Chương Hai: Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ

27 Tháng Mười 201000:00(Xem: 21284)

THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn)
Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008

Chương hai: Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ

 

III. Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ
III.1 Lưỡng Đại Bổn Sơn
III.1.1 Tào Động Tông Không Có Tổng Bổn Sơn

Tông Tào Động đặc biệt chỉ có hai Đại Bổn Sơn cũng có lúc gọi là Lưỡng Đại Bổn Sơn hay gọi tắt là Lưỡng Sơn, không gọi là Tổng Bổn Sơn, Biệt Cách Bổn Sơn hoặc Bổn Sơn. Có tất cả 15.000 ngôi chùa thuộc hai Đại Bổn Sơn nầy, cho nên cũng có thể nói rằng chỉ có một Tông Tào Động mà thôi, không có phái riêng như trường hợp của Tịnh Độ Chơn Tông. Tông Tào Động là một Giáo Đoàn lớn đại biểu trong các Tông phái Phật Giáo Nhật Bản, trong khi đó Tịnh Độ Chơn Tông có tất cả 10 phái nhỏ như: phái Otani, phái Honganji, phái Takada v.v... Nếu so sánh với các Tông phái khác, Tông Tào Động dù không có phái song cũng có thể gọi chung là Tông, mà hai Đại Bổn Sơn được xem là trung tâm bậc nhất, có khoảng 15.000 ngôi chùa chung quanh, đặc biệt không chia một phái nào cả.

Hai Đại Bổn Sơn: chùa Vĩnh Bình ở Huyện Fukui, phường Fukuiji và chùa Tổng Trì ở huyện Kanagawa, thành phố Yokokamawa, Hạc Kiến. Nếu Chùa Vĩnh Bình là nơi phát xuất của Tông Môn, là Đại Bổn Sơn có chiều dài lịch sử lâu đời, thì Chùa Tổng Trì chính là nơi phát triển của giáo đoàn, là cơ sở Đại Bổn Sơn vô cùng to lớn.

III.1.2 Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự

Chùa Vĩnh Bình, Đại Bổn Sơn Kiết Tường Sơn của Tông Tào Động tọa lạc ở Ba Đa Dã Nghĩa Trọng, huyện Fukui, quận Yoshida, phố Eheji Chí Tỉ, do Thiền Sư Đạo Nguyên khai sơn vào năm Khoan Nguyên nguyên niên . Thưở ấy, Thiền Sư Đạo Nguyên rời chùa Hưng Thánh, trong rừng sâu của Kyoto ra Việt Tiền (Etsugo), lưu trú tại Chùa Kiết Phong và Chùa Tản Tùng Phong.

Tháng 7, năm Khoan Nguyên thứ hai, Ngài bắt đầu xây dựng Chùa Tản Tùng Phong Đại Phật Tự cho đến tháng 6 năm Khoan Nguyên thứ 4 đổi Đại Phật Tự thành Vĩnh Bình Tự. Tháng 11 năm Bảo Trị thứ 2 đổi Tản Tùng Phong thành Kiết Tường Sơn, bởi vì Thiền Sư Đạo Nguyên cho rằng Vĩnh Bình chính là phương danh truyền thừa chánh pháp thiết thực từ Đức Thích Tôn, từ đó trở thành Tổng Bổn Sơn của Phật Giáo Nhật Bản, một đạo tràng trang nghiêm, lợi lạc và vĩnh cữu của Thiền.

Bao bọc ba bên Chùa Vĩnh Bình là núi. Có con sông nhỏ nước chảy êm đềm trông giống như một cảnh tiên ở phía nam. Vườn chùa rộng khoảng 330.000 mét vuông (100 mẫu), trong đó có tất cả 70 cơ sở, xây dựng khang trang. Mô hình kiến trúc Chùa gồm có Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, Tăng Đường, Khố Viện, Dục Thất, Đông Ty và Thất Đường Già Lam. Ngoài ra còn có Thừa Dương Điện (nơi thờ Thiền Sư Đạo Nguyên), Chúng Liêu (chỗ đọc sách của học Tăng), Tiếp Tân (nguyên thỉ là nơi tiếp khách, bây giờ là nơi cư trú của chư Tăng đến tham học), Bất Lão Các (phòng trụ trì). Ở chùa Vĩnh Bình nơi ở của vị Trụ Trì gọi là Bất Lão Các, Diệu Cao Đài (phòng của vị trụ trì tiếp khách quý), Đại Quang Minh Tạng nơi gặp gỡ của Tín Đồ với vị Trụ Trì. Nơi đây có phòng rộng để thuyết pháp. Tản Tùy Các (phòng rộng để tham bái), Bồ Đề Tọa (chỗ lãnh đạo của vị Tăng, nơi đề xướng việc giảng nghĩa tu hành cho các vị Tăng), Từ Đường Điện (nơi để thờ bài vị của Tín Đồ), Xá Lợi Điện (nơi để cốt của Đàn Tín Đồ), Kiết Tường Các (phòng nghiên cứu tu học của Tín Đồ), Nhứt Hoa Tạng (kho để đồ quý báu), Kinh Tạng (tất cả các Kinh và các Kinh bản Thiên Hải để ở đây), Sắc Sứ Môn ( nơi đón khách, cửa ra vào của vị Trụ Trì). Ngoài ra còn có lầu chuông và những tòa nhà khác nữa. Diện tích toàn ngôi vườn là 450 mẫu. Trải qua lịch sử 700 năm, không biết bao nhiêu lần tang thương tuế nguyệt, hỏa tai, chiến loạn, nhưng ngôi chùa vẫn còn đó như dương cao ngọn pháp đăng bất tuyệt, được 70 đời Trụ Trì. Tại đó, dòng thời gian vẫn trôi qua như mây nước mênh mang lưu ảnh hơn 200 đời sống tu hành phạm hạnh.

Có tấm hoành “Tào Động Tông Đệ Nhất Đạo Tràng”, do Thiên Hoàng Hậu Viên Dung thời Bắc Triều đời thứ 5 , sắc chỉ, treo trên lầu của Sơn Môn (Tam Quan). Huy hiệu của chùa là Thế Long Đảm cũng là huy hiệu của Komazawa Gakkuen, được làm từ thời Meiji, mà Thế Long Đảm thuộc Cửu Ngã Long Đảm (Koga Rindo), chính là ngôi nhà mà Thiền Sư Đạo Nguyên sanh ra. Bảo vật trân quý của Chùa là bút tích “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi” của Thiền Sư Đạo Nguyên, ngày nay trở thành quốc bảo. Có một Đại Hồng Chung đúc vào năm Gia Lịch (Karyaku) thứ 2 bây giờ trở thành di sản văn hóa của quốc gia. Chùa còn lưu giữ 572 bản khắc gỗ của 95 quyển “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, gọi là “Thiên Hải Bản Nhứt Thiết Kinh“ gồm 6323 quyển. Ngoài ra, còn có bức họa “Thú Dã Thâm U Bút Tứ Quý Hoa Điểu Đồ” (thú rừng u tịch vẽ hoa chim bốn mùa) và nhiều tranh họa trong bốn mùa khác nữa. Từ đó đến nay, có rất nhiều vị Tăng hoặc từ nước ngoài đến hoặc ở trong nước thuộc Tông Tào Động đã du hành khắp nơi để hoằng hóa khai sơn và khuyến tấn mọi người nổ lực tu hành và sống Đạo, do vậy phải công nhận rằng Chùa Vĩnh Bình chính là ngôi tự viện nhiệm mầu để mọi người đến tu học, tham thiền, mà cửa Chùa luôn luôn rộng mở đón chào những ai đang cần tu học.

Ở Tokyo, có Biệt Viện thuộc Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự tên là Tokyo Betsuen, Trường Cốc Tự Chokokuji, Tokyoto Minatonku Nihimafu. Tại Nagoya, có Nagoya Biệt Viện, Hộ Quốc Viện (Gokokkuin), Nagoyashi, Higashinku Boikecho, thuộc Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự.

Ngoài ra, còn có các trung tâm Học hiệu như trường Komazawa Gakkuen (Komazawa, Nữ Đại Học ngắn hạn, trong đó có Ấu Trỉ Viên = Vườn Trẻ); Komazawa Gakkuen Nữ Trung Học đệ nhị cấp; Komazawa Nữ Đại Học ngắn hạn (2 năm); Komazawa Nữ Đại Học nằm tại Tokyoto, Waragiyoshi, Itahama), những nơi nầy dành riêng cho nữ sinh đủ mọi ngành (tất cả các Gakkuen = học viên).

III.1.3 Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự

Đại Bổn Sơn của Tông Tào Động là Chùa Chư Nhạc Sơn Tổng Trì, Kanagawaken, Yokohamashi, khu Hạc Kiến, Hạc Kiến, do Thiền Sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn (Keizan Jokin) khai sơn. Trước đó, là chùa nhỏ tên là Chư Khâu Quán Âm Đường của Luật Sư Đinh Hiền (Joken) đệ tử của Tông Chơn Ngôn cúng, sau đó tên Chùa đổi theo tên núi gọi là Tổng Trì Tự. Chùa thành lập năm Nguyên Hưởng (Genko) nguyên niên vốn thuộc huyện Ishikawa, quận Fugeshi Monmaecho. Đến năm Minh Trị thứ 31 Chùa bị cháy, cho nên thiên di đến địa điểm hiện tại vào năm Minh Trị thứ 40 có khuôn viên rộng 300.000 mét vuông (độ khoảng chừng 100 mẫu) và có 10 tòa nhà được xây dựng. Nơi đây có 200 học tăng tu hành thường nhật tạo nên không gian Thiền rất nổi bật ở vùng Kanto. Ngoài ra, hoạt động của Chùa cũng có tính cách thế giới nữa. Nét kiến trúc của Chùa mô phỏng và phục hoạt theo nét Chùa xưa ở Kanagawaken. Được gọi là Tổ Viện Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự của Tông Tào Động vì thờ Tổ Sư Oánh Sơn ngay gian trước cửa vào. Chùa thật trang nghiêm, u ẩn, yên tĩnh, có nhiều Vân Thủy Tăng (Tăng hành cước) lui tới để lễ bái và tưởng niệm Tổ khai sơn.

Ngược lại với Chùa Vĩnh Bình, Chùa Tổng Trì nằm ở địa phương Hạc Kiến, ngay trong khu đô thị của phố Yokohama có tính cách quốc tế, nơi được nhiều người đến, nhưng tầm quan trọng và ý nghĩa của hai Đại Bổn Sơn, phải nói rằng, đều có ảnh hưởng tốt đẹp như nhau. Kiến trúc Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, Tăng Đường, Khố Viện, Dục Thất, Đông Ty..., của Chùa Tổng Trì đều mang phong cách đặc biệt. Duy chỉ có Pháp Đường của Tổng Trì đặc biệt gọi là Tổ Sư Đường có kiến trúc vĩ đại với chiều dài 55,5 mét, chiều ngang 47,2 mét, có một tầng trên và một tầng hầm nằm dưới mặt đất, tổng diện tích 6.611 mét vuông, có trải 1000 chiếc chiếu (Tatami), chiều cao từ dưới sàn nhà đến đòn dông là 36 mét. Gian giữa thờ vị khai sơn Tổ Sư Oánh Sơn. Hai bên thờ chư liệt vị Tổ Sư kế thừa, mà đây cũng là giảng đường thuyết pháp thật là to lớn. Ngoài ra, còn có Truyền Đăng Viện (nơi thờ Ngài Oánh Sơn Thiền Sư), Phóng Quang Đường (nơi thờ bài vị của Đàn Na Tín Đồ), Thường Chiếu Điện (nơi thờ cốt của Đàn Na Tín Đồ), Ngự Linh Điện (nơi thờ Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng và 8 đời Thiên Hoàng của Nam Triều). Tử Vân Đài (phòng khách để Trụ Trì tiếp các vị Trụ Trì cũng như Phật Tử Tín Đồ trên toàn quốc, tiếp các công chức). Khiêu Long Thất (phòng vị Trụ Trì tiếp khách), Thiên Chơn Các (phòng khách), Đài Phụng Quán (nơi ở tạm của khách), Tam Tùng Các (nơi nghiên cứu của Phật Tử Tín Đồ). Chúng Liêu, Bảo Vật Điện, Chung Cổ Lầu, Sắc Sứ Môn v.v...
Năm Nguyên Hưởng thứ 2 đời thứ 96, Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng Chùa được vua ban hiệu là “Nhật Bản Tào Động Sắc Tử Xuất Thế Chi Đạo Tràng”. Tông Tào Động có tất cả 15.000 ngôi chùa trực tiếp thuộc Chùa Tổng Trì của Ngài Oánh Sơn Thiền Sư.
Vật trân quý của chùa là nét bút “Tổng Trì Tự Trung Hưng Duyên Khởi” của Oánh Sơn Thiền Sư cũng là bảo vật văn hóa quốc gia. Ngoài ra, còn có bức tượng Thiền Sư Oánh Sơn, do ông Maeda Richa họa. Còn có bức họa như Lạc Tú Đại Pháp Bị, Cao Ly Phật Họa Đề Bà Đạt Đa rất quý, là những bảo vật di sản văn hóa và nhiều vật quý giá không thể tả hết, ngày nay tất cả đều được cất giữ trong Bảo Vật Điện.
Huy hiệu của chùa là 57 cây ngô đồng, không ai biết nguyên do và xuất xứ thế nào, song được bảo tồn kỹ lưỡng. Truyền thuyết cho rằng Thiền Sư Oánh Sơn thọ nhận pháp y từ Ngài Nga Sơn tại chùa Tổng Trì cho nên mô phỏng theo màu “Đồng Trúc Lăng Cáp Sắc”, tức là màu trà nhạt, lông chim bồ câu. Cũng có truyền thuyết khác cho rằng Tổng Trì Tự đã được sắc phong từ đời Hậu Đề Hồ Thiên Hoàng.

III.1.4 Chùa có các Biệt Viện

- Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự Tổ Viện thuộc Ishikawaken, quận Phụng Chí, Môn Tiền Đinh, huyện Ishikawa,
- Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự Bắc Hải Đạo Biệt Viện và Pháp Nguyên Tự - Bắc Hải Đạo, quận Tùy Tiền, phố Tùng Tiền, Bắc Hải Đạo (Hokkaido)
- Truyền Tẩu Viện (Densoen), nơi làm việc tại Cảng Khu, Chi Ái Thạch Đinh,Tokyo
- Học Hiệu Pháp Nhơn Tổng Trì Tự Gakkuen gồm có: Tam Tùng Ấu Trỉ Viên, Hạc Kiến Nữ Tử Trung Học Hiệu, Hạc Kiến Nữ Tử Cao Đẳng Học Hiệu, Học Kiến Nữ Tử Thành Nhơn Học Hiệu, Hạc Kiến Nữ Tử Đoản Kỳ Đại Học, Hạc Kiến Đại Học. Tổng Trì Tự Bảo Dục Viên, Hạc Kiến Tổng Hợp Bệnh Viện, Mẫu Tử Liêu, Hội Tham Thiền ngày Chủ Nhật v.v... với mục đích phụng sự và xây dựng một xã hội tự do bình đẳng và mọi người được cống hiến.

III.2 Thất Đường Già Lam
III.2.1 Sự Thay Đổi Kiến Trúc Của Tự Viện

Già Lam, nguyên ngữ bằng tiếng Sanscrit cổ, Ấn Độ là Shangarama, còn gọi là Tinh Xá, Chùa, Tự Viện. Kiến trúc Tự Viện Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp từ bán đảo Triều Tiên, gián tiếp từ Trung Hoa. Từ thời Bình An (Heian), mỹ thuật kiến trúc Nhật Bản mô phỏng theo hai dạng mỹ thuật kiến trúc Triều Tiên có từ thời Phi Điểu, và mỹ thuật Trung Hoa từ thời nhà Đường. Đến thời Kamakura, lối kiến trúc đó bị loại bỏ đi thay bằng lối kiến trúc thời Tống (Trung Hoa) hòa với lối kiến trúc thời Thất Đinh. Đến thời Đào Sơn mỹ thuật kiến trúc trở nên đẹp vô cùng, tạo nên phong cách mỹ thuật đặc biệt của thời đại nầy. Còn thời đại Giang Hộ (Edo), lại theo phong cách đơn giản, hiện đại và độc lập, theo lối phong cách Âu Châu.
Kiến trúc Chùa, đặc biệt vào thời Kamakura thể hiện trọn vẹn phong cách Thiền ảnh hưởng mô thức Trung Hoa thời Đường, còn gọi là phong cách Thiền Tông, có nhiều điểm giống Lâm Tế Tông, Hoàng Bích Tông, Tào Động Tông, hẳn nhiên cũng không thiếu nhiều điểm khác biệt đặc thù.

III.2.2 Già Lam Của Tào Động Tông Là Nơi Chính Để Tu Hành

Thiền Sư Đạo Nguyên phối hợp những phiên bản Tự Viện Trung Quốc và Ấn Độ, suy nghĩ kiến tạo đạo tràng trang nghiêm của Tông Tào Động. Chùa Vĩnh Bình kiến tạo mô phỏng theo Chùa Thiên Đồng Sơn Cảnh Đức ở tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa (bây giờ gọi là Thiên Đồng Tự). Tông Tào Động vẫn sử dụng từ “Thất Đường Già Lam“ có lẽ từ thời Giang Hộ (Edo), không có căn cứ nào chỉ cho nguyên thỉ của chữ nầy. Song cũng có thuyết cho rằng Tông Tào Động gọi là Thất Đường Già Lam cho những ngôi Chùa đầy đủ 7 gian như: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, Khố Viện, Tăng Đường, Dục Thất và Đông Ty. Ngoài ra, Chùa còn có tháp 3 tầng, tháp 5 tầng hay Đa Bảo Tháp, Xá Lợi Tháp v.v... những tháp nầy không gồm chung trong Thất Đường Già Lam. Chùa Thiền hay đặc biệt là Chùa của Tào Động Tông không có Tháp, nếu có, tháp được xây sau hoặc là xây với lý do nào đó, còn Chùa thuộc Tông Pháp Tướng và Tông Chơn Ngôn có xây tháp.

Hình thức Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động theo thứ tự từ bên ngoài đi vào là: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, bên mặt là Khố Viện, trước có Dục Thất (phòng tắm rửa), bên trái là Tăng Đường, trước có Đông Ty (nhà vệ sinh). Tất cả đều có hành lang bao bọc xung quanh trở thành một hình vuông vức. Ngoài Thất Đường còn có những tòa nhà liên quan được xây dựng thêm. Càng về sau, ở những ngôi chùa nhỏ Thất Đường đơn giản chỉ còn Bổn Đường (Chánh Điện), Khố Lý (nhà kho), Khai Sơn Đường (Chỗ Thờ Tổ), Vị Bia Đường (nơi thờ vong). Cũng có nhiều hình thức biến dạng khác như thêm lầu chuông hay cổng tam quan, song chỉ là những trường hợp riêng biệt mà thôi. Nói chung các chùa đều giống nhau như thế, bởi trước nhất phải hợp với khả năng cho nên phải đơn giản, sẽ giải thích rõ về Thất Đường Già Lam dưới đây.

III.2.3 Sơ Lược Về Thất Đường Già Lam
Sơn Môn vừa chỉ cho cổng chính vào Chùa, vừa chỉ cho thế giới thanh tịnh, không có phiền não khổ đau. Cổng chùa thường có ba cửa, cửa lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ ở hai bên, còn gọi là Cổng Tam Quan, cũng gọi là Tam Môn. Ngoài ra, còn có những tên khác là: Quán Mộc Môn, Dược Y Môn, Anh Môn, Nhị Trọng Môn v.v... Tông Tào Động thường dùng Anh Môn và Nhị Trọng Môn. Ở phần hai bên trước cổng, thường an trí các vị Nhơn Vương. Trên Anh Môn (lầu) thường đặt tượng Phật, Bồ Tát hay các vị La Hán. Trên cao, treo một Phạn Chung (Đại Hồng Chung). Nếu chùa lớn, ngoài Sơn Môn còn có Tổng Môn (chỉ có một cửa ra vào), Tam Tùy Quan, Đống Môn, Dược Y Môn và Sắc Sứ Môn còn gọi là Hương Đường Môn.

Điện Phật còn gọi là Đại Hùng Phong Điện, Đại Hùng Điện, Đại Điện v.v... tọa lạc ngay chính giữa, trong đó có Tu Di Đàn thờ Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni ngay trung tâm, hai bên trái phải của Phật, mỗi bên an trí một tượng Bồ Tát. Đa phần, thờ Đức Phật Thích Ca ở giữa (vị khai Tổ của Phật Giáo). Tôn Giả Ca Diếp trưởng tử Phật, Sơ Tổ Thiền Tông. Tôn Giả A Nan đệ tử thị giả của Đức Phật Thích Ca, vị Tổ Sư thứ hai, thị giả hầu Phật được nghe nhiều lời giảng nhất. Ngoài ra, còn thờ Tam Tôn Phật: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (biểu hiện Đức Phật trong hiện tại), Đức A Di Đà Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong quá khứ). Đức Di Lặc Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong tương lai). Tam Tôn Phật cũng còn được hiểu là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù (biểu trưng cho trí tuệ Phật) và Bồ Tát Phổ Hiền (biểu trưng hạnh nguyện Phật). Phía đông của Phật Điện (từ ngoài nhìn vào phía bên mặt) thờ Đàn Thổ Địa hay thờ Bồ Tát Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý. Phía Tây (phía trái từ ngoài nhìn vào) là Tổ Sư Đàn, thờ Sơ Tổ Đạt Ma. Thông thường bàn thờ làm bằng gạch hay đá, có chỗ để bày dâng lễ cúng. Đặc biệt, phần nghi lễ được tổ chức tại Phật Điện.

Pháp Đường là nơi vị Trụ Trì thuyết Pháp cho Tăng sĩ đang tu tập. Khi thuyết Pháp vị Trụ Trì được cung kính như đại diện chư Phật, chư vị Tổ Sư có trách nhiệm truyền trao giáo Pháp cho thính chúng, cho nên trong Pháp Đường không thiết tượng Phật nào cả. Tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, có đặt tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát biểu trưng tâm từ bi bao la của Phật, một lý do khác, như đã trình bày ở trước, ở Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, Tổ Đường chính là Pháp Đường, nơi đó là Đại Tổ Đường được xem là một Đạo Tràng thuyết pháp của Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn. Giữa Tổ Đường là Pháp Đường cũng còn có ý nghĩa là tôn trọng giữ gìn lời giáo huấn của Tổ. Tại Đại Tổ Đường nầy, đàn trên cao ở chính giữa, thờ tượng Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn, hai bên trái phải thờ Thiền Sư Đạo Nguyên, Cao Tổ và thờ Thiền Sư Nga Sơn Chiêu Thạc, vị Tổ thứ hai của Tổng Trì Tự. Ngoài ra, các tượng của chư vị Tổ Sư cũng được thờ tại đây. Tại Pháp Đường thường có những thời Kinh sáng, trưa, tối và hầu như tất cả nghi lễ quan trọng đều cử hành tại đây.

Khố Viện hay Khố Lý thờ tượng Vi Đà Thiên và tượng Đại Hắc Thiên còn gọi là Đài Hương Tích, vừa là nơi chứa thực phẩm cho chư Tăng thường trụ và khách Tăng, vừa là nơi thâu nhận thực phẩm cúng dường, cũng là chỗ xay thóc.

Dục Thất, nhà tắm, có thờ tượng Tôn Giả Bạt Đà Bà La. Trong Chùa, Tăng Đường, Đông Ty và Dục Thất là ba nơi cần phải giữ thật trang nghiêm yên tĩnh, tuyệt đối cấm không được cười đùa, nói chuyện riêng tư, không được tạo ra âm thanh ồn ào. Ngay cả, tắm rửa kỳ cọ thân thể cho thanh tịnh cũng quan trọng như những việc tu hành khác.

Tăng Đường có nơi gọi là Vân Đường, cũng còn gọi là Tuyển Phật Trường, mà những chữ nầy được treo ngay ở chính giữa. Thông thường người ta còn gọi nơi nầy là Tọa Thiền Đường nhưng Tông Tào Động không gọi là Tọa Thiền Đường vì gọi như thế nghĩa là phân biệt chỗ hành thiền khác với nơi ăn uống. Tăng Đường là nơi mà chư Thánh Tăng và chư Bồ Tát thường lui tới, vốn gọi là Thánh Tăng Đường. Trong Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động cũng có những nơi quan trọng biểu trưng hiện hữu của Thần Thánh, cũng có thể gọi là nhiệm mầu thiêng liêng, mà tuyệt đối không ai, cả người trong Chùa lẫn người ở ngoài tự ý vào được.

Đồng thời, Tăng Đường chia làm hai phần, bên ngoài là nơi dùng cơm, uống nước của chư Tăng, bên trong còn gọi là Nội Đường hay Đường Nội thờ chư vị Thánh Tăng như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quan Thế Âm, cũng có Chùa thờ Tôn Giả Kiều Trần Như, trên cái Trang ngay chính giữa. Bên dưới thiết kế những chỗ ngồi thiền, gọi là Trường Liên Sàng, là những cái đơn cao chừng một mét, rộng chừng một chiếc chiếu (Tatami), để ngồi Thiền mặt hướng vào tường hoặc cửa sổ.

Còn có những cái Đơn khác gọi là Hàm Quỹ, mặt bằng độ chừng 30 cm làm bằng gỗ, bên trong Hàm Quỹ (cái rương) đựng y áo và bình bát, phía dưới trải ra làm chỗ nghỉ, còn gọi là Tịnh Duyên, bởi vì chỗ nầy, vật nầy cũng dùng để làm nơi ăn uống. Tịnh Duyên có ý là ăn uống trong sạch thanh tịnh. Ngay cả ở bên ngoài cũng có kê những chiếc Đơn như thế.

Bên ngoài còn có những giá treo chuông gọi là Tăng Đường Chuông, Ngoại Đường Chuông và có cả Pháp Cổ (trống) cũng như những pháp cụ khác để báo hiệu khi cần thiết. Những việc như đọc sách, viết lách, cạo tóc, khâu vá v.v.., đều thực hiện trong liêu chúng. Mô hình liêu chúng là giữa liêu đặt tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, hoặc tượng Hư Không Tạng Bồ Tát, chỉ có Hàm Quỹ (cái rương) và Tịnh Duyên (chỗ ăn) và liêu chúng gần Tăng Đường.

Đông Ty là Tiện Sở (cầu xí) cũng còn gọi là Tây Tịnh, nhưng chữ nầy bây giờ không còn dùng đến nữa, ở nơi nầy thường để tượng Điểu Sô Sa Ma Minh Vương.

III.2.4 Trường Hợp Những Tự Viện Thông Thường

Tóm lại, các vấn đề xây dựng như thế nào, ai xây, xây ở đâu, khi nào của các chùa thuộc Tông Tào Động lệ thuộc vào vấn đề xã hội địa phương và nguyện vọng của mọi người nữa. Thật ra, mỗi chùa có mỗi điều kiện, mỗi tính cách và mỗi mục đích khác nhau, không thể phán đoán chung chung được, tuy nhiên, có thể phân loại ra như sau:

Thứ nhất, Tu Hành Tự là tự viện như một đạo tràng dùng để tu tập và tọa thiền. Những tự viện nầy vốn có liên hệ với Tông Tào Động từ xưa, như Lưỡng Đại Bổn Sơn, mà dù cho chùa ấy có gì đặc biệt đi chăng nữa, thì vấn đề căn bản vẫn là chỗ để tu hành theo Tông Tào Động

Thứ hai, Bồ Đề Tự là tự viện để lễ bái và phụng thờ Ngài Hoằng Pháp Đại Sư, Ngài Quan Thế Âm, Thất Phước Thần, Linh Trường, thường thấy nơi các chùa thuộc Tông Pháp Tướng, Tông Hoa Nghiêm, Tông Thiên Thai, Tông Chơn Ngôn v.v... về sau dù đã đổi sang Tông Tào Động nhưng vẫn còn giữ tôn phong cũ.

Thứ ba, Kỳ Thọ Tự là chùa thờ Đức Quan Âm, Ngài Dược Sư, Ngài Địa Tạng, Ngài Bất Động, các vị Tổ Sư, Thần Lúa, Thiên Cẩu v.v... vì nhu cầu của mọi người đến tự viện lễ bái cầu nguyện.
Thứ tư, Quán Quan Tự là chùa lịch sử danh lam thắng cảnh, gần gũi mọi người và cảnh trí đẹp, được nhiều người tới lui vãn cảnh.

Tuy nhiên, trừ Lưỡng Đại Bổn Sơn và những tự viện lớn, còn các chùa thuộc Tông Tào Động về hình thức căn bản là những Già Lam theo mô hình: Sơn Môn, Bổn Đường, Khai Sơn Đường, Vị Bi Đường, Khố Lý, Chung Lầu, Tọa Thiền Đường v.v... mà chúng ta lần luợt tiếp xúc với những phần nầy.

Sơn Môn thờ tượng Nhân Vương, trên lầu cao thờ tượng Phật, Bồ Tát, nhưng cũng có nơi không có, bởi vì những chùa nhỏ nhiều khi không có Sơn Môn (cửa ra vào) nữa, đôi khi chỉ khắc tên chùa trên phiến đá thay cho cổng tam quan.

Bổn Đường cũng còn gọi là Phật Điện hay Pháp Đường, bên trong thờ Bổn Tôn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc thờ Tam Tôn, song chính giữa vẫn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng, tùy theo sự thành lập của tự viện, có những đặc thù riêng, không phải hoàn toàn giống nhau, có chùa thờ Đức A Di Đà Như Lai, Đại Nhật Như Lai, Dược Sư Như Lai v.v... có chùa thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Bất Động Minh Vương, Biện Tài Thiên và cũng còn nhiều tượng khác nữa. Tựu trung vẫn là hình tượng chư Phật và chư Bồ Tát mà ở đây có thể rõ thêm rằng đó là đặc trưng Phật tánh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rộng lớn bao la như thế.

Trên bốn bức tường chung quanh Bổn Tôn trong Chánh Điện thường có 18 vị A La Hán. Hai bên tả hữu của Bổn Tôn thường thờ tượng Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý Bồ Tát và tượng Đạt Ma Đại Sư. Sau Chánh Điện ngăn ra hai bên phải trái thờ linh vị của Tín Đồ Phật Tử.

Tại Bổn Đường (Chánh Điện) sáng, trưa, tối đều có tụng Kinh, nơi đây thường cử hành những nghi lễ cầu an, cầu siêu, thuyết pháp, lễ hằng thuận v.v...

Khai Sơn Đường tiếp giáp sau Bổn Đường, ở giữa thờ Ngài Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư hay Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư. Ngoài hai vị Tổ Sư, còn thờ tượng bằng gỗ của vị Hòa Thượng khai sơn chùa ấy nữa. Hai bên phải trái thờ tượng của các vị Trụ Trì, linh vị của những người sáng lập chùa, nơi đây cũng thờ linh vị Tín Đồ nữa, miễn sao ở giữa có nơi làm lễ là được. Phía trước còn bàn kinh, có gối để lạy, có chuông mõ hai bên.

Vị Bi Đường là nơi linh vị Tín Đồ. Thông thường có thể thờ ở phía sau Chánh Điện hay Khai Sơn Đường, nhưng tùy địa phương Vị Bi Đường được xây riêng một nơi biệt lập bên ngoài Bổn Đường hay Khai Sơn Đường. Ở giữa, thờ tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Mỗi gia đình có mỗi bàn thờ nhỏ và tự quản lý, cúng dường và tự mỗi gia đình đến chùa chăm sóc lấy.

Khố Lý được xây dựng ở bên phải Chánh Điện và mặt hướng về Chánh Điện. Nơi đây gồm có hành lang, phòng tiếp lễ vật, phòng khách, phòng ở của vị Trụ Trì, phòng ở của gia đình Trụ Trì, phòng sinh hoạt, phòng chuẩn bị, phòng ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh v.v... Tùy theo chùa, Khố Lý lớn hay nhỏ, có chùa Khố Lý còn lớn hơn Chánh Điện nữa.

Tọa Thiền Đường được xây dựng phía bên trái hướng về Chánh Điện, đối diện tương xứng với khố lý. Cũng tùy điều kiện đất đai, đôi khi được thiết lập ngay tầng dưới của Khai Sơn Đường, những chùa không có Tọa Thiền Đường, có thể dùng Chánh Điện hay Khai Sơn Đường thay thế.

Lầu Chuông được thiết kế ở một góc vườn. Mỗi sáng tối thỉnh chuông nhứt định vào một thời điểm nào đó. Chùa nào không có lầu chuông, thường treo chuông bên ngoài cửa hay bên trong Chánh Điện.
Ngoài ra, trong vườn còn xây những nơi như: Đại Sư Đường, Trấn Thủ Đường, Đạo Hà Đường (nơi thờ Thần Lúa), Thần Xã, Sáng Khố v.v...

III.2.5 Công Việc Của Các Vị Tăng

Già Lam không phải chỉ thờ Phật, mà với người sống, nơi đây là những Đạo Tràng tu hành để thành Thánh, thành Phật. Già Lam của các chùa tu Thiền, như đề cập ở trên, được tổ chức theo thể thức sinh hoạt cộng đồng với mục đích tu hành. Riêng Thiền Tông, đặc biệt Tào Động Tông, có sự phối trí khác biệt. Chư Tăng ở chùa tu hành, tất cả nhất định phải phân công công việc để làm, không ai không làm việc, những công việc từ thời Lưỡng Tổ Đại Sư cho đến bây giờ vẫn thế. Được gọi là người tu, việc đầu tiên ở chùa, phải có khả năng làm việc hiệu quả. Không những chỉ riêng người tu ở chùa Tu Hành Tự, mà cho tất cả những tự viện lấy chùa Tu Hành Tự làm căn bản. Chư Tăng trong chùa phải làm việc được giải thích như sau:

Trụ Chức nghĩa là viết tắc của Chức Trụ Trì, người có trách nhiệm lớn lao đối với chùa. Với tư cách là “Tôn Giáo Pháp Nhơn” đại biểu cho chùa đó. Nếu chùa lớn, cũng còn xưng là Sơn Chủ thay cho Trụ Trì, đôi khi thay đổi gọi là Đường Đầu Hòa Thượng, mà thông thường gọi là Phương Trượng, Đường Đầu hoặc Hòa Thượng. Có nơi gọi vị Trụ Trì là Ojutsusan và Hòa Thượng là Ossan.

Quản Thủ là Chức Vụ của hai đại Bổn Sơn, cũng còn gọi là Quản Thủ Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Quản Thủ Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Ở hai Đại Bổn Sơn còn có vị Phó Quản Thủ, vị thứ hai sau Quản Thủ nữa.
Tây Đường là nơi ở của những vị Cao Đức do vị Trụ Trì cung thỉnh đến để chỉ đạo các Phật sự, bình thường vị Tăng nầy đứng sau vị Trụ Chức.

Giám Viện nghĩa là người thay thế vị Trụ Trì, làm Tổng Quản quán sát tất cả những công việc và mọi vấn đề hành chánh của chùa. Trước đây, vị nầy đứng đầu trong bảng Lục Hòa, mà có nơi gọi là Giám Tự. Ngoài ra còn có Phó Giám Viện thay thế việc điều hành mỗi khi vị Giám Viện vắng mặt .
Hậu Đường là chỗ hành trì của vị Tăng trực tiếp chỉ đạo.

Đơn Đầu là ngôi vị thứ hai của vị Tăng ở Hậu Đường đang hành trì và trực tiếp chỉ đạo.
Phó Tự là vị Tăng lo việc chi tiêu của chùa, lo trọn một trong 6 phép hòa kính.
Tri Khố là vị Tăng lo quản lý thức ăn, tiền bạc và giúp đỡ cho vị phó Trụ Trì.

Duy Na là người giúp đỡ cho vị Hậu Đường và Đơn Đầu, chỉ đạo và hướng dẫn chư Tăng tu hành, quản lý Tăng Đường, tụng khai Kinh và hồi hướng mỗi thời tụng Kinh, giữ vững kỷ cương một trong 6 phép hòa kính, tuy nhiên, có chùa xem đây là việc của vị Giám Tự.

Duyệt Chúng là vị giúp đỡ cho Duy Na, phần vụ thủ mõ.

Đường Hành cũng là nhiệm vụ của Duy Na và Duyệt Chúng, phải gõ khánh, tụng khai Kinh và hồi hướng trong mỗi thời công phu tụng Kinh.

Điển Tọa là vị Tăng lo việc ăn uống vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.
Phó Điển còn gọi là Phạn Đầu, vị Tăng hổ trợ giúp việc cho Điển Tọa.
Trực Tế là vị Tăng chuyên lo việc chấp tác, trùng tu sửa chữa Già Lam, chữa đường sá, cũng là người vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.
Tri Khách là vị Tăng lo việc tiếp đón khách.
Thị Chơn là vị Tăng chăm sóc chỗ thờ Tổ Khai Sơn.
Cúng Chơn là vị Tăng giúp đỡ Thị Chơn, cũng gọi là Truyền Cúng.
Tri Điện là vị Tăng quản lý Phật Điện và Pháp Đường. Người phụ tá gọi là Diện Hạnh.
Thượng Sự là vị Tăng lo việc thư ký, bảo quản văn thơ giấy tờ.
Tri Dục cũng còn gọi là Dục Chủ, vị Tăng quản lý nhà tắm.
Thị Cục Trưởng là vị Tăng thân cận, chăm lo và giúp đỡ vị Trụ Trì. Ở hai Đại Bổn Sơn những vị nầy hổ trợ vị Quản Thủ.
Thị Giả là vị Tăng thân cận hầu hạ vị Trụ Trì và Chư Tôn Đức đến thăm chùa. Có 5 loại Thị Giả chánh thức như:
 Thiêu Hương Thị Giả, là người có trách nhiệm lo việc hương đăng và dâng hương cho vị Trụ Trì, mỗi khi có lễ.
 Thư Trạng Thị Giả là vị lo vấn đề thư từ cho vị Trụ Trì.
 Thỉnh Khách Thị Giả là vị Tăng lo ứng đối tiếp đãi khách của vị Trụ Trì.
 Y Bát Thị Giả là vị Tăng lo Pháp Y cho vị Trụ Trì.
 Thang Dược Thị Giả là vị Tăng lo thức ăn và thuốc men cho vị Trụ Trì.
Thông thường chỉ hai hay ba vị kiêm nhiệm luôn.
Thị Thánh nghĩa là Thị Giả của chư Thánh Tăng thờ tại Tăng Đường (như Ngài Văn Thù Bồ Tát), lo việc cúng dường nước hoặc trà nóng lên Bồ Tát.
Giảng Sư nghĩa là vị Thầy thường giảng nghĩa và thuyết pháp cho Chư Tăng và Tín Đồ.
Tạng Chủ tức là vị quản lý tạng Kinh và điện thờ có nhiều bảo vật.
Tịnh Đầu là vị Tăng quản lý Đông Ty (nhà xí).
Tấu Giả là vị Tăng có trách nhiệm thông tin cho khách hoặc những liêu xá, khi có những việc cần thiết.
Thủ Tọa là địa vị cao nhất của chư Tăng, còn gọi là Thượng Tọa.
Thư Ký nguyên là chức vụ Thị Giả Thư Trạng, phụ trách những công việc phụ giúp vị Thủ Tọa liêu, thường ngồi ở vị trí thứ hai sau Thượng Tọa.
Biện Sự là vị Tăng còn trẻ luôn ở bên vị Thư Ký, Thủ Tọa, nơi liêu Thủ Tọa.
Hành Giả là vị Tăng còn đang tu học, gần gũi thân cận, làm các công việc.
Ngoài ra, ở Điện Đường, Điện Ty, Đường Ty, Phật Điện, Pháp Đường khi có lễ, vị thỉnh chuông gọi là Chung Ty, vị lo công việc trong Tăng Đường gọi là Trực Đường, vị lo việc dọn dẹp gọi là Thanh Tảo Đương Phiên v.v... nhiều lắm không thể ghi chi tiết ra đây hết. Vả lại, còn có khá nhiều công việc như xuất bản, bố giáo, và nhiều việc không cần có chức vụ ở Lưỡng Bổn Sơn nữa, song tùy theo tính chất quy mô hay đơn giản của chùa, tùy theo địa phương, tùy theo xã hội mà công việc có thể tùy nghi sửa đổi thêm hay bớt.

III.3 Bổn Tôn, Phật Tượng Và Pháp Cụ
III.3.1 Già Lam và Bổn Tôn

Trong Già Lam tự viện của Tông Tào Động, an trí tôn tượng Phật ngay chính giữa Chánh Điện, tất nhiên cách phối trí sao cho phù hợp với không gian và hoàn cảnh, để người lễ Phật và khách tham quan dễ nhìn, hẳn nhiên không đơn thuần cho việc lễ bái, mà còn ẩn tàng cả một triết lý cao siêu nữa. Bởi vì, như trước đã nói, Bổn Tôn của Tào Động Tông là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Thích Tôn).
Thật không sai nếu cho rằng Điện Phật là Trung Tâm của Già Lam, tất nhiên phải thờ tượng Phật ở tại Bổn Đường (Chánh Điện). Ở Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phật Hiện tại) thờ ở giữa, hai bên trái và phải thờ Phật A Di Đà (Phật quá khứ) và Phật Di Lặc (Phật vị lai). Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự thờ Phật ở chính giữa và hai bên thờ Tôn Giả Ca Diếp và Tôn Giả A Nan. Tại Đại Thừa Tự, huyện Ishinakawa, phố Kanezawa thờ Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền ở hai bên. Tại Chùa Vĩnh Quang, Ishikawa, phố Hakui thờ Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Hư Không Tạng ở hai bên.
Các tự viện thuộc Tông Tào Động vốn thờ tôn tượng Phật song không hầu hết như thế. Tại Phật Điện chỉ an trí Bổn Tôn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tôn, tại Sơn Môn thờ tượng Nhân Vương, La Hán v.v... tại Tăng Đường thờ Bồ Tát Văn Thù, tại chỗ tắm thờ Bạt Đà Bà La Tôn Giả, tại Đông Ty (nhà xí) thờ Điểu Sô Sa Ma Minh Vương v.v... đại loại như thế để phân biệt rõ đâu là Chánh Điện, không phải là Pháp Đường hoặc liêu xá, hoặc nhà Từ Đường. Những tôn tượng Phật và các tượng khác v.v... cũng đổi thay tùy theo lịch sử và điều kiện của tự viện nữa, từ đó các loại Điện Đường thành hình ngày càng trở nên đa dạng như vậy.
Song dù sao đi nữa, ý nghĩa tôn thờ Tôn Tượng không có gì khác ngoài sự biểu lộ tâm thành của người lễ bái. Khi thành tâm lễ bái, ta phải hiểu rằng, những tôn tượng Phật trở nên sống động đối với người lễ và những tôn tượng Phật hàm dung một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

III.3.2 Tượng Phật

Tôn tượng Phật thật tế có nhiều loại như tượng Như Lai (Phật), tượng Bồ Tát, tượng Minh Vương, tượng Thiên Thần, về hình thức, có nhiều hình dáng khác nhau, có nhiều tượng đứng, tượng ngồi mỗi tượng hàm chứa ý nghĩa mỗi khác.
Tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, vị Giáo Chủ, khai Tổ của Phật Giáo, tọa Thiền tay bắt ấn kiết già luôn luôn thờ chính giữa trên Phật Điện hay trong Bổn Đường. Ngoài ra, ngày lễ Phật Đản (mồng 8 tháng 4 gọi là Hanamatsuri) và lễ Nhập Niết Bàn (nhằm ngày 15 tháng 2), thường treo thêm tranh họa Phật đản sanh hay cảnh nhập Phật Niết Bàn.
Tôn Tượng A Di Đà Như Lai, vị Giáo Chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc tượng trưng Phật trong quá khứ, thờ một bên Đức Thích Ca Mâu Ni trong Phật Điện Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự.
Còn tôn tượng Thập Tam Phật gồm Đức Thích Ca, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát là 3 vị ở chính giữa và 10 vị Phật khác phối trí thờ thêm vào, song đa phần tượng tranh, được tôn thờ vào các ngày cầu siêu như:
• Tượng Bất Động thờ vào ngày cúng sơ thất
• Tượng Thích Ca thờ vào ngày cúng nhị thất
• Tượng Văn Thù thờ vào ngày cúng tam thất
• Tượng Phổ Hiền thờ vào ngày cúng tứ thất
• Tượng Địa Tạng thờ vào ngày cúng ngũ thất
• Tượng Di Lặc thờ vào ngày cúng Lục thất
• Tượng Dược Sư thờ vào ngày cúng chung thất
• Tượng Quan Âm thờ vào ngày cúng bách Nhật
• Tượng Thế Chí thờ vào ngày cúng giáp năm
• Tượng Di Đà thờ vào ngày cúng 3 năm
• Tượng A Súc Phật thờ vào ngày cúng 7 năm
• Tượng Đại Nhật thờ vào ngày cúng 13 năm
• Tượng Hư Không Tạng thờ lễ cúng 33 năm.
Bồ Tát Văn Thù biểu trưng trí tuệ của Phật, hình dáng là một vị Tăng cỡi Sư Tử đang nằm, thờ tại Tăng Đường, như một vị Bổn Tôn.
Bồ Tát Quán Thế Âm biểu tượng cho trí tuệ và từ bi của Phật, mà đặc biệt mọi người ai ai cũng biết đến Ngài, thờ tại liêu chúng xuất gia như một vị Bổn Tôn.
Bồ Tát Hư Không Tạng biểu trưng cho công đức trí tuệ và từ bi của Phật vô cùng rộng lớn và cao cả như hư không, thờ tại liêu của chúng Tăng như một vị Bổn Tôn.
Bồ Tát Phóng Quang chỉ cho Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát hợp thành, mà không phải riêng Bồ Tát nào. Còn Bồ Tát Địa Tạng, có thệ nguyện rộng sâu, có hạnh nguyện quảng đại siêu việt an định đại địa. Trên lầu Sơn Môn của Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, có thờ hai tượng Bồ Tát Quan Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Còn tại Phóng Quang Đường ở Tổ Viện, thờ vị Bồ Tát Phóng Quang, là Địa Tạng Bồ Tát. Còn tại Phóng Quang Đường của Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, thờ tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại Thường Chiếu Điện, thờ tượng Bồ Tát Quan Thế Âm như vị Bổn Tôn. Vả lại, các tự viện địa phương thuộc Tông Tào Động, thờ Bồ Tát Địa Tạng, bởi vì có nhiều người tin và thường đến đó để lễ bái nguyện cầu.
Bồ Tát Di Lặc, còn gọi là Phật Vị Lai bởi vì Bồ Tát sẽ hạ sanh thành Phật, sau Đức Thích Tôn nhập diệt vào khoảng 56 triệu bảy ngàn vạn năm, nơi thế giới nầy một lần nữa. Tại Phật Điện Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, thờ bên cạnh Đức Thích Ca Tam Tôn.
Bồ Tát Phổ Hiền, vị Bồ Tát có bổn nguyện biểu trưng cho đức của Phật. Nếu Bồ Tát Văn Thù biểu trưng cho Trí Tuệ, Bồ Tát Phổ Hiền chỉ cho Hạnh Nguyện. Tại Phật Điện chùa Đại Thừa, huyện Ishikawa, thờ bên cạnh Thích Ca Tam Tôn.
Bồ Tát Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý là Thần Hộ Pháp thờ tại chùa A Dục Vương Quảng Lợi Tự, núi Chiêu Bảo Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa cho nên có tên như vậy. Truyền thuyết kể rằng lúc Thiền Sư Đạo Nguyên về lại Nhật sau thời gian du học ở Trung Hoa, có một người tùy tùng theo hộ trì giúp đỡ cho Phật pháp phát triển và bảo hộ thân mạng cho Thiền Sư, cho nên đối diện với bàn thờ Bổn Tôn trên Phật Điện hoặc Bổn Đường, an trí tôn tượng vị Bồ Tát nầy, với y phục của bậc Đế Vương, tay phải đưa lên ngang trán, nhìn lên, mặt hướng vào bên trong, xoay lưng ra bên ngoài.
Bồ Tát Bạt Đà Bà La (Tôn Giả) ngộ đạo khi đi tắm cho nên trở thành Bổn Tôn của phòng tắm.
Bồ Tát Điểu Sô Sa Ma Minh Vương là bậc Minh Vương nguyện diệt trừ dơ nhớp nên trở thành Bổn Tôn của Đông Ty (nhà xí). Còn Bất Động Minh Vương tùy tùng Đại Nhật Như Lai, giải trừ những việc ác. Không phải chỉ riêng vị Minh Vương nào đó có duyên với Tông Tào Động song hầu như tất cả các tự viện thuộc Tông Tào Động đều thờ vị Bất Động Minh Vương.
Vi Đà Thiên vốn là vị Thần trong Thần Thoại Ấn Độ, về sau được Phật Giáo nhập chung vào trở thành vị Thần hộ pháp Già Lam, lo phụng sự, bảo hộ giữ gìn thực phẩm cho chư Tăng. Truyền thuyết kể rằng Ngài mặc áo giáp, đeo kiếm báu trên vai, hai tay chấp lại, rất hảo tướng, hộ trì Phật Pháp, đánh dẹp tà ma chạy về cõi Trời Vi Đà. Thường thường tôn tượng của Ngài an trí tại nhà Kho. Sáng mồng năm mỗi tháng, có hồi hướng kinh văn cho Ngài Vi Đà Thiên nầy trong thời tụng Kinh.
Long Thiên là những vị Long Thiên Hộ Pháp, còn Đại Thiện Thần là những vị Thần bảo hộ Phật pháp. Chư Tăng và những vị Thầy cúng thường viết trên bài vị hai hàng: “Phụng Thỉnh Long Thiên Hộ Pháp Đại Thiện Thần – Bạch Sơn Diệu Lý Đại Quyền Hiện”, rồi để trên sàn nhà trong phòng ở, khi lễ bái đọc Kinh xong thường cầu nguyện mong Phật sự thành tựu viên mãn.
Biện Tài Thiên nói tắt là Biện Thiên, vị Thần trong thần thoại Ấn Độ trong hình thức người nữ, giỏi âm nhạc, giỏi biện thuyết, tài phước, trí tuệ và Phật pháp.
Trà Chỉ Ni Thiên cũng là vị Thần trong thần thoại Ấn Độ, về sau được thờ chung với con cáo trắng và Thần Lúa, gọi là Thần Đạo Hà. Khi Thiền Sư Đạo Nguyên về quê hương vị Thần Đạo Hà của Nhật hiện ra, được truyền tụng chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Ở chùa Diệu Nghiêm Tự (Myogonji), huyện Aichi, phố Phong Xuyên có thờ và trên toàn nước Nhật ai cũng biết Thần Phong Xuyên Đạo Hà nầy.
Tứ Thiên Vương là những vị Thần từ cõi trời đến để hộ trì Phật Pháp ở khắp bốn phương, vốn cũng là vị Thần trong thần thoại Ấn Độ.
Phương Đông có vị Trì Quốc Thiên.
Phương Nam có vị Tăng Trưởng Thiên.
Phương Tây có vị Quảng Mục Thiên.
Phương Bắc có vị Đa Văn Thiên hay còn gọi là Tỳ Sa Môn Thiên.
Đặc biệt, không có tượng Tứ Thiên Vương để thờ, nhưng khi lễ Vu Lan, trong Trai Đàn Đại Thí Cô Hồn, thấy tên của bốn vị Thiên Vương nầy viết lên trên lá phang treo phía trước.
Đại Hắc Thiên, vị thần hộ trì việc ăn uống và phước đức, cũng là vị Thần theo truyền thống thần thoại của Ấn Độ. Về sau, được thờ chung với Đại Quốc Chủ Thần, một trong 7 vị thần ban phước và gọi là Phước Thần. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, thờ vị Đại Hắc Thiên nầy trong Khố Viện.
Tam Bảo Đại Hoang Thần còn gọi là ông Táo, là vị Thần hộ trì Phật pháp, trừ khử việc bất tịnh. Tại chùa Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, vị thần nầy được thờ trong Tổ Viện với Đại Nhật Như Lai, A Di Đà Như Lai, được xem như là hóa thân quyền hiện của Bồ Tát Văn Thù giải trừ bảy nạn và chứng minh gia hộ cho người cầu phước thọ linh nghiệm.
Nhân Vương là vị Thần đứng ngoài cổng Sơn Môn, bên trái là Mật Tích Kim Cang và bên phải là Na La Diên Kim Cang. Mật Tích Kim Cang biểu trưng lý Đức, với hình dáng khuôn miệng của người nữ mở ra (A). Na La Diên Kim Cang biểu trưng trí của Đức với hình dáng khuôn miệng của người nam ngậm lại (Hồng).
Thập Lục Thiên Thần phát xuất từ Kinh Bát Nhã, nguyên do khi Đức Phật Thích Ca giảng Kinh Bát Nhã, có 16 vị Thần hiện ra phát tâm bảo hộ và giữ gìn Kinh Bát Nhã. Tết đến có lễ hội cầu nguyện Bát Nhã, tranh tượng được treo lên và Kinh Bát Nhã được thọ trì. Trong bức tranh đó, Đức Thích Tôn an vị tại chính giữa, hai bên là Bồ Tát Thường Đề và Bồ Tát Pháp Dũng, chung quanh có 16 vị Thiện Thần vây quanh thủ hộ. Khi dịch Kinh Bát Nhã, Pháp Sư Huyền Trang Tam Tạng cho họa và treo thêm hình của Thâm Diệu Đại Tướng nữa.
Thập Bát Thiện Thần: Ngoài 16 vị Thiện Thần, còn có hai vị Phạm Thiên và Đế Thích Thiên, những vị Thần giữ gìn Già Lam và hộ trì Phật Pháp.
Thổ Địa Thần, không nhất thiết là thần giữ gìn đất đai và vườn tược của chùa, song có thể nghĩ là một trong những Chư Thiên Thiện Thần.
Già Lam Thần không nhất thiết là thần bảo hộ những kiến trúc chùa. Như trước đã nói, Có 19 Thiên Thần, sau có Hỏa Đức Thánh Quân đều là một trong những vị Thần Già Lam và là một trong Chư Thiện Thần.
Táo Công Chơn Tể là Thần hộ trì bếp núc chủ yếu là nồi niêu.
Trấn Thủy Thổ Địa Thần cũng giống với Già Lam Thần là Thần giữ gìn hộ trì Già Lam của chùa, như Bạch Sơn Thần Xã bảo hộ Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự. Ở những Tự Đường khác, thờ Ái Đãng Đại Quyền Hiện (Thắng Quân Địa Tạng Tôn); Dũng Tuyền Đạo Hà; Thiên Chiếu Đại Thần Cung; Kim Tỳ La Xã là những Sơn Thần v.v... Tại Tổ Viện Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự thờ Ốc Đại Vương Quyền Hiện Xã v.v...
Thập Lục La Hán là 16 vị A La Hán, hộ trì Phật pháp, thường được thờ trên lầu của gác chuông, hoặc trong Chánh Điện, hoặc thờ riêng trong La Hán Đường. Thông thường, tượng làm bằng gỗ hoặc tranh họa. Có nhiều hình tượng La Hán như 4 vị, 18 vị hay 500 vị, A La Hán được nhiều người sùng bái, cho nên có nhiều chùa thờ các vị A La Hán và tổ chức Lễ Hội La Hán nữa.
Hỏa Đức Thánh Quân, theo truyền thuyết cổ của Trung Hoa, là sự hiển linh của Thần Nông, người đầu tiên chế thuốc có quyến thuộc là những vị Hỏa Bộ Thánh Chúng. Trên điện Phật thường treo những tranh nầy, gọi là vị Thần trừ hỏa tai.
Giám Trai Sứ Giả, còn gọi là vị sứ giả của nhà Trù, Thần giữ gìn và chăm lo việc ăn uống của chư Tăng, thường được thờ trong Khố Viện.
Kiều Trần Như Tôn Giả, gọi tắt là Trần Như Tôn Giả là một trong năm người đệ tử đầu tiên của Phật được nghe Pháp và chứng ngộ, được xưng tán là Đệ Nhứt Ngộ Đạo Phạm Hạnh, cho nên thờ Ngài là một trong những vị Thánh Tăng trong Tăng Đường. (như thờ trong Thiền Đường chùa Đoan Long, huyện Fujisan). Như trong quyển danh sách chư Tăng đệ tử Phật kiết hạ an cư theo thứ tự hạ lạp, tên của Ngài Trần Như Tôn Giả ghi đầu sổ.
Tân Đầu Lô Tôn Giả là một vị trong 16 vị La Hán, đầu bạc mi dài, có nhiều thần thông, thường được thờ trong Tăng Đường hoặc Thực Đường, hoặc thường được thờ ngay cửa vào Chánh Điện, nhiều người tin rằng xoa vuốt tượng nầy sẽ không bệnh hoạn.
Truyền Đại Sĩ người đời nhà Lương (496 – 569) sanh tại tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa, Họ Truyền, tên Hấp là một Phật Tử thuần tín Tam Bảo, lãnh hội rốt ráo những giáo huấn của Tổ Đạt Ma Đại Sư. Ngài cũng còn được xem là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc, xây dựng tàng Kinh các, vì thế tôn tượng của Truyền Đại Sĩ thường được thờ trong tàng Kinh các.
Đạo Liễu Đại Quyền Hiện, còn gọi là Đạo Liễu Đại Tát Đỏa, khai sơn Chùa Tối Thừa, huyện Kanagawa, phố Chisada, mà Thiền Sư Liễu Am Huệ Minh đứng hầu. Chùa Ngài có phong cách kiến trúc đặc biệt, phải nói rằng, toát lên một sức mạnh phi thường. Sau khi Thiền Sư viên tịch đã hóa thành Thiên Cẩu, biến vào không trung. Có nhiều người tin và cầu nguyện Ngài gia hộ cho nên ở Nhật ai cũng biết Chùa Tối Thừa và gọi Ngài rất thân thiện là Ông Đạo Liễu.
Tam Xích Phường Quyền Hiện xuất thân ở huyện Nagano, thâm tín Bồ Tát Quan Thế Âm xuất gia năm lên 7, trở thành một trong 12 tu sĩ của Tam Xích Phường, khai sơn Chùa Thu Diệp, huyện Sizuoka vào năm Đại Đồng thứ 4 (809), chứng đắc thần thông cho nên sau khi viên tịch được thờ tại Tạng Vương Đường, huyện Nigata. Năm Minh Trị thứ 6 (1873) Chùa Thu Diệp bị phế bỏ và dời về Thùy Tế (Suisai), huyện Sizuoka. Hầu hết các chùa thuộc Tông Tào Động đều thờ Tam Xích Phường Quyền Hiện, được gọi là Đại Ngư Thần để trừ hỏa tai.
Bạch Sơn Diệu Lý Đại Quyền Hiện, Thần hộ trì cho Phật Pháp Tăng, mà Bạch Sơn vốn là tên của một trong ba danh sơn Nhật Bản, nằm trên 3 huyện Fukui, Ishikawa và Kỳ Phụ. Thời kỳ Nara, Đại Sư Thái Đăng khai sơn thờ Đức Quan Thế Âm 11 mặt. Trước và sau khi Thiền Sư Đạo Nguyên Thiền Sư sang Trung Hoa du học đã từng lưu tại đây được Bạch Sơn Diệu Lý Quyền Hiện hộ trì công việc soạn thảo “Bích Nham Lục”.
Thất Phước Thần tiêu trừ 7 nạn là vị Thần ban cho 7 loại phước đó là: Thần Huệ Tỉ Tu, Đại Hắc Thiên, Tỳ Sa Môn Thiên, Biện Tài Thiên, Phước Lộc Thọ, Thọ Lão Thiên, Bố Đại Tôn. Các chùa thuộc Tông Tào Động thờ Thất Phước Thần, được biết như: Chùa Tùy Nguyên, Chùa Long Giác, Chùa Đổng Quang, huyện Simahane, nơi đó gọi là Xuất Vân Quốc Thất Phước Thần Linh Trường, được nhiều người từ nơi khác liên tục đến hành hương chiêm bái.
Ngoài ra, tại Điện Phật, Khai Sơn Đường hay Bổn Đường còn thờ tôn tượng Đạt Ma Đại Sư, Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa, Đại Sư Động Sơn, Tổ của Tông Tào Động Trung Hoa, Thiền Sư Như Tịnh, bổn sư của Thiền Sư Đạo Nguyên, Lưỡng Tổ Đại Sư, Khai Sơn Thiền Sư, Lịch Đại Trụ Chức, Khai Sơn (tất cả đều được thờ ở Khai Sơn Đường) v.v... đôi khi còn phải thích nghi hoàn cảnh đặc biệt của Chùa đó, thờ chư Phật, chư vị Bồ Tát và chư Thiên Thiện Thần v.v....
III.3.3 Pháp Cụ
Pháp cụ còn gọi là Phật cụ là những đồ dùng trong Đạo, mà chư Tăng thường dùng trong khi hành lễ hoặc cử hành nghi lễ trong nhiều phương diện khác nhau, song có mục đích và ý nghĩa phụng sự đạo pháp. Xin được lần lượt giới thiệu như sau:
Tu Di Đàn là Án thờ với hình thức như một đài mang tên ngọn núi Tu Di, Ấn Độ, được thiết kế ngay giữa Bổn Đường hay Phật Điện, trên đó an trí tượng Phật rất trang nghiêm.
Đồ trải là những tấm vải trải trên Tu Di Đàn.
Tiền Ngột là cái án thờ đặt phía trước Đàn Tu Di, kê cao gần sát Đài, trên đó có lò hương đặt chính giữa, hai bên là bình hoa và có một cặp nến, được gọi là ngũ cụ túc. Ngoài ra trước án còn treo những tấm lụa ở ba phương, mà cả ba phương đó đều có lò hương để vị chủ lễ cắm hương vào.
Đả Phu là miếng vải trải lên trên ghế phía trước.
Bái Phu là chỗ ngồi ở chính giữa dành cho vị Chủ Lễ lễ bái.
Tọa Nhục là cái đệm ngồi, trên ấy có để sẵn tràng hạt và cây phất trần dài màu tím để vị sám chủ sử dụng trước khi lễ bái và ngồi xuống.
Lễ Bàn là bục bước lên án cao khi lễ bái.
Dẫn Thủy là hành lang thoáng mát nối từ Bổn Đường đến Đại Điện.
Mộc Ngư là cái mõ chạm hình rồng hoặc cá bằng gỗ tròn, để báo hiệu giờ tụng kinh trên Phật Điện hay Bổn Đường bằng nhiều hồi.
Khánh Tử là cái chuông để gần mõ, hình tròn làm bằng kim loại, cũng có khi treo trên giá gần chỗ ngồi, dùng để báo hiệu bắt đầu tụng kinh hay kết thúc một câu kinh. Chuông lớn gọi là Đại Khánh Tử, còn Tiểu Khánh dùng như ra lệnh tiếng mõ khi đọc kinh. Cũng có khánh cầm tay để hướng dẫn chúng. Tất cả khánh, chuông đều có chung công dụng báo hiệu nhịp uyển chuyển trong chúng khi tụng kinh, cũng dùng để đi cúng đám cầu siêu ở ngoài mộ hoặc ở nhà thí chủ.
Kiến Đài là bàn dành riêng cho vị Trụ Trì hay Bổn Sư xem sách, xướng lễ, giảng Kinh v.v... Thông thường những kinh sách, giảng dạy cần thiết và những sớ cầu an, cầu siêu, phục nguyện hồi hướng v.v... của những thời thuyết pháp, giảng dạy hay tụng kinh sáng trưa tối đều để ở đây. Án không cao cũng không thấp cho nên dù ngồi hay đứng đều đọc được.
Thiên Cái là lọng lớn che treo trên tượng Phật ở Pháp Đường hay Bổn Đường thường làm bằng gỗ mạ vàng để trang nghiêm Phật, gọi là Phật Thiên Cái. Nếu treo tại Pháp Đường, trên chỗ ngồi của Chư Tăng gọi là Nhơn Thiên Cái. Ngoài ra, còn có lọng nhỏ dùng để che khi cung thỉnh chư Tôn Đức hay vị Trụ Trì quang lâm Chùa hoặc đi đám tang.
Điện Chung là quả chuông treo cố định tại nơi nào đó trong Bổn Đường hay Phật Điện để báo hiệu cho đại chúng biết lúc hành lễ hoặc nhóm họp. Khi Đạo Sư đăng đàn, thường gõ lên bảy hồi chung.
Phạm Chung cũng gọi là Đại Hồng Chung treo trong lầu chuông, gần như chùa nào cũng có. Phạm nghĩa là Thanh Tịnh.
Cổ Bạt là Trống và Phèng La. Trống dùng để báo giờ khắc, điểm giờ bắt đầu những pháp sự như báo hiệu giờ uống trà chẳng hạn. Trống là một pháp cụ dùng trong nhiều pháp sự khác nhau, còn Phèng La thường làm bằng đồng có dáng hình tròn sử dụng trong phạm vi nghi lễ cùng với trống nhỏ, lúc đi đám tang hay khi chẩn tế ngạ quỷ.
Bảng (Mộc Bảng) là bảng gỗ treo trước Tăng Đường hay Phương Trượng Đường dùng để báo hiệu bắt đầu tọa thiền hay thuyết giảng.
Vân Bảng là khánh đồng, trên đó có hình mây cuộn, thường cột treo tại nhà kho hay Lầu Chuông Trống, để báo hiệu giờ thọ trai.
Hoán Chung là chuông nhỏ mà Thiền Sư hay thị giả của Thiền Sư dùng để báo gọi từng thiền sinh vào phòng tham vấn, khi tham một mình.
Bang Ngư Cổ là cái mõ gỗ chắc, cứng dài có hình đầu rồng thân cá, treo ngoài chỗ trống trước Tăng Đường, để thông báo thọ trai. Ngày xưa chữ Bang có nghĩa là mõ Mộc Ngư (Mõ bằng gỗ).
Điển Lục là ghế kiểu Trung Hoa, chỗ ngồi nghĩ của Đạo Sư, khi thay đổi nghi lễ.
Cao Tọa là cái đài bằng gỗ có dựa và chỗ gác tay ở hai bên, dùng để ngồi thiền, thuyết pháp hay cử hành những nghi lễ khác.
Trà Dương Khí là những chén trà nhỏ bằng gỗ, để châm trà hay nước cúng dâng cúng Phật. Thỉnh thoảng cũng dùng tiếp khách quý.
Tửu Thủy Khí là chén đồng, mạ vàng, dùng đựng nước sái tịnh để Đạo Sư chú nguyện và tẩy tịnh trong những lễ: Thọ Giới, Chẩn Tế, Hằng Thuận v.v...
Tam Phương là khay bằng gỗ sơn màu dùng dâng đồ cúng Phật như hương hoặc những vật khác. Khay nầy cũng dùng vào việc tiếp nhận đồ cúng của khách thập phương viếng Chùa.
Phất Tử là cái phất trần có đuôi làm bằng lông thật là dài và mịn, dùng trong các đàn tràng lớn.
Như Ý như bàn tay bằng gỗ sơn son, cũng có loại bằng trúc, kim loại, bằng xương v.v... chiều dài thường là 30 cm đến 50 cm, vị Đạo Sư dùng trong nhiều nghi lễ. (chú thích của dịch giả. Việt Nam gọi là cái hốt, các vị Đạo Sư thường cầm trên tay khi không cầm phất tử).
Hốt là pháp khí bằng gỗ sơn son, hay bằng trúc, cũng có khi bằng xương giống như ngón trỏ, vị Đạo Sư hay Sư Cụ cầm trên tay khi tham thiền hay chỉ đạo những Phật sự quan trọng khác.
Trụ Trượng là cây gậy bằng gỗ, trúc, kim loại, xương v.v... dùng trong lúc quang lâm, khi nhận trách nhiệm trụ trì, khi đi hành cước, lúc thuyết pháp hoặc giáo giới cho giới tử. Trên đó, thường khắc những lời Kinh hay lời dạy của Tổ Sư.
Số Chu là tràng hạt 108 hạt, bằng gỗ hoặc nhựa, hình tròn, cứng hoặc mềm, dùng để niệm Phật, hoặc đeo trên cổ hoặc cầm trên tay, khi lễ bái, tụng Kinh, đốt nhang. Thiền Sư Đạo Nguyên dạy mang tràng hạt mà lễ lạy người khác là không nên, vì thế tu sĩ Tông Tào Động ít khi sử dụng đến hoặc tránh không lễ người khác lúc mang tràng hạt.
Xích còn gọi là thủ xích hay giới xích làm bằng gỗ dùng trong những đàn tràng thọ giới, tang lễ hoặc thọ trai, khi Đạo Sư sai bảo chư Tăng hay chỉ thị công việc lúc đọc Kinh. Khi vỗ thủ xích xuống mặt bàn vang lên âm thanh mạnh mẽ nên gọi là giới xích (răn bảo, dạy khuyên).
Tích Trượng là một loại gậy, bên trên đầu trượng bọc kim loại, để khi dộng xuống đất những vòng tròn của khoen kêu leng keng dùng để xua đuổi côn trùng, đề phòng việc sát sanh khi hành cước hoặc để báo cho tín chủ biết khi đi khất thực.
Trung Khải là cái quạt sơn son hai mặt.
Thủ Cân là dây nịt thường cột trong tay, ngày nay đeo ở ngón tay, thật ra đeo nơi lưng.
Ngũ Kiết Linh là chuông (linh) kim loại dùng vào lúc đi khất thực, lúc cầu nguyện.
Chấn Linh là chuông báo thức cho chư Tăng và những người đang hành trì, thường để ở trong Tăng Đường hay chỗ thờ Thánh Tăng.
Cảnh Sách là một thước bảng bằng gỗ cứng mỏng, dài một mét, phần trong hình trụ tròn đường kính khoảng bốn centimet để cầm tay, phần ngoài dát mỏng bề ngang cũng khoảng bốn centimet. Nếu bằng nửa loại nầy gọi là Đoản Sách.
Kinh Ngột là cái giá để Kinh có bốn chân, cũng gọi là Kinh Trác (kệ để Kinh).
Ứng Lượng Khí bình bát dùng cơm của chư Tăng. Có năm lớp lớn nhỏ bằng thiếc hoặc bằng gỗ sơn son chồng lên nhau bằng thiếc.
Cà Sa Văn Khố là cái đảy đựng hành lý như Cà Sa và quyển Kinh, thường đeo trên cổ thòng xuống đến ngực khi đi hành cước, còn bình thường để đầu giường.
Tọa Bồ là bồ đoàn để dùng khi ngồi Thiền, đường kính chừng 34 cm, cao chừng 10 cm hình tròn, bên trong nhồi bông cho cứng.
Toại Châm là cái chày có cán treo hình bát giác lớn chừng 1 xích (33,33 cm), cao chừng 3 đến 4 xích (~ 99,99 cm), đường kính chừng 5 đến 6 thốn (~ 16,65 cm), đặt trong Tăng Đường gần tượng của Thánh Tăng dùng để gọi lúc ăn cơm hay lúc cần liên lạc.
Bi là tấm bảng thông báo dựng hoặc treo trước Phương Trượng Đường, Tăng Đường hay hành lang.
Bảng là tấm bảng hình thức giống như tấm Bi nhưng dùng dán những thông báo nhân sự và những việc làm trong ngày hoặc ngày mai như phân công lo việc ẩm thực.
Ngạch là bức hoành dùng để treo những bức tranh họa, sách, giấy, bảng v.v... trên đầu cửa vào hoặc cửa phòng.
Liễn là câu đối treo nơi cửa hoặc chỗ ra vào, thường một cặp liễn nhỏ dài có viết chữ khắc tranh treo dọc theo cột của hai bên trái phải, trên đó ghi, chạm khắc công phu văn thơ rất đối nhau về ý nghĩa cũng như văn tự, mà gần như chùa nào cũng có, thường treo chung với Hoành Phi.
III.4 Tư Cách Của Tăng Lữ Và Pháp Y
III.4.1 Tu Hành Và Thời Hiện Đại
Dù thời gian cách thời Đức Thích Tôn hơn 2500 năm nhưng mục đích tu hành của người Tăng sĩ ngày nay vẫn như xưa, không có gì khác, song phương pháp hành trì vẫn là điều quan trọng của việc tu. Ngày nay hình thức sinh hoạt của người Tăng sĩ có nhiều thay đổi theo biến thiên lịch sử, nếu so sánh thời Kamakura của Thiền Sư Đạo Nguyên với thời Giang Hộ và bây giờ, khác nhau rất nhiều.
Hiện tại, ở Nhật tuy người tu sĩ cũng gọi là xuất gia nhưng thực tế hầu hết tu sĩ các Tông Phái, không riêng Tông Phái nào, đều để tóc, ăn mặn và kết hôn, nói khác hơn đời sống người Tăng sĩ đã bị thế tục hóa rồi. Ngôi chùa trở thành mái ấm gia đình, có vợ, có con cùng sinh sống và truyền thừa cho nhau. Giới luật xuất gia đã băng hoại, Tăng sĩ đã hòa tan vào xã hội, nếu không muốn nói là hổn tạp, không nghiêm khắc, khác với thời xưa nhiều lắm! Người tu sĩ chỉ cần ở chùa một thời gian ngắn là có thể trở thành Trụ Trì.
Người tăng sĩ của Tông Tào Động xuống tóc xuất gia, trở thành Tăng lữ và cuối cùng nhận trụ trì một ngôi chùa nào đó, là một quy luật cho đến nay vẫn như vậy, không có gì thay đổi. Vấn đề then chốt mà Giáo Đoàn đang đối đầu đó là người tu sĩ phải làm gì để gọi là xuất gia trước thực trạng đời sống xuất gia bị thế tục hóa.
Để hiểu được điều đó, trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ thế nào là một tăng sĩ theo Tông Tào Động. Theo “Tào Động Tông Tông Hiến” thuộc “Tào Động Tông Tông Chế”, người tăng sĩ theo Tông Tào Động vừa là người xuất gia có Tăng tịch thuộc Tông Tào Động, vừa là người có tư cách như là một Giáo Sư, còn gọi là Chuẩn Giáo Sư. Nếu người nữ muốn trở thành người xuất gia, phải được tự tộc chấp nhận, hầu hết trở thành phối ngẫu của vị Trụ Trì, còn gọi là “Tự Đình Phụ Nhơn” (người vợ trong gia đình của chùa), vừa là người vợ, vừa như là một Chuẩn Giáo Sư, giúp đỡ cho vị Trụ Trì trên mọi phương diện hoạt động giáo hóa, có thể là giảng viên trong những hội nghiên cứu tu học của Tông Tào Động. Phân nữa các chùa thuộc Tông Tào Động đều có “Tự Đình Phụ Nhơn”, như một Chuẩn Giáo Sư, theo tư cách của Pháp Giai. Gia tộc của vị Trụ Trì không thuộc giai cấp Pháp Giai. Giai cấp của Giáo Sư gọi là Tăng Giai (theo Tông Tào Động, Giáo Sư Tăng lữ phân hạn quy định), cho nên Tăng lữ của Tông Tào Động đều mang hai tính chất là Pháp Giai và Tăng Giai.
III.4.2 Pháp Giai
Trước tiên, để trở thành một người Tăng sĩ, tự mình phải tìm một vị Thầy chánh thức để học hỏi. Vị Thầy chánh thức là người “hành giải tương ưng”, theo quan niệm của Phật Giáo, là nói và làm tương ứng với nhau. Thầy đồng ý và làm lễ xuống tóc lúc đó vị Thầy ấy là “Thọ Nghiệp Sư” và đệ tử được gọi là “Đồ Đệ” (học trò). Sau đó, người Tăng sĩ được ghi tên vào sổ Tăng Tịch ở Tông Vụ Sảnh thuộc Tông Tào Động với Pháp Giai (phẩm vị) là Sa Di hay Sa Di Ni hoặc đến bậc Thượng Tọa.
Sau khi xuất gia, người Tăng sĩ phải phát nguyện lập thân (lập đức) trong một đàn tràng nơi có một vị Thầy làm “Pháp Tràng Sư”, khi đó vị Tăng được gọi là Tọa Nguyên, hay Trưởng Lão theo Pháp Giai. Lập thân rồi, người Tăng sĩ thiết lập đàn tràng “Tự Pháp“ cung thỉnh vị Thầy của mình là Bổn Sư, lúc đó vị Tăng mới được gọi là Tọa Nguyên hay Trưởng Lão chánh thức. Cũng có trường hợp Thọ Nghiệp Sư, Pháp Tràng Sư, Bổn Sư là một vị, cũng có trường hợp ba vị Thầy khác nhau. Sau khi lãnh thọ Tự Pháp rồi (Việt Nam gọi là Pháp Tự), nếu y chỉ thêm vị Thầy nào nữa, cũng không thể có thêm Pháp Tự được. Có Pháp Tự rồi, người Tăng sĩ phải đi bái kiến tham học ở Lưỡng Đại Bổn Sơn và thực hành nghi lễ “Đoan Thế” một vị Trụ Trì. Ngoài ra, còn nghi thức thay đổi y áo nữa. Khi đó, người Tăng sĩ được tôn xưng phẩm vị Hòa Thượng, có thể Trụ Trì của một chùa nào đó. Trong thời gian làm Trụ Trì, được thâu nhận đệ tử, rồi làm lễ lập thân cho đệ tử của mình, gọi là “Kiến Pháp Tràng” và trở thành Pháp Giai của “Đại Hòa Thượng”.
III.4.3 Tăng Giai
Sau khi nhận Pháp Tự trở thành “Tam Đẳng Giáo Sư”, tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông hay chuyên môn Tăng Đường (trường hợp Lưỡng Đại Bổn Sơn có những Tăng Đường,về sau có trường Ni cũng được hiểu chung là Tăng Đường), người Tăng sĩ phải học thêm một năm ở đây. Nếu chưa tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhị Cấp, phải học xong chương trình chuyên môn Tăng Đường (giống như Phật Học Viện ở Việt Nam), chỉ mặc Cà Sa màu đen, ngay cả áo tràng cũng màu đen nữa.
Khi được tôn xưng phẩm vị Tăng Giai là Hòa Thượng, được gọi là “Nhị Đẳng Giáo Sư”, tốt nghiệp Phân Khoa Phật Học của Tông Lập Đoản Đại Học (Đại Học ngắn hạn trong Tông Phái) hoặc khoa chuyên tu của Tông Lập Cao Hiệu, được nhận Cà Sa, y choàng và hoại sắc y (không phải giữ nguyên màu, mà là màu giữa xanh và đen, màu mộc lan, màu trái thị v.v...), song áo vẫn màu đen.
Được lãnh thọ phẩm vị Đại Hòa Thượng, trở thành vị Kiến Pháp Tràng mới là Nhị Đẳng Giáo Sư, phụ tá cho Nhứt Đẳng Giáo Sư. Sau đó cứ thế tiếp tục theo tuần tự: Chánh Giáo Sư, Quyền Đại Giáo Sư, Đại Giáo Sư, Quyền Đại Giáo Sư, cho đến phẩm vị cao nhất, Đại Chánh Giáo, Quản Thủ Lưỡng Đại Bổn Sơn. Từ phẩm vị Quyền Đại Giáo Sư trở lên được gọi là Định Viên.
Nhị Đẳng Giáo Sư là người phải tốt nghiệp các trường Tông Lập Cao Hiệu (Trung Học Đệ Nhị Cấp, Khoa Chuyên Tu) rồi Tông Lập Đoản Kỳ (Đại Học Tông Lập Ngắn Hạn – Phật Khoa) rồi Tông Lập Đại Học (Phật Giáo Học Bộ, Tông Giáo Học Khoa) hoặc Tông Lập Đoản Kỳ Đại (Đại Học Ngắn Hạn – Phật Khoa) hoặc phải tốt nghiệp Đại Học Phổ Thông và ở trong chuyên môn Tăng Đường sáu tháng hoặc ở tại Bổn Sơn Tăng Đường trên ba tháng. Dù tốt nghiệp Tông Lập Đại Học (khoa chuyên tu) phải an cư đủ năm lần trong thời gian học và được ghi trong học lịch của mình. Cũng có thể Nhị Đẳng Giáo Sư là vị Tăng sĩ đã đang thực hiện lịch trình tu học như thế.
Nhứt Đẳng Giáo Sư là vị Thầy vừa tốt nghiệp học trình Tông Lập Đại Học Đại Học Viện (Tiến Sĩ khóa trình về Phật Giáo của Tông đó) vừa hoàn tất quá trình nghiên cứu tại Tăng Đường của Bổn Sơn, cũng có thể chỉ tốt nghiệp Tông Lập Đại Học (Phật Giáo Học Bộ và phân khoa Tôn Giáo) và đã trải qua thời gian tu học hơn một năm hay hai năm tại Tăng Đường của Bổn Sơn và nghiên cứu chuyên môn tại Tăng Đường (Phật Học Viện).
Sau khi tốt nghiệp Tông Lập Đại Học Đại Học Viện (Tiến Sĩ Phật Khoa), vị Tăng ấy phải có thời gian một năm học chuyên môn tại Tăng Đường hoặc trải qua trên sáu tháng hành trì tại Tăng Đường Bổn Sơn. Nếu tốt nghiệp Tông Lập Đoản Kỳ Đại Học Phân Khoa Phật Học phải có thời gian hơn hai năm lưu trú tại Tăng Đường của Bổn Sơn và hơn ba năm nghiên cứu chuyên môn nơi Tăng Đường.
Nhị Đẳng Giáo Sư phụ tá cho Nhứt Đẳng Giáo Sư, được quyền mặc áo màu đen của Nhứt Đẳng Giáo Sư. Riêng Ca Sa có nhiều màu khác nhau hoặc thuần một màu cũng được. Cà Sa giống như Ca Sa của vị Đại Tăng Chánh.
Tóm lại, nhìn hình thức Chùa Viện (cách thức của tự viện) và phong cách của vị Trụ Trì có thể biết là Đại Bổn Sơn, là Đại Giáo Chánh hoặc là Nhứt Đẳng Giáo Sư trở lên Đại Hòa Thượng tại địa phương. Thông thường Pháp Địa gồm các tự viện thông thường, ở đó chỉ có Nhị Đẳng Giáo Sư hoặc Hòa Thượng trở lên, còn Chuẩn Pháp Địa, nơi đó có từ Tam Đẳng Giáo Sư và Truyền Pháp trở lên.
Chánh Giáo Sư – vị Tăng trải qua quá trình tu học nghiên cứu tại Tăng Đường của Bổn Sơn và có học lịch nghiên cứu tu hành trên một năm tại Tăng Đường của Bổn Sơn hoặc là tốt nghiệp Cao Học Phật Giáo tại Viện Đại Học thuộc Tông Lập Đại Học, có quá trình tu tập trên ba tháng tại Tăng Đường của Bổn Sơn, hoặc là Tiến Sĩ Phật Học tại Phân Khoa Phật Học thuộc Viện Đại Học Tông Lập Đại Học, được mặc áo tràng và thừa nhận màu y. Vả lại, Tăng Giai (phẩm vị) Chánh Giáo Sư tương đương Pháp Giai (phẩm vị) Đại Hòa Thượng, có hơn ba năm làm việc như là giảng sư tại Tăng Đường, hoàn thành bổn phận tại Tăng Đường, hành trì nghiêm túc, ưu việt, sẽ trở thành Chuẩn Sư Gia thực thụ và nếu đương sự có đơn xin có thể trở thành Chánh Giáo Sư.
Quyền Đại Giáo Sư – vị Tăng trước tiên được hội đồng kiểm tra, sau đó bổ nhiệm là một Định Viên, lúc bấy giờ áo tràng và y chuyển sang màu hoàng ân (màu vàng). Trong thời đại nầy, cứ người đến 45 tuổi, được đắp Phế Ân Y (Ân Y có nghĩa là người đang mang Pháp Giai Đại Hòa Thượng, đắp y nầy vào những dịp đại lễ như làm giới sư của những giới đàn, làm giáo thọ, làm dẫn thỉnh sư.)
Trường hợp đặc biệt, Đại Hòa Thượng phải trên 45 tuổi, được thừa nhận qua sự thẩm tra của Tông Vụ Sảnh người có sự nghiệp công lao hoằng pháp lợi sanh. Cũng có trường hợp Chánh Giáo Sư không phải là Định Viên tuy nhiên phải là bậc đức độ có Tăng Giai từ Quyền Đại Giáo Sư trở lên, còn Chuẩn Sư Gia phải là người tại vị trên năm năm, đặc biệt có thời gian tu học trên ba năm và đã tốt nghiệp tại Tăng Đường, trở thành tư cách Sư Gia, bởi vì họ là người có trách nhiệm giáo dục Tăng sĩ đang tu hành, người hết lòng kiên trì với Tông Phong mình.
Đại Giáo Sư là những vị trên 60 tuổi, được quyền mặc áo Hoàng Ân, Quyền Đại Giáo Sư. Thật ra, trong Giáo Đoàn chỉ có 150 vị là Định Viên mà thôi. Vị Tăng nầy có Y màu Xích Tử Ân Y (y áo màu đỏ tím).
Quyền Đại Giáo Chánh là Quản Thủ Lưỡng Đại Bổn Sơn kế thừa sự nghiệp từ những vị Tiền Quản Thủ, mặc áo màu tím.
Tăng lữ của Tông Tào Động có phẩm vị Giáo Sư với nguyên tắc đại khái như trên đã trình bày, mà những quyết định của Tông Tào Động từ phần “Tào Động Tông Giáo Sư Tăng lữ Phân Hạn Quy Định” sau nầy có sửa đổi đôi chút.
III.4.4 Áo Tràng Và Cà Sa
Y phục của Tăng lữ gọi bình thường là pháp y, thông thường gọi chung là áo và Cà Sa (trong đó bao gồm cả tọa cụ).
III.4.4.1 Áo Tràng
Áo tràng còn gọi là Trực Chuyết. Người tu sĩ Ấn Độ có ba y: Hạ y mặc bên dưới, Phúc Kiên Y là y đắp trên vai và ngực và Tăng Kỳ Chi là Cà Sa quấn ở bên ngoài, Bởi vì có sự khác nhau giữa phong tục Trung Hoa và Ấn Độ, cho nên các quan của cung đình thời Ngụy đã điều chỉnh y của chư Tăng Ấn Độ thành một loại áo che kín vai ở nửa phần trên, gọi là Kiên Y để cúng dường Chư Tăng Trung Hoa, về sau áo nầy được chế thêm hai tay áo thật rộng và có áo Biển Sam (áo bên trong) và Quần Tử (cái củng) nữa. Tuy nhiên, trên dưới chia ra làm hai phần rõ ràng, có hình dạng như là một áo tràng bây giờ. Thiền Sư Đạo Nguyên cũng mặc quần áo như thế và bên trên có khoát Cà Sa. Song vì thấy bất tiện nên may chung thành một gọi là Koromo (áo choàng), còn gọi là Trực Chuyết (khâu thành một), như ngày nay chúng ta thấy. Song bây giờ vẫn còn có người giữ phong tục xưa mặc áo (Biển Sam) và quần (Quần Tử) gọi là mặc Koromo cổ như Tông Chơn Ngôn cổ và đồng thời có Tăng sĩ mặc theo Tông Tào Động nữa.
Koromo thường may bằng vải, gai sợi và nhiều loại khác nữa, có nhiều màu tùy theo phẩm vị: như màu đen, màu hoại sắc, màu nhiều sắc, màu áo vàng, màu áo tím đỏ v.v... như trước đã nói. Áo Tràng có màu tím từ thời nhà Đường ở Trung Hoa và thời Kamakura ở Nhật, bởi vì màu tím là màu y phục của Hoàng Đế và các quan tham chính được Vua ban. Ở Nhật, thời Nara, đặc biệt thời Bình An, Phật Giáo là quốc giáo, cho nên hầu hết các chùa viện đều của các quan, Tăng sĩ đôi khi có người là Tăng quan, đặc biệt y phục của Tăng sĩ lúc bấy giờ như các quan chức, thành ra Koromo có nhiều màu như: vàng, tím, nghệ, hoại sắc và những loại khác để dễ dàng phân biệt phẩm vị. Thấp nhất là màu áo tràng đen, còn áo gấm, áo tím dành cho những bậc phẩm vị cao. Thật không sai khi nói rằng đó là nguyên nhân hình thành những vấn đề ý nghĩa trong lịch sử. Chẳng biết y phục có cần thiết cho việc thể hiện quyền uy hay không nhưng Koromo nhiều màu ấy, trong ý nghĩa tôn giáo, có lẽ cần nên sửa đổi, nếu không muốn nói là không cần thiết, giống như người hầu hạ hai bên chẳng hạn.
Tăng sĩ chỉ mặc Koromo để tụng Kinh sáng, trưa và chiều hoặc tọa thiền hoặc lễ cầu siêu hoặc một số Phật sự quan trọng. Ngoài ra, mặc y phục đơn giản thôi. Thật ra, tùy quan niệm của mỗi người, việc mặc y phục bình thường hay lễ phục sao cho hợp lý là được rồi, có thể nói rằng không sao hiểu được, vì vấn đề y phục tùy thuộc vào nhiều quan niệm và lập trường khác nhau. Thật ra, với Tông Tào Động, điều tâm đắc nhất là y phục của người Tăng sĩ không lệ thuộc hình tướng màu sắc, cũng không lệ thuộc vào phẩm vị.
III.4.4.2 Cà Sa
Cà Sa, còn gọi là “giải thoát phục”, mục tiêu hướng đến của người Tăng sĩ Phật Giáo. Ngoài ra, nghĩa tiếng Phạn là “thị xỉ sắc” màu trái thị và màu răng, bởi vì y phục của người Tăng sĩ Phật Giáo được may từ những mảnh vải may y được nhặt từ những đống rác và những ngôi mộ, giặt sạch, nhuộm vàng bằng nước bùn hoặc nước vỏ cây. Sở dĩ đắp y bằng những mảnh vải như thế là để từ bỏ tâm tham đắm thế gian, tâm chấp trước thích hay không thích, xả bỏ những ước muốn trong đời sống tu hành, thế cho nên y nầy gọi là “giải thoát phục”.
Theo nguyên tắc, cà sa phải được may bằng vải, vải gai thô xấu, với màu hoại sắc hổn hợp từ năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng và đen. Ngoài ra còn có những màu khác như: màu vàng, màu mộc lan, màu xanh đen, màu lam, màu vàng nghệ. Đôi khi cũng có cà sa màu hoa đào hay một số màu khác nhưng không thể tự ý quyết định sử dụng được.
Cà Sa có ba loại đó là:
 An Đà Hội, y 5 điều mặc ở bên trong, lúc ở trong phòng một mình, khi làm việc, lúc đi du lịch v.v... Ở Nhật, chỉ còn danh từ mà thôi, thật sự là một mảnh y nhỏ choàng lên người .
 Uất Đa La Tăng, y 7 điều cũng còn gọi là y nhập chúng, mặc trong những lúc ăn cơm, ngồi thiền, thuyết pháp và trong thời gian tu học.
 Tăng Già Lê, y 9 điều, 11 điều, 13 điều, 15 điều, 17 điều, 19 điều, 21 điều và 25 điều, còn gọi là Đại Y. Đại Y dùng trong những thời gian như truyền giới, đi khất thực và đi ra ngoài.
Ngoài ra, còn có Phấn Tảo Y, theo như chữ nghĩa, là loại Cà Sa may bằng vải, nhuộm bằng bùn. Còn có Kim Lan Y, y làm bằng lá vàng, nguyên do Di Mẫu Đức Thích Tôn, Ma Ha Ba Xà Ba Đề cúng dường cho Đức Phật. Theo truyền thống Thiền Tông, Ngài Ma Ha Ca Diếp nhận y nầy, sau khi Đức Phật lâm chung và Phật pháp chánh thức truyền trao cho Ngài Ca Diếp. Bây giờ trong các lễ nghi, y trang nghiêm của chư Tăng cũng được gọi là Pháp Y, dù rằng vật liệu dùng bằng rẻo nhỏ khâu lại thành một tấm Cà Sa truyền thống.
Giữa hai Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự và Vĩnh Bình Tự, việc đắp y của chư Tăng cũng có nhiều vấn đề khác nhau, bởi tuân theo một số nguyên tắc hoặc là thông lệ nhất định có lịch sử lâu đời, tạo thành những nét riêng biệt của Lưỡng Đại Bổn Sơn. Như màu của áo tràng, màu cà sa cũng có nhiều khác biệt tùy theo phẩm vị Pháp Giai và Tăng Giai. Điều đáng nói là làm sao trong điều kiện nào đó có thể, nên từ bỏ vấn đề may và đắp y đẹp.
Bàn đến Cà Sa cũng nên bàn đến Tọa cụ. Tọa cụ thường làm bằng vải, có thể không cần thiết trong những nghi lễ riêng biệt trong gia đình; nhưng hầu như trong các lễ nghi khác, bắt buộc phải có và được mang theo với Cà Sa, giống màu của Cà Sa, để trong tay áo làm sao tay mình có thể lấy được.
Tăng sĩ (từ Pháp Giai Hòa Thượng trở lên) bên trong mặc quần, có nịt buộc chặt thắt lưng, bên trên mặc áo ngắn tay, bên ngoài mặc áo tràng, có thắt dây đai dưới bụng, đắp cà sa ngoài cùng. Bên trái để Tọa cụ, bên phải để Phất Tử, Như Ý, cái Hốt v.v..Trên tay cầm tràng hạt. Chân đi giày màu trắng hai mũi hướng về phía trước, bên trong mang vớ (loại của Nhật).
Nếu là vị Đại Hòa Thượng trở lên, trên đầu còn đội mũ nữa. Khi vào nhà xí, bắt buộc phải cởi Cà Sa (y) áo, cởi giày, chỉ mặc một bộ đồ ngắn tay bên trong mà thôi.
III.4.5 Cải Cách Y Phục Và Lạc Tử
Thời Minh Trị, y phục của Tăng Sĩ Nhật đơn giản nhiều, còn gọi cà sa hay y phục cải cách, với hình thức ngắn tay, gọn nhỏ. Tay áo cũng đơn giản. Trước ngực vị Tăng chỉ đeo một sợi dây choàng, đôi khi còn mặc âu phục nữa. Trên đầu đội mũ bình thường, không cần thiết đội mũ Tăng lữ, đeo tràng hạt trên tay hoặc trên ngực, chân mang vớ Nhật màu trắng. Trường hợp nầy hiện rất phổ thông gọi là y phục giản đơn, tương tự như người Nhật sửa đổi y phục truyền thống của họ gọi là Bị Phong, để mặc cho đơn giản, và cũng giống như những người đàn bà khi đi ra ngoài ăn mặc y phục cải cách từ chiếc áo truyền thống. Tào Động Tông cũng không ra ngoài lệ ấy.
III.4.6 Chế Tác Phục Y
Chế tác Phục Y hầu hết là bằng vải có màu đen hoặc màu trà, hoặc màu xám, là y mặc để làm việc, vì muốn rằng khi làm việc, y phục cần nhẹ nhàng. Trên dưới chia ra hai phần rõ ràng. Áo bên trên tay ngắn, còn quần thì dài và nữa phần bên trên mặc bó lại. Y phục nầy chế biến từ chiếc áo của người Nhật, dùng để mặc làm việc vì thế chỉ mặc trong chùa, không được phép mặc khi đi ra ngoài đường.
III.5 Nghi Lễ Của Tào Động Tông
III.5.1 Nghi Lễ Nghĩa Là Gì?
Nghi lễ của Tông Tào Động có nhiều loại, bởi vì quan niệm của Tông Tào Động cần phải tùy duyên hòa nhập vào sinh hoạt rộng lớn của cuộc sống người dân, miễn là không đánh mất tính chất thuần túy, hòa hợp và hổ tương để thành tựu con đường giáo hóa hoằng Pháp. Song tựu trung có hai loại nghi lễ đó là loại lâu dài và loại ngắn hạn. Có những nghi lễ cử hành tại chùa chỉ có Tăng sĩ tham dự, cũng có những nghi lễ có tín đồ tham gia nữa. Đặc biệt, có những nghi lễ chỉ có Tăng Sĩ chuyên môn, còn những Tăng Sĩ bình thường không làm được.
Nghi lễ Đàn Tín Đồ đã giải thích ở chương 4. Ở đây chỉ trình bày và giới thiệu những nghi lễ tại chùa viện có tính cách căn bản thường ngày theo “Tào Động Tông Tông Chế” và tham khảo thêm ở phần “Tào Động Tông Nghi Lễ Quy Trình”.
III.5.2 Kinh Được Tụng Và Những Hoạt Động Căn Bản
“Bổn Tôn Thượng Cúng” được cử hành tại Chánh Điện và Phật Điện vào ngày mồng một và rằm mỗi tháng là hình thức Nghi lễ căn bản của Tông Tào Động tuần tự như sau:
• Thỉnh chuông, tất cả chư Tăng và tín đồ lần lượt vân tập vào Chánh Điện, đứng hai bên trái phải của Tôn Tượng Phật Bổn Tôn. Sau đó toàn thể đại chúng nghinh đón vị Đạo Sư từ từ quang lâm thật uy nghi và trang nghiêm vào giữa Chánh Điện. Thị Giả dâng hương cho Đạo Sư niêm hương.
• Dâng Hương, Đạo Sư lạy một lạy quỳ xuống nệm bố, nhận hương từ Thị Giả, niệm hương bạch Phật, sau đó đưa hương lại cho Thị Giả rồi lạy một lạy. Sau đó tiến thêm lên phía trước bàn Phật, không cần chấp tay. Thị Giả mang hương cắm lên lư hương, lạy một lạy rồi đứng bên phải.
• Cùng lạy Tam Bái, Đạo Sư chấp tay lùi trở lại trước chỗ có nệm ngồi, thỉnh phèng la trong Chánh Điện. Tất cả đại chúng và Đại Sư cùng nhau thao tác thật nhịp nhàng và đều đặn: mở tọa cụ ra, cùng lạy năm vóc sát đất 3 lạy. Lạy xong, đại Chúng xếp tọa cụ để lên chiếu bên tay trái, đứng thẳng nghiêm trang. Đạo Sư một lần nữa tiến về chỗ ghế ngồi.
• Hiến dâng quả trà, Đạo Sư từ từ đốt hương, cúng trà, dâng bánh, dâng nước đường (mật) và cúi đầu dâng lên Bổn Tôn. Dâng xong, trở lại vị trí cũ và lạy 3 lạy.
• Đọc Kinh, Trong nội Đường, thanh la trổi lên 3 hồi, thời kinh bắt đầu bằng Duy Na xướng đề Kinh, đại chúng cùng tụng theo nhịp mõ một biến bài kinh Bát Nhã Tâm Kinh. Trong lúc tụng Kinh Đạo Sư tiếp tục thêm nhang bột vào lò, mỗi lần thêm vào xá 3 xá.
• Hồi hướng, Đọc Kinh xong, Duy Na xướng văn kệ hồi hướng, đại loại là đọc kinh xong phải hồi hướng. Đạo Sư bái 3 bái.
• Cùng lạy Tam Bái, Sau khi hồi hướng, tất cả cùng chắp tay và xướng lên như sau:
“Thập Phương Tam Thế Nhứt Thiết Phật,
Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát,
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật”.
Đạo Sư đến trước bỏ thêm bột hương vào lò rồi trở lại chỗ ngồi. Phèng la gióng lên, tất cả cùng lễ 3 lễ.
• Lui ra, Đạo Sư cùng với mọi người xá một xá. Đại chúng chắp tay tiễn Đạo Sư, Thị Giả và Thị Hương ra khỏi Chánh Điện, sau đó Đại Chúng lần lượt rời khỏi Chánh Điện.
Đạo Sư mặc áo tràng đắp y theo màu sắc phẩm vị của mình, mang tọa cụ, bí tất, khăn tay, cầm như ý, thủ xích trên tay. Đại chúng mặc áo tràng, đắp y. Khi tụng Kinh, tay bắt chéo để trước ngực, để tay trái lên tay phải, trông rất thiêng liêng huyền bí. Ngồi tụng Kinh, phải bắt “Pháp Giới Định Ấn”, giống như lúc ngồi thiền. Tụng Kinh tiếng không cao quá, không thấp quá, phải hợp với mọi người.
III.5.3 Tụng Kinh Hằng Ngày
Tụng Kinh hằng ngày là pháp môn tu căn bản của Tăng Sĩ thuộc Tông Tào Động. Mỗi ngày khóa lễ thường cử hành tại Pháp Đường và Bổn Đường ba buổi: sáng tụng thời khóa sáng; trưa tụng thời khóa trưa và tối tụng khóa lễ tối.
Sinh hoạt trong Tăng Đường khởi đầu từ 3 giờ sáng đại chúng đã thức giấc cho đến 9 giờ tối mới đi ngủ. Ngoài 3 thời khóa tụng Kinh, còn có 4 lượt ngồi thiền: 4 giờ sáng, 10 giờ sáng, 4 giờ chiều và 8 giờ tối và những giờ học Phật Pháp, Kinh Điển, Giáo Huấn của Tổ, tham gia những buổi giảng, hội họp, làm việc, đi khất thực, hồi hướng đến Tín Đồ nữa, mà thời khóa biểu nầy gần như không thay đổi được thực hiện trong tất cả mọi tự viện.
• Khóa Tụng Kinh Sáng: Sau buổi tọa Thiền sớm mai, gọi là Hiểu Thiên Tọa, đến 5 giờ sáng, toàn thể đại chúng vân tập lên Pháp Đường hay Bổn Đường.
• Tụng Kinh nơi Phật Điện: Thượng cúng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cúng dường Lưỡng Tổ Đại Sư, đảnh lễ cảm niệm công đức những vị Thần hộ trì Phật Pháp, tụng Kinh cầu an, nguyện cầu mọi nguời đều được an lạc trên hành tinh nầy. Thông thường tụng bài kệ của Phẩm Phổ Môn, Quan Thế Âm, Chú Đại Bi, ba lần Chú Tiêu Tai và Hồi Hướng.
• Tụng Kinh Cúng Dường Khắp: Thượng cúng Tam Bảo Phật, Pháp Tăng và 16 vị A La Hán. Hồi hướng công đức tụng Kinh đến quả vị giải thoát giác ngộ. Cầu bổn tự bình an, thế giới hòa bình, chư tai tiêu diệt. Thông thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh và Hồi Hướng.
• Tụng Kinh tại Tổ Đường: Niệm ân đức của chư Phật, chư Tổ. Phát nguyện tụng Kinh để báo đáp ân nầy. Thông thường tụng Tham Đồng Khiết hoặc Bảo Cảnh Tam Muội và hồi hướng.
• Cúng Khai Sơn Lịch Đại Tổ Sư: Cảm niệm ân đức vị khai sơn bổn tự và chư liệt vị Trụ Trì đã viên tịch đã tạo bao nhiêu công đức cho bổn tự. Phát nguyện tụng kinh hồi hướng công đức, cầu nguyện tu hành thành tựu. Thông thường tụng Chú Đại Bi và Hồi Hướng.
• Tụng Kinh ở Từ Đường: Hồi hướng công đức đến chư Tăng Sĩ ở chùa viên tịch, những vị tiên hiền sáng lập chùa, những người có công với đất nước, những anh linh đã hy sinh vì tổ quốc, những bổn đạo tu hành tinh tấn. Phát nguyện tụng Kinh cầu nguyện cho họ được siêu thoát. Thông thường tụng bài Kệ trong phẩm Vô Lượng Thọ và Hồi Hướng.
• Kinh Cúng Táo Công: Sau thời khóa tụng kinh buổi sáng, đại chúng xuống Tự Đường hoặc Khố Đường hoặc Khố Viện thắp hương, đứng trước tượng Táo Công, tụng chú Đại Bi và tán dương công đức nguyện hộ trì Phật Pháp cầu nguyện cho Chư Tăng được bình an và tinh tấn.
• Cúng Vi Đà Thiên: Sau thời khóa tụng Kinh buổi sáng, đại chúng xuống Khố Lý, đứng trước tượng Vi Đà Thiên, hoặc Giám Trai Sứ Giả tụng Kinh cũng hồi hướng đến Vi Đà Thiên, Giám Trai Sứ Giả và hồi hướng đến các vị Thần lửa, nước. Tụng Kinh hồi hướng công đức nầy cầu nguyện cho trong, ngoài chùa được an ổn, không bị lửa cháy, không bị trộm cướp và cầu nguyện cho Đàn Tín Đồ luôn luôn có niềm tin nơi Phật Đạo. Thông thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Chú Tiêu Tai (hoặc tụng Chú Tiêu Tai hoặc tụng 3 biến Vi Đà Thiên Căn Bản Đà La Ni) và hồi hướng.
(Bữa điểm tâm bắt buộc phải có dưa cải muối, nêm muối vừa, để dùng với cháo, tuyệt đối không dùng thịt cá. Tất cả dùng trong yên lặng tại Tăng Đường).
Thời kinh trưa thường cử hành lúc 11 giờ sáng tại Pháp Đường hay Bổn Đường, trước tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Lưỡng Tổ Đại Sư, Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, cầu nguyện cho chúng sanh an lạc, Thiền Môn yên tịnh, Tăng chúng an hòa, tu hành tinh tấn, viễn ly tai nạn, sở nguyện thành tựu. Thông thường tụng Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni và Hồi Hướng.
(Buổi cơm trưa thường dùng canh tương (Misosuru), dưa cải muối; những đồ được nấu, rau cải, cơm v.v...).
Thời kinh chiều sau 4 giờ chiều tại Pháp Đường hay Bổn Đường hồi hướng cầu nguyện cho tất cả chúng sanh sớm thành Phật đạo. Thông thường tụng Chú Đại Bi, Cam Lồ Môn và Hồi Hướng.
(Buổi tối chỉ dùng nhẹ, bình thường không dùng tối, gọi là dược thực).
III.5.4 Những Nghi Lễ Thông Thường Của Mỗi Tháng
Những nghi lễ thông thường trong tháng như sau:
III.5.4.1 Vào ngày Mồng Một và Rằm
• Tụng Kinh Chúc Nguyện: Nghi thức nầy cử hành trước buổi tụng Kinh sáng tại Phật Điện, Pháp Đường v.v... Cúng dường Tôn Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Lưỡng Tổ Đại Sư cầu quốc thái dân an, thọ mệnh Thiên Hoàng trường cữu, sở nguyện thành tựu, sở cầu như ý. Khóa lễ buổi sáng được giảm bớt chỉ còn tụng Kinh Bát Nhã và Hồi Hướng.
• Trấn Thủ Già Lam: Tụng tại nhà Từ Đường sau khóa tụng Kinh sáng. Nếu chùa không có Pháp Đường, tụng tại Bổn Đường gồm Đại Bi Chú và Hồi Hướng, cầu nguyện cho những vị Thần linh bảo hộ chùa, những vị thần hộ trì Phật pháp và hồi hướng những vị Thần làm tỏa rạng uy đức trấn thủ chùa nầy để cho việc tu hành của Tăng chúng luôn luôn thăng tiến không bị thối lui, cầu nguyện cho quốc thái dân an, thanh bình thạnh trị.
• Tiểu Tham: Sau thời tụng Kinh sáng, nghi thức Tiểu Tham cử hành tại Pháp Đường để giải đáp những vấn đề nghi vấn giữa vị Trụ Trì hay Sư Gia với cá nhân chư Tăng.
• Tuần Đường Hành Trì: Tiểu Tham xong, tất cả chư Tăng từ Trụ Trì trở xuống vân tập tại Tăng Đường để cử hành nghi thức ăn bánh, uống trà.
• Thượng Cúng Ngọ: Nghi thức nầy đứng cúng tại Bổn Đường hay Pháp Đường vào buổi trưa còn gọi là Cúng Ngọ, chỉ tụng Bát Nhã Tâm Kinh và Hồi Hướng với mục đích cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Lưỡng Tổ Đại Sư, tán dương công đức giác ngộ của Đức Phật, phát nguyện báo ân phụ mẫu, chúng sanh, Tam Bảo, mong giải hết tất cả những khổ não của chúng sanh, cầu nguyện Phật sự thành tựu.
III.5.4.2 Vào ngày mồng 8, 13, 18, 23 và 28
• Niệm Tụng ở Tăng Đường: Những ngày có số 3 và ngày có số 8 được gọi là tụng 3 và 8. Khoảng 4 giờ chiều, tất cả chư Tăng từ Trụ Trì trở xuống cử hành nghi thức tại Tăng Đường, niệm danh hiệu 10 vị Phật cầu cho ánh sáng trí tuệ của Phật chiếu soi gia bị mọi người bình an để tu học, hộ trì Già Lam an tịnh, đại chúng an hòa tất cả Đàn Gia Tín Đồ cát tường như ý. Những hôm đó khóa tụng Kinh buổi tối giản lược bớt, chỉ niệm danh hiệu 10 vị Phật; cầu Phật phóng quang soi sáng cho mọi người được sống an lạc để tu học, hộ trì Già Lam an tịnh, mọi người được yên ổn và tất cả Đàn Gia Tín Đồ được như ý.
III.5.4.3 Vào ngày 9, 14, 19, 24 và 29
• Tịnh Phát: Sau khi dùng cháo xong, quét dọn trong ngoài sạch sẽ, rồi cạo đầu nơi chúng liêu. Đây không gọi là thế phát. Chữ thế phát có nghĩa là lúc xuất gia cạo đầu lần đầu tiên.
• Khai dục: Sau khi dùng trai xong, tắm cho thân tâm được sạch sẽ.
III.5.4.4 Vào ngày Mồng 5
• Tháng giỗ Đạt Ma Đại Sư: Tại Thiền Môn Trung Hoa, vào ngày mồng 5 mỗi tháng đều cử hành nghi thức tưởng niệm ngày viên tịch của Sơ Tổ Đạt Ma Đại Sư. Khoảng 4 giờ chiều tại Phật Điện hay Pháp Đường, Bổn Đường cử hành nghi thức nầy sau thời khóa tụng kinh buổi tối, tụng Chú Đại Bi, niệm Kinh Báo Ân và hồi hướng để tưởng niệm ân đức Tổ Sư Đạt Ma .
• Cúng Vi Đà Thiên: phía trước đã giải thích trong thời khóa tụng buổi sáng, xin lược bớt.
III.5.4.5 Vào ngày 14, 30 hoặc 31
• Đêm Tham Vấn Uống Trà: Khi hoàng hôn buông xuống, chuông chiều gióng lên tất cả đại chúng từ Trụ Trì trở xuống vân tập tại một phòng rộng, cử hành nghi thức uống trà và ăn bánh. Lúc đó, vị Trụ Trì nhắc nhở chư Tăng mọi việc liên hệ đến ngủ nghỉ v.v...
• Bố Tát đơn giản: Mỗi nữa tháng vào ngày bố tát, khoảng sau 4 giờ chiều đại chúng vân tập lên Pháp Đường hoặc Bổn Đường cử hành nghi thức bố tát trước vị Giới Sư (có thể là vị Trụ Trì), phát lồ những sự sai lỗi trong sinh hoạt hằng ngày để sám hối, tỉnh thức và lễ bái. Nếu sai trái, phải lãnh nhận sự xử phân. Có nghi thức do Sư Gia chỉ dạy. Tiếng Phạn gọi là Uposatta, lược dịch nghĩa đơn giản là Bố Tát.
III.5.4.6 Vào ngày 29
Tưởng niệm Lưỡng Tổ Đại Sư được tổ chức hằng tháng vào ngày 29, ngày mất của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư và Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư. Sau thời Kinh buổi sáng, đại chúng cử hành tại Tổ Đường, tụng Đại Bi Chú và Hồi Hướng, cũng có thể cử hành vào buổi trưa tại Tổ Đường, tụng phẩm Thọ Lượng và phẩm An Lạc Hạnh và Hồi Hướng. Bởi vì tụng Kinh cho Lưỡng Tổ Đại Sư để nhớ nghĩ đến ân đức của Lưỡng Tổ Đại Sư hầu mong báo đáp.
Ngoài ra, mỗi chùa còn lấy ngày mất của những vị khai sơn, ngày mất của những vị khai cơ, tụng Kinh, tán dương công đức và tưởng niệm uy đức, để mong làm tròn ý nghĩa báo ân chư liệt vị Tổ Sư.
III.5.5 Công Việc Thường Kỳ Trong Mỗi Năm
Có nhiều nghi lễ cử hành trong năm tại các tự viện, đặc biệt tại Lưỡng Đại Bổn Sơn rất quan trọng, ở đây chỉ nêu lên những nghi lễ đại biểu như Nhị Tổ Tam Phật Kỵ .
Tụng Kinh Chúc Nguyện: Vào mồng 1 và 15 như đã trình bày.
Lễ Đức Thích Tôn Giáng Sanh: Ngày 8 tháng 4 Lễ Phật Đản.
Lễ Đức Thích Tôn Thành Đạo: Ngày 8 tháng 12 Lễ Phật Thành Đạo, xác chứng tính tự giác cho mọi nguời.
Lễ Đức Thích Tôn Niết Bàn: Ngày 15 tháng 2 Lễ Phật Nhập Niết Bàn.
Giỗ Đạt Ma Tổ Sư: Ngày 5 tháng 10 tưởng niệm Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Nghi thức tưởng niệm Tổ Đạt Ma Đại Sư viên tịch.
Kỷ Niệm Cao Tổ Giáng Sanh: Ngày 26 tháng 1 Lễ Đản Sanh của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư.
Kỷ Niệm Thái Tổ Giáng Sanh: Ngày 21 tháng 11 Lễ Đản Sanh của Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư.
Giỗ Lưỡng Tổ: Ngày 29 tháng 9 tưởng niệm Cao Tổ và Thái Tổ viên tịch, nguyện tinh tấn báo ân.
Giỗ Khai Sơn: Ghi nhớ sự ra đi của vị khai sơn để báo ân, nguyện tinh tấn tu học. Trường hợp của Lưỡng Đại Bổn Sơn, không gọi là Khai Sơn Kỵ, đặc biệt tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự gọi là Ngự Chinh Kỵ, nhằm ngày 23 tháng 9 đến ngày 29 tháng 9. Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự cũng gọi Ngự Chinh Kỵ, từ ngày 12 tháng 10 đến ngày 15 tháng 10. Hầu như tất cả các vị Trụ Trì và Đàn Tín Đồ trên toàn quốc vân tập về Đại Bổn Sơn để đăng sơn lễ bái, tưởng niệm, nhớ ơn Lưỡng Tổ Đại Sư, nguyện đền đáp thâm ân.
Ngày Lễ Bỉ Ngạn: Lễ Bỉ Ngạn, vào tiết Thanh Minh, mùa Xuân kéo dài 1 tuần lễ nằm giữa những ngày Xuân phân. Mùa thu cũng có Lễ Bỉ Ngạn kéo dài 1 tuần lễ nằm giữa những ngày Thu phân. Nghi thức Bỉ Ngạn cầu nguyện cho những vị Khai Sơn, chư vị Trụ Trì và những vong linh của Đàn Tín Đồ được siêu thoát. Thường có thuyết pháp v.v...
Lễ Vu Lan Bồn: Ngày 15 tháng 7 hoặc là ngày 15 tháng 8. Vu Lan Bồn tiếng Phạn gọi là Ullambana, cũng gọi là Lễ Cô Hồn, tụng Kinh Vu Lan Bồn, bởi vì một trong những vị đệ tử lớn của Đức Thích Tôn là Ngài Mục Kiền Liên Tôn Giả vì muốn cứu mẹ bị đọa vào đường ngạ quỉ, cung thỉnh Đức Thích Tôn, được Phật dạy để cầu siêu cho cha mẹ bảy đời, phải sắm đồ ăn trăm món cúng dường cho Mười Phương Tăng, cha mẹ sẽ thoát khỏi ngạ quỉ và các ngạ quỷ cũng được cứu độ. Kinh nầy vốn xuất phát từ Ấn Độ, Trung Hoa, truyền sang Nhật Bản trở thành nghi thức cúng dường Hương Linh cũng như Thí Thực Hội.
An Cư Kết Chế: Từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 7, cửu tuần (thời gian 90 ngày) gọi là Hạ An Cư. Còn từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 1 năm sau gọi là Đông An Cư. Suốt trong hai thời gian nầy gọi là “Chế Trung”, chư Tăng không được phép đi ra ngoài, luôn luôn ở trong Tăng Đường chuyên tu niệm Phật, tọa Thiền .
Nhiếp Tâm Hội: Nhân ngày mồng 8 tháng 12, Lễ Thành Đạo, bắt đầu từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 8 tháng 12, chư Tăng hoàn toàn không ngủ, nhiếp tâm tọa thiền và tu hành, gọi là “Lạp Bát Nhiếp Tâm”. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự ngoài Lạp Bát Nhiếp Tâm Hội ra còn có Đoạn Tý Báo Ân Nhiếp Tâm Hội vào ngày 9 tháng 12; Báo Ân Niết Bàn Nhiếp Tâm Hội từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 7 tháng 2. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự có Hạ Mạt Nhiếp Tâm Hội cuối tháng 6 đến 5 ngày sau, Truyền Quang Nhiếp Tâm Hội trong tuần tháng 6, có 5 ngày cởi bỏ những sự ràng buộc, Hạ Kỳ Nhiếp Tâm Hội vào hạ tuần tháng 7, có 5 ngày cởi bỏ những ràng buộc. Tại các Tăng Đường ở tự viện địa phương mỗi tháng 1 tuần lễ, thực hành định kỳ Nhiếp Tâm Hội , rất thực tế.

Lễ Thọ Giới: dành riêng cho Đàn Tín Đồ về lãnh thọ giới pháp từ vị Giới Sư, làm sống lại tánh tự giác của Tín Đồ Phật Giáo tổ chức từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 28 tháng 4 tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, và một tuần lễ từ ngày 10 đến ngày 16 tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Hầu hết tất cả Đàn Tín Đồ vân tập về Đại Bổn Sơn cùng tu với chư Tăng, trực tiếp học Phật Pháp với các vị Cao Tăng và nhận sự chỉ dạy đặc biệt từ vị Quản Thủ Thiền Sư.

Nhãn Tạng Hội và Truyền Quang Hội: Mỗi năm, từ ngày mồng một đến ngày 21 tháng 6 tại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự thường tổ chức giới thiệu những vị Sư Gia Cao Đức đương thời trình bày những trước tác của Thiền Sư Đạo Nguyên, Tào Động Tông Tông Điển và Chánh Pháp Nhãn Tạng. Những buổi thuyết trình như thế giảng chung cho thính chúng rất đông người tham dự. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 6 thuyết trình về Thiền Sư Oánh Sơn ngữ lục, Tào Động Tông Tông Điển và Truyền Quang Lục tại Hậu Đường của Tổng Trì Tự, thỉnh các vị học giả đương thời hoặc các Sư Gia giảng công cộng cho thính giả. Tuy nhiên, vấn đề thời gian, ngày tháng cũng thay đổi trước sau tùy năm, để phù hợp với chương trình chung.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 10223)
Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy.
25 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11044)
"BÂY GIỜ ĐẠI THIỀN SƯ đã nhập diệt, chúng ta chỉ còn lại những câu chuyện. Và, may mắn thay, cuốn sách này là hiện thân như ngài còn sống, cho những ai chưa từng có cơ hội gặp được ngài. Qua các trang sách này, nếu bạn lưu tâm suy gẫm và để cho chúng thấm sâu vào tâm hồn bạn, bạn sẽ thực sự thấy ngài trong lời khai thị mà mình không thể bắt chước được và có lẽ quan trọng hơn nhiều, đó là niềm mong mỏi của ngài, bạn sẽ gặp lại chính mình."
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14325)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5922)
Người học Phật, trước tiên cần thấy tính. Thấy tính, không phải là nói về cái có thể nhìn thấy. Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy. Cho nên, nhìn thấy "cái thấy không thể thấy" thì chân tính sẽ hiện ra. Bản tính của cái thấy là vô sinh, nên "cái thấy sinh nẩy" là không có. Cũng không có sự thực hữu của tính, mà cái thấy chân thực thì không thay đổi, cho nên mới nói: thấy tính một cách chân thực.
01 Tháng Mười 2014(Xem: 13281)
Phương pháp của Thiền là cắt đứt con đường nói năng và dập tắt khung trời khái niệm trong đó ý thức cứ tiếp tục tư duy và đi tìm kiếm những ý niệm để cố gắng tìm hiểu thực tại (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Ngôn ngữ đạo đoạn là cắt đứt con đường ngôn ngữ. Tâm hành xứ diệt nghĩa là dập tắt vùng trời của sự suy tư bằng khái niệm, đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có-không, sanh-diệt,…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15363)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 9030)
Từ khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua trung quốc truyền tâm ấn đạo lý giác ngộ theo truyền thuyết thì sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền cho vị đệ tử kế thừa là ngài Thần Quang Huệ Khả bộ kinh Lăng-già tâm ấn. Nhưng phải chờ đến hơn ba trăm năm sau và qua sáu vị Tổ thì đạo giác ngộ mới nở hoa kết trái. Tuy nhiên hạt giống của Tổ Bồ-đề-đạt-ma gieo trên đất Trung Hoa là kinh Lăng-già nhưng nở hoa kết trái lại là kinh Kim cang. Tại sao lại có sừ sai biệt như vậy, dù rằng cả hai bộ kinh đều do Như Lai Thế Tôn thuyết giảng.
27 Tháng Chín 2014(Xem: 13252)
Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyệt vời. Tôi có nhiều cơ duyên với ngài... ngay cả từ thời rất là thơ trẻ, khi còn ở trong nước và khi chỉ mới đọc các bài báo sơ sài về ngài. Đất nước Tây Tạng và vị lãnh đạo này là một thế giới kỳ bí, không chỉ vì xa xôi cách biệt nhưng cũng vì niềm tin của dân tộc này rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
22 Tháng Chín 2014(Xem: 11771)
Quyển Lâm Tế Ngữ Lục song ngữ này được soạn thảo cho lớp Phật pháp tiếng Anh và cho giới trẻ người Việt học Phật. Đây là một phần việc trong chương trình giới thiệu những bản dịch hiện nay về văn bản Thiền cổ điển.
16 Tháng Chín 2014(Xem: 8763)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà.