Chương Một – Tiểu Sử Sayagyi U Ba Khin: Con Và Vị Thầy Người

21 Tháng Bảy 201608:16(Xem: 4661)

THIỀN QUÁN
TIẾNG CHUÔNG VƯỢT THỜI GIAN
Nguyên tác: The Clock of Vipassana Has Struck
Tác giả: Ts.Sayagyi U Ba Khin (1899- 1971)
Chú giải và biên soạn: S.N. Goenka và Pierluigi Confalonieri
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh

 

Phần Một:
Sayagyi U Ba Khin: Con người và vị thầy

Chương Một
Tiểu Sử Sayagyi U Ba Khin:
Con người và vị thầy

 
Một người như Sayagyi sẽ không bao giờ chết. 
Có thể bạn không thấy người, nhưng lời dạy của người còn sống mãi.
-- Hòa thượng Webu Sayadaw
 
Sayagyi U Ba Khin sinh ngày 02 tháng 6 năm 1899 tại Yangon, thủ đô Myanma. Ngài là con út trong hai người con của một gia đình nghèo sống trong một khu dân cư lao động. Myanma hồi đó sống dưới sự cai trị của nước Anh cho tới sau Thế chiến II. Vì thế người ta rất cần học tiếng Anh. Thực vậy, muốn kiếm được việc làm kha khá, người ta cần phải thông thạo tiếng Anh.
 
U Ba Khin may mắn được một người đứng tuổi của một nhà máy ở gần nhà giúp cậu vào một trường trung học của giáo phái Methodist khi cậu lên 8 tuổi. Cậu tỏ ra là một học sinh có năng khiếu bẩm sinh. Cậu có thể học thuộc lòng các bài học, thuộc lòng quyển văn phạm tiếng Anh từ đầu đến cuối. Năm nào cậu cũng đứng nhất lớp và nhận được một học bổng trung học. Một giáo viên người Miến đã giúp cậu vào học Trường Thánh Phaolô, ở đó năm nào cậu cũng lại đứng đầu lớp. Tháng 3 năm 1917, cậu đậu phổ thông trung học, nhận một giải huy chương vàng và một học bổng đại học. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đã buộc cậu thôi học để đi làm kiếm sống.
 
Ban đầu, cậu đi làm cho một tờ báo Miến Điện tên là "Ánh Dương," nhưng sau một thời gian ngắn, cậu bỏ công việc này để làm nhân viên kế toán cho phòng tài chánh của Miến Điện. Có rất ít người Miến làm việc trong văn phòng này, vì hầu hết các công chức thời đó đều là người Anh hay Ấn Độ. Năm 1926 U Ba Khin thi đậu cuộc thi ngành kế toán do chính quyền địa phương của Ấn Độ tổ chức. Năm 1937, khi Myanma tách khỏi Ấn Độ, ông được bổ nhiệm chức Chánh Văn phòng đặc biệt.
 
U Ba Khin tiếp tục phục vụ trong chính phủ thêm 26 năm nữa. Ông trở thành Kế toán trưởng ngày 4 tháng 1 năm 1948, là ngày Myanma giành được độc lập từ tay nước Anh. Trong hai thập kỉ tiếp theo, ông được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ khác nhau trong chính phủ, thường ông kiêm nhiệm hai chức vụ một lúc, và luôn luôn là chức đầu ngành. Có lần ông đứng đầu cùng một lúc ba ngành khác nhau trong suốt ba năm, và một lần khác ông đứng đầu cùng một lúc bốn ngành trong một năm. Khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng thị trường nông nghiệp nhà nước năm 1956, nhà nước Myanma đã trao tặng ông tước hiệu "Thray Sithu," một tước hiệu rất cao quí của nước này. Chỉ trong 4 năm cuối đời, ông mới dành tất cả thời giờ của mình để chỉ chuyên chú vào việc giảng dạy thiền. Phần thời gian còn lại, ông hoạt động một cách hài hòa trong các công việc thiền niệm, phục vụ đất nước với tất cả sự tận tuỵ, và vì là gia trưởng của một gia đình với vơ,ï năm cô con gái và một cậu con trai, ông còn phải gánh những trách nhiệm nặng nề của gia đình mình.
 
Lần đầu tiên ông thử hành thiền là vào ngày 1 tháng 1 năm 1937. Một học trò của thiền sư Saya Thetgyi -- một nông gia giàu có và là một thiền sư -- đến thăm ông và giảng giải cho ông phương pháp niệm hơi thởànàpàna. Khi ông luyện thử, ông cảm nghiệm được sự tập trung rất tốt, và điều này gây ấn tượng mãnh liệt đối với ông khiến ông quyết định theo dự một khóa trọn vẹn. Sau khi quyết định, ông xin phép nghỉ việc mười ngày, và chỉ một tuần sau khi thử ànàpàna, ông đã bắt đầu lên đường đi đến trung tâm của thiền sư Saya Thetgyi ở Pyawbwegyi. Một con người đầy tinh thần trách nhiệm như U Ba Khin mà sẵn sàng gác bỏ công việc ở nhiệm sở của mình một cách mau chóng như thế chứng tỏ quyết tâm học thiền của ông mãnh liệt như thế nào.
 
Do các nhiệm vụ công chức của ông đòi hỏi quá nhiều thời gian, thiền sư chỉ có thể dạy cho một số ít học trò. Năm 1950 ông lập Hội Thiền quán của Văn phòng kế toán nhà nước để cho những người thường, chủ yếu là các nhân viên của văn phòng, có thể học Thiền quán. Nhiều học trò người Miến Điện của ông cũng làm việc chung với ông trong chính quyền. Năm 1952, Trung tâm Thiền học quốc tế (I.M.C) khai trương ở Yangon, cách xa ngôi chùa nổi tiếng Shwedgon hai dặm về phía bắc. Tại đây nhiều học trò người Miến và người nước ngoài đã có may mắn đón nhận những lời giảng về Giáo pháp của Thiền sư. Các học trò người nước ngoài của thiền sư thì ít nhưng thuộc nhiều thành phần khác nhau, bao gồm những Phật tử hàng đầu của phương Tây, những học giả, và thành phần ngoại giao ở Yangon. Nhiều học trò người Ấn Độ được Goenkaji giới thiệu. Thỉnh thoảng thiền sư được mời đi thuyết trình cho các thính giả nước ngoài ở Myanma về đề tài Giáo pháp.
 
Khi giảng dạy cho con số thiền sinh ngày càng gia tăng đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, thiền sư xác tín rằng đã đến giờ để những lời dạy của Đức Phật lan rộng vượt ra khỏi biên giới ảnh hưởng vốn có xưa nay. Ông ý thức về sự thịnh vượng vật chất và trình độ kỹ thuật của các quốc gia khác, nhưng ông cũng ý thức về sự mê muội về tinh thần nơi những quốc gia ấy và sự đau khổ vô bờ phát sinh từ sự mê muội ấy. Ông hiểu rằng đây là thời điểm để cho lời dạy của Đức Phật lan rộng tới những cư dân của những vùng đất ấy. Xuất phát từ tình yêu và thương cảm, thiền sư ao ước được đi ra nước ngoài để truyền bá phương pháp này. Tuy chính sách của nhà nước Myanma không cho phép ông rời bỏ quê hương, nhưng quyết tâm của ông luôn luôn tồn tại. Trước khi qua đời, ông đã chỉ định một số vị giảng dạy thuộc nhiều quốc gia khác nhau để thay ông mang thiền định đến khắp thế giới. Sayagyi hiểu rằng những lời giảng dạy sẽ vượt ra ngoài biên cươngMyanma và châu Á, và không chỉ lý thuyết mà thôi, nhưng cả việc thực hành những lời dạy của Đức Phật sẽ đâm rễ sâu trên khắp thế giới.
 
Sayagyi đã hoạt động tích cực để chuẩn bị cho Đại hội Phật giáo lần thứ sáu với tên gọi Chattha Sangayana(Đại hội kết tập kinh điển lần thứ IV) diễn ra tại Yangonnăm 1954-1956. Năm 1950 Sayagyi là thành viên sáng lập của hai tổ chức sau này sáp nhập chung thành Hội đồng Sasana Phật giáo Miến Điện (U.B.S.C.), là cơ quan kế hoạch chính của Đại hội đồng. Ông là một thành viên điều hành của U.B.S.C, và là chủ tịch uỷ ban thực hành thiền niệm patipatti. Ông cũng là uỷ viên kiểm toán danh dự của Hội đồng và trong cương vị này ông chịu trách nhiệm trông coi sổ sách kế toán về mọi tặng vật dâng cúng (dàna)và mọi khoản chi tiêu của Đại hội.
 
Người ta đã có một kế hoạch xây dựng lớn cho Đại hội Phật giáo lần thứ 6. Trên một khu đất rộng hơn 170 mẫu, người ta dự định xây cất nhà cửa, nhà bếp và khu vực ẩm thực, một bệnh viện, thư viện, viện bảo tàng, bốn khách sạn và các toà nhà hành chánh. Điểm tập trung của toàn bộ công trình này là Đại sảnh Mahà Pàsànaguhà, một hội trường khổng lồ có thể chứa khoảng ba ngàn vị sư từ các nước Myanma, Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia và Lào qui tụ lại để đọc, xác định nguồn gốc, biên tập, và xuất bản Tam Tạng-Tipitaka. Các tu sĩ này làm việc theo các tổ, soạn các kinh văn Pàli để in và xuất bản, đối chiếu các ấn bản Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia và ấn bản bằng mẫu tự La-tinh của Hội Pàli ở Luân Đôn.
 
Thiền sư tiếp tục hoạt động tích cực trong Hội Đồng U.B.S.C, trong những chức vụ khác nhau cho tới năm 1967. Khi hoạt động như thế, ông đã kết hợp những trách nhiệm và tài năng của một con người tại gia và một viên chức chính phủ với sự quyết tâm to lớn của ông cho Phật pháp để truyền bá giáo huấn của Đức Phật cho thế giới. Ngoài việc tận tâm chu toàn việc phục vụ đất nước của mình, ông còn tiếp tục giảng dạy thường xuyên về Thiền Quán tại trung tâm của ông. Một số người phương Tây đến dự Đại hội Phật giáo lần thứ 6 đã được giới thiệu đến với Sayagyi để được ông chỉ dạy về pháp hành, vì vào thời đó không có thiền sư nào khác nói thạo tiếng Anh.
 
Cuối cùng, năm 1967, thiền sư đã rời bỏ sự nghiệp lỗi lạc của mình trong guồng máy chính quyền để về sống tại trung tâm thiền I.M.C. của ông và giảng dạy phương pháp Thiền Quán tại đó, cho tới lúc ông qua đời năm 1971.
 

MỘT ÍT SỰ KIỆN TRONG CUỘC ĐỜI THIỀN SƯ U BA KHI
S.N. Goenka kể lại
   
Con Người Chính Trực Trong Thời Loạn Cũng Như Thời Bình
 
Tháng 2, 1942, quân xâm lăng của đế quốc Nhật đã chiếm Yangon, và đang tiến về Mandalay, một thành phố ở miền trung Myanma. Không quân Nhật bắt đầu oanh kích thành phố, phá huỷ một nhà ga xe lửa tại đây.
 
Lúc này Sayagyi đang ở Mandalay trong chức vụ Cán bộ Kế toán đường sắt, chịu trách nhiệm quản lí toàn bộ ngân quĩ đường sắt. Sau khi cuộc oanh kích chấm dứt, ông chạy ngay tới nhà ga vừa bị tàn phá, lùng sục trong đống đổ nát, và thấy két sắt vẫn còn y nguyên không hề hấn. Vì có chìa khóa của két sắt, ông mở két và lấy ra toàn bộ số tiền trong đó -- một số tiền rất lớn.
 
Phải làm gì với số tiền này bây giờ? U Ba Khin cảm thấy rất hoang mang. Chính quyền Anh đã chạy trốn cuộc tấn công như vũ bão của quân Nhật. Mandalay lúc đó là một "đất vô chủ" giữa hai quân đội giao tranh -- một thành phố vô chính phủ. Tất nhiên, U Ba Khin có thể giữ số tiền cho mình, vì ngoài ông không có người nào chịu trách nhiệm cao hơn. Dù sao, chính quyền thực dân Anh lúc này là kẻ thua trận đang chạy trốn nên họ không thể có quyền nào đối với số tiền này. Và giành lại số tiền này của họ có thể được coi là một hành động ái quốc. Hơn nữa, lúc đó U Ba Khin rất cần tiền, vì cô con gái út của ông đang lâm bệnh nặng, và các chi tiêu của ông quá nặng nề ông không thể nào kham nổi. Thế nhưng U Ba Khin đã không hề có chút ý tưởng nào về việc giành giật tiền của nhà nước để bỏ vào túi riêng của mình. Ông đã quyết định, bổn phận của ông là chuyển lại số tiền này cho các viên chức chính quyền mặc dù họ đang chạy trốn khỏi nước.
 
Từ Mandalay quân Anh bỏ chạy tán loạn. Các cán bộ đường sắt lúc đầu chạy đến Maymyo, với hi vọng tìm đường qua Trung Hoa rồi từ đó đáp máy bay qua Ấn Độ. Sayagyi U Ba Khin không chắc mình có thể bắt kịp họ trong cuộc chạy trốn của họ. Dù sao ông vẫn phải thử xem sao. Ông thuê một chiếc Jeep taxi và đi mất ba giờ để đến Maymyo. Tới nơi, ông thấy người Anh vẫn còn ở thành phố này. Ông đi tìm cấp trên của ông và trao lại số tiền nói trên, rồi thở phào nhẹ nhõm vì đã trút được gánh nặng của mình.
 
Chỉ sau khi đã giao nộp tiền xong xuôi, ông mới nói, "Thưa ngài, bây giờ tôi được lãnh lương của mình trong tháng này, và tiền xe cộ để đến đây chứ?" U Ba Khin là con người như thế đó, một con người công minh chính trực, một con người đạo đức liêm khiết, một con người Giáo pháp.
 
Giáo Pháp Làm Biến Đổi Một Bộ Trong Chính Quyền
 
Bằng cách đưa việc thực hành Thiền Quán đến với các cán bộ và nhân viên của văn phòng Kế toán trưởng Miến Điện, Sayagyi U Ba Khin đã mang lại một sự cải thiện to lớn trong văn phòng nhà nước này. Vị Thủ tướng lúc đó là U Nu, một con người liêm khiết và muốn toàn thể guồng máy chính phủ trong đất nước phải hoàn toàn loại trừ được nạn tham ô và vô hiệu quả. Một trong những bộ quan trọng nhất của chính phủ lúc bấy giờ là Bộ Thị trường Nông nghiệp nhà nước hoạt động rất kém cỏi. Bộ này có trách nhiệm thu mua lúa và các nông sản khác của nông dân rồi xay thành gạo để xuất khẩu với số lượng lớn.
 
Vào thời thực dân, toàn bộ việc kinh doanh xuất khẩu nằm trong tay các thương gia Anh và Ấn Độ. Sau khiMyanma giành độc lập, Bộ Thị trường Nông nghiệp đã đảm nhận trách nhiệm này. Đa số cán bộ và nhân viên của Bộ đều ít kinh nghiệm. Mặc dù tổng lợi tức của ngành thương mại này rất lớn, nhưng Bộ gần như lúc nào cũng trong tình trạng thâm thủng ngân sách. Không có một hệ thống kế toán thích đáng; tính vô hiệu quả và tham nhũng lan rộng. Các viên chức của Bộ cấu kết với những nhà máy xay lúa và những thương gia nước ngoài để chiếm đoạt những món tiền khổng lồ của nhà nước. Thêm vào đó, phương pháp trữ kho và vận chuyển kém cỏi đã tạo ra những thất thoát và thiệt hại lớn.
 
Thủ tướng thiết lập một uỷ ban đều do U Ba Khin đứng đầu để lo việc điều tra những vụ việc của Bộ này. Báo cáo của uỷ ban này đã phơi bày một cách không sợ hãi toàn bộ mạng lưới tham ô và kém hiệu quả của Bộ. Cương quyết có hành động dứt khoát, Thủ tướng yêu cầu U Ba Khin đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch của Bộ. Nhưng U Ba Khin do dự đảm nhận trách nhiệm cải tổ bộ này, trừ khi ông có quyền hành rõ ràng để có những biện pháp cần thiết. Hiểu được vấn đề, thủ tướng đã bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Bộ Thị trường, một chức vụ thường do Bộ trưởng Thương mại nắm giữ. Người ta thường cho rằng chức vụ này có một lực bẩy chính trị rất lớn, thế mà giờ đây nó lại được trao cho một công chức liêm khiết.
 
Khi thủ tướng loan báo ý định bổ nhiệm này, các viên chức của bộ rất lo ngại con người đã từng phanh phui những hành động sai trái của họ giờ đây sẽ trở thành cấp trên của họ. Họ tuyên bố sẽ đình công nếu thủ tướng xác nhận việc bổ nhiệm này. Thủ tướng trả lời ông sẽ không xét lại quyết định bổ nhiệm, vì ông biết chỉ có U Ba Khin là người có thể đảm đương công việc. Và toàn thể các viên chức cán bộ đã đình công. Thế là U Ba Khin phải đảm nhận trách nhiệm trong một bộ mà toàn thể các viên chức cán bộ đều đình công, chỉ có những nhân viên thư lại và những công chức xoàng là tiếp tục làm việc như bình thường.
 
Sayagyi U Ba Khin vẫn cương quyết trước những đòi hỏi vô lí của những người đình công. Ông tiếp tục công việc điều hành với vỏn vẹn chỉ có ban nhân viên thư lại. Sau nhiều tuần lễ, nhóm cán bộ đình công nhận thấySayagyi không chịu sức ép của họ, nên họ đành đầu hàng vô điều kiện và trở về với chức vụ của mình.
 
Sau khi thiết lập được uy tín của mình, bây giờ Sayagyi bắt đầu không thay đổi toàn thể bầu khí và lề lối làm việc của Bộ, với một lòng yêu thương và thông cảm tột độ. Giờ đây nhiều cán bộ đã theo dự các lớp thiền định dưới sự hướng dẫn của ông. Trong hai năm ông giữ chức Chủ tịch, Bộ đã đạt tới những mức kỉ lục về xuất khẩu và lợi nhuận; và đã đạt tới mức hiệu quả cao nhất chưa từng thấy trong việc giảm thiểu những thất thoát và thiệt hại.
 
Thời đó người ta đã quá quen với chuyện các cán bộ và thậm chí Chủ tịch của Bộ Thị trường tích lũy tài sản bằng những cách bất hợp pháp trong nhiệm kì của họ. Nhưng U Ba Khin không bao giờ dung túng cho thói quen này. Để ngăn ngừa bị mua chuộc, ông từ chối tiếp xúc với các nhà buôn và các chủ nhà máy xay, ngoại trừ khi có công tác chính thức, và chỉ tiếp xúc tại văn phòng chứ không ở nhà riêng của ông.
 
Một lần kia, có một thương gia đã xin Bộ chấp thuận đề nghị để họ cung cấp một lượng bao bì rất lớn. Theo thông lệ, thương gia này đã chuẩn bị kèm theo đơn xin của mình một "khoản đóng góp" tư cho một cán bộ quan trọng của Bộ. Để chắc ăn, thương gia này quyết định đến gặp chính vị Chủ tịch. Ông đến nhà củaSayagyi, mang theo một khoản tiền rất lớn để làm quà. Trong lúc trò chuyện, khi bắt đầu thấy có gợi ý về sự mua chuộc, Sayagyi sửng sốt rõ ràng và không thể che giấu sự khinh bỉ của mình trước việc làm đó. Bị bắt tại trận, người thương gia kia đã phải chữa lỗi bằng cách nói rằng món tiền không phải có ý biếu Sayagyi mà là muốn dành cho trung tâm thiền của ông. Nhưng ông nói rõ cho người thương gia này biết trung tâm của ông không bao giờ đón nhận quà tặng từ những người không phải là thiền sinh, ông đuổi người thương gia này ra khỏi nhà, và bảo người này phải biết ơn ông vì ông chưa gọi cảnh sát.
 
Trong thực tế, để ngăn ngừa mọi hành vi mua chuộc, Sayagyi đã cho mọi người biết ông không bao giờ chấp nhận một món quà nào dù lớn hay nhỏ. Một lần kia vào dịp lễ sinh nhật ông, một nhân viên cấp dưới đã mang đến nhà ông một gói quà trong lúc Sayagyi vắng nhà: một chiếc longyi lụa, là một loại áo sa-rông đắt tiền mà người ta rất thích mặc. Vào cuối ngày làm việc, ông cho họp ban nhân viên. Ông khiển trách nặng lời người nhân viên kia đã coi thường lệnh của ông. Sau đó, ông mang chiếc sa-rông bán đấu giá rồi bỏ số tiền ấy vào quĩ phúc lợi chung của nhân viên. Một lần khác, ông cũng có một biện pháp tương tự khi được biếu một giỏ trái cây. Ông luôn luôn ý tứ không cho phép ai mua chuộc mình bằng những món quà dù lớn hay nhỏ.
 
Con người U Ba Khin là như thế -- một con người nguyên tắc rất mạnh không gì có thể làm ông chao đảo. Quyết tâm của ông nhằm nêu một tấm gương về người cán bộ liêm khiết đã khiến ông phải đi ngược lại rất nhiều thói lệ phổ biến vào thời đó trong công việc hành chánh. Thế nhưng đối với ông, sự toàn vẹn đạo đức và quyết tâm phục vụ Giáo pháp luôn là trên hết.
 
Dịu Dàng Như Cánh Hoa Hồng, Cứng Rắn Như Kim Cương
 
Một vị thánh đầy tình thương và lòng trắc ẩn, ngài có một quả tim mềm mỏng như cánh hoa hồng. Nhưng khi đụng tới bổn phận, ngài trở nên cứng rắn như đá kim cương. Cả hai nhân đức này được thể hiện tùy mỗi hoàn cảnh khác nhau trong đời sống của Sayagyi. Sau đây là một ít sự kiện minh chứng điều đó.
 
Khi Myanma giành độc lập từ tay nước Anh năm 1948, chính phủ quốc gia vừa mới thành lập đã phải đối diện ngay với một cơn khủng hoảng. Trên khắp đất nước, những người theo những ý thức hệ khác nhau đều chống đối chính phủ: một số thuộc phe cộng sản, một số thuộc phe xã hội, một số thuộc những nhóm địa phương chủ trương li khai. Nhóm người nổi loạn không thiếu gì vũ khí đạn dược, vì trong Thế chiến II cả quân Nhật lẫn quân Đồng minh đều phân phát không các vũ khí và đạn dược để thu hút thanh niên Miến về phe họ. Quân nổi loạn dấy lên khắp nơi khiến cho chính phủ mới thành lập không thể nào đối phó với cơn khủng hoảng. Chẳng bao lâu sau, quân nổi loạn thắng thế, nhưng mỗi nhóm theo một cương lĩnh và khẩu hiệu riêng của mình, tạo nên một tình trạng hỗn loạn vô chính phủ trên khắp đất nước. Mỗi phe nhóm với cương lĩnh riêng của mình đều chiếm đóng và cai trị một phần lãnh thổ của đất nước.
 
Thế là đến thời kì chính phủ liên bang Miến Điện trên thực tế chỉ còn là chính quyền của riêng thành phốYangon. Không bao lâu sau, thậm chí vùng lãnh thổ nhỏ nhoi này cũng gặp nguy hiểm khi một nhóm nổi loạn bắt đầu tiến vào cửa thành phố và chiếm đóng một ngôi làng cách xa thành phố chỉ chừng mươi dặm. Cả đất nước không còn nơi nào có luật pháp; sự tồn tại của chính quyền liên bang lúc này như sợi chỉ treo ngàn cân. Nếu chính quyền ở Yangon sụp đổ, Liên Bang Myanma sẽ bị phân chia thành những phe nhóm tranh giành nhau. Chính quyền đã bị suy yếu, quân đội cũng suy yếu -- nhưng biết làm thế nào? Xem ra không có lối thoát nào cả.
 
Sayagyi hết lòng tận tụy với đất nước, và khao khát sự hòa hợp và thịnh vượng cho Myanma, nhưng ông có thể làm được gì? Ông chỉ có một sức mạnh duy nhất là Giáo pháp. Vì vậy, có khi ông đi đến dinh Thủ tướng và thực hành Tâm từ (mettà) phương pháp thiền để cầu xin cho tất cả mọi người được lòng từ ái và thiện chí). Có khi ông ở tại nhà và luyện tập tâm từ cho sự ổn định của đất nước. Trong những hoàn cảnh như thế này, tâm hồn của Sayagyi dịu dàng như một cánh hoa hồng.
 
Nhưng tâm hồn ông cũng có thể cứng rắn như kim cương. Trong thời kì khủng hoảng này, xảy ra sự kiện chính quyền phải cầu viện một nước lân bang. Nước này rất thân thiện và đồng ý trợ giúp Myanma, nhưng những vũ khí viện trợ cho Myanma phải chuyên chở bằng đường hàng không, mà chính quyền Myanma lại không đủ phương tiện chuyên chở hàng không. Các máy bay cần dùng cho mục đích này phải được cung cấp từ bên ngoài. Để đạt được mục tiêu, chính quyền đã có một quyết định vội vàng không phù hợp với luật pháp của quốc gia.
 
Lúc bấy giờ U Ba Khin đang là Kế toán trưởng, và ông phản đối quyết định này vì nó bất hợp pháp. Chính phủ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thủ tướng biết rõ Sayagyi sẽ không khoan nhượng khi đụng đến vấn đề nguyên tắc. (Ông luôn luôn khẳng định, "Tôi được nhà nước trả lương vì một mục đích duy nhất -- trông coi để không một đồng xu trong ngân quĩ nhà nước bị sử dụng ngược với luật pháp quốc gia. Tôi được trả lương để làm điều này!") Thủ tướng rất kính trọng sự ngay thẳng và tinh thần bổn phận của Sayagyi. Nhưng hoàn cảnh bấy giờ quá tế nhị. Vì vậy, ông cho mời Sayagyi đến thảo luận riêng với ông, và ông nói: "Chúng ta đang rất cần đưa số khí giới này về, và cần phải chi tiêu vào việc chuyên chở bằng máy bay. Vậy ông thử cho chúng tôi biết phải làm việc này thế nào cho hợp pháp." Sayagyi đã đề nghị một giải pháp, và chính phủ đã theo lời khuyên của ông để không sử dụng một phương tiện sai trái cho một hành động đúng đắn. Cuộc khủng hoảng còn tiếp tục một thời gian, nhưng sau cùng các phe phái nổi loạn đã bị lực lượng chính phủ đánh bại dần dần trên khắp đất nước, trừ một vài nhóm ở những vùng đồi núi xa xôi.

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ HỌC TRÒ CỦA SAYAGYI U BA KHIN 

Chú Giải Hiện Đại Về Giáo Pháp Của Đức Phật
-- Bài của U Ko Lay, nguyên Phó Viện trưởng Đại học Mandalay
 
Sayagyi am tường một cách sâu sắc Giáo pháp của Đức Phật; và ông giảng giải Giáo pháp này một cách hiện đại và khoa học. Sự thấu triệt Giáo pháp của ông không chỉ là chấp nhận một cách mù quáng giáo huấn của Đức Phật; ông ôm ấp Giáo pháp với một sự xác tín và lòng tin vững mạnh do kết quả của việc thể hiện nó qua việc thực hành của chính bản thân ông.
 
Sayagyi thụ giáo phương pháp Thiền Quán với đại thiền sư Saya Thetgyi. Khi ông đã khá thành thạo, Saya Thetgyi cảm thấy chắc chắn sau khi mình chết, học sinh U Ba Khin của mình sẽ trở thành ngọn đuốc soi đường cho biết bao người khác. Nhưng mãi tới năm 1941, sau khi Sayagyi gặp và tỏ lòng tôn kính đối với Hòa thượng Webu Sayadaw mà nhiều người coi là một bậc A-la-hán, lúc đó ông mới quyết định để giúp người ta tìm ra con đường mà Đức Phật đã vạch ra. Trong phương pháp của mình, U Ba Khin không hề rời xa giáo huấn của Đức Phật một li một tí, nhưng sau khi đã dày công tập luyện, nghiên cứu và thử nghiệm, ông đã triển khai những giáo huấn của riêng mình, phù hợp hơn với những đòi hỏi của thời đại mới.
 
Ông thấy có nhu cầu mở những khóa huấn luyện đặc biệt cho những người gia trưởng tại thế, hơn là chỉ dành cho các Tăng Ni hay các người ẩn dật xuất thế. Các kỉ luật dành cho người xuất gia không thể phù hợp với những người tại gia. Hiệp hội Nghiên cứu Vipassàna do Sayagyi khởi xướng vào thời ông đang làm Kế toán trưởng của Miến Điện, đảm nhận công việc nghiên cứu và thử nghiệm về thiền định. Các kết quả và khám phá của những nghiên cứu này được thực hiện trong một phòng đặc biệt của văn phòng Kế toán trưởng đã giúp cho Sayagyi có thể trình bày Giáo pháp của Phật cho những người tại gia một cách có hệ thống khoa học, vì thế rất hấp dẫn đối với não trạng của con người hiện đại. Hàng loạt những bài luyện tập Vipassàna thật phong phú bao gồm đầy đủ ba đòi hỏi quyết định mà Đức Phật đã đề ra Giới,Định, và Huệ, nhưng được truyền đạt và thực hành thật vững chắc khiến cho có thể đạt được những kết quả khả quan chỉ trong một thời gian ngắn.
 
Các nhà trí thức và tổ chức nước ngoài lần đầu tiên biết đến Sayagyi năm 1952 khi ông giảng một loạt bài cho một nhóm nghiên cứu gồm những thành viên của một phái đoàn kinh tế và kĩ thuật đặc biệt của Mĩ. Được xuất bản thành những tập sách nhỏ, các bài giảng này đã mau chóng đến với các tòa đại sứ Miến Điện ở nước ngoài và các tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới (xem Chương sáu: "Phật Giáo Là Gì?")
 
Sayagyi còn giảng một số bài khác nữa về cuộc đời và giáo huấn của Đức Phật, nhưng ông không bao giờ chỉ nhắm duy nhất vào mục tiêu là giảng giải Giáo pháp. Nhiệm vụ duy nhất của ông là giúp đỡ những người lao động chân thành để họ cảm nghiệm một trạng thái thanh thản nội tâm và nhận ra chân lí của đau khổ, nhờ đạt được "bình an nội tâm" qua việc thực hành Thiền Quán. Ông đã đạt những kết quả đáng kinh ngạc qua việc trình bày mà ông khai triển để giải thích phương pháp. Cho tới hơi thở cuối cùng, Sayagyi luôn luôn là một người thầy dạy Thiền Quán hơn là một người rao giảng nó.
 
Những Đức Tính Nhân Bản Của Sayagyi U Ba Khin 
-- Bài của Bà Vimala Goenka, em dâu của S.N. Goenka
 
Trước kia tôi vẫn coi Sayagyi U Ba Khin là một ông già khô khan nhạt nhẽo chỉ dạy những điều thích hợp cho những người già cả ít đam mê và ít hoạt động trong những gì mà thế giới bên ngoài cống hiến. Tôi nhìn ông với lòng kính sợ, vì tôi đã từng nghe người ta nói nhiều về những cơn giận dữ của ông. Tôi đến thăm ông tại trung tâm cùng với cha mẹ và anh chị tôi, nhưng chỉ khi nào tôi phải đi thăm thôi. Thế rồi tất cả những cảm nghĩ này đã tan biến dần sau khi tôi dự một khóa thiền mười ngày dưới sự hướng dẫn của ông.
 
Tôi thấy Sayagyi là một con người rất dễ mến. Ông chẳng khác gì người cha đối với tôi. Tôi có thể thoải mái thảo luận bất cứ vấn đề nào tôi gặp, và chắc chắn không chỉ được ông lắng nghe một cách đầy thiện cảm, mà còn nhận được những lời khuyên quí báu của ông. Tất cả những cơn giận dữ của ông mà người ta kể đều chỉ là ở bề ngoài; trong thâm tâm là cả một tình yêu vô bờ bến. Chẳng khác gì một cái vỏ cứng bao bọc một chất lỏng vậy. Cái vỏ cứng là điều cần thiết -- thực ra, rất quan trọng cho công việc mà ông đang làm.
 
Chính cái vỏ cứng này đã giúp ông duy trì được kỉ luật tại trung tâm. Thỉnh thoảng có những người lợi dụng bản tính hiền lành của ông để lơ là mục đích chính khiến họ đến trung tâm. Họ thường đi dạo quanh khu vực và nói chuyện phiếm với các thiền sinh khác, vì thế họ không chỉ phí phạm thời giờ của họ, mà còn quấy rầy những người khác. Bản tính cứng rắn của Sayagyi là cần thiết để dẫn họ vào con đường đúng đắn. Thậm chí lúc tức giận, ông vẫn đầy lòng thương. Ông muốn các thiền sinh của ông học được nhiều bao nhiêu mà họ có thể trong một thời gian ngắn. Ông cảm thấy những thiền sinh đó đang phung phí cơ hội mà họ chỉ có một lần duy nhất, một cơ hội mà mỗi một giây phút đều vô cùng quí báu.
 
Sayagyi rất quảng đại. Ông muốn dạy hết những gì ông biết. Ông rất giỏi thông truyền kiến thức và kinh nghiệm của mình khiến ông không cảm thấy phải cố gắng gì khi dạy một thiền sinh. Ông ban phát rất rộng rãi. Chỉ có khả năng lãnh hội của các thiền sinh mới hạn chế sự tiếp thu của họ.
 
Sayagyi cũng rất kiên nhẫn khi dạy dỗ. Nếu có ai cảm thấy khó luyện tập, ông sẽ giảng giải cặn kẽ bằng những ví dụ và minh họa. Ông thích công việc thực hành và cho rằng kinh nghiệm trong chính việc luyện tập sẽ bù đắp những nghi ngờ về lí thuyết. Chỉ thảo luận trên lí thuyết sẽ chẳng dẫn chúng ta đi tới đâu. Khía cạnh thực hành là quan trọng nhất. Ông đúng vô cùng! Không chỉ trong lãnh vực Giáo pháp, mà cả trong những công việc hằng ngày của chúng ta, việc thực hành mang lại kết quả tốt hơn là chỉ thảo luận suông thôi.
 
Bản thân Sayagyi làm việc rất miệt mài. Ông giữ sáu hoặc bảy chức vụ điều hành rất quan trọng trong chính quyền với những trách nhiệm nặng nề và cùng lúc hướng dẫn những lớp học thiền trong những giờ rảnh rỗi. Thực ra, ông chẳng có lúc nào rảnh. Ông luôn luôn bận việc. Ông có khả năng làm việc rất nhiều ở cái tuổi mà nhiều người khác nghĩ đến sự nghỉ ngơi và một cuộc sống an nhàn. Ông tìm thấy sự bình an và yên tĩnh trong công việc của mình.
 
Dù bận trăm công nghìn việc, ông vẫn dành chút thời giờ để làm vườn. Đó là thú tiêu khiển của ông. Ông thích trồng hoa và cây. Trung tâm của ông có một bộ mặt dễ chịu, đầy màu sắc, khắp chung quanh đầy cây cỏ xanh tươi. Vẻ đẹp và sự an bình mà Sayagyi đã tạo ra ở trung tâm luôn luôn còn lưu lại trong lòng tôi. Ông dạy một điều quí hiếm nhưng có giá trị to lớn cho cả người già lẫn trẻ. Ông là một bậc thầy vĩ đại, và một con người rất dễ mến.
 
Tính Cách Của Một Con Người
-- Bài của Bác sĩ Om Prakash, nguyên là bác sĩ tư vấn của LHQ tại Myanma, giảng viên Vipassàna do S.N. Goenka đề cử
 
Ông có một nhân cách tuyệt vời: uy nghiêm, đơn sơ, cao quí và gây ấn tượng. Ông luôn mỉm một nụ cười nhẹ và để lộ dáng vẻ của một tâm hồn thanh thản, mãn nguyện. Khi ở với ông, bạn cảm thấy ông chỉ biết chăm lo cho bạn, và yêu thương bạn hơn bất cứ ai khác. Sự quan tâm, yêu thương, từ tâm của ông dành cho mọi người đều như nhau, dù là người giàu hay nghèo, sang hay hèn; bù lại, ông không đòi hỏi gì ngoài thiện ý và một bản tính chân thật.
 
U Ba Khin tỏ lòng bao dung với mọi tôn giáo. Ông không bao giờ phê bình hay nhạo báng bất cứ một niềm tin hay tín ngưỡng nào. Nhưng ông rao giảng Phật giáo theo như ông hiểu, và ông hiểu Phật giáo sâu xa hơn nhiều người. Ông không bao giờ khẳng định điều gì, không bao giờ áp đặt ý tưởng nào đối với bạn. Ông thực hành điều ông giảng dạy và để cho bạn tự ý suy nghĩ và chấp nhận quan điểm của ông, một phần hay tất cả tuỳ ý bạn.
 
Ông không hút thuốc, uống rượu hay sử dụng các chất gây nghiện. Ông uống trà và cà phê một cách điều độ; ông thích sữa, ovaltine, v.v..., nhất là vào thời kì cuối đời. Ông yêu "sự sống" một cách tột độ. Thậm chí ông không cho phép người ta giết hại muỗi trong trung tâm. Và ông cũng ngăn cấm sử dụng các thuốc diệt côn trùng tại đây.
 
Ông có óc thẩm mĩ và nghệ thuật rất cao, rất thích hoa, và đặc biệt để ý sưu tầm những giống hoa lạ. Ông có một sưu tập các giống hoa rất đẹp, mà ông trồng quanh khắp ngôi chùa. Ông biết rõ hết mọi cây ông trồng và có thể nói thao thao bất tuyệt về chúng cho những khách đến thăm trung tâm.
 
Sayagyi có óc khôi hài và rất hóm hỉnh. Ông có nhiều chuyện cười dí dỏm, và ông cười, cười rất to. Ông thường la to thế nào thì ông cũng thường cười to như vậy.
 
Ông theo dõi rất sát các sự kiện chính trị thế giới và những tiến bộ về khoa học và kĩ thuật, và là thính giả thường xuyên của các đài phát thanh và một độc giả trung thành của các tạp chí nước ngoài. Ông đặc biệt rất thích tạp chí Life và Time.
 
U Ba Khin rất ao ước được đi ra nước ngoài, đặc biệt sang Hoa Kì (một điều ông không bao giờ thực hiện được). Ông muốn giảng dạy phương pháp thiền của mình mà ông tin một cách chính đáng là con đường dễ nhất và lôgíc nhất để thực hành thiền. Ông có đủ
 phương tiện để ra nước ngoài, nhận được nhiều lời mời của các học sinh của ông ở nước ngoài, nhưng một số thủ tục giấy tờ để có giấy hộ chiếu và những điều khác đã ngăn trở ông rời đất nước. Ngoài ước muốn này ra, mọi ước muốn khác của ông trên đời này đều được mãn nguyện. Ông đã sống một đời sống sung mãn.
 
Sayagyi chấp nhận bệnh tật một cách dũng cảm và ích lợi, và ông là một bệnh nhân rất thông minh và cộng tác. Ông không bao giờ bi quan về cuộc đời; ông luôn luôn lạc quan và lúc nào cũng tràn đầy hi vọng về cuộc sống. Ông coi đau khổ và bệnh tật như là kết quả của nghiệp quá khứ và nói đó là số phận của con người khi sinh ra ở đời. Dù là căn bệnh cuối cùng đến với ông và cướp mất ông khỏi chúng ta một cách đột ngột, nhưng ông cũng coi nó nhẹ tựa lông hồng.
 
Sayagyi là một tâm hồn rất đạo đức và vĩ đại; một tâm trí và một thân thể tinh tuyền, và đáng yêu đối với mọi người.
 
Đánh Giá Trình Độ Trí Thức Của U Ba Khin
-- Bài của Winston L. King, Giáo sư Tôn giáo, Đại học Vanderbilt
 
Vị sáng lập, U Ba Khin, người vừa là giám đốc của trung tâm, vừa là Thiền sư, lúc này ông là một người đàn ông đầy sức sống, chỉ ngoài sáu mươi, và bên cạnh công việc tại trung tâm -- nơi ông dành tất cả thời giờ rảnh để giảng dạy các khóa thiền -- ông còn giữ hai trọng trách lớn trong chính quyền.
 
Dù xét theo tiêu chuẩn nào, U Ba Khin vẫn là một con người lỗi lạc. Một con người được học hành khá ít và mồ côi từ thuở nhỏ, nhưng ông đã tự mình vươn lên tới chức Kế toán trưởng nhà nước. Ông là cha của một gia đình tám người. Trên bình diện con người, ông là sự phối hợp kì diệu giữa sự khôn ngoan thế tục và sự sâu sắc, sự thâm trầm nội tâm và tính khôi hài bên ngoài, tính hiệu quả và lòng hiền dịu, sự thoải mái và sự tự chủ hoàn toàn. Trong quan niệm Phật giáo của ông, cái linh thiêng và vũ trụ không phải hai đối cực khử trừ nhau; và được nghe ông liên kết các câu truyện kinh điển về Phật với các sự kiện đương đại và thường xuyên kèm theo các tiếng cười "hề, hề, hề," quả là một kinh nghiệm khó quên.
 
. . . Vì ông có khả năng đạt được cả sự siêu thoát và sự quan tâm duy nhất vào một điểm, nên ông tin rằng các sức mạnh trực giác và hiệu quả của ông được gia tăng khiến cho ông hoạt động trong tư cách công chức nhà nước hiệu quả hơn rất nhiều người. Không biết có phải ông là một loại thiên tài đã làm cho "hệ thống" của ông hoạt động, hay ông là một kiểu mẫu mới trong Phật giáo Miến Điện -- một vị thầy tại gia biết kết hợp suy niệm với hành động trong một tổng hợp thành công -- điều này còn chưa được sáng tỏ trong trí tôi.
 
 Trích từ A Thousand Lives Away: Buddhism in Contemporary Burma, viết khoảng 1960
 
HỎI VÀ TRẢ LỜI
 
Phần lớn các câu hỏi và trả lời ở cuối mỗi chương được lấy từ một cuộc phỏng vấn độc quyền với S.N. Goenka năm 1991, vào ngày giỗ lần thứ 20 của Sayagyi. Chúng tôi cũng dựa vào những bài báo và những nguồn khác để giải thích phương pháp và những ích lợi của nó để làm sáng tỏ nhân cách và lời giảng của U Ba Khin và giá trị của Thiền Quán (Chủ biên).
 
HỎI: Ngài U Ba Khin có tự xưng mình là một Phật tử không? Làm thế nào ngài có thể nói Giáo pháp là phổ quát mà không cho nó một sắc thái phân biệt giáo phái?
 
S.N. GOENKA: U Ba Khin là Phật tử từ lúc mới sinh và cảm thấy khá tự hào và hài lòng khi nói như thế, nhưng rõ ràng trong các giáo huấn của ngài, ngài không hề có ý cải hóa người ta bỏ một tôn giáo có tổ chức này để theo một tôn giáo có tổ chức khác. Kinh nghiệm bản thân tôi là một ví dụ: ngài không bao giờ thúc ép tôi trở thành Phật tử. Cách giảng dạy của Sayagyi luôn luôn là phi giáo phái. Lời dạy của Đức Phật mang tính phổ quát khiến cho mọi người từ những giáo phái và những cộng đồng khác nhau đều có thể theo và cảm nhận được những lợi ích của nó.
 
Theo Sayagyi, cốt tủy của Đạo Phật là Chân lí (Dhamma), là luật tự nhiên phổ quát, và người Phật tử chân chính là người thực hành Giáo pháp, người sống theo luật tự nhiên phổ quát này. Ông thích giúp đưa người ta vào sống trong sìla (giới), samadhi (định), và paññā (huệ); chỉ cho người ta biết cách tự biến đổi mình từ chỗ đau khổ sang hạnh phúc. Nếu có ai đã trải qua cuộc biến đổi từ tội lỗi sang thanh tịnh rồi muốn trở thành Phật tử, Sayagyi rất vui lòng, nhưng đó là vì sự biến đổi đã xảy ra nơi đời sống người đó, chứ không chỉ vì người đó được đổi danh xưng của mình.
 
Đối với những người quá phấn khích trong việc muốn cải hóa người khác về với Phật, Sayagyi thậm chí còn nói với họ: "Cách duy nhất để cải hóa người ta là chính mình phải sống trong Giáo pháp -- giới, định, tuệ (sìla, samàdhi, paññā) -- và giúp người ta cũng sống trong Giáo pháp như mình. Khi chính bạn không sống trong giới, định, tuệthì bạn tìm cách cải hóa người khác nào có nghĩa gì? Bạn có thể tự xưng mình là Phật tử, nhưng nếu bạn không thực hành giới, định, tuệthì đối với tôi bạn không phải là Phật tử. Còn những người thực hành giới, định, tuệthì cho dù họ không tự xưng là Phật tử, họ vẫn thực sự là người đi theo lời dạy của Đức Phật, cho dù họ có tự xưng mình là gì đi nữa.
 
Một sự kiện minh chứng cho thái độ phi giáo phái này xảy ra khi một người Kitô hữu trung thành đã đến tham dự một khóa học của Sayagyi. Trong khi nghe giảng giải các nghi thức khai mào, người này hoảng hồn vì sợ mình được yêu cầu bỏ Kitô giáo để theo đạo Phật; và vì mối lo sợ vô căn cứ này, ông đã từ chối đi theo Phật pháp. "Tôi có thể tin theo Chúa Giêsu Kitô, nhưng tôi không thể tin theo Đức Phật," ông nói thế. "Tốt lắm,"Sayagyi mỉm cười đáp, "Ông cứ tiếp tục tin theo Đức Giêsu Kitô -- nhưng ông phải xác tín rằng ông đang tin theo những đức tính của Chúa Kitô, để ông có thể phát huy những đức tính ấy nơi bản thân ông." Và ông bắt đầu luyện tập theo cách thức này; khi kết thúc khóa học, ông nhận ra rằng mối lo sợ ban đầu của ông là không cần thiết, việc ông sợ phải bỏ đạo mình để theo Đức Phật là vô căn cứ.
 
HỎI: Tại sao U Ba Khin chỉ dạy một số ít người có trình độ, còn ông dạy cùng phương pháp như thế nhưng cho mọi người bất kể trình độ của họ thế nào.
 
SNG: Bởi vì Sayagyi đang giữ một chức vụ mang trách nhiệm nặng nề trong chính quyền vào một thời mà đất nước ông đầy tham nhũng và kém hiệu quả, Thủ tướng muốn ông thực hiện một số cải tổ trong guồng máy hành chánh. Điều này ông có thể thực hiện được qua việc giảng dạy Vipassàna. Nhưng ông còn tiếp tục làm việc trong chính quyền cho tới sáu mươi bảy tuổi, vì vậy ông không có thời giờ để mở các khóa thiền cho đại chúng. Ông chỉ có thể dạy cho một số ít người. Vì hoàn cảnh này, ông đã có lời thề là chỉ dạy cho một ít người đã có trình độ ba la mật phát triển để "Tôi có thể trao hạt giống Giáo pháp cho họ để rồi họ đem đi gieo vãi khắp thế giới."
 
HỎI: Tại sao ông gọi lời giảng của ông là một "nghệ thuật sống"? Và bằng cách nào việc suy niệm có thể trở thành một dụng cụ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn?
 
SNG: Toàn thể lời dạy của Đức Phật là một nghệ thuật sống. Nếu người ta sống theo sìlađạo đức, thì đó là một nghệ thuật sống. Nhưng sống một nếp sống đạo đức mà trong tâm trí vẫn còn nhiều phản ứng tiêu cực thì cũng khiến người ta không được hạnh phúc. Vì vậy việc kiểm soát và thanh luyện tâm trí -- samàdhi và paññā -- song song với sìla, sẽ làm cho người ta có một đời sống rất an bình và hòa hợp. Khi người ta sống một đời sống tiêu cực, người ta luôn luôn có sự căng thẳng nội tâm và vì vậy chỉ gây căng thẳng cho những người sống chung quanh. Nhưng khi người ta sống một đời sống an hòa, người ta cũng tạo ra sự bình an và hòa hợp cho những người khác nữa. Đây là lí do tại sao Sayagyi thường gọi lời dạy của Đức Phật là một nghệ thuật sống, một cách sống, một qui luật hành xử.
 
Trong đời sống của bản thân tôi trước khi gặp Sayagyi, tôi cảm thấy sự căng thẳng nội tâm quá ghê sợ khiến tôi luôn luôn sống trong khổ sở, và làm người khác cũng khổ sở. Nhưng khi đến với Đạo, tôi cảm thấy được vơi nhẹ đi rất nhiều. Tôi bắt đầu sống khá hơn, và vì vậy cũng làm ích hơn cho những người khác trong gia đình, cho bạn bè của tôi, và cho xã hội. Cho nên, nếu một cá nhân tràn đầy những điều tiêu cực, thì cả xã hội phải chịu khổ. Nếu một cá nhân thay đổi để trở nên tốt hơn, cả xã hội được ích lợi.
 
HỎI: Nhiều sự kiện trong cuộc đời Sayagyi chứng minh sự dấn thân của ông cho công việc trong chính quyền. Ông có thể mô tả những cảm nghĩ của Sayagyi đối với sự dấn thân xã hội và những thái độ của ông ấy đối với công việc không?
 
SNG: Vâng, là một người gia trưởng, thì phải sống có trách nhiệm. Là một tu sĩ xuất gia thì không có trách nhiệm xã hội này, vì tất cả thời giờ được hiến cho việc suy niệm. Nhưng là một gia trưởng, một người sống ngoài đời, thì phải có trách nhiệm với xã hội. Vì là một công chức nhà nước, Sayagyi muốn thấy những người dưới quyền mình phải làm việc với sự ngay thẳng, kỉ luật, liêm khiết và hiệu quả trong công việc của họ, để có thể mang lại kết quả tốt. Sayagyi phục vụ cho xã hội bằng cách dành rất nhiều thời giờ của mình để cải thiện guồng máy hành chánh của đất nước.
 
HỎI: Suy niệm luôn luôn được coi là một sự rút lui khỏi xã hội. Vậy tại sao U Ba Khin lại nhấn mạnh khía cạnh xã hội của việc suy niệm như thế? Đặc biệt, đối với các gia trưởng, ông có nghĩ rằng việc chúng ta dấn thân vào xã hội thay vì sống cách li xã hội có thể thực sự giúp thăng tiến việc suy niệm của chúng ta không?
 
SNG: Để có tâm hồn thanh tịnh và năng lực của Giáo pháp, bạn xa tránh những người khác để tập trung vào nội tâm mình. Nhưng rồi năng lực nội tâm ấy phải được sử dụng một cách ngoại hướng. Cũng giống như một người muốn nhảy xa. Người ấy phải bước lui ra đàng sau một chút để lấy đà rồi chạy tới và nhảy. Cũng vậy, bạn rút lui vào nội tâm bạn, lấy năng lực bạn cần, rồi nhảy xa vào trong xã hội để phục vụ xã hội. Hai điều này không thể tách rời nhau. Đức Phật đã bỏ đời sống gia trưởng của Ngài trong sáu năm để đi tìm quả Phật, nhưng sau khi đắc quả, ngài đã dấn thân vào xã hội bốn mươi lăm năm, tức quãng đời còn lại của ngài, ngày và đêm. Cũng thế, bất cứ ai phát triển trong đời sống Giáo pháp đều không trốn tránh những trách nhiệm xã hội.
 
HỎI: U Ba Khin sử dụng Vipassàna để đối phó với nạn tham nhũng như thế nào?
 
SNG: Những đồng nghiệp và cấp dưới của Sayagyi dính líu vào các hành vi tham nhũng đều là do lòng tham. Khi người ta bắt đầu thực hành Thiền Quán, lòng tham bắt đầu tan biến dần. Vì vậy, những người này, sau khi bắt đầu suy niệm, đã phát triển được ý chí kiềm chế việc chiếm dụng tiền bạc của người khác một cách bất hợp pháp. Khi giảng dạy phương pháp suy niệm này cho các đồng nghiệp, U Ba Khin đi vào tận gốc rễ của vấn đề -- lòng tham.
 
Không phải mọi người đều tham ô, nhưng nhiều người làm việc không hiệu quả. Vì tâm trí họ bị vẩn đục, họ không có khả năng làm những quyết định một cách mau lẹ và hiệu quả. Với Thiền Quán, loại bỏ mọi điều nhơ bẩn, tâm trí người ta trở nên trong sáng hơn, sắc bén hơn, có khả năng đi vào gốc rễ bất kì vấn đề nào và giải quyết một cách hiệu quả. Như thế tính hiệu quả của họ được gia tăng bằng cách này. Thiền Quán được sử dụng thực sự để loại trừ tham nhũng và gia tăng hiệu quả trong việc quản lí hành chánh. Một khía cạnh quan trọng của nhân cách Sayagyi từng nâng đỡ ông trong cố gắng này, đó là sự trung thành tuyệt đối của ông đối với sự thật, không nao núng trước bất kì sức ép hay cám dỗ nào.
 
HỎI: Tại sao U Ba Khin vẫn tiếp tục làm việc sau khi ông đã tới tuổi nghỉ hưu, thay vì dành thời giờ hoàn toàn cho việc giảng dạy?
 
SNG: Như chúng ta đã thấy, vì là một gia trưởng, ông phải mang nặng trách nhiệm của mình. Khi Myanmađược độc lập, guồng máy hành chánh hoạt động rất kém hiệu quả và nhiều viên chức chính quyền rất kém ngay thẳng đạo đức. Gương sáng của bản thân ông là một cách minh chứng làm sao Thiền Quán có thể giúp ích cho guồng máy hành chánh. Nó có thể giúp ích cho cá nhân, nó cũng có thể giúp ích cho quần chúng, cho xã hội, chính quyền, quốc gia. Vì vậy tôi nghĩ ông đã có một quyết định rất đúng là làm hết sức mình, một mặt giảng dạy Thiền Quán, và mặt khác chứng minh bằng gương sáng thực tế của mình về những kết quả của phương pháp thiền này đối với xã hội.
HỎI: Ông có thể mô tả những sự kiện quan trọng và giàu ý nghĩa từ cuộc gặp gỡ lần đầu với U Ba Khinkhông?
 
SNG: Một người bạn của tôi biết tôi bị chứng đau nửa đầu mãn tính đã đề nghị tôi tham dự một khóa học thiền do U Ba Khin dạy. Khi tôi gặp thầy, tôi thấy một bầu khí hoàn toàn an bình và thầy tỏ ra rất vui khi tôi nói tôi đến để dự khóa học. Thầy gợi hứng cho tôi: "Anh là một người theo Ấn giáo và người lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo, vì vậy đừng ngại đến đây. Tôi sẽ không cải hóa anh theo một đạo nào khác đâu. Anh sẽ chỉ đón nhận một cách sống tốt hơn, và anh sẽ có một tâm hồn thanh thản."
 
Nhưng khi tôi nói tôi đến đây để bớt chứng đau nửa đầu, thì Sayagyi đã thẳng thắn nói: "Nếu vậy, tôi sẽ không nhận anh. Anh đánh giá Giáo pháp quá thấp. Giáo pháp không phải để làm chuyện này. Giáo pháp là để giải thoát anh ra khỏi sự đau khổ của các kiếp người. Vì anh bị đau khổ trong quá nhiều cái vòng trần tục này, và anh sẽ còn tiếp tục chịu đau khổ mãi nếu anh không học cách thoát ra khỏi nó. Dùng Thiền Quán để chữa trị sự đau đớn thể lí bình thường tức là hạ thấp giá trị của nó." Đồng thời ngài âu yếm nói với tôi: "Mục đích của anh là thanh luyện tâm hồn. Vì vậy, mọi bệnh tật thuộc về thể lí và tâm lí sẽ tự nhiên được chữa khỏi như một hiệu quả phụ. Nhưng mục đích không phải là để chữa trị căn bệnh đặc biệt này. Bằng không anh sẽ chẳng được điều gì cả." Sự kiện này đã có một ảnh hưởng rất lớn trên tâm trí tôi.
 
HỎI: Qua kinh nghiệm của U Ba Khin và qua kinh nghiệm của cả hai ông bà (*) trong tư cách gia trưởng, ông bà có lời khuyên nào cho những ai đang sống trong xã hội để giúp họ sống cuộc đời họ một cách có ích nhất và sống hạnh phúc không?
(*) S.N. Goenka và vợ ông, Illaichidevi Goenka, 57 tuổi, đi theo ông khi ông giảng dạy.
 
SNG: Đó chính là mục đích của Thiền Quán. Với những người xuất gia thì chỉ có việc tụng niệm ngày đêm cho tới khi họ đạt tới mức độ có thể giúp ích cho người khác. Nhưng người gia trưởng sống tại gia thì cũng phải suy niệm và sử dụng việc suy niệm này trong đời sống hằng ngày, để chu toàn các trách nhiệm của mình đối với những người trong gia đình của họ, cộng đồng của họ, xã hội và đất nước của họ. Bằng cách đó họ giúp ích cho người khác. Khi những người gia trưởng thực hành Thiền Quán, họ không được làm chỉ vì lợi ích riêng mình mà còn phải vì lợi ích của những người khác nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 5934)
06 Tháng Mười Một 2017(Xem: 5993)
27 Tháng Chín 2017(Xem: 5045)
19 Tháng Chín 2017(Xem: 5269)