Một Số Lời Dạy Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Về Phật Giáo Kim Cương Thừa

25 Tháng Mười 201503:18(Xem: 7821)

MỘT SỐ LỜI DẠY CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
VỀ PHẬT GIÁO KIM CƯƠNG THỪA
La Sơn Phúc cường tổng hợp

Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền trao giáo pháp Kim cương thừa
Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền trao giáo pháp Kim cương thừa

Đôi lời người biên soạn: Rất nhiều trang mạng Phật giáo trong đó Thư viện Hoa Sen, Trang nhà Quảng Đức là những trang sớm nhất có thư mục riêng về Phật giáo Kim cương thừa. Giáo pháp Kim cương thừa có phải do đức Phật truyền trao hay là một pháp môn hình thành trong giai đoạn về sau, hay là một pháp môn “ngoại đạo”, huyền bí, như một số người bình phẩm? Lòng chí thành đối với Kim cương thượng sư có phải là “sự sung bái, cuồng tín cá nhân”? v.v…Tôi luôn khắc ghi trong tâm lời của ân sư của mình rằng, đối với sự tu, nên chuyên tâm nơi một Pháp cụ thể, tuy nhiên đối với tri kiến chung, cần phải có những hiểu biết, phương pháp phù hợp để có cái nhìn tổng thể về Phật giáo, để tránh coi phương pháp của mình, cách tu tập và tri kiến của dòng tu, sơn môn mình là duy nhất đúng. Bởi nếu không chúng ta rất dễ sử dụng cái nhìn của riêng phương pháp mình đang thực hành, suy diễn, áp đặt lên rất nhiều những phương pháp, cách thức thực hành cao đẹp khác. Bởi nếu không chúng ta, những người được coi là con Phật, đang đảm trách những sứ mệnh cao cả lại vô tình làm tổn hại giáo pháp, tổn hại người, và trên hết là tổn hại chính dòng tâm của mình. Dòng tâm phiền não rất tinh vi, xảo quyệt, nếu không văn- tư- tu kỹ càng, nếu không biết nương nơi những bậc Minh sư, chúng ta rất dễ bị nó điều khiển, chi phối. Như vậy thì chính chúng ta lại đang tạo cho mình những nhân vô cùng khổ đau và có thể đọa lạc! Tôi có cơ duyên được dịch một số lời Pháp của Đức Đạt lai Lạt ma lên Thư Viện Hoa Sen, nay xin được tổng hợp lại, ngưỡng mong góp một phần nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu cặn kẽ một vấn đề còn nhiều tranh luận dưới sự luận giải của một trong những bậc trí tuệ vĩ đại nhất thời đại này.

Mấy lời tổng thuật xin được chia làm bốn nội dung chính:

Thứ nhất, Phật giáo Kim cương thừa có phải do đức Phật truyền trao? Hay là một pháp môn hình thành trong giai đoạn về sau, hay là một pháp môn “ngoại đạo”, huyền bí, như một số người bình phẩm.

Thứ hai, Phật giáo Tạng truyền có phải dòng pháp thuần tịnh hay do bị ảnh hưởng từ đạo Bon, hay đầy rẫy những “bắt mắt, vui tai” không đúng với tinh thần “chân chính” của đạo Phật.

Thứ ba, sự vĩ đại của Kim cương thừa

Thứ tư, vấn đề tinh linh Shugden và việc luận giải sai lời dạy Đức Đạt lai Lạt ma, cho rằng ngài khuyến khích loại bỏ những yếu tố mê tín trong Phật giáo Tạng truyền.

Thứ nhất, Phật giáo Kim cương thừa có phải do đức Phật truyền trao? Hay là một pháp môn hình thành trong giai đoạn về sau, hay là một pháp môn “ngoại đạo”, huyền bí, như một số người bình phẩm.

