Đau Khổ Nhiều, Nguyện Lực Lớn

27 Tháng Mười Một 201422:08(Xem: 5160)
MUỐN TỎ NGỘ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN
Thiền sư Sùng Sơn Khai Thị Anh ngữ
Thích Giác Nguyên chuyển tiếng Việt

Đau Khổ Nhiều, Nguyện Lực Lớn

 

Có rất nhiều, rất nhiều trường hợp về Đại nguyện lực của Thiền sư Sùng Sơn. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động, trong ánh mắt của thầy cũng đều lộ ra lòng Từ bi hiền dịu. Tôi đã mở một số băng giảng của thầy bằng tiếng Hàn cho những người không hiểu tiếng Hàn. Họ có thể cảm thấy mức độ của sự cống hiến và nỗ lực của thầy rất thẳng thắn, đặc biệt là lòng Từ bi, qua giọng nói của thầy. Và người Hàn Quốc khi nghe băng tiếng Anh của thầy có thể cảm nhận nó hay hay.

 

Nhưng trong bất kỳ ngôn ngữ nào, thầy luôn luôn truyền tải nguyện lực lớn. Có một câu chuyện thể hiện điều tốt đẹp này: Một nữ bác sĩ người Hàn Quốc rất đáng kính mà tôi biết cô đã nhiều đêm không ngủ được, cô liên tục bị ám ảnh, quấy rối bởi những con quỷ khủng khiếp. Các con quỷ mà cô cho là có thực đến với cô không phải tưởng tượng. Thậm chí cô có thể nhìn thấy hình dáng chúng như một con người, bọn chúng đánh đập, hành hạ và có nhiều lần hãm hiếp cô. Cô bị tổn thương vật lý từ chúng. Tôi đã cố gắng đưa đến cho cô nhiều nhà tư vấn tâm lý để làm thế nào cho cô thực tập hóa giải nổi ám ảnh trong lòng, nhưng mọi người đành bất lực không thể giúp được gì. Cô ấy vô cùng đau khổ.

 

Sau đó một ngày, tôi đã mang cho cô một bộ băng giảng của Thiền sư Sùng Sơn tại Hàn Quốc có tựa là Vô Môn Quan (Cổng Không Cửa", một tuyển tập của bốn mươi tám Công án truyền thống). Nó được ghi lại trên một số băng cassette cách mười bảy năm về trước. Đây là những lời ghi chép sự giảng dạy của Thiền sư Sùng Sơn dựa trong một bộ phim thu hình, với chất giọng vui tươi khá mạnh mẽ. Tôi đã lắng đọng tâm tư để nghe những điều này, dường như người ta ghi âm sức Nguyện Lớn có tiếng vang như vậy. Tôi biết là cô bác sĩ này cũng thừa hiểu rằng cô không có thì giờ, hoặc năng lượng dành suốt một ngày dài, để chịu khó lắng nghe những gì mà người khác nói. Và tôi biết rằng cô sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến các Công án. Nhưng tôi hy vọng cô ấy chỉ cần nghe được tiếng nói của thầy, khi cô nằm trên giường bệnh. Cô bác sĩ nhìn tôi tỏ vẻ một chút tò mò khi tôi trao cho cô mấy cuộn băng cassette. Cô hỏi:

–Có phải đây là lời tụng kinh Phật không?

–Không, Tôi nói. "Đó chỉ là một số lời khuyên dạy của thầy tôi, biếu cho cô nghe.”

–Nhưng phải có một chút gì về âm nhạc trong đó mới được. Làm sao tôi phải lắng nghe những lời thuyết pháp khô khan trên giường? Thực sự bây giờ tôi không thể ngủ được.

 

Ngày hôm sau tôi nhận được điện thoại từ cô ấy:

– Này bạn ơi! Bạn có thể nghe điều này! Tôi vừa có được một giấc ngủ an lành của đêm đầu trong tuần! Không thấy ma quỷ xuất hiện! Không có ma quỷ xuất hiện nữa!

 

Cô ấy rất hạnh phúc, đây là lần đầu tiên, trải qua trong nhiều tháng giọng nói của cô không được tươi vui như hôm nay, nó rất tồi tệ  với bao nỗi lo âu phiền muộn. Cô nói tiếp:

–Tôi đã nghe băng thầy của bạn giảng, và giọng nói của ông rất rõ ràng, mạnh mẽ! Tôi thực sự không hiểu những gì ông nói, nhưng chỉ cần nghe chất giọng của ông làm tâm trí tôi rất

thoải mái và sáng suốt!

Lúc nào cũng vậy, hầu như bất kỳ cá nhân hoặc một nhóm nào đó, khi trưng bày bức ảnh của Thiền sư Sùng Sơn hoặc mở băng ghi âm những lời giảng của ngài, luôn luôn có thể cảm nhận một số năng lực định hướng vững chãi và sự cống hiến của ngài dẫn tới con đường phụng sự và cứu độ tất cả chúng sanh. Chúng ta có thể cảm thấy rất mạnh mẽ rằng nhân vật này đã mưu cầu hạnh phúc cho nhiều người, nhiều đời: chúng tôi gọi đây là Đại Nguyện Lực.

 

Dĩ nhiên, chúng tôi có nghe hầu hết những câu chuyện nói về Đại Nguyện của Thiền sư Sùng Sơn. Thực ra, tôi không tin bất cứ chuyện gì kể về thầy, đó không phải là phương thức về Đại nguyện, hoặc là một cuộc cổ vũ uy tín cho thầy. Nhưng trong rất nhiều, rất nhiều ví dụ về Đại nguyện của thầy mà chính tôi đã mắt thấy, tai nghe. Một trong những nổi bật đặc biệt đã tạo ra năng lực và ấn tượng tồn tại lâu dài trong tôi. Đó là vào lúc cuối đời, Thiền sư Sùng Sơn lâm cơn bệnh nặng, vô phương cứu chữa. Nhiều người trong chúng tôi tin rằng thầy đang ở cửa tử, chúng tôi không còn hy vọng gì thầy có thể quay về chùa Tổ đình Hoa Khê, nơi thầy trú trì ở vùng núi bên ngoài thủ đô Seoul, Nam Hàn. Một số người đang nói chuyện rất nghiêm túc, lo lắng cho sức khỏe tồi tệ của thầy nên sớm đưa về chùa và bàn tính việc lễ tang, họ yêu cầu phổ biến ​​rộng khắp.

Thiền sư Sùng Sơn đã phải nhập viện tại Seoul trong vài tháng vào cuối mùa Đông 2003 và đầu mùa Xuân năm 2004. Tuy thể xác đau buốt khôn xiết do bệnh tiểu đường biến chứng, nhưng ngài không chịu nằm lỳ trên giường bệnh. Ngài yêu cầu cứ chừng 5, 10 phút, thực hiện đi một vòng xung quanh sàn nhà, nơi phòng ngài ở chữa trị.

Mặc dù ngài có thể đi bộ, nhưng chúng tôi đã đẩy ngài đi trong một chiếc xe lăn để bảo vệ ngài khỏi mệt hoặc bị té ngã. Ngài muốn đi vòng quanh bệnh viện cho khuây khỏa, thậm chí cơn đau hành hạ làm cho ngài trong suốt những đêm dài mất ngủ. Nhiều đệ tử tỏ ra rất quan tâm và cảm thấy diễm phúc khi được đẩy chiếc xe lăn của ngài đi vòng quanh trong khu bệnh viện. Tuyến đường được tiếp nối và giống nhau mỗi lần như vậy. Nếu một người mới lạ, sẽ không quen thuộc với trình tự di chuyển này và kết thúc một đoạn dài trở lại phòng của ngài.

 

Thiền sư Sùng Sơn không bao giờ lầm lẫn trong việc ghi nhớ về những tuyến đường này. Chúng tôi theo dõi một thời gian mà thầy yêu cầu theo chu kỳ được lặp đi lặp lại rất chính xác. Tôi muốn thử nghiệm tâm thầy, ánh mắt của thầy luôn luôn tinh sáng trong lúc nằm viện lâu dài giữa không khí tẻ nhạt trống vắng. Vào một trong những đoạn vòng quanh này, tôi đã đi kèm bên thầy với Sư ni Đại Quán (Dae Kwan), một nữ đệ tử lớn đương kim trụ trì Thiền viện Tú Phong ở Hồng Kông. Thiền sư Sùng Sơn đã có một ngày đặc biệt rất khó nhọc, khi chúng tôi hộ tống thầy ra khỏi phòng, ngài bắt đầu nói lớn tiếng, khiến không ai có thể chịu đựng nổi: "Đau nhức quá! Đau lắm! Cơ thể của tôi bị đau nhức khủng khiếp!"

 

Nghe được điều này, Đại Quán cúi xuống và thưa với thầy:

–Kính bạch Sư phụ, xin vui lòng cho chúng con nỗi đau của Sư phụ. Chúng con muốn lấy nó đi.

 

Đó không phải một thách thức đấu Pháp, mà là nỗi buồn và sự quan tâm của Ni sư Đại Quán rất rõ ràng. Thể hiện cử chỉ đơn giản từ lòng thương kính của người đệ tử đối với thầy mình.

            –Nói gì? Thiền sư Sùng Sơn hỏi, và nghiêng đầu về phía cô ấy, rồi quay sang tôi.

Đại Quán lập lại:

–Con nói, xin thầy vui lòng ban nỗi đau của thầy cho chúng con: 50 phần trăm cho con và 50 phần trăm cho thầy Huyền Giác hiện có mặt ở đây! Xin thầy ban cho chúng con, nha thầy! "

 

Nhưng Thiền sư chỉ vẫy tay từ chối phớt lờ. Ngài nói:

–Không, không, không! Đây là biểu hiện nghiệp lực mà thầy phải trải nghiệm nỗi đau này. Không thể nào và không bao giờ san sẻ cho các con được, không ai có thể chịu thế cho ai, chỉ có riêng thầy gánh chịu thôi!

 

Nhưng Đại Quán không từ bỏ ý định dễ dàng như vậy, bèn thưa tiếp: “Dạ không, bạch thầy. Chúng con thật sự muốn lấy đi nỗi đau của Sư phụ!”

 

–Con không thể làm được chuyện đó. Thiền sư Sùng Sơn đáp. "Nỗi đau của thầy khá đắt!"

Tôi hỏi thầy:

“Bao nhiêu, thưa Sư phụ? Chúng con sẽ mua nó.”

–Nỗi đau của ta đắt lắm, Các con không thể mua được.

Đại Quán kề vào tai thầy và nói:

–Vậy thì, con sẽ bán Thiền viện Tú Phong, có được rất nhiều tiền, con sẽ kính biếu thầy. Sau đó, thầy trao cho chúng con nỗi đau của thầy được chứ!?

 

Nghe những lời này, Thiền sư Sùng Sơn chỉ giữ im lặng. Nhưng nó không phải là thiếu lời đáp trả. Khi một con hổ cúi thấp mình, sẵn sàng để tấn công, mặc dù nó có thể im lặng và hoàn toàn bất động. Chỉ có những ai thiếu hiểu biết sẽ mô tả điều này như thầy không còn linh mẫn hoạt dụng nữa. Vì vậy, Thiền sư vẫn im lặng, chiếc xe lăn tiếp tục di chuyển thêm vài ba bước nữa trên sàn bệnh viện sạch sẽ được trải thảm.

 

Đại Quán cuối cùng hỏi thầy:

–Nếu chúng con dâng cho thầy tất cả số tiền này, sau đó thầy sẽ làm gì với nó?

Thiền sư đáp: “Ta sẽ lấy số tiền của con, và thuê nhà làm một trung tâm Thiền rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau! Ha ha ha!!!”

Qua những lời này, tất cả chúng tôi phá lên cười. Ngay lúc đó, tự dưng thầy nói:

–Đó không phải là một hợp đồng kinh doanh tồi, phải không con?

Chúng tôi cười và cười và cười. Nhưng không phải hài hước, đó là những nụ cười nhẹ nhõm, thong dong, tinh khiết và sáng trong. Lúc đó tôi đã nghĩ: "Quau! Con mãnh hổ đã không quên công việc của mình!”

 

Cùng đêm đó, trở lại chùa, khi tôi nằm trên giường chờ giấc ngủ đến, ghi nhớ lại lời Pháp thoại tốt đẹp này mà chính tôi đã nghe, do một bậc lão sư, một đại thiền sư là thầy tôi, từ trên chiếc xe lăn của ngài. Những giọt lệ trào ra trong khóe mắt tôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn