Sự Quan Trọng của Chánh Niệm

28 Tháng Mười Một 201708:54(Xem: 6388)

SỰ QUAN TRỌNG CỦA CHÁNH NIỆM
Hòa Thượng Sīlānanda | Tý Khưu Khánh Hỷ chuyển ngữ


blankTrong khóa thiền, hằng ngày, lúc vào trình pháp thiền sinh nói với tôi những kinh nghiệm mà họ đã đạt được. Kinh nghiệm đó phần lớn đáng khích lệ. Tôi rất hoan hỉ khi thấy các bạn đạt kết quả trong khi hành thiền.

Mặc dầu, tôi luôn luôn nói khi hành thiền đừng nghĩ đến kết quả, nhưng tôi vẫn nghĩ đến kết quả việc hành thiền của các bạn, hy vọng rằng các bạn sẽ đạt được những giây phút thanh tịnh, tĩnh lặng, và sẽ đạt được nhiều thành quả hơn trong việc thấy rõ vật chất và tâm, thấy rõ chân tướng của ngũ uẩn thủ, và ngày càng đến gần mục tiêu tối thượng.

Hòa thượng Mahasi có lần đã nói: "Giả sử bạn phải ghi nhận chánh niệm một triệu lần thì bạn sẽ giác ngộ. Nếu bây giờ bạn có thể ghi nhận được một ngàn lần thì có nghĩa là bạn đã rút ngắn được con đường đi đến giác ngộ được một ngàn lần ghi nhận".

Tôi hy vọng các bạn tiếp tục tinh tấn hành thiền và ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu giải thoát. Nhiều lần tôi nhắc nhở các bạn hãy hành thiền thường xuyên. Đừng hành thiền một vài lần thôi rồi bỏ mà phải hành thiền suốt đời. Tóm lại, các bạn phải hành thiền hằng ngày. Cũng như phải ăn và ngủ hằng ngày, bạn phải hành thiền mỗi ngày.

Nhiều người hỏi tôi rằng sau khóa thiền, họ phải thực hành như thế nào khi trở về nhà hay khi làm công việc hàng ngày?"

Khi ở đây các bạn phải hành thiền tích cực. Lúc ở nhà, các bạn khó có thể hành thiền tích cực như ở đây vì phải có nhiều công việc và bổn phận phải làm. Tôi thường xuyên khuyên nhủ và nói cho các bạn nghe rằng: Có hai mức độ hành thiền hàng ngày.

Một là tích cực hành thiền giống như các bạn đang hành thiền ở đây: cứ một giờ hành thiền lại một giờ kinh hành. Lúc nào cũng tích cực hành thiền. Những lúc có thì giờ rãnh rỗi, như trong các ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, bạn có thể tìm một nơi yên tĩnh, có thể là một căn phòng trống trong nhà, hành thiền tích cực như trong khóa thiền.

Hai là các bạn thực hành ít tích cực hơn: mỗi ngày một tiếng hay nửa tiếng. Đừng bao giờ nói câu "tôi thật bận rộn" hay "tôi không có thì giờ". Nếu bạn thật sự muốn hành thiền thì bạn sẽ tìm ra thì giờ. Bạn có thể bớt hay cắt giảm thì giờ xem truyền hình, chơi game, nghe nhạc, tán gẫu, gọi điện thoại v.v... Tôi nghĩ rằng một ngày bỏ ra nửa tiếng không phải là việc khó khăn, ngay cả một tiếng cũng không khó khăn lắm. Trong thời gian nửa tiếng đó, bạn hãy hành thiền tích cực như bạn thực hành ở đây. Những lúc khác, bạn có thể chánh niệm, nhưng ở tầng mức thấp hơn, có nghĩa là bạn không đi vào chi tiết trong các tác động hàng ngày mà bạn có thể chánh niệm những gì bạn đang làm trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn, trong khi bạn lái xe, bạn có thể chánh niệm vào việc lái. Bạn đừng đi vào chi tiết như xoay tay lái, đạp thắng v.v... Nếu bạn chú ý nhiều chi tiết trong khi lái xe thì bạn có thể húc vào xe người khác; bạn có thể chánh niệm vào việc lái xe một cách tổng quát như "đang lái, đang lái" hoặc "biết, biết, biết". Trong lúc nấu ăn, các bạn cũng có thể chánh niệm vào việc nấu ăn. Trong các xứ Tây Phương, tôi thấy đàn ông cũng nấu ăn. Khi bạn nấu ăn, bạn cũng chú ý việc nấu ăn một cách tổng quát, không cần chú ý đến chi tiết; hoặc khi chùi rửa, quét dọn bạn cũng chú tâm vào sự chùi rửa, quét dọn này.

Tóm lại, trong các công việc hàng ngày, bạn chú tâm nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Mặc dầu chú tâm vào việc làm hằng ngày, việc chánh niệm không được thâm sâu như bạn hành thiền tích cực, nhưng ít nhiều bạn cũng đạt được những lợi ích, những kết quả tốt đẹp. Nếu bạn chú tâm chánh niệm vào các tác động của mình thì công việc làm sẽ có kết quả và ít gặp khuyết điểm hơn. Bởi vậy, các bạn nên cố gắng chánh niệm vào các tác động hàng ngày.

Nếu các bạn chịu khó chánh niệm trong các tác động hàng ngày thì các bạn sẽ có thói quen tốt đẹp; đến lúc bạn có cơ hội để dự khóa thiền như ở đây hoặc khóa thiền dài hơn thì bạn có thể hội nhập một cách dễ dàng.

Những lúc có nhiều thì giờ hơn, hoặc bạn có thể dành thì giờ hằng năm tham dự nhiều khóa thiền dài hạn từ một tuần lễ hay dài hơn. Trong những khóa thiền dài hạn này, vào những ngày đầu bạn có thể gặp khó khăn như cảm thấy uể oải mệt mỏi, buồn ngủ, phóng tâm v.v... Đương nhiên trong những ngày đầu, vì chưa quen thực hành dài ngày nên bạn có thể gặp khó khăn, nhưng lần lần bạn sẽ chế ngự được những khó khăn này. Khó khăn rồi cũng sẽ trôi qua. Những ngày sau đó bạn sẽ hành thiền tốt đẹp. Nếu hàng ngày bạn có thực tập chánh niệm từ ba mươi phút đến một giờ, đồng thời bạn lại cố gắng chú tâm vào các tác động hàng ngày thì bạn sẽ có đà để tham dự các khóa thiền tích cực dài ngày.

Thực vậy, nếu bạn tinh tấn chánh niệm hàng ngày, bằng cách tích cực hành thiền trong ba mươi phút hay một giờ, và chánh niệm tổng quát vào mọi tác động hàng ngày thì bạn gặt hái nhiều điều tốt đẹp. Nhờ hành thiền, cuộc sống của bạn sẽ an toàn. Chẳng hạn như, ở các xứ Phương Tây, trong những ngày nghỉ lễ có rất nhiều tai nạn xe cộ và nhiều người chết. Tại sao có nhiều tai nạn? Bởi vì người lái xe không chánh niệm. Nếu người lái xe biết chánh niệm thì sẽ có rất ít tai nạn trừ trường hợp xe bị trục trặc kỹ thuật ngoài ý muốn. Thêm vào đó, một thiền sinh luôn luôn giữ giới luật trong sạch, ít nhất năm giới, trong đó có giới không uống rượu, thì thiền sinh đó sẽ lái xe an toàn hơn. Theo thống kê ở Mỹ thì rất nhiều tai nạn xe cộ do “người uống rượu lái xe” gây ra.

Chánh niệm giúp cho bạn nhiều lợi ích tốt đẹp. Mà chánh niệm thì đâu có tốn tiền. Cũng có thể nói rằng bạn phải trả tiền cho khóa thiền, nhưng thật ra đây không phải là tiền trả cho việc dạy dỗ, cho việc thực hành, mà là tiền các thiền sinh đóng góp với nhau để chi phí cho những phương tiện đã sử dụng tại đây. Như vậy, khi hành thiền bạn không tốn kém gì mà đạt được nhiều kết quả. Vì thế bạn phải cần chánh niệm. Chánh niệm trở thành cách sống của bạn. Chánh niệm phải được phối hợp với tất cả công việc của mình. Đức Phật là một người rất "thông minh". Thật ra, dùng chữ "thông minh" để nói về Đức Phật cũng chưa thích hợp. Bạn phải dùng chữ rất "trí tuệ" vì Ngài đã khám phá ra việc hành thiền và chỉ dạy lại cho chúng ta.

Chánh niệmgia tài của mọi người, chánh niệm quá đơn giản, quá phổ biến đến nỗi người ta không thấy được giá trị của chánh niệm, nhưng Đức Phật đã khám phá ra giá trị của chánh niệmban cho chúng ta phương pháp để sử dụng chánh niệm, đem lại lợi ích cho mọi người. Nhờ sử dụng chánh niệm chúng ta khám phá ra được bản chất thật sự của vật chất và tâm, có nghĩa là chúng ta khám phá ra được bí mật của vật chất và tâm. Nhờ sử dụng chánh niệm, chúng ta tạo được định tâm. Qua sự định tâm, chúng ta thấy rõ bản chất thật sự của sự vật, thấy rõ chúng giả tạm, không bền vững, không có cốt lõi, chẳng đáng để ta nắm giữ. Thấy rõ bản chất thật sự của sự vật để ý thức rõ ràng rằng chúng không đáng để chúng ta nắm giữ, đó là mục đích tối hậu của chúng ta, bởi vậy cần phải luôn luôn thực hành chánh niệm. Khi bạn rời khỏi trường thiền trở về nhà, xin đừng ngừng chánh niệm, xin đừng bỏ quên chánh niệm. Ở Hoa kỳ, các bạn thường nghe các Cơ Sở Tín Dụng quảng cáo nhắc nhở bạn: Đừng rời khỏi nhà mà không đem theo "Thẻ Tín Dụng”. Thiền Sinh như các bạn cũng phải thường xuyên nhắc nhở mình: "Hãy luôn luôn đem chánh niệm theo bên mình, dù ở nơi đâu, và bất kỳ lúc nào". Chánh niệm lúc nào cũng cần thiết và đem lại rất nhiều lợi ích.

Lời khuyên của tôi là: "Sau khi khóa thiền chấm dứt, các bạn đừng ngưng chánh niệm, hãy tiếp tục hành thiền và nuôi dưỡng chánh niệm để khi có cơ hội thì nắm ngay dịp may này để hành thiền một cách tích cực hơn".

Chúng ta có rất nhiều phước báu khi hiểu rõ giá trị của chánh niệmthực hành chánh niệm. Nếu Đức Phật không dạy chúng ta chánh niệm thì chúng ta đâu tìm ra được người dạy chúng ta. Chúng ta không tìm thấy sự thực tập chánh niệm trong bất kỳ tôn giáo nào.

Ngày nay có máy vi tính nên nhiều giáo lý của các tôn giáo, kể cả thánh kinh, được đưa vào đĩa mềm. Tôi tò mò tìm xem chữ chánh niệm có nằm trong những giáo lý đó không? Có nằm trong Thánh Kinh không? Nhưng không tìm thấy được chữ đó. Có những chữ tương đương với chữ Chánh Niệm, nhưng chỉ có nghĩa là hay biết; hiểu hay hiểu biết một việc gì đó chứ không phải chữ Chánh Niệmchúng ta thực hành.

Bởi vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng rất dễ để biết về chánh niệm, rất dễ để có cơ hội thực tập. Chỉ khi nào các bạn gặp được Phật hay sinh ra vào thời kỳgiáo lý của Phật, hoặc có giảng sư học trò của Đức Phật giảng giải, các bạn mới có thể học về chánh niệm, thực hành chánh niệm, hưởng kết quả của sự thực hành chánh niệm. Thật là một cơ hội hiếm hoi để thực tập chánh niệm.

Cuối cùng ai cũng phải chết, chúng ta không biết mình sẽ tái sinh vào nơi nào. Chúng ta biết có cơ hội khác nữa để thực hành chánh niệm không? Trong nhiều năm hay trong nhiều kiếp sống nữa có thể chúng ta không có cơ hội để thực hành chánh niệm, cho nên đây là lúc để chúng ta thực hành. Đừng chần chờ và nghĩ rằng các bạn sẽ thực hành chánh niệm khi các bạn được tái sinh vào cõi trời. Cuộc sống hiện tại là một cơ hội rất hiếm hoi để làm lợi ích cho chính mình và cho những người chung quanh.

Một số người cho rằng, các bạn ngồi thiền chỉ đem lại lợi ích cho chính bạn và như vậy là bạn quá ích kỷ. Hiểu như vậy vì người ta chưa biết rõ mục đíchhiệu năng của việc hành thiền. Thiền là hoàn thiện chính mình, nhưng cũng đồng thời phục vụ cho xã hội. Hành thiền, chúng ta trở thành người tốt, và làm người tốt chúng ta không gây trở ngại cho người khác, chúng ta không trở thành những tội phạm, gánh nặng của xã hội. Cho nên, đừng phí thì giờ, suy tư xem có ích kỷ hay không khi hành thiền. Hãy nỗ lực thực tập.

Bạn phải hoàn thiện trước khi giúp cho kẻ khác hoàn thiện. Bạn phải trở thành bác sĩ trước khi có thể chữa bệnh cho người khác. Đó là cách mà các bạn phải làm. Khi bạn có dịp may khó kiếm để giúp đỡ chính mình và kẻ khác thì đừng để cơ hội trôi qua. Đừng để mất cơ hội hiện tại thực hành Thiền Minh Sát. Hãy luôn luôn duy trì liên tục việc hành thiền trong suốt cuộc đời của bạn.

Cầu chúc cho tất cả các bạn sớm hoàn thành mục tiêu. Cầu chúc các bạn đạt được mục đích dễ dàng, và cầu mong các bạn có đầy đủ sức khoẻ, an vui, hạnh phúc.

Hòa Thượng Sīlānanda

(Hiểu Biết Trọn Vẹn)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn