người. Vì thế tất cả các tôn giáo như Ki tô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và luôn cả Phật giáo Tịnh độ tông ... đều cầu nguyện và cầu xin. Họ cầu nguyện và cầu xin vì họ tin là có Thần quyền thiêng liêng có quyền năng phò trì, cứu khổ, cứu nạn. Xin thầy vui lòng chỉ dạy cho con Phật tử Theavāda không tin có tha lực lực siêu phàm và như vậy khi họ bị tại ương, tật ách thì họ cầu nguyện ai???
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6806)
Tôi xin được trình bày đến quý vị về kinh nghiệm của ba tháng thiền quán Vipassana, cũng như nêu lên một số vấn đề cho những bạn nào thích tìm hiểu, nghiên cứu về thiền quán.Thường thì mỗi khóa tu ba tháng như vậy có khoảng chừng một trăm người tham dự. Tất cả cùng phát nguyện giữ thinh lặng trong vòng ba tháng – chỉ được phép nói chuyện với vị thầy mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút trong giờ trình pháp.
29 Tháng Mười 2015(Xem: 18848)
Sự hiện hữu của ta bao gồm thân và tâm. Ta cần quan tâm đến cả hai, dầu thiền là một hoạt động của tâm, chứ không phải thân. Những câu hỏi của người mới bắt đầu hành thiền là: “Tôi phải ngồi như thế nào?” “Làm sao để không bị đau khi ngồi?”
28 Tháng Mười 2015(Xem: 12748)
Kính thưa thầy, Con mới đọc một đoạn trong một cuốn sách của ngài Ajhan Cha'a, ngài có nói về tầm và tứ rồi mới đến hỉ lạc. Vậy đâu phải khi mình ngồi thiền mình chỉ an trú vào hơi thở mà thôi, mà nếu có thiện pháp ý nghĩ nào tốt hiện ra thì mình cứ giữ tâm trên đối tượng đó, chà sát đối tượng đó (có tầm có tứ) cũng vẫn được, rồi từ từ sẽ đến chỗ không tầm không tứ luôn, phải không thầy? Xin thầy dạy về cái vụ tầm tứ này vì từ trước nay tập thiền con chỉ lo chiến đấu với hơi thở, hễ có ý tưởng nào khởi lên là con ráng hết sức đuổi nó đi, nhưng không phải lúc nào nó cũng chịu đi! Con xin cảm tạ ơn thầy chỉ dạy.