Hành Động Không Suy Nghĩ

25 Tháng Mười Một 201421:14(Xem: 6025)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt


Hành Động Không Suy Nghĩ

 

Sau thời Pháp thoại tại Trung tâm Thiền Lithuania, thuộc Đông Nam bờ biển Baltic. Một sinh viên hỏi Thiền sư Sùng Sơn:

–Tôi biết Đức Phật dạy rằng chúng ta không nên giết hại. Nhưng đôi khi có một con muỗi đậu trên cánh tay của tôi, tôi đập nó chết. Tôi không cố ý làm như thế. Đó chỉ là phản xạ tự nhiên. Hành động như vậy có vi phạm lời giáo huấn của Đức Phật không?

 

Đại Thiền sư trả lời:

– Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Chúng ta có thể nói rằng có hai loại hành động: Hành động suy nghĩ và hành động không suy nghĩ, chúng tôi cũng gọi là hành động phản ánh. Thí dụ bạn đang lái xe, ngay trong làn đường của mình và có ai đó bất chợt băng qua đường mà không có tín hiệu đèn báo cho phép. Nếu bạn phát hiện, thậm chí trong một khoảnh khắc rất ngắn, và suy nghĩ, 'Ôi Chúa ơi ! Làm sao tôi có thể tránh anh ta đây?’ Hoặc la lên, 'Đồ ngu ngốc, tại sao băng qua đường như thế?' chắc chắn có thể bạn sẽ đánh anh ta. Nếu bạn không kịp thời phát hiện và nghĩ là sẽ đụng phải anh ta chết! Đó là hành động có suy nghĩ. Hành động có suy nghĩ để lại một số dấu vết phía sau một số phản ánh. Chúng tôi gọi đó là dư lượng nghiệp, hoặc tạo tác nghiệp. (Karmic residue).

 

Nhưng nếu khi bạn kịp nhìn thấy người đàn ông này băng qua đường, và trong chớp mắt phát hiện, chỉ cần thắng gấp, bạn sẽ không giết chết anh ta.

 

Bạn nhận thức và hành động cùng một lúc. Nó giống như một tấm gương, nếu một quả bóng màu đỏ đứng trước gương, gương phản ánh đỏ; khi một quả bóng trắng xuất hiện, phản ánh trắng. Không có khoảng cách không gian, không suy nghĩ, không nắm giữ, chỉ hành động. Gọi đó là hành động phản ánh, chỉ làm điều đó. Hành động phản ánh có nghĩa là không có suy nghĩ của tôi, vì vậy hành động này vượt lên tốt và xấu. Tuy nhiên có hành động phản ánh tốt, và hành động phản ánh xấu.

 

Ở Hàn Quốc, chùa Tu Đức (Su Dok Sah) là một ngôi chùa nổi tiếng, nhiều khách du lịch từ mọi miền đất nước đến viếng thăm và chiêm bái. Ngôi chánh điện thờ Phật thật là tuyệt đẹp, có những Pháp khí từ thời xa xưa. Nó trở thành một kho báu của quốc gia tại Nam Hàn. Những cánh cửa rất lớn bằng gỗ quý và nặng nề thường đóng kín bởi gió lộng và ruồi. Người ta chỉ mở một trong những cánh cửa ra vào, nhưng nếu gió to thổi tới, nó bị đóng mạnh, BÙM! Cánh cửa sập vào tường và sẽ bị hư. Hầu hết mọi người rất cẩn thận, nó có thể thực sự văng tung ra lúc nào.

 

Thời gian vài năm trước đây, một nhóm Thiền sinh người Mỹ đã có chuyến du hành sang thăm Hàn Quốc và đã đến viếng ngôi chùa cổ Tu Đức trong một ngày. Chúng tôi cùng vào ngôi điện Phật và tôi bắt đầu trình bày với họ về lịch sử của ngôi chùa: “Các bạn có biết, ngôi chùa này gần một ngàn bốn trăm năm tuổi”…. Trong lúc tôi đang nói, một bà cụ già người Hàn Quốc đã cố gắng bước vào bên trong, và đẩy cánh cửa mở rộng ra một chút. Phèo! – Một cơn gió mạnh bất thình lình thổi tạt vào khiến cánh cửa vuột ra khỏi tay bà ấy.

 

Một Thiền sinh người Mỹ đứng cách đó vài mét nghe tôi nói chuyện, mặc dù anh không nhìn thấy khi bà cụ bước vào, cánh cửa bắt đầu chuyển động, anh chỉ nghe âm thanh rít lên từ cánh cửa. Với phản ứng tự nhiên, anh liền bay như một mũi tên và nắm lấy cánh cửa ngay trước khi nó đâm sầm vào tường, tránh được sự hư hỏng. Điều đó cũng giúp cho bà cụ thoát khỏi thương tật. (Cười) Vì vậy, hành động không suy nghĩ của Thiền sinh này đã cho những người khác nhận thức rằng: anh đã không suy nghĩ tốt hay xấu, có đủ thời gian hay không để cho anh có thể làm điều đó. Tâm anh ta chỉ phản ánh, như một tấm gương. Đó là một thí dụ về phản ánh hành động tốt.

 

Tôi có một câu chuyện nữa: Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, tất cả nam giới Hàn Quốc có cùng một độ tuổi nhất định phải gia nhập quân đội, ngay cả các nhà sư!

 Khi ở trong quân đội, tôi có một người bạn rất tốt, đó là Đại úy Song. Chúng tôi luôn luôn sống chung và cùng làm việc với nhau. Bất cứ khi nào tôi có một ít tiền, tôi đưa anh ta đến nhà hàng hoặc cùng  nhau đi chùa.

 

Một ngày nọ, ông Song bảo tôi: “Ồ, này bạn! Hôm nay đến lượt tôi phải trả nghĩa, chúng ta sẽ đi đến một nhà hàng cao cấp tuyệt vời trong thành phố Taegu để ăn trưa nhé!”

 

Tôi nói với ông: “Bạn không tiền, làm sao mà bạn có thể trả chi phí đó?” Đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh, nó rất khó khăn để kiếm được tiền tiêu pha cho những việc như ăn uống ở nhà hàng.

Ông nói: “Không sao cả, đừng lo lắng. Tôi sẵn có một ít tiền, nếu thiếu thì sẽ có bạn tôi giúp.” Vì vậy, chúng tôi đã đáp tàu đi đến ga xe lửa thành phố Taegu. Đến nơi, ông gặp hai người đàn ông ăn mặc khá lịch sự, họ rất vui mừng và lịch thiệp khi gặp  bạn tôi. Họ ứng xử với anh ta với phong cách kính trọng tuyệt vời.

 

Chỉ vào tôi, bạn tôi nói với họ:

–Đây là người bạn chí thân của tôi. Ông đã tận tình giúp đỡ tôi trong mọi lúc. Chúng tôi đang đi ăn trưa với nhau. Các bạn có thể chuẩn bị cho bữa ăn trưa được không?"

–Vâng, thưa Đại ca, họ nói. Sau đó, một trong hai người đàn ông lái một chiếc xe hơi và cả hai đưa chúng tôi đến một nhà hàng cao cấp rất sang trọng. Họ phục vụ chúng tôi các món ăn ngon mà tôi chưa từng được thưởng thức, hoặc thậm chí được nhìn thấy trong nhiều năm do chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau dùng một bữa trưa rất ngon miệng. Ông Song rất lấy làm sung sướng, và tôi cũng vui lây, một cảm giác thật tuyệt vời !

 

Sau khi ăn xong, ông Song tựa lưng xỉa răng, tôi bèn hỏi anh ta: “Chuyện gì diễn ra như thế này? Tại sao mình có thể ăn xong mà không phải trả tiền?”

 

Ông kể: “Trước khi vào quân đội, tôi là một tên trùm móc túi có hạng. Tôi là chủ, và những người đàn ông đó là đàn em giúp việc cho tôi. Một ngày nọ, tôi nhận ra rằng chuyên đi móc túi kẻ khác là hành động rất xấu xa bỉ ổi. Vì vậy, khi chiến tranh xảy ra, tôi bắt đầu ăn năn, rửa tay vĩnh viễn không làm chuyện đó nữa, rồi tham gia vào quân đội.”

 

Trong quân đội quả thật ông ta luôn luôn giữ đúng phong cách nghiêm chỉnh, trở thành một đại úy đại đội trưởng giống như tôi. Chúng tôi làm việc chung với nhau và tôi thấy các hành động của ông ta luôn luôn rất cẩn trọng và đúng đắn. Vì vậy, việc móc túi như một thói quen cũ đã qua rồi.

Vào một ngày nọ, chúng tôi cùng nhau đi tham quan tại dãy núi Sorak, một thắng cảnh rất đẹp và nổi tiếng tại Nam Hàn. Có nhiều người chờ đợi xếp thành hàng dài để mua vé vào cửa. Thật hết sức bất ngờ, bàn tay của ông Song đưa ra thọc vào chiếc túi quần phía sau của người đàn ông đang đứng phía trước ông ta và móc lấy chiếc bóp một cách chớp nhoáng. Tôi đứng đằng sau ông Song và đã chứng kiến tất cả mọi chuyện xảy ra, vì vậy tôi đánh anh ta một cái và nói:

– Bàn tay bạn không tốt!

Ông Song cũng rất ngạc nhiên:

– Ô! Đó là thói quen cũ của tôi. Tôi không muốn, nhưng nó tự động làm bởi chính nó mà thôi!

 

Rồi anh ta xin lỗi một cách chân thành. Thực sự anh ta không muốn lấy chiếc bóp này, và cũng không muốn trở thành một tên móc túi như vậy nữa.

 

Tuy nhiên, khi anh ta nhìn thấy chiếc bóp ló ra và cánh tay tự động của anh vươn tới lấy nó. Đó là thói quen phản ứng tức thời hiện ra trong tâm trí mãnh liệt.

 

Tôi nói với anh ta: “Bạn phải trả lại cái bóp đó!"

–Vâng! Được. Sau đó, anh ta vỗ vai người đàn ông đứng trước mặt mình. “Xin lỗi, thưa ông. Có phải cái bóp của ông không? Tôi đã thấy nó xuất hiện trên sàn nhà."

 

Người đàn ông quay lại và nhận ra ông Song đang giữ cái bóp của mình trong tay.

–Ôi, tốt quá! Đúng là bóp tiền của tôi! Cảm ơn bạn, cảm ơn bạn rất nhiều! Tôi đang trên đường đi chợ mua bò với số tiền này. Nếu tôi đánh mất nó, tôi sẽ không thể mua bò được. Ôi! cảm ơn bạn rất nhiều.

 

Rồi ông lấy ra một ít tiền để biếu cho ông Song như là một lời cảm ơn. Tuy nhiên, ông Song vẫy tay từ chối một cách khiêm nhường: “Ô! Không, không. Tôi không dám!”

 

Nhưng tôi huých khuỷu tay ông Song qua một bên và nói:

–Thôi được, cứ lấy một ít tượng trưng đi ! Ngay bây giờ mới chính là công việc của bạn.

Vì thế ông Song nhận được ít tiền. (Tiếng cười từ giảng đường)

 

Qua hai câu chuyện này cho thấy hai loại hành động không suy nghĩ, mà chúng tôi cũng gọi là hành động phản ánh. Hành động của một Thiền sinh người Mỹ – như tên bắn lao về phía cánh cửa tại chùa Tu Đức, không cần suy nghĩ, như một thói quen tốt chỉ giúp đỡ người khác và không vì chính mình. Một hành động như vậy không để lại bất cứ điều gì phía sau trong tâm, bởi vì nó có chức năng từ cái tâm rỗng không, giống như một tấm gương.

 

Khi một cái gì đó được phản ánh trong gương, nó hiện ra như thế. Khi nó rời khỏi mặt gương, thì không còn bất kỳ sự phản ánh nào. Gương không giữ bất cứ điều gì. Chúng tôi gọi đây là tâm–phản–ánh. Bởi vì nó không phụ thuộc vào suy nghĩ, cho nên nó không tạo ra nghiệp.

 

 

 

Người bạn của tôi tuy móc túi, nhưng ông ta đã có một loại

tâm–phản–ánh, tuy vẫn còn trình tự của một thói quen xấu; thậm chí đôi khi không suy tính, bàn tay của anh ta tự móc vào ví tiền. Tuy nhiên, anh ta phản chiếu sự tham muốn của mình theo thói quen cũ để mong lấy tiền người khác. Suy nghĩ tạo ra một thói quen và làm cho thói quen tạo ra một suy nghĩ. Đây là hành động tạo ra nghiệp chướng.

 

Mọi người đều có thói quen tốt và xấu. Điều đó không thành vấn đề. Chỉ giữ tâm sáng suốt trong từng khoảnh khắc và sau đó một thói quen đúng sẽ xuất hiện tự chính nó. Điều đó, chúng tôi gọi là Chánh nghiệp – Nó không phải là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Nó vượt lên tốt và xấu. Vâng, đúng như thế. Trời xanh: là tốt hay xấu? Nó vượt qua tốt và xấu, phải không? Nước chảy: là tốt hay xấu? Nó cũng vượt lên tốt và xấu. Tốt và xấu không quan trọng, chúng chỉ là những cái tên. Nếu bạn thực hiện hành động tốt, sau đó khi bạn chết, bạn sẽ được lên thiên đàng; làm hành động xấu, bạn sẽ đi đến địa ngục.

 

Nhưng nếu bạn giữ một tâm trí rõ ràng sáng suốt trong từng khoảnh khắc, sau đó chỉ có những hành động chính xác xuất hiện và bạn không bị chướng ngại bởi thiên đàng hay địa ngục. Đó là ý nghĩa của Bồ Tát hạnh, chỉ vì lợi ích của tất cả chúng sanh và vượt thoát sanh tử. Vấn đề quan trọng nhất là tại sao bạn làm như thế? Chỉ vì cho chính mình, hoặc cho tất cả chúng sanh? Nếu bạn nhận ra điều đó thì bất kỳ hành động nào cũng không thành vấn đề. Đó là Thiền thực tập và Thiền định hướng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn