Tìm hiểu Tôn giả Tịch Thiên

01 Tháng Tư 201503:31(Xem: 5639)
TÌM HIỂU TÔN GIẢ TỊCH THIÊN
Phạm Chánh Cần


Tim-hieu-Ton-Gia-Tich-ThienNgài Tịch Thiên (Shantideva) là một trong những vị luận sư lỗi lạc nhất của thời kỳ sau trong quá trình phát triển tông phái Đại thừa, tác giả của bộ luận quan trọng là Nhập Bồ-tát hạnh. Trong Đại tập Lý giải Chính yếu (Mahavyutpatti), tên ngài được xếp chung trong một danh sách có những vị luận sư lỗi lạc tiền bối như Long Thọ (Nagarjuna), Thắng Thiên(Aryadeva), Nguyệt Xứng (Candrakirti), Thanh Biện(Bhavaviveka) và Phật-đà-bạt-la (Buddhabhadra). Tuy nhiên, niên đại chính xác về cuộc đời ngài hầu như không được biết. Một số bằng chứng lịch sử cho thấy hẳn là ngài đã xuất hiện trong nhân gian vào khoảng giữa nửa sau thế kỷ thứ sáu và nửa đầu thế kỷ thứ bảy Tây lịch; theo một tư liệu thì ngài sinh vào khoảng năm 685 và mất vào năm 763, thời kỳ mà Đại thừa Phật giáo đã trở thành tinh thần và nguồn gợi hứng chính yếu cho mọi hoạt động văn hóa của Phật giáo Ấn Độ.

Những mô tả sớm nhất về cuộc đời ngài được tìm thấy ở ba nguồn: Lịch sử Phật giáo Ấn Độ (History of Buddhism in India) của Taranatha1, mà người ta tin rằng đã được viết vào năm 1608; Lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng(History of Buddhism in India and Tibet) của Bố-đốn (Bu-ston)được viết trong khoảng từ 1322 đến 1333; và một bản mô tả được tìm thấy trong một bản viết tay bằng ngôn ngữ Sanskrit có niên đại khoảng thế kỷ 14 đã được Haraprasad Sastri3 cho xuất bản vào năm 1913. Căn cứ vào các niên đại được nêu thì tài liệu của Bố-đốn là tài liệu có mặt sớm nhất liên quan đến tiểu sử của ngài Tịch Thiên. Tuy nhiên, theo Jan Willem de Jong4 thì văn bản bằng tiếng Sanskrit do Sastri xuất bản có nhiều điểm tương đồng với phần đầu của một bản luận giải tác phẩm Nhập bồ-đề hành luận(Bodhicaryavatara) có tựa là Visesadyotani thuộc Luận tạng của Phật giáo Tây Tạng. Vibhuticandra5, vị tác giả nổi tiếng của tập luận này, được cho rằng đã sống trong khoảng từ cuối thế kỷ 12 hay đầu thế kỷ 13. Như vậy, nếu quan điểm của de Jong là chính xác thì văn bản bằng Tạng ngữ của Vibhuticandra và bản viết tay được Sastri ấn hành dẫn chiếu cùng một văn bản gốc, cho nên nội dung thánh sử tìm thấy trong bản văn do Sastri ấn hành chính là mô tả sớm nhất mà chúng ta có về cuộc đời của ngài Tịch Thiên.

Căn cứ vào bản thánh sử này, Tịch Thiên là thái tử con của một vị vua tên là Manjuvarman cai trị vương quốc Saurashtra, nay thuộc Gujarat, một bang ở Tây Ấn Độ nằm trên bờ biển Ả Rập (Arabian Sea). Đêm trước buổi lễ quán đảnh để được truyền ngôi, ngài Tịch Thiên đã bị mẹ mình (người mà theo Taranatha thì chính là Đa-la Bồ- tát) rưới nước nóng lên đầu, cảnh báo rằng ngài sẽ phải chịu đựng nhiều đau khổ hơn thế nếu tiếp nhận ngôi vị quốc vương. Thuyết phục con từ bỏ ngôi vua bằng cách ấy, mẹ ngài đã cứu ngài ra khỏi những ác hạnh của cuộc sống thế tục. Bà còn khuyên con mình nên tới Bhamgala để nhận được phúc lành từ bậc ẩn sĩ Manjuvajra (Văn- thù Kim Cang), và ngay trong đêm đó chàng thanh niên Shantideva lập tức nhảy lên lưng một con ngựa xanh để đi tìm vị thầy được mẹ mình mách bảo. Sau nhiều ngày tìm kiếm không ăn không uống, một hôm Tịch Thiên gặp một thiếu nữ chặn con ngựa mà ngài đang cỡi lại, bảo ngài xuống ngựa rồi dâng thực phẩm và nước uống cho ngài; sau đó lại hướng dẫn để ngài đến gặp được vị thầy Văn-thù Kim Cang mà ngài đang tìm kiếm. Tịch Thiên được ở lại với thầy và học tập tại đó suốt mười hai năm cho đến khi ngài có được khả năng nhìn thấy Bồ- tát Văn-thù-sư-lợi. Sau khi ngài thành tựu đạo nghiệp, vị thầy sai ngài đến Madhyadesa. Tại đây Tịch Thiên lấy tên là Acalasena và vào phục vụ cho nhà vua. Ngài luôn luôn đeo bên mình một thanh kiếm gỗ giấu trong một cái vỏ, thanh kiếm được coi là tượng trưng cho trí tuệ của Bồ- tát Văn-thù-sư-lợi, vị thần hộ vệ ngài. Khi đã trở thành một vị đại thần tin cẩn, Acalasena bị những kẻ đồng liêu ghen tỵ và tìm cách gạt ngài ra khỏi triều đình. Họ nói với nhà vua xứ đó, “Vị đại quan Acalasena này phục vụ đại vương bằng một thanh kiếm gỗ. Làm sao ông ta có thể diệt kẻ thù khi có chiến tranh? Ngài cần phải kiểm tra thanh gươm đó”. Tâm nghi bị khuấy động, nhà vua liền ra lệnh kiểm tra vũ khí của tất cả các vị cận thần; nhưng khi đến lượt Acalasena phải giao thanh gươm của mình ra để được kiểm tra, ngài từ chối và nói, “Đại vương không thể nhìn thấy thanh gươm của thần”. Tất nhiên nhà vua kiên quyết đòi kiểm tra.

Cuối cùng Acalasena chiều theo ý của nhà vua nhưng với điều kiện nhà vua phải dùng tay che một mắt của mình lại. Khi nhà vua nhìn thấy thanh kiếm, ánh sáng rực rỡ phát ra từ thanh kiếm đã làm rớt tròng mắt của con mắt không được che của ông ta. Nhà vua không chỉ ngạc nhiên, nhưng vì tò mò, còn tỏ ra hài lòng về sự biểu diễn thần lực đó. Theo mô tả của Bố-đốn, nhà vua có ấn tượng quá mạnh về một tài năng như thế đến nỗi ông nài nỉ Acalasena ở lại nhưng Acalasena lập tức rời khỏi vương quốc rồi đến gia nhập Học viện Phật giáo Nalanda. Ở đây, cái tên Shantideva có nghĩa là Tịch Thiên bắt đầu gắn với tôn giả vì ngài luôn luôn ở trong một trạng thái tịch lặng cao độ. Tôn giả Tịch Thiên nghiên cứu kinh điển và tu tập thiền định miên mật trong mọi hành động, và vì ngài không làm một việc gì khác ngoài học tập và thiền định, chư Tăng tại Học viện Nalanda đặt cho ngài một biệt danh nữa là Bhusuku. Bhu lấy từ động từ bhukta có nghĩa là ăn, su lấy từ động từ susta có nghĩa là ngủ và ku lấy từ động từ kuchiwa có nghĩa là đi dạo; hàm ý Santideva chẳng làm gì khác ngoài việc ăn, ngủ và… bước vào nhà vệ sinh! Sau một thời gian, có một số vị tu sĩ tại Nalanda muốn kiểm tra kiến thức của Tịch Thiên. Họ quyết định là sẽ trắc nghiệm ngài trong thời gian tụng đọc kinh điển hàng năm của cộng đồng Tăng sĩ tại đây. Theo mô tả của bản văn bằng Tạng ngữ, trong một cố gắng làm nhục Tịch Thiên, một tòa sư tử đã được dựng sẵn tại nơi mà Tịch Thiên sẽ giảng thuyết, rất cao đến nỗi rõ ràng một người bình thường khó có thể leo lên được. Nhưng Tôn giả Tịch Thiên dễ dàng khởi thân lên ngồi vững chãi trên tòa sư tử rồi hỏi các vị tu sĩ lúc ấy đã tụ tập đầy đủ, “Tôi đã biên soạn ba bộ luận, đó là Sutrasamuccaya (Tập kinh luận hay Đại thừa thật yếu nghĩa luận), Siksacamuccaya (Tập học luận haĐại thừa tập Bồ-tát học luận), và Bodhicaryavatara (Nhập Bồ-tát hạnh hay Nhập Bồ-đề hành luận). Nhưng các ngài muốn tôi trình bày những gì đã được các nhà tiên tri nói tới (ý nói những gì đã cũ) hay những điều theo như những gì họ vừa mới nói (ý nói những gì mới mẻ hơn)?”. Ngạc nhiên, hội chúng yêu cầu ngài trình bày những gì mới mẻ. Tịch Thiên bắt đầu trình bày về Nhập Bồ-đề hành luận. Khi ngài tụng đến đoạn kệ được coi là thể hiện tinh yếu của tư tưởng Trung Quán, “Khi cái có, cái không / Không còn khởi trong tâm / Thì đâu còn cái gì / Có thể khởi lên nữa / Và tâm thật thanh tịnh” thì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi xuất hiện giữa không trung ngay trên đầu Tịch Thiên, rồi vị Bồ-tát cùng bậc luận sư vừa được phát hiện từ từ biến mất khỏi tầm nhìn của mọi người. Theo mô tả của Bố- đốn thì mặc dù vậy, tiếng đọc tụng của Tôn giả Tịch Thiên tiếp tục vang vọng. Không còn trông thấy ngài, chúng Tăng hối hận quay trở lại liêu của ngài và phát hiện ba bộ luận trong liêu. Chư Tăng đã phổ biến các bộ luận của ngài cho thế gian như một sự chuộc lỗi đối với việc thử thách ngài.

Chi tiết và sự chính xác về mặt thứ tự thời gian có chút ít khác biệt giữa ba phiên bản của thiên huyền thoại này, nhưng cả ba phiên bản đều thống nhất về những điểm chính: rằng Shantideva là một vị thái tử đã tử bỏ ngôi báu, rằng ngài đến thụ giáo ở vị ẩn sĩ Văn-thù Kim Cang đến khi nhìn thấy được sự xuất hiện của Bồ-tát Văn-thù- sư-lợi, rằng ngài có phục vụ một thời gian trong triều đình của một vị vua, và rằng ngài đã bị coi như một tu sĩ tầm thường cho đến khi xảy ra cuộc thử thách đầy ấn tượng để chứng minh tài năng của ngài qua việc tụng đọc tác phẩm Nhập Bồ-đề hành luận. Ngoài việc cho mọi người biết rằng Shantideva là một vị tu sĩ ở miền Nam Ấn, theo Đại thừa và ít nhất đã có một thời gian sống tại tu viện Nalanda, những truyền thuyết không hé lộ gì nhiều về lịch sử của ngài.

Có một phiên bản khác về tiểu sử của Tịch Thiên được ghi nhận trong tác phẩm Drops of Nectar (Những giọt cam lồ), cũng là một bản luận giải tác phẩm Nhập Bồ-đề hành luận do một vị đại sư Tây Tạng là Khenpo Kunpal6 (1872- 1943) viết, dựa trên những lời dạy của vị thầy của mình là ngài Patrul Rinpoche7 (1808-1887). Theo bản văn này thì phụ thân của Santideva là vua Kalyanavarnam và khi mới ra đời vào khoảng năm 685 thì Santideva có tên là Shantivarnam. Khi còn trẻ, ngài đã có những hành động của một vị Bồ-tát và rất tin tưởng vào giáo pháp Đại thừa vốn thịnh hành ở Nam Ấn vào lúc ấy. Ngài luôn giữ thái độ kính trọng đối với những bậc thầy và học tập hết sức chuyên cần. Ngài giúp đỡ nhiều vị đại thần của vua cha. Ngài có lòng từ đối với những người nghèo khổ, những kẻ bệnh hoạn và những người chậm lụt, luôn tìm cách giúp đỡ và bảo vệ họ. Ngài cũng đã trở thành một bậc thông tuệ về nhiều ngành nghệ thuật và khoa học. Cũng trong thời còn trẻ, ngài đã gặp được một vị hành giả du phương giảng cho ngài về Tikshna Manjushri Sadhana, một loại nghi quỹ để đạt tới trí tuệ như của ngài Văn-thù; thông qua việc thực hành nghi quỹ này, ngài đã thiết lập được một sự nối kết chặt chẽ với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và đạt tới một trạng thái nhận thức sâu sắc về giáo pháp.

Khi nhà vua là phụ thân của Tôn giả Shantideva qua đời, các đại thần trong triều muốn tôn ngài lên làm vua, đã chuẩn bị một cái ngai thật lớn và sửa soạn mọi chi tiết cho một cuộc lễ đăng quang. Đêm trước lễ đăng quang, Shantideva nằm mơ thấy chính Bồ-tát Văn-thù- sư-lợi ngồi trên chiếc ngai đó mà nói với ngài rằng, “Này con, đây là chỗ ngồi của ta và ta là thầy của con.Làm sao mà cả ta và con có thể ngồi trên cùng một chỗ được?”. Shantideva diễn giải ý nghĩa của giấc mơ đó là Bồ-tát Văn-thù không muốn mình làm vua. Hôm sau, Shantideva rời bỏ quốc độ, tìm đến tu viện Nalanda rồi xin xuất gia dưới sự bảo trợ của vị thủ tọa lúc ấy là ngài Jayadeva. Cái tên Shantideva của ngài có từ lúc ấy.

Sinh hoạt của ngài tại Nalanda và cuộc thử thách của chư Tăng dẫn đến việc ngài biến mất cùng Bồ-tát Văn-thù sau khi ngài đọc tụng tác phẩm Nhập Bồ-đề hành luận cũng giống như được mô tả ở các phiên bản cũ. Chi tiết khác là ngài Tịch Thiên chỉ đọc tới bài kệ thứ 34 của chương thứ chín trong tập Nhập Bồ-đề hành luận thì ngài đã biến mất cùng Đức Văn-thù-sư-lợi. Các học giả ở Nalanda với trí nhớ tuyệt vời của họ đã cố gắng nhớ lại toàn bộ lời tụng đọc của Shantideva rồi viết ra; nhưng khi so sánh những bản ghi chép của nhau, các ngài thấy có hai quan điểm khác biệt. Một nhóm cho rằng tập luận có chín chương với bảy trăm bài kệ. Nhóm khác cho rằng tập luận có tất cả mười chương với một ngàn bài kệ. Thêm nữa, không ai biết gì về nội dung của hai tập luận khác mà ngài Shantideva có đề cập. Các học giả ở Nalanda đã quyết định tìm kiếm Shantideva; và sau một thời gian, cuối cùng họ thấy ngài có mặt tại ngôi tháp Shridakshina ở miền Nam. Họ mời Shantideva trở lại giảng dạy ở Nalanda nhưng ngài từ chối. Tuy nhiên, ngài đã giải quyết những ý kiến khác biệt về tác phẩm Nhập Bồ-đề hành luận, khẳng định tập luận có mười chương với một ngàn bài kệ. Ngài cũng chỉ cho họ chỗ ngài giấu hai bản luận còn lại.

Nói chung, như trong hầu hết các bản thánh sử về cuộc đời những bậc thánh tăng Phật giáo, về truyền thuyết liên quan đến Shantideva người ta có thể thấy những chủ đề xuyên suốt mang tính đặc trưng được lặp đi lặp lại; chẳng hạn, việc Shantideva bị coi thường trước khi phải tiết lộ thân phận trong một hoàn cảnh đầy kịch tính; việc Shantideva từ bỏ ngai vị vua chúa để tìm giải thoát, việc có một người phụ nữ giúp Shantideva từ bỏ con đường khổ hạnh bằng cách dâng nước và thực phẩm. Tìm hiểu các tác phẩm của Tịch Thiên, người ta thấy ngài rất sùng mộ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, vị Bồ-tát tượng trưng cho trí tuệ. Đặc tính của những tác phẩm được coi là của Tịch Thiên cho thấy ngài vừa là một học giả uyên bác quen thuộc với một phần quan trọng của những tác phẩm kinh điển hình thành tư tưởng Đại thừa vừa là một nhà thơ hùng biện và mẫn cảm, xứng đáng là vị đã soạn thảo những công trình có giá trị lâu dài trong nền văn học Phật giáo. ■

Tài liệu tham khảo:

Moral Theory in Santideva’s Siksasamuccaya (Lý thuyết Đạo đức trong Tập học luận của Tôn giả Tịch Thiên), Barbra R. Clayton, Oxford Centre for Buddhist Studies, Routledge Publisher, 2006.

A Biography of Shantideva, Rigpa Shedra (http://www. rigpawiki.org).
(TC. Văn Hóa Phật Giáo)
BÀI ĐỌC THÊM:
Những khía cạnh đạo đức trong Nhập Bồ-đề hành luận của Tịch Thiên
Nhập Hạnh Bồ Tát
Nhập Bồ Tát Hạnh (Thích Nữ Trí Hải dịch)

Bồ Tát Hạnh (Thích Trí Siêu)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Bảy 2015(Xem: 5018)
Việc nghiên cứu về lịch sử khám phá rằng thực hành Dolgyal, là thực hành có ngụ ý bè phái mạnh mẽ, có lịch sử kết hợp với một xu thế bè phái không hòa hợp trong những thành phần, và giữa các cộng đồng khác nhau của Tây Tạng.
12 Tháng Năm 2015(Xem: 5099)
12 Tháng Năm 2015(Xem: 8690)
Để làm cuộc đời ta đầy ý nghĩa, ta cần một thực hành tâm linh. Trước hết, tôi sẽ đưa ra lời khuyên cho những ai không theo bất kỳ con đường tâm linh nào, sau đó cho những người đang ở trên con đường tu tập.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 8601)
Trong Phật giáo Mật tông Tây tạng có nhiều pháp môn tu tập để đưa hành giả đến Tự chứng ngộ Phật tánh của mình. Được xếp hàng cao nhất trong tất cả các pháp môn đó là Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) của phái Khẩu Truyền (Kargyu) và Đại Hoàn Thiện (Dzogchen hay Ati-yoga) của phái Cổ Mật (Nyingma).
02 Tháng Năm 2015(Xem: 11237)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.
22 Tháng Tư 2015(Xem: 5493)
Pháp Luyện Tâm, hay lojong (blo sbyong), theo nguyên văn có nghĩa là “luyện tập hay tịnh hóa tâm”. Nó đề cập đến các pháp thiền quán mà ta áp dụng để tịnh hóa tâm, cũng như loại sách diễn tả những pháp tu này.
05 Tháng Tư 2015(Xem: 6051)
Mật thừa, theo ngài Tsong Khapa, là đạo lộ dành cho những hành giả có căn tánh Đại thừa thù thắng, do lòng đại bi muốn mau lẹ thành Phật độ thoát chúng sanh nên phát tâm dấn thân vào đạo lộ tu tập phương tiện viên mãn thâm sâu này. Dòng truyền thừa Mật pháp được truyền từ Ấn độ đến Nepal, Tây tạng, Trung quốc, rồi từ những quốc gia này kiện toàn thành những tông phái và truyền sang các quốc gia khác như Đại hàn, Mông cổ, Nhật bản, Việt nam, v.v…
04 Tháng Tư 2015(Xem: 7629)
Thượng sư Tsong Khapa, trong cuộc đời hoằng pháp, đã sáng tác nhiều tác phẩm rất giá trị, thế nhưng trong tất cả những sáng tác đó, chỉ có hai tác phẩm tiêu biểu được xem là vĩ đại nhất: