Tắc 99 - Tắc 100

25 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 11634)

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 99

TRUNG QUỐC SƯ MƯỜI THÂN ĐIỀU NGỰ

LỜI DẪN: Rồng ngâm mù khởi, cọp rống gió sanh, tòng đạo xuất thế, vàng ngọc chạm nhau, tác lược của bậc thông phương như hai mũi tên chọi nhau, khắp cõi chưa từng ẩn, xa gần đồng bày, xưa nay biện rõ. Hãy nói là cảnh giới người nào, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Vua Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung: Thế nào là mười thân Điều Ngự? Quốc sư đáp: Thí chủ đạp trên đảnh Tỳ-lô đi. Vua nói: Quả nhân chẳng hội. Quốc sư nói: Chớ lầm nhận Pháp thân thanh tịnh chính mình.

GIẢI THÍCH: Vua Túc Tông khi còn ở vị Thái tử đã tham vấn Quốc sư Huệ Trung. Sau lên ngôi vua, lại càng cung kính, Quốc sư ra vào đích thân Vua đỡ lên xe. Một hôm, Vua đặt câu hỏi này ra hỏi Quốc sư: Thế nào là mười thân Điều Ngự? Quốc sư đáp: Thí chủ đạp trên đảnh Tỳ-lô đi. Bình thường Quốc sư xương sống cứng như sắt, đến khi ở trước mặt Đế vương giống hệt bùn lầy. Tuy nhiên đáp được tầm thường lại có chỗ hay. Sư nói, ông cần hội được, thí chủ phải nhằm trên đảnh Tỳ-lô mà đi mới được. Vua lại chẳng tiến, nói: Quả nhân không hội. Phần sau, Quốc sư quá mức lê thê rơi trong cỏ, lại rót một câu trên đầu nói: Chớ lầm nhận Pháp thân thanh tịnh chính mình. Nên nói người người đầy đủ, mỗi mỗi viên thành. Xem Sư một phóng một thâu, tám mặt thọ địch. Đâu chẳng nghe người khéo làm thầy hợp cơ nói giáo, xem gió thả buồm. Nếu chỉ tránh giữ một góc đâu hay hồi hỗ. Xem lão Hoàng Bá đặc tài tiếp người, gặp được Lâm Tế ba phen ban cho sáu mươi gậy, Lâm Tế ngay đó liền hội. Đến khi gặp Tướng quốc Bùi Hưu thì sắn bìm quá nhiều. Đây há chẳng phải khéo làm thầy người. Quốc sư Huệ Trung dùng phương tiện khéo léo tiếp vua Túc Tông, bởi vì Sư có thủ đoạn tám mặt thọ địch. Mười thân Điều Ngự là mười thứ thân tha thọ dụng. Ba thân: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân tức là Pháp thân. Cớ sao? Vì Báo và Hóa không phải Phật thật, cũng chẳng nói pháp. Pháp thân là một mảnh rỗng lặng linh minh tịch chiếu. Thượng tọa Phù ở Thái Nguyên, khi trụ ở chùa Quang Hiếu Dương Châu giảng kinh Niết-bàn, có một du Tăng tức là Điển tọa ở Giáp Sơn, vì trở tuyết tạm trú trong chùa, nhân đó đến nghe giảng. Khi giảng đến ba nhân Phật tánh, ba đức Pháp thân, nói rộng về diệu lý của Pháp thân, Điển tọa bỗng nhiên phát cười. Thượng tọa Phù xem thấy, giảng xong sai Thị giả mời Thiền sư đến hỏi: Tôi trí ý kém cỏi, y văn giải nghĩa, trong khi đang giảng thấy Thượng tọa cười, có chỗ thiếu sót xin Thượng nhân vì chỉ dạy. Điển tọa nói: Tọa chủ chẳng hỏi thì không dám nói. Tọa chủ đã hỏi thì không thể chẳng nói, thật tôi cười Tọa chủ chẳng biết Pháp thân. Thượng tọa Phù hỏi: Giải nói như thế, chỗ nào chẳng phải? Điển tọa nói: Mời Tọa chủ nói lại một lần. Thượng tọa Phù nói: Lý Pháp thân ví như hư không, dọc cùng tam tế ngang khắp mười phương, đầy dẫy bát cực, bao trùm nhị nghi, tùy duyên đến cảm ứng đâu chẳng khắp giáp. Điển tọa nói: Chẳng nói Tọa chủ giảng chẳng phải, chỉ biết việc bên lượng của Pháp thân, thật chưa biết Pháp thân. Phù nói: Đã hẳn như thế, Thiền giả nên vì tôi nói. Điển tọa nói: Nếu như thế, Tọa chủ nghỉ giảng một tuần lễ, ở trong tịnh thất ngồi ngay lặng nghĩ, thâu tâm nhiếp niệm, các duyên thiện ác một lúc buông hết, tự nghiên cứu tột xem. Phù y như lời dạy, từ đầu hôm đến canh năm, nghe tiếng trống bỗng nhiên khế ngộ, liền chạy đến gõ cửa Thiền giả. Điển tọa hỏi: Ai đó? Phù nói: Tôi. Điển tọa quở: Bảo ông truyền thừa đại giáo thay Phật nói pháp, giữa đêm vì sao say rượu nằm ngoài đường? Phù nói: Từ trước giảng kinh, đã vặn tréo cái lỗ mũi của cha mẹ sanh rồi, từ nay về sau lại chẳng dám như thế. Xem kia là hạng kỳ đặc, đâu chỉ nhận cái chiêu chiêu linh linh, rơi ở trước lừa sau ngựa, phải là đả phá nghiệp thức không còn một mảy tơ khá được cũng chỉ được phân nửa. Người xưa nói: “Chẳng khởi mảy may tâm tu học, trong quang vô tướng thường tự tại.” Chỉ biết cái thường tịch diệt, chớ nhận thanh sắc, chỉ biết cái linh tri, chớ nhận vọng tưởng. Vì thế nói: “Giả sử vòng sắt trên đầu xoay, định tuệ sáng tròn trọn chẳng mất.” Đạt-ma hỏi Nhị Tổ: Ông đứng ngoài tuyết, chặt tay chính vì việc gì? Nhị Tổ thưa: Tâm con chưa an, xin Thầy an tâm. Đạt-ma bảo: Đem tâm ra vì ông an. Nhị Tổ thưa: Tìm tâm trọn không thể được. Đạt-ma nói: Vì ông an tâm rồi. Nhị Tổ bỗng nhiên lãnh ngộ. Hãy nói chính khi ấy Pháp thân ở chỗ nào? Trường Sa nói: “Bởi người học đạo chẳng biết chân, chỉ tại từ xưa nhận thức thần, vô lượng kiếp rồi gốc sanh tử, kẻ si cho đó người xưa nay.” Như người hiện nay chỉ nhận được cái chiêu chiêu linh linh, liền nhìn sững trợn tròng, đùa tinh hồn, có gì giao thiệp. Đến như Quốc sư bảo: “chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình”, Pháp thân của chính mình ông còn chưa mộng thấy, lại nói gì chớ nhận. Các nhà kinh luận cho Pháp thân thanh tịnh là tột cùng, tại sao lại chẳng bảo người nhận? Đâu chẳng nghe nói: “Nhận được như xưa lại chẳng phải. Dốt! Đáng ăn gậy.” Hiểu được ý này, mới hiểu Quốc sư nói: “Chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình.” Tuyết Đậu không thích tâm lão bà tha thiết của Quốc sư, đâu ngờ trong bùn lại có gai. Há chẳng thấy Hòa thượng Động Sơn tiếp người có ba con đường: huyền lộ, điểu đạo, xòe tay. Người sơ cơ học đạo nhằm ba con đường này đi. Có vị Tăng hỏi: Bình thường Thầy dạy học nhân đi điểu đạo, chưa biết thế nào là điểu đạo? Động Sơn đáp: Chẳng gặp một người. Tăng hỏi: Làm sao đi? Động Sơn đáp: Cần phải dưới chân vô tư đi. Tăng hỏi: Đi điểu đạo có phải là Bản lai diện mục chăng? Động Sơn đáp: Xà-lê tại sao điên đảo? Tăng hỏi: Chỗ nào là chỗ con điên đảo? Động Sơn đáp: Nếu không điên đảo tại sao nhận tớ làm bạn? Tăng hỏi: Thế nào là Bản lai diện mục? Động Sơn đáp: Chẳng đi đường chim. Cần phải thấy đến loại điền địa này, mới có ít phần tương ưng. Thẳng đó hạ thủ công phu, dạy lấp dấu ẩn tiếng, vẫn là kiến giải đồng hạnh Sa-di ở trong nhà thiền. Cần phải quay đầu trở lại trong trần lao, dấy khởi muôn ngàn đại dụng mới được. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Nhất quốc chi Sư diệc cưỡng danh
Nam Dương độc hứa chấn gia thanh
Đại Đường phù đắc chân Thiên tử
Tằng đạp Tỳ-lô đảnh thượng hành
Thiết chùy kích toái hoàng kim cốt
Thiên địa chi giang cánh hà vật
Tam thiên sát hải dạ trầm trầm
Bất tri thùy nhập thương long quật.

DỊCH:

Một nước làm thầy cũng gượng kêu
Nam Dương riêng nhận tiếng vang nêu
Đại Đường phò được nhà vua tốt
Từng đạp Tỳ-lô trên đảnh đi
Chùy sắt đập tan xương vàng mảnh
Trong khoảng đất trời nào có vật
Ba ngàn sát hải đêm lặng chìm
Chẳng biết ai vào hang rồng dữ.

GIẢI TỤNG: Hai câu “một nước làm thầy cũng gượng kêu, Nam Dương riêng nhận tiếng vang nêu”, câu tụng này giống hệt lời tán chân dung. Đâu chẳng nghe “chí nhân không danh”, gọi là Quốc sư cũng gượng an danh rồi. Đạo của Quốc sư không thể so sánh, khéo tài tiếp người thế ấy, riêng nhận Nam Dương là hàng tác gia. Hai câu “Đại Đường phò được nhà vua tốt, từng đạp Tỳ-lô trên đảnh đi”, nếu là Thiền tăng đủ mắt sáng, phải nhằm trên đảnh Tỳ-lô mà đi, mới thấy được mười thân Điều Ngự. Phật gọi là Điều Ngự, là một trong mười hiệu. Một thân hóa mười thân, mười thân hóa trăm thân, cho đến ngàn trăm ức thân chủ yếu chỉ là một thân. Câu tụng này cũng dễ nói. Mấy câu tụng sau, Quốc sư nói: “chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình”, tụng được nước rưới chẳng dính, hẳn là khó mở miệng. “Chùy sắt đập tan xương vàng mảnh”, đây tụng chớ nhận Pháp thân thanh tịnh của chính mình. Tuyết Đậu rất mực tán thán kia, một mảnh xương vàng một chùy đập nát rồi vậy. “Trong khoảng trời đất nào có vật.” Hẳn phải lột trần bày lồ lộ, không có một vật khá được, mới là bản địa phong quang. Giống như “ba ngàn sát hải đêm lặng chìm”, tam thiên đại thiên thế giới ở trong biển Hương Thủy, có vô biên cõi, mỗi cõi có một biển, chính khi đêm lặng canh khuya, trời đất đồng thời chìm lặng. Hãy nói ấy là gì? Tối kỵ khởi hiểu bụm mặt nhắm mắt. Nếu hiểu thế ấy chính là rơi vào biển độc. “Chẳng biết ai vào hang rồng dữ”, duỗi chân hay co chân. Hãy nói là ai? Lỗ mũi của quí vị một lúc bị Tuyết Đậu xỏ rồi vậy.

TẮC 100

BA LĂNG KIẾM THỔI LÔNG

LỜI DẪN: Thâu nhân kết quả tột thủy tột chung, đối mặt vô tư vốn chẳng từng nói. Chợt có người ra nói: Một hạ thỉnh mời, tại sao chẳng từng nói? Đợi ông ngộ rồi vì ông nói. Hãy nói là ngay mặt tránh né? Hay là riêng có chỗ hay? Thử cử xem? 

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Ba Lăng: Thế nào là kiếm thổi lông? Ba Lăng đáp: Cành cành san-hô chỏi đến trăng.

GIẢI THÍCH: Ba Lăng chẳng khởi chiến tranh, bốn biển năm hồ bao nhiêu người lưỡi rơi xuống đất? Vân Môn tiếp người đúng như thế. Sư là đích tử của Vân Môn nên mỗi cái đều có đủ tác lược. Thế nên nói: “Tôi mến Thiều Dương máy mới định, một đời vì người nhổ đinh tháo chốt.” Lời thoại này chính là chỗ thế ấy. Ở trong một câu tự nhiên đủ ba câu: che đậy càn khôn, cắt đứt các dòng, theo mòi đuổi sóng. Lời đáp quả thật kỳ đặc. Viễn Lục công ở Phù Sơn nói: Người chưa thấu tham câu chẳng bằng tham ý, người thấu được tham ý chẳng bằng tham câu. Dưới Vân Môn có ba vị tôn túc, câu hỏi “kiếm thổi lông” đều đáp bằng chữ “Liễu”. Chỉ riêng Ba Lăng đáp hơn một chữ “Liễu”, đây là được câu vậy. Hãy nói chữ “Liễu” cùng “cành cành san-hô chỏi đến trăng” là đồng là khác? Trước nói ba câu có thể biện một mũi tên thấu trên không. Cần hiểu thoại này, phải là tình trần ý tưởng hết sạch mới thấy. Sư nói: “Cành cành san-hô chỏi đến trăng.” Nếu khởi đạo lý càng thấy dò tìm chẳng đến. Câu này là trích trong thơ Nhớ Bạn của Thiền Nguyệt: “Dày như sắt trên núi Thiết Vi, mỏng như tơ áo tiên Song Thành, máy Thục Phụng Sồ kiễng chân dẫm, cành cành san-hô chỏi đến trăng. Kho nhà Vương Khải giấu khó đào. Nhan Hồi kẻ đói buồn trời tuyết, thông xưa ngọn thẳng sấm gãy nào, thạch nữ áo tuyết bàn đào vắng, đeo vào Long cung bước chầm chậm, rèm thêu chiếu bạc nào khác nhau. Chẳng biết Ly Long mất châu báu, biết chẳng biết.” Ba Lăng ở trong đó rút ra một câu để đáp “kiếm thổi lông” thật là thích. Trên lưỡi kiếm bén lấy lông thổi qua để thử nó, sợi lông tự đứt là kiếm bén, gọi là kiếm thổi lông. Ba Lăng chỉ theo chỗ kia hỏi, liền đáp lời ông Tăng này, đầu rơi cũng chẳng biết.

TỤNG:

Yếu bình bất bình
Đại xảo nhược chuyết
Hoặc chỉ hoặc chưởng
Ỷ Thiên chiếu tuyết.
Đại trị hề ma lung bất hạ
Lương công hề phất thức vị kiệt.
Biệt biệt
San-hô chi chi chưởng trước nguyệt.

DỊCH:

Cần bình chẳng bình
Quá khéo như vụng
Hoặc chỉ hoặc chưởng
Ỷ Thiên soi tuyết.
Đại trị chừ giũa mài chẳng được
Thợ giỏi chừ chùi quét chưa xong.
Khác khác
Cành cành san-hô chỏi đến trăng.

GIẢI TỤNG: Hai câu “cần bình chẳng bình, quá khéo như vụng”, xưa có một hiệp khách đi đường thấy việc bất bình, dùng mạnh hiếp yếu, liền phi kiếm lấy đầu kẻ mạnh. Sở dĩ nhà Tông sư mi mắt ẩn bảo kiếm, trong tay áo giấu chùy vàng để dứt việc bất bình. Quá khéo như vụng, chỗ đáp của Ba Lăng cốt bình việc bất bình. Song lời của Sư quá khéo trở thành như vụng. Vì sao? Vì Sư không đối diện hươi kiếm, lại ẩn chỗ vắng lén chặt đầu người mà người không hay. Hai câu “hoặc chỉ hoặc chưởng, Ỷ Thiên soi tuyết”, hiểu được như kiếm dài Ỷ Thiên thần uy lẫm lẫm. Cổ nhân nói: “Tâm nguyệt riêng tròn, sáng trùm vạn tượng, sáng không chiếu cảnh, cảnh cũng chẳng còn, sáng cảnh đều quên, lại là vật gì?” Kiếm báu này hoặc hiện trên ngón tay, chợt hiện trong bàn tay. Ngày xưa Tạng chủ Khánh nói đến đây, đưa tay lên nói: “Lại thấy chăng?” Không hẳn ở trên ngón tay vậy. Tuyết Đậu mượn đường đi qua, dạy cho ông thấy ý cổ nhân. Nên nói: Tất cả chỗ thảy là kiếm thổi lông vậy. Vì thế nói: “Ba cấp sóng cao cá hóa rồng, người si vẫn múc nước sông Đường.” Tổ Đình Sự Uyển chép truyện Hiếu Tử rằng: “Phu nhân của vua Sở thường mùa hạ đi hóng gió đứng tựa cây trụ sắt, cảm thọ thai, sau sanh một khối sắt. Vua Sở sai Can Tương luyện làm kiếm, ba năm mới thành hai cây kiếm, một Thư một Hùng. Can Tương thầm lưu cây Hùng, đem cây Thư dâng lên vua Sở, vua Sở để trong giáp, thường nghe tiếng kêu buồn. Vua hỏi quần thần, thần tâu: Kiếm có Thư và Hùng, kêu buồn là nhớ Hùng vậy. Vua nổi giận bắt Can Tương giết đi. Can Tương biết sẽ ứng điều này, lấy cây kiếm giấu trong cây cột trong nhà, dặn vợ là Mạc Da rằng: Mặt trời mọc cửa Bắc, cây tùng ở núi Nam, tùng sanh nơi đá, kiếm ở giữa đó. Sau vợ ông sanh con trai tên Mi Gian Xích, được mười lăm tuổi hỏi mẹ: Cha ở đâu? Mẹ thuật lại việc trước. Nó suy nghĩ lâu, chẻ cây cột được kiếm, ngày đêm muốn vì cha trả thù. Vua Sở cũng ra lệnh tìm kiếm nó, lệnh rằng ai bắt được Mi Gian Xích sẽ hậu thưởng. Mi Gian Xích trốn đi, chợt có người khách hỏi: Con có phải Mi Gian Xích chăng? Xích đáp: Phải. Khách bảo: Ta là Chân Sơn Nhân có thể vì con trả thù cha con. Xích thưa: Cha tôi xưa bất hạnh bị giết oan, nay ông thương xót có cần điều gì? Khách bảo: Phải được đầu của con và cây kiếm. Xích bèn dâng kiếm và đầu. Khách được rồi, đến dâng vua Sở. Vua Sở rất vui mừng. Khách tâu: Xin nấu dầu chưng nó. Vua bèn để trong đảnh. Khách nói dối Vua rằng: Đầu nó chẳng tan. Vua đến gần xem. Khách ở sau dùng kiếm chặt đầu Vua rơi trong đảnh. Hai cái đầu cắn lộn nhau. Khách sợ Mi Gian Xích không thắng, liền tự cắt đầu bỏ vào giúp nó. Ba cái đầu cắn nhau, từ từ tan hết. Tuyết Đậu nói “cây kiếm này hay tựa trời soi tuyết”. Bình thường nói “trường kiếm Ỷ Thiên sáng hay soi tuyết”, chỗ dùng này thẳng được, “đại trị chừ giũa mài chẳng được”, dù là thợ giỏi chùi quét cũng chưa xong. Thợ giỏi tức là Can Tương ấy vậy, việc xưa đã rõ. Tuyết Đậu tụng xong, rốt sau bày ra nói “khác, khác”, cũng thật kỳ đặc, riêng có chỗ hay cùng với kiếm tầm thường chẳng đồng. Hãy nói thế nào là chỗ khác? “Cành cành san-hô chỏi đến trăng”, đáng gọi là suốt trước tột sau, đứng riêng trong hoàn vũ, không có ai sánh bằng. Cứu kính thế nào? Các ông đầu rơi vậy. Lão tăng lại có tiểu kệ:

Vạn hộc doanh chu tín thủ noa
Khước nhân nhất liệp úng thôn xà
Niên đề bách chuyển cựu công án
Tát khước thời nhân kỷ nhãn sa.

DỊCH:

Thuyền đầy muôn hộc dễ dàng kéo
Lại nhân một hạt ghè đựng rắn
Nêu lên trăm chuyển công án xưa
Ném cát thời nhân bao mắt đầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 10259)
Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy.
25 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11102)
"BÂY GIỜ ĐẠI THIỀN SƯ đã nhập diệt, chúng ta chỉ còn lại những câu chuyện. Và, may mắn thay, cuốn sách này là hiện thân như ngài còn sống, cho những ai chưa từng có cơ hội gặp được ngài. Qua các trang sách này, nếu bạn lưu tâm suy gẫm và để cho chúng thấm sâu vào tâm hồn bạn, bạn sẽ thực sự thấy ngài trong lời khai thị mà mình không thể bắt chước được và có lẽ quan trọng hơn nhiều, đó là niềm mong mỏi của ngài, bạn sẽ gặp lại chính mình."
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14392)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5938)
Người học Phật, trước tiên cần thấy tính. Thấy tính, không phải là nói về cái có thể nhìn thấy. Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy. Cho nên, nhìn thấy "cái thấy không thể thấy" thì chân tính sẽ hiện ra. Bản tính của cái thấy là vô sinh, nên "cái thấy sinh nẩy" là không có. Cũng không có sự thực hữu của tính, mà cái thấy chân thực thì không thay đổi, cho nên mới nói: thấy tính một cách chân thực.
01 Tháng Mười 2014(Xem: 13325)
Phương pháp của Thiền là cắt đứt con đường nói năng và dập tắt khung trời khái niệm trong đó ý thức cứ tiếp tục tư duy và đi tìm kiếm những ý niệm để cố gắng tìm hiểu thực tại (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Ngôn ngữ đạo đoạn là cắt đứt con đường ngôn ngữ. Tâm hành xứ diệt nghĩa là dập tắt vùng trời của sự suy tư bằng khái niệm, đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có-không, sanh-diệt,…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15432)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 9091)
Từ khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua trung quốc truyền tâm ấn đạo lý giác ngộ theo truyền thuyết thì sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền cho vị đệ tử kế thừa là ngài Thần Quang Huệ Khả bộ kinh Lăng-già tâm ấn. Nhưng phải chờ đến hơn ba trăm năm sau và qua sáu vị Tổ thì đạo giác ngộ mới nở hoa kết trái. Tuy nhiên hạt giống của Tổ Bồ-đề-đạt-ma gieo trên đất Trung Hoa là kinh Lăng-già nhưng nở hoa kết trái lại là kinh Kim cang. Tại sao lại có sừ sai biệt như vậy, dù rằng cả hai bộ kinh đều do Như Lai Thế Tôn thuyết giảng.
27 Tháng Chín 2014(Xem: 13383)
Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyệt vời. Tôi có nhiều cơ duyên với ngài... ngay cả từ thời rất là thơ trẻ, khi còn ở trong nước và khi chỉ mới đọc các bài báo sơ sài về ngài. Đất nước Tây Tạng và vị lãnh đạo này là một thế giới kỳ bí, không chỉ vì xa xôi cách biệt nhưng cũng vì niềm tin của dân tộc này rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
22 Tháng Chín 2014(Xem: 11847)
Quyển Lâm Tế Ngữ Lục song ngữ này được soạn thảo cho lớp Phật pháp tiếng Anh và cho giới trẻ người Việt học Phật. Đây là một phần việc trong chương trình giới thiệu những bản dịch hiện nay về văn bản Thiền cổ điển.
16 Tháng Chín 2014(Xem: 8798)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà.