Phương Pháp Thực Hành Đức Phật A Di Đà

16 Tháng Tám 201610:02(Xem: 4546)

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Khenpo Sodargye Rinpoche | Thanh Liên chuyển ngữ

 


1. Giải thích ngắn gọn về nghi lễ thực hành

Hôm nay chúng ta bàn về phương pháp thực sự của thực hành A Di Đà.

Hiện nay Học viện đang tổ chức “Pháp hội Cực Lạc (Sukhavati)”. Sau khi bạn thọ nhận nhập môn từ vị Thầy và hiểu rõ thực hành này, bạn phải chân thành thực hành nó. Hãy nuôi dưỡng trong tâm rằng những việc thế gian không có giá trị thực sự, kể cả những thiện xảo trong việc thảo luận và trí tuệ về Giáo pháp. Chẳng điều gì trong chúng có ích lợi khi đối diện với cái chết. Đâu là điều hữu ích duy nhất? Đó là được tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ. Các truyền thống Kinh thừa cũng như Mật thừa của chúng ta đã nhấn mạnh điều này.

Phương pháp thực hành A Di Đà này có nhiều khác biệt với các truyền thống Kinh thừa, nhưng một số hành giả trong truyền thống Tịnh Độ nên hoan hỉ chấp nhận nó. Những người không có trí tuệ hoàn toàn tách biệt Kinh thừa và Mật thừa, nhưng những vị có trí tuệ không làm như thế. Mặc dù là một đệ tử của truyền thống Tịnh Độ, các thực hành trong truyền thống Mật thừa không đưa ra bất kỳ chướng ngại nào về việc bạn được tái sinh trong một cõi thuần tịnh. Vì thế, hãy tiếp đón Giáo pháp với một thái độ chấp nhận và cởi mở, và điều đó sẽ mang lại vô số lợi lạc cho bạn.

Hôm nay tôi sẽ đưa ra một giải thích ngắn gọn về phương pháp thực hành Đức Phật A Di Đà. Pháp hội đã tiến hành được hai ngày, và nhiều hành giả có thể thực hành rất tốt. Bạn có đang thực hành theo phương pháp? Hàng ngày khi trì tụng tâm chú A Di Đà, bạn có quán tưởng theo cách đó? Đó là một ý tưởng tuyệt vời để so sánh.

Trước hết, tôi sẽ giải nghĩa tựa đề:
Thực hành Đạo sư A Di Đà Con Đường Mau chóng đến Cõi Cực Lạc.

Trong thực hành này, vị Thầy (guru) và Đức Phật A Di Đà là một và như nhau. Phụ đề “Con Đường Mau chóng đến Cõi Cực Lạc” có nghĩa là nhờ thực hành này ta có thể nhanh chóng tương ứng với Đức Phật A Di Đà, và được tái sinh một cách êm ả trong Cõi Cực Lạc. Ta chỉ cần có bốn điều kiện để tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ, sau đó toàn tâm duy trì thực hành, không lưu tâm đến ác nghiệp nặng nề (ngoại trừ nghiệp phỉ báng chân lý, và năm loại hành vi xấu ác dẫn đến việc tái sinh trong địa ngục không bao giờ ngừng dứt — địa ngục vô gián), ta có thể được tái sinh trong Cõi Cực Lạc.

Để gặp được giáo lý Tịnh Độ này, ta phải tích tập công đức bao la. Trong Kinh A Di Đà Tây Tạng có nói: “Nếu không tích tập công đức, ta sẽ không nghe Giáo pháp này. Nếu ta đã tích tập công đức, thì ta sẽ nghe Kinh này.” Trước đây chưa từng tích tập vô số công đức, cúng dường hay chăm sóc chư Phật và Bồ Tát, ta sẽ không xứng đáng được gặp giáo lý Tịnh Độ trong đời này, và sẽ không có điều kiện để tham dự vào Pháp Hội Cực Lạc, lắng nghe và thọ nhận danh hiệu thiêng liêng của Đức Phật A Di Đà, gặp Kinh A Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ. Bởi bạn có những công đức như thế, bạn phải thực hành. Nếu bạn có thể thực hành tốt đẹp, thậm chí trong một con người bình thường với mọi ràng buộc và hạn chế, việc tái sinh trong cõi tịnh độ là điều không khó khăn.

Một số người trong quý vị là những Đạo sư Tam Thừa, và về căn bản thì một số vị có thể trì tụng đủ năm loại luận giảng chính yếu, và hiểu biết chúng rõ ràng. Nhưng xin đừng nghĩ rằng truyền thống Tịnh Độ không có ý nghĩa với quý vị. Bạn nên trì tụng tốt lành, thực hành tốt lành, và hoàn thành số lần trì tụng danh hiệu Đức Phật A Di Đà do vị Thầy của bạn yêu cầu, như bạn đã hứa nguyện trước đó. Tôi đã hứa nguyện một số lần tụng đọc mà tôi chưa hoàn thành, và mỗi ngày tôi rất quan tâm về điều này. Nếu cái chết đến thình lình, không có gì bảo đảm cho việc tái sinh trong cõi Cực Lạc. Mặc dù bận rộn những Pháp sự, và nhiều việc khác, tôi vẫn thúc đẩy việc trì tụng nhiều hơn nữa. Ngày mà cái chết xảy ra, tôi có thể ân hận về điều này.

blankKhi bạn không có nhiều điều để quan tâm, bạn nên nhập thất hay tương tự như thế, và hoàn thành việc trì tụng những danh hiệu Phật và các tâm chú mà bạn đã hứa nguyện trước mặt vị Thầy và Tam Bảo. Điều này tích tập các công đức chắc chắn, và nó cũng thiện xảo khi cái chết xảy đến. Tôi nghe một vài “Bồ Tát lão thành” (các hành giả lâu năm) ở đây thường nói: “Đức Jigme Phuntsok Rinpoche đang đợi chúng ta ở Cõi Cực Lạc. Chúng ta đang xếp hàng ở đây để tiến lên phía trước.” Đây là một tục ngữ tốt lành, ta nên có niềm tin như thế. Đức Phật cũng nói trong Mật điển: “Những người không có nhiều trí tuệ nhưng có niềm tin chân thành có thể dễ dàng thành tựu giác ngộ, và có thể dễ dàng tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ.”

Có bốn điều kiện để tái sinh trong cõi Cực Lạc: quán tưởng rõ ràng ruộng công đức, tích tập đức hạnh và tịnh hóa các che chướng, phát triển Bồ đề tâm, và lập nguyện tái sinh trong Cõi Tịnh Độ và hồi hướng công đức. Điều quan trọng nhất trong những điều này là quán tưởng Đức Phật, không ngừng khát khao tái sinh trong Cõi Tịnh Độ, có một ước nguyện mãnh liệt. Nếu có những nguyện ước mạnh mẽ, các nguyên nhân và điều kiện khác sẽ hội tụ một cách tự nhiên. Mipham Rinpoche đã tuyên bố một cách rõ ràng trong giáo lý sau đây: “Nếu không có nguyện ước mạnh mẽ, cho dù hàng ngày ta trì tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, không nhất thiết là ta sẽ tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ.” Vì thế bạn phải có niềm tin: “Khi tôi lìa khỏi thế giới này, tôi phải đi tới Đức Phật A Di Đà.” Với loại niềm tin này, việc tái sinh trong Cõi A Di Đà sẽ thật dễ dàng.

Trong thời đại Giáo pháp suy hoại này, có một số người trí thức gây ra nhiều điều kiện bất lợi cho giáo lý Tịnh Độ. Họ sử dụng những nguyên lý thế tục để nhấn mạnh rằng được tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ là điều không dễ dàng, cũng như nhiều châm ngôn sai lầm khác. Tôi đã phân tích điều này trong những cuộc trò chuyên về “Các Giáo lý về Cõi Tịnh Độ,” vì thế mọi người có thể hiểu được. Trong bản chất, ta nên chân thành ước muốn được tái sinh trong một Cõi Tịnh Độ, thường xuyên trì tụng Nguyện Ước Được Sinh trong Cõi Cực Lạc, và đọc thêm các giáo lý về truyền thống Tịnh Độ.

Học kỳ của Đạo sư Vĩ đại Liên Hoa Sanh

Trong thời đại Giáo pháp suy hoại, do bởi những công đức nghèo nàn của tất cả chúng sinh, sau một thời gian dài, những gia hộ của một số giáo lý dần dần biến mất. Trước hiện tượng này, Đức Liên Hoa Sanh đã cất dấu các giáo lý về những nghi lễ vô cùng siêu phàm trong các hồ, hang động, biển, không gian của Tây Tạng, và thậm chí trong trí tuệ hiểu biết. Ngài đã giao phó những thứ này cho các vị Hộ Pháp, và tiên tri về vị tertön trong tương lai sẽ khai mở và thọ nhận terma. Từ đó, hàng chục và hàng ngàn tertön (vị khai mật tạng) đã xuất hiện trong Phật giáo Tây Tạng với 108 vị chính yếu.

Một số người ở ngoài Tây Tạng không biết một terma có nghĩa là gì. Đặc biệt là một số người ở Trung quốc với một tâm phân biệt mạnh mẽ và đã học rất nhiều về thuyết duy vật, họ thường hỏi: “Vì sao Liên Hoa Sanh chôn dấu chúng? Nếu được chôn dấu trong đá, ông ta đã dùng cái gì để đào các tảng đá?” Trong thực tế, những hành vi này siêu vượt sự suy nghĩ dựa trên khái niệm. Có nhiều giáo lý trong Phật giáo Tây Tạng liên quan đến điều này. Trước đây tôi thực sự muốn nói về nó nhưng chẳng bao giờ có thời gian.

Phương pháp thực hành này là một terma. Các đặc tính của terma là khi các hoàn cảnh hủy diệt Tam Bảo, các ngọn núi linh thiêng bị ô nhiễm v.v.. xuất hiện, chẳng hạn như “Cách mạng Văn hóa”, những gia hộ thuần tịnh của Kinh điển và những trao truyền không bị chút xíu ảnh hưởng nào. Trong một thời đại đặc biệt này, khi một terma được một tertön khôi phục, những gia hộ của nó rất, rất siêu phàm. Vì thế khi những gia hộ của những Phật pháp khác gần biến mất, những gia hộ của các terma của Đạo sư Vĩ đại Liên Hoa Sanh như một ngọn lửa chói bừng, ngời sáng trong tâm của tất cả chúng sinh. Khi nương tựa vào loại terma này dành cho việc thực hành của ta, ta nhất định đạt được giác ngộ.

Trong “Pháp hội Cực Lạc,” bạn cũng có thể có cảm nhận này. Mặc dù ở trong thời đại Giáo pháp suy hoại, các thời kỳ hỗn loạn của năm sai lầm căn bản, mỗi ngày, các trung tâm Phật tử thế tục đầy ngập con người. Đặc biệt là buổi chiều vào lúc kết thúc tập hội, toàn bộ thung lũng nhuộm màu đỏ khi Tăng đoàn trở về. Quang cảnh nhiều người trì tụng danh hiệu thiêng liêng của Đức Phật A Di Đà, như thể đó là một thời đại hưng thịnh của Giáo pháp, mang lại niềm vui cho con tim. Đây là sự gia hộ của terma.

Đạo sư Lekrab Langpa khôi phục terma

Đạo sư Tertön Lekrab Langpa là hóa thân trước đây của Đức Jigme Phuntsok Rinpoche và cũng là vị Thầy Kinh điển của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Ngài đã khôi phục hơn 20 terma, và là một yogi (hành giả) hết sức lừng danh ở Tây Tạng. Lời nguyện của Đạo sư nói rằng ngài là hiện thân về ngữ của Đức Liên Hoa Sanh, hiện thân về tâm của Đức Vajravārāhī, và hiện thân về thân của Vị Điều phục Quỷ ma Kim Cương (một trong mười đệ tử chính của Đức Liên Hoa Sanh). Không chỉ là một tertön, ngài còn là một nhà văn vô cùng thành tựu. Sau khi đọc những tác phẩm của ngài như thi ca, lịch sử, và những bài ca Giáo pháp, các môn đồ tràn ngập sự ngưỡng mộ.

Terma này được Đạo sư Tertön khôi phục, và được sao chép từ terma nguyên thủy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Trong thời đại này, những giáo lý siêu việt như thế thì vô cùng hiếm có. Mọi người nên hiểu biết chút ít về lịch sử này.

Nam mô A Di Đà Phật! (Đối với phương pháp thực hành A Di Đà, trước hết ta quy y, sau đó phát triển Bồ đề tâm, rồi đi vào thực hành.)

Khi hát tụng nghi lễ, nếu hiểu tiếng Tây Tạng, thì ta nên sử dụng tiếng Tây Tạng để trì tụng; nếu không, việc sử dụng tiếng Trung quốc cũng được cho phép. Trước đây Đức Jigme Phuntsok Rinpoche đã cho phép điều này.

Trước hết, bạn phải quy y và phát Bồ đề tâm. Khi quy y, bạn nên nghĩ: “Giờ đây con quy y Đức Phật Đạo sư A Di Đà và tất cả chư Phật, Giáo pháp và các bậc linh thánh.” Tôi đã thường nói trước đây — quy y là nương tựa một cách toàn tâm toàn ý và hoàn toàn ẩn náu với thân, ngữ và tâm ta, dù gặp hạnh phúc hay đau khổ, sự nương tựa duy nhất của ta luôn luôn ở đó. Việc thực hiện lời nguyện này trước Tam Bảo được gọi là quy y. Dĩ nhiên, ta có thể trì tụng bất kỳ lời nguyện nào khi quy y.

Sau đó hãy phát triển Bồ đề tâm: “Từ nay trở đi, con nguyện làm lợi ích tất cả chúng sinh, và không chỉ làm lợi lạc những chúng sinh đặc biệt. Vô lượng chúng sinh đang chìm đắm trong đại dương đau đớn và khổn khổ của Sinh tử. Con nguyện làm mọi sự con có thể để cứu giúp họ thoát khỏi những đau khổ vật chất và tinh thần, giải thoát khỏi những đau khổ của Sinh tử, và đạt được trái quả của giác ngộ viên mãn, vô song.” Hãy tụng điều này một hay ba lần.

Trước hết hãy quy y, sau đó phát Bồ đề tâm, và bắt đầu quán tưởng một cách trang trọng:

Mọi hiện tượng thì trống không, và vì thế hãy thiền định về,
lòng từ ái và bi mẫn trùm khắp.
Trong trạng thái đó của tánh Không và lòng bi mẫn,
mọi sự hiện hữu trở thành cõi tịnh độ của cực lạc.

Đây thuộc về utpattikrama (giai đoạn phát triển) của Mật thừa, là điều không thường được thực hành trong các truyền thống Kinh thừa. Truyền thống Tịnh Độ chủ yếu đòi hỏi ta nhất tâm trì tụng danh hiệu của Đức Phật. Hiếm thấy các giáo lý về sự quán tưởng. Cho dù có quán tưởng, rất hạn chế quán tưởng sự xuất hiện của Đức Phật A Di Đà trước khi trì tụng. Truyền thống Mật thừa có các thực hành mật điển nội và ngoại. Đây là một thực hành Mật thừa ngoại. Các thực hành Mật thừa ngoại cũng được phân thành một vài loại. Ta có thể quán tưởng chính mình là một người bình thường, với Đức Phật A Di Đà ở trước mặt, và thực hành như một người bạn (carya tantra) hay một người hầu (kriya tantra) của Đức Phật. Ở đây ta được yêu cầu quán tưởng chính mình là Đức Phật A Di Đà, vì thế cấp độ thực hành rất cao.

Một số hành giả không biết gì về truyền thống Mật thừa. Khi nghe nói điều này, họ bối rối: “Làm sao tôi có thể trở thành Đức Phật A Di Đà? Quán tưởng Đức Phật A Di Đà ở trước mặt tôi thì có thể chấp nhận được, và tôi khẩn cầu thành tựu. Nhưng quán tưởng chính tôi là Đức Phật A Di Đà thì có chút khó khăn.” Điều này có nghĩa là bạn chưa xây dựng những nền tảng vững chắc về thực hành Mật thừa. Tốt nhất là trước hết, bạn hãy thực hành một số giáo lý Kinh thừa.

Trong thực hành này, nếu bạn có thể quán tưởng rõ ràng, khi ấy hãy quán tưởng Đức Phật A Di Đà. Nếu không thể làm điều đó, bạn có thể đặt một tấm hình hay pho tượng Đức Phật A Di Đà trong phòng thiền định của bạn, hãy cúng dường, cầu nguyện, và sau đó với niềm tin mãnh liệt, hãy trì tụng danh hiệu hay thần chú tâm yếu của Đức Phật A Di Đà. Điều này tùy thuộc vào tình huống riêng của bạn.

Dĩ nhiên là nếu bạn đã nhận quán đảnh, bạn nên sử dụng phương pháp của giai đoạn phát triển (utpattikrama). Lúc ban đầu thực hành utpattikrama này rất nặng nề, đôi khi nó khó quán tưởng. Nhưng trải qua thời gian, bạn sẽ có thể quán tưởng trọn vẹn. Nếu bạn có thể quán tưởng thì việc tái sinh trong cõi cực lạc rất dễ dàng. Ta chỉ phải quán tưởng rõ ràng rằng Đức Phật A Di Đà là đấng bất khả phân với bản thân ta, và trong tích tắc ta được tái sinh trong cõi tịnh độ. Vì thế khi thực hành, các thực hành Mật thừa thì tuyệt vời nhất.

Sau khi quy y và phát Bồ đề tâm, khi bạn trì tụng nghi lễ (chỉ một lần), bạn quán tưởng: “mọi hiện tượng thì trống không, như đã được giảng dạy trong Trí tuệ Căn bản của Trung Đạo, nó không hiện hữu mà cũng không không-hiện hữu, và là tánh Không vĩ đại thoát khỏi bốn cực đoan thuộc về khái niệm và tám cực đoan của sự tạo tác khái niệm. Ngoại trừ chư Phật và Bồ Tát, chúng sinh không biết gì về tánh Không như thế. Họ luôn luôn dính chặt vào những vấn đề thế tục, là gia đình, thân quyến và bằng hữu, những mối quan hệ hay nghề nghiệp. Những chúng sinh này thật đáng thương. Khi nào họ mới có thể đạt được trái quả của giác ngộ toàn hảo, không thể trội vượt?” Lòng bi mẫn sinh khởi từ đáy lòng.

Bản chất của mọi hiện tượng là tánh Không. Các chúng sinh không hiểu rõ tánh Không thì thật đáng thương. Lòng bi mẫn này và tánh Không hòa hợp làm một, và sau đó trở thành một quan niệm. Mọi chúng sinh và thế giới vật chất dần dần trở thành những vị an trụ và nơi an trụ của Cõi Cực Lạc. Thế giới bên ngoài, như được mô tả trong Kinh Amitayurbhavana, là xứ Phật thanh tịnh và cực lạc, ngập tràn bảy châu báu và tám công đức. Đó là, tất cả các sinh loài trong đó là Đức Phật A Di Đà và những hiển lộ của ngài. Toàn thể thế giới vật chất, kể cả phòng thiền định và nhà của bạn, là óc sáng tạo toàn hảo và quan điểm về cõi cực lạc. Tất cả chúng ta là những hiển lộ của Đức Phật A Di Đà. Một vị Phật có thể hiển lộ làm hàng mười ngàn kotīs các vị Phật. Mọi sự với các sinh loài, kể cả những con yak và con quạ, là những hiển lộ của Đức Phật A Di Đà. Đây là cách quán tưởng “mọi sự hiện hữu trở thành cõi thuần tịnh của cực lạc.”

Sau quán tưởng này, hãy tự quán tưởng:

Trên một vị trí hoa sen và mặt trăng, hãy nghỉ ngơi sự tỉnh giác của ta như một chữ HRI,

Các tia sáng phóng chiếu từ nó, hoàn thành hai loại lợi lạc.

Bản thân ta chuyển hóa tự nhiên thành Đức Thế Tôn A Di Đà, màu đỏ.

Giữa cõi cực lạc hãy quán tưởng một hoa sen lớn với những cánh trắng và nhụy hoa màu đỏ tía. Nó có thể có tám, mười hai, hay ba mươi hai cánh. Trong nhụy hoa là một đĩa mặt trăng, và trên đĩa là chữ HRI Tây Tạng. Chữ HRI là tâm ta.

Sau đó HRI phóng chiếu ánh sáng đỏ để “thành tựu hai loại lợi lạc”. Nó thành tựu hai loại lợi lạc ra sao? HRI chiếu tỏa vô lượng tia sáng, và ở cuối mỗi tia sáng mang theo những món cúng dường như tám biểu tượng tốt lành và bảy thuộc tính của vương quyền, được dâng cúng cho chư Phật và chư Bồ Tát khắp mười phương. Nó tịnh hóa những che chướng của ta từ vô thủy, làm viên mãn mọi công đức, tích tập công đức và tịnh hóa che chướng. Điều này để làm lợi lạc bản thân. HRI liên tục phóng chiếu ánh sáng, thâm nhập toàn thể sáu cõi Sinh tử. Ánh sáng tiệt trừ đau khổ của việc nóng và lạnh cùng cực trong địa ngục, đau khổ do đói và khát của các ngạ quỷ, đau khổ do bị sử dụng làm công việc nặng nhọc của súc sinh, đau khổ do sinh, lão, bệnh, và tử của loài người, đau khổ do cái chết và việc đọa lạc của chúng sinh trong cõi trời, và đau khổ do chiến tranh của các A tu la. Điều này làm lợi lạc chúng sinh. (Sự quán tưởng này vô cùng quan trọng. Tôi không biết chắc gần đây bạn có thực hành điều này hay không?)

Sau khi hoàn thiện hai loại lợi lạc, HRI chuyển hóa thành Đức Phật Thế Tôn [1] A Di Đà. Đó là, tâm của riêng ta trở thành tâm của Đức Phật A Di Đà với vô lượng công đức. Trong các truyền thống Kinh thừa, không có thực hành như thế về Đức Phật Tự Hào. Nhưng trong utpattikrama của ngày hôm nay, đó là phương pháp quán tưởng này. Thân của Đức Phật A Di Đà (bản thân ta) có màu đỏ, như hồng ngọc, đặc biệt cao quý, và khơi dậy niềm tin nơi những người nhìn thấy thân tướng này. Những người thiện xảo trong những quán tưởng cũng có thể quán tưởng rằng trong những vùng phụ cận là Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí (Mahāsthāmaprāpta) và vô số các đấng linh thánh.

Sau đó hãy tiến hành quán tưởng một cách chi tiết:

Ngài có một mặt; hai bàn tay ngơi nghỉ trong ấn bình đẳng,
cầm một bình bát ngập tràn chất cam lồ,
hai chân ngài trong tư thế không thể thay đổi,
thân toàn hảo của ngài mặc ba Pháp phục.

“Một mặt” tượng trưng cho công đức của Đức Phật A Di Đà thoát khỏi bốn cực đoan thuộc về khái niệm và tám cực đoan của sự tạo tác khái niệm. “Hai bàn tay” tượng trưng công đức của trí tuệ và sự thiện xảo. “Ấn quân bình” (bàn tay phải ở trên, bàn tay trái ở dưới) tượng trưng cho sự sử dụng nối kết trí tuệ và thiện xảo. “Cam lồ” tượng trưng các Giáo pháp có thể đáp ứng các ước nguyện của tất cả chúng sinh. “Hai chân trong tư thế không thể thay đổi” tượng trưng cho việc không ở trong sinh tử mà cũng không an trụ tại niết bàn. “Ba Pháp phục” là y phục bên trong, áo choàng trên, và áo choàng ngoài. Đức Phật A Di Đà hiển lộ trong thân tướng tu sĩ, biểu lộ sự cao quý của thân toàn hảo.

Dĩ nhiên, đây hoàn toàn là sự tự mô tả. Một số hành giả, là những người trước đây không bao giờ quán tưởng, đôi khi không thể làm được điều này. Nếu bạn thực sự phấn đấu, bạn có thể đặt một tấm hình lớn trước mặt. Trong “Pháp hội Cực Lạc,” phía sau phòng Kinh của trung tâm cư sỹ, toàn bộ triền núi được che phủ bằng những Thangka của Đức Phật A Di Đà. Bạn nên đi tới phía đối diện, hay dưới núi, và liên tục ngắm nhìn chúng và quán tưởng. Với sự quán tưởng tốt đẹp, khi mắt nhắm lại, hình tướng của Đức Phật A Di Đà vẫn có thể xuất hiện. Ở cấp độ đó sẽ rất dễ dàng để quán tưởng chính mình là vị Phật này.

Các dấu hiệu chính và biểu hiện phụ thì vô cùng toàn hảo,
ngài là sự nhân cách hóa siêu việt của năm Phật thân,
xuất hiện, nhưng không có bản tánh cố hữu,
trong trái tim ngài, trên một mặt trăng, là một chữ HRI đỏ.

Đức Phật A Di Đà có 32 tướng chính và 80 tướng phụ của sự giác ngộ, và đã viên mãn mọi sự tỉnh giác về Như Lai toàn trí chân thực, hiển hiện năm thân gồm Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân, Thân Bồ Đề hiển lộ, và Thân Kim Cương bất biến. Các thân (kaya) này không như chúng ta với những bộ phận bên trong như gan hay ruột, nhưng như những phản chiếu trong tấm gương hay các cầu vồng trong bầu trời, chúng hiển lộ nhưng không có tự tánh. Trong phạm vi của những hiển lộ, không có chút xíu lầm lạc hay rối loạn. Mỗi yếu tố duy nhất được hiển lộ rõ ràng. Trong phạm vi của tánh Không, không có một yếu tố chất thể duy nhất, khác với các Thangka hay các pho tượng có chuẩn mực của chất thể.

Trong trái tim của kaya (thân) này là một đĩa mặt trăng trắng mảnh như một hạt mù tạt. Trên đĩa mặt trăng, hãy quán tưởng một chữ HRI đỏ. Các giáo lý utpattikrama nói, chữ HRI này phải được quán tưởng là rất mảnh, như thể nó được vẽ bằng đầu của một sợi tóc. Đĩa mặt trăng và chữ HRI được quán tưởng càng mảnh thì tâm càng có thể tập trung trên đó, cắt đứt sự suy nghĩ phân biệt thô thiển, và đi vào Samadhi (định) này.
blank

Thần chú xoay quanh nó theo chiều kim đồng hồ, phóng chiếu ánh sáng; và mọi Đức Thế Tôn, giống như được quán tưởng, được thỉnh mời và tan hòa thành bản thân, Dza, Hung, Bam, Ho.

blank


Ngay khi bạn đã quán tưởng một chữ HRI đỏ rất đẹp trong trái tim, quanh HRI, những chữ “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung” thẳng đứng xoay quanh theo chiều kim đồng hồ. Bánh xe thần chú này không cần quay tròn. Nói chung, tantra nội có những thực hành cần đến việc quay, nhưng nó không cần ở đây, vì thế bạn không cần suy nghĩ hay đòi hỏi quá nhiều. Ngoài thực hành này, không cần quán tưởng các thực hành khác. Nếu bạn có thể quán tưởng điều này thì thật tốt. Hiện nay, một vài người có tâm phân biệt rất mạnh mẽ. Họ không quán tưởng những gì họ nên làm, mà lại thắc mắc về những gì họ không nên: “Thần chú này quay ra sao? Kích thước như thế nào? Nên đặt ở vị trí nào? Tốc độ quay ra sao? Bao nhiêu vòng mỗi giây?” Nếu không được yêu cầu, bạn không cần thêm vào những suy nghĩ phân biệt ở đây.

Bánh xe thần chú này phóng chiếu tia sáng vô hạn, tỏa sáng trên chư Phật và chư Bồ Tát khắp muôn phương, thỉnh mời chư Như Lai từ mọi cõi Phật. Vào lúc này, tất cả các Đức Như Lai trở thành Đức Phật A Di Đà, giống như những giọt mưa hay bông tuyết tan vào biển cả, tan hòa thành Đức Phật A Di Đà (bản thân) vừa được quán tưởng. Đồng thời, hãy tụng thần chú nhập môn “Dza Hung Bam Ho”. Thần chú này có thể được giải thích khi thỉnh cầu, kết hợp làm một, trở thành một với ta. Thần chú này luôn luôn hiện diện trong những lễ nhập môn và trì tụng.

Ở trên chủ yếu là cách quán tưởng. Mọi người đều hiểu cách quán tưởng, đúng không? Tôi xin lập lại: trước hết quán tưởng tất cả đều trống không, giữa tánh Không hãy khẩn cầu lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, một khi lòng bi mẫn và tánh Không của riêng ta được hòa nhập làm một, mọi hiện tượng trở thành những yếu tố cao quý khác nhau của cõi cực lạc. Ở giữa cõi cực lạc là một hoa sen trắng, và ở giữa hoa sen là một chữ HRI đỏ được chuyển hóa từ tâm thức của riêng ta. HRI phóng chiếu ánh sáng mang hai loại lợi lạc, sau đó HRI đỏ lập tức chuyển hóa thành Đức Phật A Di Đà. Đối với kaya (thân) thực sự, mọi người nên hiểu biết rõ ràng. Trong trái tim của Đức Phật A Di Đà, hãy quán tưởng một đĩa mặt trăng màu trắng, trên nó là một chữ HRI đỏ, và xung quanh là các chữ Tây Tạng “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung”. Bánh xe thần chú phóng chiếu ánh sáng, thâm nhập mọi cõi Phật, thỉnh mời chư Như Lai tan hòa thành Đức Phật A Di Đà của riêng ta, “Dza Hung Bam Ho”, là vị không có sự khác biệt hay phân biệt với Đức Phật A Di Đà, làm tôn thêm sự Tự hào Phật tánh này. 

Trong việc trì tụng hàng ngày, bạn cũng thực hiện việc quán tưởng này? Nếu không, mà chỉ tụng bằng miệng “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung Hri”, điều đó không thật sự có ý nghĩa. Trong Phật giáo Trung Hoa, có những phương pháp chánh niệm về bản tánh của Đức Phật, quán tưởng một vị Phật, suy niệm một hình ảnh Phật, trì tụng danh hiệu Phật. Với phương pháp trì tụng danh hiệu của một vị Phật, nếu ta chỉ tụng “Namo Amitabah” nhưng chẳng bao giờ nghĩ về thân tướng của Đức Phật A Di Đà trong trái tim ta và cũng không ước muốn được tái sinh trong cõi cực lạc, loại tụng niệm này không thật sự trọng yếu.

Trong hai ngày Pháp Hội, mỗi ngày mọi người cần trì tụng trong trạng thái utpattikrama (giai đoạn phát triển). Nếu bạn có thể làm điều này, cho dù bạn chỉ có thể tụng 100 lần, công đức và năng lực thật bao la, bởi điều này được đòi hỏi bởi Đạo sư Tertön và Đạo sư Vĩ đại Liên Hoa Sanh. Tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà không phải luôn luôn là điều cần thiết, nhưng thật cần thiết khi tụng thần chú này.

Sau “Dza Hung Bam Ho”,

Ánh sáng phóng chiếu từ thần chú, mang lại hai loại lợi lạc.

Hai loại lợi lạc là những gì trước đây ta đã nói, lợi lạc cho bản thân và cho chúng sinh.

Mọi hình tướng, mọi sự xuất hiện, thì thanh tịnh như Đức A Di Đà,

mọi âm thanh, mọi sự nghe, có bản chất là âm thanh của thần chú,

mọi tư tưởng thì thanh tịnh như năm trí tuệ.

Sau khi tất cả những Đức Phật A Di Đà tan hòa vào thân của riêng ta, bánh xe thần chú chiếu tỏa ánh sáng, mang lại hai loại lợi lạc. Sau khi mang lại hai loại lợi lạc, hãy quán tưởng:

1. “Mọi hình tướng, mọi sự xuất hiện, thì thanh tịnh như Đức A Di Đà.” “Mọi thân (kaya) thì thanh tịnh như vô lượng quang (Đức Phật A Di Đà.) Có lẽ một số người nghĩ rằng điều này không thể. Thực ra, chừng nào tâm còn thanh tịnh thì điều đó hoàn toàn có thể. Khi bạn nhìn thấy một người hay thấy một thú vật, hãy nghĩ rằng đây là Đức Phật A Di Đà. Cho dù bạn gặp một người xấu, hãy nhận ra rằng người ấy là hiện thân của Đức Phật A Di Đà. Giống như khi gặp những bậc trưởng thượng nào đó, mặc dù họ rất xấu, nhưng thực ra họ được nhà Vua phái đi và không thể bị xúc phạm, vì thế bạn bắt đầu cảm thấy khác biệt về họ.

Trong cõi hữu hình, mọi núi non, sông ngòi, đất đai, đất, nước, lửa, gió là cõi cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Mặc dù điều kiện bên ngoài mà ta gặp thì thô kệch, gập gềnh, và vô cùng ồn náo, trong thực tế nó là hiển lộ hư huyễn của cõi cực lạc.

2. “Mọi âm thanh, mọi sự nghe, có bản chất là âm thanh của thần chú.” Các âm thanh mà bạn nghe, cho dù chúng thuộc về con người, chim chóc, hay đất, nước, lửa, gió; đều là những hiển lộ hư huyễn của tâm chú của Đức Phật A Di Đà. Dù đó là âm thanh của sự tranh cãi, của máy kéo, của những âm thanh khác nhau trong các thành phố, mọi âm thanh trở thành âm thanh thuần tịnh của tâm chú. Điều này có lẽ dễ quán tưởng.

3. “Mọi tư tưởng thì thanh tịnh như năm trí tuệ.” Dù đó là sự tham lam, sân hận, hay thiện tâm, bi mẫn, mọi tư tưởng không khác biệt với trí tuệ của Đức Phật A Di Đà. Mọi sự trở thành trí tuệ Phật thuần tịnh.

Thực hành quán tưởng sự thanh tịnh không chỉ có trong Phật giáo Tây Tạng, trong Phật giáo Trung hoa cũng có một câu chuyện thật đã được làm thành phim: trong tỉnh Tứ Xuyên, quận Zitong, có một người đàn bà trong làng khoảng bốn mươi tuổi, bà ta thực sự muốn ăn chay và trì tụng danh hiệu Phật. Nhưng người chồng rất tệ, và ông ta làm mọi sự để ngăn cản bà. Khi nấu nướng, trước hết bà làm một đĩa thịt cho ông, và sau đó nấu món chay cho mình. Khi người chồng thấy điều này, ông ta đổ một ít thịt vào chén của bà và nói: “Người ăn thịt thì vô tội, người nấu thịt đầy tội lỗi.” Sau vài lần như thế, bà phải nhượng bộ và từ bỏ việc ăn chay.

Người chồng thấy rằng chiến lược của ông thành công, và vì thế ông muốn tìm ra cách ngăn bà trì tụng danh hiệu Phật. Vì thế ông ta bắt đầu làm việc như một người làm nghề mổ thịt và bán thịt heo. Mỗi sáng, ông ta bắt buộc bà giúp ông bắt những con heo. Mỗi lần sau khi giết một con heo, ông ta cố ý nói: “Người giết heo thì vô tội, người bắt heo thì có tội.” Như được báo trước, bà không bao giờ nghe tụng danh hiệu Phật nữa.

Ba năm trôi qua. Một hôm, người vợ thình lình nói: “Tôi sắp về nhà.” Người chồng bối rối, ông ta hỏi: “Cha mẹ bà qua đời lâu rồi. Bà về nhà nào?” Bà vợ nói: “Nói thật với ông, tôi sắp trở về cõi cực lạc. Ông thực sự có một trái tim tồi tệ. Tôi ước muốn ăn chay và tụng danh hiệu Phật, nhưng ông cố tình âm mưu ngăn cản tôi. Trong những năm này, tôi luôn luôn tụng danh hiệu Phật trong tim. Mỗi lần tôi bắt một con heo, tôi im lặng cầu nguyện với Đức Phật: ‘Ôi heo, nghiệp xấu của tôi ăn sâu đến nỗi tôi không thể giúp bạn. Xin để cho Đức Phật A Di Đà đến và đưa bạn về cõi tịnh độ.’ Tôi tiếp tục tụng cho đến khi con heo ngừng thở. Thật không may, mỗi con heo mà tôi bắt đã tái sinh trong cõi thuần tịnh. Để cảm ơn tôi, trong ba ngày, cùng với Đức Phật A Di Đà, chúng sẽ đến để đón tôi vào cõi thuần tịnh.” Khi nghe điều này, người chồng nghĩ rằng bà ta đang nói chuyện tầm phào, bà ta đã mất trí.

Vào ngày thứ ba, căn phòng của bà vợ tràn ngập một mùi hương thơm ngát, và mọi loại dấu hiệu tốt lành xuất hiện. Người chồng cảm thấy bối rối, và kín đáo quan sát. Ông ta thấy sau khi lau rửa sạch sẽ, bà vợ ngồi trên một chiếc ghế, nhắm mắt lại, và tụng danh hiệu của Đức Phật. Trong khoảng thời gian mười câu tụng, bà đã mất trong tư thế ngồi. Khi nhìn thấy sự kiện bất ngờ này, ông ta cảm thấy vô cùng ân hận. Từ đó, ông từ bỏ những tập quán xấu, tinh tấn hối lỗi, và cũng trở thành người trì tụng danh hiệu của Đức Phật.

Trong câu chuyện này, bà vợ nằm dưới quyền sai sử của người chồng và không dám lớn tiếng tụng danh hiệu Phật. Thay vào đó bà im lặng tụng trong lòng. Khi giặt quần áo, bà tụng “Nam mô A Di Đà, Nam mô A Di Đà”. Khi giết heo, bà tụng “Nam mô A Di Đà, Nam mô A Di Đà”. Khi đi, đứng, nằm, luôn luôn là “Nam mô A Di Đà, Nam mô A Di Đà”. Theo cách này, như được giảng dạy trong Mật thừa, các âm thanh mà bà nghe, những điều bà nhìn thấy, các khái niệm bà nghĩ, tất cả là những hiển lộ về con người, chim chóc, hay đất, nước, lửa, gió; đều là những hiển lộ hư huyễn của Đức Phật A Di Đà. Nếu trong những giờ thức và ngủ, chúng ta duy trì “Nam mô A Di Đà, nam mô A Di Đà”, thì mọi sự ta làm, thấy và nghe đều là những hiển lộ thanh tịnh của Đức Phật A Di Đà, vì thế khi chết ta có thể được bảo đảm là sẽ tái sinh trong cõi cực lạc.

Thật không may là thực hành của ta nông cạn, và cuộc đời thì quá ngắn. Mặc dù gặp những giáo lý cao cả như thế về việc tái sinh trong cõi cực lạc, chúng ta không muốn tinh tấn. Đặc biệt là một số người lớn tuổi kiên quyết mong muốn tụng đọc luận lý Phật giáo một cách ngoan cố, hơn là trì tụng danh hiệu Phật. Khi đã ở tuổi bảy mươi hay tám mươi mà vẫn tụng đọc luận lý Phật giáo, họ sẽ thảo luận với ai? Đối với những người trẻ tuổi, họ nghĩ rằng bây giờ là lúc để truyền bá Giáo pháp và làm lợi lạc tất cả chúng sinh, và nghĩ rằng việc trì tụng có thể được thực hiện lúc về già. Thực ra tôi cũng nghĩ như vậy; nhưng thời gian không chờ đợi ai! Trong Phật giáo Tây Tạng, điều này được thực hiện rất tốt. Nhiều người ở tuổi năm mươi hay sáu mươi bỏ sang một bên mọi sự ở nhà và toàn tâm trì tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và tâm chú Quán Thế Âm. Bạn phải làm điều này. Ta nên kiểm soát thời gian của ta. Nếu không, khi bỏ sang một bên những điều vô nghĩa, ngay cả với những điều đầy ý nghĩa như việc tụng đọc luận lý Phật giáo và tham dự vào việc thảo luận, những ông và bà bảy mươi tuổi đóng góp điều gì cho Phật giáo mặc dù họ thắng những cuộc thảo luận về luận lý?

Hãy tụng từ trạng thái đại lạc.

Đại lạc ám chỉ trạng thái nơi mọi sự là những hiển lộ của Đức Phật A Di Đà, không có đau khổ. Từ quan điểm tối hậu, đó là tánh Không vĩ đại thoát khỏi bốn cực đoan khái niệm và tám cực đoan của sự tạo tác khái niệm. Trong phạm vi của những hiển lộ hiện tại, không có chút đau đớn hay đau khổ nào.  Giữa trạng thái đại lạc này, hãy tập trung vào việc trì tụng “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung Hri”, cho đến khi ba trăm ngàn trì tụng được hoàn tất.

Bất luận bao nhiêu tâm chú được trì tụng, mỗi lần như thế ta phải hồi hướng công đức:

Với thiện hạnh này, cầu mong con đạt được trạng thái linh thánh của Đức Phật Vô Lượng Thọ

Nguyện vô lượng chúng sinh cùng đạt được sự chứng ngộ siêu việt của ngài.

Cuối cùng hãy nghĩ: “Với công đức tốt lành giống như của con, nguyện mọi chúng sinh đạt được trái quả của Đức Phật Vô Lượng Quang.”

Dưới đây là chữ in nhỏ bên dưới terma:

Khi trì tụng ba trăm ngàn lần thần chú gốc mười một chữ, thành tựu tâm linh sẽ được thành tựu.

Thần chú có mười một chữ Tây Tạng. Nếu trì tụng thần chú gốc này ba trăm ngàn lần, thì việc đạt được thành tựu được bảo đảm. Việc đạt được thành tựu là sự giác ngộ, người trì tụng cũng được tái sinh trong cõi cực lạc. Đây là ngữ kim cương của tất cả chư Phật và Bồ Tát. Mọi người phải có niềm tin không thể lay chuyển ở nó.

Hãy tham dự vào Pháp hội vào lúc này, cho dù bạn bận rộn ra sao, bạn phải hoàn tất nó. Nếu bạn không thể hoàn thành nó vào lúc này, thì bạn phải đền bù điều đó trong một thời gian ngắn. Khi tụng, bạn phải quán tưởng. Điều ta đã thảo luận trước đây thì tương đối đơn giản. Cho dù bạn không biết cách quán tưởng bất kỳ điều gì, bạn có thể chỉ đơn giản quán tưởng chính mình là Đức Phật A Di Đà. Hãy quán tưởng một bánh xe thần chú trong trái tim, phóng chiếu ánh sáng để làm lợi lạc chúng sinh, đón chào tất cả chư Phật và Bồ Tát. Trong trạng thái này, hãy tiếp tục trì tụng tâm chú. Khi hồi hướng công đức vào lúc kết thúc, bạn có thể trì tụng phần cuối cùng của Những Nguyện ước về Cõi Cực Lạc. Điều này vô cùng quan trọng.

Dĩ nhiên, nếu có niềm tin thật mạnh mẽ, cho dù những quán tưởng không rõ ràng, việc chỉ tụng danh hiệu Đức Phật và trì tụng tâm chú cũng có công đức. Luận văn Vĩ đại về Nguyện ước về Cõi Cực Lạc nói rằng trong miền Daduo của xứ Shiqu, một người đàn ông thường cầu nguyện Đức Phật A Di đà, và tụng Nguyện ước về Cõi Cực Lạc nhiều lần. Nhưng ông ta luôn luôn nghĩ thân Đức Phật A Di Đà màu xanh dương, và không hề biết cách quán tưởng hình tướng cho rõ ràng. Nhưng hoàn toàn dựa trên sức mạnh của niềm tin, khi ông ta chết, Đức Phật A Di Đà đích thân xuất hiện để đón chào ông ta đến cõi cực lạc. Bởi ta đã gặp giáo lý này, việc ta quán tưởng rõ ràng sự xuất hiện của Đức Phật A Di Đà thì thật tốt. Tốt nhất là ta đặt một Thangka hay một tấm hình trước mặt, sau đó quán tưởng trong khi trì tụng.

Không chỉ Phật giáo Tây Tạng đòi hỏi ta tụng tâm chú Đức Phật A Di Đà ba trăm ngàn lần, trong Phật giáo Trung Hoa, nếu ta tụng thần chú Tái sinh trong cõi tịnh độ ba trăm ngàn lần, ta có thể nhìn thấy Đức Phật A Di Đà. Vào đời Đường [618-907], Pháp sư Đạo Sĩ đã viết trong Khu rừng Ngọc Trai trong Vườn Pháp: “Khi đã tụng thần chú Tái sinh trong cõi tịnh độ ba trăm ngàn lần, ta có thể nhìn thấy Đức Phật A Di Đà, và được bảo đảm về việc tái sinh trong cõi cực lạc.” Đây cũng là một loại nối kết. Giáo lý của các tu sĩ lỗi lạc và các Đạo sư có một hòa hợp hoàn hảo.

Đức Phật và mọi hiện tượng ở trong trạng thái không khái niệm hóa,

vì thế hãy hồi hướng công đức và lập nguyện.

Nó tiệt trừ cái chết non yểu trong đời này,

và là con đường sâu xa nhanh chóng dẫn tới Cõi Cực Lạc trong đời sau.

Vì thế những người có nối kết về nghiệp nên duy trì thực hành. Samaya!

Hãy quán tưởng bản thân là Đức Phật A Di Đà, và thế giới bên ngoài là cõi cực lạc, sau đó cõi cực lạc hoàn toàn chuyển hóa thành ánh sáng, và Đức Phật A Di Đà của riêng ta cũng chuyển hóa thành ánh sáng, hãy nghỉ ngơi trong trạng thái tánh Không không có bất kỳ sự khái niệm hóa nào. Nếu bạn đã chứng ngộ trạng thái Đại Viên mãn, hay Trung Đạo Vĩ đại, thì hãy an trụ trong những trạng thái này. Nếu bạn không có sự chứng ngộ như thế, thì hãy nghĩ rằng cả Đức Phật A Di Đà và cõi cực lạc chuyển hóa thành ánh sáng và tan hòa vào Pháp giới. Không suy niệm, hãy nghỉ ngơi trong tánh Không như thế trong một hay hai phút, sau đó lập những nguyện ước và hồi hướng công đức: “Con hồi hướng công đức tốt lành cho vô số chúng sinh, nguyện họ được tái sinh trong cõi cực lạc.”

Khi thực hành như thế, ta có thể tránh khỏi nghịch cảnh của cái chết non yểu. Cái chết non yểu nghĩa là gì, chẳng hạn như, một người được giả thiết là sống tới 100 tuổi, nhưng một vài nghịch cảnh xảy ra, vì thế người ấy chết vào tuổi 50. Vì thế thực ra Đức Phật A Di Đà không khác biệt với Đức Phật Vô Lượng Thọ. Chừng nào ta thực hành “Om Amidewa Ayu Siddhi Hung Hri” một cách tinh tấn, ta đang thực hành Đức Phật Vô Lượng Thọ. Nhiều người ước muốn sống trường thọ. Nhưng nếu ta tiếp tục phát triển nghiệp tiêu cực, thì việc có một cuộc đời trường thọ không nhất thiết là có ý nghĩa. Nhiều hành giả cư sĩ đến kiểm tra sức khỏe trong bệnh viện, và rất sợ hãi về những vấn đề không mong đợi, cố nài được sống tới một tuổi nào đó. Thực ra, chỉ nuôi dưỡng ước muốn này thì không đủ. Bạn nên thực hành giáo lý này để tránh cái chết non yểu, và được tái sinh trong cõi cực lạc.

Để mọi người gặp được giáo lý này, bạn phải có nối kết nghiệp tuyệt vời với nó. Trong lịch sử, nhiều người đã thành tựu việc nương tựa vào giáo lý Tịnh Độ. Có một số người trong Phật giáo Tây Tạng, và thậm chí cả trong Phật giáo Trung quốc. Chẳng hạn như, Tổ thứ Hai của truyền thống Tịnh Độ là ngài Thiện Đạo, khi về già, ngài toàn tâm trì tụng danh hiệu Phật. Trong Một Biên niên sử các vị Tổ Phật giáo ghi chép rằng ngài không bao giờ ngủ trong hơn ba mươi năm. (Đối với chúng ta, chưa nói đến hơn ba mươi năm, nếu ta không ngủ trong ba ngày, ta sẽ chuẩn bị việc đó trong sáu ngày). Khi mất, ngài nhìn về phương Tây và lập nguyện: “Cầu mong Đức Phật đến rước con, cầu mong Bồ Tát cứu giúp con, xin đừng để con mất chánh niệm, con xin được tái sinh trong cõi thuần tịnh.” Sau khi nói lời này, ngài đứng yên mà tịch.

Ngài là một Đạo sư lừng danh trong Phật giáo, và có lẽ ta không thể so sánh với ngài. Nhưng Tuyển tập về sự Tái sinh do Đạo sư Lianchi vào Triều Minh [1368-1644] biên tập có nhắc đến trường hợp của một con vẹt tái sinh trong cõi tịnh độ sau khi tụng danh hiệu của Đức Phật. Trong các tường thuật ngày nay, có những con bò tái sinh trong cõi tịnh độ sau khi nghe các tu sĩ tụng danh hiệu Phật. Có cả những tường thuật về những con chó, những con gà trống, và nhiều trường hợp như thế. Có lẽ ta không thể so sánh với những Đạo sư lỗi lạc ngày xưa, chẳng hạn như các Đạo sư của truyền thống Tịnh Độ, Chagme Rinpoche của Phật giáo Tây Tạng, Sonam Tsemo của phái Sakyapa, và Bồ Tát Nagajuna (Long Thọ). Nhưng so sánh với những con bò, con vẹt và chó là những loài không thể phát âm một cách đúng đắn danh hiệu của Đức Phật, cũng không thông minh như ta, nếu ta có ý hướng tái sinh trong cõi cực lạc, vì sao ta không thể?

Một ước muốn mạnh mẽ thì rất quan trọng. Đức Rinpoche có lần nói: “Khi trì tụng danh hiệu của Đức Phật, ta nên ước mong được tái sinh trong cõi cực lạc, mong mỏi các công đức của cõi tịnh độ, như một thanh niên đang yêu mong mỏi người yêu. Với một ước mong như thế, ta có thể được bảo đảm là sẽ tái sinh trong cõi cực lạc.” Ngày nay, nhiều hành giả tu sĩ và cư sĩ thường trì tụng danh hiệu của Đức Phật, nhưng họ không có một ước muốn mãnh liệt trong tim. Điều này có thể không đủ để được tái sinh trong cõi cực lạc. Vì thế, một ước muốn mạnh mẽ thì vô cùng quan trọng.

Mipham Rinpoche cũng nói rằng trong cuộc đời này, những người không biểu lộ các dấu hiệu rõ ràng của việc được tái sinh trong cõi cực lạc, nhưng nghe danh hiệu của Đức Phật khi chết, và phát triển niềm tin và ước muốn mạnh mẽ, thì có thể được tái sinh trong cõi cực lạc. Cho dù ta không thể phát triển niềm tin mạnh mẽ khi chết, nhưng có thể nhớ lại để trì tụng danh hiệu của Đức Phật trong Bardo, khi nương tựa vào niềm tin mạnh mẽ như thế, ta cũng có thể được tái sinh trong cõi cực lạc. Vì thế, bất luận là trong cuộc đời này, hay khi chết, hoặc ở trong Bardo, ta nên thực hành giáo lý then chốt này và có niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Phật A Di Đà.

Bản thân tôi có niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Phật A Di Đà. Tôi cảm nhận rằng bởi Pháp Vương đã tái sinh trong cõi cực lạc, là một đệ tử trong dòng truyền thừa của Pháp Vương, tôi có nối kết về nghiệp một cách kỳ lạ với cõi cực lạc; tôi nhất định có thể được tái sinh ở đó. Nhưng bởi giới hạn thời gian, tôi chưa hoàn tất các thần chú cần tụng. Tôi luôn luôn hối tiếc điều này, và ước mong có thời giờ rảnh rỗi để chuẩn bị tư lương cho việc tái sinh trong cõi cực lạc. Cái chết đến bất kỳ lúc nào. Việc trông chờ các bác sỹ hay trông chờ các Đạo sư với hy vọng được sống thêm một ít ngày thì vô ích. Dù ta khởi hành vào lúc nào, nếu có đủ tích tập, chắc chắn là ta có thể được tái sinh trong cõi cực lạc.

Khi chết, dù ta ở trong bệnh viện, hay thình lình gặp chướng ngại bất ngờ, ta nên làm như Sáu Bardo đã giảng, và ngay lập tức quán tưởng Đức Phật A Di Đà. Theo cách này, như Mipham Rinpoche đã dạy, trí lực vào lúc chết có thể được dễ dàng chuyển hướng. Khi nương tựa vào niềm tin của bạn và năng lực hứa nguyện của Đức Phật A Di Đà, sự kết hợp của hai điều này có thể cho phép ta được tái sinh trong cõi cực lạc ngay tức thời.

Khi so sánh với những người khác, các đệ tử trong dòng của chúng ta có nối kết hiếm có về nghiệp với cõi cực lạc, và có những thuận lợi đặc biệt trong việc tái sinh trong cõi đó. Như một phép loại suy, bạn có những mối liên hệ tốt lành với các bậc trưởng thượng của bạn, và cũng có trí tuệ của riêng bạn. Vì thế bạn được đặc biệt xác định vị trí tốt lành để được nâng cấp. Tương tự như vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy là Đức Rinpoche đã được tái sinh trong cõi cực lạc. Khi nương tựa vào những gia hộ của vị Thầy của ta, ý hướng của riêng ta, và hứa nguyện mạnh mẽ của Đức Phật A Di Đà, khi mọi nguyên nhân và điều kiện hội tụ, chừng nào ta còn khao khát tái sinh trong cõi cực lạc, nhất định ta sẽ được tái sinh ở đó. Vì thế trong khi mọi người trì tụng, bạn phải có ước muốn mạnh mẽ, và không dễ dàng bị sao lãng. Nếu ở bề ngoài bạn trì tụng với cộng đồng tu viện, nhưng chẳng bao giờ ước nguyện được tái sinh trong cõi cực lạc, thì điều này không thật tốt, và bạn phải thay đổi!

Ngawang Lobsang Thupten Gyatso (Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13) đã sao chép từ nguyên bản terma của Lekrab Langpa

Thực hành này được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 ghi chép từ terma nguyên bản của Lekrab Langpa.

Ở cuối nghi lễ, Đức Rinpoche đã đóng hai ấn triện. Một là của Thubten Choepei Rinpoche, vị Thầy truyền dạy của Pháp Vương; và một là của chính Pháp Vương. Dù du hành ở đâu, ngài luôn luôn mang theo ấn triện này, nó chỉ được dùng trong những vấn đề tối quan trọng. Chỉ có những vấn đề tối quan trọng mới được đóng dấu bằng ấn triện này. Khi chúng ta thệ nguyện và trì tụng sự Giải thoát nhờ Ăn Mặc, vị Thầy đã đóng ấn triện trên Nam tử Duy nhất của Mật điển của Đức Phật. Vì sao dấu ấn ở trên nghi lễ của giáo lý Tịnh Độ này? Điều này có nghĩa là, nếu theo giáo lý, ta có ước muốn và niềm tin mãnh liệt vào việc được tái sinh trong cõi cực lạc, và hoàn tất việc trì tụng tâm chú Đức Phật A Di Đà ba trăm ngàn lần, ta có thể được bảo đảm cho việc tái sinh trong cõi đó. Đức Rinpoche đã bảo đảm điều này. Vì thế ngài đã đóng dấu nó bằng ấn triện. Vị Thầy đã đảm bảo nhiều lần, trước mặt hàng mười ngàn môn đồ: “Chừng nào các con hoàn tất việc trì tụng danh hiệu của Đức Phật và tâm chú với niềm tin mãnh liệt, nếu các con không thể tái sinh trong cõi cực lạc, thì ta là kẻ nói dối. Nếu ta không tự tin, ta đã không đưa ra lời hứa này trước một đám đông như thế này.” Tôi nhớ lại nhiều bài diễn thuyết Kim cương của vị Thầy, như thể ngài vừa nói chúng.

Có thể nhiều người trong các bạn không gặp vị Thầy, nhưng những gia hộ và năng lực của vị Thầy dòng truyền thừa thì siêu vượt tư tưởng khái niệm. Nhiều người đã thấy nó trong những giấc mơ hay thấy các dấu hiệu vào ban ngày, điều đó chứng tỏ rằng vị Thầy đã tái sinh trong cõi cực lạc. Ta không biết ta có thể sống bao lâu. Dù trẻ hay già, trong Pháp hội, ta phải chân thành trì tụng tâm chú và cố gắng hoàn tất việc trì tụng tâm chú của Đức Phật A Di Đà ba trăm ngàn lần. Nếu hoàn tất việc trì tụng này, với lời hứa của vị Thầy, chắc chắn ta sẽ được tái sinh trong cõi cực lạc. Khi đã gặp những giáo lý tuyệt vời như thế, thậm chí một vài thú vật cũng có thể trì tụng danh hiệu của Đức Phật để được tái sinh trong cõi cực lạc, huống hồ là con người như chúng ta.

Đồng thời, sự hối lỗi thì vô cùng quan trọng. Để được tái sinh trong cõi cực lạc, tốt nhất là trước hết ta trì tụng tâm chú của Đức Kim Cương Tát Đỏa bốn trăm ngàn lần, sau đó hãy tiếp tục trì tụng danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. Để gặp được một phương pháp thực hành như thế, bạn đã tích tập những công đức lớn lao. Không có công đức thì không thể gặp nó, vì thế mọi người nên ngập tràn niềm vui!

2. Hướng dẫn từng bước một cho việc thực hành theo nhóm

Ta vừa bàn về phương pháp thực hành Đức Phật A Di Đà. Những người đã nghe điều này tại nhà và những người nghe ở giảng đường, xin thực hành nó ngay bây giờ trong ít phút. Mặc dù ta nên cùng nhau trì tụng nghi lễ, nhưng không phải lúc này. Xin theo hướng dẫn của tôi để quán tưởng:

Trước hết ngồi trong tư thế hoa sen một cách thẳng thắn và quán tưởng: “Từ nay trở đi, con quy y vị Thầy và Tam Bảo với Đức Phật A Di Đà là tâm điểm.” … …

Sau đó nghĩ: Việc thực hành phương pháp của Đức Phật A Di Đà, là để làm lợi lạc vô số chúng sinh ở mọi nơi.” Hãy phát triển Bồ đề tâm không thể vượt qua vì tất cả chúng sinh… …

Kế đó, hãy quán tưởng mọi hiện tượng đều trống không, và nhiều chúng sinh chưa hiểu rõ tánh Không này, vì thế hãy gợi lên lòng bi mẫn đối với họ… …

Bản tánh của tánh Không và lòng bi mẫn này thì thuần tịnh, nhưng hiển lộ của nó là mọi sự, sinh động hay bất động của cõi cực lạc. Hãy quán tưởng rằng mọi sự ở xung quanh là những trạng thái và chúng sinh của cõi cực lạc. … …

Trong cõi cực lạc bao la và vô hạn này, hãy quán tưởng một hoa sen trắng và đĩa mặt trăng, với tâm của riêng ta trở thành một chữ HRI đỏ, chiếu rọi ánh sáng vì hai loại lợi lạc. Sau khi thu rút ánh sáng, ta lập tức chuyển hóa thành Đức Phật Thế Tôn A Di Đà, với một thân có sắc đỏ, một mặt và hai tay, an tọa trong tư thế hoa sen, với mọi dấu hiệu và biểu hiện hoàn hảo. … …

Trên đĩa mặt trăng trắng trong trái tim của Đức Phật A Di Đà, hãy quán tưởng một chữ HRI đỏ, tỏa ánh sáng chói lọi để chào mừng chư Phật và Bồ Tát từ muôn phương. Hãy để thân tướng của Đức Phật A Di Đà tan thành thân thể của riêng ta. … …

Kế đó, hãy quán tưởng mọi hiện hữu vật chất thì thanh tịnh và là những hiển lộ của Đức Phật A Di Đà, mọi âm thanh là tâm chú của Đức Phật A Di Đà và mọi tâm thức là trí tuệ của Đức Phật A Di Đà. … …

Với tâm này, mọi người cùng nhau hát tụng tâm chú của Đức Phật A Di Đà: Om Amidewa Ayu Siddhi Hung Hri… …

Sau khi hồi hướng công đức này cho tất cả chúng sinh, hiển lộ vật chất của cõi cực lạc chuyển hóa thành ánh sáng, Đức Phật A Di Đà của cõi hữu tình cũng chuyển hóa thành ánh sáng, hoàn toàn tan biến vào Pháp giới. Hãy nghỉ ngơi một lát trong tánh Không này, không có bất kỳ niệm tưởng phân biệt nào. … …

Khi rời khỏi trạng thái tập trung này, hãy hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh. … …

Ngày hôm nay, do bởi thời gian có hạn, tôi chỉ giải thích đơn giản. Thực ra năng lực của thực hành tập thể vô cùng mạnh mẽ. Bạn nên thực hành như thế trong Pháp hội!

 

Chú thích:

[1] Thế Tôn: (Bhagavan) một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Nó có nghĩa là “Đấng Chiến Thắng thành tựu siêu việt.” “Siêu việt” là siêu việt sinh tử. “Thành tựu” là được trang bị những công đức không thể nghĩ bàn của mười loại năng lực (thập lực), bốn loại vô úy, và mười tám phẩm tính hiếm có của Đức Phật. “Đấng Chiến Thắng” là đấng hủy diệt mọi chướng ngại, chủ yếu là chướng ngại của các đau khổ, chướng ngại của sự hiểu biết, và bốn Ma vương.

http://www.khenposodargye.org/2013/06/the-method-for-the-practice-of-amitabha/
Nguyên tác: “The Method for the Practice of Amitabha” của Khenpo Sodargye Rinpoche

Khenpo Sodargye RinpocheTiểu sử Khenpo Sodargye Rinpoche

Khenpo Sodargye sinh ngày 4 tháng 6 theo lịch Tây Tạng, năm 1962, tại Drakgo, tỉnh Kham, Tây Tạng.

Sau khi được thọ giới tại Học viện Phật giáo Larung Gar Serthar, Khenpo nương tựa vào Đức Kyabje Khenchen Jigme Phuntsok Rinpoche như Bổn sư của ngài. Sau sự nghiên cứu miên mật về năm luận văn chính yếu về Trung Quán, Bát Nhã Ba La Mật Đa, Vi Diệu Pháp, Luật, và Luận lý Phật giáo, Khenpo đã nhận những trao truyền trực tiếp về các giáo lý Mật thừa như Đại Viên mãn, Thời Luân (Kalachakra), và Mạng lưới Đại Huyễn hóa từ Kyabje Khenchen Jigme Phuntsok Rinpoche và đạt được niềm tin không thể lay chuyển nơi Đức Longchenpa Toàn trí và Mipham Rinpoche. Qua việc thực hành, ngài đã đạt được sự chứng ngộ siêu việt về những giáo lý này.

Sau khi tham gia cuộc thảo luận Phật giáo Tây Tạng cổ điển và trải qua sự khảo thí bằng cách nói và viết, ngài đã đạt được học vị Khenpo. Sau đó Khenpo đã trông nom học viện của Kyabje Khenchen Jigme Phuntsok Rinpoche và trở thành người thông dịch chính của Kyabje cho các đệ tử Trung quốc.

Truyền bá Giáo pháp

Năm 1987, Khenpo hộ tống Đức Kyabje Khenchen Jigme Phuntsok thực hiện một chuyến hành hương đến Núi Linh thánh Ngũ Đài Sơn và bắt đầu nhận bốn loại đệ tử Trung quốc (các tăng và ni, các hành giả nam và nữ).
Từ 1990 tới 1999, Khenpo đã hộ tống Đức Kyabje Rinpoche ban Giáo pháp ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hòa Lan, Anh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Singapore, Mã Lai, Thái Lan, và Nhật Bản.

Năm 2006, Khenpo bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến, chẳng hạn như In-tơ-nét và đĩa DVD, để truyền bá giáo lý; cho phép nhiều môn đồ nhận việc tu tập Giáo pháp có hệ thống và làm lợi lạc một thành phần rộng lớn gồm những người may mắn.

Các Hoạt động Từ thiện

Năm 2007, Khenpo đã khánh thành dự án từ thiện-Khai tâm của Trái tim Từ ái và khuyến khích các hành giả Phật tử vun trồng lòng từ và bi trong đời sống hàng ngày và ngăn chặn việc phớt lờ người nghèo khổ. Như một ví dụ, ngài đã khởi động các Trường Tiểu học Trí tuệ và Đại bi, Các Trường Tu sĩ Tập sự, các bệnh xá, và ký túc xá để hỗ trợ cho việc tu học của các hành giả cư sĩ lớn tuổi. Từ tháng Hai năm 2011, Khenpo đã phụng sự như Ủy viên Danh dự của Quỹ Thiện tâm và Trí tuệ Công cộng Thượng Hải.

Mở đầu việc Xuất bản

Ngày và đêm, Khenpo giảng dạy và phiên dịch Giáo pháp không mệt mỏi. Hiện nay, hơn 100 quyển sách Giáo pháp đã được xuất bản nhờ những nỗ lực không nao núng của Khenpo. Tất cả những bản dịch của ngài (từ tiếng Tây Tạng sang Trung quốc) được tập họp trong “Kho tàng Kinh điển và Mật điển,” những sáng tác của ngài được tập họp trong “Kho tàng Giáo pháp Siêu việt,” và những giảng dạy khẩu truyền của ngài trong “Kho tàng Trí tuệ và lòng Bi mẫn”.

Các Hoạt động Học Thuật

Do bởi những công việc hữu ích, Khenpo trở nên nổi tiếng trong lãnh vực học thuật. Vào tháng Sáu năm 2010, Khenpo được mời giảng dạy tại các Đại học Trung quốc có uy tín, chẳng hạn như Đại Học Bắc Kinh và Đại Học Thanh Hoa; và vào tháng Ba năm 2011, đưa ra những giới thiệu chuyên đề tại Đại Học Phục Đán, Đại Học Nam Kinh và Đại Học Nhân dân của Trung quốc. Vào tháng Sáu năm 2011, Khenpo được mời ban lời giới thiệu tại Đại Học Chiết Giang, Đại Học Sư Phạm Hoa Trung (tức Central China Normal University), Đại Học Tôn Dật Tiên, Đại Học Trung Văn của Hồng Kông và Đại Học Bách Khoa Hồng Kông. Từ tháng 11 năm 2011, Khenpo được những Đại Học sau đây lần lượt thỉnh mời: Đại Học Sư Phạm Sơn Tây, Đại Học Tây Bắc (Trung quốc), Đại Học Vận Tải Tây An, Đại Học Sơn Đông, Đại Học Sư Phạm Hồ Nam, Học Viện Giáo Dục Hồng Kông, Đại Học Hồng Kông, Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh, Đại Học Trung ương Trung quốc về Khoa học và Kỹ thuật và Đại Học Sư Phạm Thượng Hải. Các giảng viên và sinh viên đều nhận được lợi lạc bao la từ những cuộc thăm viếng của Khenpo.

Qua những hoạt động của ngài, kể cả việc thông dịch và giảng dạy, và những tổ chức từ thiện đương thời mang lại sự trợ giúp cho người nghèo khổ, Khenpo đã trở thành vị Thầy của Phật giáo Tây Tạng có ảnh hưởng và nổi tiếng nhất tại Trung quốc.

Khenpo thường ghi khắc vào tâm trí các đệ tử theo cách này: “Chừng nào chúng ta có thể làm lợi lạc chúng sinh, ta nên sẵn sàng là đầy tớ cho họ trong hàng triệu và hàng triệu kiếp, cho dù chỉ một người có thể phát triển một tư tưởng tốt lành nhờ những nỗ lực của ta.” Ngài cũng nói: “Tôi không biết mình có thể sống bao lâu, nhưng chừng nào tôi còn thở, cho dù chỉ có một người nghe, tôi sẽ nỗ lực hết sức để làm lợi lạc cho người ấy bằng Giáo pháp!”

http://www.khenposodargye.org/2014/09/who-is-khenpo-sodargye%ef%bc%9f/


Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Ba 2015(Xem: 14292)
Dharmakāya (Pháp thân), thân tối thượng, tạo thành nền tảng của mọi phẩm hạnh của vị Phật, và nền tảng năng lực của các ngài để hoạt động. Bản tánh của Pháp thân thì thanh tịnh tự trạng thái nguyên thủy của nó và thuần tịnh không bị mọi ô nhiễm ngẫu nhiên. Siêu vượt tư tưởng và sự biểu lộ bằng ngôn từ,
25 Tháng Giêng 2015(Xem: 6223)
Trong “Một Quyển Sách Hướng dẫn đến Các Thung lũng Ẩn dấu Dremoshong và Khenpalung,” Pema Lingpa (1450-1521) đã viết rằng có bốn thung lũng vô cùng thiêng liêng và ẩn dấu trong rặng Hy Mã Lạp Sơn:
02 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5481)
Pháp tu Tonglen, hay cho (tong) và nhận (len), là một pháp tu của chư Bồ tát, những đứa con thiện nam tín nữ dũng cảm nhất của các đấng chiến thắng, là hành trì tất yếu để thành tựu Phật quả. Về mặt hành trì, thậm chí chỉ cần nghe tên của pháp tu này thôi cũng là điều may mắn rồi, vì thế nên Đạo Sư Tịch Thiên
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7799)
Đại chúng đọc “Sông Hằng: Lời dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn” – Bên bờ sông Hằng, những lời giảng này được Ngài Tilopa dạy cho Naropa. Đây là điều vô cùng quan trọng và cát tường để chúng ta cùng nhau đọc tụng văn bản này. Văn bản này được tụng đọc bởi rất nhiều đạo sư tâm linh khác nhau và các ngài đã gìn giữ những lời giáo huấn này trong tâm khảm của các ngài xuyên qua nhiều thế hệ khác nhau.
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9557)
Tập sách nhỏ “Du-già Tây Tạng, Giáo Lý và Tu Tập” này được dịch từ bản văn tiếng Anh có nhan đề là “Teachings of Tibetan Yoga” do Giáo sư Garma C. C. Chang – giảng sư của Tu viện Kong Ka ở miền Đông Tây Tạng khoảng trước năm 1950 – biên dịch từ Hoa ngữ, do nhà xuất bản Carol Publishing Group ấn hành năm 1993 tại New York, Hoa Kỳ.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6580)
Đề tài hôm nay là chỉ giáo về hành trì chiết xuất tinh chất. Tinh chất có thể được chiết xuất từ hoa, đá, nước và những chất khác, nhưng các giáo huấn sẽ nói về cách chiết xuất tinh chất của hoa. Thuật ngữ chiết xuất tinh chất nói về việc thọ dụng các viên thuốc bào chế từ hoa, thay vì dùng các chất thô của thức ăn.
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11909)
Chúng ta đã có được kiếp sống lý tưởng, hỗ trợ cho các tự do và thuận lợi rất khó tìm. Ta đã gặp được giáo huấn quý báu vốn khó gặp của Đức Phật, đã tìm ra các vị thầy tâm linh khó tìm của Đại thừa. Ở một thời điểm như vậy, ta nên hành động khá hơn loài thú, bằng cách hành trì giáo pháp thanh tịnh.
26 Tháng Mười 2014(Xem: 9849)
Ngài Tịch Thiên được sinh tại thành phố Saurastra, phương bắc của Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Ngài là con trai Vua Kushalavarma và Hoàng Hậu Vajrayogini. Từ tuổi thơ hoàng tử trẻ Shantivarman (tên của ngài lúc sinh) biểu lộ tài năng đặc biệt trong tất cả các lãnh vực kiến thức. Khi mới 6 tuổi ngài gặp một du già sư và thọ nhận lễ điểm đạo và các giáo pháp tu tập theo ngài Văn Thù (Manjushri). Khi tu tập pháp này, ngài đã tri nhận Ngài Văn Thù (Phật Bảo Hộ Trí Tuệ; Wisdom Deity) và đã nhận được trực tiếp nhiều giáo pháp từ ngài Văn Thù.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 6496)
Nhiều người tu tập Phật Giáo cảm thấy hoang mang khi nghe nói có các vị thầy Phật Giáo không tuân thủ một số giới luật, chẳng hạn như uống rượu, sống chung với các thành viên khác trong tập thể tu hành, v.v. Có những trường hợp ngoại lệ nào cho phép không tuân thủ giới luật hay không?