Về vấn đề này, trong nhiều những lần chia sẻ giáo pháp, Đức Đạt lai Lạt ma khẳng định, giáo pháp Kim Cương thừa do chính đức Phật Thích ca truyền trao. Ngài dạy: Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, đức Phật đã truyền trao Tứ Diệu Đế, giáo pháp được phổ biến cho đại chúng, bởi đã được ghi chép lại trong lịch sử, lần chuyển Pháp luân thứ hai, đức Phật chủ yếu truyền trao các giáo pháp về trí tuệ Bát nhã, chủ yếu làm rõ ý nghĩa của Diệt đế, khả năng và con đường tiến tới giác ngộ. Đồng thời cũng chỉ rõ những phẩm hạnh của một vị Phật. “Lần chuyển Pháp thứ ba, đức Phật truyền trao những giáo pháp về tự tính Phật và bản chất tịnh quang của tâm thức, và các phương pháp để sử dụng chúng. Đây chính là nền tảng của việc thực hành các chân ngôn bí mật hay giáo pháp Kim cương thừa.”(1)

Nhìn lại lịch sử, có nhiều cuộc tranh luận về vị trí của Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa. Một số người cho rằng Phật giáo Đại thừa hay Kim cương thừa không phải do chính đức Phật tuyên thuyết. Đức Đạt lai Lạt ma lấy dẫn chứng những băn khoăn của một học giả Phương Tây về tính xác thực của Phật giáo Đại thừa tại một hội nghị khoa học ở Delhi, khi ấy ngài đã khuyên rằng, các học giả vĩ đại Ấn Độ như đức Long Thọ sống chỉ sau thời của đức Phật 4 thế kỷ ở địa vị tốt hơn để đánh giá về vấn đề này. Ngài đưa ra nhiều lập luận và minh chứng trong các bản viết cho thấy đức Long Thọ đã rất lôgic và khoa học trong cách tiếp cận và luận giảng các vấn đề này. Đức Long Thọ đã khảo cứu kỹ càng, bảo vệ tính chân xác của Đại thừa, lập luận rằng đó chính là được truyền trao bởi chính đức Phật. Ngài Maitreya, Bhavaviveka và tiếp đến là đức Shantideva đã cũng minh chứng cho tính xác thực và chân thực của truyền thống ngôn ngữ Sanskrit, của việc thực hành Bồ Tát thừa - trí tuệ Bát nhã và Kim Cương thừa. (2)

Liên quan đến nguồn gốc của Phật giáo Kim cương thừa, Đức Đạt lai Lạt ma cho rằng Tứ Diệu Đế là nền tảng của tất cả giáo pháp đạo Phật, 37 phẩm trợ đạo giác ngộ cũng phổ biến trong tất cả các truyền thống đạo Phật. Tiếp đến, trong truyền thống ngôn ngữ Sanskrit, chúng ta thấy giáo pháp Bát nhã được đức Phật truyền trao trên đỉnh Linh Thứu trước sự vân tập của các đại đệ tử như Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Đây là những giáo pháp được đức Phật truyền trao trong lần chuyển pháp luân thứ hai, chủ yếu đề cập tới tính vô ngã của pháp và tâm. Các giáo pháp này bao gồm cả Bát nhã Tâm kinh mà ngày nay rất phổ biến trong giới thực hành, đó là bài đối thoại giữa ngài Xá Lợi Phất và Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi ấy giáo pháp này đã không được truyền trao rộng khắp đại chúng, mà chỉ cho những đệ tử đã có nghiệp thanh tịnh, có năng lực thấy nghe được lời Bồ tát Quán thế âm và ngài Xá Lợi Phất. (3)

Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao có nhiều truyền thống, tông phái như vậy. Câu trả lời là mỗi chúng sinh có nhu cầu và căn cơ khác nhau. Tâm nguyện chính của hàng Thanh Văn, Duyên giác là đạt giải thoát và các ngài tập trung thực hành Tứ Diệu Đế cùng 37 phẩm trợ đạo, Thập nhị Nhân duyên. Đối với Bồ Tát thừa, mục tiêu không phải là sự giải thoát của riêng bản thân, mà hướng tới giảm thiểu những khổ đau của tất thảy chúng sinh. Con đường Bồ tát tập trung vào tam học và chứng đạt Phật quả. Giáo pháp Kim Cương thừa được truyền trao trong những Tantra. Trong thực hành Kim Cương thừa, giáo lý Đại Toàn thiện (Dzogchen) đề cập tới chín thừa, trong khi những tantra của các truyền thừa tân phái đề cập tới bốn thứ lớp Tantra. Hai quan kiến này thực ra là tương ứng, không khác. Tất cả các pháp thực hành đều nhấn mạnh tới sự thấu hiểu bản chất tâm. "Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích chung đó. Ngài đã trích dẫn sự luận giảng chi tiết của đạo sư Pháp Xứng về năm giai đoạn của Tantra (thực hành Kim cương thừa):

1. Giai đoạn phát khởi

2 . Giai đoạn hoàn thành

3 . Giai đoạn cách ly

4 . Giai đoạn huyễn thân và tịnh quang

5 . Giai đoạn hợp nhất (Tantra tối thượng)

Giai đoạn phát khởi liên quan đến việc quán tưởng các Bản tôn. Trong Yoga Tantra cao cấp nhất, việc thực hành cần hợp nhất ba thân Phật, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân trên con đường thực hành thông qua các tiến trình chết, giai đoạn trung gian và tái sinh. Trong khi các kinh điển Hiển giáo dạy về việc cần phải mất ba A-tăng- kỳ kiếp hoặc nhiều hơn nữa mới có thể chứng đạt Phật quả thì kinh điển Mật giáo dạy rằng có thể chứng đạt tới quả vị Phật trong một đời trong một thân người.

Đôi lời của người biên soạn: ngày nay độc giả có thể tìm hiểu những vấn đề chính của Kim cương thừa Phật giáo qua kinh sách được dịch, ấn tống hay qua những trang mạng trong đó Thư Viện Hoa Sen, trang nhà Quảng Đức là những trang đầu tiên cà có trữ lượng lớn, có đề mục riêng lưu chứa những giáo pháp này. Không chỉ đức Đức Đạt lai Lạt ma mà còn nhiều các Bậc thầy khác nữa đã luận giải rất chi tiết và xác quyết tính chân xác của Kim cương thừa. Tôi cho rằng những người nhận mình là con Phật hay hàng học giả, giới nghiên cứu…nếu chưa có hiểu biết sâu, chúng ta nên tìm hiểu kỹ càng, đọc, lắng nghe, thỉnh cầu tới những bậc minh sư để dần có chính kiến về điều mà mình mong muốn tìm hiểu. Tranh biện là điều rất cần thiết nhưng nếu chưa thấu tỏ, hãy khoan quy kết người. Xin chớ vội vàng đứng trên quan kiến nhỏ hẹp mà mình đang có, rồi tự cho rằng những quan kiến đó là duy nhất đúng để đánh giá, bình phẩm giáo pháp. Như vậy khác chi ta tự nhận mình đang mang một sứ mệnh cao cả giúp đỡ chúng sinh, nhưng trên thực tế vô tình chúng ta lại làm tổn hại giáo pháp, bất hòa tăng chúng, tổn hại tới người, trên hết là tổn hại tới chính dòng tâm của mình. Nếu vậy chúng ta đến với Phật, làm Phật sư có còn nhiều ý nghĩa?

Thứ hai, Phật giáo Tạng truyền có phải dòng pháp thuần tịnh hay do bị ảnh hưởng từ đạo Bon, hay đầy rẫy những “bắt mắt, vui tai” không đúng với tinh thần “chân chính” của đạo Phật.

Về vấn đề này đức Đạt lai Lạt ma luôn luận giải và xác quyết rằng, Phật giáo Tạng truyền hầu hết khởi nguồn từ truyền thống Đại học Nalanda. "Chúng ta phải quay trở lại truyền thống Nalanda nguyên thủy, thông qua những bộ kinh và Tantra của các bậc Thầy truyền thống Nalanda như đức Long thọ. Nếu không, các tư tưởng của đạo Phật sẽ bị lẫn với các tín ngưỡng địa phương, khi đó giáo pháp của đức Thế tôn sẽ bị biến dạng và suy đồi.”(4)

Tây Tạng bắt đầu chịu ảnh hưởng của Phật giáo vào thế kỷ thứ 7 trong triều đại của vua Songtsen Gampo. Đức vua đã kết hôn với hai vị công chúa, một người Trung Quốc và một người Nepal. Hai vị công chúa đã mang theo các tôn tượng Phật tới Tây Tạng, khởi nguồn cho việc tìm hiểu và tu học giáo pháp của đức Phật trên khắp đất nước. Sau đó, đức vua Trisong Deutsan nhận ra rằng Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ và ngài đã chuyển hướng tìm hiểu và tu học trực tiếp từ Ấn độ. Đại Phương trượng Shantarakshita đến Tây Tạng theo lời thỉnh cầu của Hoàng đế Tây Tạng và ngài đã kiến lập giới luật tự viện, dịch kinh điển và tu học Phật pháp. Để điều phục các lực lượng tiêu cực, Hoàng đế đã thỉnh mời Guru Liên Hoa Sinh Padmasambhava. Sau đó, đệ tử của Shantarakshita là ngài Kamalashila cũng đến Tây Tạng và nhiều người Tây Tạng đến Ấn Độ để nghiên cứu. Sau đó, đạo sư Atisha tu học tại Vikramashila, nhưng có nhân duyên sâu dày với  Nalanda đã đến Tây Tạng. Cả hai truyền thống Sakya và Kagyu đều có khởi nguồn từ giáo pháp của các đạo sư truyền thống Nalanda.

Đức Đạt lai Lạt ma luận giải rằng, Đạo sư Liên hoa sinh có vai trò khiển trừ và điều phục các thế lực gây chướng ngại cho sự phát triển của Phật giáo. Ngài Shantarakshita đã trì giữ giới Luật, qua bộ luận “Tràng hoa của lý Trung đạo" cho ta thấy việc thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm và trí tuệ Tính không của ngài, còn qua bộ "Chương luận về Thực tại” là minh chứng ngài đã thực hành Kim cương thừa với những Yoga Tantra ở mức cao cấp nhất. Nói tóm lại, ngài là một mẫu mực của truyền thống Phật giáo Nalanda.

Có thể truy xét nguồn gốc cách tiếp cận này chính từ đức Long Thọ, ngài đã đặt giới làm nền tảng của sự thực hành, trưởng dưỡng tâm Bồ đề thông qua các phương pháp cho - nhận. Các bộ luận của ngài cũng cho thấy nội dung rõ ràng của Kinh Bát nhã Ba la mật, trí tuệ Tính không, và sự thực hành các giai đoạn phát khởi và hoàn thiện của Kim cương thừa với các Yoga Tantra cao cấp nhất. Đức Đạt lai Lạt ma dạy rằng, các đệ tử của đức Long Thọ là ngài Thánh Thiên, Pháp Xứng cũng theo cách tiếp cận tương tự, đó là cách thự hành hợp nhất cả ba thừa Phật giáo. Điều này cho thấy nguồn gốc của truyền thống Phật giáo Tạng truyền, đã thực hành tinh túy của ba thừa Phật giáo. Về Kinh điển Đại thừa, các truyền thống Phật giáo Tạng truyền đều tu học như nhau, tuy nhiên cách thức thực hành Tantra có những phương pháp khác nhau. Trong truyền thống cổ mật Nyingma có những truyền thừa lâu đời bắt nguồn từ Ấn Độ, có truyền thừa thời gian gần đây hơn được phát lộ qua các terma và có truyền thừa bí mật bắt nguồn từ quan kiến thanh tịnh. Trong lần chuyển Pháp luân thứ ba, đức Phật đã truyền trao các giáo pháp cho những ai đã thấu đạt những giáo pháp trong lần chuyển pháp luân thứ hai, rằng vạn pháp đều không có thực tướng, một giáo pháp rất khó thấu hiểu cặn kẽ. Đức Phật đã luận giải vạn pháp từ một góc độ khác liên quan tới bản chất phụ thuộc, toàn hảo và thanh tịnh của vạn pháp. Lần chuyển pháp luân thứ ba cũng luận giải tâm vi tế tối thượng nhất, đó là nền tảng của Tantra.

Đôi lời của người biên soạn: Một số người diễn giải sai ý của Đức Đạt lai Lạt ma , khi ngài sách tấn hàng Phật tử phải chú trọng tới học, rồi lại nhanh chóng kết luận ý ngài cho những giáo pháp Kim cương thừa là “nhảm nhí”, “mê tín” và cần loại bỏ, hay suy luận Phật giáo Tạng truyền có tới 70, 80% hay tới 90% là mê tín, huyễn hoặc xa lạ với truyền thống thật của đức Phật. Theo chỗ hiểu của tôi, những yếu tố cấu thành Phật giáo không mâu thuẫn mà bổ trợ, dung thông lẫn nhau. Chỉ có dòng tâm của người diễn giải là có thể mâu thuẫn thôi! Ngài Đạt lai Lạt ma từng chia sẻ về những hiểu lầm mà chính ngài đã gặp khi mọi người nói về các dòng Tạng truyền. Kim cương thừa phát triển ở xứ Tạng có lý do chính là Phật tử có tâm chí thành tuyệt đối lên các bậc Kim cương thượng sư, chứ không phải cuồng tín cá nhân. Cố Tổng thống Nelson Mandela trong một buổi gặp gỡ từng nhầm lẫn giới thiệu ngài là lãnh tụ của Lạt ma giáo (Lamanism). (5) Truyền thống Phật giáo Tạng truyền là một truyền thống bao gồm nguyên vẹn toàn bộ giáo pháp của đức Phật, và đang được thực hành, trì giữ nghiêm mật thông qua sự tu học và thực hành rất nghiêm ngặt tới tận ngày nay.

Thứ ba, sự vĩ đại của Kim cương thừa

Đức Đạt lai Lạt ma sự vĩ đại là giúp hành giả có thể chứng đạt nhanh chóng cà đồng thời “sắc thân và Pháp thân của Phật”. (6) Đại thừa có thể được chia ra gồm Ba-la-mật thừa và Kim cương thừa. Trong Ba-la-mật thừa, người thực hành trưởng dưỡng các thứ lớp tu tập, dần dần qua bốn thứ lớp để tiến tới mức độ thứ năm là quả vị Phật. Trong Kim cương thừa, hành giả thực hành đồng thời bốn cảnh giới thanh tịnh của quả vị Phật là thân thanh tịnh, môi trường thanh tịnh, cảm thọ và hành động thanh tịnh. Đức Phật đã truyền cho những đệ tử có đủ thắng duyên cùng thuộc về cảnh giới của một mandala. Hành giả phải kiểm soát được tâm của chính mình, có trí tuệ Tính không đồng thời phải thấu hiểu và quán tưởng các biểu tượng Bản tôn. Các mantra nghĩa là hộ trì tâm. Hộ trì tâm khỏi các pháp thế gian và sự chấp thủ vào chúng. Tantra là một con đường đưa tới Phật quả rất nhanh chóng, nên được gọi là thừa - "Chân ngôn thừa, Kim Cương thừa hay Mật thừa.” Trong một số mandala, ngài thị hiện là một tăng sĩ, nhưng hầu hết ngài đều thị hiện là vị Pháp cương của một Mandala. Bởi lý do sử dụng tâm vi tế có năng lực và vô cùng hữu hiệu cho sự chứng đạt giác ngộ, nên đạo sư Atisha đã dạy cần bước vào con đường Mật thừa. Tương tự như vậy, đức Je Tsongkhapa (7) dạy rằng, sau khi đã thuần thục sáu Ba-la-mật, hợp nhất thiền định và trí tuệ và thấm nhuần con đường Đại thừa, hãy bước vào con đường của Tantra.

Tại Trung Quốc, Nhật bản và một số nước châu Á khác, các tantra hành động, nghi quỹ và Yoga Tantra vẫn được nhiều hành giả thực hành, nhưng ở các nước này các truyền thống thực hành tương đối độc lập. Ví dụ, Thiền được thực hành riêng rẽ với các truyền thống thực thành Đông Mật. Tại các dòng Tạng truyền, Luật tạng là nền tảng, cùng với đó là sự ở thực hành lý tưởng Bồ tát và giáo pháp Kim cương thừa. Đây là đặc điểm đặc trưng của các dòng Tạng truyền, khi tất cả ba thừa đều được hợp nhất và thực hành đồng thời. Các phiền não có thể bị tiêu trừ bởi những pháp đối trị các phương diện thô của tâm, nhưng các dấu ấn vi tế của các phiền não chỉ có thể bị tiêu trừ bởi tâm vi tế. Năng lực này thực sự được hiển lộ trong các luận giải của các Tantra Yoga cao cấp nhất về tịnh quang, thân, khẩu và ý vi tế.

Đôi lời của người biên soạn: Như vậy Kim cương thừa Phật giáo không phải là những pháp thực hành “huyền bí”, “đầy xa lạ”, “bắt mắt”, “quá trọng nghi thức mà không có nền tảng triết lý”. Đức Đạt lai Lạt ma dạy rằng, người Phật tử cần luôn phát khởi dòng tâm thấy rằng giác ngộ là có thể bởi vì không có sự khác biệt giữa bản chất tính không của tâm chúng ta và tâm của một vị Phật. Bởi vì dòng tâm bất tịnh không tồn tại cố hữu, nên chúng ta có thể tận trừ các phiền não. Chúng ta đồng thời phát triển những phẩm chất giác ngộ của một vị Phật. Vẻ đẹp giáo pháp đức Phật, của tất cả những luận giải, phương pháp thực hành trong Phật giáo theo tôi đều tập trung ở điểm nay.

Thứ tư, vấn đề tinh linh Shugden và việc luận giải sai lời dạy Đức Đạt lai Lạt ma, cho rằng ngài khuyến khích loại bỏ những yếu tố mê tín trong Phật giáo Tạng truyền.

Shugden là một vấn đề phức tạp kéo dài từ nhiều thế kỷ trong sự thực hành Phật giáo Tạng truyền. Đức Đạt lai Lạt ma thông qua năng lực thiền định, thông qua những giáo huấn của các đời Đạt lai Lạt ma trước đã xác quyết, luận giải công khai và khuyên Phật tử nên từ bỏ pháp thực hành này. Bởi chính Shugden đã gây bất hòa giữa các truyền thống Phật giáo, hủy hoại và làm suy đồi giáo pháp dưới danh nghĩa là một Hộ trì cho chính pháp. (8) Shugden không liên quan gì tới vấn đề giáo pháp và phương pháp thực hành trong hệ Tạng truyền, giáo pháp Kim cương thừa có phải là thuần tịnh hay không.

Đôi lời của người biên soạn: Một số người hiểu lầm vần đề Đức Đạt lai Lạt ma muốn loại bỏ Shugden, lại xuất phát từ một hiểu lầm nữa là Phật giáo Tạng truyền, Kim Cương thừa toàn mê tín, lầm sai, nên ngay lập tức đã diễn giải sai ý của ngài, đánh đồng hai vấn đề này với nhau. Tôi cho những người đưa ra quan điểm này và cả những người đã nghe, đọc những diễn giải đó nên tìm hiểu kỹ lại bởi vấn đề Shugden được luận giải rất rõ ràng trên website chính thức của ngài và một số luận giải của các học giả chính thống. (9)  Người soạn xin nguyện mong chính pháp mãi trường tồn, những người con Phật biết trân quý, hiểu biết và hòa hợp lẫn nhau!

Lời dẫn và chú thích:

  1. Đức Đạt lai Lạt ma luận giải về Phật giáo Kim cương thừa, các truyền thống Tạng truyền tại trường đại học Shuchi, Nhật Bản, Ngày 10, tháng tư năm 2014, Thư viện Hoa Sen, Phúc cường trích dịch.
  2. Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền pháp cho Phật tử Nga tại Delhi, Thư viện Hoa Sen, Phúc cường trích dịch.
  3. Đức Đạt lai Lạt ma luận giải về Phật giáo Kim cương thừa, các truyền thống Tạng truyền tại trường đại học Shuchi, Nhật Bản, Ngày 10, tháng tư năm 2014, Thư viện Hoa Sen, Phúc cường trích dịch.
  4. Ngọn đèn cho các đạo lộ giải thoát, Thư viện Hoa Sen, Phúc cường trích dịch..
  5. Tantra in Tibet, Lama Tsong Khapa and Dalai Lama and Hopkins, Jeffrey, Snow Lion Publications, 1987. (Bản dịch việt Ngữ, Thư viện Hoa Sen).
  6. Lạt ma giáo (cuồng tín cá nhân) Một cách hiểu Phật giáo Tạng cho rằng các Lạt ma có quá nhiều đặc quyền, đặc lợi và sự sùng bái quá mức các Lạt ma. Đức Đạt lai Lạt ma đã chỉ rõ cách hiểu sai lầm này.
  7. . Je Tsongkhapa. Học giả, Thiền sư vĩ đại người Tạng, người sáng lập lên dòng truyền thừa Gelugpa.
  8. http://www.dalailama.com/messages/dolgyal-shugden (một số bản dịch việt Ngữ, Thư viện Hoa Sen)
  9. http://www.dalailama.com/messages/dolgyal-shugden (một số bản dịch việt Ngữ, Thư viện Hoa Sen)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Giêng 2016(Xem: 6221)
Khi chúng ta có ước muốn theo đuổi con đường tâm linh, ta phải hiểu thấu vì sao lại chọn đi con đường này, động lực của ta là gì, con đường này sẽ dẫn ta tới đâu, bằng cách nào ta có thể đi tới đích. Mục đích và đích đến của con đường Phật Pháp là giải thoát khỏi tất cả khổ đau và đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn
18 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5777)
Sau khi an tọa trên bảo tòa, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy rằng, Tám Đại Luận Mật thừa không giành cho tất cả mọi người. “Đây là những Tantra tối thượng và chỉ giới hạn cho những ai phát nguyện thực hành nghiêm cẩn.
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5538)
Ngày nay, thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ về vật chất. Nhưng Tây Tạng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn. Phần lớn chúng ta đang phải sống ở nước ngoài, nhưng chúng ta không chỉ duy trì được đời sống mà vẫn có thể trì giữ truyền thống của mình.
03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5163)
Tác giả của bộ luận này là Tôn giả Zhamar Pandita, Gendun Tenzin Gyatso sinh năm 1852, tám tuổi xuất gia, học đạo với nhiều bậc Thầy lỗi lạc. Ở tuổi 20, Ngài tinh thông ngũ minh và được xưng tụng là Đại Pandita. Sau đó vâng lời Thầy, Ngài vân du đó đây giảng pháp. Ngài ẩn cư tu hành.
10 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5743)
Học Bồ tát hạnh, tu Bồ tát đạo là niềm khoắc khoải thiết tha của những Phật tử mong muốn tìm cầu sự an lạc giải thoát cho chính mình, và cho tất cả chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ.
02 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6287)
Truyền thừa Sakya là một trong bốn truyền thống tâm linh vĩ đại tại Tây Tạng. Truyền thống này đóng một vai trò quan trọng trong sự trì giữ và phát triển giai đoạn tân Tantra vào thế kỷ thứ 11.Truyền thống Sakya được trì giữ và hoằng dương rộng lớn, sản sinh nhiều bậc thánh tăng, Thành tựu giả và học giả vĩ đại.
25 Tháng Mười 2015(Xem: 5883)
Theo tư tưởng Mật Tông, trong năm vị Phật thiền, Đức Phật A-di-đà vị trí ở phía tây, bộ chủ bộ Liên hoa, biểu hiện phương tiện trí của Phật, nhân cách của trí diệu quán sát, trong năm đại là nhân cách của gió theo truyền thừa của Bất Không, hay của nước theo truyền thừa của Thiện Vô Úy.
20 Tháng Mười 2015(Xem: 8636)
Karmapa có nghĩa là "bậc thực hành Phật hạnh” hay "hiện thân tất thảy Phật hạnh”. Các đời Karmapa đã tái sinh trong hình tướng Hóa thân tới nay 17 đời, và tất cả đều đóng một sứ mệnh quan trọng nhất trong việc trì giữ và hoằng dương giáo pháp của đức Phật nơi vùng xứ Tuyết.
20 Tháng Mười 2015(Xem: 6825)
Đức Dalai Lama từng nhiều lần dạy rằng, Phật giáo Kim cương thừa không phải là Lạt-ma giáo. Một trong những lý do chủ yếu Phật giáo Kim cương thừa phát triển ở miền đất Tuyết chính là người thực hành có tri kiến thanh tịnh đối với bậc Thầy. Kim cương thượng sư là Bậc Thầy trong Phật giáo Kim cương thừa
05 Tháng Mười 2015(Xem: 7304)
Một ngày nọ, khi Milarepa đang ở trong hang động một mình thì hai vị khách tìm đến hỏi han. - Ông ở một mình à? Ông không thấy cô đơn sao? - Tôi luôn luôn sống với một người nào đó, không bao giờ đơn độc. Ngài trả lời. - Nhưng ông sống với ai? Người trẻ tuổi hơn trong hai người hỏi ngài.