Luận về Nghiệp

27 Tháng Mười Một 201421:42(Xem: 6071)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt

Luận về Nghiệp

Có đệ tử hỏi Thiền sư Sùng Sơn:

–Con thường nghe người ta nói về thiện nghiệp. Có phải đó là những gì để chỉ những hành động có giá trị công đức? Chẳng hạn, những người dâng cúng tiền bạc cho các nhà sư, hoặc xây dựng bảo tháp, chùa viện, hoặc in kinh sách ấn tống, hoặc tu tập trong truyền thống Phật giáo, họ nhận được bằng khen công đức gì đó cho các hoạt động này. Như vậy, công đức là gì? Và nghiệp là gì?

 

Thiền sư trả lời: “Thuở xưa, ở Trung Quốc, triều đại nhà Lương (463-549) (thuộc Nam triều) hoàng đế Lương Võ mời thỉnh Quốc sư Chí Công cũng là một Thiền sư nổi tiếng vào trong cung. Hoàng đế phán: "Trẫm là hoàng đế, trẫm muốn biết kiếp trước của mình đã có những loại hành nghiệp gì tạo thành phước báo mà nay được sanh ra làm hoàng đế?"

 

Quốc sư Chí Công do dự, không muốn nói điều này, nhưng nhà vua cố tình nài nỉ, Quốc sư bèn lắng đọng tâm mình trong giây lát, rồi trình tấu: “Thưa bệ hạ, trong một kiếp trước đây, bệ hạ là cậu con trai của hai vợ chồng nghèo. Cha mẹ của cậu này thiếu ăn, thiếu mặc. Vì vậy, mỗi ngày cậu phải đi lên các ngọn núi để thu nhặt củi khô mang về bán trong thị trấn. Cậu là đứa con hiếu thảo, thường hay cung dưỡng tiền bạc thức ăn, thuốc uống cho cha mẹ, bởi vì song thân cậu đều đã già và thường đau yếu. Cậu làm việc mỗi ngày, không hề xao lãng. Sống với thiên nhiên núi rừng yên tĩnh, cho nên tâm hồn cậu rất thanh khiết, đôn hậu.

Có một hang động nằm trên đường mòn dẫn lên núi, và ở trước hang là một tượng Phật bằng đá ngồi trơ vơ tự bao giờ. Mỗi khi cậu đi qua, liền dừng lại và cúi đầu lễ Phật rất thành kính. Ngay cả khi đang mang một bó cũi lớn, cậu cũng dừng lại, đặt bó cũi xuống và cúi lạy Phật thật sâu, trước khi quảy lên vai tiếp tục đường về.

 

Một ngày nọ, trong khi cậu đang gánh củi từ trên núi xuống, trời bắt đầu mưa to, cậu núp mưa trong hang và thấy tình trạng tượng Phật bên ngoài bị ướt lạnh, cậu tỏ ra rất buồn, và nghĩ: "Làm sao tôi có thể giúp Đức Phật khỏi mưa lạnh?" Sau đó, cậu lột chiếc mũ rộng vành đang đội trên đầu và đặt nó vào pho tượng để giữ cho Phật khỏi ướt. Ngày hôm sau, cậu đốn cây dựng thành túp lều nhỏ xung quanh pho tượng nhằm bảo vệ khỏi gió mưa, sương tuyết. Hành động này mang lại cho cậu rất nhiều phước lành, bởi vì việc làm tuy đơn giản nhưng bao nhiêu tâm lực chân thành của cậu ấy chỉ nghĩ đến phụng sự đức Phật và cha mẹ. Cho nên nhiều năm sau, khi cậu qua đời, cậu được tái sinh làm hoàng đế của đất nước Trung Hoa trong hiện tại chính là bệ hạ. Vì vậy, loại tâm này tạo nghiệp lành rất là quan trọng. "

 

Khi Lão Quốc sư Chí Công kể chuyện vừa xong, hoàng đế mỉm cười. Ông tỏ ra rất hạnh phúc. Hoàng hậu đang ngồi kế bên, và nghe được toàn bộ câu chuyện, bà cảm thấy không một chút ganh tị, hiểu rõ cội rễ đạo đức của chồng bà tốt đẹp, và mong muốn được biết thêm về hành nghiệp của mình. Bà nói:

–Thưa Thiền sư. Chẳng hay nghiệp kiếp trước đây của tôi là gì?

Thiền Sư do dự một lúc, và nói:

–Nạp Tăng không thể cho lệnh bà biết được.

–Tại sao không? Tôi muốn biết kia mà!

–Bởi vì cuộc sống quá khứ của Hoàng hậu rất phức tạp. Cho nên nạp Tăng không thể nói bất cứ điều gì.

Bà nói: “Không, không. Tôi muốn biết về kiếp trước của tôi. Xin hãy cho tôi biết với, Quốc sư!”

–Nhưng nạp Tăng  không thể. Thưa hoàng hậu.

Hoàng hậu vẫn nhất mực khăng khăng: “Xin vui lòng, kể cho tôi biết bất cứ điều gì. Bất kỳ loại ngôn từ nào dù xấu hay tốt chả sao cả.

 

Sau khi tạm dừng giây lát, Quốc sư nói:

–Thưa được, nếu lệnh bà không cố chấp, nạp Tăng sẽ cho bà biết. Tuy nhiên không nên tức giận, nếu hoàng hậu không thích nó. Còn như lệnh bà tức giận thì hậu quả khó lường. Trong đời quá khứ, lệnh bà là một loại côn trùng (worm) đã từng sống trong lòng đất ở phía trước hiên một ngôi chùa cổ tuyệt vời. Theo thời gian, con trùng này vươn lên khỏi mặt đất nằm dưới lớp cỏ để nghe chư tăng tụng kinh, lẫn tiếng mõ hồi chuông vang vọng mỗi ngày. Trong chùa có một nhà sư, giới luật tinh nghiêm, đạo cao, đức trọng, được mọi người tôn kính. Đời sống tu hành của ông  rất thanh bạch và giản dị, không bao giờ tạo ra một hành động xấu ác nào cả. Hàng ngày ông giữ gìn phong cách, oai nghi đĩnh đạc, ngay cả trong lúc đi đứng ngồi nằm. Một ngày nọ, ông ra ngoài cắt cỏ ở phía trước chùa với một lưỡi hái lớn. Ngay sau đó, trong chùa đến thời khóa công phu chiều, chuông trống cất vang lên và con trùng này thò đầu lên khỏi cỏ để nghe kinh. Bỗng dưng tiếng lưỡi hái “Soạt! Soạt!” cắt qua đám cỏ, khiến xén đầu con trùng. Khi Thiền sư thấy việc làm của mình vô tình phạm phải tội sát, nên ông rất khó chịu và cảm thấy ray rức trong lòng. Ông cúi đầu thật sâu, tụng chú vãng sanh và niệm danh hiệu “Nam mô A mi đà Phật” thật nhiều lần rồi đem nó đi chôn. Sau đó con trùng này được tái sinh làm một người phụ nữ và đã trở thành hoàng hậu. Chính là lệnh bà đây."

 

Hoàng hậu nghe qua tỏ ra không hài lòng, bèn nói:

– Tôi là một con trùng ư ?! Điều đó không phải. Thầy đang nói dối!

Quốc sư nói:

–Nếu lệnh bà không tin tôi, vậy thì tại sao bà không tự khám phá ra chính mình?

Hoàng hậu hỏi:

– Làm thế nào?

–Nếu lệnh bà thực hành thiền định mạnh mẽ, sẽ có thể cảm nhận nghiệp riêng qua cuộc sống của lệnh bà.

 

Hoàng hậu rất tức giận, bà quyết định làm việc đó, mục đích để chứng minh nhà sư này nói sai và xóa bỏ những lời nói tầm phào của ông. Hằng ngày đều đặn, bà thức dậy thật sớm và bắt đầu hành thiền. Đó là công việc tu tập rất khó khăn đối với một hoàng hậu. Một buổi sáng hôm nọ, bà đã có một bước đột phá –Bùm! - và nghiệp của bà trở nên rõ ràng. Bà thấy rằng vị Quốc sư vĩ đại đã không nói dối bà. Bà thầm nghĩ: "Thì ra trong cuộc sống quá khứ của mình, mình là một con trùng". Đó là sự thật, mỗi ngày mình nghe nhịp mõ, hồi chuông, tiếng trống, và âm thanh của các nhà sư tụng kinh. Rồi một ngày vị sư già tinh nghiêm giới luật, đi cắt cỏ lại vô tình giết mình và niệm Phật, chú nguyện vãng sanh cho mình. Đó dù là chỉ là một phần công đức nhỏ nhoi, nhưng mình vẫn trở thành hoàng hậu của vị hoàng đế đương triều trong cuộc đời này. " (*)

 

Vì vậy, nhân quả rất rõ ràng. Mọi người tụ tập ở đây làm một Thiền sinh rất tốt, chứng tỏ các vị đã từng gieo căn lành trong cuộc sống quá khứ của mình. Đó là lý do tại sao các vị đang có mặt hôm nay. Nếu các vị chỉ cần thực hành và không chấp giữ với những tình huống và điều kiện của các vị, hoặc những vấn đề mắc mướu, thì tất cả mọi người sẽ sớm được tỏ ngộ, trở thành Đại Bồ tát và cứu độ tất cả chúng sanh khỏi khổ đau. Đó là bản thể của công đức, và những gì đôi khi được gọi trong những tình huống khác. Đó là nghiệp lực.

 

Con chó có nghiệp con chó. Con mèo có nghiệp con mèo. Con rắn có nghiệp con rắn. Và con người có nghiệp của con người. Loài vật chỉ hiểu nghiệp của mình: một con chó chỉ sủa, và không tạo ra âm thanh con mèo. Ngoài ra, con chó không tham gia với những hành động của con mèo, và ngược lại. Động vật chỉ thể hiện hành động theo bản năng của chúng.

 

Nhưng con người có quá nhiều suy nghĩ, nhiều mưu tính, nhiều thủ đoạn, vì vậy họ tạo ra nhiều loại nghiệp khác nhau, đa số khá phức tạp, họ chấp giữ và phải chịu lãnh thọ những nghiệp đó. Cho nên họ không hiểu công việc chính xác của họ, vì vậy họ đánh nhau, giết nhau để có được quyền lợi, có được tiền của, có được danh tiếng, có được sức mạnh. Họ còn giết thú vật hàng loạt để cung cấp thực phẩm và niềm vui, khiến tạo ra bao ác nghiệp. Họ tàn phá thiên nhiên, gây ô nhiễm đất, nước, không khí và môi trường. Vì vậy, họ cần phải trở về với con người nguyên thủy của họ, sớm nhận ra bản lai diện mục chính mình, nơi không có cái tâm tôi–của tôi–thuộc về tôi. Cái tâm không tôi–của tôi–thuộc về tôi có nghĩa là vũ trụ và tôi không tách rời. Đây mới là nền tảng hòa bình thế giới.

 

Có ba loại nghiệp: Chánh nghiệp, ác nghiệp và thiện nghiệp. Chánh nghiệp là nghiệp Bồ Tát. Thiện nghiệp là thói quen tốt. Và ác nghiệp là thói quen xấu. Nghiệp chỉ là hành động của tâm, như lý tác ý. Nếu bạn đạt được tánh thể của nghiệp là “Không”, tức thì ác nghiệp của bạn sẽ giảm dần. Sau đó, bạn có thể sử dụng nghiệp của bạn để phụng sự và giúp đỡ những chúng sanh khác.

 

Thiền sinh chấp tay cung kính đãnh lễ và tỏ lời: “ Xin cảm ơn Sư phụ rất nhiều về việc giảng dạy quý báu này.”

 

 

---------------------

(*) Câu chuyện Thiền sư Sùng Sơn kể ở trên có phần khác biệt với câu chuyện tương truyền trong đề tựa Lương Hoàng Bảo Sám liên quan đến Lương Võ đế và Thiền sư Chí Công trích từ Đại tạng Kinh Phật giáo Bắc truyền. Người dịch xin soạn dịch lại để quý độc giả lãm tường:

 

Lương Võ đế (梁 武 帝) (463/464–549), tên húy là Tiêu Diễn (蕭衍), tự Thúc Đạt (叔達), tiểu tự Luyện Nhi (練兒), là vị hoàng đế khai quốc đời nhà Lương, thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Hoa. Ông là một vị vua Phật tử thuần thành, ăn chay trường, thụ giới Bồ tát rất sớm và ủng hộ Phật giáo khá đắc lực.

 

Ông cũng là một người hiểu biết uyên thâm, có đức, có tài, trước tác và diễn giảng về nội hàm Phật giáo lẫn ngoại điển Nho gia với những áng văn tuyệt tác. Ông thường chăm lo việc dân, việc nước, mở mang văn hóa, xây dựng trường học. Khuyến hóa con trai có đủ điều kiện, nhất là con nhà quý tộc phải chuyên cần học tập đến nơi đến chốn. Ông cho tổ chức mở các hội khoa thi định kỳ để kén chọn hiền tài. Ông cũng ham đọc sách thánh hiền, sáng tác thơ văn và bảo trợ cho các công trình nghệ thuật phát triển. Mặc dù triều đình lấy Nho giáo làm thước đo giá trị tư tưởng trong chốn quan trường, song ông một lòng tin theo Phật giáo và sống hạnh Nhân từ Liêm khiết. Ông đã ngăn cấm giết hại động vật để hiến tế thần linh và bỏ án lệnh tử hình. Do vậy ông có biệt danh là Hoàng đế Bồ Tát.

 

Trong thời gian trị vì, ông đã cho xây cất 72 ngôi chùa, cung dưỡng bốn món cần dùng là ăn, mặc, ở, bệnh, cho hơn 3.000 Tỳ- khưu Tăng đang tu học và soạn dịch kinh điển. Nhân một hôm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc, ngài được nhà vua mời vào cung yết kiến. Nhưng xét thấy không hợp với khế cơ, Tổ bèn sang Bắc Ngụy ẩn cư trong hang động gần chùa Thiếu Lâm suốt 9 năm. Lương Võ đế có bà ái phi tên là Hy Thị, được tôn làm hoàng hậu, tánh tình hiểm ác và rất ghét Sư tăng.

 

Vào thời đó, có Hòa thượng Chí Công, hiệu Bảo Chí là bậc đắc đạo, danh vang đồn khắp, Lương Võ đế rất mực cung kính, quý trọng, tôn ngài làm Quốc sư. Một hôm, nhà vua lên chùa vãng cảnh và thỉnh cầu Hòa thượng soi kiếp cho mình. Hòa thượng từ chối, nhưng nhà vua vẫn cố nài thỉnh. Hòa thượng Chí Công đành phải nễ tình mà nói ra và dặn đừng kể lại với ái phi.  Nhà vua hứa giữ lời.

Câu chuyện như sau: “Ngày xưa, có một anh tiều phu nhà nghèo, rất hiếu thảo với cha mẹ. Họ cùng sống chung dưới mái nhà tranh lụp xụp, nằm ẩn trong rừng sâu. Một hôm, anh vào rừng đốn củi, tình cờ gặp một ngôi chùa bỏ hoang, vách chùa vẫn còn đứng vững, nhưng mái thì hư sụp. Trên bàn thờ có bảy pho tượng Phật. Anh thấy Phật ngồi bị nắng dội mưa chang, bụi đất dính đầy, rất lấy làm thương cảm, bèn phát tâm mua bảy cái nón rơm để đội cho bảy tượng Phật.

 

Có lần anh vào núi, đến một tảng đá khá to nằm kề bóng cây râm mát bên dòng suối chảy trong veo. Anh để gói cơm trên đó và ung dung vào rừng đốn củi. Trưa anh gánh củi ra, xuống suối rửa mặt và tay chân rồi định lấy cơm ăn,  bỗng dưng gói cơm biến mất. Anh lại thấy cơm vung vãi, bèn lần theo dấu vết, bắt gặp bầy khỉ đang ăn cơm của mình. Vừa đói bụng, vừa tức giận, anh rượt theo bầy khỉ. Con khỉ đầu đàn bèn dẫn cả bầy khỉ chạy vào hang, anh liền lấy đá lấp kín miệng hang. Bầy khỉ không cách nào thoát ra được, chúng đều bị chết đói.”

Hòa thượng Chí Công kết luận: “Tiền thân của bệ hạ là anh tiều phu, nhờ phước cúng nón che đầu cho các tượng Phật mà được làm vua. Nhưng vì hại bầy khỉ chết đói, nên sau này bệ hạ sẽ phải bị quả báo chết đói trong cơn biến loạn.”

Nhà vua nghe xong không vui, nhưng lại thỉnh cầu Hòa thượng nói luôn về tiền thân của ái phi Hy Thị. Hòa thượng e ngại không muốn kể, nhưng nhà vua cố tình yêu cầu ngài Chí Công phải nói ra:

 

“Thuở xưa, có một ngôi chùa ở trên núi. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Hòa thượng Thiền sư tu đắc đạo, chư Tăng trong chùa cả thảy một trăm vị. Có thầy thủ tọa làm quản chúng.

 

Một hôm, Hòa thượng phải xuống núi có việc ở lại đêm. Thầy thủ tọa và chư tăng thức khuya nên ngủ trễ. Phía dưới lu nước bên hiên nhà phương trượng có con dế mèn, nhờ ở chùa lâu năm nghe kinh kệ nên nó có tánh linh. Cứ mỗi buổi khuya, đầu canh năm nó gáy vang. Tăng chúng ai nấy đều thức dậy hành lễ công phu khuya.

 

Hôm đó, đúng giờ nó gáy. Thầy thủ tọa không chịu thức dậy. Nó gáy đến lần thứ ba, thầy thủ tọa bực mình liền đứng lên lấy con dao tìm nó chặt vào lưng đứt làm hai khúc, rồi vào tiếp tục ngủ nữa.

 

Sáng hôm sau, Hòa thượng đi về, bước ra lu nước rửa mặt, thấy con dế bị chặt làm hai, kiến bu khắp thân mình, ngài liền kêu thị giả lấy bẹ chuối làm quách, lấy lụa đỏ quấn con dế lại chú nguyện rồi đem nó đi chôn. Hòa thượng dạy, “Con dế ở chùa lâu năm đã có tánh linh, biết gáy đúng giờ để đánh thức chúng tăng tụng kinh. Ai giết nó e khó tránh khỏi quả báo sau này.”

 

Hòa thượng Chí Công kết luận: “Tiền thân của tôi là thầy thủ tọa. Còn con dế là lệnh bà Hy thị, ái phi của bệ hạ. Vì vậy ái phi rất ghét tôi và chư tăng.”

 

Nhà vua nói: “Hèn chi, ái phi thường hay đau lưng và lúc nào cũng quấn miếng lụa đỏ ở quanh bụng.”

 

Hòa thượng Chí Công tâu: “Xin Hoàng thượng đừng nói cho ái phi biết chuyện này. Nếu biết thì oan trái sẽ tăng thêm.”

Chiều đó, vua hồi cung, lộ vẻ không vui. Hy Thị hỏi chuyện thì nhà vua nói tránh việc khác. Ái phi lại tiếp tục gạn hỏi. Nhà vua không giấu được, bèn thuật lại câu chuyện ngài Chí Công kể về tiền thân của vua và ái phi. Hi thị nghe qua nhưng cũng không nói gì.

 

Thời gian sau, bà ái phi nghĩ ra cách mưu hại Hòa thượng Chí Công bèn đứng ra tổ chức lễ Trai tăng tại cung vua, thỉnh Hòa thượng Chí Công chứng minh và toàn thể chư Tăng của chùa ngài cùng tham dự tròn đủ 100 vị. Bà bí mật làm bánh bao nhân thịt chó để cúng dường.

 

Hòa thượng Chí Công đã chứng đạo nên biết việc này, cũng cho làm 100 cái bánh bao chay, ra lệnh mỗi thầy giữ một cái bánh trong tay áo hậu. Đợi khi chứng trai, khéo léo đổi bánh để ăn và phải ăn cho hết, không chừa một cái nào. Lúc đó, trời hiện năm sắc mây lành, mọi người ra coi, không ai để ý, quý thầy thừa cơ lấy bánh bao chay trong tay áo ra đổi rồi ngồi ăn tự nhiên.

 

Sau lễ Trai tăng, Hy Thị nói với nhà vua rằng: “Bệ hạ bị gạt rồi. Lão Chí Công đã dựng chuyện, nói việc tiền thân để mắng xéo bệ hạ là hàng hạ tiện tiều phu, còn thiếp là loài súc sanh. Ông ta đâu có đắc đạo mà biết được tiền kiếp.”

 

Nhà vua hỏi: “Tại sao ái khanh biết?”

 

Hy Thị đáp: “Lễ trai tăng vừa rồi, thiếp cho làm bánh bao nhân thịt chó. Chư tăng và lão Chí Công đã ăn hết, có phải là phàm phu Tăng không? Nếu là Thánh Tăng thì tự biết, sẽ không ăn. Như vậy, chuyện tiền kiếp chỉ là bịa đặt, dối gạt bệ hạ mà thôi.”

 

Vua nghe nói nổi trận lôi đình, liền kéo một đội quân tinh nhuệ lên núi, tính giết chết Hòa thượng Chí Công và toàn thể chư Tăng trong chùa.

 

Hòa thượng Chí Công biết trước, nên ra đứng trước cổng tam quan chờ đợi. Nhà vua hầm hầm kéo quân đến, thấy Hòa thượng đứng giữa chắn đường. Vua hỏi: “Hòa thượng làm gì đứng đây?”

Hòa thượng đáp: “Tôi biết bệ hạ lên giết tôi, cho nên tôi đứng đây để cho bệ hạ giết, khỏi ô uế chốn già lam và cũng để cho bệ hạ nhẹ bớt tội.”

 

Nhà vua nghe qua bèn phán: “Nếu Hòa thượng biết được như thế, tại sao lại ăn bánh bao nhân thịt chó?”

Hòa thượng đáp: “Chúng tôi đâu có ăn. Mời bệ hạ vô chùa rồi sẽ rõ.”

 

Nhà vua truyền cho quân lính đứng bên ngoài, còn ông theo Hòa thượng Chí Công vào chùa, cả hai đi ra sau vườn. Hòa thượng bảo chú điệu lấy cuốc đào lên thì bánh bao nhân thịt chó vẫn còn nguyên 100 cái. Nhà vua biết được sự thật, xin sám hối Hòa thượng rồi hạ lệnh rút quân về.

 

Ái phi Hy Thị hại Hòa thượng Chí Công không được, đâm ra giận hờn bực tức mà sanh bạo bệnh rồi qua đời. Sau đó bị quả báo làm thân mãng xà nằm trên máng xối cung điện hoàng gia, chịu đói khát khổ cực, chỉ uống nước mưa sương và bị các loài côn trùng cắn rỉa đau đớn suốt đêm ngày.

 

Lương Võ đế nằm mộng biết được Hy Thị bị đọa làm thân rắn, nên đến thỉnh cầu Hòa thượng Chí Công chứng minh, hiệp với ngài Bảo Xướng cùng các vị Pháp sư khác soạn văn Lương Hoàng Bảo Sám. Sau đó nhà vua lập đàn cầu nguyện, đích thân ông hành lễ, thỉnh ngài Chí Công và 100 vị cao tăng, đại đức tụng kinh sám hối trong hai tuần. Đến cuốn thứ năm thì bà Hy Thị thoát khỏi thân rắn, sanh lên cung trời Đao Lợi, đứng giữa hư không từ tạ mọi người.”

Về sau cái chết của Lương Võ đế bị các sử gia sau này cho là ông đã phải trả giá khá đắt, do quan điểm quá khoan dung, nhân hậu, từ bi, ảnh hưởng của Phật Giáo. Khi về già, ông đã đối xử nương tay với các thành viên trong hoàng tộc, cũng như nạn hủ bại của các quan lại trong triều đình, mặc tình để họ tham ô, lạm quyền, bức hiếp dân lành, thủ lợi cá nhân, thiếu tinh thần cống hiến cho quốc gia đại sự. Bởi vậy, khi tướng Hầu Cảnh vốn là một bại tướng từ Đông Ngụy đến đầu hàng nhà Lương, được Võ đế phục chức trọng dụng. Tướng này sau đó lại tạo phản, nổi dậy đảo chánh nhà vua, trong khi Võ đế già yếu, mất hết quyền lực, bị thất sủng, không được quần chúng nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Vì thế Hầu Cảnh đã chiếm được kinh thành Kiến Khang, bắt giam và kiểm soát chặt chẽ Lương Võ đế cùng với Giản Văn đế, đẩy nhà Lương vào tình trạng hỗn loạn, giành ngôi, huynh đệ tương tàn. Lương Võ đế đã qua đời trong khi ông bị Hầu Cảnh bỏ đói cho đến chết trong ngục lạnh. Các sử gia không thấu triệt đạo lý Nhân quả, chẳng hiểu Hầu Cảnh có ẩn nghĩa chữ Hầu là khỉ, chính là hậu thân của con khỉ chúa trong đàn khỉ mà kiếp trước Lương Võ đế là anh chàng tiều phu lấp hang cho đàn khỉ chết đói. Ôi! Nhân quả rất rõ ràng! 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 10223)
Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy.
25 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11044)
"BÂY GIỜ ĐẠI THIỀN SƯ đã nhập diệt, chúng ta chỉ còn lại những câu chuyện. Và, may mắn thay, cuốn sách này là hiện thân như ngài còn sống, cho những ai chưa từng có cơ hội gặp được ngài. Qua các trang sách này, nếu bạn lưu tâm suy gẫm và để cho chúng thấm sâu vào tâm hồn bạn, bạn sẽ thực sự thấy ngài trong lời khai thị mà mình không thể bắt chước được và có lẽ quan trọng hơn nhiều, đó là niềm mong mỏi của ngài, bạn sẽ gặp lại chính mình."
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14325)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5922)
Người học Phật, trước tiên cần thấy tính. Thấy tính, không phải là nói về cái có thể nhìn thấy. Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy. Cho nên, nhìn thấy "cái thấy không thể thấy" thì chân tính sẽ hiện ra. Bản tính của cái thấy là vô sinh, nên "cái thấy sinh nẩy" là không có. Cũng không có sự thực hữu của tính, mà cái thấy chân thực thì không thay đổi, cho nên mới nói: thấy tính một cách chân thực.
01 Tháng Mười 2014(Xem: 13281)
Phương pháp của Thiền là cắt đứt con đường nói năng và dập tắt khung trời khái niệm trong đó ý thức cứ tiếp tục tư duy và đi tìm kiếm những ý niệm để cố gắng tìm hiểu thực tại (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Ngôn ngữ đạo đoạn là cắt đứt con đường ngôn ngữ. Tâm hành xứ diệt nghĩa là dập tắt vùng trời của sự suy tư bằng khái niệm, đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có-không, sanh-diệt,…
30 Tháng Chín 2014(Xem: 15364)
Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 9031)
Từ khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma qua trung quốc truyền tâm ấn đạo lý giác ngộ theo truyền thuyết thì sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền cho vị đệ tử kế thừa là ngài Thần Quang Huệ Khả bộ kinh Lăng-già tâm ấn. Nhưng phải chờ đến hơn ba trăm năm sau và qua sáu vị Tổ thì đạo giác ngộ mới nở hoa kết trái. Tuy nhiên hạt giống của Tổ Bồ-đề-đạt-ma gieo trên đất Trung Hoa là kinh Lăng-già nhưng nở hoa kết trái lại là kinh Kim cang. Tại sao lại có sừ sai biệt như vậy, dù rằng cả hai bộ kinh đều do Như Lai Thế Tôn thuyết giảng.
27 Tháng Chín 2014(Xem: 13252)
Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyệt vời. Tôi có nhiều cơ duyên với ngài... ngay cả từ thời rất là thơ trẻ, khi còn ở trong nước và khi chỉ mới đọc các bài báo sơ sài về ngài. Đất nước Tây Tạng và vị lãnh đạo này là một thế giới kỳ bí, không chỉ vì xa xôi cách biệt nhưng cũng vì niềm tin của dân tộc này rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
22 Tháng Chín 2014(Xem: 11771)
Quyển Lâm Tế Ngữ Lục song ngữ này được soạn thảo cho lớp Phật pháp tiếng Anh và cho giới trẻ người Việt học Phật. Đây là một phần việc trong chương trình giới thiệu những bản dịch hiện nay về văn bản Thiền cổ điển.
16 Tháng Chín 2014(Xem: 8763)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà.