Một Cảm Giác Đúng về Phương Hướng

27 Tháng Mười Một 201422:06(Xem: 5327)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt

Một Cảm Giác Đúng về Phương Hướng

 

Một Thiền sinh có lần thưa với Thiền sư Sùng Sơn:

 –Bạch thầy, con có một vấn đề là không nhận ra phương hướng. Bất cứ con đi nơi nào, con luôn bị lạc. Con không thể lái xe mà không cần hỏi đường và thậm chí sau đó thì mù tịt! Nó làm con bực bội, vì mỗi lần như vậy, bạn trai của con thường bông đùa về chuyện này, khiến con phải gượng cười, nhưng bên trong con rất là đau khổ. Vậy làm cách nào con có thể thay đổi được tâm trạng này?

 

Thiền sư trả lời:

–Được rồi, vấn đề này rất đơn giản, không có chi phức tạp. Trước tiên, cô phải hiểu được hướng đi chính xác là gì? Bất cứ lúc nào mà cô đang suy nghĩ, thì cô không thể nhận ra đúng hướng đâu là Đông–Tây–Nam–Bắc. Bởi vì nếu cô đang suy nghĩ và theo đuổi những suy nghĩ này, thì ngay cả khi cô tưởng chừng như mình định hướng đúng, nhưng thực sự lúc đó cô bị phân tâm, chạy theo những suy nghĩ, kiểm tra chính mình. "Ồ! Không phải theo hướng này. Có lẽ nên thử sang hướng đi khác…"  Loại tâm này, dù cho cô có nhìn vào bản đồ chỉ dẫn khá tốt, cô không thể tìm ra con đường đúng. Vì vậy, rất thú vị!

 

Trên thực tế, tất cả mọi người đã hiểu hướng mà họ đi. Tại mỗi thời điểm. Nó không phải là một cái gì đó mà cô đã học; mà nó là một cái gì đó cô đã từng biết. Gọi là trực giác.

 

Hãy nhìn vào thế giới động vật trong một thời điểm nào đó ta sẽ thấy tất cả chúng thường xuyên di chuyển qua lại từ nơi này sang nơi khác trong nhiều lần mỗi ngày. Đời sống động vật rất đơn giản: nếu một con vật không di chuyển, sau đó, nó sẽ chết, hoặc bị tách ra khỏi đàn, nó không được bảo vệ, không thể tìm thức ăn và như thế loài động vật khác sẽ bắt nó ăn thịt. Vì vậy, động vật liên tục di chuyển, và cuộc sống của chúng tùy thuộc vào môi trường như thế nào khi chúng di chuyển. Đôi khi chúng phải đi trong bóng đêm, hoặc bay hàng ngàn dặm để tìm nơi cư trú. Cô đã từng nghe nói về loại cá hồi bơi hàng trăm dặm để tìm nơi chúng được sinh ra, thậm chí bơi ngược lên những thác nước, vượt qua dòng chảy để đến đó. Chúng không bao giờ nghi ngờ phương hướng của chúng.

 

Khi con người nhìn vào tình huống này, họ nghĩ rằng, 'Ôi chao! Đó là một khả năng khá bí ẩn. Động vật là những thành phần rất ngu độn, làm thế nào chúng có thể thực hiện điều đó "Nhưng nếu cô nhìn kỹ vào động vật, cô có thể thấy lý do tại sao? Bởi vì chúng không có suy nghĩ, chúng chỉ cảm nhận. Khi chúng ngửi, nếm, hoặc cảm nhận một cái gì đó trên da, trên mùi mà chúng ngửi — có lẽ gió, hoặc một sự khua rung, chấn động, chúng chỉ cảm nhận điều đó, không có suy nghĩ. Nó rất dễ dàng!

 

Điều đó nói lên rằng, loài động vật hoàn toàn có thể trở thành hợp nhất với hoàn cảnh, môi trường, và những gì đang xảy ra với chúng. Chúng hoàn toàn tin vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chúng cảm nhận được một cái gì đó, không có sự tách biệt nào: chúng chỉ làm điều đó. Đối với một con vật, không có ngày hôm qua hay ngày mai, chỉ có cuộc sống trong giây phút hiện tại này.

Nhưng con người có quá nhiều suy nghĩ. Trên thực tế, họ có thể làm những điều tương tự như động vật. Tuy nhiên, tư duy con người tăng trưởng quá nhanh, và trở nên quá mạnh mẽ phức tạp. Do vì không được cân bằng với thời gian nghỉ ngơi đối với cuộc sống của họ, cho nên con người phụ thuộc vào suy nghĩ quá nhiều để tồn tại trong thế giới này. Suy nghĩ bản thân thì không tốt, không xấu. Nhưng nếu cô dính mắc vào một điều gì —thậm chí là một điều tốt, tức là cô có vấn đề.

 

Thay vì tin rằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, con người chỉ tin vào sự suy nghĩ của họ, và sau đó ôm giữ những suy nghĩ này để phán đoán, để kiểm tra mình và người khác. Điều này không tốt. Đó là lý do tại sao cô có thể thấy rằng một số người đã nghiên cứu quá nhiều sách vở, hoặc sử dụng bộ óc của họ hết mức, cho nên họ không thể có tầm nhìn xa thấy rộng những con đường chung quanh và bên ngoài họ.

 

Tuy nhiên, đối với những người giữ một tâm hồn tinh khiết và rõ ràng, giống như người nông dân mộc mạc chất phác, hoặc một người sống bình thường, không quá phức tạp, họ ắt có một cảm giác cho định hướng rất tốt. Họ chỉ nghe một số hướng dẫn về thời gian và Bùm!- Nó tạo ra một hình ảnh trong đầu. Hoặc họ hiểu các góc độ của ánh nắng mặt trời chiếu rọi, hoặc những luồng gió thổi khi họ di chuyển và quyết định theo hướng này.

 

Sau đó, khi họ đang lái xe hoặc đi bộ, họ có thể tìm thấy nơi này rất dễ dàng. Những người nông dân cảm nhận cơn mưa hoặc tuyết rơi trước một ngày khi nó xảy đến. Suy tư, thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm tất cả trở thành một. Không có ‘bên ngoài' không có 'bên trong,'. Tất cả mọi hiện tượng sự vật hoàn toàn trở thành một. Vì vậy, nếu cô muốn tìm ra hướng đi chính xác, cô phải quan sát một con vật. Cô có một con chó hoặc một con mèo không?

– Dạ vâng, con có một con chó, cô đệ tử trả lời.

            –Tốt! Con chó đó phải trở thành thầy giáo của cô! Ha ha ha! Chỉ cần quan sát con chó này, sau đó cô sẽ sớm hiểu được. Vâng, một số con chó có nghiệp thức khác nhau, nghĩa là suy nghĩ của chúng khác nhau. Cô biết tại sao chúng ta cho rằng con chó này rất thông minh, trong khi con chó kia lại quá ngu ngốc? Con chó ngu ngốc không thể thực hiện những điều tốt đẹp, khi đi lạc, nó mất phương hướng, hoặc phải mất một thời gian dài mới tìm được đường về. Bởi vì loài chó và một số động vật khác có rất ít suy nghĩ, chúng cũng có một số loại nghiệp cảm, vì vậy, chúng cũng mắc phải sự trở ngại. Có lẽ điều này nó bị ảnh hưởng từ cuộc sống với con người quá nhiều. Ha ha ha!

 

Nhưng nếu cô nhìn vào những con chó có trực giác bén nhạy, không có trở ngại về mắt, tai, mũi, hoặc lưỡi của chúng. Cho nên chúng có thể làm nhiều điều thú vị. Thậm chí chúng dẫn người mù đi rong ngoài đường.

 

Vì vậy, nếu cô muốn có một trực giác tốt về định hướng, cô phải thoát khỏi những suy nghĩ của mình, chỉ đi thẳng, không biết. Sau đó, cô có thể tin vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm mình. Cô có thể tin vào cuộc sống này. Đây là cách cô tìm đúng hướng về nhà của mình, Được chứ?


Thiền sinh cúi đầu đảnh lễ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Tư 2010(Xem: 31029)
11 Tháng Giêng 2010(Xem: 51791)