Giới thiệu mật tông tu đạo

05 Tháng Tư 201502:50(Xem: 6047)

GIỚI THIỆU MẬT TÔNG TU ĐẠO

Thích Pháp Quang

 

Je TsongkhapaMật thừa, theo ngài Tsong Khapa, là đạo lộ dành cho những hành giả có căn tánh Đại thừa thù thắng, do lòng đại bi muốn mau lẹ thành Phật độ thoát chúng sanh nên phát tâm dấn thân vào đạo lộ tu tập phương tiện viên mãn thâm sâu này. Dòng truyền thừa Mật pháp được truyền từ Ấn độ đến Nepal, Tây tạng, Trung quốc, rồi từ những quốc gia này kiện toàn thành những tông phái và truyền sang các quốc gia khác như Đại hàn, Mông cổ, Nhật bản, Việt nam, v.v…

Lúc đầu, sự hoằng pháp của các Đại sư Mật thừa chỉ xoay quanh các bộ pháp y cứ nơi Mật kinh, hay khẩu truyền từ các tổ sư, đặt nặng sự hộ trì Bồ tát giới và Tam muội da giới, quán tưởng Đàn tràng thánh tôn, trì chú, kết ấn, hầu thành tựu thân khẩu ý đức nghiệp thanh tịnh của Bổn tôn mà hành giả nương tựa, tự lợi, lợi tha, cứu độ hữu tình. Giáo lý thì cực kỳ cô đọng, khó hiểu, mà lại không công truyền cho đại chúng, cho nên số người tin hiểu rất ít, và thường bị nhận lầm là mê tín, ngoại đạo pháp, tà pháp, v.v…

Ngay những hành giả đang hành trì Mật pháp, nếu không có đại trí tuệ, hoặc được thắng duyên gần gũi một bậc Kim cang sư thắng giải viên mãn thì cũng mù tịt nơi giáo lý, pháp tu và thường lạc vào pháp ngoại đạo. Không được giải thoát tự tại mà lẩn quẩn trong sanh tử luân hồi, uổng mất thân người quý báu.

Để hiển dương sự thắng diệu, toàn thiện của Mật pháp đối với các pháp môn khác của Phật giáo, và hơn nữa, để giải thích, phân loại và hướng dẫn hệ thống Mật pháp, ngài Tsong Khapa (1357-1419) thuộc Tân mật phái (Kadam), sau khi đã biên soạn Lam Rim Chen Mo (Đại thừa Tu Đạo Thứ Đệ Đại Luận), đã căn cứ vào các kinh điển, luận giải, khẩu truyền của các Kim cang sư Tây tạng và Ấn độ để biên soạn thêm Sngags Rim Chen Mo (Mật Tông Đạo Thứ Đệ Đại Luận), với mục đích phá mê, khai ngộ, trừ tà, hiển chánh, thành lập hệ thống mạch lạc cho Mật pháp. Ngài tập hợp các kinh điển và pháp tu của các dòng Cổ mật (Nyingma), Hồng mạo (Sakya), Hắc mạo (Karma) và Tân mật (Kadam), lấy các tinh túy thù diệu chung, sắp xếp thành đạo lộ viên mãn, tường tận, thích hợp cho hành giả Mật pháp, hệ thống hóa Mật thừa, chỉ bày chân pháp, vạch các lỗi lầm sai sót, làm sáng tỏ giáo lý và phương tiện hành trì của Mật tông. Đây là một đại luận có một không hai dành riêng cho Kim cang thừa, nhất là cho các hành giả xứ Tây tạng, và cũng là phương tiện hổ trợ cho người tu Mật ở các quốc gia khác như Mông cổ, Nepal, Nhật bản, Việt nam, v.v…

Ngài Tsong Khapa bắt đầu Đại luận bằng sự phán giáo, phân định sự ưu liệt và nguyên nhân tuyên thuyết giáo pháp của Đức Phật. Sau khi đả phá giáo lý mâu thuẫn, hạ liệt (chưa thoát khỏi sanh tử) của ngoại đạo, ngài căn cứ vào mục tiêu phát tâm và pháp tu mà phân loại Phật pháp.

Về phương diện mục tiêu lớn nhỏ, ngài chia Phật pháp thành hai thừa: (1) Tiểu thừa dành cho những hành giả căn tánh hạ liệt, tìm cầu mục tiêu nhỏ, chỉ mong giải thoát phiền não khổ đau sanh tử cho tự thân, và (2) Đại thừa dành cho những hành giả căn tánh thù thắng, mong cầu thành Phật vô thượng, độ tận chúng sanh.

Về phương pháp tu tập để giải thoát chuyển phàm thành thánh, ngài căn cứ vào giáo pháp của chư Phật mà chia làm bốn thừa: (1) Thanh văn thừa dùng phương tiện Tứ đế để đạt quả giải thoát A la hán; (2) Duyên giác thừa dùng phương tiện Thập nhị nhân duyên để đạt quả giải thoát Bích chi phật; (3) Bồ tát thừa dùng phương tiện Thập ba la mật để đạt Phật quả, giải thoát chúng sanh; và (4) Mật thừa dùng phương tiện mật chú để mau lẹ viên mãn Phật quả vô thượng, giải thoát, lợi lạc hữu tình.

Tuy phương tiện tu tập thành thánh của các thừa có sai khác, nhưng mục đích vẫn là đạt được trí vô ngã (nói hẹp), hoặc thông đạt không tánh của vạn pháp (nói rộng), vì đây là quả chung để giải thoát phiền não khổ đau sinh tử luân hồi. Ngài Tsong Khapa dùng lý luận biện biệt rất rõ vô ngã đúng nghĩa và vô ngã tương tự của Kinh bộ (Sauntrika) và Tỳ bà sa bộ (Hữu bộ, Vaibhasika) thuộc Tiểu thừa, và của một số bộ phái Đại thừa.

Do tâm chúng sanh sai biệt mà Phật thuyết các pháp tương ứng thích hợp cho từng căn tánh, rồi theo thời tiết nhân duyên đúng lúc đưa họ đến quả vị Vô thượng Bồ đề, như Pháp Hoa Kinh đã dạy “Phật chỉ nói Nhất thừa.” Trên cứu cánh, Phật quả là cái mà Đức Từ Phụ Mâu Ni đã chứng đắc và muốn trao truyền phương tiện đó lại cho tất cả chúng sanh, bằng cách:

(1) Hoặc ngài giáo hóa chúng sanh phát Bồ đề tâm, tu nhân Bồ tát hạnh thập ba la mật, trải qua ba a tăng kỳ và một trăm đại kiếp, tuần tự viên mãn công đức và trí tuệ, vượt qua năm mươi quả vị hiền thánh, thành tựu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, sau đó lên ngôi nhất sanh bổ xứ thành Phật, đầy đủ năng lực độ tận quần sanh. Pháp này nếu nhìn theo phương diện “nhân” thì gọi là Ba la mật thừa, nếu nhìn theo phương diện người phát tâm thì gọi là Bồ tát thừa, và nếu nhìn trên phương diện gánh vác sự nghiệp độ tận chúng sanh thì gọi là Đại thừa.

(2) Hoặc ngài giáo hóa chúng sanh phát Bồ đề tâm và tam muội da, tu tập quả sắc thân Phật, ngữ ngôn Phật, kim cang tâm Phật, sự nghiệp Phật, quốc độ và quyến thuộc Phật, có thể ngay trong một đời hiện chứng đầy đủ Phật quả, mọi trang nghiêm và trí tuệ độ sanh. Pháp này vì phương diện gánh vác rộng lớn nên vẫn được gọi là Đại thừa; phương tiện tu tập là các quả của Như lai nên gọi là Quả thừa; vượt ngoài kiến văn giác tri bình phàm của chúng sanh, rất sâu xa khó thể tư lường nên gọi là Mật thừa; như kim cương có thể phá hoại mọi chướng ngại trên đạo lộ tu tập, và quý giá lợi lạc không gì sánh bằng nên gọi là Kim cang thừa; hiển lộ quả thần lực không thể nghĩ bàn của chư Phật nên gọi là Chú thừa; và tổng nhiếp được tất cả các pháp nên gọi là Đà la ni thừa.

Kim cang thừa, tuy được phân định là ưu việt đối với các pháp Đại thừa khác, nhưng các hành giả trong thừa này, tùy theo căn tánh mà được chia thành bốn trình độ, tức là bốn bộ Mật pháp với phương tiện tu tập thích hợp với căn cơ của họ. Đối với các hành giả ưa thích tu tập ngoại hạnh (tôn kính, cúng dường, lễ bái, quán tưởng đối với chư Phật trước mặt), như các pháp A Di Đà, Dược Sư, Quán Âm, Văn Thù, v.v…, thì dạy họ Sự mật (Kriya tantra); đối với các hành giả ưa thích tu tập cả ngoại hạnh và nội hạnh (thiền quán tự thân sanh khởi thành chư Phật) thì dạy họ Hành mật (Carya tantra), như các pháp trong Đại Nhật Như Lai Thần Biến Gia Trì Kinh; đối với các hành giả chỉ thích tu tập nội hạnh thì dạy họ Du già mật (Yoga tantra), như các pháp trong Kim Cang Đảnh Kinh (Vajraśekhara Tantra); đối với các hành giả muốn trong một đời thành tựu Phật quả đầy đủ công đức, trí tuệ, giải thoát và phương tiện độ sanh, thì dạy họ Vô thượng du già mật (Anuttara tantra), như các pháp trong các kinh Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja), Thắng Lạc Kim Cang (Cakra- sambhava), Thời Luân Kim Cang (Kalacakra), v.v…

Mật thừa lấy quả để tu tập, như dùng sắc thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, công đức thanh tịnh, sự nghiệp thanh tịnh, quyến thuộc thanh tịnh, cõi nước thanh tịnh và cung điện thanh thịnh của chư Phật kết thành những mạn đà la thân khẩu ý đức nghiệp của chư tôn, rồi gia công tu trì thể nhập thân khẩu ý đức nghiệp của tự thân vào đó - chứng được mình và Phật bất nhị, tức là tu tập chuyển hóa phàm thân của mình thành Phật thân qua các pháp quán tưởng thánh tôn, kết ấn, v.v…; chuyển phàm khẩu của mình thành Phật khẩu qua sự trì chú; chuyển phàm ý của mình thành Phật ý qua sự quán tưởng các mạn đà la, trì giữ tam muội da của chư Phật; phàm đức và phàm nghiệp chuyển thành thánh đức và tác nghiệp của chư Phật qua các pháp thích hợp. Pháp tu như vậy được sắp xếp thành những nghi quỹ của bộ pháp – vì đây là pháp tu nhảy vọt, viên mãn thâm sâu cho nên rất dễ bị lạc, hay sai lầm.

Hơn nữa, hành giả phải vượt qua mọi chướng ngại trong ngoài của tự nghiệp, nên cần phải có nhiều thắng duyên trợ pháp gia trì từ trong ra ngoài, do đó, nên cần phải quán đảnh (được sự hộ trì cho phép của bổn tôn), truyền pháp (tu tập cho đúng theo phương tiện quả), thọ Bồ tát giới và Tam muội da (tu tập tâm một vị Phật), phải biết chọn đất, lập đạo tràng, kiết giới (để trừ các chướng), triệu thỉnh chư tôn (Phật, Bồ tát, hộ pháp), lại làm đạo tràng để gia trì, thủ hộ, tu tập các sự nghiệp tự lợi lợi tha, như quy y, lễ bái, cúng dường, sám hối, khuyến thỉnh, v.v…, hạnh nguyện Phổ Hiền, lại tự thân khởi làm Phật (thân, khẩu, ý, v.v…), từ thô đến tế, tùy theo Mật bộ nào mà có nghi quỹ tu tập thích hợp cho hành giả bộ đó, tu tập thiền quán cho đến lúc thể nhập làm một với bổn tôn.

Hành giả Mật tông phải hiểu rõ bản thể giải thoát là vô tướng pháp thân, phương tiện thọ dụng và độ sanh theo bi nguyện là hữu tướng báo thân và ứng hóa thân, nên bản thể và phương tiện phải luôn hợp nhất trong pháp tu quả. Trong bốn Mật bộ đều hợp nhất tánh không trí (bản thể giải thoát) với lạc, hoặc với phương tiện, hoặc với sắc tướng, hoặc với vạn pháp thanh tịnh trong mạn đà la. Với pháp tu bất nhị như thế, trong thể tướng dụng nào cũng là Phật quả tự tại, đầy đủ chúng trí, hoặc tạm thời cứu khổ ban vui, thăng tiến cho thế gian, hoặc rốt ráo giải thoát tam giới trong xuất thế gian.

Mật pháp, hay Đà ra ni môn (tổng trì môn), đúng như tên gọi, bao gồm tất cả phương tiện pháp, đầy đủ giáo lý hành quả của các tông phái. Thoạt nhìn nghi quỹ tu tập chỉ thấy là phương tiện vi diệu đạt quả bổn tôn. Hành giả tu Mật tông chỉ thấy hành trì mật chú, ấn pháp, các mạn đà la, tập các công đức, hạnh nghiệp bản nguyện (tam muội da) và trí tuệ trong đạo tràng bổn tôn, thế mà lại viên mãn, liễu ngộ được các pháp của thừa Đại, Tiểu. Đây là sự liễu đạt siêu việt của trí tuệ, công đức Phật quả, không giới hạn, kỳ diệu, không chướng ngại, dung nhiếp mọi thanh tịnh pháp của các tông phái, hơn nữa, lại được sự thần dụng không thể nghĩ bàn trong sự nghiệp nhiêu ích hữu tình, cứu khổ ban vui.

Nhìn tổng quát bề ngoài, thấy pháp tu mật đại cương tuần tự như sau: Trước hết phải thọ quán đảnh, truyền pháp, nhận tam muội da giới, sau đó kiến lập đạo tràng, thanh tịnh tự thân và pháp giới, dùng các minh vương ấn chú kiết giới mười phương cho cung điện chư tôn (đạo tràng), gia trì tự thân thành bổn tôn, triệu thỉnh bổn tôn trước mặt và thể nhập tự thân, tu quy y, lễ bái, v.v… (thập hạnh Phổ Hiền), tu quả bổn tôn như trì chú, kiết ấn, quán tưởng và kết thúc bằng sự phụng tống chư tôn thánh chúng, hồi hướng phát nguyện, giải giới đạo tràng. Sau thời tu tập phải luôn giữ tam muội da, xem tất cả lời nói ngữ ngôn là thần chú, xem tất cả hoàn cảnh và chúng sanh là đạo tràng và chư tôn quyến thuộc, xem tất cả ý nghĩ của chúng sanh đều là ý mật của chư tôn. Đây là ba tri kiến mà hành giả huân tu trong nghi quỹ.

Nhìn khái quát, lối tu Mật tông hình như dính mắc vào tướng, thế nhưng càng thể nhập thì lại liễu đạt tướng chư tôn chỉ là bản thể thiện pháp của tâm thức (vô tướng), thị hiện thành sắc tướng cho chúng sanh dễ bám víu, nương tựa, tu tập. Nên hành trì một bổn tôn ở giữa đạo tràng mà thành hành trì chư tôn quyến thuộc ở mười phương. Bổn tôn là pháp giới thể thánh trí thị hiện thành tướng, và để viên mãn bi nguyện độ tận thập phương chúng sanh nên ứng hóa hiển hiện thành sắc thân chư tôn quyến thuộc, dùng đa hạnh, đa phương tiện độ tất cả mọi loài. Đây là thị hiện diệu dụng của Phật quả thành đạo tràng mạn đà la quán pháp.

Mật tông nhiếp tất cả các thừa, các pháp như sau: (1) Tiểu thừa thấy khổ, phát tâm giải thoát khổ, huân tu giới định huệ làm nhân để đạt vô ngã. Mật tông thị hiện các pháp tu Tiểu thừa trong hình tướng, như sự phát tâm thanh tịnh giải thoát thành tướng mạn đà la thanh tịnh không có ác đạo, khổ đau; trong đó cung điện bổn tôn với các cấu trúc (kèo cột, tòa ngồi) đều tượng trưng cho pháp của đạo đế (ẩn ý nương vào pháp đạo đế này sẽ thành tựu thánh quả). Giới là cấm ngăn ác thô từ thân khẩu do giác trí của Phật tuyên thuyết, trong Mật tông là các pháp của các vị Minh vương (Bồ tát đầy đủ giác trí và năng lực) để ngăn che các chướng trong mười phương, giữ cho đạo tràng thanh tịnh, trợ duyên tu đạo – các chư tôn xuất hiện trong đạo tràng tượng trưng cho các hạnh phải tu tập như định huệ trong sự lập đạo hạnh chuyển hóa tâm thức, và cuối cùng thành tựu huệ vô ngã giải thoát, tượng trưng bằng vị bổn tôn ở giữa cung điện (đây là tâm huệ viên mãn đạo đế đạt đến diệt đế, thành quả Niết bàn). (2) Đại thừa, được chia thành nhiều tông phái, đều khởi từ sự phát tâm Vô thượng bồ đề, rồi theo tông chỉ pháp môn của mỗi tông, thọ Bồ tát giới, tu thập độ ba la mật, thập thiện, hạnh Phổ Hiền, v.v…, đạt tánh không huệ, viên mãn công đức tự lợi lợi tha. Do ý nguyện độ sanh, dù đặt nền tảng trên tánh không của vạn pháp (lý), mà không xả các tướng (sự), nên thành tựu mọi nhân duyên thiện, viên mãn công đức, trí tuệ, có nhất thiết chủng trí để độ được muôn loài.

Khi hành trì nghi quỹ Mật pháp, tất cả đều bắt đầu từ Tịnh tam nghiệp chơn ngôn (cầu trí tuệ tánh không), hiển thị từ chơn không (lý) mà bi sanh đạo tràng bổn tôn (sự). Đây là tức không tức sắc, hoặc lý sự vô ngại của Đại thừa. Kế đến, kiết tịnh đạo tràng bằng Tịnh pháp giới chơn ngôn (Oṃ ram), tượng trưng lửa trí tuệ là nền tảng thanh tịnh của thập độ, sau đó dùng các pháp của Minh vương để kiết giới đạo tràng (tượng trưng Bồ tát giới, Tam muội da giới là pháp tướng của trí tuệ minh liễu các pháp thiện có công năng ngăn chận các ác, tăng trưởng thiện pháp là thắng duyên cho Phật quả). Trong đạo tràng thanh tịnh do kiết giới (cũng như trong thân giữ giới), xuất hiện các chư tôn quyến thuộc vòng trong và vòng ngoài đạo tràng, mỗi tôn hành một sự nghiệp để nghiêm tịnh cho tự thân và chúng sanh, tượng trưng cho các Bồ tát hạnh phải tu của Đại thừa. Khi tâm trì giới đã thanh tịnh rồi, nhờ đó các hạnh sẽ sớm viên mãn, đạo quả vô thuợng bồ đề thành tựu được tượng trưng bởi bổn tôn ở giữa. Nếu đi từ ngoài vào trung tâm là pháp huân tu vạn hạnh tổng nhiếp thành Phật quả; nếu đi từ trong ra ngoài là oai lực của Phật quả biến thành các hạnh viên mãn lợi lạc quần sanh. Mật kinh dạy: “Từ bổn tôn ở giữa mà hóa hiện thành chư tôn ở vòng trong, rồi từ chư tôn này lại hóa hiện thành các chư tôn cúng dường, tác pháp, tứ nhiếp và thủ hộ ở vòng ngoài, nên một bổn tôn là tất cả chư tôn, bổn tôn và chư tôn quyến thuộc không khác và không chướng ngại nhau.” Đây là sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm, hiển lý trùng trùng duyên khởi.

Ngay trong sắc tướng bổn tôn, các nghiêm sức cũng tượng trưng viên mãn của lục độ, như vòng hoa ở cổ tượng trưng cho thiền định, trang sức ở tay tượng trưng cho bố thí,

ở tai tượng trưng cho nhẫn nhục, ở chân tượng trưng cho tinh tấn, ở đầu tượng trưng cho bát nhã, đồ hương xoa thân tượng trưng cho trì giới, v.v… Tự thân của chư tôn là quả của lục độ, còn biểu tượng sắc tướng như ba mắt tượng trưng cho sự soi suốt tam giới, bốn tay tượng trưng cho tứ vô lượng tâm, v.v… Cung điện của chư tôn cũng vậy, bốn cửa tượng trưng cho tứ nhiếp pháp, bốn cột tượng trưng cho bốn đế, hoa sen tượng trưng cho thanh tịnh tự tại vô nhiễm, tòa ngồi tượng trưng cho đức tướng, v.v…

Trong Mật pháp, đâu cũng là hiển quả và hạnh của chư Phật, dù là tướng chung của đạo tràng nghi quỹ, hoặc tướng riêng của từng quyến thuộc chư tôn, hoặc các trang trí nghiêm tịnh – nhờ vậy mà khi hành trì nghi quỹ, hành giả luôn được nhắc nhở gìn giữ tiến tu thể nhập quả vị, vì biết rằng vạn pháp đều là thể hiện của Phật quả vô thượng, đạt được diệu dụng không thể nghĩ bàn của Phật quả trong mọi pháp là điều rất cần trong sự nghiệp độ sanh.

Sự thù thắng và trí liễu đạt vô hạn của Mật tông là do không dùng ngôn từ có giới hạn để diễn tả pháp mà dùng tự tâm thanh tịnh hiển lộ thành tướng mạn đà la để hiển pháp, nên thành vô lượng vô biên pháp trong một pháp. Tự biểu tượng là thị hiện của Phật quả, và tất cả biểu tượng đồng quy về bổn tôn Phật quả ở giữa đạo tràng.

Đây là quyển đầu trong dự định toàn bộ ba quyển sẽ được phiên dịch. Bộ Mật Tông Đạo Thứ Đệ này luận giải, phân loại, và biện biệt rõ ràng về sự ưu việt của Mật tông so với các pháp môn khác. Các đạo lộ tu tập của Sự mật, Hành mật, Du già mật đều được tổng tập và phân tích sự chân ngụy của từng pháp tu. Quyển hai sẽ dạy về cách chọn, xin đất, kết đàn, chọn đệ tử, làm pháp quán đảnh, v.v… Quyển ba chuyên bàn về Vô thượng du già mật, với các pháp tu nặng

về bên trong như mạch, khí, tinh, tâm thanh quang, huyễn thân thanh tịnh là quả viên mãn của Phật.

Nguyện chư Bổn tôn, Đạo sư và hộ pháp gia hộ cho chúng con, những hành giả tu trì Mật pháp, và mong rằng những dịch phẩm này sẽ đem đến lợi lạc cho các học giả và hành giả Mật thừa.

Năm Ất mùi, 2015,

Phật lịch 2558.

Thích Pháp Quang cẩn bút

 

Trích:

MẬT TÔNG TU ĐẠO THỨ ĐỆ ĐẠI LUẬN

Thượng Sư Tsong Khapa tạo luận

Pháp sư Pháp Tôn dịch sang Hán văn, Jeffrey Hopkins dịch sang Anh văn

Thích Pháp Chánh, Thích Pháp Quang & Huyền Thanh hợp dịch sang Việt văn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười 2015(Xem: 7260)
Một ngày nọ, khi Milarepa đang ở trong hang động một mình thì hai vị khách tìm đến hỏi han. - Ông ở một mình à? Ông không thấy cô đơn sao? - Tôi luôn luôn sống với một người nào đó, không bao giờ đơn độc. Ngài trả lời. - Nhưng ông sống với ai? Người trẻ tuổi hơn trong hai người hỏi ngài.
20 Tháng Chín 2015(Xem: 5209)
Phía trước, ở giữa biển mây phẩm vật cúng dường Đức Phổ Hiền, / Nơi an trú của chư vị lama, Yidam, Tam Bảo và Hộ Pháp / Cùng các đấng hiền thánh đã thành tựu chân lý; / Xin hoan hỷ nhận mây cúng dường các phẩm vật này, và ban cho con chân lý tối thượng.
13 Tháng Tám 2015(Xem: 5412)
Đây là một bài ca tụng mười bảy đại sư Nalanda được đặt danh đề “Mặt Trời Chiếu Sáng Ba Phương Diện Chánh Tín”.
08 Tháng Tám 2015(Xem: 8329)
Bởi ta đã thực hành trong cuộc đời, ta sẽ không sợ hãi khi tiến trình của sự hấp hối bắt đầu. Chúng ta sẽ bám rễ vào niềm tin và biết rõ thái độ nào là lợi lạc và thái độ nào không có lợi trong tiến trình này.
25 Tháng Bảy 2015(Xem: 4521)
Như đã được đề cập đến trong chương trước, trong tất cả chúng sinh trong cõi luân hồi đều mang trong mình Phật tánh. Cho dù là vậy, có phải tất cả chúng sinh trong 5 cõi: địa ngục, quỷ đói, súc sinh, atula và cõi trời đều có khả năng để tu thành chánh quả? Câu trả lời là Không. Chỉ có ở “Kiếp người quý báu” mới hội tụ đủ 2 phẩm chất của Thiện và Duyên và tâm phát khởi 3 Lòng tin mới có đủ những điều kiện thuận lợi để tu tập chánh pháp.
03 Tháng Bảy 2015(Xem: 5966)
Dù người ta tin tưởng bất kỳ điều gì về sự thực của những thiên thần hay quỷ ma hung dữ, rõ ràng là những nhà lãnh đạo của sự sùng bái Dolgyal Shugden chẳng làm gì hết trong hơn 30 năm qua