Iii. Kệ Kiến Tánh Đoạn 8

25 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 6390)

KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT
Biên Soạn: Thiền Sư Chân Nguyên
Dịch Giải: Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. PL. 2544 – DL. 2000

B. GIẢNG GIẢI

III- KỆ KIẾN TÁNH (Đoạn 8)

Nghĩa Niết-bàn tức là Pháp tánh của chư Phật, chẳng sanh chẳng diệt, nên nói Niết-bàn không đi không đến, gọi là Pháp thân Như Lai thường trụ, trong suốt rỗng lặng, không dấu vết, không tạo tác, không uống ăn, không tóc da.

Ngài Chân Nguyên nói trắng ra hết, không giấu giếm gì cả. Nói Niết-bàn là Pháp tánh của chư Phật, Niết-bàn không đến đi gọi là Pháp thân Như Lai thường trụ không dấu vết, không tạo tác, không ăn uống, không tóc da v.v... Nghe nói không ăn uống, không tóc da, có người sẽ nghĩ rằng tu chứng được Pháp thân chắc buồn lắm, chắc hết ăn hết mặc. Vì sắc thân có hình tướng thì ăn ngon mặc đẹp, còn Pháp thân không hình tướng, không tóc da, không miệng lưỡi lấy gì ăn mặc ? Vậy theo quan niệm thế gian chứng được Pháp thân thì buồn lắm. Nhưng chúng ta phải xét lại, tất cả những thứ chúng ta đang thụ hưởng là thật hay tạm bợ ? Như ăn ngon, lúc mới ăn thì có cảm giác thơm ngon, nhưng khi trả nó ra thì thúi rùm ai cũng muốn lánh xa, như vậy có ngon thật, có giá trị thật không ? Thân này cũng thế, bây giờ còn trẻ thì tóc xanh da mướt, đến khi già nua thì tóc bạc da nhăn, đâu còn đẹp đẽ gì ! Như vậy, cái thân có tóc có da hiện giờ của chúng ta hưởng thụ đủ mọi thứ sung sướng là tạm bợ không thật, nếu chúng ta sống được với Pháp thân mà ở đây ngài Chân Nguyên nói không ăn uống, không tóc da, nhưng trùm khắp và ứng hiện diệu dụng không lường thì quí giá vô cùng mà chúng ta lại quên.

Thân Như Lai tức là Pháp thân, rỗng lặng, linh thông, chân không tự tại, chẳng phải từ máu thịt, xương tủy làm thành. Nên biết, Phật tánh tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, chân không diệu hữu, không sanh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, ba đời đều bình đẳng, một thể rỗng rang, suốt tột xưa nay, vẫn hằng như vậy. Vì thế gọi đó là thường trụ chẳng đổi.

Thân Như Lai là thể thanh tịnh không tướng mạo, nên không phải do máu thịt xương tủy làm thành, không do vật chất làm thành nên rỗng lặng linh thông, chân không tự tại. Ngài nói thế, mới nghe qua chúng ta thấy quá lạ lùng, nhưng lại là sự thật. Tôi dẫn chuyện thực tế cho dễ hiểu, khi tâm chúng ta dấy niệm lăng xăng thì lúc đó cảm thấy căng đầu khó chịu, vậy lúc đó khổ hay vui ? Còn những khi tâm thanh tịnh trong sáng, không có một niệm dấy động thì thảnh thơi nhẹ nhàng, lúc đó vui hay khổ ? - Khi tâm thanh tịnh thì rỗng rang nhẹ nhàng, khi tâm rối rắm thì căng đầu khó chịu, đó là hai hiện tượng trái ngược nhau của Pháp thân và Hóa thân. Pháp thân thì do tâm thanh tịnh, thể nhập với cái thể trong sáng, cho nên thảnh thơi an lạc. Còn Hóa thân thì do nghiệp tạo thành, mà niệm lăng xăng là gốc tạo nghiệp của Hóa thân hay thân sanh diệt. Cho nên nhìn nội tâm mình thì biết rõ lúc nào khổ lúc nào an lạc, rất thực tế chớ không phải chuyện tưởng tượng xa xôi. Vậy thì niệm khởi lăng xăng là cái nhân tạo nghiệp để thọ thân đi trong sanh tử khổ đau. Tất cả niệm lăng xăng lóng lặng, chỉ còn cái biết thanh tịnh trong sáng hiện tiền, đó là cái nhân thể hiện Niết-bàn an lạc. Chúng ta nhìn cái nhân thì biết ngay cái quả, hay nhìn cái quả biết ngay cái nhân. Cho nên nhìn gương mặt người nào vui tươi thoải mái thì chúng ta biết đó là cái quả của cái nhân thanh tịnh an lạc ở nội tâm. Vì vậy nên nói khi chứng được Pháp thân thì được an lạc tự tại không còn đau khổ nữa.

Đến đây Ngài nói thể chân thật đó là chân không mà diệu hữu, chân không là chân thật rỗng lặng, diệu hữu là có những diệu dụng nhiệm mầu, hay nói khác đi cái thể rỗng lặng mà tùy duyên ứng hiện ra tất cả, thể rỗng lặng thì không có những niệm sanh diệt gọi là chân không, diệu dụng nhiệm mầu ứng hiện tất cả gọi là diệu hữu. Cái thể đó không kẹt trong vòng đối đãi, ba đời bình đẳng, suốt tột xưa nay, hằng như vậy, nên nói là thường trụ chẳng đổi, Người đạt đến chỗ này mới thật sự giải thoát.

Chân thân của Như Lai vốn không sắc tướng, tùy thuận chúng sanh mà thị hiện sắc tướng. Pháp thân Như Lai vốn không có Niết-bàn, tùy thuận chúng sanh mà thị hiện Niết-bàn. Việc ứng duyên đã xong thì bỏ thân hoa đốm trong không, như con ve lột xác, như con rắn lột da, quay về căn mệnh, trở lại cội nguồn, lặng lẽ không tiếng tăm, mé chân thật trong trẻo tròn đầy, rành rành soi khắp, đối ngay trước mắt, ẩn hiện cùng bày, sắc không chẳng hai.

Ngài nói chân thân Phật vốn không có sắc tướng, mà Phật thị hiện sắc tướng để làm lợi ích cho chúng sanh, Pháp thân Phật thì không có Niết-bàn mà Phật thị hiện tám mươi tuổi nhập Niết-bàn. Đoạn này ngài Chân Nguyên đưa ra hai hình ảnh hơi khó hiểu. Nói rằng: Việc ứng duyên đã xong thì bỏ thân hoa đốm trong hư không, như con ve lột xác, như con rắn lột da. Nghĩa là việc ứng duyên của đức Phật đã xong, Ngài xả bỏ Ứng Hóa thân nhập Niết-bàn, tức là trở về với cái thể chân thật. Giống như các lượn sóng lặng xuống trở thành một với mặt biển thênh thang, ở đây Ngài ví dụ như con ve lột xác, như con rắn lột da nghe hơi khó hiểu. Vì con ve lột xác thì nó đổi qua hình tướng khác, con rắn lột da này rồi có da kia, vẫn còn mang sắc tướng tạm bợ, chớ không trở về thể chân thật. Chỗ này có thể nói Phật bỏ Ứng thân như bỏ những lượn sóng trên mặt biển để trở về mặt biển thênh thang yên lặng, sóng lặng thì mặt biển yên, mặt biển yên thì không hai, mà sóng nổi dậy thì nhiều. Sóng dụ cho Ứng Hóa thân, mặt biển dụ cho Pháp thân, nếu nói như con ve con rắn thì hơi kẹt. Bỏ Ứng thân thì trở về căn mệnh tức là cội nguồn của sự sống, tức là nguồn gốc chân thật của chính mình. Tới chỗ này thì ẩn hiện không hai, sắc không không hai, vượt tất cả sự đối đãi.

Do vì quần sanh ở mười phương thế giới, trên trời dưới đất, hình loại đều khác, ngôn ngữ chẳng đồng mà Như Lai đại bi dùng thần lực hóa thân, tùy loại thị hiện, tùy hình tướng, tùy ngôn ngữ, tùy âm thanh của chúng, mở rộng phương tiện để thuyết pháp giáo hóa, khiến cho họ sáng tỏ bản tánh, mỗi loài đều được giải thoát.

 Đoạn này nói rằng sở dĩ đức Phật thị hiện ra đời, đi tu thành Phật, thuyết pháp độ sanh là vì lòng đại bi Ngài hóa hiện, tùy loài chúng sanh mà độ, chủ yếu để họ nhận ra bản tâm bản tánh của mình. Ý này trong kinh Pháp Hoa cũng có nói: Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Đó là mục đích chung của tất cả chư Phật.

Thật là thân Như Lai thì trong suốt rỗng lặng. Nên nói, chẳng thấy có không tức thấy chân thân Phật. Đối với chân thân Phật thì trọn chẳng thể được. Chỉ cái tin tức ấy, ba đời chư Phật nói chẳng kịp, nhiều đời Tổ sư truyền chẳng đến. Đã nói chẳng kịp, lại truyền chẳng đến, thì Thích Ca, Di Lặc cũng là tên suông. Thích Ca, Di Lặc đã là tên suông, gọi cái gì là chủ ? Gọi cái gì là khách ? Gọi cái gì là tông ? Gọi cái gì là chỉ ? Gọi cái gì là sanh tử ? Gọi cái gì là Niết-bàn ? Gọi cái gì là xưa ? Gọi cái gì là nay ? Đã không sanh lại không diệt, trước không xưa, sau không nay, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, trong trẻo rỗng lặng, tròn đồng với thái hư, thân vốn là Phật, vẫn hằng như vậy.

Thân Như Lai thì trong suốt rỗng lặng, nên nói chẳng thấy có không thì chân thân Phật hiện tiền. Chúng ta tu nếu không khởi niệm chấp có chấp không, chấp phải chấp quấy, chấp hơn chấp thua thì ông Phật thật nơi mình hiện ra. Nếu chúng ta nhìn người khởi niệm phân biệt hơn thua, phải quấy, có không thì Phật thật nơi mình ẩn mất, chừng nào lặng hết những niệm phân biệt đó thì Phật hiện. Tu Thiền là gì ? Là lặng tâm phân biệt đối đãi để Phật chân thật nơi mình hiện. Đó là gốc của sự tu. Đoạn này nói nghe hơi khó hiểu. Nói rằng: Nên nói chẳng thấy có không tức thấy chân thân Phật. Nói như vậy thì cái nhà chúng ta thấy có, khoảng hư không trống chúng ta thấy không. Bây giờ chúng ta không muốn thấy có thấy không nhắm mắt lại là thấy chân thân Phật phải không ? - Thấy tối mịt chớ không thấy chân thân Phật đâu ! Đây nói chẳng thấy có không là chẳng chấp có chẳng chấp không, chấp cái này là thật có chấp cái kia là thật không; chấp có chấp không là đại diện cho tất cả cái chấp hai bên. Khi xưa Huệ Minh nói với Lục Tổ là ông đến để cầu pháp chớ không phải cầu y bát. Lục Tổ hỏi: "Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng toạ Minh ?". Ngay đó Huệ Minh ngộ. Không nghĩ thiện không nghĩ ác là không khởi niệm thấy có thấy không chớ gì ? Ngay đó bản lai diện mục hay chân thân Phật của Thượng tọa Minh hiện tiền. Dễ như trở bàn tay ! Song, nếu tìm kiếm thì khó trăm phần, trèo non lội biển tìm cũng không ra. Dễ thì dễ như trở bàn tay, chỉ đừng mắc kẹt hai bên có không, thiện ác thì chân thân Phật hiện sờ sờ. Vậy chúng ta có chịu buông cái chấp có chấp không không ? Vì không chịu buông nên than tu khó quá ! Chuyện này là chuyện trong khả năng của mình, mình làm được. Thử hỏi chấp có chấp không nghĩ thiện nghĩ ác là ai chấp ai nghĩ ? - Mình chấp mình nghĩ. Bây giờ mình có quyền dừng, không chấp không nghĩ nữa, tại sao không chịu làm lại than khó ? Xét kỹ coi Phật dạy làm việc này có vượt ngoài sức mình không ? Cái gì ngoài sức mình, mình vói không tới mới khó, việc làm trong khả năng trong quyền hạn của mình thì đâu có khó. Thế nên nói tu thành Phật dễ như trở bàn tay. Phật dạy làm như thế là thành Phật mà không chịu làm, vậy mà đòi thành Phật !

Tất cả những thú vui của thiên hạ đều nằm trong đối đãi hơn thua được mất, nó rất hấp dẫn làm cho con người thích thú say mê. Như người thích bóng đá là theo dõi đội nào ăn đội nào thua, say mê đến quên ăn bỏ ngủ. Nếu không thích hơn thua là ăn ngủ bình thường, vì đó chỉ là trò chơi, ăn hay thua rồi cũng vậy thôi đâu có gì quan trọng. Tại đặt hơn thua là quan trọng nên mới khổ, người thua đã khổ, mà người hơn cũng khổ, còn người theo dõi hơn thua cũng khổ lây. Ở đời có lắm người tự trói mình vào những chuyện hơn thua vô lý. Như đi đường gặp hai người đánh lộn, đứng lại xem coi ai hơn ai thua, chắc chắn là một người hơn một người thua, người thua đã khổ, người hơn có sướng gì ? Đánh lộn thì kẻ u đầu người sứt trán, có ai tránh khỏi họa khổ. Thế mà hơn thua làm cho người trong cuộc và người ngoài cuộc đều thích thú. Phật dạy chúng ta xả bỏ hơn thua thì được an ổn thảnh thơi. Như vậy chỉ cần bỏ hai niệm hơn thua đối đãi thì chân thân Phật hiện tiền. Thế mà chúng ta không chịu bỏ, không dính bên này cũng kẹt bên kia, nên làm phàm phu mãi, lỗi đó tại ai ? Tại mình biết mà không chịu bỏ. Việc mình làm được mà không chịu làm là do mình. Do đó tôi bắt mỗi đêm phải sám hối cho hết lỗi.

Ở đây ngài Chân Nguyên nói Phật Thích Ca, Phật Di Lặc chỉ là giả danh của thân ứng hóa, còn Pháp thân thì tự nó không có tên. Pháp thân chư Phật với Pháp thân của chúng sanh thì đồng một thể trong sáng hằng giác tri, chỉ khác là chúng sanh mê thì quên, giác thì nhớ là Phật. Còn tên Phật Thích Ca hay Phật Di Lặc là tên khác của cái thể. Cái thể không khác thì ai chủ, ai khách, cái gì là sanh tử cái gì là Niết-bàn ? Nó không bị thời gian chi phối thì đâu có trước sau xưa nay.

Thân Phật như vậy, thân ta cũng như vậy, ngay khi độ chúng sanh mà dứt trừ tưởng độ, xoay lại tâm vô vi hướng đến đường Niết-bàn, bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có, một tánh tròn sáng, còn mãi với trời đất, bản tánh trong lặng, ngang bằng với Phật, rốt ráo viên dung, đồng vào một thể.

Phật có cái thể chân thật, chúng ta cũng có cái thể chân thật, Phật thành Phật là Ngài ngộ được cái thể chân thật nơi Ngài, chúng ta thì chưa ngộ. Nếu chúng ta ngộ được thể chân thật nơi chúng ta thì sẽ ngang bằng với Phật, không khác không hơn không kém. Phật là bậc Vô thượng Giác; Vô thượng là không trên, nhưng ai ngộ tới đó thì cũng bằng Ngài, chớ không phải Ngài là tối thượng. Vì vậy mà ở đây nói rất rõ, ai cũng có thể tánh rốt ráo ngang bằng với Phật, không ai kém, chỉ có biết trở về và không trở về mà thôi.

Pháp tánh Như Lai không một vật,
Ứng độ quần sanh việc cả trăm.
Nếu ngộ chân không, luôn đối mặt,
Như Lai thường trụ ở Linh Sơn.
Âm :
Pháp tánh Như Lai vô nhất vật,
Ứng độ quần sanh hữu bách ban.
Nhược ngộ chân không hằng địch diện,
Như lai thường trụ tại Linh Sơn.
Pháp tánh Như Lai không một vật, ứng độ quần sanh việc cả trăm. Pháp tánh Như lai không tướng mạo nên nói không có một vật. Tuy không một vật mà khi ứng hiện để độ sanh thì hiện cả trăm thứ. Không một vật là chân không, ứng hiện cả trăm ngàn thứ là diệu hữu, chớ chẳng phải không một vật là không ngơ. Nếu ngộ chân không, luôn đối mặt, Như Lai thường trụ ở Linh Sơn. Nếu người nào ngộ được xưa nay không một vật (chân không) thì Pháp tánh luôn luôn hiện tiền, hay nói cách khác là Như Lai thường ở tại hội Linh Sơn không bao giờ nhập diệt, không bao giờ thiếu vắng.

Khiến người người xuất gia theo Phật, lý nên chọn bạn tìm thầy, nếu không thầy bạn, lấy gì tiếp dẫn ? Xem kinh mà mê mờ lý thì luống tự nhọc nhằn, đếm chữ tìm hàng thì chẳng rõ tông chỉ. Chẳng rõ tông chỉ thì chẳng cùng tột văn lý, chẳng cùng tột văn lý thì đâu thể giải thoát !

Ngài nói người xuất gia học đạo nên chọn bạn tìm thầy, nếu tu mà không có thầy sáng bạn lành thì ai hướng dẫn nhắc nhở mình tu, đó là điều rất quan trọng. Chúng ta đi tu là bỏ hết những cái vui thế gian để tìm đạo tu hành hay nói cách khác là đi tìm chân lý. Muốn tìm chân lý thì phải có thầy sáng bạn lành, nghĩa là vị thầy phải sáng đạo mới hướng dẫn dạy bảo chúng ta tu, ở đây ngài Chân Nguyên gọi là tiếp dẫn. Như vậy người tu mà không thầy hướng dẫn, tự xem kinh thì không hiểu lý kinh, cứ mò mẫm trên văn tự chữ nghĩa thì không bao giờ rõ tông chỉ thấu suốt lý đạo, không đạt lý đạo thì làm sao giải thoát ? Đây là điều thiết yếu vô cùng, cho nên chúng ta phải chọn bậc thầy sáng để hướng dẫn mình tu đúng chánh pháp, phải chọn bạn lành để trợ duyên tốt cho đường tu mình được thăng tiến. Khi tu chúng ta đọc kinh để ứng dụng lời Phật dạy tu hành, nếu không hiểu lại không có thầy giản trạch cho thông, thì làm sao thấu suốt được nghĩa lý sâu xa của Phật pháp ? Như tôi ngày xưa đọc kinh Kim Cang, đến đoạn ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật làm sao an trụ tâm, làm sao hàng phục tâm. Phật dạy muốn hàng phục tâm thì phải độ tất cả chúng sanh từ loài hữu sắc vô sắc, hữu tưởng vô tưởng, cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng vào vô dư y Niết-bàn. Tôi lắc đầu tự than Phật bảo độ chừng năm bảy chục người thì khả dĩ làm được, còn bảo độ hết tất cả các loài trên vào vô dư y Niết-bàn, thì không biết chừng nào mình độ được, chừng nào mới hàng phục được tâm. Vì nếu như loài hữu sắc thì chẳng phải hạn cuộc nơi con người mà cả con bò, con chó, con heo, con trâu v.v... như vậy chừng nào độ hết ? Nếu không độ hết thì chưa hàng phục tâm, mà không hàng phục tâm thì coi như chưa tu. Vậy làm sao tu theo lời Phật dạy trong kinh ? Như thế kinh Đại thừa chỉ để trên trang thờ, không thể ứng dụng được. Khi chuyển qua tu Thiền, tôi mới thông đoạn kinh này. Tâm chúng ta có hàng trăm ý nghĩ tốt xấu lẫn lộn, thế nên mỗi một ý nghĩ dấy lên là một chúng sanh, nghĩ về người hay vật đó là chúng sanh hữu sắc, nghĩ về những thứ không hình tướng như điện hoặc hư không đó là chúng sanh vô sắc. Nghĩ đến con người có tưởng là chúng sanh có tưởng, nghĩ buông hết vọng tưởng, rồi buông hết những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng. Những ý nghĩ của chúng ta dấy lên không ngoài hữu sắc vô sắc, hữu tưởng vô tưởng v.v... Phật dạy chúng ta muốn hàng phục tâm là độ tất cả chúng sanh vào vô dư y Niết-bàn, mà không thấy có chúng sanh được diệt độ. Nghĩa là tâm chúng ta dấy lên những ý niệm ta biết nó là vọng niệm, thì nó lặng mất không còn tăm dạng đó là đưa chúng sanh vào vô dư y Niết-bàn và hàng phục được tâm. Như vậy, Phật dạy quá rõ ràng không có gì lạ hết, chỉ cần chúng ta hiểu được lý kinh thì biết ứng dụng tu. Nếu không hiểu lý kinh, chỉ hiểu theo chữ nghĩa thì làm sao tu ? Không tu được thì làm sao giác ngộ giải thoát ? Sau đây Ngài dẫn thêm mấy bài kệ để cho chúng ta rõ thêm ý này:

Học đạo không tông chỉ,
Thấy nhiều chẳng bằng mù.
Tìm sáng chẳng biết báu,
Luống nhọc tròng mắt mình.
Âm :
Học đạo vô tông chỉ,
Đa kiến bất như manh.
Tầm quang bất thức bảo,
Đồ lao tự nhãn tình.
Học đạo không tông chỉ, thấy nhiều chẳng bằng mu�. Nghĩa là người học đạo nếu không nắm được tông chỉ, tức là không nắm được đường lối cội nguồn của đạo, thì dù cho có đọc nhiều sách, nhiều kinh cũng không bằng người mù, tức là người ít học mà họ nắm được tông chỉ của kinh. Tìm sáng chẳng biết báu, luống nhọc tròng mắt mình. Tìm ánh sáng của ngọc mà không biết cái quí báu của nó, luống nhọc nhằn tròng mắt mà thôi. Ví dụ chúng ta nghe nói ngọc có ánh sáng, chúng ta thấy chỗ nào có ánh sáng là tìm, nhưng nhìn vào ánh đèn sáng chúng ta tìm được ngọc không ? Luống nhọc mắt mà không thấy ngọc. Như vậy muốn tìm ngọc phải biết hình dáng chỗ nơi của ngọc, thì mới tìm được ngọc chớ không phải chỉ biết có ánh sáng là tìm được. Cũng thế người học đạo phải nắm được tông chỉ của đạo thì tu mới có kết quả, nếu không thì luống phí công phu mà không có kết quả gì.
Cửa không chẳng chịu ra,
Quá ngu chui cửa sổ.
Giấy cũ trăm năm dùi,
Bao giờ được ra khỏi.
Âm :
Không môn bất khẳng xuất,
Đầu song dã thái si.
Bách niên tán cổ chỉ,
Hà nhật xuất đầu thì ?
Bài kệ này nguyên là của Thiền sư Thần Tán. Ngài là đệ tử cầu pháp của Tổ Bá Trượng Hoài Hải. Nhờ Tổ Bá Trượng khai thị Ngài ngộ lý Thiền. Sau Bổn sư của Ngài già không ai săn sóc, Ngài trở về chùa cũ hầu hạ Thầy. Một hôm Bổn sư tắm sai Ngài kỳ đất, Ngài bèn vỗ vào lưng của Thầy nói: - Điện Phật đẹp mà Phật chẳng Thánh.

Vị Bổn sư xoay đầu ngó lại. Ngài nói tiếp:

- Phật tuy chẳng Thánh vẫn hay phóng quang.

Lại một hôm, Bổn sư ngồi trong cửa sổ xem kinh, vì tuổi già sợ cảm nên lấy giấy dán kín cửa sổ cho khỏi gió, có con ong chui đầu vào tấm giấy tìm lối ra, Ngài trông thấy thế liền nói:

- Thế giới thênh thang mà chẳng chịu ra, dùi đầu vào giấy cũ biết năm nào ra được ?

Ngài liền nói bài kệ:

Cửa không chẳng chịu ra, quá ngu chui cửa sổ. Ý muốn nói thể chân không rỗng rang mà không chịu hội nhập, cứ vùi đầu vào cửa sổ tức vùi đầu vào giấy để xem kinh.

Giấy cũ trăm năm dùi, ngày nào được ra khỏi. Vị thầy đang xem kinh, mà kinh thì viết trên giấy, Ngài lợi dụng con ong chui vào giấy nói bài kệ trên. Vị Bổn sư nghe qua để kinh xuống hỏi:

- Ngươi đi hành cước gặp người nào, ta trước sau nghe ngươi nói lời dị thường ?

Ngài thưa:

- Con nhờ ơn Hòa thượng Bá Trượng chỉ dạy được chỗ thôi dứt, nay muốn đáp lại đức từ bi. (tức là muốn đáp ơn Thầy)

Bổn sư bèn nhóm chúng, thỉnh Ngài nói pháp. Ngài lên tòa nêu cao tông phong của Bá Trượng:

- Linh quang riêng chiếu vượt khỏi căn trần, bày hiện chơn thường chẳng câu nệ văn tự. Tâm tánh không nhiễm vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật.

Bổn sư nghe câu này liền cảm ngộ. Như vậy là ngài Thần Tán đã đền ơn vị Bổn sư của mình.

Qua bài kệ và câu chuyện ngài Thần Tán, chúng ta thấy rằng nếu không nhận ra được yếu chỉ của đạo, dù có đọc hết kinh sách vẫn không đi tới đâu, ví như con ong chui đầu vào giấy mà không bay qua được khỏi cửa sổ để ra ngoài với bầu trời thênh thang rộng lớn.

Người nay học đạo chẳng rõ chân,
Chỉ bởi từ lâu nhận thức thần.
Vô lượng kiếp rồi gốc sanh tử,
Kẻ si gọi đó bổn lai nhân.
Âm :
Học đạo chi nhân bất thức chân,
Chỉ vị tùng tiền nhận thức thần.
Vô lượng kiếp lai sanh tử chủng,
Si nhân hoán tác bổn lai nhân.
Bài kệ này của Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm. Người nay học đạo chẳng rõ chân, chỉ bởi từ lâu nhận thức thần. Nghĩa là người thời nay học đạo mà không thấu suốt được lẽ chân thật là do nhận lầm thần thức sanh diệt, cái đó người thế gian cho là linh hồn là bản ngã. Do nhận lầm như vậy nên: Vô lượng kiếp rồi gốc sanh tử, kẻ si gọi đó bổn lai nhân. Do nhận lầm thức thần cho là bản thể xưa nay của mình, nên phải chịu luân hồi sanh tử trong vô lượng kiếp.

Do đó người tu phải nhận ra cái chân thật của chính mình là cốt yếu.

Có pháp có tâm còn vọng thức,
Không cầu không được chứng chân như.
Chân vọng hai đầu đều phá sạch,
Một luồng sáng lạnh rực thái hư.
Âm :
Hữu pháp hữu tâm tồn vọng thức,
Vô cầu vô đắc chứng chân như.
Chân vọng lưỡng đầu câu đả phá,
Nhất đạo hàn quang thước thái hư.
Có pháp có tâm còn vọng thức, không cầu không được chứng chân như. Có pháp có tâm nghĩa là còn thấy hai bên, phân biệt đây là tâm kia là pháp là còn sống với vọng thức, không cầu không được nhưng chứng được Chân như, vì thể thanh tịnh sẵn nơi mọi người, đâu phải từ bên ngoài đến mà cầu mà được. Không cầu không được, chỉ cần sống với tâm thể thanh tịnh là chứngChân như. Chân vọng hai đầu đều phá sạch, một luồng sáng lạnh rực thái hư. Buông cả chân và vọng thì chỉ còn một thể thanh tịnh sáng suốt trùm khắp bầu trời. Nghĩa là khi mê niệm khởi là vọng tưởng, khi chúng ta tỉnh giác vọng tưởng lặng đó là Chân tâm. Nhưng nếu còn nói vọng nói chân thì cũng còn kẹt hai bên, kẹt hai bên thì không đạt đến chỗ chân thật. Cho nên người tu phải dứt sạch hai bên thì mới đến được chỗ tột cùng chân thật.

Cho nên kinh Bát-nhã nói: "Không trí cũng không đắc; do vì không chỗ được". Nếu trí vô phân biệt thì làm hại cái thấy có thấy không. Trí vô phân biệt thì trọn chẳng thể được. Tại sao không thể dùng trí đoạn trí? Chẳng thể dùng kiếm lại chặt kiếm.

Hội rằng:

Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức kiếm cũng chẳng thể được. Trí tự hại trí, trí trí hại nhau, tức trí cũng chẳng thể được. Mẹ con đều mất, cũng lại như thế.

Cho nên kinh Bát-nhã nói: "Không trí cũng không đắc; do vì không chỗ được". Đoạn này Ngài dẫn kinh Bát-nhã "Vô trí diệc vô đắc" nghĩa là không trí cũng không được. Tại sao nói không trí cũng không được; do vì không chỗ được. Ví dụ trong túi chúng ta sẵn tiền, nếu cần mua thứ gì chúng ta đưa tay vào túi lấy tiền ra trả. Như vậy nói tôi được tiền có đúng không ? Nếu mình đi đường lượm được tiền hoặc có ai đem đến cho thì nói được là đúng. Cũng thế, trí tuệ Bát-nhã hay Căn bản trí nơi mỗi người sẵn có, chẳng phải từ bên ngoài được, nên nói không trí cũng không đắc. Nếu còn thấy có trí có đắc tức còn năng còn sở, năng là người, sở là cảnh thì chưa đạt tới chỗ cứu cánh.

Nếu trí vô phân biệt thì làm hại cái thấy có thấy không. Chúng ta có hai thứ trí, trí phân biệt và trí vô phân biệt. Trí phân biệt là trí thế gian, phân biệt cái này đẹp cái kia xấu, trí vô phân biệt là biết rõ mà không có niệm phân chia đẹp xấu, hơn thua, trí này không chấp nhận trí phân biệt có không đẹ�p xấu, nên nói trí vô phân biệt làm hại cái thấy có không.

Trí vô phân biệt thì trọn chẳng thể được. Trí vô phân biệt thì không còn cái được, vì còn có được là còn năng còn sở. Còn năng sở là còn đối đãi, mà trí Bát-nhã thì vượt ngoài đối đãi nên kinh nói vô trí diệc vô đắc.

Tại sao không thể dùng trí đoạn trí ? Câu này đặt nghi vấn tại sao không thể dùng trí vô phân biệt để đoạn trí phân biệt ?

Chẳng thể dùng kiếm lại chặt kiếm. Câu này trả lời là không thể dùng kiếm để chặt kiếm. Trí là tượng trưng cho cây kiếm, trí không thể đoạn trí cũng như kiếm không thể tự chặt cây kiếm. Như vậy muốn đoạn trí phân biệt có không tốt xấu, chỉ cần biết nó là hư vọng giả dối thì nó lặng xuống chớ không cần dứt trừ hay dẹp bỏ. Mọi người ai cũng có trí vô phân biệt, buông trí phân biệt hay dở tốt xấu là trí vô phân biệt hiện tiền. Vô phân biệt mà rõ ràng thường biết, trí này ai cũng có cả, tại chúng ta quên nó, mãi chạy theo trí phân biệt nên khổ cả đời.

Hội rằng: Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức kiếm cũng chẳng thể được. Trí tự hại trí, trí trí hại nhau, tức trí cũng chẳng thể được. Mẹ con đều mất, cũng lại như thế. Đây giải thích rằng: Kiếm tự hại kiếm thì chẳng còn cây kiếm, trí tự hại trí cũng không thể được. Vì không thể dùng trí này dẹp trí kia, tu đến chỗ này không còn dùng trí để dẹp trí mà cái trí dụng lặng thì trí thể hiện tiền. Trí thể dụ cho mẹ, trí dụng tạm gọi là con, dụng hết thì thể không còn tên gọi, vì vậy nói "mẹ con đều mất". Như khi chúng ta tu Thiền, vận dụng trí giác để biết vọng tưởng hư dối. Vậy vọng tưởng là hư dối, trí biết vọng tưởng là cái gì ? Nó là cái dụng của trí. Dùng cái dụng của trí để biết vọng tưởng không theo, khi vọng tưởng hết thì cái dụng của trí cũng không còn. Như chúng ta dùng cây kiếm để dẹp giặc, giặc yên rồi chúng ta không còn cầm kiếm ra giữa thiên hạ múa lăng xăng mà giặc hết thì binh khí chống giặc cũng cất vô kho. Cũng vậy, khi vọng tưởng hết thì cái dụng của trí cũng hết. Cái dụng hết thì cái danh thể cũng không còn. Như nhân gió mà mặt biển dậy sóng, khi sóng dấy lên chúng ta nhìn thấy cả trăm ngàn lượn sóng, mỗi lượn sóng khác nhau, và có hai từ ngữ mặt biển và sóng rõ ràng. Khi gió dừng sóng lặng hết, thì từ ngữ sóng không còn. Từ ngữ sóng không còn thì từ ngữ mặt biển đối với từ ngữ sóng cũng không có, nhưng thể của mặt biển trước sau như một, song vì có sóng nên chúng ta tạm phân biệt đây là sóng nhấp nhô, kia là mặt biển thênh thang. Nếu nói mặt biển là sóng thì chúng ta lầm tưởng mặt biển có từng lượn như sóng, nhưng mặt biển thênh thang đâu có từng lượn như sóng. Thế nên không thể nói mặt biển là sóng. Nếu nói sóng khác với mặt biển cũng không được, vì sóng lặng rồi thì chỉ còn mặt biển.Mặt biển bấy giờ không còn đối với sóng, chỉ là một mặt biển lặng lẽ thênh thang mà thôi. Cũng vậy khi trí dụng lặng thì trí thể cũng không còn tên gọi. Mất là mất cái tên gọi chớ không phải mất cái thể. Nếu nói khi trí dụng biết vọng lặng rồi không còn gì hết là sai lầm.

Đây là chỗ nói rằng chỉ thẳng rốt ráo, chân như thật tế, hướng thượng vô niệm, thành Phật làm Tổ, chỉ ngại kẹt nơi tên nhơ. Sao vậy ? Vì chẳng lìa tâm có.

Đây là chỗ mà chư Tổ chỉ thẳng để cho chúng ta nhận ra chân như thật tế và biết rõ chỗ hướng thượng để đạt đến vô niệm, nhưng chỉ ngại chúng ta kẹt nơi tên nhơ, vì kẹt tên nhơ là chẳng lìa tâm có. Tại sao gọi là tên nhơ ? Theo quan niệm người đời thì những tên gọi ở thế gian như tên xoài, tên ổi... là tên nhơ, còn những tên như Bồ-tát,Như Lai... là sạch. Nhưng theo nhà Thiền thì kẹt vào từ ngữ đối đãi là kẹt vào tên nhơ. Như trước tôi có nóitrí dụng hết thì tên trí thể cũng không còn, nếu còntên thể, tên dụng cũng còn tên nhơ, dù đó là một từ ngữ đẹp. Vì còn kẹt vào danh từ đối đãi thì chưa nhận được chân lý. Hơn nữa cái tên là do người ta tưởng tượng đặt ra chớ không phải là lẽ thật. Như có người mang tên Bạch, chúng ta tưởng người đó da trắng, nhưng khi gặp mặt thì người đó da vàng. Lại có người được thầy đặt tên là Trí Tuệ, mới nghe chúng ta tưởng người đó thông minh lắm, nhưng khi tiếp xúc chúng ta thấy người ấy ngu ngơ quá chừng. Đa sốchúngtathườngmắc kẹt ở cái tên nên khi gặp sự thật thì chán chường. Do đó người tu đến chỗ cứu cánh thì không kẹt ở từ ngữ mà chỉ nhận ra cái thể thật để sống, đó là điều quan trọng.

Nếu tình phàm Thánh hết, năng sở đều lặng, một niệm chẳng sanh, thẳng đến địa vị Như Lai trong lặng nhiệm mầu, biển giác lặng lẽ, là đất Cực-lạc vậy.

Đoạn này nói nếu không còn niệm phàm Thánh thì năng sở cũng không, niệm sanh diệt hết thì thẳng đến địa vị Như Lai, biển giác trong lặng nhiệm mầu, là đất Cực-lạc. Cực-lạc này không phải cõi Cực-lạc ở phương Tây của đức Phật A Di Đà mà là tâm không còn một niệm đối đãi phàm Thánh, không một niệm sanh diệt. Cõi Cực-lạc ở phương Tây thì đất toàn bằng vàng, hàng cây bằng ngọc, lưu ly, xa cừ, mã não. Người ở cõi đó sáng đi hái hoa dạo chơi một vòng giáp mười phương cõi Phật, trưa trở về ăn cơm. Cái vui của cõi đó là cái vui của người giàu, vì có ăn ngon mặc đẹp, du lịch... rất hợp với sở thích của người thế gian, cái vui này còn trong vòng năng sở, nghĩa là có khổ và mong hết khổ để được vui. Ví dụ như có người gánh một gánh đất nặng qua nội viện Ni, đang gánh nặng có người khác gánh giùm, đưa gánh cho người ta xong vai mình nhẹ nhõm là cười liền. Đó là qua cái khổ rồi được cái vui. Lại, trong gia đình chúng ta có người đi xa vắng khiến người trong nhà nhớ thương. Bỗng dưng người thân không báo trước mà trở về, mọi người rất vui mừng. Qua sự chia ly buồn khổ có sự gặp gỡ vui mừng, là cái vui còn trong vòng đối đãi. Cực-lạc mà ngài Chân Nguyên nói ở đây là Cực-lạc vượt ra ngoài sự đối đãi khổ vui. Theo cái nhìn của đức Phật thì tất cả cái vui trên thế gian là cái vui trá hình của sự đau khổ, chớ không phải cái vui chân thật. Cái vui chân thật là khi tâm chúng ta thanh tịnh không còn niệm đối đãi sanh diệt. Như chúng ta ngồi một giờ ngắm núi, ngắm hồ, ngắm mấy cây thông mà không có một niệm loáng thoáng. Vậy một giờ đó có vui không ? Vui, cái vui đó không lộ vẻ hí hửng hay cười xòa mà nó rất nhẹ nhàng thanh tịnh. Đó là niềm vui chân thật khi tâm mình hoàn toàn vắng bóng vọng niệm. Vui như thế thì đi đâu ở đâu chúng ta cũng an nhàn tự tại. Sở dĩ chúng ta khổ là vì tâm thường nghĩ đến sự được mất hơn thua; khi chúng ta nghĩ được mà bị mất thì khổ, nếu được như ý thì vui; nghĩ đến sự thành công mà bị thất bại thì khổ, nếu thành công theo sự sắp đặt tính toán của mình thì vui; khổ vui thay nhau ngự trị, tâm mình không lúc nào an ổn. Khi tâm chúng ta không còn vọng niệm được mất hơn thua dấy khởi, chừng đó mới có cái vui chân thật. Trong giáo lý Phật chia ra thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc và đức Phật cũng kết luận là tất cả thọ đều là khổ. Tại sao ? Vì tất cả thọ đều bị vô thường chi phối, cho nên cái vui cũng không lâu dài và hết vui rồi khổ, hết khổ lại vui. Như vậy chúng ta tu tìm Cực-lạc ở đâu ? Người tu Tịnh độ tìm Cực-lạc ở phương Tây, còn người tu Thiền tìm Cực-lạc ở tự tâm mình. Tâm mình hết niệm sanh diệt là Cực-lạc hiện tiền chớ không ở đâu xa. Nó ở trong tầm tay của mỗi người và mỗi chúng ta có đủ khả năng tự tạo cho mình một thế giới Cực-lạc ở giữa cõi Ta bà này. Phải khẳng định như vậy, chúng ta mới mạnh dạn dứt khoát buông xả vọng tưởng. Có ý chí mạnh mẽ, cương quyết tu trong một thời gian là có kết quả tốt, còn nếu thả trôi qua ngày thì tu không tới đâu hết. Tổ Qui Sơn có dạy: Phải phát chí cho quyết liệt, mở lòng rỗng rang thì việc làm nhất định thành công. Thế nên, người tu theo đạo Phật là người phải có ý chí quyết liệt, dù cho việc khó khăn thế mấy cũng làm cho kỳ được chớ không chịu thua.

Nên Cổ đức nói: Trên chẳng thấy có chư Phật, dưới chẳng thấy có chúng sanh, ngoài chẳng thấy có núi sông, đất đai, trong chẳng thấy có cái thấy nghe hiểu biết tốt xấu, dài ngắn, nhồi thành một mảnh, mỗi mỗi đưa ra, trọn không cái thấy khác.

Vì còn niệm đối đãi nên thấy trên là Phật dưới là chúng sanh, đây là tốt kia là xấu, là dài ngắn v.v... Như vậy là lúc nào chúng ta cũng sống trong đối đãi. Thế nên các bậc Cổ đức bảo buông hết đối đãi, nhồi thành một mảnh, chỉ còn thể thanh tịnh thì trọn không có cái thấy hai thấy khác nữa.

Lý ấy vi diệu, sâu xa không gì trên, học giả tri âm thì có thể thông suốt. Chỉ Phật với Phật mới hay xét tột, thật tướng các pháp đến chỗ rốt ráo, thì văn tự cũng chẳng thể được, ngôn ngữ cũng chẳng thể được, thức pháp cũng chẳng thể được, đối đãi cũng chẳng thể được, bặt đường cơ quan nguy hiểm, cùng tột trí phân biệt bén nhạy, Bát-nhã cũng chẳng thể được, tịch chiếu cũng chẳng thể được, bèn chẳng phải vô sự sanh sự, liền là có cành vin cành.

Lý sâu xa vi diệu chỉ có người nào nhận được mới là thông suốt, chỉ Phật với Phật mới xét tột lý này, đến chỗ rốt ráo thì tất cả đều chẳng được, không phải từ nơi vô sự sanh sự, có cành để vin cành. Bởi vì đến chỗ này đối đãi trong ngoài đều dứt sạch nên nói là vô sự, nếu ở chỗ vô sự mà sanh hữu sự là có cành để vin cành. Vậy thế nào là vô sự ? Là khi chúng ta đi đứng nằm ngồi, thấy tất cả người vật, làm tất cả chuyện mà tâm không một niệm dính mắc đó là vô sự. Như chúng ta đang đẩy một xe đất là hữu sự hay vô sự ? - Vô sự không phải không làm gì hết, mà vô sự là làm tất cả việc mà không dính mắc. Chúng ta thử sống một ngày vô sự xem có nhẹ nhàng thảnh thơi không ? Một ngày tâm chúng ta không dính mắc với cái gì hết thì mặt có nhăn nhó, có nặng đầu bóp trán không ? Nếu một ngày mà tâm chúng ta dính mắc với nhiều việc thì tâm lúc vui lúc buồn, lúc thích thú vui cười, lúc chán nản nhăn nhó, đó là chúng ta đã bị những việc được mất hơn thua bên ngoài chi phối. Một ngày mà không dính mắc những thứ đó thì một ngày nhẹ nhàng thảnh thơi. Như vậy lúc tâm chúng ta bặt hết niệm đối đãi, nếu có người hỏi là phàm hay là Thánh thì nói sao ? - Lúc tâm bặt hết niệm đối đãi, nói phàm cũng trật, nói Thánh cũng không đúng luôn. Còn nói phàm nói Thánh là còn phân biệt đối đãi, là còn khổ. Thế nên, tôi phải nói đi nói lại cho quí vị thấm nhuần lý này; vì lý này thật vi diệu khó nói, gượng mà nói chớ không phải là cái có thể nói để cho người hiểu được. Lý này nếu không tu thì không làm sao mà nhận ra, chỉ nói trên danh tự cho vui chớ không thể thấy biết được. Cho nên ở đây nói cùng tột trí phân biệt bén nhạy, Bát-nhã cũng chẳng thể được, tịch chiếu cũng chẳng thể được, bèn chẳng phải vô sự sanh sự, liền là có cành vin cành. Tới chỗ này không còn cái gì để dính mắc thì đâu gọi có cành vin cành; vì có cành cây mới đưa tay nắm bắt, nếu không có cành cây thì nắm bắt cái gì ?

Đến như ba đời chư Phật, chánh pháp lưu hành, lần lượt truyền trao cho nhau: chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, chẳng lập văn tự.

Ba đời chư Phật đem chánh pháp lưu hành ở đời, lần lượt truyền trao chỉ thẳng cho người nhận ra tánh Phật của mình. Như vậy mục đích duy nhất của chư Phật là chỉ cho người Kiến tánh thành Phật. Nhưng kiến tánh là gì ? Là nhận ra nơi mình có thể chân thật vượt ngoài đối đãi phân biệt hơn thua, phải quấy tốt xấu v.v... cái thể đó tạm đặt tên là Phật tánh, Chân như, Bồ-đề, Niết-bàn v.v... chớ không có tên thật, cho nên Lục Tổ nói: Ta có một vật không đầu không đuôi không tên không họ, đố các ông là vật gì ? Ngài Thần Hội đứng ra thưa: Là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội. Tổ quở: Ta đã nói không tên không họ mà ông còn nói bản nguyên Phật tánh, như vậy là ông đã lấy tranh che đầu. Nghĩa là cái thể thật mà còn có tên là bị che khuất. Đọc qua đoạn này chúng ta mới thấy cái hay vi diệu của người xưa, các Ngài sống được rồi chỉ cho chúng ta, nếu khéo nhận thì chúng ta với Phật không còn xa cách. Nếu mong cầu Phật thọ ký, hoặc đến rước thì rất xa Phật.

Nay lập văn tự là mở thông một lối để tiếp dẫn cho người hậu học. Niết-bàn không có hai lối, phương tiện thì có nhiều cửa. Do đó Phật nói Tiểu thừa, Đại thừa, kinh có đốn giáo, tiệm giáo. Nên biết, ngàn kinh muôn kinh chỉ là một kinh, ngàn pháp muôn pháp chỉ là một pháp, ngàn lời muôn lời chỉ là một lời, ngàn câu muôn câu chỉ là một câu, ngàn thể muôn thể chỉ là một thể, ngàn tôngmuôn tông chỉ là một tông, ngàn phái muôn phái chỉ là một phái, ngàn nguồn muôn nguồn chỉ là một nguồn.

Ngài nói thể chân thật không dùng văn tự nói đến được, nhưng vì tiếp dẫn người sau nên tạm lập phương tiện, chia chẻ nào là đại thừa tiểu thừa, đốn giáo tiệm giáo. Nhưng bao nhiêu kinh điển, bao nhiêu tông phái rốt cuộc cũng đồng một nguồn gốc, chớ không có khác.

Nếu thông suốt nguồn linh, thì rõ một chẳng phải một; thấu suốt chánh pháp thì gọi là đắc pháp. Huyền chỉ của Bát-nhã, lấy không chỗ được mà tự được, tạm vì giáo hóa chúng sanh mà nêu bày tên "đắc pháp" và để lời dặn dò: - Bậc tông sư đời sau hãy ngầm xem hàng môn đồ, lựa chọn trong các đệ tử, ai là người có đức hạnh, giống trí mầm linh, thật tâm xuất gia, kính nhận và vâng theo lời dạy, ngộ sâu lý tánh, hiếu thuận chân tu, được người như thế, có thể trao tâm ấn.

Ngài nói người thấu suốt nguồn linh và rõ được chỗ một không phải một. Vì một là từ ngữ đối đãi thế gian dùng, như một rồi hai. Còn cái này một mà không có hai cho nên nói một không phải một. Ai thấu suốt được chỗ đó thì tạm gọi là đắc pháp ngộ đạo. Huyền chỉ Bát-nhã thì không thể được, nhưng vì giáo hóa chúng sanh nếu nói không thể được thì chúng sanh không biết để tu, cho nên khi ngộ đạo gọi là đắc pháp và để lời dặn dò các bậc thầy sau này phải ngầm chọn lựa người đệ tử đức hạnh thật tâm xuất gia, kính nhận và vâng theo lời dạy tu hành, ngộ sâu lý tánh, được người như thế mới trao truyền tâm ấn. Như vậy chọn một người đệ tử để truyền tâm ấn không phải là chuyện dễ, nên những người lôi thôi ngạo mạn kém trí kém đức không xứng đáng để truyền trao.

Thấy cùng thầy bằng,
Gần thầy bảy phần.
Được người như thế,
Mới đáng truyền trao.
Âm :
Kiến dữ sư tề,
Á sư thất phần.
Đắc như thị nhân,
Nãi khả truyền thọ.
Ngài dẫn thêm bài kệ để cho sáng tỏ ý này. Ý bài kệ nói rằng người nào cái thấy bằng thầy tức là ngộ bằng thầy, mới xứng đáng được truyền thừa. Tuy nói bằng nhưng người đó cũng kém hơn thầy năm ba phần. Cho nên người xưa nói "Trò bằng thầy, thua thầy nửa đức". Như vị thầy tu năm chục năm, sau khi tu hai mươi năm thì nhận đệ tử, người đệ tử tu mười năm ngộ lý đạo như thầy. Tuy ngộ bằng thầy nhưng công đức tu hành thua thầy đến ba mươi năm, nên thua thầy nửa đức. Ở đây bằng thầy bảy phần, thua thầy ba phần mới truyền trao, chớ không truyền một cách bừa bãi. Xét tâm ấn của chư Phật hẳn chẳng lừa nhau, Pháp thân rỗng lặng tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, không được không mất, không thêm không bớt, không trao không truyền, vì đối ngoại duyên mà giả lập tên "ấn" đó thôi.

Qua đoạn này chúng ta mới thấy cách truyền tâm ấn của Phật giáo khác với cách truyền tâm ấn của ngoại đạo. Trong nhà Thiền truyền tâm ấn là truyền cho người đã sống được với thể rỗng lặng như thái hư. Hơn nữa truyền mà không có truyền, vì thể đó ai cũng sẵn có và chữ "ấn" cũng giả lập tên chớ không có thật. Sau này từ ngữ truyền tâm ấn của nhà Thiền bị lạm dụng quá đáng, mới vô chùa chưa hiểu đạo gì cả thì được ông thầy truyền tâm ấn, nhưng vị thầy chưa sáng đạo thì làm sao dám truyền và truyền cái gì cho học trò ? Chúng ta phải hiểu cho kỹ chữ ấn là in, như chúng ta có một con dấu, lấy con dấu đó thoa mực đóng vào tờ giấy, trên mặt con dấu có chữ gì thì nó hiện rõ lên tờ giấy chữ ấy, giống hệt không khác chút nào cả. Cũng vậy vị thầy tu ngộ đạo, tức là có con mắt tuệ nhìn thấy người học trò cũng ngộ như mình mới thừa nhận hay ấn chứng cho người học trò đã ngộ như mình. Như thế mới gọi là truyền tâm ấn. Trường hợp Tổ Huệ Khả trình với Tổ Bồ-đề-đạt-ma: "Con bặt hết các duyên". Tổ bảo: "Coi chừng rơi vào không". Huệ Khả thưa rằng: "Rõ ràng thường biết làm sao rơi vào không ?". Tổ bảo: "Ông như thế ta cũng như thế, chư Phật cũng như thế". 

Đó là truyền tâm ấn, người học trò trình cái thấy của mình, vị thầy thừa nhận cái thấy của người học trò là đúng, chớ không truyền cái gì cho người trò cả.

Vì vậy trong kinh Pháp Bảo Đàn, Tỳ-kheo Pháp Hải thưa hỏi Lục Tổ rằng: "Chư Phật ứng ra đời số được bao nhiêu ?". Lục Tổ Huệ Năng chỉ dạy Tỳ-kheo Pháp Hải: "Chư Phật ứng ra đời số như cát sông Hằng, danh tướng không cùng, khó thể tínhkể. NayđembảyđứcPhật Tôngsưlàmthủytổchúngta". Do đó, ba đời chư Phật, pháp ấn như thế, đến cuối cùng nơi hải ấn thì thầm trao đèn tâm, bốn mắt nhìn nhau, im lặng ấn chứng.

"Bốn mắt nhìn nhau im lặng ấn chứng" nghĩa là khi thầy nhìn trò, trò cảm thông được cái chỗ thầy muốn chỉ nhìn lại thầy và thầy cảm thông nhìn lại trò, đó là bốn mắt nhìn nhau im lặng ấn chứng.

Do được như thế mà nhiều đời Tổ sư bốn mắt nhìn nhau, im lặng ấn chứng. Do được như thế nên Truyền Đăng Ngữ Lục ghi: Đại sư Đạt-ma ngầm nói lời dặn dò Tổ Huệ Khả rằng: "Xưa đức Thích Ca Như Lai đem chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm phó chúc cho Tổ Ca-diếp, lưu truyền mấy mươi đời, đến tôn giả Bát-nhã-đa-la truyền trao cho ta. Nguyên ta đã được pháp ấn ở Tây Thiên, vâng theo bậc trên đến truyền bá tâm tông nơi Đông độ, nên đạp cành lau qua biển đến đây. Thấy ngươi một lòng tinh thành, có khí tượng đại thừa nên truyền tâm ấn cho ngươi. Ngươi hãy nối chí thuật lại việc này, thể nhận tâm ta mà bền vững hộ trì chớ để cho đoạn dứt.

Đoạn này nhắc lại việc Tổ Bồ-đề-đạt-ma dặn dò Tổ Huệ Khả. Từ xưa Phật đem chánh pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-diếp, lưu truyền mãi đến Tổ Bát-nhã-đa-la và truyền đến Tổ Bồ-đề-đạt-ma, Tổ Bát-nhã-đa-la dặn Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa để truyền bá tâm tông. Do đó mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma vượt biển sang Trung Hoa gặp Tổ Huệ Khả, Tổ Đạt-ma nói rằng vì thấy Tổ Huệ Khả một lòng tin thành, có khí tượng đại thừa nên truyền tâm ấn cho và dặn dò không nên để đoạn dứt.

Lại trao cho ngươi một chiếc ca sa pháp phục, với bốn quyển kinh Lăng Già để làm pháp tín, che chở cho Thiền tông phát triển. Trong thì truyền pháp ấn để khế hợp tâm chứng, ngoài trao ca sa để định tông chỉ, tránh cho người đời sau khắt khe, sanh nhiều nghi ngờ, bảo rằng: - Ta vốn là người phương Tây, ngươi là kẻ ở phương Nam, từ đâu mà được pháp ? Lấy gì làm bằng chứng truyền trao tâm ấn cho ngươi ? Chính y bát, kinh pháp dùng để tiêu biểu mở mang giáo pháp, rộng độ chúng sanh. Sau khi ta diệt độ, khoảng hai trăm năm, y nên dừng chẳng truyền nữa.

Đoạn này kể lại việc Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền tâm ấn cho Tổ Huệ Khả; Tổ truyền bốn quyển kinh Lăng Già và y ca sa để làm chứng tín cho người sau tin. Tổ Đạt-ma là người Ấn Độ, Tổ Huệ Khả là người Trung Hoa nên phải có những vật này làm chứng tín để cho người sau tin tưởng là Tổ Huệ Khả thật sự được Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền tâm ấn để việc truyền bá đạo pháp được lâu dài. Nhưng Tổ cũng dặn dò là sau hai trăm năm không được truyền y bát nữa. Tại sao vậy ? Vì sau hai trăm năm người hiểu đạo cũng khá nhiều, nên không cần truyền y bát, vì y bát là đầu mối của sự tranh giành. Ví dụ trong Thiền Viện có một trăm Tăng Ni và Phật tử đông đảo, nếu có người nào đó tu sáng đạo đến trình với tôi, tôi thấy phù hợp với yếu chỉ của Phật Tổ thì tôi tin và chấp nhận. Tuy tôi không truyền y bát mà mọi người cũng thầm nhận người đó là người đáng tin cậy. Ngày xưa các Tổ một thầytruyền cho một trò, bây giờ một thầy mà rất nhiều trò, giả sử có năm bảy người cùng ngộ, vậy truyền y bát cho người nào ? Nếu truyền y bát cho một người thì những người kia sẽ ra sao ? Cho nên chỉ cần tuyên bố một câu là đủ cho người sau tin tưởng. Nhưng bây giờ vẫn có người bắt chước truyền y bát lăng xăng, điều đó không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Lúc này pháp đã khắp giáp mọi nơi, người hiểu đạo thì nhiều, người hành thì ít, người nói lý thì nhiều, người thông lý thì ít, ngầm hợp thầm chứng có hơn ngàn muôn người, ngươi hãy xiển dương chớ khinh ngườichưa ngộ, một niệm hồi cơ liền đồng với sẵn được.

Như trên Tổ đã dặn không nên truyền y nữa vì sau này cơ duyên truyền bá rộng rãi, người ngộ rất nhiều. Như trong pháp hội của Mã Tổ có tới tám mươi hai vị thiện tri thức ngộ đạo, nếu truyền y bát lấy đâu truyền cho đủ ? Song, lại cũng có những pháp hội rất nhiều người đến tham vấn học đạo, nhưng người hành thì ít mà người nói lý thì nhiều. Cho nên sang đời Tống các Tổ bèn nảy sanh ra Thiền thoại đầu, người tham Thiền chết sống với câu thoại đầu, tham cho đến khi ngộ đạo, không cần bàn luận lý lẽ cao siêu. Như vậy Thiền thoại đầu có từ khi người học Thiền nghiêng về mặt lý thuyết suông hơn là thực hành. Tuy nhiên, trường hợp của chúng ta ngày nay thì khác, Thiền tông mới được khôi phục, người học Thiền cần phải thông lý rồi mới thực hành. Cho nên tôi mới đem kinh luận ra giảng giải cho quí vị hiểu. Do đó người học đạo và truyền đạo phải nắm vững chỗ này để ứng dụng cho đúng với hoàn cảnh. Kế đến Tổ khuyên là không nên khinh người chưa ngộ, vì một khi họ chịu quay đầu lại họ cũng nhận ra cái thể sẵn có. Tôi thường ví dụ một vị trưởng giả có nhiều ngọc quí, khi sắp chết ông chia cho mỗi người con một viên, những người con lớn khôn hơn lấy ra xài nên trở thành giàu có. Những người con nhỏ dại chôn cất không dám đem ra xài nên nghèo thiếu. Vậy mấy người anh có dám khinh em mình nghèo không ? Mai kia đào lên nó cũng giàu như mình làm sao dám khinh ? Nếu những vật mình có mà người không có thì mới xem thường và cho rằng mình hơn họ. Còn mình và người đều có, họ còn cất, mình lấy ra xài trước, như vậy mình chỉ hơn họ ở chỗ xài trước thôi, chớ không phải hơn thật sự. Cũng vậy mình và người đều sẵn có Phật tánh, vậy người đã ngộ đâu dám khinh người chưa ngộ? Cho nên trong kinh Pháp Hoa đức Phật đưa ra một hình ảnh hết sức là chân thành và gần gũi để cho chúng ta noi theo, đó là Bồ-tát Thường Bất Khinh đi đâu, gặp người nào cũng lễ bái và nói: "Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài đều sẽ thành Phật". Chúng ta lầm tưởng cho rằng Ngài tu hạnh nhẫn nhục, nhưng thật sự là Ngài nhắc cho chúng ta nhớ khả năng thành Phật đang có sẵn nơi mình. Tóm lại, nhà Thiền nói một niệm hồi cơ liền đồng với cái sẵn được, kinh đưa ra hình ảnh Bồ-tát Thường Bất Khinh, như vậy kinh và Thiền đâu có khác ! 

Nghe ta nói kệ:

Ta vốn đến xứ này,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.
Âm :
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.
Tổ Đạt-ma nói: Ta đến xứ Trung Hoa, truyền pháp Thiền để cứu những chúng sanh mê muội, Ngài sang Trung Hoa là một đóa hoa nở, năm cánh là sau Ngài có năm vị nữa kế thừa, năm vị đó là ngài Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng, đó là một thành quả tự nhiên không có gì nghi ngờ.
Kệ chứng cớ xưa:
Ca-diếp ban sơ y bát truyền,
Bao đời Bát-nhã nhận dòng Thiền.
Đa-la trao đèn truyền ta đó,
Ta gởi sáng thừa con làm duyên.
Âm : Trưng cổ kệ
Ca-diếp sơ ưng y bát truyền,
Nguyên lưu Bát-nhã kỷ kinh niên.
Đa-la phục bả đăng truyền ngã,
Ngã yết dư quang thác tiếp duyên.
Nghĩa là ban đầu Tổ Ca-diếp được đức Phật truyền y bát, do Thiền tông lấy Trí tuệ Bát-nhã làm cửa vào, nên tinh thần Bát-nhã được truyền qua bao thế hệ, rồi truyền mãi cho tới Tổ Đa-la, Tổ Đa-la truyền cho Tổ Bồ-đề-đạt-ma nên nói trao đèn cho ta. Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa truyền cho Tổ Huệ Khả là gởi ánh sáng thừa con tiếp duyên. Đó là nói việc truyền thừa từ Tổ Ca-diếp cho đến Tổ Huệ Khả.
Kệ truyền kinh:
Bốn quyển Lăng Già trao lại con,
Như Lai tâm địa pháp mãi thơm.
Chúng sanh dùng đó vì khai thị,
Khiến họ chóng liền tỏ ngộ sâu.
Âm :
Truyền kinh kệ
Thọ tử Lăng Già tứ quyển kinh,
Như Lai tâm địa pháp môn liêm.
Chúng sanh dụng thử vi khai thị,
Linh bỉ xâm sâm diệu ngộ thâm.
Tổ Bồ-đề-đạt-ma trao bốn quyển kinh Lăng Già cho Tổ Huệ Khả, để pháp môn tâm địa của Phật được truyền thừa mãi mãi về sau, chúng sanh nhờ đó mà được khai thị, tỏ ngộ được diệu lý sâu xa của Thiền. Song thường trụ ở thế gian, thể tánh như như, viên giác rỗng lặng, gọi đó là Phật. Sáng tỏ tâm tông của Phật, hiểu và làm ứng hợp với nhau gọi đó là Tổ. Phật Tổ chỉ một lý không sai khác.
Lại nói:
Đạt đạo lớn chừ quá lượng,
Thông tâm Phật chừ khó lường.
Chẳng cùng phàm Thánh chung nhà,(1)
Vượt lên gọi đó là tổ.
Âm :
Đạt đại đạo hề quá lượng,
Thông Phật tầm hề xuất độ.
Bất dữ phàm Thánh đồng miên,
Siêu nhiên danh vi viết Tổ.
Đoạn này có một câu nghe rất là chí lý: "Hiểu và làm ứng hợp với nhau gọi đó là Tổ". Định nghĩa Tổ hết sức đơn giản. Chúng ta có cái bệnh hiểu và làm không giống nhau cho nên mãi làm phàm phu. Chúng ta tự kiểm lại xem mình hiểu bao nhiêu và hành bao nhiêu ? Hiểu một trăm phần hành chừng mười phần hoặc hai chục phần. Như vậy chúng ta hiểu gần bằng Tổ mà hành thì giống phàm phu. Ví dụ như Tăng Ni ai cũng biết tham sân si là bệnh xấu, nếu giảng dạy cho Phật tử nghe thì chúng ta nói rất là rành rẽ lưu loát. Nhưng giả sử có người tới mắng chừng vài ba câu thì cũng sân si như ai, lúc đó cái hiểu nó bay đâu mất ! Lại có khi quí Phật tử gặp chuyện buồn, quí thầy quí cô khuyên giải: Đời là vô thường buồn làm chi ! Nhưng khi thầy cô có chuyện buồn, thì Phật tử khuyên lại: Đời là giả tạm buồn vô ích ! Thầy khuyên trò, trò khuyên thầy, khuyên qua khuyên lại rốt cuộc rồi ai cũng còn buồn bực khổ đau vì những điều bất như ý. Điều này xảy ra là do chúng ta học hiểu trên lý thuyết mà không thực hành. Nếu hiểu được một trăm phần mà thực hành được năm mươi phần cũng là khá lắm, nếu thực hành chừng mười hoặc hai mươi phần thì quá dở. Ngài lại nói thêm: Đạt được đạo lớn, thông được tâm Phật, không còn niệm phàm Thánh hai bên, vượt lên trên niệm đối đãi là làm Tổ. Phật Tổ một lý không có sai khác. Tôi (Chân Nguyên) xem trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng thuật: "Phật Phật chỉ truyền pháp tánh, sư sư thầm trao bản tâm, y bát thuộc vật bên ngoài, là đầu mối cho sự tranh giành, hãy dừng việc ấy chớ truyền nhau nữa". Lại thấy cơ thần ý mật, Ca-sa chia làm ba: một tấm thường mặc theo mình. Một tấm đắp cho ảnh tượng. Một tấm cất chứa kỹ trong chùa. Theo nguyện lớn lại nói lời sấm ký rằng: "Đời sau này ai được tấm y, thì đây là đạo của ta trở lại nơi đời". Có vị tăng Duy Tiên ở trong chùa, sửa sang xây dựng lại điện vũ, tình cờ phát hiện được tấm Ca-sa, pháp phục vẫn được rực rỡ như ban đầu. 

Xem kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải thì đoạn này có sai khác.

Nên biết, trí lực của Phật Tổ rất rộng sâu, vận dụng cơ thần ẩn hiện khó lường, thường tự đối diện trước mắt, không sắc viên dung, ra đời độ sanh, ứng khắp mọi nơi, diệt và chẳng diệt thảy là phương tiện, tượng giáo hiển dương, Phật Phật đều như vậy.

Ngài Chân Nguyên nói rằng: Trí lực của Phật Tổ rất rộng sâu, các Ngài ẩn hiện khó lường, việc ra đời độ sanh của Phật ứng hiện khắp mọi nơi, diệt và chẳng diệt của Phật Tổ thảy đều là phương tiện và đó là "tượng giáo hiển dương". Tượng là hình ảnh biểu trưng chỉ cho y bát, giáo là kinh điển, chư Phật đều dùng phương tiện đó để xiển dương Phật pháp.

Từ trước, Phật Phật Tổ Tổ, đời đời tiếp nối nhau đều cùng chung bốn mắt nhìn nhau, thầm trao tâm ấn, như thế mà được, ta cũng như thế mà được, chư huynh đệ thiện tri thức cũng như thế mà được, cho đến hữu tình, vô tình thảy đều cũng như thế mà được. Tỏ ngộ pháp tánh vốn rỗng lặng, chỉ trí chứng biết, nói năng chẳng kịp, tâm ấn như như, xưa nay một lý, người thấu suốt đồng như vậy. Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, ngàn muôn Tổ sư đều dùng bốn mắt nhìn nhau, thầm trao tâm ấn mà truyền y thừa tiếp làm Tổ, mồi đèn tiếp lửa, nối Tổ truyền tông. Chính kinh Lăng Già là tâm ấn của Như Lai hiển lộ ở quyển hai. Bốn mắt nhìn nhau, Sơ Tổ Đạt-ma vượt biển đem đến. Người học về sau có nghi ngờ, hãy quán rõ thật chứng.

Ngài nói Phật Tổ từ trước cho đến sau, đời đời tiếp nối đều nhìn nhau mà ngộ được truyền tâm ấn. Tất cả mọi người nếu ai ngộ đạo cũng được truyền tâm ấn như thế. Tuy nhiên tỏ ngộ Pháp tánh rỗng lặng thì chỉ có trí chứng biết, chỗ đó ngôn ngữ chẳng nói đến được, tâm ấn vốn là như như, xưa nay chỉ có một lý, người thấu suốt thì đồng như nhau không khác. Ngài dẫn Ngũ Đăng Hội Nguyên nói rằng Tổ sư đều dùng bốn mắt nhìn nhau thầm trao tâm ấn, truyền y bát để kế thừa Tổ vị, chính kinh Lăng Già là tâm ấn của Như Lai, nó hiển lộ ở quyển hai. Bốn mắt nhìn nhau là do Sơ Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ vượt biển đem truyền sang Trung Hoa. Ngài đã dẫn chứng nguồn gốc của sự truyền thừa rõ ràng như vậy, nếu người sau có nghi ngờ nên lấy sự thật chứng mà quán xét thì rõ ràng hơn.

Chân Nguyên kính vâng theo, mở mang tâm tông của Phật. Kinh nói: "Chẳng phải bậc Đại Thánh vô cớ mà mở ra giáo pháp, bởi có duyên từ xưa mới có thể tỏ ngộ tông chỉ. Ai là người hội được tâm tông, thật chính là con Phật, mồi đèn nối pháp, tiếp độ quần sanh, diệu tâm Niết-bàn, đại ấn vô tướng".

Đây là lời nói tha thiết xuất phát từ tấm lòng chân thành của ngài Chân Nguyên, Ngài kính vâng theo những gì mà người xưa đã dạy, đã làm để mở mang Phật tâm tông. Tông là tông chỉ, mà tông chỉ của Thiền là tâm, cho nên nói là truyền Phật tâm tông. Người tu Thiền là trở về bản tâm của mình, ngộ ngay nơi tâm, không tìm kiếm cái gì ngoài tâm. Ai ngộ được tâm là con của Phật, mồi đèn chánh pháp để tiếp độ quần sanh, đó gọi là diệu tâm Niết-bàn đại ấn, là cái ấn lớn không tướng mạo.

*


(1) Bản này là chữ miên, nếu dịch chung ngủ thì khó hiểu, nên dịch là chung nhà, tức là chung một chỗ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn