Toàn Thể Bộ Máy

21 Tháng Bảy 201411:24(Xem: 5716)

CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG

Shōbōgenzō
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen)
Việt dịch : Thiện Tri Thức
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức

Toàn Thể Bộ Máy
(Zenki, Toàn Cơ)

Tiểu luận này làm nhớ lại mạnh mẽ giáo lý trung tâm của triết lý tông Hoa Nghiêm : trùng trùng duyên khởi, và những hệ luận của nó với sự tương dung vô ngại của hiện hữu và tánh không, nhất thể và đa thù.
Từ zenki có hai yếu tố : zen nghĩa là “toàn thể” hay toàn bộ hay trọn vẹn ; ki có nhiều nghĩa, những nghĩa phù hợp trong trường hợp này là “bộ máy” theo nghĩa máy móc, tiềm năng, sự thúc đẩy, trụ hay điểm trọng yếu và dòng thiên nhiên. Bởi thế cơ (ki) ám chỉ những hiện tượng theo mặt năng động của chúng, và điểm năng động hay trọng yếu mà bản thân nó làm nền tảng, và được phát hiện bởi sự cùng hiện hữu sinh động của những hiện tượng. Trong từ ngữ Hoa Nghiêm, cơ bao gồm cả hai nghĩa hiện tượng và nguyên lý, những hiện tượng là những sự vật duyên sanh tùy thuộc lẫn nhau, nguyên lý là nguyên lý của bản thân sự tương thuộc này. Thiền ám chỉ tính bao hàm và tính toàn khắp của cơ trong cả hai nghĩa. Chúng tôi dịch zenki là “toàn thể bộ máy” để nói lên ý niệm bao hàm của toàn thể hiện hữu theo nghĩa thông thường và ý niệm cái nền tảng toàn thể năng động của những biểu lộ của hiện hữu.
Trong tác phẩm cổ điển Bích Nham Lục, tắc sáu mươi mốt nói, “Nếu chỉ một hạt bụi khởi lên, đất nước nở hoa ; nếu chỉ một hạt bụi không khởi, đất nước héo tàn.” Tiểu luận này của Đạo Nguyên có thể nói là tập trung quanh một trình bày lại chủ đề này : “Trong đời sống toàn thể bộ máy biểu lộ ; trong cái chết toàn thể bộ máy biểu lộ”, hay diễn dịch theo cách khác, “Đời sống là biểu lộ của toàn thể bộ máy ; cái chết cũng là sự biểu lộ của toàn thể bộ máy”.
Theo phương trình ‘hiện hữu – tánh không’ (sắc-không), từ quan điểm của hiện hữu (tượng trưng bởi từ khởi lên và “đời sống”) tất cả đều hiện hữu, trong khi từ quan điểm tánh không (“không khởi”, “cái chết”) tất cả là trống không. Sự đồng thời của hiện hữu và tánh không không phải như hai thực thể tách biệt, mà như những phương diện hay viễn cảnh khác nhau trên cùng một toàn thể. Lại mượn những từ của Hoa Nghiêm, đời sống như là biểu lộ của toàn thể bộ máy thì minh họa cơ như là những hiện tượng, trong khi cái chết như là sự biểu lộ của toàn thể bộ máy thì minh họa cơ như là bản thể.
Đoạn văn từ Bích Nham Lục nói đến giáo thuyết Hoa Nghiêm rằng những hiện tượng không hiện hữu một cách cá thể, mà tương thuộc, rằng cái nhiều dựa trên cái một và cái một dựa trên cái nhiều. Một rút gọn nguyên lý này trong triết học Hoa Nghiêm được gọi là sự huyền diệu của cái chánh yếu và những cái vệ tinh : mỗi yếu tố trong một cơ cấu quan hệ theo điều kiện có thể được nhìn như một trung tâm, hay “chánh yếu”, trong khi tất cả các yếu tố khác trở thành những điều kiện hợp tác, hay “vệ tinh”. Từ đó tất cả các yếu tố vừa là “chánh yếu” vừa là “vệ tinh” cho tất cả những yếu tố khác. Đó là sự lẫn nhau, sự bổ túc của những yếu tố khiến cho những yếu tố này hiện hữu đúng như chức năng của chúng. Đạo Nguyên trình bày ý tưởng này bằng cách ví đời sống như đi trên thuyền – người ta sẽ chết đuối nếu không có thuyền, nhưng chính việc người ta ở trên nó làm cho nó là một chiếc thuyền. Hơn nữa, “chiếc thuyền là thế giới – thậm chí trời, nước và bờ là những hoàn cảnh của thuyền… Toàn thể trái đất và tất cả bầu trời là sự vận hành của chiếc thuyền”.
Sự phân biệt của hiện hữu và tánh không, sự không mâu thuẫn và tương dung của hiện hữu và tánh không, và do đó sự siêu vượt cả hiện hữu và tánh không – đấy là những bước truyền thống của biện chứng Phật giáo Đại thừa. Trong tiểu luận này chúng được Đạo Nguyên trình bày một cách tinh tế, hầu như bí mật của ngài, rõ ràng để khơi gợi cho độc giả tìm kiếm ra những huệ quán này bằng sự tham thiền cá nhân. Cái nhìn thấy tối hậu về cái toàn thể, trong đó cái toàn bộ và những cá thể cổ vũ lẫn nhau – vương miện của siêu hình học Phật giáo Hoa Nghiêm – là một trong những chủ đề căn bản của những tác phẩm triết học của Đạo Nguyên, được gặp trở đi trở lại trong nhiều hình thức hóa trang. Trong tiểu luận này nó được chuyên chở trong một cách súc tích nhất, xứng đáng đại diện cho triết học Phật giáo Thiền.
Toàn Thể Bộ Máy – Toàn Cơ
Đạo Lớn của chư Phật, trong sự viên mãn của nó, là đi đến tự do, là làm cho nó hiện tiền. Lối đi đến tự do này, trong một nghĩa, là đời sống thông qua đời sống đến tự do, và cái chết cũng thông qua cái chết đến tự do. Bởi thế, có lìa bỏ đời sống và cái chết, có đi vào đời sống và cái chết ; cả hai là Đạo Lớn viên mãn. Có từ bỏ đời sống và cái chết, có vượt qua đời sống và cái chết ; cả hai là Đạo Lớn viên mãn.
Làm cho thành hiện tiền là đời sống, đời sống là làm cho thành hiện tiền. Khi sự thành hiện tiền này xảy ra, nó là sự hiện tiền trọn vẹn của đời sống, nó là sự hiện tiền trọn vẹn của cái chết, không loại trừ cái gì. Cơ then chốt này có thể tạo ra đời sống và tạo ra cái chết. Vào chính khoảnh khắc hiện thành của cơ này, nó không nhất thiết là lớn, không nhất thiết là nhỏ, không toàn khắp, không giới hạn, không kéo dài, không ngắn ngủi.
Đời sống hiện tại đây đang ở trong cơ ấy, trong vận hành ấy. Cơ ấy, vận hành ấy đang ở trong đời sống hiện tại đây. Đời sống trước mắt thì không đến, không đi, không hiện tại, không trở thành. Tuy nhiên, đời sống là sự biểu lộ của toàn cơ, cái chết là sự biểu lộ của toàn cơ. Hãy biết rằng giữa những sự vật vô cùng trong chính mình, có đời sống và có cái chết. Người ta cần bình tâm suy nghĩ : cuộc sống hiện đây, với vô vàn sự vật đồng thời, có cùng với đời sống hay không ? Không có một cái nào, dù một thời gian hay một hiện tượng, không cùng với đời sống. Thậm chí chỉ một cái gì, chỉ một tâm nào, không có cái gì không cùng với đời sống.
Sống thì giống như người ta đi trên một chiếc thuyền : dù trong thuyền này người ta dùng buồm, bánh lái và sào, thuyền chở người ta, và người ta chết đuối nếu không có thuyền. Đi trên thuyền, người ta làm cho cái thuyền là một cái thuyền. Người ta cần thiền định về điểm này. Ngay khoảnh khắc này đây, cái thuyền là thế giới – thậm chí trời, nước và bờ tất cả đều trở thành những hoàn cảnh của thuyền, trái với những hoàn cảnh chúng không phải là chiếc thuyền. Vì lý do này đời sống là cái khiến cho chúng ta sống ; chính đời sống khiến cho chúng ta là chúng ta. Khi đi trên một chiếc thuyền, thân và tâm, đối tượng và chủ thể, tất cả đều là những vận hành của thuyền, tất cả trái đất và tất cả bầu trời, cả hai là những vận hành của thuyền. Chúng ta là đời sống, đời sống là chúng ta, đều cùng một cách.
Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần nói, “Trong đời sống, toàn cơ xuất hiện ; trong cái chết toàn cơ xuất hiện.” Người ta cần nghiên cứu và thấu hiểu tận tường lời nói này. Nghiên cứu tận tường là thấy rằng nguyên lý “trong đời sống toàn cơ xuất hiện” không liên hệ gì với bắt đầu và chấm dứt ; dù nó là toàn thể trái đất và tất cả không gian, nó không chỉ không đóng ngăn sự xuất hiện của toàn cơ trong đời sống, mà nó cũng không đóng ngăn sự xuất hiện của toàn cơ trong cái chết. Khi toàn cơ xuất hiện trong cái chết, dù nó là toàn thể trái đất và tất cả không gian, nó không chỉ không đóng ngăn sự xuất hiện của toàn cơ trong cái chết, mà nó cũng không đóng ngăn sự xuất hiện của toàn cơ trong đời sống. Vì lý do này, sống không ngăn ngại chết, chết không ngăn ngại sống. Toàn thể trái đất và tất cả không gian là ở trong đời sống và cũng trong cái chết. Tuy nhiên, không phải tiềm năng của một toàn thể trái đất và một toàn thể không gian đã hoàn thành hết trong đời sống và cũng không hoàn thành hết tiềm năng của chúng trong cái chết. Dù chúng không phải là một, chúng không phải khác ; dù chúng không đồng nhất, chúng không khác biệt. Bởi thế, trong đời sống có vô số hiện tượng xuất hiện của toàn cơ, và trong cái chết cũng có vô số hiện tượng xuất hiện của toàn cơ. Cũng có sự biểu lộ của toàn cơ trong cái không phải sống không phải chết.
Trong sự biểu lộ của toàn cơ có đời sống và có cái chết. Thế nên, toàn cơ của đời sống và cái chết phải giống như một người cong và duỗi cánh tay của nó. Trong đây có biết bao thần lực và ánh sáng được biểu lộ. Vào khoảnh khắc biểu lộ, bởi vì nó hoàn toàn được hoạt hóa bởi biểu lộ, người ta thấy và hiểu rằng không có biểu lộ nào trước sự biểu lộ. Tuy nhiên trước sự biểu lộ này là biểu lộ có trước của toàn cơ. Dù có biểu lộ trước của toàn cơ, nó không đóng chặn sự biểu lộ hiện tại của toàn cơ. Vì lý do này, một cái nhìn thấy và thấu hiểu như vậy xuất hiện mạnh mẽ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2016(Xem: 6968)
Nếu bạn hỏi tôi giải thích cái mà bạn gọi là đốn ngộ (satori-événement) và bảo tôi lý giải giữa hằng giác (satori-état) và đốn ngộ, tôi sẽ nói rằng: “Mỗi người chúng ta, không có trường hợp ngoại lệ - mọi chúng sanh và ngay cả mọi loài hữu tình – đều ở trong hằng giác.
11 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6700)
Thiền là gì? Để trả lời câu hỏi này, ngôn từ không phải bao giờ cũng cần thiết hay hoàn toàn thích đáng. Người ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách giơ ngón tay lên hay đập nắm tay xuống bàn hay chỉ bằng cách cứ im lặng. Đây là những câu đáp không lời cho câu hỏi “Thiền là gì?”, đây là biểu lộ chân thực của những gì trú ẩn sâu kín vượt ngoài ngôn từ và sự phân tích có tính cách lý trí.
29 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5809)
Trong thế giới vật lý, ngọc quý là vật do thiên nhiên tạo hóa, hiếm có, và vì thế có giá trị ở mặt đồng tiền, thẩm mỹ và quý hiếm. Song, những việc thuộc thế giới vật lý dù có giá trị đến đâu cũng có giới hạng của chúng ở trong vòng tương đối.
15 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7393)
Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết hay một quan niệm thuộc về tri thức. Thiền cũng không phải là nền triết học với những hệ thống luận lý mang tính chủ quan của vỏ não; cũng không phải là ngành khoa học với những cơ cấu lập trình và máy móc phức tạp.
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7903)
Đại sư Lục tổ Huệ Năng là một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sử tích của ngài mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyển kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, nhưng những mẫu truyện huyền hoặc về cuμc đời ngài thỉnh thoảng vẫn làm mờ đi phần nào sự thực.
08 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6742)
Thiền sư BẠCH ẨN HUỆ HẠC (Hakuin Ekaku), thế danh Iwajiro (Nham Thứ Lang, nghĩa là cậu bé đá), quê tại Hara, tỉnh Suruga, thị trấn Numazu, hạt Shizuoka, Nhật Bản. Hara ở ven Vịnh, nhìn ra Thái Bình Dương, gần núi Phú Sĩ.
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7250)
Phải chăng trường đời là nơi tranh danh đoạt lợi, hay chính là do mầm tham ái ở tại lòng mình mới là động cơ sinh ra mọi sự? Chính cái tình thức của ta bị chia chẻ manh mún bởi sự lộng hành vô độ của dục ái, đã đẩy đưa ta lang thang từ vạn kiếp luân hồi với bao khổ lụy bi ai.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 9878)
Khi tập ngồi thiền, ban đầu cần phải sổ tức (đếm hơi thở). Thời gian sau thuần thục rồi đến tùy tức, sau đó tri vọng, biết là chơn tâm… Cá nhân quý thầy kinh nghiệm, sổ tức là một pháp quán căn bản rất cần thiết cho một người bắt đầu tập ngồi thiền.
28 Tháng Chín 2015(Xem: 9992)
Lối vào đạo thì nhiều, nhưng đường vào thiền thì không cửa, miễn sao nhận ra và sống về tự tánh vốn tự sáng tịnh nơi chính mình thì khế hợp thiền. Bởi nhắm thẳng tự tánh mà không câu nệ kẹt trên phương tiện, nên thiền tuy có phương pháp mà không thành phương một phương pháp cố định.