Tâm Cố Gắng Của Thiền Sư Cổ Phong

25 Tháng Mười Một 201421:20(Xem: 5945)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt

Tâm Cố Gắng Của Thiền Sư Cổ Phong 

 

Sư phụ của ngài Sùng Sơn là Thiền sư Cổ Phong, một trong những Tổ sư vĩ đại nhất thời bấy giờ. Ông nổi tiếng rất nghiêm khắc và từ chối thu nhận đệ tử xuất gia cũng như không dạy Thiền cho họ. Ông gọi họ là những kẻ lười biếng và ngạo mạn. Ông cũng rất nổi tiếng với những hành vi táo tợn phóng khoáng của mình.

 

Một ngày nọ, khi ông còn là một nhà sư trẻ, Cổ Phong đã đi

bái hương, vãn cảnh già-lam trên núi. Ông dừng lại một ngôi chùa nhỏ bên đường và quyết định xin vị trú trì ở lại đó trong một tuần để hành thiền. Sau vài hôm, vị trú trì có việc đi cúng đám một nhà đệ tử dưới làng phải ở lại đêm, giao lại chùa nhờ Sư Cổ Phong trông coi. Buổi chiều hôm đó, có một bà già leo lên con đường dốc núi đến chùa nơi Sư Cổ Phong trú ngụ, bà mang theo trái cây và một bao gạo trên lưng. Khi đến Điện Phật, bà đã nhìn thấy Sư Cổ Phong đang ngồi thiền. Bà lên tiếng:

–Ồ! Thưa Sư, tôi xin lỗi, bà nói. "Tôi vừa leo lên núi này, đến đây để cúng dường Phật. Có rất nhiều chuyện lộn xộn trong gia đình làm cho tâm tôi cảm thấy bất an. Tôi muốn một thầy nào đó tụng kinh cầu nguyện Phật giùm. Thầy có thể vui lòng giúp tôi được không?"

 

Gương mặt bà lộ vẻ u buồn và thành khẩn. Cổ Phong bèn nói: –Tất nhiên! Tôi rất hoan hỷ tụng kinh để cầu nguyện cho bà. Không sao cả. Bà hãy an tâm.

Nhưng Cổ Phong không biết việc đầu tiên để thực hiện các nghi lễ tụng niệm là gì. Mặc dù ông đã là một tu sĩ lâu năm, nhưng ông  sống trong thiền viện, nơi các nhà sư chỉ dụng công tham thiền. Ở Hàn Quốc, có các thầy chuyên tụng kinh lễ sám cho người thế tục. Có những vị Pháp sư chuyên học tập nghiên cứu kinh điển và có những nhà sư chuyên tu thiền.  Vì vậy, Đại sư Cổ Phong không biết một chút gì về khoa nghi tụng niệm truyền thống của giáo môn, hoặc thậm chí làm thế nào để thực hiện nó; ông không biết gõ mõ hoặc khi cúi lạy vào thời điểm nào thích hợp. Tuy nhiên, ông tự nghĩ: "Không sao. Chỉ nhất tâm làm điều đó. Được thôi. Không có vấn đề ."

 

Thiền sư Cổ Phong mặc áo choàng và khoác tấm y của mình vào. Bởi vì từ trước tới giờ ông chưa từng hướng dẫn một khóa lễ nào như vậy, ông không biết tụng kinh Phật sao cho phù hợp. Thông thường, phải rành rọt nghi lễ thích hợp mới thực hiện được việc tụng niệm nhất định với những bài kinh khác nhau. Như Kinh chú Đại bi ngàn mắt, ngàn tay chẳng hạn, nhưng Cổ Phong không biết gì cả. Ông chỉ nhớ một số bài kinh của đạo Lão cổ xưa mà ông đã từng đọc thuộc, trước khi trở thành tu sĩ tham thiền. Vì vậy, ông gõ mõ và tụng vang lời kinh Đạo Lão, ông cúi đầu lạy Phật bất cứ lúc nào ông muốn. Ông chỉ cần thực hiện như vậy. Sau hơn một giờ, ông đã hoàn tất khóa lễ. Bà cụ tỏ ra rất hạnh phúc: -"Ồ, cảm ơn thầy. Thầy hết sức tử tế. Tôi cảm thấy bây giờ an ổn nhẹ nhàng hơn! " Bà nói xong rồi từ giả ra về.

 

Khi đang trên đường xuống núi, bà đã gặp mặt thầy trú trì trở về từ chuyến đi tụng đám của ông. Ông vui vẻ nói:

–Xin chào nữ thí chủ. Bà vừa mới lên chùa về đó nhỉ?

–"Vâng, thưa thầy", bà đáp. "Hiện tại có nhiều chuyện buồn bực trong gia đình tôi, vì vậy tôi đã lên chùa cầu nguyện với Đức Phật. May có Thiền sư Cổ Phong đã giúp tôi mãn nguyện.

 –"Ồ! Thật là không đúng chỗ rồi", trú trì cho biết.

 –Ủa, tại sao vậy thầy?"

 –Bởi vì Sư Cổ Phong không biết tụng kinh. Có thể ai đó đã làm giúp cho bà chăng?

–Không, không. Bà nói. "Ông ấy rất tốt. Chính ông ấy đã giúp tôi thật nhiều!"

 

Thầy trú trì nhìn bà: "Làm sao bà biết rằng ông ấy đã cầu nguyện tốt như thế nào? Đây là những nghi thức tụng niệm rất đặc biệt! Cổ Phong là một nhà sư chuyên tu thiền; ông ta không rành  việc cúng bái, ông ta cũng không biết tụng kinh. "

–Vâng, tôi hiểu. Bà này cũng từng xuất gia làm ni cô, sau đó hoàn tục, cho nên bà cũng biết chút ít về kinh điển. Bà biết rằng Sư Cổ Phong tụng kinh của đạo Lão. Bà nói tiếp: –"Tụng kinh chính xác là gì? Tụng kinh không đúng là gì? Sư Cổ Phong đã làm điều đó rất tốt. Ông đã dồn hết 100 phần trăm năng lực để cầu nguyện cho tôi. Ngôn từ không quan trọng, chỉ cốt làm sao nhất tâm cố gắng. Sư Cổ Phong đã phát khởi tâm thành như thế."

–Ồ, vâng, vâng! Tất nhiên, tất nhiên! Trú trì cho biết. "Tôi cũng nghĩ rằng một niệm thành tâm là rất quan trọng."

 

Họ nói lời tạm biệt và mỗi người đi theo con đường riêng của mình. Khi thầy trú trì về đến chùa, ông ta nhìn thấy Thiền sư Cổ Phong vừa ngồi xả thiền. Ông hỏi:

–Thầy vừa tụng kinh cho một bà già như thế phải không?
–Vâng.
–Nhưng thầy chả thuộc gì về kinh sám kia mà.

–Đúng vậy, Cổ Phong nói. "Tôi không thuộc gì về kinh giáo.

Vì vậy, tôi chỉ cất giọng tụng vang vang. "

–Thế thì, thầy đã tụng loại kinh gì? Trụ trì hỏi.

–Tôi đã sử dụng một số bài kinh cổ điển của Đạo Lão. Thật  

tuyệt vời.

Sư trú trì bước đi và gãi đầu.

 

Đây là một câu chuyện “Tâm–cố gắng” rất thú vị. Có nghĩa là từng khoảnh khắc, chỉ làm điều đó với tâm cố gắng, nhất tâm, đó là “Tâm Như thị”. Khi tụng kinh, hoặc ngồi thiền, hoặc lễ bái, thậm chí tu hành đặc biệt không thể giúp bạn, nếu bạn đang dính mắc với những suy nghĩ mông lung. Tụng kinh Lão giáo, tụng kinh Nho giáo, tụng kinh Ki–tô giáo, tụng kinh Phật giáo, không thành vấn đề. Tụng: "Coca Cola, Coca Cola, Coca Cola” ... cũng tốt, nếu bạn nhất niệm thành tâm. Còn như bạn cứ chạy theo suy nghĩ dính mắc của bạn trong lúc miệng bạn thốt ra lời tụng vang vang, thì ngay cả Đức Phật cũng không thể chứng minh và giúp được gì cho bạn. Điều quan trọng nhất là chỉ làm điều đó. Khi bạn làm một cái gì 100 phần trăm, thì ngay đó không có chủ thể và không có đối tượng. Không có bên trong và bên ngoài. Bên trong và bên ngoài đã trở thành một. Như vậy có nghĩa là bạn và vũ trụ không thể tách rời. Không có suy nghĩ, không động niệm.

 

Kinh Thánh nói: "Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa

Trời." Khi bạn trở thành thanh tịnh, tức là bạn không tạo ra bất cứ điều gì, bạn luôn được kết nối với Thượng đế. Giữ tâm thanh tịnh nghĩa là làm cho tâm an ổn vững chãi, dù bạn đang di chuyển hoặc đang hoạt động làm việc. Sau đó, không có chủ thể, không có đối tượng, một tâm tĩnh lặng hoàn toàn như Phật. Khi ngồi thiền, thanh tịnh. Khi tụng kinh, thanh tịnh. Khi lễ bái, ăn uống, nói chuyện, đi bộ, đọc sách, hoặc lái xe, đều được thanh tịnh. Đây là cách giữ nhất tâm bất động, còn gọi là “Tâm Cố gắng.”
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tư 2010(Xem: 31029)
11 Tháng Giêng 2010(Xem: 51791)