● 24/05/96 - 30/05/96

30 Tháng Mười 201000:00(Xem: 24366)

DUY LỰC NGỮ LỤC
QUYỂN HẠ
(Từ năm 1992-1999) 
Hòa Thượng Thích Duy Lực
Nhà xuất bản Tôn Giáo – Hà Nội 2001

20.

24/05/96 – 30/05/96 tại Trường Cơ Bản Phật Học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


Hỏi: trước đây con học trong Duy Thức dạy rằng: Khi lục căn tiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức phân biệt. Nay trong Kinh Lăng Nghiêm lại nói “Lục nhập vốn vô sanh”, vậy nghĩa ấy như thế nào?

Đáp: Quí vị suốt ngày tụng Bát Nhã Tâm Kinh, trong kinh nói “Vô lục căn, lục trần, lục thức …” chữ VÔ này chẳng phải không có, chỉ là chẳng thật. Lục căn, lục trần đã chẳng thật thì sanh ra lục thức cũng chẳng thật.

Tại sao Lục căn, lục trần, lục thức chẳng thật? Kinh Lăng Nghiêm giải thích rất rõ, chứng tỏ đó chỉ là ý thức phân biệt, là ảo tưởng, chẳng có thực tế.

Lời nói của Phật là muốn chúng ta phải ngộ, ví dụ Tâm Kinh nói “vô lão tử,”, nhưng theo sự hiểu biết của mình thì rõ ràng có già có chết, điều đó khiến chúng ta phải phát nghi, từ nghi mới được ngộ, ngộ rồi mới biết vốn là vô sanh. Cho nên, người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn. Tịnh Độ gọi “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”, phải ngộ đến vô sanh mới là cùng tột.

Nay quí vị nghe tôi nói vô sanh, ấy là nhận biết theo lời nói, còn Đức Phật muốn chúng ta phải ngộ tự tâm, chứ lời nói là nghịch với thực tế. Như ngài Long Thọ nói “Hư không vô sở hữu mà dung nạp tất cả vật”, Đã vô sở hữu thì làm sao có hư không? Chẳng có hư không thì làm sao dung nạp mà nói dung nạp tất cả? Nhưng thực tế là vậy.

Vì chúng ta chấp vào sự hiểu biết của bộ não, nghịch với thực tế nên không được giải thoát, do đó Đức Phật mới khổ tâm dùng đủ thứ phương tiện khiến ngộ nhập thực tế, ngộ được thực tế gọi là kiến tánh thành Phật, lúc đó giải quyết được tất cả.

Hỏi: Chư Tổ buông xả hết tất cả, dán chữ tử trên trán, còn chúng con là người thế gian, vướng bận việc gia đình, vậy phải làm sao?

Đáp: Nói Chư Tổ buông xả là buông xả cái gì? Có cái gì để buông xả? Tổ nào buông xả? Ấy là tự làm tài khôn bày đặt ra. Có một bài kệ:

 Đài nam tỉnh tọa một lư hương,

 Suốt ngày trong lặng muôn lự quên.

 Chẳng phải lắng tâm trừ vọng tưởng,

 Chỉ vì chẳng việc để suy lường.

Nay chúng ta cứ suy nghĩ việc này việc kia, tự cho rằng vọng tưởng mình cũng bỏ, tham sân si mình cũng bỏ v.v... hễ chẳng việc để suy lường thì có gì để buông bỏ?

(Sư phụ đã kể qua sự ngộ của Thiền sư Hương Nghiêm, xem trang 232 ở quyển Thượng).

Ngài Hương Nghiêm sau khi ngộ nói ra một bài kệ:

 Tiếng trúc quên sở tri,

 Lại chẳng nhờ tu trì.

 Lối xưa hoát nhiên tuyệt,

 Mà chẳng đọa mặc nhiên.

Sự hiểu biết từ xưa nay nhờ tiếng trúc ấy khiến quên hết sở tri, mặc dầu quên mà chẳng trụ nơi không còn, nên gọi “chẳng đọa nơi mặc nhiên”.

Hỏi: vậy con còn vướng bận giệc gia đình, chưa thể tu đến nơi đến chốn, bỏ thân kiếp này, kiếp sau có nhớ đường quay về không?

Đáp: Nếu tu đúng theo chánh pháp, gieo được chánh nhân thì chánh quả sẽ đến, chẳng kể tại gia xuất gia. Trong lịch sử Thiền Tông, người tại gia kiến tánh rất nhiều, nhà vua, Thừa tướng, người tay bưng vai gánh v.v... kiến tánh rồi công việc vẫn y như cũ, nhà vua vẫn làm vua, Thừa tướng vẫn là Thừa tướng.

Hỏi: Đốt giấy tiền vàng bạc để cầu siêu cho người quá cố có lợi ích gì?

Đáp: Đốt những thứ ấy cho người quá cố là hại cho người ấy. Tại sao” Vi mục đích cầu siêu là muốn người quá cố được lên chứ chẳng phải là đọa, nếu được đầu thai lên cõi Người hay cõi Trời thì đâu cần mấy thứ đó!

Hỏi: Hai thời công phu nhật tụng do ai soạn ra? Để làm gì?

Đáp: Hai thời công phu là do Pháp sư Đạo An đời nhà Tấn lập ra. Ngài là một vị cao tăng, Pháp sư Huệ Viễn, Sơ tổ tông Tịnh Độ là đệ tử của ngài.

Do ngài thấy người xuất gia lúc bấy giờ dù mang danh nghĩa tu sĩ mà không có sự tu tập, nên lập ra và qui định đại chúng phải tu theo thời khóa, mỗi thời kinh tụng trong hai giờ đồng hồ. Tụng kinh là để tu chứ chẳng phải tụng cho Phật nghe, do đó tất cả chúng trong chùa phải tham gia.

Ngài Đế Nhàn có mở lớp Phật học, tất cả tăng sinh đều phải tu tập để tu. Tu như thế nào? Ấy là tùy duyên quán tưởng, vừa tụng vừa quán, nên phải đúng hai tiếng đồng hồ. Thời nay đa số là tụng cho Phật nghe, chỉ bốn mươi phút là xong! Thật ra, kinh là do Phật dạy cho chúng ta tu, chứ đâu cần tụng lại cho Phật nghe?! Lại nữa, nhiều người đem áp dụng trong việc cầu an cầu siêu, lợi dụng kinh nhật tụng làm việc khác chứ chẳng phải tu, ấy là sái với mục đích của Pháp sư Đạo An.

Hỏi: Vậy thì đối với Chú Lăng Nghiêm, chúng con chẳng biết thì làm sao quán?

Đáp: Mục đích của câu chú là muốn chúng ta không biết, vì sự biết hay khiến tâm tán loạn, cho nên câu thần chú là không giải thích. Lúc tụng, vì không biết nên có thể lắng tâm lại, cũng như pháp tham Tổ Sư Thiền là dùng cái không biết để chấm dứt tất cả biết, chứ chẳng phải để hiểu, hiểu là sai lầm.

Hỏi: Thế nào là trong khi tụng kinh có tự lực cũng có tha lực?

Đáp: Tha lực là thầy Bổn sư nuôi dạy mình, bạn đồng tu khuyến khích nhau, đàn na tín thí cúng dường, mọi thứ cho mình để tu … ấy là tha lực. Tự lực là nhân, tha lực là duyên, nhân duyên hòa hợp mới thành.

Hỏi: Mỗi lần tụng kinh, chúng con đều hướng về tượng Phật mà lạy, nếu nói như Hòa thượng thì chúng con không cần lạy tượng Phật phải không?

Đáp: Không phải. Về vấn đề lạy Phật trong Thiền Tông có hai câu chuyện như sau:

Có một Sa di kia chấp rằng tượng Phật là gỗ, đất, không cần lạy, ngài Huỳnh Bá muốn phá chấp của Sa di nên thành kính lạy Phật, Sa di nói:

- Tượng Phật là gỗ mà, lạy làm chi!

Ngài cho một bạt tai. Sa di sau đó trở thành nhà vua.

Còn đệ tử của Huỳnh Bá là Thiền sư Lâm Tế, muốn phá chấp nhất định phải lạy Phật của Viện chủ. Khi ngài lâm Tế đến, viện chủ hỏi:

- Lạy Phật trước hay lạy Tổ trước?

- Phật cũng chẳng lạy, Tổ cũng chẳng lạy.

Cho nên, lạy Phật cũng là phá chấp, không lạy Phật cũng là phá chấp, ý vốn chẳng khác.

Hỏi: Bổn lai vốn thanh tịnh, lý do nào trở thành chúng sinh?

Đáp: Bởi bệnh chấp thật nên trở thành chúng sinh.

Hỏi: Thế nào là vô tình thuyết pháp hữu tình nghe?

Đáp: Ai đã từng nghe vô tình thuyết pháp? Chính người hỏi có nghe qua chưa?

Hỏi: Thế nào là nghi tình? Nghi tình là nghi cái gì?

Đáp: Nghi tình không biết là cái gì mới gọi là nghi tình, nếu biết nghi cái gì thì đâu phải là nghi tình!

Hỏi: Nếu nghi không được thì có được cái gì đâu?

Đáp: Thì đâu có được cái gì! Cuối cùng tu đến kiến tánh thành Phật mới biết chẳng có Phật để thành, vô tu vô chứng, có đắc cái gì đâu! Do ông muốn đắc nên có câu hỏi này.

Hỏi: Tiểu nghi tiểu ngộ, đại nghi đại ngộ, là ngộ cái gì?

Đáp: Đã nói chẳng phải ngộ cái gì. Nếu có cái gì để ngộ thì chẳng phải rồi.

Hỏi: Thế thì nói NGỘ để làm chi?

Đáp: Ông ăn cơm để làm gì? Mặc áo để làm gì?

- …

- Hãy trả lời đi.

- Bạch Sư phụ, trả lời không được, khó trả lời lắm.

- Ông hỏi đại ngộ là ngộ cái gì, nay tôi kể qua câu chuyện về đại ngộ.

Ở trong Thiền hội, Trụ trì là người đã kiến tánh. Vào một đêm khuya, một vị Tăng hô to:

- Ta đã ngộ rồi, ta đã ngộ rồi!

Sáng ra, Trụ trì thăng tòa hỏi:

- Đêm hôm vị nào la lớn rằng đã đại ngộ? Hãy bước ra đây.

Vị Tăng bước ra đảnh lễ, ngài hỏi:

- Ông đã đại ngộ, thấy gì?

Đáp: Sư cô vốn là người nữ.

Ngài Trụ trì mỉm cười, gật đầu ấn khả.

Theo sự hiểu biết của quí vị, sư cô vốn là người nữ, chuyện đó ai mà chẳng biết, tại sao ngài trụ trì lại ấn khả cho sự ngộ?

Lại nữa, ở Thiền hội của ngài Đại Huệ có Thiền sư Khiêm tham hai mươi năm chẳng thấy gì, nhưng ngài biết công phu của Thiền sư sắp chín mùi, nên sai Thiền sư đến kinh thành đưa thư cho Ngụy Quốc Công, một cư sĩ có chức vị Công tước đã kiến tánh.

Thiền sư nghĩ: Tôi tham thiền hai mươi năm, ngày đêm công phu chẳng gián đoạn mà chưa thấy gì, nay lại phải đi đưa thư, thật là chướng ngại.

Mặc dầu trong lòng không muồn đi nhưng chẳng dám nói. Thiền sư Di Quang là bạn đồng tham, cũng là người kiến tánh, biết nhân duyên của Thiền sư Khiêm sắp kiến tánh nên phát tâm cùng đi để hỗ trợ.

Dọc đường, Thiền sư Di Quang nói:

- Tất cả việc trong suốt lộ trình tôi đều giúp ông, duy chỉ có năm việc là tôi chẳng giúp được.

- Năm việc gì?

- Ăn cơm, mặc áo, tiêu, tiểu và kéo tử thi đi trên đường.

Ngài nghe xong liền ngộ, nên Thiền sư Di Quang để cho ngài một mình đi tiếp, đến kinh thành gặp Ngụy Quốc Công và giao thư.

Bà mẹ của Ngụy Quốc Công suốt ngày ăn chay tụng kinh niệm Phật, ông muốn khuyên mẹ bỏ pháp môn niệm Phật, chuyển qua tham Thiền để sớm được giải thoát, nhưng bà mẹ không nghe, ông nhờ Thiền sư ở lại để độ cho người mẹ. Do có nhân duyên với bà nên bà vâng lời, tu không bao lâu cũng được ngộ.

Đó, câu chuyện đại ngộ tôi kể ra, mà có biết gì đâu? Việc này phải tự mình ngộ, chứ chẳng thể dùng sự suy nghĩ đoán mò được.

Hỏi: Nói đến Phật pháp, là Phật có trước hay pháp có trước? Nếu nói pháp có trước, ấy là do Phật nào thuyết? Nếu nói Phật có trước thì nương nơi pháp nào được thành tựu?

Đáp: Tại ngươi hỏi bệnh chấp quá nặng, Đức Phật đã nói vô thỉ vô sanh thì làm sao Phật bắt đầu trước hay pháp bắt đầu trước! ấy đã nghịch với Phật pháp rồi!

Đã chẳng có sự sanh khởi thì làm sao có sự bắt đầu? Bất cứ cái gì, con gà cũng không thể bắt đầu trước, trứng gà cũng không thể bắt đầu trước, chứ chẳng phải chỉ có Phật pháp. Nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, đã ngộ pháp vô sanh thì làm sao có thể truy cứu sự bắt đầu?

Hỏi: Nghi lễ Tổ Sư Thiền đối với người lâm chung như thế nào?

Đáp: Về lễ nghi cho người lâm chung bên Tịnh Độ là tụng kinh niệm Phật để được vãng sanh, nay tôi kể một câu chuyện về nghi lễ của Tổ Sư Thiền được ghi trong Truyền Đăng Lục.

Thiền tông Trung Quốc chia làm năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Vân Môn và Qui Ngưỡng, trong đó phái Lâm Tế hưng thịnh nhất và tiết ra hai phái xuất sắc, ấy là Huỳnh Long và Dương Kỳ.

Câu chuyện này xảy ra ở phái Huỳnh Long: Khi Thiền sư Hồi Đường tịch, đem đi hỏa táng, lúc đầu mời vị trưởng lão ra làm lễ cử hỏa nhưng đốt không cháy. Sau mời các vị khác cũng đốt không cháy, cuối cùng mời đệ tử ruột của ngài là Thiền sư Tử Tâm ra cử hỏa. Đáng lẽ đệ tử không được cử hỏa cho thầy, nhưng vì người khác không hữu hiệu, nên phải chọn Thiền sư.

Trước khi thiêu, Thiền sư nói ra bốn câu kệ:

 Xưa nay tai họa liên lụy tôi,

 Tội ác tày trời đáng tru di

 Hiện nay hai chân duỗi thẳng rồi,

 Chẳng làm con trâu thì làm lừa. Thiêu!

Nói xong là cháy liền.

Thời xưa khi phạm trọng tội, vua ban tru di tam tộc tức ba đời cha mẹ, con và cháu, những người có liên quan đều chém hết, còn tru di cửu tộc thì gồm những ai có liên hệ đến bốn đời trên và bốn đời dưới của người phạm tội là chém hết.

Theo người thường thì nói vậy đâu được, phải không?

Hỏi: Nhất niệm vô minh có tương ưng với chủng tử hiện hành không?

Đáp: Nhất niệm vô minh tức là chủng tử: Nổi một niệm ác, một niệm thiện đều là chủng tử, cuộc sống hằng ngày của chúng ta từ niệm này qua niệm khác ngày đêm chẳng ngừng, đều sống trong nhất niệm vô minh, dẫu cho ngủ mê cũng vậy. Cho nên, khi ngủ thì nhất niệm vô minh tạo ra nhắm mắt chiêm bao, lúc thức tạo ra mở mắt chiêm bao, chẳng những lúc sống chẳng ngừng, lúc chết cũng chẳng ngừng, đến khi nào kiến tánh triệt để mới thôi.

Con người có tám thức. Tiền ngũ thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, thức thứ sáu là Ý thức, thức thứ bảy Mạt nao thức, thức thứ tám Tạng thức. Sáu thức trước do ý thức lãnh đạo, hễ nổi niệm thiện thì có chủng tử thiện, được thức thứ bảy chuyển vào Tạng thức; nổi một niệm ác cũng được thức thứ bảy chuyển vào Tạng thức. Tạng thức chứa chủng tử thiện, ác, vô ký … khi nhân duyên chín mùi, lại được thức thứ bảy chuyển ra ngoài, giao ý thức lãnh đạo tiền ngũ thức thi hành, gọi là chủng tử hiện hành. (Sư phụ đã giải thích về tám thức. Lược qua).

Hỏi: Nhờ tham thoại đầu quét sạch tập khí, như vậy A lại da thức chuyển thành Bạch tịnh thức, phải không? Đến đây, Bạch tịnh thức tương ưng như thoại đầu chưa?

Đáp: A lại da là Tạng thức, chỉ là cái kho thôi, Bạch tịnh thức là chưa có thiện ác nào, nay đã có chủng tử thiện ác chứa ở trong kho thì không phải.

Hỏi: Đến đây Bạch tịnh thức có tương ưng với đầu sào trăm thước không?

Đáp: Tịnh là trong sạch chẳng ô nhiễm. gọi Bạch tịnh thức là chưa có nghiệp nhân nào cả, chẳng có chủng tử thiện ác, hay vô ký, tất cả chủng tử đều không có. Cái đó là sau khi kiến tánh, tập khí phiền não đều hết sạch. Bây giờ trong A lại da thức của mình chứa đủ thứ chủng tử nên chẳng phải.

Hỏi: Hòa thượng nói tụng kinh chẳng thể siêu thoát, lại nói bốn người cư sĩ cũng là Tăng, và vấn đề tự qui y Tam Bảo … Người Phật tử qui y Phật, Pháp, Tăng ở chỗ nào? Con thấy người thế gian vẫn còn bận bịu gia quyến sự nghiệp, làm sao tu bằng người xuất gia?

Đáp: Nói đến vấn đề tự qui y, quí vị tụng kinh có câu “Qui y Đại thừa thường trụ Tam Bảo”, tượng Phật thay cho Phật Bảo, kinh sách thay cho Pháp Bảo, Tăng Ni thay cho Tăng Bảo, nhờ sự giáo hóa của thường trụ Tam Bảo, tu hành đúng theo chánh pháp, mới ngộ được tự tánh Tam Bảo. Tự tánh mình cũng đầy đủ Tam Bảo, nên ngài Lục Tổ nói: “Tự qui y Phật, tự qui y Pháp, tự qui y Tăng”.

Về vấn đề tụng kinh: Kinh là lời Phật dạy, cho chúng ta tu, Giáo môn tụng kinh là để nghe Phật thuyết pháp, tùy kinh quán tưởng, theo pháp đó tu hành. Chứ kinh sách chẳng có công năng độ người sống, cũng chẳng có công năng độ người chết; nếu có công năng đó thì tụng cũng độ người được, chỉ cần biết mặt chữ là biết tụng kinh rồi!

Hành giả nghe kinh rồi phải thực hành theo mới đạt đến kết quả, nếu chỉ có nghe kinh mà không thực hành, lại cho là trong kinh có công năng đặc biệt, hễ nghe là khiến xóa tội được phước, như vậy là xóa bỏ nhân quả, khỏi cần tu, phải không?

Hỏi: Tất cả pháp đều qui về một để đưa chúng con đi về chỗ giải thoát, phải không?

Đáp: Phải. Một là một tâm, nói chung là tâm. Vạn pháp duy tâm, phàm tất cả kinh Phật đều hiển bày tâm này, chư Tổ cũng là hiển bày tâm này. Con người mỗi mỗi đều có cái tâm, tất cả năng lượng xuất phát từ tâm. Ngài Lục Tổ trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói thẳng ra “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, là tâm của ông động”. Do sức của tâm nên gió mới động, phướn mới động, nên nói “nhất thiết duy tâm tạo”.

Hàng tu sĩ đáng lẽ là người hoằng phạm Tam giới; hoằng là hoằng hóa chánh pháp, phạm là mô phạm, tức làm mô phạm cho Tam giới. Tam giới gồm Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Cõi người là Dục giới, Cõi Trời có sáu lớp thuộc Dục giới, muời tám lớp thuộc Sắc giới, bốn lớp thuộc Vô sắc giới, tổng cộng hai mươi tám lớp đều nhờ con người làm mô phạm, nhờ con người hoằng dương chánh pháp.

Tất cả người xuất gia đèu có bổn phận hoằng pháp lợi sanh, làm mô phạm cho Tam giới, phải theo lời Phật dạy, phải tin ở sức của tâm. Nhưng ngày nay chẳng những không nghe lời Phật dạy, cũng chẳng tin sức của tâm mà lại nhìn nhận sức của lục trần, ấy là nghịch với kinh Phật.

Kinh Kim Cang nói: “Nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, là người hành tà đạo, chẳng được thấy Như Lai”. Bây giờ chấp sắc tướng cho là có công năng, chấp âm thanh cho là có công năng mà chẳng biết công năng ở nơi tự tâm, do tâm của người tụng mới có công năng đó. Nếu nói công năng ở nơi âm thanh thì tụng “cây chổi” cũng có công năng vậy!

Lại nữa, người đời thường cho là tụng danh hiệu Quan Thế Âm thì được tai qua nạn khỏi, được Bồ tát đến cứu; còn niệm “Nam mô A Di Đà Phật” sẽ được vãng sanh, kỳ thật chẳng phải vậy. Nay tôi kể một câu chuyện:

Đời nhà Minh Trung Quốc, có dân làng tạo phản, vua sai tướng lãnh binh dẹp loạn, dọc đường bắt được bốn mươi người, định giải về doanh trại xử chém.

Trên đường giải về, đi ngang qua một ngôi chùa và nghỉ chân tại đó. Trong số bốn mươi người có hai người thấy một vị Sư đang kinh hành, oai nghi trang nghiêm, bèn xin Đại sư cứu mạng Sư nói:

- Tôi chẳng có sức cứu các anh, nhưng tôi dạy các anh một cách tự cứu, ngay từ bây giờ hãy niệm “Nam mô A Di Đà Phật” đi!

Chưa nói dứt lời thì đoàn người phải lên đường đi ngay, hai người kia xưa nay chưa từng niệm Phật, chỉ nghe người ta nói hai chữ “Mô Phật”, bèn trong tâm niệm “Mô Phật” cho đến khi giải về trại lính. Vị tướng cũng chẳng thèm xét hỏi, hạ lệnh chém hết. Khi hành quyết hết ba mươi tám người, còn lại hai người kia, thình lình Tướng kêu lên hỏi:

- Tại sao các ngươi dám làm phản?

Hai người liền kêu oan rằng “Chúng tôi là dân thường, vào rừng đốn củi, chứ có tạo phản đâu?

Tướng nghe vậy, cho thả về.

Cho nên, hễ niệm đến nhất tâm thì sức dụng hiện ra, là tự tâm tự cứu, chẳng phải hai tiếng “Mô Phật” kia cứu.

Hỏi: Con là người xuất gia, được nhiều thí chủ cúng dường, con xài không hết, thấy cha mẹ túng thiếu nên đem tiền của thí chủ cho cha mẹ, vậy có nhân quả gì?

Đáp: Thì chính mình và cha mẹ phải trả nợ thí chủ, ấy là hại cho cha mẹ. Đem tiền cúng dường của mười phương cho cha mẹ, sao không đem cho cha mẹ của người khác? Sao không đem cho những người cần hơn?

Hễ cha mẹ thọ nhận tiền của cúng dường phải trả nợ, ăn cục thịt trả cục thịt, giết một mạng trả một mạng, thiếu đồng xu trả đồng xu, nhưng người tu sĩ đó phải trả nhiều hơn. Tại sao? Vì thí chủ cúng dường trong Phật pháp, một đồng có thể được quả báo mấy mươi đồng, cũng như gieo một hạt lúa có thể sanh nhiều hạt lúa, nên tu sĩ nhận một phải phải trả mấy mươi, mấy trăm, còn cha mẹ chỉ nhận một trả một mà thôi.

Hỏi: Trong Luật Tỳ Ni dạy: Phật chế giới luật, Tỳ kheo phải học giới luật xong, sau đó mới thính giáo tham thiền. Như vậy, có những người mới xuất gia, chưa học qua giới luật mà học pháp tham thiền, có sái với giới luật không?

Đáp: Đã thọ giới, hễ có phạm thì phải chịu tội phá giới; ví như phạm giới Ba la di phải chịu tội địa ngục chín triệu năm, phạm giới Đột Kiết La phải chịu tội địa ngục mấy trăm ngàn năm, nếu qua sự sám hối thì phá giới được miễn, ấy tùy thuộc phạm giới hay phá giới.

Trong giới luật có khai, giá, trì, phạm. Người học giới luật nhất là Tỳ kheo, phải thông suốt hai bộ luật Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, và phải biết thế nào là khai, giá, trì, phạm, nếu không thì làm sao dạy Tỳ kheo ni? Những người thọ giới mà không biết giới, không phạm giới thì đâu bị tội phạm giới? Những người đã học giới lại phạm giới thì phải chịu tội phá giới, ấy là tùy thuộc theo trì và phạm.

Sự truyền giới ở Trung Quốc phải trải qua năm mươi ba ngày, vì trong giới có một trăm điều sau cùng thuộc giới oai nghi, một trăm điều này mặc dầu gọi là Giá giới, chẳng có tội nhân quả, nhưng hễ phạm là mắc tội phá giới. Cho nên, khi đi thọ giới phải học từng điều một, như tôi đi thọ giới Tỳ kheo, phải học ngày đêm về bốn Ba la di, mười ba Tăng tàn v.v... rồi phải học oai nghi cho đúng, giới luật oai nghi đều qua sự học và được giảng dạy rất kỹ. Lại nữa, theo qui định, thọ giới xong phải vào học Giới đàn, thực tập ba năm, chứ chẳng phải như ở đây chỉ học trong ba ngày hoặc một tuần.

Nay tự mình có học qua cũng còn không biết, lại đi chỉ trích người không có học … Tôi từng hỏi mấy vị đã học giới luật, nhiều người luôn cả giới luật của tỳ kheo còn chưa biết, làm sao dạy Tỳ kheo ni! Cho dù đã học qua, nếu không nắm rõ, khai, giá, trì, phạm thì làm sao xử? Thế nào là có phạm? Thế nào là không phạm? Ấy là việc vi tế?

Tất cả pháp đều do tâm, hễ tâm thông suốt thì kinh cũng thông suốt, giới cũng thông suốt, tất cả đều thông suốt, chứ đừng có chỉ trích Tổ Sư Thiền, chớ đem sự hiểu biết ít ỏi của mình đi phê bình cái này cái kia, hễ biết đến đâu thì thực hành đến đó vậy!

Hỏi: Con thấy hiện nay một số người học pháp Tổ Sư Thiền chưa biết gì, rồi đi mở đạo tràng truyền bá pháp môn này, những người đó có tội không?

Đáp: Tất nhiên có! Ây là lỗi của cá nhân chứ không được đổ lỗi cho pháp, vì pháp này là do Phật Thích Ca truyền lại, pháp là pháp. Ví như đi thọ giới, học giới, phạm giới, rồi đổ thừa tại giới đó! Ấy là do người phạm không chịu thực hành theo giới, chứ đâu thể đổ thừa giới luật, phải không? Ví như có một ông Tú tài kia phạm lỗi, rồi đem chỉ trích nhà Nho; một Tỳ kheo phạm lỗi, đâu phải lỗi của tất cả Tỳ kheo? Một tín đồ Phật giáo làm sai, mà chỉ trích Phật giáo là sai, vậy có được không?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2016(Xem: 6903)
Nếu bạn hỏi tôi giải thích cái mà bạn gọi là đốn ngộ (satori-événement) và bảo tôi lý giải giữa hằng giác (satori-état) và đốn ngộ, tôi sẽ nói rằng: “Mỗi người chúng ta, không có trường hợp ngoại lệ - mọi chúng sanh và ngay cả mọi loài hữu tình – đều ở trong hằng giác.
11 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6640)
Thiền là gì? Để trả lời câu hỏi này, ngôn từ không phải bao giờ cũng cần thiết hay hoàn toàn thích đáng. Người ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách giơ ngón tay lên hay đập nắm tay xuống bàn hay chỉ bằng cách cứ im lặng. Đây là những câu đáp không lời cho câu hỏi “Thiền là gì?”, đây là biểu lộ chân thực của những gì trú ẩn sâu kín vượt ngoài ngôn từ và sự phân tích có tính cách lý trí.
29 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5787)
Trong thế giới vật lý, ngọc quý là vật do thiên nhiên tạo hóa, hiếm có, và vì thế có giá trị ở mặt đồng tiền, thẩm mỹ và quý hiếm. Song, những việc thuộc thế giới vật lý dù có giá trị đến đâu cũng có giới hạng của chúng ở trong vòng tương đối.
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7336)
Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết hay một quan niệm thuộc về tri thức. Thiền cũng không phải là nền triết học với những hệ thống luận lý mang tính chủ quan của vỏ não; cũng không phải là ngành khoa học với những cơ cấu lập trình và máy móc phức tạp.
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7867)
Đại sư Lục tổ Huệ Năng là một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sử tích của ngài mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyển kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, nhưng những mẫu truyện huyền hoặc về cuμc đời ngài thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.
08 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6707)
Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản. Hara ở ven Vịnh, nhìn ra Thái Bình Dương, gần núi Phú Sĩ.
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7208)
Phải chăng trường đời là nơi tranh danh đoạt lợi, hay chính là do mầm tham ái ở tại lòng mình mới là động cơ sinh ra mọi sự? Chính cái tình thức của ta bị chia chẻ manh mún bởi sự lộng hành vô độ của dục ái, đã đẩy đưa ta lang thang từ vạn kiếp luân hồi với bao khổ lụy bi ai.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 9832)
Khi tập ngồi thiền, ban đầu cần phải sổ tức (đếm hơi thở). Thời gian sau thuần thục rồi đến tùy tức, sau đó tri vọng, biết là chơn tâm… Cá nhân quý thầy kinh nghiệm, sổ tức là một pháp quán căn bản rất cần thiết cho một người bắt đầu tập ngồi thiền.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 9957)
Lối vào đạo thì nhiều, nhưng đường vào thiền thì không cửa, miễn sao nhận ra và sống về tự tánh vốn tự sáng tịnh nơi chính mình thì khế hợp thiền. Bởi nhắm thẳng tự tánh mà không câu nệ kẹt trên phương tiện, nên thiền tuy có phương pháp mà không thành phương một phương pháp cố định.