Tâm Điên Đảo

25 Tháng Mười Một 201421:18(Xem: 6652)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt

Tâm Điên Đảo

 

Sau một buổi Pháp thoại tại Trung tâm Thiền Cambridge, một môn sinh hỏi Thiền sư Sùng Sơn: " Thưa thầy, có một vật như là tâm trong sáng phải không?"

Thiền sư đáp:

–Nếu bạn có tâm, sau đó bạn phải làm sạch tâm của bạn. Nếu bạn không tâm, việc làm sạch là không cần thiết. Vì vậy tôi hỏi bạn, bạn có tâm hay không?

–Con hả?

–Bạn có không?

–Dạ vâng, con có.

–Nó ở đâu?

Thiền sinh có vẻ bối rối một lúc bèn hỏi vặn:

.           – Nó ở đâu hả?"

–Vâng, nó ở đâu? Tâm của bạn lớn cở nào?

– Ư, hưm ...

– Bao nhiêu đây (Thiền sư dang đôi cánh tay mở rộng) hay là bao nhiêu đây (thu hẹp chúng lại với nhau)?

 

Thiền sinh nghiêng đầu quay lại và kéo dài cánh tay của mình mở rộng. "Dạ cở như vầy."

– Ô! Chỉ có chừng đó thôi sao? Nó rất nhỏ! Thậm chí có vẻ không lớn bằng căn phòng này. (Nhiều tiếng cười từ giảng đường.) Đó không phải là tâm ban đầu của bạn. Khởi nguyên, tâm của bạn là toàn thể vũ trụ; toàn thể vũ trụ và tâm của bạn đều giống nhau. Tại sao bạn chỉ tạo ra tâm có chừng này? Vì vậy, đó là một vấn đề. Kể từ khi bạn tạo ra “tâm chừng này”, bây giờ bạn phải lau sạch tâm của bạn. Nó sẽ trở nên lớn hơn, lớn hơn, và lớn hơn–bao trùm khắp vũ trụ pháp giới. Nhưng nếu có bất kỳ vết nhơ nào, thì nó sẽ trở nên nhỏ hơn, nhỏ hơn, nhỏ hơn như hạt bụi. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi nghĩ bạn không có tâm.

–Thầy nghĩ con không có tâm ư?

–Vâng, bạn không có tâm.

Thiền sinh im lặng.

–Bạn chưa hiểu, phải không? Vậy bạn có tâm hay không?

–Vâng! Con không hiểu nhiều lắm.... Con không hiểu nhiều .... Umm ..... Con .... (Cười).

–Lục Tổ nói: "Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi trần?”  Vì vậy, có thể bạn không có tâm.

Sau một hồi im lặng, Thiền sinh lóe lên một chút ý tưởng khác, bèn nói: “Được rồi, Thầy nói về Chánh mạng, Thầy nói về nghiệp làm tu sĩ và cần thực hành Thiền ... Ừ! ... và câu hỏi của con là ... không thể sống trong Trung tâm Thiền ... chỉ sống trong đời thường đã là rất khó khăn để tu hành! Ừ! ... để kết nối giữa sự tu tập và sinh kế. Ừm! ... Vì vậy, cái tâm để đáp ứng như thế thật là mâu thuẫn là cái tâm….con đang nói chuyện với ... từ ... Ừm!”

Đến đây Đại Thiền sư ngắt lời:

– Ôi cha! Tâm của bạn thật là rối rắm kỳ lạ!

–Tâm kỳ lạ ư?

–Vâng, tâm kỳ lạ. Ngày nay mọi người đều xuất hiện tâm kỳ lạ, bởi vì bên trong nó không an định, không chân chính ngay thẳng, không cẩn trọng, không rõ ràng. Tâm kỳ lạ này cũng giống như tâm động vật, không thực sự là tâm của một con người có tuệ giác thuần lương. Trong đó có thể tâm động vật 80 phần trăm và tâm người 20 phần trăm. Vì vậy, đó là kỳ lạ, đó là điên đảo, mà họ xem như là bình thường. Ngày nay có rất nhiều, rất nhiều người điên loạn như thế. Họ tạo ra nhiều điều không thể tưởng tượng. Tuy nhiều người điên, nhưng điên đây không phải đặc biệt. Ngay cả lời nói của Thiền sư cũng là điên. Hôm qua tôi đã có một buổi Pháp thoại nói về "Mặt trời mọc phương Đông và lặn ở phương Tây." Đó là những lời điên. Mặt trời không bao giờ mọc ở phương Đông và cũng không lặn ở phương Tây. Bởi lẽ mặt trời không bao giờ di chuyển! Chỉ có trái đất di chuyển xung quanh mặt trời, thế thì tại sao lại tạo ra mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây? Thật điên rồ! (Cười) Vì vậy, đó là ý nghĩa: điên là không điên. Không điên là điên. (Thiền sư nhìn vào khuôn mặt của người hỏi.) Bạn có hiểu điều đó không? Điên tức là  không điên; không điên tức là điên.

 

Thiền sinh bắt đầu muốn nói điều gì đó, nhưng dừng lại.

– Ha, ha, ha! Suy nghĩ của bạn bây giờ thêm khá phức tạp! Điều đó không sao cả. Thiền dạy rằng nếu bạn có tâm, bạn có vấn đề. Nếu bạn không tâm, tức thì tất cả mọi thứ đều không chướng ngại. Nhưng tất cả mọi người tạo ra tâm, vì vậy có rất nhiều vấn đề trên thế giới này. Có thể thí dụ, bạn là chủ một khách sạn. Tâm bạn như người quản lý khách sạn này–họ đang cần làm việc cho bạn. Thông thường, mọi thứ trong khách sạn đều ngăn nắp, nhưng người quản lý này luôn luôn gây ra nhiều vấn đề: "Tôi muốn cái này, tôi cần điều đó. Tôi thích dời đổi như thế này, tôi không thích làm như thế v.v.... Đó là tâm sai khiến, rõ chứ?

 

Đức Phật dạy: "Khi tâm xuất hiện thì pháp xuất hiện. Khi pháp xuất hiện thì hình thức xuất hiện. Khi hình thức xuất hiện, sau đó thích – không thích; đến – đi, sanh và tử, tất cả mọi thứ xuất hiện.” Vì vậy, nếu bạn có tâm, tức có vấn đề. Không tâm, thì không có vấn đề. Dưới đây là một số từ rất phổ biến: "Tất cả do tâm tạo”. Có những từ ngữ tốt; chúng có hương vị tốt. Tâm của bạn tạo ra mọi thứ, và cái gì làm chướng ngại bạn. Vì vậy, không tạo ra bất cứ điều gì! Hãy lấy tâm của bạn và ném nó vào thùng rác. Chỉ không biết!

 

Thiền sinh đơn thuần ngồi như vô cảm, nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Thiền sư tiếp tục:

– Vì vậy, thực hành Thiền có nghĩa là bạn phải sa thải người quản lý khách sạn tồi này đi, bởi vì anh ta đang tạo ra những chuyện rắc rối trong khách sạn cao cấp của bạn. Bạn phải kiểm soát khách sạn của bạn, có nghĩa là bạn kiểm soát mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Bạn là người chủ phải mạnh mẽ sáng suốt, đừng để tên quản lý lung lạc. Nếu quản lý không làm công việc của mình một cách đúng đắn thì người chủ phải quở trách: "Ngươi là người quản lý tồi! Tại sao ngươi không sửa đổi tật xấu này? Đó là công việc của ngươi! Tại sao ngươi tự tung tự tác trộn cắp tiền bạc, của quý trong khách sạn? Ta sẽ đuổi ngươi!" Sau đó, tên quản lý này sẽ sợ bạn và van xin: "Ồ, xin đừng đuổi tôi! Đừng đuổi tôi." Ngay lúc ấy, người chủ khách sạn phải ra uy, “Thế thì ngươi có chịu lắng nghe ta không?” “–Thưa vâng! Dạ nghe, tôi xin vâng lời ông chủ ngay từ bây giờ !”

Bạn phải khảo tâm của bạn như vậy. Được chứ? Hãy cảnh báo cho tâm của bạn biết là “Hãy lắng nghe tôi!” Nếu tâm của bạn nói “Được, xin vâng”. Tức thì không có vấn đề. Nếu không, bạn phải cắt bỏ tâm này. Bằng mọi cách bạn phải sử dụng thanh kiếm “không-biết”, luôn luôn gìn giữ thanh kiếm không-biết này. Tâm rất sợ nó. Nếu bạn giữ thanh kiếm không-biết, sau đó tất cả mọi thứ không có vấn đề.

Một tia sáng lóe lên đáng kể, vị Thiền sinh cúi đầu đãnh lễ và nói: "Xin cảm ơn Sư phụ rất nhiều về việc giảng dạy của ngài."
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn