● 15/05/99 - 21/05/99

30 Tháng Mười 201000:00(Xem: 24230)

DUY LỰC NGỮ LỤC
QUYỂN HẠ
(Từ năm 1992-1999) 
Hòa Thượng Thích Duy Lực
Nhà xuất bản Tôn Giáo – Hà Nội 2001

27.

15/05/99 - 21/05/99 tại Chùa Hưng Phước, Quận 3


Hỏi: Tâm viên ý mã ẩn dụ như thế nào?

Đáp: Như con khỉ ở trên cây nhảy qua nhảy lại, con ngựa hay chạy, không bao giờ dừng nghỉ. Tâm của mình cũng vậy, suốt ngày nổi từ niệm này sang niệm khác, cứ suy nghĩ liên tục không bao giờ ngưng, nên gọi tâm viên ý mã. Trong Phật học gọi nhất niệm vô minh, ban đêm hoạt động gọi là nhắm mắt chiêm bao, ban ngày hoạt động là mở mắt chiêm bao.

Hỏi: Vừa hỏi vừa nhìn song song với nhau, vậy nhìn vào câu hỏi hay nhìn chỗ không biết mới đúng?

Đáp: Câu thoại đầu chỉ là kích thích niệm không biết, chẳng phải nhìn vào câu thoại đầu, nhưng hỏi với nhìn phải cùng một lượt, chẳng có trước sau, hỏi và nhìn cùng một tâm đồng thời hai thứ, hai thứ không gián đoạn đều một lượt. Ví như muốn ba thứ một lượt cũng được: như cái đồng hồ này, kim giờ, kim phút kim giây, ba kim cùng chạy không gián đoạn.

Hỏi: Phật cao nhất xích. ma cao nhất trượng, nghĩa này như thế nào?

Đáp: Thuốc là dùng để trị bệnh, Phật pháp là trị bệnh chấp ngã, nhưng nhiều người không biết, ví như học ở Phật Học Viện, sơ cấp rồi lên trung cấp, đến cao đẳng, theo chánh pháp phải phá ngã chấp mới đúng, thực tế thì chẳng phải vậy:

Lúc học sơ cấp cái ngã còn nhỏ, học hết trung cấp thì cái ngã lớn hơn, đến cao đẳng thì ngã càng lớn, cho là mình biết nhiều, tức học đến cao chừng nào ngã to chừng nấy, cho là thông suốt giáo lý, thuyết pháp độ sanh, tăng cường ngã chấp, cứ cho ta là thuyết pháp, các ngươi là người nghe pháp, lại cho ta là cao nhất, ta biết còn các ngươi không biết, đó chính là cái ngã, ngã là ma. Vì không ngộ được bản giác trong sạch, hễ hiểu được một thì ngã chấp tăng lên mười. Cho nên nói Phật cao một xích, ma cao một trượng là vậy.

Hỏi: Tánh hung ác, tánh không chân thật, tánh tham lam ... vậy tánh nào là chơn tánh của các tánh trên? Và có khác với tánh thấy tánh nghe không?

Đáp: Tất cả đều là vọng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chơn với vọng là hai thứ vọng”, phàm có tương đối đều là vọng, hễ có thể dùng lục căn nhận biết là vọng.

Hỏi: Nói có tâm độc ác, tâm tham, tâm thiện v.v... các tâm ấy đều là vọng tâm. Còn chơn tâm trước sau đều không khởi, có phải là chơn không?

Đáp: Chơn với vọng là hai thứ vọng, còn thực tế thì chẳng đối đãi, chẳng có chơn với giả, chẳng có chơn với vọng, gọi là tự tánh bất nhị hay thật tướng vô tướng. Chẳng phải chấp vào một bên mà nói vô tướng, tức hữu tướng cũng vô, vô tướng cũng vô. Nói thật tướng là để phá vô tướng và hữu tướng, nếu chấp thật cái hữu tướng là biên kiến, chấp thật vô tướng cũng vậy.

Hỏi: Bát thức chuyển thành tứ trí, chỉ dùng tên gọi chẳng chân thật, nghĩa là chỉ chuyển cái tên mà cái thể chẳng thể chuyển. Vậy bản lai diện mục của vô thỉ vô minh và bản lai diện mục của Phật tánh giống nhau không?

Đáp: Chuyển bát thức thành tứ trí, trong Kinh Pháp Bảo Đàn có tám câu kệ:

Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,

Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh.

Diệu quán sát trí chẳng tác ý,

Thành sở tác trí đồng viên cảnh.

Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển

Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh.

Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc,

Ở chỗ náo động cũng đại định.

Lược giải:

1 / Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh: Thức thứ tám chuyển thành trí như gương tròn chiếu soi, phổ chiếu vạn pháp, là trí vốn thanh tịnh của bản tánh.

2/ Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh: Thức thứ bảy chấp thức thứ tám là ta. Thức thứ tám là bản thể tất cả pháp thành ô nhiễm, nay chuyển thành Bình đẳng tánh trí, ảnh hưởng thức thử sáu chẳng khởi phân biệt tưởng thì tâm chẳng bệnh.

3/ Diệu quan sát trí chẳng tác ý (Sự thấy của Diệu quan sát trí chẳng cần tác ý): Do sự chấp ngã của thức thứ bảy khiến thức thứ sáu sanh khởi vọng tưởng phân biệt, khi chuyển thành Diệu quan sát trí rồi, dù thấy mà chẳng có tác ý phân biệt, nên gọi chẳng tác ý.

4/ Thành sở tác từ đồng viên cảnh: Tiền ngũ thức duyên theo sự lãnh đạo của thức thứ sáu mà khởi vọng tưởng phân biệt, khi chuyển thành Thành sở tác trí rồi, tức đồng như Đại viên cảnh trí, dù dùng nhưng chẳng tác ý phân biệt.

5/ Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển: Nghĩa là lục và thất trong nhân chuyển, thức thứ sáu là nhân tiệm tu của Giáo môn, thức thứ bảy là nhân đốn ngộ của Thiền môn. Ngũ và bát là trên quả chuyển, vì vọng chấp của thức thứ bảy chuyển thì ngũ và bát cũng chuyển theo.

6/ Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh: Tám thức kể trên chuyển thành tứ trí chỉ là tên gọi, chẳng có tánh thật' nghĩa là chỉ chuyển cái tên, chẳng thể chuyển cái thể vậy.

7/ Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc: Nghĩa là ngay nơi chuyển mà chẳng chấp trước, chẳng chấp thật.

8/ Ở chỗ náo động cũng đại định: Nghĩa là ở chỗ náo động cách mấy cũng đại định, chẳng có nhập định và xuất định, tức là vĩnh viễn ở trong định.

Đây là chuyển tám thức thành tứ trí.

Hỏi: Lục diệu pháp môn có phải tu bước đầu không?

Đáp: Lục diệu pháp môn của thừa nào? Tiểu thừa cũng có Lục diệu. Nếu là Tổ sư Thiền thì khỏi cần diệu, chỉ cần hỏi và nhìn, tức hỏi câu thoại đầu cảm thấy không biết và không đi tìm hiểu là đủ rồi. Khi nào kiến tánh tự nhiên sẽ diệu, nếu chưa kiến tánh có muốn diệu cũng không được.

Hỏi: Hành giả tham Tổ sư thiền có vượt qua 50 thứ ma ngũ ấm không?

Đáp: Tại có chấp ngũ ấm là ta, nên mới có ma ngũ ấm. Điều kiện thứ nhất trong mười điều tham Tổ sư thiền là phá ngã chấp, tức là không có ta, vì không có ta nên vô sở đắc, vô sở cầu và vô sở sợ. Ta còn không có thì ngũ ấm cũng không có, ngũ ấm còn không có thì làm sao có ngũ ấm ma?

Hỏi: Con người có trí khôn hơn các loài động vật, tu hành sẽ thành Phật. Loài động vật nhỏ bé như con kiến, con muỗi, cua, ốc, côn trùng ... với ý thức nhỏ bé có thành Phật không?

Đáp: Thành Phật chẳng phải nhờ trí khôn. Chứng Đạo Ca nói: “Ngoại đạo thông minh chẳng trí tuệ”. Súc sanh muốn thành Phật phải đầu thai thành người. Tức là trong lục đạo ngoài con người ra, các đạo khác chẳng thể thành Phật. Chỉ có người tu theo chánh pháp của Phật mới thành Phật.

Ở ngoài đời, người có trí khôn nhìn hành giả tham thiền thấy giống như khờ ngốc, nhưng nếu hành giả tham thiền đến được giai đoạn khờ ngốc đó mới hy vọng thành Phật, vì giữ công phu tốt mới được như thế.

Hỏi: Hư Vân Lão Hòa thượng thuộc dòng phái nào?

Đáp: Hư Vân Lão Hòa thượng thuộc đòng phái Lâm Tế. Ở Trung Quốc có năm phái thiền là: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Vân Môn, Qui Ngưỡng. Hai phái Lâm Tế, Tào Động còn tiếp tục đến ngày nay, còn ba phái kia tuyệt truyền. Ngài từng muốn ba phái kia được tiếp tục truyền, nhưng rồi cũng không thành.

Hỏi: Lời của Phật không có nghĩa thật, tại sao Hòa thượng dùng lời của Phật để dẫn chứng? Vậy có phải dùng thuốc giả để trị bệnh giả không?

Đáp: Lời của Phật gọi là bất định pháp, chỉ là công cụ để phá chấp, lời của tôi cũng vậy. Tôi cũng bắt chước lời của Phật Thích Ca dùng công cụ để phá chấp thôi, nếu chấp vào công cụ đó thì phật chẳng thể giáo hóa.

 

(Sư phụ đã giảng về Phẩm Phá Hành trong Trung Quán Luận, xem trang 513).

Hỏi: Tam pháp ấn là gì?

Đáp: Là ba pháp ấn của Tiểu thừa, còn Đại thừa chỉ có một pháp ấn là Thật tướng vô tướng, tức chẳng có tướng có, cũng chẳng tướng không. Thật tướng vô tướng là công cụ để phá tương đối.

Hỏi: Làm thế nào công phu được liên tục?

Đáp: Khi tham thiền cảm thấy lười biếng thì ngưng tham, nghĩ lại việc sanh tử của mình: Như nay mình còn sống, không biết giờ nào chết, có khi tối ngủ chết luôn cũng không chừng, chết rồi thì tham thiền đâu được! Nếu sanh tử chưa giải quyết thì phải tiếp tục tu đến khi nào giác ngộ, giải thoát được sanh tử mới thôi.

Cho nên, người phát tâm xuất gia, cũng như phát tâm tham thiền phải có chánh nhân muốn giải thoát sanh tử, có chánh nhân mới có chánh quả. Những người không có chánh nhân, ví như vợ chồng gây gổ rồi đi tu, hay sự nghiệp thất bại rồi bỏ đi tu thì chẳng phải chánh nhân.

Ví như thấy Thiền thất đông người, mình cũng bắt chước tham thiền, chứ chẳng phải vì giải quyết vấn đề sanh tử. Tùy hứng mà tu nên ngài Hư Vân nói: “Năm đầu sơ tham, năm thứ hai lão tham, năm thứ ba thì không tham”. Vì khi hết hứng thú thì không tham.

Hỏi: Trong lúc tu tập thiền định, ngài có gặp những chướng duyên nào?

Đáp: Tu là sửa chướng duyên, chướng duyên là nghiệp giúp cho mình tu, còn thuận duyên có thể hại cho sự tu của mình. Tại sao? Vì thuận duyên khiến mình ham thích thỏa mãn dục vọng, không còn nhớ đến việc tu nữa, còn chướng duyên thì kích thích mài giũa cho mình tu thêm. Cho nên, người tu không sợ chướng duyên mà sợ thuận duyên.

Hỏi: Thiền là gì?

Đáp: Thiền không phải là gì, nếu là gì thì chẳng phải thiền. Thiền là công cụ để dẹp loạn tâm, tức là đình chỉ vọng tâm.

Hỏi: Thế nào là Duy tuệ thị nghiệp?

Đáp: Trí tuệ này chẳng phải trí tuệ của bộ não, mà là Trí tuệ của Phật tánh, gọi là Bát nhã. Trí tuệ của bộ não phải qua suy nghĩ tác ý mới dùng ra được, còn trí tuệ của Bát nhã không qua bộ não suy nghĩ mà là tự động, luôn khắp không gian thời gian. Nay chúng ta học Phật là để phát huy trí của Phật tánh, lấy cái đó để làm sự nghiệp.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 10259)
Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy.
25 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11107)
"BÂY GIỜ ĐẠI THIỀN SƯ đã nhập diệt, chúng ta chỉ còn lại những câu chuyện. Và, may mắn thay, cuốn sách này là hiện thân như ngài còn sống, cho những ai chưa từng có cơ hội gặp được ngài. Qua các trang sách này, nếu bạn lưu tâm suy gẫm và để cho chúng thấm sâu vào tâm hồn bạn, bạn sẽ thực sự thấy ngài trong lời khai thị mà mình không thể bắt chước được và có lẽ quan trọng hơn nhiều, đó là niềm mong mỏi của ngài, bạn sẽ gặp lại chính mình."
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14394)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5939)
Người học Phật, trước tiên cần thấy tính. Thấy tính, không phải là nói về cái có thể nhìn thấy. Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy. Cho nên, nhìn thấy "cái thấy không thể thấy" thì chân tính sẽ hiện ra. Bản tính của cái thấy là vô sinh, nên "cái thấy sinh nẩy" là không có. Cũng không có sự thực hữu của tính, mà cái thấy chân thực thì không thay đổi, cho nên mới nói: thấy tính một cách chân thực.
01 Tháng Mười 2014(Xem: 13327)
Phương pháp của Thiền là cắt đứt con đường nói năng và dập tắt khung trời khái niệm trong đó ý thức cứ tiếp tục tư duy và đi tìm kiếm những ý niệm để cố gắng tìm hiểu thực tại (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Ngôn ngữ đạo đoạn là cắt đứt con đường ngôn ngữ. Tâm hành xứ diệt nghĩa là dập tắt vùng trời của sự suy tư bằng khái niệm, đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có-không, sanh-diệt,…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15434)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 9091)
Từ khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua trung quốc truyền tâm ấn đạo lý giác ngộ theo truyền thuyết thì sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền cho vị đệ tử kế thừa là ngài Thần Quang Huệ Khả bộ kinh Lăng-già tâm ấn. Nhưng phải chờ đến hơn ba trăm năm sau và qua sáu vị Tổ thì đạo giác ngộ mới nở hoa kết trái. Tuy nhiên hạt giống của Tổ Bồ-đề-đạt-ma gieo trên đất Trung Hoa là kinh Lăng-già nhưng nở hoa kết trái lại là kinh Kim cang. Tại sao lại có sừ sai biệt như vậy, dù rằng cả hai bộ kinh đều do Như Lai Thế Tôn thuyết giảng.
27 Tháng Chín 2014(Xem: 13386)
Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyệt vời. Tôi có nhiều cơ duyên với ngài... ngay cả từ thời rất là thơ trẻ, khi còn ở trong nước và khi chỉ mới đọc các bài báo sơ sài về ngài. Đất nước Tây Tạng và vị lãnh đạo này là một thế giới kỳ bí, không chỉ vì xa xôi cách biệt nhưng cũng vì niềm tin của dân tộc này rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
22 Tháng Chín 2014(Xem: 11850)
Quyển Lâm Tế Ngữ Lục song ngữ này được soạn thảo cho lớp Phật pháp tiếng Anh và cho giới trẻ người Việt học Phật. Đây là một phần việc trong chương trình giới thiệu những bản dịch hiện nay về văn bản Thiền cổ điển.
16 Tháng Chín 2014(Xem: 8799)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà.