Tắc 35 - Tắc 38

25 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 10765)

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 35

VĂN-THÙ TRƯỚC SAU BA BA

LỜI DẪN: Định rắn rồng, phân ngọc đá, rành trắng đen, quyết do dự, nếu chẳng phải trên đỉnh môn có mắt, trong tay có thần phù, thường thường đối đầu lầm qua. Chỉ như hiện nay thấy nghe chẳng lầm, thanh sắc thuần chân, hãy nói là đen hay trắng, là cong hay ngay, đến trong đây làm sao biện?

CÔNG ÁN: Văn-thù hỏi Vô Trước: Vừa rời chỗ nào? Vô Trước đáp: Phương nam. Văn-thù hỏi: Phương nam Phật pháp trụ trì thế nào? Vô Trước đáp: Thời mạt pháp, Tỳ-kheo ít giữ giới luật. Văn-thù hỏi: Chúng nhiều ít? Vô Trước đáp: Hoặc ba trăm hoặc năm trăm. Vô Trước hỏi Văn-thù: Ở đây trụ trì thế nào? Văn-thù đáp: Phàm Thánh đồng ở, rắn rồng lẫn lộn. Vô Trước hỏi: Chúng nhiều ít? Văn-thù đáp: Trước ba ba, sau ba ba.

GIẢI THÍCH: Vô Trước dạo Ngũ Đài Sơn, đến giữa đường chỗ hoang vắng, Văn-thù hóa một cái chùa tiếp Sư nghỉ. Văn-thù hỏi: Vừa rời chỗ nào? Vô Trước đáp: Phương nam. Văn-thù hỏi: Phương nam Phật pháp trụ trì thế nào? Vô Trước đáp: Thời mạt pháp, Tỳ-kheo ít giữ giới luật. Văn-thù hỏi: Chúng nhiều ít? Vô Trước đáp: Hoặc ba trăm hoặc năm trăm. Vô Trước hỏi Văn-thù: Ở đây trụ trì thế nào? Văn-thù đáp: Phàm Thánh đồng ở, rắn rồng lẫn lộn. Vô Trước hỏi: Chúng nhiều ít? Văn-thù đáp: Trước ba ba sau ba ba. Uống trà, Văn-thù đưa cái chung pha lê hỏi: Phương nam có cái này chăng? Vô Trước đáp: Không. Văn-thù hỏi: Bình thường lấy cái gì uống trà? Vô Trước câm họng, bèn từ giã ra đi, Văn-thù sai đồng tử Quân Đề tiễn ra cổng. Vô Trước hỏi Quân Đề: Vừa rồi nói trước ba ba sau ba ba là nhiều hay ít? Quân Đề gọi: Đại đức! Vô Trước ứng thanh: Dạ! Quân Đề hỏi: Nhiều hay ít? Vô Trước lại hỏi: Đây là chùa gì? Quân Đề chỉ mặt sau chùa Kim Cang. Vô Trước xoay đầu nhìn thì chùa hóa và đồng tử đều ẩn chẳng thấy, chỉ là hang trống. Chỗ kia sau này gọi là hang Kim Cang.

Có vị Tăng hỏi Phong Huyệt: Thế nào là chủ trong núi Thanh Lương? Phong Huyệt đáp: “Một câu chẳng rảnh Vô Trước hỏi, đến nay vẫn làm Tăng đồng quê.” Nếu cần tham được thấu đến chỗ bình bình thật thật, chân đạp đến chỗ đất thật, nhằm dưới lời nói của Vô Trước tiến được, tự nhiên ở trong chảo dầu lò lửa cũng chẳng nghe nóng, ở trên băng lạnh cũng chẳng nghe lạnh. Nếu cần tham được thấu, cao vót hiểm nguy như bảo kiếm Kim Cang Vương, nên nhằm dưới lời Văn-thù tiến được, tự nhiên nước rưới chẳng dính, gió thổi chẳng vào. Địa Tạng Quế Sâm ở Chương Châu hỏi Tăng: Vừa rời chỗ nào? Tăng thưa: Phương nam. Địa Tạng hỏi: Trong kia Phật pháp thế nào? Tăng thưa: Tranh cãi ồn náo. Địa Tạng nói: Đâu như ta ở đây, cấy lúa thổi cơm mà ăn. Hãy nói cùng chỗ đáp của Văn-thù là đồng hay khác? Có người nói: Chỗ đáp của Vô Trước chẳng phải, chỗ đáp của Văn-thù có rồng có rắn, có phàm có Thánh. Hiểu thế thì có gì giao thiệp. Lại biện rõ trước ba ba sau ba ba chăng? Mũi tên trước còn nhẹ, mũi sau rất sâu. Hãy nói là nhiều hay ít? Nếu nhằm trong ấy thấu được thì ngàn câu muôn câu chỉ là một câu. Nếu ngay dưới một câu chặt được đứt, nắm được đứng, chính lúc ấy đến được cảnh giới này.

TỤNG:

Thiên phong bàn khuất sắc như lam
Thùy vị Văn-thù thị đối đàm
Kham tiếu Thanh Lương đa thiểu chúng
Tiền tam tam dữ hậu tam tam.

DỊCH:

Vây quanh ngàn chót sắc dường chàm
Ai bảo Văn-thù với luận bàn
Cười ngất Thanh Lương chúng nhiều ít
Trước ba ba sau lại ba ba.

GIẢI TỤNG: Hai câu “vây quanh ngàn chót sắc dường chàm, ai bảo Văn-thù với luận bàn”, có người nói Tuyết Đậu chỉ niêm lại một lần, chưa từng tụng đến. Như Tăng hỏi Pháp Nhãn: Thế nào là một giọt nước nguồn Tào? Pháp Nhãn đáp: Là một giọt nước nguồn Tào. Lại có vị Tăng hỏi Hòa thượng Giác ở Lang Nha: Vốn sẵn thanh tịnh tại sao chợt sanh sơn hà đại địa? Giác đáp: Vốn sẵn thanh tịnh tại sao chợt sanh sơn hà đại địa. Đây cũng gọi là niêm lại một lần sao? Minh Chiêu hiệu Độc Nhãn Long có tụng, ý có cơ che trời che đất, tụng: “Khắp trùm sa giới thắng già-lam, đầy mắt Văn-thù với luận bàn, dưới cú chẳng hay mở Phật nhãn, xoay đầu chỉ thấy đảnh sơn lam.” Câu “khắp trùm sa giới thắng già-lam”, là chỉ chùa hóa ở hang cỏ, nên nói có cơ quyền thật song hành. Ba câu “đầy mắt Văn-thù với luận bàn, dưới cú chẳng hay mở Phật nhãn, xoay đầu chỉ thấy đảnh sơn lam”, chính khi ấy gọi là cảnh giới Văn-thù, Phổ Hiền, Quan Âm được chăng? Vả lại chẳng phải đạo lý này. Tuyết Đậu chỉ đổi cái dụng của Minh Chiêu, lại có thêm bớt. Như câu “vây quanh ngàn chót sắc dường chàm”, lại chẳng bị trầy tay xể chân, trong câu có quyền có thật, có lý có sự. Đến câu “ai bảo Văn-thù với luận bàn”, một đêm bàn luận mà không biết Văn-thù. Sau này, Vô Trước ở Ngũ Đài Sơn làm Điển tọa, mỗi khi Văn-thù hiện trên nồi cháo, bị Vô Trước cầm cây dầm quậy cháo đập. Tuy nhiên như thế, vẫn là giặc qua rồi mới trương cung. Chính khi hỏi “phương nam Phật pháp trụ trì thế nào”, nhằm thẳng xương sống mà đánh vẫn còn gần được đôi chút. Đến câu “cười ngất Thanh Lương chúng nhiều ít”, trong tiếng cười của Tuyết Đậu có dao, nếu hiểu được cái cười này, liền thấy được “trước ba ba sau lại ba ba”.

TẮC 36

TRƯỜNG SA CỎ THƠM HOA RỤNG

CÔNG ÁN: Một hôm Trường Sa đi dạo núi về đến cửa cổng, Thủ tọa hỏi: Hòa thượng đi đâu về? Trường Sa đáp: Đi dạo núi về. Thủ tọa hỏi: Đến chỗ nào đi về? Trường Sa đáp: Trước tùy cỏ thơm đến, sau theo hoa rụng về. Thủ tọa nói: Rất giống ý xuân. Trường Sa nói: Cũng hơn giọt sương thu trên hoa sen. (Tuyết Đậu trước ngữ: Tạ đáp thoại.)

GIẢI THÍCH: Đại sư Chiêu Hiền ở Lộc Uyển Trường Sa kế thừa Nam Tuyền, cùng Triệu Châu, Tử Hồ đồng bạn. Sư cơ phong nhanh nhẹn, có người hỏi kinh lấy kinh đáp, cần tụng dùng tụng đáp. Nếu ông cần tác gia thấy nhau thì dùng tác gia thấy nhau. Ngưỡng Sơn bình thường cơ phong thật là bậc nhất, một hôm cùng Trường Sa xem trăng, Ngưỡng Sơn chỉ mặt trăng nói: Mỗi người trọn có cái này, chỉ vì dùng chẳng được. Trường Sa bảo: Được rồi, ta dùng thay cho ông. Ngưỡng Sơn nói: Sư thúc dùng xem. Trường Sa cho một đạp té nhào. Ngưỡng Sơn đứng dậy nói: Sư thúc giống như con cọp. Người sau gọi là Sầm con cọp. Một hôm nhân đi dạo núi về, Thủ tọa cũng là người trong hội của Sư, hỏi: Hòa thượng đi đâu về? Trường Sa đáp: Đi dạo núi về. Thủ tọa hỏi: Đến chỗ nào đi về? Trường Sa đáp: Trước tùy cỏ thơm đến, sau theo hoa rụng về. Phải là người ngồi đoạn mười phương mới được. Cổ nhân ra vào chưa từng chẳng lấy việc này làm niệm. Xem kia chủ khách lẫn xoay, đương cơ chặt thẳng, mỗi bên chẳng dung. Đã là đi dạo núi, tại sao hỏi đến chỗ nào đi về? Nếu là Thiền tăng thời nay, liền đáp đến đình Giáp Sơn về. Thấy rõ cổ nhân không có mảy may đạo lý so sánh, cũng không có chỗ trụ trước, vì thế nói “trước tùy có thơm đến, sau theo hoa rụng về”. Thủ tọa thể theo ý kia nói: Rất giống ý xuân. Trường Sa bảo: Cũng hơn giọt sương thu trên hoa sen. Tuyết Đậu nói: Tạ đáp thoại. Đó là thế cho lời rốt sau, cũng rơi vào hai bên, mà cứu kính chẳng ở hai bên. Thuở xưa có Tú tài Trương Chuyết xem kinh Thiên Phật Danh, hỏi Trường Sa: Trăm ngàn chư Phật chỉ nghe danh, chưa biết ở quốc độ nào, lại có giáo hóa hay không? Trường Sa đáp: Lầu Hoàng Hạc sau khi Thôi Hạo đề thi, Tú tài từng đề hay chưa? Chuyết đáp: Chưa từng đề. Trường Sa bảo: Được rảnh đề lấy một thiên cũng tốt. Con cọp Sầm bình sanh vì người thường là châu hồi ngọc chuyển, cần người đối diện liền hội.

TỤNG:

Đại địa tuyệt tiêm ai
Hà nhân nhãn bất khai
Thủy tùy phương thảo khứ
Hựu trục lạc hoa hồi
Luy hạc kiều hàn mộc
Cuồng viên khiếu cổ đài
Trường Sa vô hạn ý.

Đốt!

DỊCH:

Đại địa không mảy bụi
Người nào mắt chẳng khai
Trước tùy cỏ thơm đến
Sau theo hoa rụng về
Hạc gầy đậu cây lạnh
Vượn cuồng kêu cổ đài
Trường Sa ý vô hạn.

Đốt!

GIẢI TỤNG: Hãy nói công án này cùng “Ngưỡng Sơn hỏi Tăng vừa rời chỗ nào đến, Tăng thưa Lô Sơn đến, Ngưỡng Sơn hỏi từng đến Ngũ Lão Phong chăng, Tăng thưa chẳng từng đến, Ngưỡng Sơn nói Xà-lê chưa từng dạo núi”, biện trắng đen xem là đồng là khác? Đến trong đây phải là bộ máy hỏng, ý thức mất, núi sông đất liền cỏ cây người súc không còn ít phần rỉ chảy. Nếu chẳng như thế, cổ nhân gọi đó vẫn còn ở trong cảnh giới thắng diệu. Vân Môn nói: “Dù được sơn hà đại địa không còn một mảy may lỗi lầm vẫn là ‘chuyển cú’, chẳng thấy tất cả sắc mới là ‘bán đề’, lại phải biết có cơ hội ‘toàn đề’, then chốt hướng thượng mới biết ngồi an.” Nếu thấu được như trước núi là núi, nước là nước, mỗi cái ở bản vị của nó, mỗi cái bày hiện bản thể, như cái vỗ của người mù. Triệu Châu nói: “Gà gáy sớm, tỉnh dậy buồn thày còn trần trụi, chiếc quần đùi áo lót vẫn không, hình tướng ca-sa chút ít có. Quần không trôn, khố chẳng miệng, trên đầu tro xanh năm ba đấu, vốn vì tu hành lợi tế người, ai biết trở thành kẻ vô dụng.” Nếu được chân thật đến cảnh giới này thì “người nào mắt chẳng mở”. Dù cho bảy điên tám đảo, tất cả chỗ đều là cảnh giới này, đều là thời tiết này, muời phương bầu trời rỗng, bốn mặt cửa cũng không. Vì thế nói “trước tùy cỏ thơm đến, sau theo hoa rụng về”. Tuyết Đậu thật là khéo léo, chỉ đến bên phải dán một câu, bên trái dán một câu, liền thành bài thi , “hạc gầy đậu cây lạnh, vượn cuồng kêu cổ đài”. Tuyết Đậu dẫn đến đây tự biết ló đuôi, bèn nói “Trường Sa ý vô hạn, đốt”, như đang mộng chợt tỉnh. Tuyết Đậu tuy hạ một tiếng hét cũng chưa được gột sạch. Nếu là Sơn tăng thì chẳng vậy, “Trường Sa ý vô hạn, đào đất lại chôn sâu”.

TẮC 37

BÀN SƠN TAM GIỚI KHÔNG PHÁP

LỜI DẪN: Cơ điện chớp luống nhọc suy tư, tiếng sét trên không bịt tai nào kịp, trên đầu cắm cờ đỏ, sau lỗ tai hươi hai kiếm, nếu không phải mắt nhanh tay lẹ làm sao chụp được. Có một loại cúi đầu suy nghĩ, dưới ý căn so lường, đâu biết trước đầu lâu thấy quỉ vô số. Hãy nói chẳng rơi vào ý căn, chẳng ôm được mất, chợt có nhắc biết thế ấy làm sao đáp được, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Bàn Sơn dạy rằng: Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm?

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Bảo Tích ở Bàn Sơn phía bắc U Châu, là bậc tôn túc dưới Mã Tổ, sau xuất phát một Phổ Hóa. Sư sắp tịch bảo chúng: Có người tả được hình ta chăng? Chúng đều vẽ hình trình Sư, Sư đều quở đó. Phổ Hóa ra nói: Con tả được. Sư bảo: Sao chẳng trình cho Lão tăng? Phổ Hóa liền nhào lộn một cái rồi đi ra. Sư bảo: Gã này về sau như kẻ điên tiếp người. Một hôm, Sư dạy chúng: “Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm, tứ đại vốn không, Phật nương đâu ở, ngọc tuyền chẳng động, dừng lặng không tỳ, nhìn mặt trình nhau, lại không việc khác.” Tuyết Đậu niêm ra hai câu tụng, hẳn là lẫn lộn vàng ngọc. Chẳng thấy nói: Bệnh rét cách ngày, chẳng nhờ thuốc lô đà. Sơn tăng vì sao nói theo tiếng liền đánh, chỉ vì kia mang gông đi cáo. Người xưa nói: Nghe tiếng khen ngoài câu, chớ nhằm trong ý tìm. Hãy nói kia ý thế nào, liền được chạy nhanh vượt chóng, điện xẹt sao băng. Nếu nghĩ nghị suy lường, dù có ngàn Phật ra đời mò tìm y chẳng được. Nếu là vào sâu trong khuôn vức, tột xương tột tủy, thấy được thấu thì Bàn Sơn một trường thất bại. Nếu nương lời hiểu tông, xoay mặt xoay trái thì Bàn Sơn chỉ được một cây cọc. Nếu là dính bùn kẹt nước, xoay quanh trong khối thanh sắc thì chưa mộng thấy Bàn Sơn. Ngũ Tổ tiên sư nói: Thấu qua bên kia mới có phần tự do. Đâu chẳng thấy Tam Tổ nói: “Chấp đó thất độ, ắt vào tà lộ, buông đi tự nhiên, thể không đi đứng.” Nếu nhằm trong ấy nói không Phật không pháp lại là chun vào hang quỉ. Cổ nhân gọi đó là hầm sâu giải thoát, vốn là nhân lành mà chuốc quả dữ. Vì thế nói người vô vi vô sự vẫn mắc cái nạn khóa vàng. Phải là tột cùng đáo để mới được. Nếu nhằm chỗ vô ngôn mà nói được, chỗ hành chẳng được mà hành được, gọi đó là chỗ chuyển thân. Câu “tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm”, nếu ông khởi tình giải thì chết chìm ở dưới lời nói kia. Chỗ thấy của Tuyết Đậu phủng bảy thấu tám, cho nên tụng ra:

TỤNG:

Tam giới vô pháp
Hà xứ cầu tâm
Bạch vân vi cái
Lưu tuyền tác cầm
Nhất khúc lưỡng khúc vô nhân hội
Vũ quá dạ đường thu thủy thâm.

DỊCH:

Tam giới không pháp
Chỗ nào tìm tâm
Mây trắng làm lọng
Dòng suối khảy đàn
Một bản hai bản không người hiểu
Mưa xuống hồ đêm nước thu sâu.

GIẢI TỤNG: Câu “tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm”, Tuyết Đậu tụng ra giống như cảnh giới Hoa Nghiêm. Có người nói Tuyết Đậu trong không xướng ra. Nếu là người mi mắt mở ra, trọn chẳng hiểu thế ấy. Tuyết Đậu đến bên cạnh kia dán hai câu “mây trắng làm lọng, dòng suối khảy đàn”. Tô Đông Pha tham kiến Chiếu Giác có làm tụng: “Tiếng khe chính thật lưỡi dài rộng, màu núi quả là thân sạch trong, đêm về tám vạn bốn ngàn kệ, hôm khác làm sao nói với người.” Tuyết Đậu mượn dòng suối làm chiếc lưỡi dài. Vì thế nói “một bản hai bản không người hiểu”. Hòa thượng Kiền ở Cửu Phong nói: “Lại biết được mạng chăng? - Dòng suối là mạng, lặng lẽ là thân, ngàn sóng đua dậy là gia phong Văn-thù, một sáng trời trong là cảnh giới Phổ Hiền.” “Dòng suối khảy đàn, một bản hai bản không người hiểu”, khúc điệu này phải là tri âm mới hiểu. Nếu chẳng phải người kia thì luống nhọc nghiêng tai. Cổ nhân nói: Người điếc xướng khúc nhạc nhà Hồ, hay dở thấp cao thảy chẳng nghe. Vân Môn nói: “Nhắc chẳng đoái, liền sai lẫn, toan nghĩ suy, kiếp nào ngộ.” Nhắc là thể, đoái là dụng, trước khi chưa nhắc điềm trước chưa phân mà thấy được là ngồi đoạn yếu tân. Nếu điềm trước vừa phân mà thấy được liền có chiếu dụng. Nếu sau khi điềm trước phân rồi mà thấy được là rơi tại ý căn. Tuyết Đậu từ bi quá lắm, lại nói với ông “mưa xuống hồ đêm nước thu sâu”. Bài tụng này đã có nhiều người bàn luận khen, Tuyết Đậu có tài hàn lâm. Câu “mưa xuống hồ đêm nước thu sâu”, phải để mắt nhìn nhanh, nếu chậm chạp nghi ngờ thì thảo luận không ra.

TẮC 38

PHONG HUYỆT TỔ SƯ TÂM ẤN

LỜI DẪN: Nếu luận Tiệm, trái thường hợp đạo, trong ồn náo bảy dọc tám ngang. Nếu luận Đốn chẳng để dấu vết, ngàn Thánh dò tìm cũng chẳng được. Nếu như chẳng lập Đốn Tiệm lại làm sao? Người hay một lời, ngựa hay một roi, chính khi ấy ai là tác giả, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Phong Huyệt ở Nha Môn tại Vĩnh Châu, thượng đường nói: Tâm ấn của Tổ sư như máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá, chỉ như chẳng đi chẳng đứng ấn tức phải, chẳng ấn tức phải? Khi ấy có Trưởng lão Lô Pha ra chúng hỏi: Tôi có máy trâu sắt thỉnh Thầy chẳng để tay ấn? Phong Huyệt nói: Quen câu kình nghê thả cự tẩm, lại than con ếch nhảy cát bùn. Lô Pha dừng lại tư lự. Phong Huyệt nạt: Trưởng lão sao không nói lên? Lô Pha suy nghĩ. Phong Huyệt đánh một phất tử, nói: Lại nhớ được thoại đầu chăng, thử cử xem? Lô Pha toan mở miệng. Phong Huyệt lại đánh một phất tử. Mục Chủ nói: Pháp Phật cùng pháp Vua một loại. Phong Huyệt hỏi: Thấy đạo lý gì? Mục Chủ nói: Đáng đoạn chẳng đoạn, trở lại chuốc loạn. Phong Huyệt liền xuống tòa.

GIẢI THÍCH: Phong Huyệt là hàng tôn túc trong tông Lâm Tế. Lâm Tế buổi đầu trong hội Hoàng Bá đi trồng tùng. Hoàng Bá hỏi: Trong núi sâu trồng tùng nhiều thế để làm gì? Lâm Tế thưa: Một vì Sơn môn làm cảnh, hai vì người sau làm tiêu bảng. Nói xong liền cuốc đất một cái. Hoàng Bá bảo: Tuy nhiên như thế, con đã ăn hai mươi gậy rồi. Lâm Tế lại đập dưới đất một cái, miệng hư hư. Hoàng Bá bảo: Tông ta đến ngươi hưng thạnh ở đời. Qui Sơn Hiệt nói: “Lâm Tế thế ấy giống như đất bằng trợt té. Tuy nhiên như thế, gặp nguy chẳng đổi mới là chân trượng phu. Hoàng Bá bảo tông ta đến ngươi hưng thạnh ở đời, giống như thương con chẳng biết hôi.” Sau Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: Hoàng Bá đương thời chỉ phó chúc cho một mình Lâm Tế hay lại còn ai? Ngưỡng Sơn thưa: Còn, chỉ vì niên đại dài lâu chẳng dám thưa trước với Hòa thượng. Qui Sơn bảo: Tuy nhiên như thế, ta cũng cần biết, hãy nói xem? Ngưỡng Sơn thưa: “Một người chỉ Nam Ngô Việt khiến đi, gặp Đại Phong liền dừng.” Đây là lời sấm chỉ Phong Huyệt vậy. Phong Huyệt ban đầu tham kiến Tuyết Phong năm năm, nhân thưa hỏi câu chuyện “Lâm Tế vào nhà, hai vị Thủ tọa nhà Đông nhà Tây đồng thời hét, có vị Tăng hỏi Lâm Tế lại có chủ khách chăng, Lâm Tế nói chủ khách rõ ràng”, Phong Huyệt nói: Chưa biết ý chỉ thế nào? Tuyết Phong bảo: “Tôi trước cùng Nham Đầu, Khâm Sơn đi yết kiến Lâm Tế, đến giữa đường nghe tin đã tịch. Nếu cần hiểu câu chủ khách của Lâm Tế, phải đến tham kiến hàng tôn túc của tông phái ấy.” Phong Huyệt lại đến yết kiến Thụy Nham. Thụy Nham thường tự gọi: Ông chủ nhân! Tự đáp: Dạ! Lại bảo: Tỉnh tỉnh lấy, sau kia chớ để người lừa. Phong Huyệt nói: Tự đề lên, tự giải lấy có gì là khó. Sau ở Lộc Môn Tương Châu cùng Thị giả Khoách qua hạ, Khoách chỉ Sư đến Nam Viện. Phong Huyệt thưa: Vào cửa cần rành chủ, rõ ràng thỉnh thầy phân. Một hôm gặp Nam Viện Sư kể chuyện trước nói: Con chỉ đến thân cận. Nam Viện bảo: Tuyết Phong cổ Phật. Một hôm, Sư yết kiến Cảnh Thanh. Cảnh Thanh hỏi: Vừa rời chỗ nào? Sư thưa: Tự rời đông đến. Cảnh Thanh hỏi: Lại qua sông nhỏ chăng? Sư thưa: Thuyền to vượt ngoài khơi, sông nhỏ không thể chở. Cảnh Thanh bảo: Sông gương núi vẽ, chim bay chẳng qua, ngươi chớ trộm lấy lời cao. Sư thưa: Mênh mông còn khiếp thế mông luân, Liệt Hán buồm bay quá Ngũ Hồ. Cảnh Thanh dựng cây phất tử hỏi: Làm gì được cái này? Sư hỏi: Cái này là gì? Cảnh Thanh bảo: Quả nhiên chẳng biết. Sư thưa: Ra vào co duỗi cùng thầy đồng dụng. Cảnh Thanh bảo: Chuôi gáo nghe tiếng rỗng, ngủ mê mặc nói sàm. Sư thưa: Đầm rộng chứa núi, lý hay dẹp cọp. Cảnh Thanh bảo: Tha tội thứ lỗi, phải ra đi mau. Sư thưa: Ra là mất. Liền đi ra đến pháp đường, tự nghĩ đại trượng phu công án chưa xong há lại chịu thôi, Sư liền trở vào phương trượng thấy Cảnh Thanh ngồi, thưa: Vừa rồi con trình kiến giải có xâm phạm đến tôn nhan, cúi mong Hòa thượng từ bi tha cho những lỗi lầm. Cảnh Thanh hỏi: Vừa rồi từ đông lại, há chẳng phải Thúy Nham lại? Sư thưa: Tuyết Đậu thân nương Bảo Cái đông. Cảnh Thanh bảo: Chẳng tìm dê mất cuồng giải dứt, lại đến trong này đọc tập thơ. Sư thưa: Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm, chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ. Cảnh Thanh bảo: Thơ mau đậy lại, tạm mượn kiếm xem? Sư thưa: Chặt đầu thợ gốm mang kiếm đi. Cảnh Thanh bảo: Chẳng những xúc chạm phong hóa, cũng tự bày lầm lẫn. Sư thưa: Nếu chẳng xúc chạm phong hóa đâu rõ được tâm cổ Phật. Cảnh Thanh hỏi: Sao gọi là tâm cổ Phật? Sư thưa: Tái hứa ưng cho, nay thầy đâu có. Cảnh Thanh bảo: Thiền tăng đông đến, đậu bắp chẳng phân. Sư thưa: Chỉ nghe chẳng lấy mà lấy, đâu được đè lấy mà lấy. Cảnh Thanh bảo: Sóng lớn dấy ngàn tầm, mòi yên chẳng rời nước. Sư thưa: Một câu bặt dòng, muôn cơ lặng nghĩ. Sư liền lễ bái. Cảnh Thanh lấy phất tử điểm ba điểm, nói: Hay thay! Hãy ngồi uống trà.

Sau Sư đến chùa Lộc Môn ở Nhượng Châu cùng Thị giả Khoách qua một mùa hạ. Thị giả Khoách chỉ Sư đi tham kiến Nam Viện. Sư ban đầu đến Nam Viện vào cửa chẳng lễ bái. Nam Viện bảo: Vào cửa cần biện chủ. Sư thưa: Quả nhiên mời Thầy phân. Nam Viện lấy tay trái vỗ đầu gối một cái, Sư hét. Nam Viện lấy tay mặt vỗ đầu gối một cái, Sư cũng hét. Nam Viện đưa tay trái lên nói: Cái này tức từ Xà-lê. Lại đưa tay mặt lên, nói: Cái này lại là sao? Sư đáp: Mù! Nam Viện liền chỉ cây gậy. Sư hỏi: Làm gì? Con đoạt cây gậy đập Hòa thượng, chớ bảo không nói. Nam Viện liền ném cây gậy, nói: Ngày nay bị gã Chiết mặt vàng cướp lấy rồi. Sư thưa: Hòa thượng giống như người mang bát không được, dối nói chẳng đói. Nam Viện hỏi: Xà-lê đã từng đến đây chăng? Sư thưa: Là lời gì? Nam Viện bảo: Khéo khéo hỏi lấy. Sư thưa: Cũng chẳng được bỏ qua. Nam Viện bảo: Hãy ngồi uống trà. Các ông xem, dòng anh tuấn tự cơ phong cao vót. Nam Viện cũng chưa biện được chỗ Sư. Hôm khác, Nam Viện chỉ hỏi bình thường: Hạ này ở chỗ nào? Sư thưa: Ở Lộc Môn cùng Thị giả Khoách đồng qua hạ. Nam Viện bảo: Vốn là thân kiến tác gia đến. Lại hỏi: Kia nói với ông cái gì? Sư thưa: Trước sau chỉ dạy con một bề làm chủ. Nam Viện liền đánh đuổi ra khỏi phương trượng, nói: Kẻ này là loại thua trận có dùng làm gì? Từ đây Sư chấp nhận ở trong hội Nam Viện làm Tri viên. Một hôm, Nam Viện vào trong vườn hỏi: Phương Nam một gậy làm sao thương lượng? Sư thưa: Khởi kỳ đặc thương lượng, lại hỏi: Ở đây Hòa thượng làm sao thương lượng? Nam Viện cầm gậy lên, nói: Dưới gậy vô sanh nhẫn, lâm cơ chẳng nhượng thầy. Khi ấy Sư hoát nhiên đại ngộ.

Bấy giờ nhằm thời Ngũ Đại ly loạn, Mục chủ Vĩnh Châu thỉnh Sư nhập hạ tại Vĩnh Châu. Chính là lúc một tông Lâm Tế rất thịnh hành. Sư phàm có vấn đáp chỉ dạy, câu lời thốt ra hay khéo dường tán hoa rải gấm, chữ chữ đều có chỗ rơi. Một hôm, Mục chủ thỉnh Sư thượng đường, Sư bảo chúng: “Tâm ấn Tổ sư như máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá. Chỉ như chẳng đi chẳng đứng ấn là phải, chẳng ấn là phải?” Vì sao chẳng giống máy người đá ngựa gỗ, lại giống máy trâu sắt? Không có chỗ cho ông tác động, ông vừa đi liền ấn đứng, ông vừa đứng liền ấn phá, khiến ông nát trăm mảnh. Chỉ như chẳng đi chẳng đứng ấn là phải, chẳng ấn là phải? Xem Sư dạy thế ấy, đáng gọi là lưỡi câu có mồi. Khi ấy dưới tòa có Trưởng lão Lô Pha cũng là hàng tôn túc trong tông Lâm Tế, dám bước ra cùng Sư đối đáp, chuyển thoại đầu của Sư đặt một câu hỏi rất kỳ đặc. Hỏi: Tôi có máy trâu sắt, thỉnh Thầy chẳng để tay ấn? Đâu ngờ Phong Huyệt là hàng tác gia, liền đáp: “Quen câu kình nghê lặng sông lớn, lại than con ếch nhảy cát bùn.” Đây là trong lời nói có âm vang. Vân Môn nói: “Thả câu bốn bể chỉ câu rồng to, cách ngoại huyền cơ vì tìm tri kỷ.” Sông lớn phải mười hai con trâu làm mồi móc câu, lại chỉ câu được một con ếch. Lời này vẫn không huyền diệu, cũng không đạo lý suy xét. Cổ nhân nói: Nếu nhằm trên sự xem thì dễ, nếu nhằm dưới ý căn suy xét thì không giao thiệp. Lô Pha dừng lại tư lự, thấy đó chẳng lấy, ngàn năm khó gặp, đáng tiếc thay! Vì thế nói: Dù cho giảng được ngàn kinh luận, một phen lâm cơ khó buông lời. Kỳ thật Lô Pha cần lựa lời hay đáp Sư, chẳng muốn hành lệnh, bị Sư một bề dùng cơ phong giựt cờ cướp trống, một mặt ép tướng chạy, chỉ được không làm gì. Ngạn ngữ nói: “Trận thua chẳng cấm bị chổi quét.” Buổi đầu cần tìm thương pháp chống với người, đợi ông tìm được thì đầu rơi xuống đất. Mục chủ cũng đã tham vấn Phong Huyệt lâu rồi, nên hiểu nói: Pháp Phật cùng pháp Vua một loại. Sư hỏi: Ông thấy gì? Mục chủ thưa: Đáng đoạn chẳng đoạn, trở lại chuốc loạn. Phong Huyệt chỉ là một khối tinh thần, giống hệt trái bầu tròn trên mặt nước, đẩy qua liền xoay, chạm đến liền động, khéo tùy cơ thuyết pháp. Nếu chẳng tùy cơ trở thành vọng ngữ. Sư liền xuống tòa. Tông Lâm Tế có bốn câu chủ khách, người tham học cần phải chín chắn. Như chủ khách gặp nhau có luận bàn chủ khách qua lại, hoặc ứng vật hiện hình toàn thể tác dụng, hoặc nắm cơ quyền cười giận, hoặc hiện nửa thân, hoặc cỡi sư tử, hoặc cỡi voi chúa. Như có người học chân chánh đến liền hét, trước đưa ra một chậu keo, Thiện tri thức không biết là cảnh, liền trên cảnh ấy làm hình làm thức. Người học lại hét, Thiện tri thức chẳng chịu buông. Đây là bệnh nhập cao hoang không kham trị chữa, gọi là Khách Xem Chủ. Hoặc Thiện tri thức chẳng đưa ra vật, tùy chỗ hỏi của người học liền đoạt. Người học bị đoạt đến chết chẳng buông. Đây là Chủ Xem Khách. Hoặc người học hiện ra một cảnh thanh tịnh đưa trước Thiện tri thức, Thiện tri thức biết được là cảnh, nắm nó ném xuống hầm. Người học nói: Thiện tri thức rất hay. Thiện tri thức đáp: Dốt thay! Chẳng biết tốt xấu. Người học lễ bái. Đây là Chủ Xem Chủ. Hoặc có người học mang gông đeo cùm ra trước Thiện tri thức, Thiện tri thức lại vì y cho thêm một lớp gông cùm. Người học vui vẻ, kia đây đều không biết. Đây là Khách Xem Khách.

Chư Đại đức! Sơn tăng cử ra vì biện ma, rõ cảnh lạ, biết tà chánh. Như Tăng hỏi Từ Minh: Khi một hét phân chủ khách, chiếu dụng đồng thời hành là thế nào? Từ Minh liền hét. Lại Thiền sư Hoằng Giác ở Vân Cư dạy chúng: Thí như sư tử chụp voi cũng dùng toàn lực, chụp thỏ cũng dùng toàn lực. Có vị Tăng ra hỏi: Chưa biết toàn lực gì? Giác đáp: Lực chẳng dối. Xem Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Cầm đắc Lô Pha khoa thiết ngưu
Tam huyền khoa giáp vị khinh thù
Sở vương thành bạn triều tông thủy
Hát hạ tằng linh khước đảo lưu.

DỊCH:

Bắt được Lô Pha trâu sắt khoe
Tam huyền binh khí vẫn chưa dùng
Bên thành vua Sở nhằm đông chảy
Một hét từng làm đảo ngược dòng.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu biết Phong Huyệt có loại tông phong này, nên tụng “bắt được Lô Pha trâu sắt khoe, tam huyền binh khí vẫn chưa dùng”. Tông Lâm Tế có tam huyền tam yếu. Phàm trong một câu phải đủ tam huyền, trong một huyền phải đủ tam yếu. Tăng hỏi Lâm Tế: Thế nào là câu thứ nhất? Lâm Tế đáp: Tam yếu ẩn khai điểm son hẹp, chưa cho nghĩ nghị chủ khách phân. Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ hai? Lâm Tế đáp: Diệu biện há cho Vô Trước hỏi, bọt hợp nào phụ cơ bặt dòng. Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ ba? Lâm Tế đáp: Chỉ xem nhà hát đùa người máy, rút dây đều bởi người núp trong. Phong Huyệt trong một câu đầy đủ binh khí tam huyền, bảy việc tùy thân chẳng khinh suất đáp người. Nếu chẳng như thế làm gì được Lô Pha. Phần dưới, Tuyết Đậu cần đề ra cơ phong của tông Lâm Tế, chớ nói là Lô Pha, giả sử bên thành vua Sở sóng dậy ầm ầm, nước nổi ngập trời, trọn chảy về phương Đông, chỉ cần một tiếng hét, cũng phải chảy ngược lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn