Chương Bốn: Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ

27 Tháng Mười 201000:00(Xem: 21633)

THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn)
Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008

Chương bốn: Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ

 

V. Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ
V.1 Ý Nghĩa Của Sự Sinh Hoạt Tín Ngưỡng
V.1.1 Đàn Tín Đồ Nghĩa Là Gì?
Ở trong chùa, có hai cách gọi là Đàn Đồ và Tín Đồ, song thông thường gọi là Đàn Tín Đồ. Được gọi là Đàn Tín Đồ là những người tự tộc (gia tộc của vị Tăng) như vị phối ngẫu (vợ) của Trụ Trì và những người thân cận hiện đang sống trong chùa.
Như đã giới thiệu sơ qua ở phần Tăng lữ phía trước. “Tào Động Tông Tông Hiến” của “Tào Động Tông Tông Chế” định nghĩa Đàn Đồ là “những người sống trong Tự Viện kính tín Tông Chỉ của Bổn Tông, nương tựa và vâng thuận sự giáo hóa của Thầy Trụ Trì, có trách nhiệm hộ trì Tự Viện và Bổn Tông, có thẻ Đàn Đồ được ghi vào danh sách Đàn Đồ của Tự Viện.”
Còn Tín Đồ thì định nghĩa như sau: “những người không phải là Đàn Đồ của tự viện, song có nhân duyên đặc biệt quy y với Thầy Trụ Trì, hết lòng phụng sự và hộ trì Tự Viện, được ghi vào sổ Tín Đồ của Chùa.”
Như sự trình bày về Giáo Đoàn, vì nhu cầu Phật Sự ở Chùa và cần có mối quan hệ giữa Thầy Trụ Trì và Chùa, cho nên vị trí Đàn Tín Đồ được thiết lập. Thế nhưng dù Chùa nào đó và Thầy Trụ Trì không thiết định tư cách ấy đi nữa, hoặc Chùa không có sổ Đàn Tín Đồ đi nữa, những ai kính tín, hiểu rõ và thực hành lời Đức Thích Tôn dạy, lời Thiền Sư Đạo Nguyên dạy, lời Thiền Sư Oánh Sơn dạy, trong ý nghĩa rộng rãi, vẫn không thể không được chấp nhận là Đàn Tín Đồ của Tông Tào Động, dù họ không được quan tâm.
V.1.2 Vì Sao Sự Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Lại Quan Trọng?
Thật ra, nếu hỏi một người được gọi là Đàn Tín Đồ của Tông Tịnh Độ trên danh nghĩa, rằng tại sao trở thành một Tín Đồ theo tín ngưỡng Tịnh Độ, câu hỏi ấy trở thành vô nghĩa, bởi vì tùy theo thời gian mà họ xác định sinh hoạt tín ngưỡng như thế nào, nhưng đối với người tu Thiền Phật Giáo của Tông Tào Động lại rất quan trọng, không phải để thay đổi Tông Phái, mà để duy trì và tạo thiện duyên vững chắc trong mọi sinh hoạt xã hội.
Lý tưởng của Đạo Phật đem ánh sáng Từ Bi và Trí Tuệ soi sáng bản thân, chuyển hóa cuộc đời trở nên an lạc và giáo hóa, hổ trợ, cứu giúp mọi người. Tăng Sĩ hay Đàn Tín Đồ cũng thế thôi. Nếu Tăng lữ thực thi lý tưởng theo chuyên môn, thì Đàn Tín Đồ có tính cách cụ thể. Dù có sự giống nhau về nguyên tắc cơ bản Tăng lữ giữa Đàn Tín Đồ nhưng nói đúng hơn, về phương diện sinh hoạt tín ngưỡng, Đàn Tín Đồ dễ duy trì, thực hiện và nối kết sinh hoạt xã hội mạnh mẽ và rộng rãi hơn so với Tăng lữ.
Thế kỷ thứ 21 được mệnh danh là thời đại Tôn Giáo và thế kỷ tâm linh. Phật Giáo gần đây đã trở thành tôn giáo quốc tế, số lượng người quan tâm, tìm hiểu đạo Phật khá đông. Vì sao? Bởi vì trật tự trên hành tinh nầy bị rối loạn rồi. Thế giới liên tục xảy ra những trận xung đột dữ dội giữa các thế lực đối lập. Con người chỉ lo cho chính mình, không nghĩ đến tha nhân. Những điều như thế diễn ra đầy dẫy khắp nơi làm cho người ta hoảng sợ và la lên tình trạng thế giới đã nguy hiểm quá rồi, người ta làm việc mà không cần thiết phải suy nghĩ, mà dù có suy nghĩ cũng chỉ là quyết định một bên, không sao có thể thay đổi những biến động kinh khủng của thế giới. Người ta tự hỏi những điều ấy có đúng với thực tế không? Cái gì là không thật? Đôi khi, vì không nhận được lời khuyên hữu ích nào cả, sự tức giận càng tăng thêm, làm sao ngăn chặn lại được?
Bây giờ, Văn Hóa vẫn dựa trên nền tảng kinh tế và vật chất. Văn minh phát triển đến thời cực thịnh. Dù không bị ảnh hưởng vật chất một cách trực tiếp theo định luật nhân quả, song tinh thần, sự rung động con tim, sự phản tỉnh cũng theo đà ấy mà xung lên, chìm đắm trong chủ nghĩa tự kỷ, để cho tâm hồn trở nên hoang phế, ngày càng lạnh nhạt với sự liên hệ giữa con người và con người và đạo đức, luân lý dần đưa đến thời kỳ suy thoái.
Một điều chắc chắn rằng là con người, chúng ta có đầy đủ khả năng của một sinh vật, cho nên phải chận đứng tham dục, phải biết dừng lại. Chỉ chừng ấy thôi, con người cũng có thể giữ được vị trí của mình. Tâm lý tự tín có thể tạo cho con người trở nên khoa trương như là con người, một sinh vật tuyệt vời, có tư cách vĩ đại, không chịu khuất phục trước mọi giới hạn. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, hãy so sánh với kẻ khác, đừng nghĩ rằng có được năng lực lớn như vậy, bởi vì những gì mình suy nghĩ thường không hoàn toàn đúng, nếu một mai bị gãy đổ, sẽ rơi vào hố thẳm thất vọng. Có người hỏi rằng tại sao lại cay đắng như thế? Thật ra, ai cũng có thể cảm nhận được điều đó.
Xã hội Nhật Bản ngày nay đã đô thị hóa. Cuộc sống gặp nhiều khủng hoảng bất an. Cuộc đời dần dần tiến đến chỗ cô độc làm cho con người tự hỏi tại sao mình phải sống, thật là khó hiểu. Càng suy nghĩ càng thêm bế tắc. Mọi việc bất ổn trở thành bất ổn hơn. Con người như khúc hát trầm lắng sâu xa chìm sâu trong hố thẳm nội tâm, rất mong mở một con đường mới nhưng chưa làm được.
Với nội tâm chìm trong sâu thẳm, làm sao cuộc sống không rơi vào thụ động? Làm sao nắm được tay người đối diện để cùng vui? Đã có mấy ai trút hết nước mắt cho người khác? Chỉ cần trả lời được điều nầy nghĩa là năng lượng từ bi đã được chuyển trao từ tâm nầy qua tâm khác. Con người có nhiều suy nghĩ khác nhau, mỗi suy nghĩ lại thay đổi liên tục, chỉ còn lại tấm lòng, làm sao giữ lại cái nguyên sơ ấy? Dù chính trị, kinh tế cũng quan trọng song chúng ta phải hiểu rằng nếu chỉ có những việc ấy, cuộc đời có gì là lạ? Vả lại, trong cuộc sống vật chất con người tương nhượng để tồn tại, nhưng phải nhận ra đâu là căn nguyên, để hướng đến đời sống tinh thần, mà ở đây nói rõ là đời sống tín ngưỡng.
Một lần nữa, gọi là đời sống tín ngưỡng, với Phật Giáo cũng chỉ là cách gọi bằng ngôn ngữ mà thôi, bởi vì chính tâm lòng tín ngưỡng mới thật sự sinh ra tín tâm, thân thiện và gần gũi. Phật Giáo là một Tôn Giáo tự giác, hướng nội nên sử dụng ngôn từ tín ngưỡng rộng rãi hơn.
V.1.3 Nhiều Đời Sống Tín Ngưỡng Khác Nhau
Không phải chỉ Phật sự ở chùa, mà tất cả các Pháp sự như đám ma, tảo mộ v.v...dường như hiện lên những hình ảnh tiêu cực, nhưng thật tế Pháp Sự ma chay, thăm mộ v.v... nầy là những lễ nghi quan trọng, những việc làm cần thiết trong đời sống tín ngưỡng của con người, chẳng có gì sai trái.
Ngày nay, những hội nghiên cứu như nghiên cứu công nhân, lo lắng sức khỏe vận động viên thi thể thao, điều nghiên những phiền não trong cuộc sống của con người, để giúp họ giải quyết. Thật ngạc nhiên vì có nhiều người đi chùa để lễ bái, cầu nguyện, Tu Bát Quan Trai một ngày một đêm, Viết Kinh, Họa Tượng Phật, Nhịn Ăn, Khổ Hạnh, Tụng Kinh, Niệm Phật, Tọa Thiền v.v... Hầu như chùa nào trên nước Nhật cũng bận rộn, vì có nhiều người tham gia Phật sự như thế và số Tín Đồ tại gia phải nói rằng càng ngày càng tăng.
Có ý kiến cho rằng hãy thử đến chùa một tuần lễ ngồi thiền, dù chưa làm mình thỏa mãn điều gì đó nhưng vẫn có ý nghĩa nào đó chẳng phương hại gì cả. Song trong điều kiện cho phép, nên sống đời sống tín ngưỡng để lòng thanh thản và trong sáng hơn, nhờ đó mà vượt qua được nhiều trở ngại.
Tông Tào Động phân loại đời sống tín ngưỡng của Đàn Tín Đồ rất rõ ràng. Có những nghi lễ và pháp sự dành cho chư Tăng nhưng Tín Đồ có thể tham dự. Có những nghi lễ và Pháp sự dành riêng cho Đàn Tín Đồ song cung thỉnh Tăng lữ đến chứng minh. Có nhiều trường hợp tổ chức theo tư cách cá nhân hay đoàn thể, xã hội. Có trường hợp tổ chức định kỳ hoặc tạm thời. Có nhiều loại khác nhau, khó mà phân biệt hết. Thông thường có một vài nghi lễ và Pháp sự chính như: Tụng Kinh buổi sáng, buổi tối, Thọ Giới dành cho người tại gia, người xuất gia, Nghi thức kết hôn, Tọa Thiền Hội, Nghiên Cứu Hội, Kỵ giỗ ông bà, Phật sự, Pháp sự, Hành sự của chùa, công việc xã hội, hoạt động phụng sự v.v...
V.2 Tụng Kinh Sáng, Tối
V.2.1 Mua Bàn Thờ Phật Cho Đúng Cách
Bàn Phật chính là ngôi Già Lam của gia đình, không gian thiêng liêng, nơi để tôn kính và đảnh lễ Phật, để cho tâm được an ổn, đời sống bình yên. Bàn thờ ông bà là nơi để thờ ông bà cha mẹ nhiều đời, để cảm tạ ân đức tạo ra thân nầy và cầu nguyện gia đình hưng thịnh. Có người cho rằng trong gia đình chưa có người mất, chưa có nhà riêng, chưa lập bàn thờ cũng là chuyện khó nghe. Lập bàn thờ khi nào cũng được, có thể vào dịp lễ Higan (lễ Bỉ Ngạn = Thanh Minh) vào mùa Xuân hay mùa Thu đều tốt cả.
Có hai loại bàn thờ đó là: loại bằng gỗ để trần và loại bằng gỗ đánh bóng. Cả hai đều được nhưng giá cả nhiều loại khác nhau từ trên dưới 10.000 Yên cho đến 10.000.000 Yên (mười triệu Yên). Không nên thay đổi bàn thờ đến hai ba lần cho nên phải chọn cho hợp khả năng tài chánh của mình, không nên quá rẽ hoặc quá đắt. Nếu mua bàn thờ Phật mới, bàn thờ cũ nên thương lượng với nơi bán bàn thờ để trao đổi, hoặc đem về chùa, hoặc đốt đi, hoặc dùng làm việc khác, không nên đem cho người khác.
Cấu tạo bàn thờ khác biệt tùy theo từng Tông Phái, bởi vì cách thờ cúng khác nhau. Nếu mua bàn thờ mới, phải thỉnh chư Tăng chứng minh và “Khai Nhãn Cúng Dường” (ghi chú: giống như lễ An Vị Phật của Việt Nam) và đương nhiên thỉnh ý kiến chuyển hóa bàn thờ Phật cũ.
Phương hướng đặt bàn thờ Phật cũng tùy theo trường hợp từng môn phái, bởi vì phải căn cứ theo khuôn viên nhà cửa rộng rãi hay chật hẹp, các góc không choán chỗ nhiều. Phải chọn nơi ít ánh sáng, phòng gió độc, tránh mặt trời chiếu thẳng vào, tránh nơi có nhiều người qua lại, nơi có mùi hôi như nhà bếp, nơi gần cầu tiêu, hoặc những chỗ thấp hơn tầm mắt của mình. Các chùa thuộc Tông Tào Động thường xây mặt về hướng Nam và lưng phía Bắc, thiết trí bàn Phật chỗ không quá cao, để dễ dàng tụng Kinh và lễ lạy.
V.2.2 Cách Bài Trí Bàn Phật
Nguyên tắc bài trí bàn Phật theo Tông Tào Động như hình dưới đây.
Tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, Bổn Tôn của Tông Tào Động hoặc bằng gỗ, hoặc bằng vàng, hoặc bằng bức họa, loại nào cũng được, an trí nơi chính giữa nhà. Tượng họa có một vị Phật và hai vị Tổ (Phật Thích Ca và Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư cũng như Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư) gọi là Tam Tôn Phật. Nên nhờ Thầy Trụ Trì hướng dẫn cho cách thức đặt tượng. Còn bài vị của ông bà có thể để hai bên tuợng Bổn Tôn Phật. Những Tông Phái khác thờ cả hình người mất chung với bài vị cũng không sao. Có một cuốn gia phả để trên bàn, mà bài vị và cuốn gia phả tượng trưng cho lòng kính trọng Tiên Tổ đời đời như những người còn sống vậy. Lễ lạy chấp tay cúi đầu là để cảm tạ và tôn trọng tiên tổ, những người đã khuất. Vật phẩm cúng dường được trưng bày như: đèn, hoa, hương, nước, cơm, bánh, trái cây v.v... Mỗi buổi sáng phải cúng trà và nước mới và hoa tươi. Không nên cúng hoa giả. Đồ cúng nên cúng những gì người quá cố thường thích như cây trái theo mùa. Bổn phận của chúng ta là dâng cúng và người quá cố hưởng lộc. Nên lau chùi bàn thờ sạch sẽ, đừng để cho bụi bặm đóng nhiều .
V.2.3 Cách Tụng Kinh
Theo nguyên tắc, mỗi ngày hai lần sáng và tối đến trước bàn Phật để tụng kinh. Nếu như bận công ăn việc làm, hoặc gặp lúc khó khăn chỉ có thể tụng được một lần trong ngày hoặc sáng, hoặc tối cũng được. Hãy lau dọn bàn Phật sạch sẽ, thay đồ cúng mới, rồi ngồi thật ngay thẳng trước bàn thờ, đeo tràng hạt bên tay trái, đốt đèn rồi lấy một cây nhang đốt lên, sau đó cắm lên lư hương.
• Chấp tay lại, vẫn ngồi như thế và vái 3 vái.
• Cầm Kinh lên một cách trang trọng, mở ra, thỉnh 1 tiếng chuông, 2 tiếng chuông.
• Xướng lên khai Kinh Kệ, văn Sám Hối, Lễ Tam Quy, Lễ Tam Tôn, thỉnh 3 tiếng chuông.
• Tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” rồi tụng văn Hồi Hướng, gọi là Hồi Hướng Bổn Tôn, riêng buổi tối không tụng Kinh Hồi Hướng nầy.
• Tụng chương 5 của “Tu Chứng Nghĩa”, tụng kệ trong phẩm Phổ Môn Quan Thế Âm Bồ Tát, rồi tụng văn Hồi Hướng, gọi là Hồi Hướng cho người quá cố.
• Tụng “Tứ Hoằng Thệ Nguyện Văn” chấp hai tay ngồi yên, xá ba xá và tụng văn Hồi Hướng buổi tối. Cuối cùng thỉnh 2 tiếng chuông.
V.3 Lễ Xuất Gia Của Người Tại Gia
V.3.1 Tuần Tự Thứ Lớp Của Việc Xuất Gia
Nguyên chữ đắc độ (xuất gia) nghĩa là khai mở con đường giác ngộ, cắt tóc xuất gia. Ngày nay, chữ xuất gia dành cho người cư sĩ phát nguyện xuất gia trở thành Tăng lữ. Những người cư sĩ trong Đàn Tín Đồ, đương lo cho gia tộc, có công việc hẳn hoi, có chỗ đứng trong xã hội, có cuộc sống khả dĩ, nhưng tin Phật, có thể làm quen đời sống Tăng lữ, trình bày ý nguyện lên Thầy Trụ Trì, được Thầy xem xét và khảo nghiệm niềm tin, nhận thấy tánh hạnh khả quan, đồng ý làm Giới Sư và được Thầy làm lễ xuống tóc, cho thọ giới và đặt đạo hiệu gọi là Giới Danh.
Những người một lòng tin Tam Bảo có Giới Danh (Pháp Danh) lúc còn sống hết lòng sinh hoạt, dù khó khăn thế mấy đi nữa, vẫn giữ sự sinh hoạt trọn vẹn, nếu mang hạnh nguyện vì đời và vì người, họ càng cố gắng hơn nữa.
V.3.2 Sự Tuần Tự Lễ Xuất Gia Của Người Tại Gia
Tại Đại Bổn Sơn (Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự), Ngài Quản Thủ chuẩn bị nghi thức cho tự tộc theo phần tác pháp Tự Tộc Đắc Độ Thức cũng như cử hành Tại Gia Đắc Độ Thức .
1- Giới Sư đối trước Bổn Tôn bái 3 bái.
2- Bổn Nhơn đối trước giới sư bái 3 bái.
3- Giới Sư đọc nghi thức thế độ. Bổn nhơn chấp tay lắng nghe, sau đó mọi người cùng xướng 10 danh hiệu Phật.
4- Giới Sư vỗ giới xích, xướng văn Sám Hối lên, người thọ giới lập lại, sau đó đến trước mặt Giới Sư, chấp tay, cúi đầu thấp xuống.
5- Giới Sư vừa đọc kệ Thế Phát, lấy dao cạo đầu, Thị Giả đưa nước tịnh cho Giới Sư làm lễ quán đảnh xong, người thọ giới bái 3 bái.
6- Giới Sư xướng Tam Quy Giới, Tam Tụ Tịnh Giới và 10 Giới Trọng, người thọ giới đáp “Con xin vâng” xong bái 3 bái.
7- Người thọ giới thọ nhận y đắp chéo từ vai xuống nách và huyết mạch (huyết thống truyền thừa), vừa đắp Cà Sa (Y) vừa cùng đại chúng tụng bài kệ đắp y.
8- Giới Sư đảnh lễ Bổn Tôn, thuyết ý nghĩa xuất gia cho Bổn nhơn (người thọ giới) và bày tỏ lòng cảm ơn với những người tham dự lễ.
9- Trước Bổn Tôn và Tổ Tiên người thọ giới, Giới Sư cùng đại chúng tụng kinh Báo Ân, Tu Chứng Nghĩa, Hồi Hướng, rồi đảnh lễ 3 bái.
V.4 Thọ Giới Hội
Thọ Giới nghĩa là phát nguyện nhận giấy chứng minh (huyết mạch), lãnh thọ giới pháp quy định, nguyện sống đúng Chánh Pháp, để đạt được Phật quả. Thọ Giới Hội là lễ nghi thuần tự giác, từ bỏ sai trái, nguyện tu hành trở thành đại biểu của Đàn Tín Đồ, để thọ Giới Pháp, đi đúng hướng Phật Giáo. Người Thọ Giới được gọi là Giới Đệ, Việt Nam gọi là giới tử.
Thường Thọ Giới Hội được tổ chức trong vòng một tuần lễ, trong đó bốn ngày đầu chư Tăng và Tín Đồ vân tập về chùa, lễ Phật, lễ Tổ, Tọa Thiền, Cúng Chư Hương Linh, Chẩn Tế, Thọ Pháp Quán Đảnh, Nghe Pháp Thoại, Nghe Thuyết 16 điều Giới v.v... Ngày thứ 5 Sám hối và xả thân cúng dường. Ngày thứ 6 thọ huyết mạch (nhận giấy chứng minh giòng họ nhà tu). Trong thời gian nầy, người thọ giới được huấn luyện nghiêm khắc về oai nghi như tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ, tiêu giải v.v... Sau đó, Giới Sư cho gọi giới đệ (người thọ giới) vào đứng ở giữa chư Tăng, có vị Giáo Thọ giúp cho việc nầy (đối với giới đệ gọi vị nầy là Giáo Thọ), ngoài ra còn có vị Dẫn Thỉnh (là vị Tăng hướng dẫn cho giới đệ) và Tam Sư nữa. Tất cả đều là chư Tăng, trang nghiêm, từ ái, chứng minh. Nghi thức nầy như là pháp lạc của Tôn Giáo. Không phải chỉ thọ giới một lần, nếu muốn có thể tham gia hai hay ba lần cũng được.
Mỗi năm, Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự tổ chức trong vòng một tuần lễ, vào khoảng trung tuần tháng tư do vị Quản Thủ làm Giới Sư. Các chùa tại địa phương cũng tổ chức Pháp Mạch Hội trong 3 cho đến 5 ngày và Nhơn Mạch Hội khoảng 1 ngày.
Trong một tuần lễ ấy tác pháp rất cụ thể, song kết quả khá phức tạp. Vì số trang sách có hạn cho nên chỉ giới thiệu đơn giản mà thôi.
V.5 Nghi Thức Kết Hôn
V.5.1 Nghi Lễ Kết Hôn Trang Trọng Trước Đức Phật
Nếu nói là nghi thức kết hôn, có thể nghĩ là Thần Đạo hoặc Thiên Chúa Giáo song ngày nay tổ chức lễ kết hôn trong chùa trước Điện Phật không phải là ít. Năm Minh Trị thứ 35 Lai Mã Đồn Đạo Sư – Kuruma Takudo, một vị Tăng của Tông Tào Động tổ chức lễ kết hôn đầu tiên trước Điện Phật. Thật ra, thường tổ chức lễ kết hôn tại Hội Quán, Khách Sạn, hoặc tại Tư Gia còn ở chùa ít lắm. Tuy nhiên, tổ chức theo nghi thức Phật Giáo cũng thật là trang nghiêm, đẹp mắt và dịu dàng dù có khác nghi thức Thần Đạo và Thiên Chúa Giáo, nhưng đó là khác biệt hẳn nhiên.
Nghi thức kết hôn gồm có: Quy y Phật Thích Ca Mâu Ni, cảm tạ tất cả mọi người, phụng cáo lễ thành hôn, cầu Phật gia hộ, phát nguyện giai lão đồng huyệt .
V.5.2 Nghi Thức Theo Thứ Tự
Nghi thức kết hôn đã được Hội Nghiên Cứu Giáo Hóa của Tông Tào Động điều chỉnh một số nghi lễ khác nhau như: tổ chức ở Hội Trường, Đại Tiệc (Phi Lộ Yến), Chương trình rất công phu, nhẹ nhàng như:
 An trí Bổn Tôn chính giữa Điện Phật. Sắp đặt chỗ ngồi cho Thầy Chủ Lễ, Chú Rể, Cô Dâu, Người làm mai, Bà Con Thân Tộc và quý Khách tham dự.
 Khách của thân tộc ngồi ghế trước hướng lên Đức Phật, bên phải là Chú Rể, bên trái là Cô Dâu.
 Thầy Chủ Lễ quang lâm.
 Đọc Diễn văn khai mạc. Tổ chức ở trước Phật Điện, nếu cung thỉnh được càng nhiều chư Tăng chứng minh càng tốt.
 Thầy Chủ Lễ dâng hương, đảnh lễ Tam Bảo ba lễ.
 Thầy Chủ Lễ phụng đọc yếu chỉ cử hành nghi thức thành hôn trước Phật.
 Thầy Chủ Lễ rải nước hay rượu quán đảnh Chú Rể, Cô Dâu.
 Thầy Chủ Lễ trao tràng hạt cho Chú Rể Cô Dâu, sau đó Cô Dâu Chú Rể trao nhẫn cưới cho nhau.
 Thầy Chủ Lễ xướng Tam Quy từng câu, đại chúng chắp tay đọc theo.
 Hai người phụ Dâu, phụ Rể bưng chén rượu nồng độ 39 độ từ từ bước tới dâng lên cho Chú Rể, Cô Dâu.
 Chú Rể đọc lời phát nguyện, Cô Dâu chỉ đọc tên mình sau đó đóng dấu triện xuống tên của mỗi người.
 Thầy Chủ Lễ đứng trước Chú Rể, Cô Dâu ban huấn từ và chúc tụng.
 Thầy Chủ Lễ và đại chúng tụng kinh, cúng chư Huơng Linh Tổ Tiên Ông Bà rồi hồi hướng.
 Thầy Chủ Lễ đọc Tứ Hoằng Thệ Nguyện, đại chúng hòa theo.
 Tất cả đảnh lễ Tam Bảo 3 bái. Thầy Chủ Lễ cùng với mọi người bái nhau 3 bái.
 Viên mãn
 Giới thiệu gia đình hai bên cha mẹ và thân tộc.
 Từ từ lui ra.
V.6 Đám Tang
V.6.1 Tại Sao Làm Lễ Đám Tang?
Đức Thích Tôn, Khai Tổ của Phật Giáo vì mọi người mà hoằng dương Chánh Pháp. Không biết Ngài có dạy cho đệ tử xuất gia và Tín Đồ nghi thức tang lễ chăng, thật sự không thấy, nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt, những vị đệ tử Ngài và Tín Đồ cử hành lễ Trà Tỳ và tống táng vô cùng bi thảm với đất trời buồn thương. Xá Lợi Ngài được chia ra khắp nơi để cử hành nghi thức tang lễ. Cuộc đời Thiền Sư Đạo Nguyên dường như không cử hành tang lễ nào cho người chết, nhưng sau khi thị tịch, môn hạ cử hành tang lễ vô cùng long trọng đầy đủ các nghi thức tống táng, vì họ vô cùng kính tiếc Ngài
Phật Giáo Nhật Bản được gọi là Phật Giáo tang lễ (Phật Giáo làm đám ma), bởi vì hầu hết chư Tăng các chùa đều rành tang sự, trong khi đó những vị khai sáng dường như hoàn toàn không biết việc nầy. Thật ra, những người kinh doanh bất hảo, những vị Tăng thiếu lý tưởng đã cử hành những tang sự không bình thường chỉ chú trọng vấn đề kinh tế, tụng đọc thật dài nhưng chẳng hiểu nghĩa kinh, chỉ mong gia đình cúng dường hậu hỉ, làm cho tang gia mõi mệt, mất cả niềm tin, mất thời gian người đi đưa đám, chẳng có ý nghĩa gì cả. Có hai điều bất lợi khi cử hành tang lễ rườm rà, thứ nhất, nghi lễ tống táng có rườm rà bao nhiêu đi nữa, đối với hương linh người chết cũng chẳng đi tới đâu, thứ hai, nghi thức như thế chỉ tạo cho người đời nhận thức nghi lễ tang sự một cách sai lạc, dẫn đến trường hợp cử hành lễ tang cho người còn đang sống một cách sờ sờ..
Trước thật tế đó, chỉ có hai điều cần phải lưu tâm, trước nhất đối với Tăng lữ phải sớm nhận thức và điều chỉnh lại nghi thức đám ma tùy từng nơi, thứ hai đừng để người đời đàm tiếu về đám tang hay làm đám tang trước khi chết, chẳng phải là hợp lý tí nào cả, bởi vì hoặc là quá thiên trọng về thân xác nầy của mình hoặc là lệ thuộc và chạy theo tiếng thị phi ở đời?
Tin tưởng tâm linh, phụng thờ Tổ Tiên đã có trong người Nhật từ xa xưa, khi Phật Giáo đến Nhật Bản, dung hòa và phát triển thêm. Dù các chùa ở Nara chẳng có nghi thức tang lễ, không có nghĩa trang, nhưng đó là trường hợp ngoại lệ, đừng cho rằng Phật Giáo Nhật Bản tách rời vấn đề tang lễ.
Tại sao phải cử hành nghi thức tang lễ?
Rõ ràng là để cầu nguyện hương linh người quá vãng siêu thoát cõi u đồ, xoa dịu, an ủi, vỗ về nỗi đau của gia đình, nỗi đau như dao cắt của những người thân, giúp cho tinh thần của người ở lại đủ nghị lực để sống và làm việc. Khác với những sinh vật như chó mèo v.v...con người phải nhiều ưu việt, có tình cảm, có hiểu biết và luôn luôn tôn trọng và kính ngưỡng người thân. Do những lý do ấy, Tăng lữ và Tín Đồ cố gắng tổ chức Tang Lễ. Nếu không phải như vậy, dù tổ chức tang lễ linh đình đến bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ là câu chuyện qua đường mà thôi.
V.6.2 Đám Ma Theo Tào Động Tông
Nghi thức tống táng của Tông Tào Động có hai loại, đó là: nghi thức tang lễ cho Chư Tăng và nghi thức tang lễ cho Đàn Tín Đồ.
Nghi thức tang lễ cho Đàn Tín Đồ do Tăng lữ thực hiện đơn giản với chi tiết tuần tự như sau:
• Chẩm Kinh (nghĩa là tụng Kinh lúc vừa mới mất).
• Thông Dạ (nghĩa là tụng Kinh qua đêm).
• Nghi Thức Tống Táng.
• Thu Cốt (gọi là nghi lễ an vị).
Nói chung, nghi thức tống táng là một trong những Pháp sự cần thiết, xin ghi lại chi tiết rõ ràng, để biết một cách cụ thể và tổng quát. Nhưng gần đây có nhiều tác phẩm nhiều loại khác nhau như: nhập môn, tự điển biên soạn, phân tích, giải thích rành mạch tất cả những Pháp sự thuộc nghi thức tống táng từ lúc lâm chung cho đến khi viên mãn, được bày bán đầy dẫy trên các kệ sách của những quầy sách, tiệm sách. Ai muốn nghiên cứu tường tận, xin đọc số sách ấy cho biết, hoặc loại đơn giản; hoặc loại ghi rõ từng chi tiết đều có. Trong đó sẽ được giải thích những điểm quan trọng rõ ràng hơn. Sâu sắc hơn ở trong đó đứng từ lập trường chuyên môn có thể thấy rõ chỗ sai trái, ngộ giải. Dẫu sao cũng nên đọc, cả lễ tống táng và pháp sự, thì sẽ thực hiện được một cách đứng đắn hoàn toàn. Sẽ được tuần tự giải thích một cách tỉ mỉ. Đồng thời đối với phương diện ấy ở đây cũng sẽ cố gắng giải thích những điểm chính so với những sách giải thích chi tiết kia. Ở đây sẽ giải thích về nội dung cùng ý nghĩa có tính cách căn bản về nghi lễ tống táng của Đàn Tín Đồ thuộc Tào Động Tông mà thôi.
V.6.2.1 Chẩm Kinh
Tụng Kinh lúc lâm chung. Vị Tăng đứng trên phía đầu của người mất đọc một biến Kinh “Phật Di Giáo”, ba biến “Xá Lợi Văn”, và Văn Hồi Hướng. Ngày xưa tụng Kinh “Thông Dạ” tụng suốt đêm, bây giờ ngay cả “Chẩm Kinh” cũng còn tụng lược, như “Phật Di Giáo Kinh” bản kinh Đức Thích Tôn thuyết khi lâm chung, gọi là lời giảng dạy cuối cùng. Thiền Sư Đạo Nguyên trích dẫn trong phần “Chánh Pháp Nhãn Tạng” và “Bát Đại Nhơn Giác”.
V.6.2.2 Thông Dạ
Kinh tụng suốt đêm, vị Tăng đối trước quan tài đọc “Tu Chứng Nghĩa”, “Xá Lợi Lễ Văn” hay những Kinh khác, rồi xướng Văn Hồi Hướng. Vị Tăng ấy đặt cho người mất một Giới Danh viết lên trên bài vị, bằng gỗ trắng, để giữa quan tài. Về giới danh nầy sẽ giải thích phía sau. Sở dĩ gọi là Thông Dạ vì ngày xưa tụng Kinh suốt đêm. Còn bây giờ tục lệ nầy hầu như bị chìm trong quên lãng. Thật sự trước sự ra đi vĩnh biệt đầy buồn thương ấy, việc tưởng niệm là cần thiết, nên an ủi gia đình người mất trong lúc nầy tốt hơn.
V.6.2.3 Nghi Tống Táng
Thế phát và thọ giới được cử hành trước khi di thể nhập quan, bởi vì lúc sanh tiền người mất sống hình thức tại gia, bây giờ mới xuất gia, phải cạo tóc. Việc nầy còn mang một ý nghĩa là cạo bỏ những phiền não và thọ giới làm đệ tử Phật, phát nguyện sống đời phạm hạnh. Thật sự, người nầy khi còn sống chỉ xuất gia trên nguyên tắc thôi, thực tế chưa cạo tóc và chưa thọ giới, bây giờ chết rồi, mới có thể cử hành nghi thức nầy chung một lần với tang lễ, trước tiên là cạo tóc. Vị Thầy Chủ Lễ đọc bài kệ như sau:
“Lưu chuyển trong ba cõi,
Ân ái chưa đoạn lìa.
Nay xả thân, tịch diệt.
Thật sự báo ân xưa”
Hoặc
“Cạo bỏ râu tóc,
cầu cho chúng sanh,
xa lìa phiền não,
cứu cách tịch diệt“
Đọc ba lần, rồi lấy dao cạo tóc người mất, hoặc cạo sạch hoặc chỉ cạo một phần, hoặc chỉ làm động tác cạo mà thôi.
Tiếp theo là thọ giới, Thầy Chủ Lễ xướng lên
“Đệ tử vốn tạo các ác nghiệp,
Đều do vô thỉ tham, sân, si.
Từ thân, miệng, ý phát sanh ra,
Tất cả hôm nay xin sám hối.”
Chư Tăng thay thế cho người mất hòa theo. Sau đó trao Tam Quy, Tam Tụ Tịnh Giới và 10 Giới Trọng trong 16 điều giới cấm. Tiếp theo đọc văn huyết mạch về huyết mạch thọ tả (nghĩa là thuộc giòng hệ nào chẳng hạn), rồi hướng về bàn thờ Hương Linh đọc:
“Chúng sanh thọ Phật giới,
Được vào địa vị Phật.
Đồng với bậc Đại Giác
Trở thành đệ tử Phật.
Nam Mô Đại Từ Bi
Xót thương và gia hộ”.
Tụng Kinh Nhập Liệm.
Sau khi thế phát, thọ giới xong đưa di thể nhập quan, tụng chú Đại Bi Tâm Đà La Ni, rồi Hồi Hướng.
Đại Dạ niệm tụng, kham tiền niệm tụng.
Đại dạ thật ra viết đúng là Đãi Dạ, gọi là đêm chờ đợi hỏa táng di thể người mất. Chư Tăng luân phiên niệm Phật để hộ niệm cho người mất nhận ra con đường vãng sanh và cầu nguyện hương linh được siêu thoát. Chư Tăng còn niệm mười danh hiệu Phật như:
Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật,
Viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật,
Thiên bách ức hóa thân Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật,
Thập phương Tam Thế nhứt thiết Chư Phật,
Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,
Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát,
Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát,
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.
Sau đó đọc ba biến “Xá Lợi Lễ Văn“, tụng Hồi Hướng.
Cử Kham niệm tụng:
Cử Kham, nghĩa là đem áo quan vào nơi làm lễ như chỗ để áo quan tại chùa, tại nhà, hay tại nghĩa địa) cũng có nghĩa là di chuyển quan tài. Chư Tăng tiếp tục niệm Phật, tụng kinh cầu siêu hương linh, tụng “Đại Bi Tâm Đà La Ni” đánh trống, đánh phèn la 3 tiếng.
Tiếp theo, Chư Tăng và người thân đứng hai bên cổ quan tụng Kinh “Đại Bảo Lầu Các Thiện Trụ Bí Mật Căn Bản Đà La Ni”. Áo quan được di chuyển đi vòng 3 lần qua bên mặt rồi an vị lại chỗ cũ. Tụng chú “Đại Bảo Lầu Các Thiện Trụ Bí Mật Căn Bản Đà La Ni“ để cầu gia bị cho hương linh thoát khỏi những thế giới khổ đau, bước chân lên con đường thanh tịnh, tạo công đức thiện nghiệp. Di chuyển quan tài ba lần về phía bên phải là Hữu nhiễu Tam Cân (đi nhiễu bên phải ba vòng) học theo cách đi nhiễu của người Ấn Độ để biểu lộ ý nghĩa cung kính.
Bây giờ nghi thức nầy không còn làm riêng tại nơi quàn quan tài nữa, chỉ cử hành một lần tại nhà người mất thôi, bởi vì phải tùy thuận vào hoàn cảnh cá biệt khác nhau.
Nhập Kham Phúng Kinh.
Những nghi thức như: Đại (Đãi) Dạ Niệm Tụng. Cử Kham Niệm Tụng gọi là Nội Phúng Tụng, mà Nội Phúng Tụng nguyên gốc là những nghi thức cử hành trong giai đoạn đầu của việc tống táng cho đến Thông Dạ (Đãi Dạ Phúng Kinh). Có khi tụng Kinh Thông Dạ chung cũng tốt thôi. Nếu người mất chưa thọ giới, vị Thầy Chủ Lễ cử hành việc thọ giới trước.
Dẫn Đạo Pháp Ngữ:
Vị Thầy Chủ Lễ đến trước quan tài (có 2 loại là hỏa táng hoặc thổ táng), đốt hương, chuyền hương từ tay trái sang tay phải, rồi chuyển ngược lại từ tay phải sang tay trái, đưa lên trên trời vẽ một vòng tròn, rồi tuyên pháp ngữ. Như người dẫn đường cho hương linh đi vào thế giới giác ngộ của chư Phật, trước tiên vị Thầy Chủ Lễ giảng về ý nghĩa Pháp vô thường căn bản trong đạo Phật, tán dương công đức của người mất, cầu nguyện hương linh nương nhờ phước đức thoát khỏi u minh, mà đối với Thiền Tông, đây là trọng tâm của việc làm lễ chôn cất.
Điếu từ, Điện chia buồn:
Điếu từ, điện chia buồn v.v... nội dung của những văn điếu cho người mất, những điếu từ, những điện văn là chia buồn cùng gia đình và tán dương sự nghiệp của hương linh lúc sanh tiền.
Sơn Đầu Niệm Tụng
Sơn Đầu có nghĩa là nhà chùa. Nếu việc Nội Phúng Kinh được cử hành tại nơi tổ chức tang lễ thì Dẫn Đạo Pháp Ngữ và Sơn Đầu Niệm Tụng cử hành tại chùa. Sơn Đầu Niệm Tụng nghĩa là cắt tóc, thọ giới và ghi danh vào hệ thống hệ phái cho người mất. Thông thường vị Thầy Chủ Lễ trình bày và giảng nghĩa cho biết là đã trở thành đệ tử Phật, khi Ngài dẫn đạo pháp ngữ và những người đệ tử mới nầy của Đức Phật sẽ giác ngộ, trở thành bông hoa đẹp trong vườn hoa ấy, và trở về với biển thanh tịnh, sống đời an lạc.
Tiếp theo cúng trà và đốt nhang, tiễn đưa hương linh về thế giới an lành. Đây chính là ý nghĩa của việc niệm tụng Kinh văn.
Tụng Kinh xong, xướng 10 danh hiệu Phật hoặc đọc “Tu Chứng Nghĩa” và phẩm “Phổ Môn Quan Âm”, lúc nầy tang quyến và những người đi đám lần lượt lên thắp hương và chia buồn. Thắp hương xong, tụng Hồi Hướng.
An Vị Phúng Kinh:
Sau khi cử hành lễ tống táng, linh vị người mất sẽ được an vị ở nhà hoặc ở chù, Thầy Chủ Lễ tụng chú Đại Bi Tâm Đà La Ni để cầu nguyện hương linh tiêu diêu Tịnh Độ rồi tụng văn Hồi Hướng.
V.7 Sự Hiểu Biết Về Giới Danh
V.7.1 Giới Danh, Pháp Danh và Pháp Hiệu
Giới Danh nghĩa là tên của người Tín Đồ Phật Giáo, quy y Đức Thích Tôn, tôn kính chư vị Tổ Sư, học và thực hành đúng những lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Sinh hoạt đứng đắn gọi là Giới. Ngoài tên của cha mẹ đặt là tục danh, còn có tên của Phật Giáo mà Giới Sư (vị Thầy cho thọ giới) đặt cho. Thông thường, tên được đặt sau khi người mất trong lúc đám ma là Giới Danh, vốn là tên khi còn sống để xác định rằng người ấy là một vị Tăng sĩ. Tên cha mẹ đặt cho, đối với người Tăng Sĩ cũng được giữ nguyên thành Giới Danh. Như trường hợp của tôi (tác giả) có Đạo hiệu là Thiên Lại (Tenrai = tiếng trời), Húy là Long Chơn (Ryushin). Chữ Húy nầy do Thọ Nghiệp Sư ban cho còn Đạo Hiệu là do Bổn Sư cho. Khi tôi (tác giả) viên tịch, trên tấm bia và bài vị, nếu thiết lập, chỉ ghi như sau: “Thiên Lại Long Chơn Đại Hòa Thượng”. Vả lại, tên của vị Tăng Sĩ chính là Giới Danh, cho nên không có sự thay đổi tên khi sanh tiền và lúc sau khi viên tịch.
Trường hợp của Đàn Tín Đồ cũng giống như vậy. Đàn Tín Đồ nếu tham gia vào lễ thọ giới trở thành người xuất gia sẽ được Giới Sư ban cho Giới Danh, không dùng tục danh nữa. Đến khi chết Giới Danh ấy được khắc ghi lên bia đá và bài vị. Trên bia đá, ta thấy Giới Danh được khắc chữ đỏ vì người lập bia có ý muốn cho người đời sau biết người ấy thọ nhận Giới Danh lúc còn sanh tiền, còn gọi là nghịch tu. Giới Danh tên gọi của Phật Giáo, giống như Thọ Tẩy Danh, tên Thánh của Thiên Chúa Giáo. Nếu không có Giới Danh không thành tựu, cho nên khi còn sống nên thọ giới để có Giới Danh (ghi chú của dịch giả: Đây để chỉ cho trường hợp của Nhật Bản. Còn các nước khác theo Phật Giáo không phải như vậy).
Pháp Danh, Pháp Hiệu đại khái có thể nói là giống Giới Danh. Ai có tên nầy chứng tỏ rằng đã quy y Phật Pháp. Tông Tào Động chỉ gọi Giới Danh, không gọi Pháp Danh hay Pháp Hiệu. Tông Thiên Thai, Tông Chơn Ngôn, Tông Tịnh Độ, Tông Thiền v.v... chỉ gọi là Giới Danh. Tông Tịnh Độ Chơn gọi Pháp Danh và Tông Nhật Liên gọi Pháp Hiệu. Tông Tào Động phân chia cách sử dụng Giới Danh và Pháp Danh được hiểu như sau:
Trường hợp người thọ giới khi còn sanh tiền gọi Giới Danh. Còn Tín Đồ không thọ giới không được gọi, nhưng khi chết trước lúc hỏa táng có thể cải đổi tên để thọ giới, có thể gọi là Pháp Danh
Giới Danh, Pháp Danh và Pháp Hiệu chỉ là tên gọi của những Tín Đồ Phật Giáo, mà đúng ra chẳng phải tên của đời nầy, cũng chẳng phải tên của đời kia, mà là phô diễn ý nghĩa tất cả đều bình đẳng, là đệ tử của Phật đang hiện hữu trong thế giới khổ đau phiền não. Nêu danh ấy chẳng qua làm sao để có một cái tên đầy đủ ý nghĩa tự giác khi đang sống trong thế giới nầy.
V.7.2 Chuẩn Mực Của Giới Danh
Giới Danh nói lên tính chất bình đẳng của đệ tử Phật, không phân biệt cao thấp, trên dưới khi được gọi bằng tên ấy. Dù cho có vô vàn khác biệt của chúng sanh sống trong đời nầy song trong thế giới chư Phật không có sự khác biệt nào cả. Do vậy trong đời sống, Giới Danh ấy đều bình đẳng như nhau. Nếu nói một cách khẳng định, Giới Danh đồng nhau.
Thật tế, trên nguyên tắc người có tín ngưỡng, người không có tín ngưỡng, người có nhơn cách, người không có nhơn cách, ai ai cũng đều cống hiến cho sự nghiệp của gia đình, xã hội, giáo đoàn, Chùa, Viện, Phật Giáo v.v... nhưng nếu chọn cho mình có một Giới Danh đẹp đẽ thì thích nghi hơn. Với ý nghĩa đó, Giới Danh căn cứ vào cá tánh của từng người nên có sai biệt. Nhưng khi đã chết mới được đặt tên trong lúc lễ tang, những người ấy đều cùng một Giới Danh, mà Giới Danh nầy nói lên sự hy vọng của người mất lúc sanh tiền, hoặc nguyện vọng, suy nghĩ, ý muốn của tang gia, những người liên hệ dành cho người quá cố. Do vậy, Tín Đồ Phật Giáo không phải là một đoàn thể chung chung, mà tùy duyên theo cá tính của từng cá nhân. Giới Danh được nhận sau khi chết xuất phát từ tâm đồng cảm với những người thân, trong tang quyến. Về phương diện lịch sử, có nhiều phê phán về Giới Danh như một sự tham vọng, nhưng Giới Danh được ghi vào sổ bộ trong chùa (Bồ Đề Tự) và sổ lưu niệm gia đình, trên mộ bia v.v.... mãi mãi lưu truyền cho hậu thế.
Cũng có người di chúc không muốn có Giới Danh, những Thầy Chủ Lễ phải tôn trọng di ngôn của người quá cố, chấp nhận di chúc và sử dụng tục danh trong lễ tống táng. Thật ra, không thể nói là tham vọng đối với vấn đề nầy, bởi vì về sau những người thân trong tang quyến gặp người khác hỏi về Giới Danh của người mất, không biết trả lời sao, nên mới có tha thiết yên cầu như thế.
Khi còn sanh tiền, có người tự đặt Giới Danh cho mình, không giống trường hợp người không cần Giới Danh. Những việc như thế cũng là một cách hành xử, nói lên quan điểm về nhơn sanh và kiến thức của mình, song mặt khác cho thấy rằng chẳng qua chỉ làm tăng thượng mạn mà thôi.
Hơn nữa, có người suy nghĩ rằng Giới Danh chẳng phải là việc ăn uống gì cho nên muốn đổi tên. Trên nguyên tắc điều nầy không được, song trường hợp ngoại lệ vẫn chấp nhận. Thật sự, nếu Giới Danh tạo tổn thương cho người mất, chỉ thêm khổ tâm, thế thì có lợi ích gì mà phải đặt Giới Danh, điều nầy chư Tăng phải hoàn toàn có trách nhiệm. Nhưng dẫu việc ấy xảy ra, phẩm cách và kiến thức của vị Tăng đâu phải vì thế mà trở thành thấp đi, cho nên Chư Tăng vẫn an nhiên đặt Giới Danh như thường.
Có vấn đề lớn là đặt dùm Giới Danh hoặc có những vị Tăng yêu cầu số tiền quá lớn khi đặt Giới Danh. Thật tế, không phải không có phiến diện về quan niệm xã hội, không phải không có những Tăng Sĩ không xem tư cách của mình là trọng, không phải không có những Tu Sĩ mang tiếng như vậy, không phải không có những Tăng Sĩ lợi dụng buồn khổ của người, hám lợi như ngạ quỷ, súc sanh làm những hành động chẳng bình thường chút nào cả. Vị Tăng nầy sửa đổi Giới Danh mà vị Tăng khác đã cho, tạo sự không hay đối với vị Tăng ấy, làm cho tang gia bối rối thêm, để rồi chấp nhận điều kiện có thể để cho tang lễ được an ổn.
Thành ra việc mong mỏi đặt cho Giới Danh ấy thành ra làm tiền, ngã giá chê bai mắc rẽ, quả là tâm hư dối, không thật lòng. Thật tế, trong cuộc sống cũng có nhiều người thích nổi danh, yêu cầu đặt cho Giới Danh với số tiền tốn kém trong khi làm đám, rõ ràng vấn đề nầy xem như cá biệt, mà nội dung có khác, không nên phê phán làm gì. Tuy nhiên, không phải không có những vị Thầy đi đám tang để lấy tịnh tài cúng dường Tam Bảo, điều hành Phật sự, duy trì giáo đoàn v.v...Vả lại, dù cho đòi hỏi của tang gia một số tiền nào đó để cúng dường Giáo Đoàn hoặc đóng góp vào những lãnh vực khác, cũng tùy theo hoàn cảnh từng chùa, đại loại là theo khả năng, hoàn cảnh, phương tiện chứ hoàn toàn không có ép buộc, tất cả không giống nhau.
Nói chung, tiền cúng dường cho việc đặt Giới Danh nhiều ít không lệ thuộc vào quyết định chủng loại, chuẩn mực của Giới Danh .
V.7.3 Sự Cấu Tạo Của Giới Danh Và Chủng Loại
Giới Danh gồm có:
Viện Hiệu, Viện Điện (tên chùa Viện),
Đạo Hiệu Giới Danh,
Tánh phái – chức danh (Vị Hiệu) nên gọi là chức vụ.
Hầu hết dùng Đạo Hiệu Giới Danh, Tánh phái. Còn Viện Hiệu(Viện Điện), Đạo hiệu Giới Danh, Tánh phái cho vào đó hai chữ như nguyên tắc, ví dụ:
Vịnh Tùng Viện Hạc Phùng Tiên Thọ Cư Sĩ
(Viện hiệu) (Đạo hiệu) (Giới danh) (Vị hiệu)
Hoặc
Phước Tụ Viện Từ Hải Diệu Hàng Đại Tỉ
(Viện hiệu) (Đạo hiệu) (Giới danh) (Vị hiệu)
Viện Điện Hiệu, Viện Hiệu cùng gọi chung là Viện Hiệu. Khi Thiên Hoàng nhường ngôi lui về sống ở cung điện khác và băng hà, gọi là Thuần Hòa Viện. Chữ Viện bắt đầu dùng lúc ấy. Hơn nữa chữ Viện Điện kể từ khi Túc Lợi Tôn Thị trở đi mới thêm vào chữ Điện cho nhà họ Võ để phân biệt với Thiên Hoàng. Hơn nữa, Viện Hiệu hay Viện Điện Hiệu là cách đặt tên theo niềm tin Phật Giáo, giống như kiến tạo một ngôi chùa, biểu hiện cho một sự tồn tại trong đời, nên được duy trì.
Viện Điện Đại Cư Sĩ là Giới danh cao nhất, mà ngày xưa gọi là Đại Danh Phiên Chủ hay Phu Nhơn, Đại Thần, Tri Sự v.v... Ngày nay theo tiêu chuẩn nầy, tùy theo sự cống hiến và niềm tin của Tín Đồ đối với Phật Giáo, Giáo Đoàn, Bồ Đề Tự thế giới, quốc gia, địa vực xã hội v.v... mà được biệt lệ. Thật ra, có rất ít những người được như thế, nếu không nói là rất hiếm. Viện Điện Hiệu Cư Sĩ (Đại Tỉ) là cách đặt Giới Danh nói lên công đức, địa vị mà Viện Điện Hiệu ấy đã, tùy theo xã hội, đoàn thể, Giáo Đoàn, của ngôi chùa ấy v.v...
• Đạo Hiệu và Giới Danh
Đạo Hiệu biểu hiện đức độ của vị ấy. Giới Danh là tên của người khi thọ giới. Giới Danh của Tông Tào Động có một sự chọn lựa chữ thật là chín chắn, như: Vịnh Tùng Viện, Hạc Phùng Tiên Thọ Cư Sĩ như ta đã thấy, trường hợp như thế rất phổ thông. Bốn chữ Đạo Hiệu và Giới Danh đặc biệt có liên hệ với Kinh Điển, Tổ Duyên, do tham cứu thơ văn bằng chữ Hán mà có những chữ như thế để tương xứng khi không cần dùng tục danh nữa.
• Đại Cư Sĩ (Đại Tỉ) hay Cư Sĩ (Đại Tỉ)
Đại Cư Sĩ (Đại Tỉ) dành riêng cho Viện Điện Hiệu. Còn Cư Sĩ (Đại Tỉ) dành cho Viện Hiệu và Vị hiệu. Cư Sĩ, Đại Tỉ là những tín đồ tại gia, nhiệt tâm tham thiền. Tín Đồ cũng có thể tự xưng là Cư Sĩ hay Đại Tỉ.
• Tín Sĩ, Tín Nữ
Đây là cách gọi chung chung cho các Đàn Tín Đồ theo Vị Hiệu, cao nhất là Viện Điện Hiệu và Viện Hiệu. Thông thường, họ là những người không có chức phận, những tín đồ bình thường nghe và thọ nhận lời dạy, gần gũi Chư Tăng, gọi là Tín Sĩ, Tín Nữ.
• Đồng Tử, Đồng Nữ
Đa số tuổi lên 4, lên 5 hoặc giả chết từ 7 tuổi trở xuống, chưa tới 15 tuổi, gọi những đứa trẻ ấy theo Vị Hiệu là Đồng Tử, Đồng Nữ.
• Hài Nhi (Hài Nữ)
Anh nhi từ lúc mới sanh cho đến 2, 3 tuổi, những trẻ “ấu nhi” được đặt theo Vị hiệu là Hài Nhi hay Hài Nữ.
• Thủy Tử
Những thai nhi chết khi sanh ra được đặt theo Vị Hiệu. Nói chung, Hài nhi, Anh nhi, Thủy Tử thường chỉ đặt Giới Danh và Vị Hiệu.
• Thiền Định Môn (Thiền Định Ni)
Ni cũng có Vị hiệu, đặc biệt lúc sanh tiền chuyên tâm thiền định, thuần tín Tam Bảo, thân cận thiện hữu. Thiền Định Môn và Ni được gọi không phải chỉ cho người xuất gia làm Tăng lữ (Ni Tăng).
Vả lại, theo Pháp Danh của Tịnh Độ Chơn Tông, phải bắt buộc, nếu nói không quá đáng, chữ đầu dùng chữ Thích. Ngắn cho vào chữ Dự, để so sánh với Giới Danh dài hơn. Còn Tông Nhật Liên cho vào đó chữ Diệu. Tùy theo Tông Phái, có sự phân biệt Giới Danh khác nhau như thế.
V.8 Những Ngôi Mộ Bình Thường
V.8.1 Nguyên Hình Của Ngôi Mộ Là Một Cái Tháp
Ngôi mộ là nơi chôn cốt đã thiêu xong, hoặc là chôn thân xác, có hình tháp, tiếng Phạn gọi là Stupa, mà thời Đức Thích Tôn tại thế ở Ấn Độ đã có những tháp như thế. Khi Đức Thích Tôn nhập diệt, xương cốt của Ngài được phân chia cho 8 vương quốc tại Ấn Độ tôn thờ, lễ bái và cúng dường. Nơi thờ Xá Lợi Phật được gọi là Xá Lợi Tháp, mà chúng ta có thể nhận được là tháp Sanchi, xây dựng vào thế kỷ thứ 2 trước tây lịch, có hình tròn giống như một cái bát úp xuống. Người Nhật dựa theo mẫu đó, xây dựng một số tháp lớn ở Takaozan. Ngay cả ở Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, người ta làm tháp cũng lấy mẫu từ hình tròn cái bát ấy cải biến lại. Ở Trung Hoa, tháp có hình ống hoặc đa giác. Nơi nào có tháp, nơi ấy có chùa. Ở Trung Quốc, ngôi tháp cổ nhất xây dựng vào thế kỷ thứ 6 tại Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam, cao 15 tầng và có 12 cạnh.
Ở Nhật, vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 6 đã xây dựng tháp bằng gỗ cao 5 tầng tại chùa Pháp Long (Horyu) xưa nhất thế giới. Có tháp cao đến 13 tầng tiêu biểu của Nhật. Còn lại phần nhiều tháp bằng gỗ chỉ 3 hoặc 5 tầng, hiển nhiên để tôn trí Xá Lợi Phật.
Ngoài ra, còn có tháp Ngũ Luân và Ngũ Luân Tháp Bà làm bằng đá. Tháp nầy có hình dáng biến hóa từ trên xuống là hình cầu như bảo châu, rồi bán nguyệt, tam giác, hình tròn, rồi tứ giác, Sau nầy, để thay các tấm mộ bia, người ta làm những cây trụ bằng gỗ có hình tháp như thế. Tháp Bà có khi viết là Tốt Tháp Bà phiên âm từ chữ Stupa mà ra. Trên Tháp Bà, có viết 5 chữ Phạn là Kya Ka Ra Pa A, nghĩa là địa, thủy, hỏa, phong, không 5 nguyên tố chính của vũ trụ, chính con người được cấu tạo từ 5 nguyên tố nầy.
Về nguyên lý, sau khi chết, thân xác nầy trả cho trời đất, thần thức quy về Đại Nhật Như Lai, biểu hiện của vận hành vũ trụ, nhưng thỉnh thoảng trong Kinh cũng nhấn mạnh công đức tạo Tháp. Tương truyền rằng Thiền Sư Đạo Nguyên từ Trung Quốc lưu học trở về xây dựng Bảo Khiếp Ấn Tháp (Bookyoointoo), thường gọi là “Tháp Hạc” để cầu nguyện cho cha mẹ, bởi vì Ngài mồ côi cha lúc lên ba và mồ côi mẹ năm lên tám. Bây giờ tháp vẫn còn, được xem là vật tối cổ của người Nhật, là di sản văn hóa Quốc Gia, cần phải giữ gìn. Thiền Sư Đạo Nguyên trong phần “Phát Vô Thượng Tâm”, phần “Tạo Tháp Tạo Phật” trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng“ có nói về điều nầy. Thế nhưng, không dành riêng một chương nào đặc biệt nói về việc tạo tháp cả. Chúng ta có thể nghĩ rằng dù gọi là Tháp, song có thể sử dụng như một đạo tràng tu hành tại các tự viện được chăng? Hơn nữa, từ Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự cho đến tự viện của Tông Tào Động ít có nơi nào xây tháp 3 tầng hay tháp 5 tầng như có lần đề cập ở phía trước.
V.8.2 Những Loại Mộ
Có nhiều loại Mộ khác nhau làm bằng gỗ, bằng đồng, bằng đá v.v... nhưng đa phần là bằng đá, như Đa Bảo Tháp, Noãn Tháp, Bảo Khiếp Ấn Tháp, Ngũ Luân Tháp v.v...
Đa Bảo Tháp, căn cứ theo Kinh Pháp Hoa, trong tháp nầy an trí tôn tượng Đa Bảo Như Lai. Ngày xưa các vị Tăng Sĩ hay gia đình quý tộc thường được chôn trong các mộ tháp như vậy.
Noãn Tháp là mộ của Chư Tăng. Những ngôi mộ của Tăng Sĩ Tông Tào Động rất đặc thù ngoại lệ, hầu như là Noãn Tháp hình vòm.
Bảo Khiếp Ấn Tháp nguyên thủy tháp chôn Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni. Ngày xưa, các gia đình quý tộc và Võ Sĩ được chôn trong những ngôi mộ như thế.
Ngũ Luân Tháp chôn những Võ Sĩ. Hiện tại đa phần là tháp đá có nhiều góc cạnh, dành cho thứ dân kể từ thời Edo trở lại đây.
Gần đây cũng có những ngôi mộ hình dáng bia kỷ niệm như Âu Châu. Nếu ai có thời giờ viếng nghĩa địa tại Tamabochi, Tokyo hay Aoyamabochi hoặc Linh Viên Tạng Ty Cốc sẽ thấy có nhiều loại tháp khác nhau, thiên sai vạn biệt.
V.8.3 Đi Viếng Mộ
Người Nhật đặc biệt là những Tín Đồ Phật Giáo, không luận là Tông Phái nào, đều đi thăm mộ vào những ngày giỗ kỵ, hai lần lễ Bĩ Ngạn vào mùa Xuân và mùa Thu, Lễ Vu Lan v.v.. Vì sao? Lý do gì phải đi thăm mộ?
Thứ nhất là tưởng niệm và niệm ân đức ông bà, cha mẹ, những người đã quá vãn. Thứ hai tự nhìn lại bản thân mình ngày hôm nay để có năng lực cần thiết tiếp tục sinh sống. Thường thì đến đó quét mộ, dùng nước rửa mộ, trồng hoa, chưng những bông hoa theo bốn mùa, hiến hương, chấp tay, đọc Kinh. Những hành động như vậy nên làm. Tại sao thế?
Thật ra, không cần hỏi tại sao có những việc kỳ diệu xảy ra làm cho tâm của ta trở nên an ổn. Viếng mộ là công việc mà đại đa số người Nhật từ xưa đến bây giờ vẫn còn tiếp tục, mà cũng có thể nói rằng tinh thần đó là truyền thống trở thành tình cảm tự nhiên của con người. Chỉ một người đi viếng mộ cũng tốt, song có nhiều người thân trong gia đình cùng đi càng tốt hơn. Đặc biệt, trẻ con hay thế hệ trẻ nên tham gia để thấy tình cảm được gắn bó và hiệu quả trên phương diện tinh thần.
Giới Danh của người quá vãng được khắc vào bia trễ lắm đến Tiểu Tường (1 năm) là tốt nhất. Những nhà làm bia đáng tin tưởng vẫn được nhiều người quan tâm hơn. Tuy nhiên, đối với người thế gian, có nhiều cách nhìn khác nhau cho nên cách làm mộ cũng có nhiều quan niệm và hình thức khác nhau, song vẫn có một nguyên tắc chung kiến tạo một ngôi mộ đàng hoàn. Đúng hơn đối với tất cả mọi việc, việc gì cũng có một nguyên tắc căn bản cả. Có những ngôi mộ rất sống động, song cũng có những ngôi mộ khó nói. Những người nghiên cứu về hình dáng mộ rất dồi dào những ý tưởng, chấp thủ sanh ra nhiều ý kiến khác nhau. Cũng có những người chủ trương lập trường ngược lại.
Đức Thích Tôn và chư vị Tổ Sư, hầu như không quan tâm đến hình tướng Mộ tháp, nhưng cũng không phải vì thế mà không lưu tâm đến vấn đề kiến tạo ngôi mộ sao cho được. Suy nghĩ về ngôi mộ biết đâu cũng là việc làm có ý nghĩa. Ghi đôi dòng lên bia kỷ niệm cũng là điều thú vị biết bao. Không có việc bất khả tư nghì nào luôn luôn còn mãi, một ngôi mộ đẹp đến bao nhiêu đi nữa, chẳng bao lâu cỏ cũng mọc đầy, thậm chí rồi chẳng có ai đến thăm mộ nữa. Những việc như thế không phải chưa xảy ra. Tất cả đều ngoài ý muốn. Song một ngôi mộ, một tấm bia kỷ niệm chứa đựng bao nhiêu điều ý nghĩa, đối với Tín Đồ Phật Giáo Nhật Bản, không ít những trường hợp như thế, đó là đối tượng lễ bái.
Đàn Tín Đồ của Tông Tào Động đứng trước mộ thường đọc Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni hay Hành Trì Báo Ân thuộc chương thứ 5 của Tu Chứng Nghĩa, và đọc kệ Hồi Hướng chung như:
Nguyện đem công đức nầy,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật-đạo.
Tụng với tất cả chân thành mới là cách cúng dường cao quý hơn cả.
V.9 Tụng Kinh Cầu Nguyện Cúng Dường
Lý do và ý nghĩa của việc tụng Kinh cầu nguyện, cúng dường nhân ngày giỗ.
V.9.1 Lý Do Và Ý Nghĩa Của Việc Tụng Kinh
(Lý do và ý nghĩa việc tụng Kinh cầu nguyện cúng dường).
Truy Thiện Cúng Dường nghĩa là pháp sự nhằm cúng dường cho người quá cố. Nói chung, sống trong cuộc đời, vì tạo ra cả thiện nghiệp lẫn ác nghiệp và thiện ác lẫn lộn nên là con người. Song Truy Thiện nghĩa là tưởng niệm những điều tốt đẹp của người mất. Cúng dường nghĩa là dâng cái gì đó cho người mất, đại để có hai loại đó là cúng dường tinh thần và cúng dường vật chất như lúc người ấy còn sanh tiền. Còn Pháp Sự chỉ cho việc Phật vốn là lời chỉ dạy của Đức Phật, cũng có khi gọi là Pháp Yếu hay Phật Sự, tất cả đều mang ý nghĩa như nhau. Tùy thay đổi ấy, ý nghĩa nghi lễ trở thành nhiều vấn đề khác nhau.
Như vậy, qua vấn đề Truy Thiện Cúng Dường, chúng ta biết chắc rằng dòng sinh mạng nầy khởi nguyên từ quá khứ vô thỉ, tạo thành cái thân của ta trong hiện tại, tiếp tục lưu chuyển đến tương lai vô cùng, thế thì chúng ta phải hành xử như thế nào! Thiền Sư Đạo Nguyên trình bày trong phần cúng dường Chư Phật trong Chánh Pháp Nhãn Tạng rằng: “Công đức cúng dường Phật sẽ thành Phật”. Hãy ghi nhận ý nghĩa nầy tốt hơn chăng?
Truy Thiện Cúng Dường xuất phát từ Ấn Độ xa xưa, mà Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Quán Đảnh Kinh và Luận Câu Xá v.v... đều có ghi rõ tụng Kinh, cầu nguyện, cúng dường cho đến 49 ngày. Theo tư tưởng và tập quán tang lễ Ấn Độ cổ đại, người chết trải qua thời gian 49 ngày làm thân Trung Hữu hay Trung Ấm mới đi đầu thai.
Tại Trung Quốc, tư tưởng Phật Giáo tùy duyên với Nho Giáo, mà thế kỷ thứ 12, Chu Tử tóm lược những nghi thức tang lễ ảnh hưởng Nho Gia và Thiền Tông tạo ra Kinh Thập Vương, cho biết thời gian để tang và cúng dường cho người mất trong vòng 49 ngày, rồi một năm, đến ba năm v.v... cho nên trong lúc làm lễ hay bài trí hình ảnh của mười vị Phật và Bồ Tát, gọi là Thập Phật Sự với ý chỉ cho việc nầy.
Người Nhật thọ nhận cả hai phong tục tang lễ của Ấn Độ và Trung Quốc cộng với tín ngưỡng dân gian (Tổ Linh tín ngưỡng) từ thế kỷ thứ 7 thứ 8, để tang và cúng dường 49 ngày tụng đọc và ấn tống Kinh Địa Tạng Thập Vương mà nội dung Kinh nầy nói về người chết đến cõi U Minh qua trước 10 vị Vua, bị khảo tra về những hành vi thiện ác khi còn sống. Đến thế kỷ thứ 13, 14, có Thập Phật Sự, Tam Hồi Kỵ, Thất Hồi Kỵ, Thập Tam Hồi Kỵ được thêm vào thành Thập Tam Phật Sự. Ngoài ra, còn thêm vào 50 lần kỵ hay 100 lần kỵ, giống như ngày hôm nay đang thực hiện.
V.9.2 Phương Cách Cũng Như Chủng Loại Cầu Nguyện
Tông Tào Động ảnh hưởng vấn đề tang lễ từ thời kỳ sau Kamakura bắt đầu cử hành Pháp Sự Truy Thiện Cúng Dường cho Đàn Tín Đồ. Những ngày kỵ trong một năm, nếu xem, đại để được liệt kê như sau:
 Sơ Thất Nhật còn gọi là Sơ Nguyện Kỵ. Bắt đầu từ ngày mất tính đến ngày thứ 7, ngày nầy gọi là Sơ Thất Nhật, cử hành việc Truy Thiện Cúng Dường cho đến 49 ngày, bởi vì thời gian nầy người chết gọi là Trung Ấm hay Trung Hữu và đến ngày nầy mới quyết định kết quả đời sống kế tiếp, cho nên 7 ngày làm lễ cúng dường một lần.
 Nhị Thất Nhật còn gọi là Dĩ Phương Kỵ
 Tam Thất Nhật còn gọi là Tửu Thủy Kỵ
 Tứ Thất Nhật còn gọi là A Kinh Kỵ
 Ngũ Thất Nhật còn gọi là Tiểu Luyện Kỵ
 Lục Thất Nhật còn gọi là Đàn Hoằng Kỵ
 Thất Thất Nhật (Tứ Cữu Nhật) còn gọi là Đại Luyện Kỵ
(Như vậy thần thức người mất vẫn tiếp tục in sâu tận đáy lòng người sống cho đến 49 ngày cho nên theo phong tục của người Nhật, ngày thứ 49, gia đình làm 49 cái bánh viên tròn thành một quả lớn và cả gia đình ăn bánh ấy. Thời gian trong vòng 49 ngày gọi là tang chế, qua đến ngày 50 trở thành ngày kỵ khác rồi).
 100 ngày gọi là Tốt Khú Kỵ (hết khóc, nghĩa là nước mắt khóc buồn khi tử biệt đã dừng)
 Một năm kỵ hay cũng còn gọi là Tiểu Tường Kỵ (ngày xưa ở Trung Quốc dùng để chỉ cho việc để tang. Lúc nầy người thân được mặc y phục bình thường, nên chữ “tường” theo chữ nghĩa ở đây, ý nói là tốt).
 Tam Hồi Kỵ hay Đại Tường Kỵ (Tốt Khú Kỵ, Tiểu Tường Kỵ và Đại Tường Kỵ là những ngôn từ xuất phát từ Nho Giáo, chuyển sang lãnh vực Phật Giáo. Ở Trung Hoa có thuyết cho rằng để tang đến 3 năm tượng trưng cho chữ Hiếu).
 Cúng giỗ năm thứ bảy gọi là bớt cúng rình rang.
 Giỗ lần thứ 13 là cúng Từ Minh.
 Giỗ năm thứ 23 gọi là cúng riêng biệt.
 Giỗ thứ 25 gọi là Cúng Đại sĩ.
 Giỗ lần thứ 33 là cúng thanh tịnh bản nhiên.
 Giỗ lần thứ 50 gọi là cúng viên mãn.
 Giỗ lần thứ 100 gọi là một hiệp Kỵ.
(Nếu cử hành được lễ kỵ 50 năm hay 100 năm, chính đó gọi là Khánh Sự (việc vui). Hơn nữa Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự cứ 50 năm cử hành Pháp Sự kỵ Nhị Tổ Thiền Sư khai sơn của hai chùa, được gọi là Đại Viễn Kỵ).
Còn có một vấn đề nữa đã thấm sâu vào phong tục tập quán người Nhật đó là Thập Tam Phật. Tùy địa phương, Đàn Tín Đồ của Tông Tào Động cử hành Truy Thiện Cúng Dường có treo 13 bức họa hình Phật, căn cứ theo Kinh Thập Vương và Kinh Địa Tạng Thập Vương. Trong 7 ngày ấy, khảo tra công tội của người mất, mà điều nầy nói lên niềm tin về sự sám hối tội nghiệp, cho nên trong ngày kỵ của năm đầu an trí những hình Phật, Bồ Tát hay Minh Vương như Bổn Địa, Bổn Tôn v.v...
 Sơ Thất bày hình Tần Quảng Vương – Bất Động Minh Vương
 Nhị Thất hình Sơ Giang Vương – Thích Ca Như Lai
 Tam Thất hình Tông Đế Vương – Văn Thù Bồ Tát
 Tứ Thất hình Ngũ Quan Vương – Phổ Hiền Bồ Tát
 Ngũ Thất hình Diêm Ma Vương – Địa Tạng Bồ Tát
 Lục Thất hình Biến Thành Vương – Di Lặc Bồ Tát
 Chung Thất hình Thái Sơn Vương – Dược Sư Như Lai
 Bách Nhật hình Bình Đẳng Vương – Quan Thế Âm Bồ Tát
 Một năm tiểu tường hình Đô Thị Vương – Thế Chí Bồ Tát
 Giỗ 3 năm hình Ngũ Đạo Chuyển Luân Vương – A Di Đà Như Lai
 Giỗ năm thứ bảy hình A Súc Như Lai
 Giỗ năm 13 hình Đại Nhật Như Lai
 Giỗ năm 33 hình Hư Không Tạng Bồ Tát.
Pháp Sự Truy Thiện Cúng Dường nghĩa là tính từ ngày mất hay năm mất, cử hành theo ngày tháng năm ấy. Tháng mất thường gọi là Chánh Nguyệt hay Tường Nguyệt. Ngày mất gọi là Mệnh Nhật. Pháp sự trong ngày ấy, nếu tổ chức tại nhà, trước tiên dọn dẹp nhà cửa tươm tất sạch sẽ, cung thỉnh chư Tăng đến chứng minh tụng kinh hộ niệm, sửa soạn chuẩn bị mọi thứ, đặt bài vị ngay giữa nhà. Nếu cử hành tại chùa, nên cung thỉnh tất cả Tăng lữ trong chùa tham dự. Ngày đó không được ăn thịt cá, chỉ ăn chay, chính là phong tục đẹp từ xa xưa đến nay vậy.
Kinh cầu nguyện trong lễ Truy Thiện Cúng Dường gồm có: tụng Bổn Tôn Thượng Cúng, tụng Bát Nhã Tâm Kinh rồi đọc kệ Văn Hồi Hướng. Công đức tụng Kinh dâng lên Phật và Lưỡng Tổ Đại Sư, nguyện cầu ánh sáng Phật Pháp chiếu rọi khắp nơi gia hộ cho con cái gia đình phát đạt hưng thịnh, mọi người được tiêu trừ nạn tai, cầu nguyện cho tất cả mọi việc được bình an cát tường. Ngoài ra, trong ngày giỗ tụng Tu Chứng Nghĩa, Quan Âm Phổ Môn phẩm, Chứng Đạo Ca v.v... rồi xướng lên Văn Hồi Hướng. Công đức tụng Kinh vào ngày đó tháng đó đều hướng về hương linh, ngưỡng cầu Tam Bảo chứng minh tiếp độ hương linh với lời thỉnh nguyện rằng: “Hãy phóng quang tiếp dẫn người quá cố vãng sanh, gia hộ chúng con vui theo Phật pháp, luôn được bình an, thăng tiến trong mọi việc“. Ngoài ra, còn dâng cúng hương hoa, đèn, trà, bánh, mật cho hương linh nữa.
V.10 Tọa Thiền Hội
V.10.1 Căn Bản Của Sự Sinh Hoạt Tín Ngưỡng
Là Đàn Tín Đồ hay Tăng lữ theo Tông Tào Động, ai ai cũng phải hành thiền. Dù cho có những sinh hoạt về tín ngưỡng như Truy Thiện Cúng Dường, Thọ Giới Hội, Ngự Vịnh Ca, Tả Kinh, Tuần Lễ, Hoạt Động Phụng Sự từ thiện v.v... trên nhiều phương diện khác nhau, nhưng trọng tâm sinh hoạt tín ngưỡng vẫn là Tọa Thiền.
Trong sinh hoạt tín ngưỡng, dù niềm tin Tôn Giáo thuộc gia đình hay niềm tin Tôn Giáo của cá nhân, Tọa Thiền vẫn có thể hiểu là vấn đề ý thức cá nhân. Chư Tăng ngồi Thiền hằng ngày tại Tăng Đường hoặc phát nguyện tham dự những Hội Nhiếp Tâm có tính cách định kỳ, mà trên nguyên tắc Nhiếp Tâm Hội kéo dài từ 5 đến 7 ngày, kể luôn cả thời gian ngủ nghỉ, với mục đích chính là Tọa Thiền, không được đi ra ngoài và bỏ qua tất cả việc linh tinh khác.
Đàn Tín Đồ cũng Tọa Thiền. Có những Đàn Tín Đồ nghiên cứu bỏ thời gian suốt năm đọc sách Phật say sưa hơn là Tăng Sĩ và cũng có nhiều người hành thiền miên mật. Có Hành Thiền mới thấm mùi vị tinh tủy Thiền của Phật Giáo, mới sống và thưởng thức trọn vẹn ý nghĩa, mà đó là những trạng thái an lạc có thể cảm nhận được.
V.10.2 Hướng Dẫn Về Những Hội Tọa Thiền
Đàn Tín Đồ muốn tham dự tu Thiền, tham gia vào những Hội Tọa Thiền và Hội Nhiếp Tâm mở ra khắp nơi trên toàn quốc. Đến đó, Đàn Tín Đồ có thể ngồi thiền thử. Ai muốn tham dự Tọa Thiền Hội và có thắc mắc mong được giải đáp, xin liên lạc với những nơi ghi sau đây để hỏi:
• Tào Động Tông Tông Vụ Sảnh – Giáo Hóa Bộ;
Hộp thư 150 – 0014 Tokyoto Minatokushi 2-5-2, Tel. 03-3454 5415
• Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự - Tham Thiền Hệ
Hộp thư 910 – 1200 Fukuiken Yoshidagun Ehejicho
Tel. 0776-33102 hoặc 633103
• Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự -Tham Thiền Hệ
Hộp thư 230 – 0063 Kanagawaken Yokohamashi Hakkenku Hakken 2-1-1, Tel. 045-581 6021
• Tào Động Tông Giáo Hóa Nghiên Tu Sở
Hộp thư 154 – 0012 Tokyoto Setagasaku Komazawa 1-23-1 Komazawa Đại Học, Tel 03-3418-9558
• Đại Học Komazawa Hội Tham Thiền ngày Chủ Nhật.
Hộp thơ 154 – 0012 Tokyoto Setagayaku Komazawa 1-23-1 Komazawa Đại Học, Tel. 03-3118-9008 hoặc 9558 (nếu là ngày thường)
• Ngoài ra, có thể liên lạc với những Chùa Viện thuộc Tông Tào Động gần nhất để biết thêm những vấn đề như: tư cách hội viên, khai mạc vào ngày nào (Chủ Nhật nào, lúc nào), hội phí, sư gia, giảng sư, sách giảng, y phục, cần mang theo những gì v.v... và những điều cần yếu khác, tất cả sẽ được giải thích rõ ràng.
Tào Động Tông Tông Vụ Sảnh hay Đại Học Komazawa (phần Giáo Hóa Nghiên Tu Sở cũng như Hội Tham Thiền ngày Chủ Nhật) tổ chức Hội Tham Thiền, có phòng ốc Tọa Thiền. Còn ở Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự hay Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, ngoài Hội Tham Thiền ngày Chủ Nhật, còn có những Hội Tham Thiền định kỳ vào mùa Hạ, mùa Đông, có Nhiếp Tâm Hội quan trọng dành cho Tăng Sĩ, và Nhãn Tạng Hội, Truyền Quang Hội mà mọi người đều có thể tham gia được.
Trên toàn nước Nhật có khoảng 30 ngôi chùa có Tăng Đường và 250 chùa có đạo tràng tu thiền, mà những nơi nầy hầu hết là cơ quan do Tông Tào Động thiết lập hoặc được thừa nhận. Đừng nên đến những nơi mà không được Tông Vụ Sảnh thừa nhận, vì đã phế bỏ hoặc không còn sinh hoạt nữa, nên liên lạc với những chùa thuộc Tông Tào Động gần nhất để nhận tin tức.
V.10.3 Công Việc Của Tọa Thiền Hội
Việc tác pháp Tọa Thiền dĩ nhiên không bắt buộc nhưng dù các Hội có đường lối, tư cách riêng tùy theo hoàn cảnh đặc biệt không theo truyền thống đi nữa, vẫn không ra ngoài nguyên tắc căn bản, tham khảo từ bản “Tào Động Tông Hành Trì Quy Phạm” thay đổi vào thời Chiêu Hòa, đại để như sau:
Chuẩn bị:
Chuẩn bị nộp tiền, thông báo, thời khóa biểu, sách giảng, giảng đàn, bảng đen, ghế ngồi, đồ ngủ, tọa cụ, ghế ngồi của người tham gia, chuẩn bị trà nóng, lau dọn Hội Trường cho sạch sẽ.
Trước tiên, ban tổ chức thông báo những người tham dự biết những việc cần lưu ý, chỗ ngồi, nơi chốn và hướng dẫn thực tập phương pháp ngồi Thiền, tập ngồi kiết già được thì tốt, nếu chưa được, ngồi bán già cũng không sao, hay ngồi tỉnh tọa theo cách của Nhật Bản cũng tốt , chỉ dẫn về thân thể và các vấn đề liên quan đến sinh lý,
Mở đầu:
Người có trách nhiệm nói lời khai mạc. Tất cả đồng đứng chấp hai tay và cúi đầu lễ, sau đó đến chỗ ngồi.
Phật Tổ Phúng Kinh (Bổn Tôn Thượng Cúng):
Vị Đạo Sư tiến đến trước Phật hiến hương, hiến trà (mật, bánh cúng dường) xướng lên Tam Quy, lễ 3 bái. Tất cả cùng ngồi xuống, bái 3 bái và cùng tụng Bát Nhã Tâm Kinh rồi xướng kệ Hồi Hướng.
Tọa Thiền:
o Tất cả đều im lặng trong khi hành Thiền. Thứ nhất, việc dụng tâm khi bước đi bàn tay (xoa thủ) ngón trỏ của bàn tay trái cho vào trong bàn tay nắm lại đặt ngang lên ngực và tay phải đơn giản bắt chồng lên tay trái rồi bước tới. Không được buông hai tay xuống để đi.
o Khi vào Đạo Tràng bàn tay vẫn như thế, đứng dừng lại, lễ một lễ nhẹ. Nếu đi vào cửa trái, nên bước chân trái trước, đến chỗ của mình (nơi đã định sẵn, có tọa cụ của mình), bước tới đứng lại nhẹ nhàng.
o Đứng như vậy chấp tay, lễ một lễ (gọi là vấn tấn) quay qua bên phải ngồi xuống bồ đoàn, chấp hai tay lại lễ một lễ.
o Sau khi ngồi lên bồ đoàn, ngồi kiết già hay bán già cũng được. Xương vai hạ xuống. Ngồi ngay giữa bộ đoàn, đúng hơn là phía nữa bên sau bộ đoàn đừng đặt mông lên đó. Hai đầu gối phải tựa vào đất và ngồi yên (khi ngồi tĩnh tọa như thế không cần dùng đến bồ đoàn cũng được).
Nếu ngồi theo lối kết già phu tọa, hãy theo cách đã giới thiệu đơn giản ở phần 1 của chương 3. Còn ngồi bán già, chân trái để lên trên đùi phải, tuy nhiên, cũng tùy chân dài ngắn của mỗi người mà ngồi miễn là công phu sao cho tâm an định là được.
o Y phục phải chỉnh tề. Ngồi yên mặt quay qua bên phải, chuyển động thân thể và hướng vào tường, gọi là Diện Bích.
o Tiếp đó hai tay kết thành “Pháp Giới Định Ấn“ tay trái để lên trên tay phải, hai ngón tay trỏ đâu lại với nhau thật ngay ngắn, tiếp giáp nhau, không được gắng sức, song cũng chẳng buông lõng, rồi đặt lên trên hai chân.
o Hai mắt không được nhắm chặt, cũng không được mở hẳn, khoảng 45 độ nhìn về phía trước độ 1 mét, theo hướng xương quai hàm.
o Miệng mím lại. Miệng và môi tiếp giáp nhau, giữ yên bên trên.
o Toàn thân đừng gắng sức, buông lực xuống. Đừng nghiêng trái cũng đừng nghiêng phải. Dáng ngồi trước sau ngay ngắn, nghiêm trang, gọi là “Chánh Thân Đoan Tọa”.
o Nửa thân bên trên từ mạnh đến yếu dần vừa dao động, lấy dáng ngồi làm trọng tâm, quyết tâm chú ý vào điểm chính.
o Điều hòa hơi thở, hít sâu vào và thở ra một lần, hoặc giả hai lần, gọi là “Khiếm Khí Nhứt Tức”, sau đó hô hấp bình thường, nhất định không theo phương pháp hô hấp đặc thù cho con người.
o Vị Thầy Kiểm Đơn đi tuần trong Đạo Tràng kiểm soát cách ngồi. Thầy đến trước mình, mình chấp tay, Thầy đi qua rồi thì thả tay xuống. Nghe 3 tiếng chuông chỉ tịnh, chấp tay rồi xả tay, chuyển thân về hướng vào tường, tất cả là nguyên tắc vậy.
o Thời gian ngồi thiền cháy tàn một cây nhang là một chú, khoảng 45 đến 50 phút.
o Nếu chân bị đau cũng có thể xả từ thế kết già phu tọa thành bán già phu tọa cũng tốt.
o Điều quan trọng là thân phải thật ngay (điều thân), hơi thở điều hòa (điều tức) và điều khiển tâm (điều tâm). Điều thân được là điều tức được. Điều tức được là điều tâm được. Thế nhưng, với người sơ tâm, chân bị đau, khó điều thân được. Vấn đề khó khăn nhất là điều tâm. Lấy việc ngồi thiền làm trọng tâm, cụ thể phải làm sao cho tốt. Quan trọng vẫn là đừng cho những tạp niệm khởi lên và đừng nhầm lẫn, vì vậy đừng bỏ chạy hay truy tìm ngoại giới, mà giữ nguyên như vậy. Đừng cố ý dừng lại những gì đang khởi lên, hãy buông bỏ tạp niệm ấy. Được như vậy, dần dần có thể điều thân và điều tức được, trong khi đó không nên nghĩ đến những sinh hoạt hằng ngày, hãy lưu ý cách dụng tâm lúc ban đầu. Toàn thân, toàn linh lúc ấy sẽ cảm nhận được. Nếu vẫn tiếp tục ngồi thiền, trong những khoảnh khắc chẳng biết gì hết đó là Thiền Định Lực (đây chính là sức mạnh vĩ đại có được khi Tọa Thiền) trong tự thân của mình.
Cảnh sách.
Trong khi ngồi thiền, có người Trực Đường mang một bản gỗ đi đến sau lưng của mỗi người, sửa cách ngồi và cảnh tỉnh người đang buồn ngủ. Nếu cảm thấy buồn ngủ quá khó ngồi thiền được, hãy tiến đến phía trước để thọ cảnh sách.
Khi muốn thọ cảnh sách (đánh lên bả vai) phải chấp tay khi Trực Đường đến gần. Người Trực Đường đánh nhẹ lên phía sau vai mặt để cảnh tỉnh. Lúc ấy đầu nghiêng về phía trái, chồm người về phía trước và chấp tay lại. Người Trực Đường lễ một lễ và đánh lên vai mặt. Được cảnh sách rồi, chấp tay lễ một lễ, ngồi ngay ngắn lại Tọa Thiền tiếp tục, người Trực Đường cũng lễ một lễ khi cảnh sách xong. Đúng hơn Trực Đường không được dùng tâm phân biệt khi cảnh sách.
Kinh hành.
Nếu ngồi thiền thời gian hơn 2 cây nhang thì khoảng 1 cây là đứng lên để đi kinh hành. Kinh hành có nghĩa là từ chỗ Tọa Thiền đứng lên và bắt đầu đi bộ.
Khi đi kinh hành thỉnh 2 tiếng chuông gọi là “Kinh Hành Chung”. Nghe chuông, hãy dao động nhẹ nửa bên trên thân, trước sau trái phải, xả chân ra rồi chuyển thân qua phía phải, đứng lên, bước đi cứ mỗi một hơi thở là nửa bước. Khi một hơi thở hết, tiếp theo nửa bước khác. Bắt đầu từ chân phải trước. Hình dáng, hô hấp, mắt, miệng v.v... giống như trong lúc Tọa Thiền. Bắt buộc phải vòng tay và hãy chú ý theo người đi trước để bước theo. Trải qua 5 hay 10 phút, nghe một tiếng chuông, gọi là Trừu Giải Chung, dừng lại, lễ nhẹ một lễ, bước đi thật nhẹ trở về chỗ cũ, ngồi lên bồ đoàn tiếp tục việc hành Thiền.
o Ngồi thiền xong, đầu tiên nghe tiếng chuông “Trừu Giải Chung”, hai tay đặt lên trên hai gối (bắp vế), nửa thân bên trên dao động từ nhẹ đến mạnh dần, từ trái qua phải, rồi chuyển thân qua phải, bỏ chân xuống, sửa bồ đoàn ngay lại, đặt ngay lại ở giữa, chấp tay lại xá bồ đoàn một xá, rồi quay mình sang phía phải, lễ một lễ và cũng giống như lúc ban đầu, hai tay để lên ngực, ra khỏi Thiền Đường.
 Xả Thiền xong, tiếp tục ở nơi đó nghe Thầy hay Giảng Sư giảng nghĩa đề mục. Hầu như buổi giảng thường ở một phòng khác. Trước tiên đồng tụng kệ Khai Kinh trước khi bắt đầu và đồng xướng kệ hồi hướng khi chấm dứt.
 Nếu đề xướng, giảng nghĩa có tính cách công khai, thì nhập thất, độc tham do sự hướng dẫn cho từng cá nhân. Hơn nữa, nhập thất hay độc tham thường là sau khi xong ngồi thiền, xin vào phòng của Sư Gia hỏi riêng, Sư Gia chỉ thị cho việc thọ lãnh. Tùy Sư Gia cũng có trường hợp không thực hiện việc nhập thất hay độc tham.
 Những vấn đề vệ sinh rửa mặt, nhà xí, làm việc, ăn uống, vào nhà tắm, ngủ nghỉ, cùng diễn ra ở Tọa Thiền Hội, chứ không phải chỉ việc ngồi thiền, cho nên ngay cả việc rửa mặt, đi cầu, làm việc, ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ v.v... cũng áp dụng những động tác hành thiền. Những công việc nầy được chia ra để làm, cho nên nhất nhất phải tuân thủ chỉ dạy, tuyệt đối im lặng, tập trung tinh thần, sống động, không làm phiền người khác khi làm việc. Một hạt bụi cũng phải lưu tâm, lúc nào cũng chú tâm, cái gì thái quá đều bị cấm.
Bế mạc:
Nghi thức bế mạc đại để cũng giống như khi khai mạc, cùng tụng Kinh trước Điện Phật, vị Đạo Tràng Chủ, Sư Gia, Giảng Sư v.v.... nói lời chúc mừng và cũng có phát biểu cảm tưởng và giải tán.
Thỉnh thoảng thời khóa biểu còn có Thiền Trà (công việc uống trà), Tọa Đàm Hội (tự giới thiệu về mình và cảm tưởng của mỗi nguời, hỏi đáp v.v...), cũng có chụp hình lưu niệm chung càng tốt.
Những điều trên đây dĩ nhiên là những điểm chính, nhưng không nhứt thiết như một bài học mà phải làm đúng theo. Gần đây, một số nơi tổ chức nghiên tu hội, tọa thiền hội cho đối tượng là những em bé ở vườn trẻ, các em học sinh tiểu học nữa, nhưng việc nầy không đề cập đến ở đây.
V.11 Những Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Khác
Đối với việc sinh hoạt tín ngưỡng của Đàn Tín Đồ ngoài những việc như đã nêu bên trên ra cũng còn có những việc sẽ liệt kê ra như sau.
V.11.1 Lễ Định Kỳ Và Những Nghi Lễ Khác
Một số chùa có cử hành lễ Định Kỳ, Pháp Yếu và Nghi Lễ khác, các Tín Đồ cũng nên tham dự như:
Tu Chánh Hội:
Tu Chánh Hội gồm 3 ngày trong tháng giêng tụng Kinh Bát Nhã, Phần Lý Thú, Chúc Phước năm mới và cầu nguyện hạnh phúc bình an cho Đàn Tín Đồ.
Cao Tổ Giáng Sanh Hội:
Hội được tổ chức ngày 6 tháng giêng, nghi lễ Đản Sanh của Thiền Sư Cao Tổ Đạo Nguyên.
Niết Bàn Hội:
Lễ Niết Bàn được tổ chức ngày 15 tháng 2, kỷ niệm ngày Đức Thích Tôn nhập diệt. Chết là một sự thật mà mỗi người phải tự suy nghĩ nơi chính mình.
Lễ Bỉ Ngạn:
Mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Mỗi lần một tuần lễ, đây là lễ tạ ơn ông bà cha mẹ nhiều đời, Truy Thiện Cúng Dường, đi chùa và thăm mộ và mỗi người nên tạo công đức cho mình, để tu dưỡng thân tâm.
Giáng Sanh Hội – Hanamatsuri:
Lễ Giáng Sanh được tổ chức ngày 8 tháng 4, ngày Đản Sanh của Đức Thích Tôn, chúng ta phải tạ ơn Phật gia hộ cuộc sống hiện tại của chúng ta và suy nghĩ về ý nghĩa chơn thật của cuộc sống.
Vu Lan Bồn Hội:
Cử hành từ ngày 13 đến 15 tháng 7, tùy từng địa phương có nơi cử hành theo lịch xưa (âm lịch) nên một tháng trể hơn, nghi lễ cầu nguyện cho những người trong thân tộc ở cõi U Minh.
Lưỡng Tổ Kỵ:
Vào ngày 29 tháng 9, ngày nhập diệt của Thiền Sư Cao Tổ Đạo Nguyên và Thiền Sư Thái Tổ Oánh Sơn, để cảm tạ đối với Lưỡng Tổ Đại Sư, cầu nguyện thân tâm an lạc. Vả lại, ngày kỵ của Cao Tổ Đại Sư theo âm lịch là ngày 28 tháng 8 và của Thái Tổ Đại Sư là ngày 15 tháng 8, nhưng dương lịch thường thay đổi không thể đúng ngày được, cho nên lấy ngày 29 tháng 9 là ngày tương đối gần đúng hơn để kỵ.
Đạt Ma Kỵ:
Ngày 15 tháng 10, giỗ Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Quốc. Các chùa Thiền ở Nhật đa phần chịu ảnh hưởng cử hành ngày nhập diệt của Đạt Ma Đại Sư, nhằm biểu lộ cảm tạ uy đức của Đại Sư.
Thái Tổ Giáng Sanh Hội:
Ngày 21 tháng 11, ngày Đản Sanh của Thái Tổ Đại Sư.
Thành Đạo Hội:
Ngày 8 tháng 12. Khi Đức Thích Tôn chứng ngộ sau thời gian Tọa thiền ở Kim Cương Tòa dưới gốc cây Bồ Đề, vào ngày nầy Phật Giáo Đồ tưởng niệm và tự giác tinh tấn.
Ngoài những lễ như trên, còn tổ chức những ngày Lễ Hội khác, tùy tự viện, tùy ngày giờ như Đại Bát Nhã Hội, trì tụng Kinh Đại Bát Nhã 600 quyển, cầu nguyện thế giới hòa bình, không gặp Thiên tai Địa biến, cầu mưa hòa gió thuận, ngũ cốc phong nhiêu, cầu cho Đàn Tín Đồ bình an mạnh khỏe, buôn bán phồn thịnh, gia đình an ổn v.v...
Khai Sơn Kỵ:
Nhằm ngày tốt tháng tốt, ngày vị Tổ đệ nhất khai sơn viên tịch để tưởng niệm ân đức.
Tiên Trụ Kỵ:
Ngày tốt tháng tốt của các đời Trụ Trì trước viên tịch, v.v...
Những lễ nghi như thế, các Đàn Tín Đồ đều được tham dự. Pháp Yếu lễ nghi đó được trình bày đầy đủ ý nghĩa sinh hoạt tín ngưỡng.
V.11.2 Những Lễ Nghi Lâm Thời Chủ Yếu Của Các Tự Viện
Hành hương về Lưỡng Đại Bổn Sơn:
Đàn Tín Đồ muốn đi tham bái được tổ chức thành một phái đoàn hành hương tham bái, tham quan Lưỡng Đại Bổn Sơn, để trở về gần gũi Tổ Phong Lưỡng Tổ Đại Sư.
Hành Hương Chốn Tổ:
Có những chuyến hành hương chiêm bái Phật Tích ở Ấn Độ, thăm viếng chốn Tổ tại Trung Hoa, những danh lam thắng cảnh của Phật Giáo, nơi xuất phát Tông Tào Động, tạo cho Tín Đồ cơ hội trực tiếp cảm nhận được những ý nghĩa sâu sắc khi đi tham bái cùng đoàn thể như thế.
Tuần Lễ Tự Viện:
Tổ chức những chuyến tham quan đi thăm, lễ bái các Thần Xã, Phật Các tại địa phương, để biết lịch sử truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng.
Mai Hoa Lưu Vịnh Thán Ca Giảng:
Tổ chức buổi văn nghệ ngâm, vịnh, tán, ca thuần túy Tông Phong, tổ chức các đại hội văn nghệ tại địa phương, hoặc toàn quốc để Tín Đồ tham dự.
Tả Kinh Hội:
Chép Kinh, thân tâm an lạc, cầu nguyện cho mọi người hạnh phúc.
Tả Phật Hội:
Họa tượng Phật cầu nguyện thân tâm được an lạc và mọi người bình an hạnh phúc.
Phụ Nhơn Hội:
Dành cho giới nữ gồm có các Nữ Đàn Tín Đồ được tập trung lại thảo luận những vấn đề sinh hoạt, hợp lực hoạt động phụng sự Tam Bảo.
Ngoài ra, Đàn Tín Đồ còn có Hộ Trì Hội, thảo luận vấn đề kinh doanh của Chùa Viện, duy trì nhà cửa. Giữa chùa và Đàn Tín Đồ có sự liên kết hỗ trợ cho nhau, tạo thành mối liên hệ mật thiết gần gũi để tu học, còn có các Nghiên Tu Hội, Hoa Đạo, Trà Đạo, Thơ Đạo, Độc Thơ, Vũ Đạo, nấu nướng, thêu thùa, diễn giảng v.v... được khai mở có tính cách văn hóa, mà đây chính là những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng gián tiếp và những cơ hội tốt để làm Phật sự.
V.11.3 Thông Qua Việc Từ Thiện (Xã Hội Phước Chỉ)
Tông Tào Động tổ chức Hội Thiện Nguyện, giúp các nước ở khu vực của Đông Nam Á Châu, bắt đầu là Cam Bốt, đồng thời có những hoạt động cứu trợ nạn nhân, dựa trên tinh thần Từ Bi của Đạo Phật, xây dựng nhiều cơ quan Từ Thiện trong nước như: “Lí Thân Vận Động”, “Dục Anh Sự Nghiệp”, v.v... để phát huy sự nghiệp từ thiện xã hội.
Tóm lại, những hoạt động ý nghĩa của Phật Giáo như Thọ Giới Hội, Truy Thiện Cúng Dường, Tọa Thiền Hội v.v... không kém phần quan trọng trong sự sinh hoạt tín ngưỡng, chúng ta nên tham dự để phụng sự bởi vì những hoạt động tín ngưỡng nầy rất hiện thật phù hợp với tinh thần Từ Bi của Đạo Phật và thời đại.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2015(Xem: 5923)
Bất lập văn tự ở đây chẳng có nghĩa là hoàn toàn không dụng đến ngôn từ , chữ nghĩa như nhiều người thường nhận lầm, hiểu lầm qua cách định nghĩa từng lời, từng chữ một cách máy móc và giản đơn. Phải hiểu cách rốt ráo, rằng Tông chỉ của Ngài Bồ-đề Đạt-ma không ràng buộc vào ngôn ngữ, chữ nghĩa
19 Tháng Tư 2015(Xem: 12381)
Tất cả chúng ta đều đồng ý là, pháp tu của Đạo Phật, dù phương tiện có thể khác song cứu cánh phải gặp nhau. Nếu hai pháp tu mà phương tiện và cứu cánh đều khác biệt nhau thì, pháp nầy là Đạo Phật, pháp kia hẳn không phải Đạo Phật. Phật giáo Việt Nam đã mang sẵn hai pháp tu Thiền: Thiền Tông và Thiền Nguyên Thủy.
14 Tháng Tư 2015(Xem: 5829)
Một chỗ thấy biết vắng lặng, trong trẻo, bất động, vô ngại, vô biên hốt nhiên hiển hiện trước mắt người con Phật, đồng "một" thực tại phi thời gian, đã làm đảo lộn các chuẩn mực và mọi giá trị qui ước xưa cũ vốn có từ thuở lọt lòng của người ấy, đối với cuộc sống và cảnh giới này.
10 Tháng Tư 2015(Xem: 8435)
Huệ Năng đang gánh củi bỗng nghe được câu kinh mà ngộ. Ông xin vào tu trong chùa, suốt tám tháng chỉ được thầy giao cho công việc giã gạo dưới bếp. Ngày kia, thầy họp Tăng chúng, bảo mỗi người làm ngay một bài kệ về sở học của mình, ai được thầy chọn sẽ được truyền cho y bát.
02 Tháng Tư 2015(Xem: 8450)
Đa số chúng ta có lẽ đều biết câu truyện này. Có một vị thiền sư được những người chung quanh ca tụng là người sống trong sạch. Một gia đình sống ở gần đấy có một cô con gái xinh đẹp. Một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra rằng cô có thai
26 Tháng Ba 2015(Xem: 11659)
Tình cờ một quyển sách nằm trong tầm tay. A Glimpse of Nothingness – chợt nhận, thoáng nhận ra Không tính – tên tác giả lạ hoắc, không phải hàng Sư tổ của thiền. Chính vì chỗ này mà cách diễn tả gần gũi.
20 Tháng Ba 2015(Xem: 8231)
Thường thường với tâm lý người thế gian hễ làm việc gì cũng mong muốn có kết quả, được thành tựu cái gì đó mới chịu, mới hăng hái làm. Trong đạo, người tu thì muốn đắc quả, muốn chứng đạo, cho nên có những danh từ đắc đạo, đạt đạo, chứng đạo, thành đạo v.v… Vậy thật sự có đạo để chứng, để thành hay không?
27 Tháng Hai 2015(Xem: 12674)
Như giữa ban ngày, cảnh vật rành rành trước mắt. Thoáng giấc ngủ say, mọi thứ đưa vào cơn mộng. Cũng vậy, tâm sáng nơi mỗi chúng ta, luôn luôn hiện tiền trên mọi sinh hoạt.
15 Tháng Giêng 2015(Xem: 7342)
Đọc Thiền sử, chúng ta thấy dưới cửa Lục tổ Huệ Năng có bốn mươi ba (43) vị đắc pháp, trong đó Nam Nhạc–Hoài Nhượng, Thanh Nguyên–Hành Tư và Hà Trạch–Thần Hội là ba trường phái nổi bật nhất.