Hữu Thời

21 Tháng Bảy 201411:32(Xem: 5572)

CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG

Shōbōgenzō
Đạo Nguyên Hy Huyền (Dōgen Kigen)
Việt dịch : Thiện Tri Thức
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức

Hữu Thời
(Uji)

Tiểu luận này đã gây sự quan tâm cho hầu hết tác giả viết về Đạo Nguyên, trình bày điều có vẻ là ý tưởng độc đáo nhất của ngài : sự đồng nhất của hiện hữu (cái đang là) và thời gian. Điều này có thể biểu hiện bằng câu nói rằng thời gian là một tác nhân cần thiết cho mọi biểu lộ của hiện hữu. Nhưng Đạo Nguyên thì ít trừu tượng. Thật vậy, ở đây thời gian được thấy là cụ thể, hiện hữu đang là được thấy là cụ thể, và cả hai được thấy như không tách lìa trong cái cụ thể này.
Những định nghĩa bình thường về thời gian, được hiểu theo sự kéo dài của những đối vật hay những biến cố, hay như những khác biệt về tốc độ hay khoảng cách, đòi hỏi một bối cảnh cụ thể, thế nên ý niệm tính không tách lìa của hiện hữu và thời gian, có vẻ khá lạ khi được diễn tả như hiện hữu-thời gian, hữu-thời, thì vẫn không đặc biệt khó khăn với độc giả hiện đại. Hơn nữa, ý tưởng hữu thời của Đạo Nguyên có một mức độ giống nhau với quan niệm không gian-thời gian trong lý thuyết tương đối của vật lý học hiện đại. Trong không gian-thời gian, thời gian là chiều thứ tư, hay yếu tố hợp tác thứ tư, nhờ nó cùng với ba yếu tố hợp tác khác thuộc về không gian mà những biến cố được diễn tả.
Một khía cạnh của không gian-thời gian là chiều kích thời gian thì liên hệ với người quan sát. Trong tiểu luận này Đạo Nguyên cũng bày tỏ như thế nào thời gian có thể được thấy theo những cách khác nhau – chẳng hạn, “nó đi từ hôm nay đến ngày mai, và đi từ hôm nay đến hôm qua” như thế nào. Nghĩa là, từ quan điểm nhìn về trước hay nhìn lui, thời gian tiến bộ từ hiện tại vào tương lai, để cho cái hiện tại đang đi này lùi thành quá khứ. Đây là quan điểm thông thường về thời gian. Nhưng Đạo Nguyên tiếp tục nói, “Nó đi từ hôm qua đến hôm nay, nó đi từ hôm nay đến hôm nay, nó đi từ ngày mai đến ngày mai.” Sự đi của thời gian “từ hôm qua đến hôm nay” thì giống như sự đi của nó “từ hôm nay đến ngày mai” chỉ trừ nó nhắm đến tương lai của quá khứ thay vì tương lai của hiện tại. “Từ hôm nay đến hôm nay” ám chỉ hiện tại của hiện tại, mỗi ngày đi qua là “hôm nay” từ điểm quy chiếu của chính ngày hôm nay. “Từ ngày mai đến ngày mai” ám chỉ tương lai của tương lai, “ngày mai” như là “ngày kế tiếp” không bao giờ trở thành hôm nay, nhưng tiếp tục trở thành “ngày mai”.
Cái nhìn về tính tương đối của thời gian này, ¬một trong mười cái huyền diệu của Phật giáo Hoa Nghiêm, bao hàm ý niệm mọi sự trong mọi thời gian luôn luôn hiện hữu, theo những thời gian tương ứng của chúng – nghĩa là, bởi vì tính tương đối liên hệ lẫn nhau của chúng bao hàm tính tương đối của “thời gian” của chúng, chúng đều hiện hữu một lần mà không mất trật tự của những thời gian tương ứng của chúng. Quan điểm này về sự không ngăn ngại của thời gian đường thẳng và thời gian “toàn thể” được Đạo Nguyên trình bày khéo léo, và tiểu luận chứng tỏ như thế nào những biểu lộ đặc thù của hiện hữu không chỉ là những thời gian cá thể mà còn tham dự vào mạng toàn thể của sự biểu lộ toàn bộ của hiện hữu-thời gian (hữu thời). Như thế những sự vật và những chúng sanh có hữu thời tương ứng của chúng nhưng vẫn đồng thời chia xẻ với nhau trong hữu thời của tất cả hiện hữu.
Khi “hữu thời” là một trong những trình bày nổi bật và độc đáo nhất, nếu không nói là cái nổi bật độc đáo nhất, của tư tưởng Đạo Nguyên, một cái nhìn tổng quát toàn bộ công trình của ngài tỏ ra rằng ngài không lập ra khẩu hiệu này hay cố gắng kiến tạo một triết học về điểm này. Đúng ra, tiểu luận này về hữu thời là một diễn đạt khác linh hoạt và sáng suốt của Đạo Nguyên về chủ đề bao quát hơn : nhất thể của cái đang là, và sự trệch hướng của việc tìm kiếm hay suy nghĩ về giác ngộ ngoài cái ở đây và bây giờ.
Hữu Thời
Một vị cổ Phật đã nói, Vào một thời của hiện hữu, đứng trên chót đỉnh núi cao nhất ; vào một thời của hiện hữu, ba đầu và tám tay(1) ; vào một thời của hiện hữu, mười sáu tấc và tám tấc(2) ; vào một thời của hiện hữu, gậy và phất trần ; vào một thời của hiện hữu, trụ và đèn(3) ; vào một thời của hiện hữu, con người ở giữa ; vào một thời của hiện hữu, đất và trời.
Cái gọi là thời của hiện hữu nghĩa là thời gian vốn là cái đang hiện hữu ; tất cả cái đang hiện hữu là thời gian. Thân vàng cao mười sáu tấc là thời gian ; bởi vì nó là thời gian, nó có những trang hoàng và sự rạng rỡ của thời gian. Các ông cần tham cứu nó trong hai mươi bốn giờ của hiện tại. Ba đầu tám tay là thời gian ; bởi vì nó là thời gian, nó phải là một chân như trong hai mươi bốn tiếng của hiện tại. Bởi vì hướng và hành trình đến và đi của hai mươi bốn giờ là hiển nhiên, người ta không nghi ngờ về chúng – nhưng dù họ không nghi ngờ chúng, không phải là người ta biết chúng. Bởi vì sự nghi ngờ nhưng sự vật mà họ không biết thì không cố định, hành trình tương lai của sự nghi ngờ của họ không nhất thiết tương hợp với những nghi ngờ của họ trong hiện tại. Chính sự nghi ngờ tạm thời trong lúc này là thời gian.
‘Chính mình’ thì phô bày ra như toàn thể thế giới. Các ông cần nhận thức rằng mỗi điểm, mỗi vật của toàn thể thế giới này là một thời gian cá thể. Sự không ngăn ngại lẫn nhau của những sự vật thì giống như sự không ngăn ngại lẫn nhau của những thời gian. Vì lý do này có sự khởi lên của những tâm trong cùng một thời gian, có sự khởi lên của những thời gian trong cùng một tâm. Thực hành và giác ngộ thì cũng giống như vậy. Cái chính mình đang hiện bày, cái chính mình thấy điều này – nguyên lý cái chính mình là thời gian là như vậy.
Bởi vì nó là nguyên lý của cái đang là như vậy, có vô số sắc tướng, một trăm ngọn cỏ(4) trên toàn thể trái đất. Các ông cần học rằng mỗi ngọn cỏ đơn lẻ, mỗi sắc tướng đơn lẻ, là trên toàn thể trái đất. Đi và đến như vậy là điểm bắt đầu của tu hành. Khi người ta đến trạng thái chân như, nó là một ngọn cỏ, một sắc tướng ; nó là hiểu những sắc tướng tức không hiểu những sắc tướng, nó là hiểu những ngọn cỏ tức không hiểu những ngọn cỏ.(5) Bởi vì nó chỉ là ngay một thời gian như vậy, bởi thế hữu thời là tất cả toàn thể thời. Là lá cỏ và là sắc tướng cả hai đều là thời. Trong lúc thời của thời có toàn thể hiện hữu, toàn thể thế giới. Vừa khởi lên quán tưởng có toàn thể hiện hữu hay không, toàn thể thế giới tách lìa khỏi thời hiện tại.
Mặc dù vậy, khi người thường không học Phật pháp, những quan kiến họ có khiến cho khi họ nghe câu nói một thời của hiện hữu, họ nghĩ vào lúc nào đó người ta trở thành ba đầu tám tay, vào lúc nào đó người ta trở thành mười sáu tấc cao, tám tấc ngồi, như đã vượt qua những núi và những sông. Họ nghĩ, “Dù những núi và những sông này vẫn còn hiện hữu, tôi đã vượt qua chúng và bây giờ tôi đang ở trong tháp màu đỏ son của lâu đài bằng ngọc – những núi sông và tôi đang cách xa nhau như trời với đất.” Tuy nhiên sự thật không chỉ là lý luận một chiều mà thôi. Trong thời gian người ta leo những núi và vượt những sông, có chính mình. Phải có thời gian trong chính mình. Bởi vì cái chính mình hiện hữu, thời gian không thể rời bỏ. Nếu thời gian không phải là những hình tướng của đi và đến, thời gian của việc leo một ngọn núi là cái hiện tại tức thời của hữu thời. Nếu thời gian bảo tồn những hình tướng của đi và đến, bèn có trong chính mình cái hiện tại tức thời của hữu thời – đây là hữu thời. Có phải thời gian của sự leo những núi và vượt những sông nuốt trọn thời gian này của tháp màu đỏ son của lâu đài bằng ngọc ? Nó không phun ra chăng ?
Ba đầu tám tay là thời gian của hôm qua ; mười sáu tấc, tám tấc là thời gian của hôm nay. Tuy nhiên nguyên lý của hôm qua và hôm nay chính là thời gian khi đi thẳng vào những ngọn núi và nhìn lên qua khỏi nghìn đỉnh, vô số đỉnh – nó không phải là một cái gì qua đi. Ba đầu, tám tay cũng xuất lộ như hữu thời của chính mình ; mười sáu tấc, tám tấc cũng xuất lộ như hữu thời của chính mình. Dù nó có vẻ ở đâu khác, nó chính ngay bây giờ. Thế nên những cây thông cũng là thời gian ; tre cũng là thời gian.
Người ta chớ hiểu thời gian chỉ như bay xa ; người ta chớ có ý tưởng rằng bay xa là chức năng của thời gian. Nếu thời gian chỉ là bay đi, bấy giờ sẽ có những thiếu sót. Không nghe về đạo của hữu thời là vì chỉ học rằng nó đi qua. Nói ra điểm chính của việc này, mọi cái hiện hữu trong toàn thể thế giới, khi xếp thành hàng, đều là những thời gian cá thể. Bởi vì nó là hữu thời, nó là hữu thời của tôi.
Trong hữu thời có phẩm tính đi qua. Nghĩa là nó đi từ hôm nay đến ngày mai, nó đi từ hôm nay đến hôm qua, nó đi từ hôm qua đến hôm nay, nó đi từ hôm nay đến hôm nay, nó đi từ ngày mai đến ngày mai.
Bởi vì đi qua là một phẩm tính của thời gian, thời gian quá khứ và hiện tại không chất đống, không tập hợp theo một dãy – tuy nhiên Thanh Nguyên là thời gian, Bách Trượng cũng là thời gian, Mã Tổ và Thạch Đầu cũng là thời gian.(6) Bởi vì mình và người khác là thời gian, tu hành và chứng ngộ là thời gian. Đi vào trong bùn, đi vào trong nước(7) cũng là thời gian.
Dù những quan kiến hiện tại và những hoàn cảnh của những quan kiến của người bình thường là cái mà người bình thường biết, chúng không phải là địa vị thực sự của người bình thường. Chính địa vị thực sự mới nuôi dưỡng tạm thời người bình thường. Bởi vì cho là thời gian này, cái hiện hữu này, không phải là địa vị thực sự, họ xem thân vàng mười sáu tấc cao không phải là chính họ. Cố gắng trốn tránh bằng cách cho chính mình không phải là thân vàng mười sáu tấc cao cũng là chút mảnh của hữu thời ; đó là cái nhìn của những người còn chưa xác tín nó.(8)
Mọi vật trong thế giới, lên xuống, thăng trầm, xuất hiện và biến mất vẫn là tánh như an trụ trong địa vị thực sự chuẩn mực.(9) Tý là thời gian, dần cũng là thời gian.(10) Chúng sanh là thời gian. Chư Phật cũng là thời gian. Thời gian này làm chứng cho toàn thể thế giới với ba đầu và tám tay, nó làm chứng cho toàn thể thế giới với thân vàng mười sáu tấc cao.
Bây giờ làm tiêu hết những giới hạn của toàn thể thế giới nhờ bởi toàn thể thế giới thì được gọi là tham cứu triệt để. Hiện thực thân vàng mười sáu tấc nhờ bởi thân vàng mười sáu tấc như quyết định, tu hành, giác ngộ và niết bàn, là hiện hữu, là thời gian. Chỉ tham cứu triệt để tất cả thời gian là tất cả hiện hữu, thì không có gì còn sót lại. Bởi vì những cái còn lại là những cái còn lại, thậm chí hữu thời của tham cứu một nửa triệt để là tham cứu triệt để một nửa hữu thời.(11)
Những sắc tướng có vẻ lướt qua là đang hiện hữu. Hơn nữa, nếu các ông để cho như vậy, thì ngay trong thời kỳ biểu lộ của sự lướt qua, nó là sự an trụ trong địa vị của hữu thời. Chớ khuấy động nó như là không hiện hữu, chớ bám chấp nó như là hiện hữu. Chỉ quan niệm thời gian như là đi qua theo một mặt, người ta không hiểu nó như là còn chưa đến. Chỉ nhận biết nó như là đến và đi, không có cái túi da nào(12) thấy được nó triệt để như là hữu thời an trụ trong địa vị – huống gì làm sao có một thời gian đi qua rào cản ? Dù nhận biết an trụ trong địa vị, ai có thể nói ra sự bảo tồn của cái vốn là như vậy ? Họ có diễn nói dài dòng nó là như vậy, mọi người vẫn mò mẫm tìm kiếm hình tướng của khuôn mặt nó. Nếu chúng ta để cho cái đang là của người bình thường được là hữu thời như vậy, bấy giờ giác ngộ và niết bàn chỉ là hữu thời, trong đó chỉ là những hình tướng của đi và đến.
Tóm lại, nó không thể bị đánh bẫy hay giữ lại – nó là sự biểu lộ của hữu thời. Những vua trời và chúng sanh cõi trời biểu lộ trong những vùng bên phải bên trái là hữu thời, hiện đang sử dụng toàn thể sức mạnh của họ. Vô số hữu thời khác của nước và đất hiện đang biểu lộ toàn thể sức mạnh của chúngï. Những loài và sự vật khác nhau là hữu thời trong bóng tối và trong ánh sáng đều là sự biểu lộ toàn thể sức mạnh của chúng. Nếu chúng không là sự đi qua hiện thời của toàn thể sức mạnh, không có một sự vật nào trở nên biểu lộ, sẽ không có sự đi qua – các ông cần nghiên cứu nó theo cách này. Các ông không nên học về sự đi qua như gió và mưa đi đông đi tây. Toàn thể thế giới không phải là không hoạt động, nó không phải tiến bộ hay thụt lùi : nó là sự đi qua.
Đi qua thì giống như mùa xuân chẳng hạn : trong mùa xuân có nhiều xuất hiện hình tướng – đây gọi là đi qua. Các ông cần học rằng nó không phải đi qua bất cứ sự vật bên ngoài nào. Chẳng hạn sự đi qua của mùa xuân nhất thiết đi qua mùa xuân. Dù sự đi qua không phải là mùa xuân, bởi vì nó là sự đi qua của mùa xuân, sự đi qua đã hoàn thành Đạo trong thời gian này của mùa xuân. Các ông cần khảo sát triệt để bất cứ cái gì mà các ông đang làm. Nói đến sự đi qua, nếu các ông nghĩ rằng lãnh vực các đối tượng là ở bên ngoài và hiện tượng đi qua thì đi một triệu thế giới phương đông qua một tỷ kiếp, nghĩ như thế là các ông không hoàn toàn tập trung vào việc học Phật đạo.
Dược Sơn, theo lệnh của thiền sư Thạch Đầu, đến học với Mã Tổ. Ngài nói, “Về kinh điển Phật giáo, con hiểu khá nhiều thông điệp của nó – nhưng cái gì là nghĩa sống thực của Thiền ?” Mã Tổ trả lời, “Đôi khi ta có nó nhướng mày và chớp mắt. Đôi khi ta không có nó nhướng mày và chớp mắt. Đôi khi có nó nhướng mày và chớp mắt là cái đó. Đôi khi có nó nhướng mày và chớp mắt không phải là cái đó.” Nghe thế, Dược Sơn đại ngộ. Ngài nói với Mã Tổ, “Khi con ở với Thạch Đầu, con như con muỗi leo trên một con bò sắt.”
Điều Mã Tổ nói không giống như những người khác. Mày và mắt phải là những núi và những biển, bởi vì những núi và những biển là những mày và những mắt. Cái có nó nhướng phải thấy những núi, cái có nó chớp phải có nguồn gốc của nó trong biển. Cái đó bị quy định bởi nó, nó bị tác động bởi nhân quả.(13) Không phải là cái đó không phải là không có nó, không có nó không phải là không phải là cái đó. Những cái này đều là hữu thời. Những núi là thời gian, những biển cũng là thời gian. Nếu chúng không phải là thời gian, những núi và biển không thể có. Các ông chớ nghĩ không có thời gian trong hiện tại tức thời của những núi và những biển. Nếu thời gian tiêu tan những núi và biển cũng tiêu tan ; nếu thời gian là không thể hủy hoại, những núi và biển cũng không thể hủy hoại. Trên nguyên lý này sao mai xuất hiện, Phật xuất hiện, con mắt xuất hiện, sự đưa bông hoa lên xuất hiện. Đây là thời gian. Nếu nó không là thời gian, nó đã không như vậy.
Thiền sư Quy Tĩnh là hậu duệ của Lâm Tế và là người nối pháp của Thủ Sơn. Một lần ngài nói với đại chúng, “Đôi khi ý định đến nhưng sự bày tỏ không đến, đôi khi sự bày tỏ đến nhưng ý định không đến. Đôi khi ý định và sự bày tỏ cùng đến, đôi khi ý định và sự bày tỏ đều không đến.” Ý định và bày tỏ cả hai đều là hữu thời ; đến và không đến cả hai đều là hữu thời. Dù thời gian của đến là chưa trọn vẹn, nhưng thời gian của không đến đã tới. Đến thì không phải là đang tới ; không đến thì không phải là chưa tới. Đây là cách hữu thời hiện hữu. Đến bị ngăn ngại bởi đến, không bị ngăn ngại bởi không đến. Không đến bị ngăn ngại bởi không đến, không bị ngăn ngại bởi đến. Ý định ngăn ngại ý định và thấy ý định ; bày tỏ ngăn ngại bày tỏ và thấy bày tỏ. Ngăn ngại làm ngăn ngại sự ngăn ngại và thấy sự ngăn ngại. Ngăn ngại làm ngăn ngại sự ngăn ngại – đây là thời gian.(14) Dù ngăn ngại được dùng bởi những sự vật khác, không bao giờ có ngăn ngại nào ngăn ngại những sự vật khác.(15) Đó là mình gặp người khác, đó là người khác gặp người khác, đó là mình gặp mình, đó là đi ra gặp đi ra. Nếu những cái này không có thời gian chúng không là như vậy.
Cũng thế, ý định là thời gian của vấn đề trước mắt ; bày tỏ là thời gian của chìa khóa của siêu vượt. Đến là thời gian của toàn thân ; không đến là thời gian của làm một với cái này, tách lìa khỏi cái này. Theo cách này các ông cần hiểu đúng và hãy là hữu thời.
Dù những vị Tổ đã nhắc đến ở trước đều đã nói, không có gì để nói nữa ư ? Chúng ta có thể nói ý định và bày tỏ đến một nửa cũng là hữu thời ; ý định và bày tỏ không đến một nửa cũng là hữu thời. Cần học như thế này. Có nó nhướng mày và chớp mắt là một nửa của hữu thời ; có nó nhướng mày và chớp mắt là sai hữu thời. Không có nó nhướng mày và chớp mắt là một nửa hữu thời ; không có nó nhướng mày và chớp mắt là sai hữu thời.(16) Tham cứu như vậy, đến và đi, tham cứu đến và tham cứu không đến, là thời của hữu thời.
Chú thích
1. “Ba đầu và tám tay” là hình dạng của một a tu la. Tiêu biểu sự hung nộ.
2. Thân được lý tưởng hóa hay tôn vinh của Phật, tượng trưng sự phát triển cao hơn của nhân loại, được xem là mười sáu tấc khi đứng và tám tấc khi ngồi. (Để cho dễ nghe, bản tiếng Việt dùng chữ “tấc”, thật ra là foot, tức là 30,48 cm.)
3. “Gậy và phất trần”, “trụ và đèn”, thường được dùng trong Thiền ngữ để chỉ cho những đối tượng hay hiện tượng nói chung.
4. “Trăm ngọn cỏ” hay trăm cây, là một từ quy ước để chỉ tất cả sự vật hay tất cả sắc tướng.
5. “Hiểu” và “không hiểu” ám chỉ theo thứ tự lãnh vực của những hiện tượng và lãnh vực của bản thể hay tánh không. Làm rõ, làm sắc nét cái hiểu tương đối đồng thời tỉnh giác tính không thể nghĩ bàn tối hậu của hiện hữu là một nghệ thuật của Thiền.
6. Thanh Nguyên, Bách Trượng, Mã Tổ và Thạch Đầu là những thiền sư nổi tiếng của thế kỷ thứ tám và thứ chín.
7. “Đi vào trong bùn và nước” là một thành ngữ tiêu chuẩn để chỉ sự đi vào thế giới, thường dùng nói đến người đã siêu vượt thế gian, rồi sẵn sàng hành động trong thế gian vì một mục tiêu giáo hóa.
8. Lâm tế nói, “Trong đống thịt trần trụi này là con người chân thật không vị trí hay thứ bậc, luôn luôn vào ra qua các giác quan. Người nào chưa xác tín nó, hãy nhìn !”
9. “An trụ trong địa vị thực sự chuẩn mực”, hay an trụ trong trạng thái thường, là một câu từ kinh Pháp Hoa mà Đạo Nguyên thường dùng : “thị pháp trụ pháp vị”. Thực ra nó có nghĩa tánh không tối hậu hay hiện hữu không điều kiện không phủ định hiện hữu tương đối.
10. Tý, dần, hai giờ theo lịch pháp Hoa-Nhật.
11. “Những cái còn lại là những cái còn lại” ý ám chỉ bản thể và hiện tượng theo cá thể riêng biệt của chúng như hai phương diện khác nhau của toàn thể duyên sanh tương thuộc. Tham cứu một nửa triệt để là tham cứu hoặc bản thể hay hiện tượng, tham cứu triệt để một trong hai cái là tham cứu một nửa hữu thời, vì hữu thời là toàn thể bản thể và hiện tượng.
12. “Túi da” là con người thể xác.
13. Nghĩa sống động của Thiền (“nó”) như là hữu thời thì bị điều kiện hóa trong khi biểu lộ bởi con người : con người được biểu lộ theo nghiệp. Như vậy đoạn này có thể xem có nghĩa là dù tinh túy của Thiền ở trong mỗi người, sự thể hiện hay chứng ngộ nó, tùy thuộc vào sự tu hành của con người.
14. Ở đây “ngăn ngại” có nghĩa là ở trong một hữu thời đặc thù ; do đó nói rằng những trạng thái hay sự vật “ngăn ngại” chính chúng, theo nghĩa sự hiện hữu bên trong của chúng, những hữu thời riêng từng cái.
15. Cái hiện hữu trong hữu thời riêng biệt cũng được định nghĩa (“được dùng bởi”) những sự vật khác theo tính tương đối liên hệ : tuy nhiên trong một hữu thời cá thể không ngăn cản hữu thời của cái nào khác.
16. Tánh không và hiện hữu tương đối là mỗi “một nửa” – nếu có sự bám chấp một mặt vào tánh không (“không nhướng mày”) hay hiện hữu (“nhướng mày”), đây là sai.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Chín 2015(Xem: 11780)
Phật pháp có thiên kinh vạn quyển để hiển bày Tâm hay tánh Không của vạn pháp, để hướng dẫn con người giác ngộ, giải thoát. Giải thoát tức là ngộ ra sự trói buộc là không có thực chất, không có thật, chứ không phải là xưa nay bị trói buộc rồi bây giờ mới tìm cách thoát ra. Ngã, Pháp đều không, thì ai bị trói buộc, có cái gì trói buộc ?
29 Tháng Sáu 2015(Xem: 6892)
Đây là hai vấn đề được thảo luận rất nhiều trong triết lý, cả Tây lẫn Đông. Chỉ nghiên cứu phần hiện tượng là Hiện tượng học (Phenomenology) của triết gia Husserl mở đầu cho các loại triết lý hiện sinh sau này (Existentialism).
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 9088)
Chữ Tenzo (nơi tựa bài giảng của Đạo Nguyên) là danh hiệu dùng để gọi người đầu bếp trong một ngôi chùa. Nói chung chữ "Tâm" (Shin) là một thuật ngữ chủ yếu và vô cùng quan trọng đối với Thiền Học nói riêng và Phật Giáo Đại Thừa nói chung, đặc biệt là ở các nước Á Châu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, thế nhưng lại là một thuật ngữ khá "mơ hồ" vì rất khó xác định.
20 Tháng Năm 2015(Xem: 5879)
Tiểu luận này của Đạo Nguyên nhằm phản đối quan niệm sai lầm rằng bản tánh của những sự vật như là tánh không thì chống đối lại hay loại trừ những hình tướng của những sự vật, hay hiện hữu tương đối.
17 Tháng Năm 2015(Xem: 14596)
Đây là một quyển sách nhỏ "Tranh Chăn Trâu Ngẫu Hứng" do Sư Cô Thích Nữ Thuần Quán ghi lại từ những cảm xúc trong tu tập.
04 Tháng Năm 2015(Xem: 11134)
Bản dịch tiếng Việt “Thiền Vô Niệm” này đã được chúng tôi thực hiện vào năm 1987 từ bản văn tiếng Pháp “Le Non-Mental Selon la Pensée Zen” do Hubert Benoît dịch từ nguyên tác tiếng Anh, “The Zen Doctrine of No Mind” của cố Tiến sĩ D. T. Suzuki.
23 Tháng Tư 2015(Xem: 7547)
Nhân đọc bài viết " Bất lập văn tự " của cư sĩ Nhuận Bảo và xem lời comment của một số Đạo Hữu xa gần thấy có đôi chỗ cần làm sáng tỏ thêm nên mạo muội viết bài này tới quý ban điều hành trang Web mong cũng được đóng góp đôi lời vào một vài vần đề mà tôi có chút tìm hiểu . rất hy vọng bài viết của tôi sẽ được đăng ngõ hầu tôi cũng có thể được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm tri thức từ các Đạo hữu gần xa để giúp tôi mở mang thêm những hiểu biết còn hạn chế của mình trong quá trình tìm hiều phật giáo . trân trọng cảm ơn!
20 Tháng Tư 2015(Xem: 115262)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.